ALBERT EINSTEIN
TẤM GƯƠNG LỚN CỦA TƯ DUY ĐỘC LẬP
Nguyễn Xuân Xanh
|
Lời nói đầu
1) Giữa không khí học tập sôi động ngày càng gia tăng, mỗi người cố gắng vươn lên học hỏi nhiều hơn, tốt hơn, “tham vọng” hơn, có tính “ganh đua” hơn, thì có một tiếng nói khác thầm lặng và bình dị hơn: Albert Einstein. Quan niệm giáo dục của ông “hiền hòa”, khiêm tốn, tự nhiên hơn, nhưng không thiếu sự sâu sắc và tính chất bền vững. Ông học để hiểu, và hiểu biết là niềm vui, cũng như để có cơ hội phụng sự xã hội. Ông học vì óc tò mò nguyên sơ thánh thiện, và muốn hiểu những bí ẩn còn chứa đằng sau tấm màng tri thức của thời đại ông, ở thế giới vô cùng lớn và vô cùng nhỏ. Ông thường lập đi lập lại, ông không thông minh, mà chỉ tò mò, và kiên trì theo đuổi.
Dưới đây là một số nét của tư duy giáo dục Einstein. Ông cho thấy, còn có con đường, một thái độ triết lý khác để tiếp cận việc học hiệu quả, có chiều sâu, không rầm rộ, không ganh đua, không nhồi nhét, không áp lực, tự do và nhân văn hơn. Ông học mà không bị “tha hóa”, đúng hơn học để ông đích thực là ông hơn, để độc lập trong tư duy và nhận định, để mình không bị che mắt bởi những chân lý đã có sẵn, từ đó giúp ông nhìn thấy những ý tưởng hoàn toàn mới và có tính cách mạng.
Lối giáo dục của Einstein là nhằm gìn giữ và phát triển “bản gốc” của mình có thể bị mai một bởi nền giáo dục đại trà vô tình đánh mất, hay bởi ảnh hưởng của “những giá trị ảo” của cuộc sống bên ngoài. Tìm được “bản gốc” để sống thật với mình, để đam mê, yêu thích những gì mình làm, thao thức, sống hết mình và đi đến cùng tận của cuộc hành trình trí thức đúng theo tiếng gọi bên trong. Mỗi con người là một “bản gốc” thiêng liêng của tạo hóa, không ai giống ai. Hãy phát triển nó với những giá trị nhân văn phù hợp với nó, và can đảm từ chối những giá trị đi ngược lại nó. Hãy có đủ tự do, nhận thức, và chọn lựa. Einstein là hình tượng nguyên mẫu của giáo dục giữ gìn “bản gốc”. Trên bình diện cao hơn, nếu công dân gìn giữ được “bản gốc” thì họ cũng thể hiện được tính “bản gốc” của dân tộc. Ngược lại, một quốc gia hay dân tộc có thể đánh mất “bản gốc” của mình nếu một số đông đáng kể (critical mass) công dân đánh mất “bản gốc” của họ.
Những ý tưởng giáo dục của Einstein có thể là những viên gạch nền cho một nền giáo dục sáng tạo trong thế kỳ 21. Chúng ta vui mừng có một tiếng nói hữu ích để lắng nghe.
2) Bài viết này được viết ra trong tháng 4, 2021, tháng kỷ niệm 66 năm Einstein mất của Einstein, và 100 năm Einstein lần đầu tiên Einstein đặt chân lên đất Mỹ. Tạp chí Pi (π), do các Giáo sư toán Ngô Bảo Châu, Hà Huy Khoái, Phùng Hồ Hải et al. chủ trì, trong số 6 tháng 6.2021, đã có nhã ý đăng lại bài này trên mục DIỄN ĐÀN DẠY VÀ HỌC TOÁN của tạp chí:
Trang mục lục tạp chí Pi (π) số tháng 6, 2021
Xem thêm bài của tác giả trên tạp chí Pi:
Kỷ niệm 100 năm định lý Emmy Noether
3) Ngoài ra, ngày 16. 6, tạp chí Doanhnhanplus cũng vừa đăng lại bài với cách trình bày sáng tạo và có nhiều hình ảnh đẹp, xin cám ơn tạp chí:
https://doanhnhanplus.vn/albert-einstein-tam-guong-lon-cua-tu-duy-doc-lap-555071.html
4) Xem tiếp: Một luồng gió mới của chuyển đổi giáo dục
Dưới đây là bài viết. Trong phần [5] có vài đoạn cuối được cập nhật mới.
[1]
Einstein những năm đầu thế kỷ 20 ở Berlin
Tiến trình lịch sử nhân loại sẽ không có những tiến bộ như chúng ta thấy hôm nay nếu không có tư duy khoa học độc lập. Nếu chỉ biết lập lại tất cả những tư tưởng của các nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại, thì như Francis Bacon bốn thế kỷ trước nhận xét, thế giới không có khoa học hiện đại cũng như cuộc cách mạng công nghệ thế kỷ 18 ở Anh, mở màn cho cuộc chinh phục tự nhiên với quy mô lớn trong mưu cầu hạnh phúc nhân loại. Cũng sẽ không có đại học, nơi truyền bá tri thức và nghiên cứu khoa học. Một trong những „khí chất“ nổi trội của các dân tộc châu Âu là tư duy khoa học, logic, độc lập, óc tò mò và sự thôi thúc không ngừng khám phá cái mới, ngay cả khi nó phải thách thức quyền lực thống trị xã hội như từng xảy ra đối với Nhà thờ La Mã.
Ở Albert Einstein, những tính chất này có thể nói hội tụ đến đỉnh điểm. Nói „tư duy độc lập“ nhưng điều đó không phải dễ và đến tự nhiên với mỗi con người. Thực tế, ngoài những tiến bộ khoa học không thể chối cãi, nhân loại còn có một „kho chứa“ khổng lồ của đủ loại định kiến, mà các nhà khoa học, nghiên cứu phải từng bước loại bỏ. Nhưng với Einstein thì khác.
Ông là người “phản biện” hùng hồn, thuyết phục nhất, tượng trưng một mẫu người „tư duy ngoài hệ thống“, chứng minh giá trị ưu việt của khái niệm tự do, độc lập trong tư duy và cả trong cuộc sống, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm và lương tâm đạo đức và dấn thân của mình đối với cộng đồng. Ông là con người giải phóng, giải phóng mình ra khỏi mọi thứ quyền lực để có được tư duy độc lập. Ông tiếp nối truyền thống của Spinoza, Kant và Goethe, dẹp bỏ những rào cản của ước lệ, khuôn mẫu làm cản trở tư duy, để mang lại cho trí tuệ sức sống đích thực của nó. Ông để lại cho nhân loại một tấm gương thế nào là tư duy độc lập, là sáng tạo. Những gì Einstein phát biểu về giáo dục đều được cuộc đời ông „bảo chứng“.
Những khám phá của Albert Einstein, tượng đài vĩ đại của cuộc cách mạng khoa học vĩ đại diễn ra ở đầu thế kỷ 20, đều phản ánh một lối tư duy độc lập, „phản biện“, độc đáo, và diễn ra bên ngoài bộ máy hàn lâm, không theo lề thói cũ. Ông được ví như nhà kiến tạo (creator) và kẻ nổi loạn (rebel).
[2]
|
Ông nổi tiếng là người có cá tính rất mạnh ngay từ tuổi trẻ, và có tính tự học theo sở thích riêng của mình. Ở tuổi 15, ông đã dám bỏ trường trung học Maximilian Munich nổi tiếng của Đức là loại “trường thông thái” để đi qua Thụy Sỹ học, vì không thích không khí kỹ luật quân sự và sự kỳ thị chủng tộc ở đó. Trong thời gian theo học ở Đại học ETH, Zürich, ông lập một nhóm bạn gọi là Olympia Academy để tự học và thảo luận những chủ đề quan trọng trong triết học cũng như khoa học để định hướng phát triển cho mình. Ông phải tự học thuyết điện từ của Maxwell rất mới mẻ lúc đó chưa được dạy ở đại học, vì ông cảm nhận thuyết này có tính cách mạng, thuyết thật sự sẽ có mối liên quan đến Thuyết tương đối hẹp của ông sau đó. Ông bị giáo sư toán của mình ở đại học ETH Zurich, Hermann Minkowski, chê bai là sinh viên “lười biếng hay bỏ học”, cho đến khi vị này đọc được Thuyết tương đối hẹp của ông năm 1905 mới giật mình về thành tựu đặc sắc của người học trò “lười biếng” mấy năm trước của mình.
Einstein dám từ bỏ những nơi khuất tối, nhà nước, nhà trường, hay lớp học, thầy giáo, để tự đi tìm ánh sáng cho mình muốn nhắm tới bằng những phương tiện tự học. Đó quả là sự “lập thân” hết sức táo bạo. Bởi ông sẵn sàng chấp nhận mọi thiệt thòi của đời thường để đi theo lý tưởng khoa học của mình mà ông tin là quan trọng hơn. Đó là thái độ hết sức dũng cảm của người đi tìm chân lý. Và có lẽ chỉ như thế, ông mới khai phá những con đường chưa ai khai phá cả.
Khi thế chiến I nổ ra, ông là một trong ba nhà khoa học ở Đức chống lại chiến tranh bất chấp sự thật rằng tuyệt đại đa số giới trí thức Đức đã nồng nhiệt ủng hộ chiến tranh. Ngay cả Planck, người đã „triệu“ ông từ Bern về Berlin, cũng ủng hộ chiến tranh. Toàn bộ giới tinh hoa xung quanh ông đều như thế. Ông và hai đồng nghiệp khác viết Lời kêu gọi người châu Âu, kêu gọi họ hãy đoàn kết nhau chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa này để bảo tồn nền văn hoá của Châu Âu trước sự huỷ diệt. “Trong giai đoạn như thế này người ta mới thấy mình thuộc về giống loài đáng buồn nào”, như ông viết cho người bạn ở Hoà lan. Ông làm điều đó bất chấp nguy hiểm có thể xảy đến cho ông, bởi ông là người trẻ tuổi được hưởng ưu đãi cao nhất có thể có được của nhà nước Phổ. Và ở Mỹ, ông là người không chút ngại ngùng chống lại chủ nghĩa McCarthy, và chống lại chính sách kỳ thị chủng tộc của Mỹ. Ông luôn luôn giữ tính độc lập và yêu chuộng sự thật, công lý của mình.
Về khoa học, phẩm chất đặc biệt nhất là óc tò mò thánh thiện mạnh mẽ của ông. Hãy nghe Einstein trả lời khi được hỏi vì sao ông đã tìm thấy thuyết tương đối hẹp:
Nếu tự hỏi từ đâu tôi đã thiết lập nên lý thuyết tương đối, thì câu trả lời dường như nằm ở điều sau đây: người lớn bình thường hầu như không suy nghĩ về những vấn đề thời gian và không gian. Anh ta nghĩ rằng mình đã làm điều đó từ nhỏ rồi. Tôi ngược lại phát triển chậm về mặt trí tuệ đến nỗi tôi bắt đầu ngạc nhiên về không gian và thời gian khi tôi đã lớn rồi. Một cách tự nhiên, tôi đã thâm nhập vào toàn bộ vấn đề sâu hơn những đứa trẻ có năng khiếu phát triển bình thường khác.”
Ông lập đi lập lại:
Tôi không thông minh hơn người thường nào. Tôi đơn giản chỉ tò mò hơn một người trung bình, và tôi không bỏ cuộc trước một vấn đề cho đến khi tôi tìm được giải đáp. […] Không phải thông minh hơn là quan trọng, mà tò mò hơn và có lẽ kiên nhẫn hơn trong vấn đề tìm giải đáp cho một bài toán.
Óc tò mò, và tình yêu khoa học đã giúp ông vượt qua mọi khó khăn không thỏa hiệp để tiếp tục nghiên cứu khoa học dù trong hoàn cảnh không thuận lợi nào, như trong thời gian làm tại Sở Sáng chế Thụy Sỹ.
|
(1879-1955)
Albert Einstein lúc 17 tuổi. Đối với ông, thi tốt nghiệp trung học là một
“cơn ác mộng” gây tác hại về tâm lý cho học sinh như ông viết trong một bài báo (1917).
“Cho nên hãy hủy bỏ kỳ thi tú tài!” như ông kêu gọi.
Xem thêm
[3]
Tại sao Albert Einstein lại khám phá được nhiều điều cách mạng như thế, và mỗi khám phá là một chấn động thế giới, ngay cả sau khi ông đã mất rồi? Có nhiều mạch nước đổ vào dòng suối này. Vì ông sớm có tính tự lập được thể hiện trong cuộc sống; có đam mê mạnh mẽ đối với khoa học, và kiên trì theo đuổi những bài toán ông đặt ra hàng chục năm liền; có tư duy độc lập không theo lề thói, không bị giam cầm trong những tín điều có sẵn dù đúng hàng thế kỷ.
Câu nói nổi tiếng của Einstein, điều quan trọng là người ta không ngừng đặt câu hỏi, là kim chỉ nam cho hoạt động khoa học của ông. Không đặt câu hỏi có nghĩa là chấp nhận ít nhiều những quan niệm đang hiện hữu. Nhưng để có đủ bản lãnh để tự khẳng định mình mà không bị lạc lối, ông phải tự học rất nhiều theo sự dẫn dắt trực giác của ông. Ông nổi tiếng với quan điểm cho rằng óc tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ, có thể gây hiểu lầm. Chỉ có óc tưởng tượng thôi mà thiếu kiến thức cần thiết, điều đó có thể dẫn đến hoang tưởng tai hại.
Tư duy độc lập còn là sống thật với chính mình, là authentic, không sống theo ý nghĩ của người khác. Goethe từng nói: “Một đứa trẻ, một người trẻ, nếu họ đi nhầm trên con đường của chính họ, đối với tôi vẫn hơn những người đi đúng trên con đường lạ (không phải của họ).”
Nói như Abraham Lincoln, vị Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ:
Thiên tài cao ngất xem thường lối mòn đã đi. Họ tìm những vùng đất chưa bao giờ khai phá. Họ không tìm sự khác biệt trong việc thêm bớt một hai chi tiết ở những tượng đài của sự nổi tiếng được dựng lên trong ký ức của những người khác. […] Họ ghét bước theo dấu chân của bất cứ ai khác, dù nổi tiếng đến đâu. Họ khao khát cháy bỏng sự khác biệt.
Đó có thể bản khắc họa phần nào cho Einstein, mặc dù ông không phải ngay từ đầu “khao khát cháy bỏng sự khác biệt”, mà đúng hơn ông khao khát cháy bỏng hiểu sự vận hành của vũ trụ.
[4]
Giáo dục trung học là nền tảng định hình những con người trẻ cho nên vô cùng quan trọng, và ông đã trải nghiệm nhiều loại giáo dục khác nhau, ở Đức và Thụy Sĩ. Chúng ta hãy nghe vài nhận định từ tâm hồn nhạy bén của ông:
Kiến thức là chết, trong khi trường học là người phục vụ cho cuộc sống. Trường học nên làm cho những phẩm chất và năng lực, những thứ có có giá trị cho sự phát triển của cộng đồng, nảy nở trong những cá nhân trẻ tuổi. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tính cách cá nhân nên bị đánh mất đi, để cá nhân trở thành một công cụ không ý chí của cộng đồng, như con ong, con kiến. Bởi vì, một cộng đồng của những con người được tiêu chuẩn hóa không có đặc tính cá nhân và mục tiêu riêng của nó sẽ là một cộng đồng nghèo nàn không có những năng lực phát triển. Ngược lại, mục đích phải là đào tạo những cá nhân biết tự hành động và tư duy độc lập, nhưng lại nhìn thấy nhiệm vụ cao cả nhất của cuộc đời trong sự phục vụ cộng đồng.
Einstein, Về Giáo dục, trong Từ những năm sau của tôi
Một xã hội mà con người không có tư duy độc lập, hay bị „tiêu chuẩn hóa” theo một nghĩa nhất định, sẽ khó có cơ hội phát triển một cách sáng tạo như ông nói: “Bởi vì tất cả những gì vĩ đại và cao cả đều được tạo ra bởi cá nhân trong sự phấn đấu tự do.” Chính cá nhân tạo ra tài sản văn hoá cho nhân loại. Ông nói: “Có thể dễ dàng nhận thấy rằng tất cả những tài sản vật chất, tinh thần và đạo đức mà chúng ta nhận được từ xã hội xuất phát từ những nhân cách đơn lẻ qua vô số thế hệ.[…] Chỉ cá nhân đơn lẻ mới tư duy và qua đó mới tạo ra những giá trị mới cho xã hội.”
|
Ông diễn tả trong Thế giới như tôi nhìn:
Chỉ cá nhân riêng lẻ mới có thể tư duy và qua đó tạo ra những giá trị mới, tạo ra cả những tiêu chuẩn đạo đức mới mà dựa theo đó cuộc sống của cộng đồng phát triển. Không có những cá nhân sáng tạo, tự biết tư duy và phán đoán thì khó hình dung một sự phát triển cao của cộng đồng cũng như khó hình dung sự phát triển của các cá nhân riêng lẻ mà không có miếng đất nuôi dưỡng của cộng đồng. Một xã hội lành mạnh được gắn liền với tính tự chủ của các cá nhân cũng như với sự gắn bó xã hội sâu sắc của họ.
Năm 1900 ông tốt nghiệp trường Bách khoa Zurich với bằng cử nhân. Cảm tưởng của ông sau những kỳ thi:
Tất nhiên, điều bắt buộc là bạn phải tự nhồi nhét tất cả mớ hỗn độn này vào cho kỳ thi, dù bạn muốn hay không. Sự ép buộc này có tác dụng làm nản chí đến mức sau khi vượt qua kỳ thi cuối kỳ, tôi không còn hứng thú gì nữa nghĩ đến các vấn đề khoa học trong cả năm.
Và ông ngạc nhiên
Thật giống như một phép lạ, rằng hệ thống giảng dạy hiện đại vẫn chưa hoàn toàn giết chết óc tò mò thiêng liêng của nghiên cứu; bởi vì cây con mảnh mai này ngoài sự kích thích, chính yếu cần đến tự do; nếu không có thứ này, chắc chắn nó sẽ héo tàn. Thật là một sai lầm lớn khi tin rằng niềm vui trong việc quan sát và tìm kiếm có thể được thúc đẩy bởi sự cưỡng bức và ý thức trách nhiệm. Tôi nghĩ người ta có thể đánh mất tính háo ăn ngay cả của một con thú săn mồi lành mạnh nếu cứ bắt nó tiếp tục ăn dưới roi vọt ngay cả khi nó không đói, đặc biệt khi người ta dưới sự ép buộc như vậy lựa tự chọn cho nó những thức ăn theo cách người ta muốn.
Ghi chú tự sự – Autobiographical Notes
Lối giáo dục dùng cưỡng bách, gây sợ hãi là tai hại:
Đối với tôi, có lẽ điều tồi tệ nhất là khi một trường học hoạt động chính yếu với các biện pháp của sợ hãi, ép buộc và quyền lực giả tạo. Cách hành xử như vậy tiêu diệt các cảm xúc lành mạnh, sự chân thành và tự tin của học sinh. Nó tạo ra các thần dân khúm núm. […]
Einstein, Về Giáo dục, như trên
có thể dẫn đến những hậu quả khốc liệt lâu dài cho trẻ em:
Sự làm nhục và trấn áp tinh thần bởi những thầy thiếu hiểu biết và ích kỷ đã gây ra sự tàn phá nặng nề và không xóa được trong một tâm hồn non trẻ, và điều đó thường gây ra ảnh hưởng tai họa trong cuộc sống sau này.
Từ Tưởng niệm Paul Ehrenfest, trong Những năm sau của tôi
|
[5]
Einstein là người thể hiện trung thực những nguyên tắc giáo dục có tính khai phóng và nhân văn đó. Ông muốn trước nhất là một con người, một chủ thể, không phải một công cụ, và có trách nhiệm với cộng đồng:
Dạy con người một chuyên môn là chưa đủ. Thông qua đó, anh ta có thể trở thành một loại máy hữu dụng, nhưng không phải là một nhân cách phát triển hài hòa. Nhưng quan trọng là anh ta phải có một cảm giác sinh động về cái gì đáng giá để phấn đấu. Anh ta phải có một cảm giác sinh động về cái gì đẹp và tốt về mặt đạo lý.
Chỉ trong một môi trường giáo dục lành mạnh, có đủ tự do như khí trời thì từ sâu thẳm của nội tâm, con người mới tự biết mình khao khát, đam mê gì như chính bản thân ông đã trải nghiệm thời trung học ở Thụy Sĩ. Nhưng tự do không đơn thuần là tự do từ ngoài, mà cũng từ bên trong, từ quan niệm sống, trong chừng mực nào độc lập với những sự ham muốn vật chất hay danh vọng. “Những mục tiêu tầm thường của cuộc đấu tranh của con người: sở hữu, thành công, xa xỉ, đối với tôi từ những năm niên thiếu là đáng khinh” như ông nói. Ông sẵn sàng từ bỏ hết những thứ đó để giữ được độc lập và tự do. Có lẽ vì thế mà ông không bị vướng bận dưới chân để có thể đi xa đến những chân trời khám phá vĩ đại, và cũng là một nhân cách vĩ đại mà nhân loại có được.
Einstein giải thích tiếp về loại tự do cần thiết cho sáng tạo và phát triển:
Sự phát triển của khoa học và các hoạt động sáng tạo tinh thần nói chung còn đòi hỏi một thứ tự do khác, có thể được đặc trưng là tự do nội tâm từ bên trong. Cốt lõi của loại tự do tinh thần này nằm ở sự độc lập của tư tưởng khỏi những hạn chế từ những định kiến xã hội và độc đoán, cũng như khỏi các lệ thường và thói quen thiếu tính triết học nói chung. Tự do nội tại này là một món quà hiếm có của tự nhiên và là một mục tiêu đáng giá cho cá nhân phấn đấu. Tuy nhiên, cộng đồng cũng có đóng góp nhiều hơn nữa cho mục tiêu này, ít ra bằng cách không can thiệp vào sự phát triển của nó. Do đó, nhà trường có thể cản trở sự phát triển của tự do nội tại qua những ảnh hưởng độc đoán và sự áp đặt lên người trẻ gánh nặng tinh thần quá mức; mặt khác, trường học có thể hỗ trợ tự do này bằng cách khuyến khích tư duy độc lập. Chỉ khi tự do ngoại tại và nội tại được theo đuổi một cách liên tục và có ý thức, tinh thần mới có khả năng phát triển và trở nên hoàn hảo, và do đó, có ích cho việc cải thiện đời sống ngoại tại và nội tại của con người.
Trong Tự do và Khoa học 1940, Từ những năm sau của tôi
Xem thêm
Lý thuyết hạnh phúc của Einstein
Những gì có thể giết chết tư duy độc lập? Một trong những thứ đó là sự học quá tải:
Điều quan trọng sống còn đối với một nền giáo dục quý giá là tư duy phê phán độc lập được phát triển trong người trẻ, một sự phát triển bị đe dọa rất lớn khi anh ta bị làm cho quá tải với quá nhiều thứ, và quá nhiều chủ đề (hệ thống điểm). Quá tải tất yếu dẫn đến sự hời hợt.
Trong Giáo dục Tư duy độc lập, NYT, 5 tháng 10, 1952;
Hay trong Thế giới như tôi nhìn
Và sự đề cao tính hữu dụng ngắn hạn, sự cạnh tranh và chuyên môn hóa quá sớm. Einstein viết:
Quá nhấn mạnh lên chế độ cạnh tranh và chuyên môn hóa quá sớm trên cơ sở lợi ích tức thời sẽ giết chết tinh thần mà tất cả đời sống văn hóa được xây dựng trên đó, bao gồm cả kiến thức chuyên môn.
Trong Giáo dục Tư duy độc lập. Như trên
và
Tinh thần cạnh tranh này thịnh hành ngay cả trong trường học, phá hủy mọi cảm giác về tình huynh đệ và sự hợp tác của con người, quan niệm thành tích không phải xuất phát từ tình yêu dành cho công việc sáng tạo và có chiều sâu, mà bắt nguồn từ tham vọng cá nhân và nỗi sợ bị chối bỏ.
Trong French, Einstein, 218
Để tránh sự thiển cận, thành kiến, hời hợt Einstein khuyên những người trẻ nên đọc sách, cả sách về thời kỳ Trung cổ:
Ai chỉ đọc báo, hay xa hơn là sách của các tác giả đương thời, đối với tôi giống như một người bị cận thị nặng nhưng lại từ chối đeo kính. Người đó hoàn toàn bị lệ thuộc vào thành kiến và khuynh hướng thời trang, bởi vì người ấy không bao giờ thấy hay nghe bất cứ cái gì khác cả. Những suy nghĩ của một con người chỉ biết mình và không được gợi ý bởi những ý tưởng và kinh nghiệm của người khác, trong trường hợp thuận lợi nhất cũng chỉ là nghèo nàn và buồn tẻ.
Trong thời gian một thế kỷ mới có vài người được khai sáng để có được một sự hiểu biết toả sáng, phong cách và khẩu vị. Những gì chứa đựng trong các tác phẩm của họ là những tài sản quý giá nhất của nhân loại. Chúng ta do đó cám ơn một vài nhà văn của thời cổ đại đã giúp cho con người trong thời trung cổ giải phóng mình ra khỏi sự mê tín và thiếu hiểu biết, những cái đã làm cho cuộc đời họ tăm tối hơn năm trăm năm. Không có gì cần thiết hơn là việc khắc phục tính phô trương của con người tân thời chủ nghĩa của hiện tại!
Trong French, Einstein, 218
Einstein có tình yêu khoa học mãnh liệt, nhưng không phải để thần tượng hóa những chân lý hóa thạch, hay tôn sùng như những thánh tượng bất khả xâm phạm, mà yêu để khám phá, để tìm “Bản đồ của Chúa” như ông nói. Và để khám phá, trước tiên phải có tư duy độc lập và đủ tự do nội tâm (nội tại) cũng như ngoại tại.
Cuối cùng, Einstein, với tình yêu khoa học vô bờ bến, không phải là người vô cảm, thiển cận, chỉ biết đặt khoa học, kỹ thuật lên trên hết mọi thứ, nhất là trên phương diện đạo đức trong quan hệ giữa con người. Cả thế kỷ Khai minh bằng khoa học đã giúp dẹp bỏ nhiều định kiến và mê tín. Nhưng chỉ sự dẹp bỏ các chướng ngại thôi không đủ để đem lại sự tinh luyện con người. Không có một nền tảng đạo đức, chúng ta không thể sống chung. “Việc xây dựng một cuộc sống chung của con người có một tầm quan trọng vượt bậc”, và “Ở đây khoa học không thể cứu rỗi chúng ta”, như ông nói. Trong bài Sự cần thiết của một văn hóa đạo đức, Einstein viết tiếp:
Ở đây tôi không nghĩ nhiều đến những mối nguy hiểm mà tiến bộ kỹ thuật đã trực tiếp mang lại cho con người hơn là nghĩ đến sự phát triển quá mức của các mối quan tâm lẫn nhau của con người bằng một loại tư duy “matter of fact” (dựa trên dữ kiện thực tế), cái đã đọng lại trên các mối quan hệ của con người như một lớp băng giá lạnh.
Trong Thế giới như tôi nhìn
TÔI HY VỌNG với những trình bày trên đã nói lên được phần nào những nét căn bản của Einstein về giáo dục, tính độc lập trong tư duy, và tính cách nhân văn khai phóng con người ông. “Trên đầu tôi là bầu trời đầy sao. Bên trong tôi là định luật đạo đức” của Kant có lẽ đặc trưng con người của Einstein.
Xem thêm
Tư tưởng giáo dục của J. H. PESTALOZZI
và Trang đặc biệt ALBERT EINSTEIN
[6]
Nhìn sang phương Đông, nhà khai sáng Fukuzawa nhận định:
Văn minh Khổng giáo của phương Đông đối với tôi dường như thiếu mất hai thứ mà văn minh phương Tây có: khoa học trong lãnh vực vật chất, và “độc lập” trong lãnh vực tinh thần. […] Nếu các quốc gia, và dài hạn, nhân loại muốn tồn tại được, chúng ta không thể bỏ qua các định luật của khoa học, và phải đặt niềm tin của chúng ta vào nguyên lý của độc lập. […] Nhưng ở Nhật Bản các nguyên lý này đã hoàn toàn bị sao lãng, và trong khi đó, tôi tin rằng Nhật Bản không bao giờ có thể ngang bằng với các quốc gia phương tây. (2)
Đó là tiếng chuông Fukuzawa muốn gióng lên. Sự chuyển biến quốc gia chỉ có thể diễn ra mạnh mẽ trên cơ sở của nền tảng khoa học và giáo dục giúp con người tư duy độc lập, thoát khỏi thói quen suy nghĩ mơ hồ, không cơ sở, cũng như thiếu tinh thần độc lập và yêu chuộng chân lý. Nhà triết học Friedrich Nietzsche cuối thế kỷ 19 từng viết, châu Á chưa phải là “trường học của lý tính”, nghĩa là chưa suy nghĩ khoa học, và bảo vệ được những gì mình nói bằng chứng minh. Thực tế, các nhà khai sáng Nhật Bản Minh Trị ý thức sâu sắc sức mạnh của phương Tây nằm ở khoa học, giáo dục hiện đại và các thể chế, định chế thích hợp để phát triển tối đa những thứ đó trên cả bình diện quốc gia. Cuộc canh tân Nhật Bản cũng nhắm vào mục đích tối hậu đó. Khai sáng chỉ trên trên giấy không thể nào làm cho “quốc phú, binh cường” được. Phải có “thực học” như chủ đề nổi tiếng của Fukuzawa trong quyển sách Khuyến học của ông, hay như Francis Bacon bốn thế kỷ trước.
Xem thêm
Francis Bacon – Fukuzawa Yukichi và Việt Nam
Nguyễn Xuân Xanh
Tháng 4, 2021
Tham khảo
(1) Trong The New Quotable Einstein. Collected and edited by Alice Calaprice. Princeton University Press, 2000.
(2) Trong Carmen Blacker, The Japanese Enlightenment, 10. University of Cambridge press, 1969.
Đọc giả có thể tham khảo những quyển sách sau đây về đề tài Albert Einstein:
[1] Nguyễn Xuân Xanh, EINSTEIN, nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh. Đặc biệt Chương 10 về quan niệm giáo dục của Einstein.
[2] Albert Einstein, Thuyết tương đối hẹp và rộng, viết cho đại chúng. Nxb Tổng hợp TP HCM.
[3] Helen Dukas và Banesh Hoffmann, Albert Einstein, Mặt nhân Bản. Đỗ Thị Thu Trà và Nguyễn Xuân Xanh chuyển ngữ. Nxb: như trên.
[4] Albert Einstein, Từ những năm sau của tôi. Đỗ Thị Thu Trà và Nguyễn Xuân Xanh chuyển ngữ. (Sắp xuất bản 2021). Nxb: như trên.
[5] Bài Giáo dục Tư duy độc lập có thể tìm thấy trong quyển sách Albert Einstein, Ideas and Opinions. Wings Books. Trang 66.
[6] Thế giới như tôi nhìn: Bản tiếng Đức: Mein Weltbild (Thế giới quan của tôi). Nxb Ullstein. Hay các bản tiếng Anh tương ứng. Có bản tiếng Việt, nxb Tri thức.
[7] Ghi chú tự sự – Autobiographical Notes có thể tìm thấy trong Paul Arthur Schilpp (ed.), Albert Einstein als Philosoph und Naturforscher. Vieweg, 1979. Hay bản tiếng Anh tương ứng: Albert Einstein. Philosopher-Scientist. MJF Books, 1970.
[8] A. P. French, Einstein. A Centenary Volume. Harvard University Press, 1979. Số kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của A. Einstein.