ALBERT EINSTEIN VÀ CÂY ĐÀN PIANO Ở NARA, NHẬT BẢN
Einstein and the Piano at Nara, Japan
Người ta không thể không yêu mến và kính trọng đất nước này
Albert Einstein
Einstein đánh đàn ở khách sạn NARA, Nhật Bản, ngày 17, 12, 1922
(Nguồn: Albert Einstein, The persistent illusion of transience, ed. by Ze’ev Rosenkranz and Barbara Wolff, 209)
Ông rất vui vì cháu có niềm yêu thích sâu sắc với âm nhạc. Hãy trau dồi nó thật tốt, trên đời không có người bạn đồng hành nào tốt hơn. Ông không thể nghĩ về cuộc sống của mình nếu không chơi nhạc. Trong những lúc khó khăn (và cả những khoảnh khắc hạnh phúc nữa), ông có thể đối phó khá tốt với bản thân và với thế giới bởi vì ông luôn có thể trông cậy vào nó. Nó làm cho con người tự do và độc lập.
Einstein, từ một lá thư của ông cho cháu nội Bernard khoảng năm 1945
Ngày 11 tháng 2 năm 2024, tức mùng hai Tết, tôi nhận được email của anh Đàm Thanh Sơn từ Chicago thông báo rằng cây đàn piano mà Albert Einstein từng chơi tại khách sạn lâu đời ở thành phố Nara, sau thời gian hai tuần đại tu, đã trở về khách sạn Nara, và khách sạn sẽ tổ chức buổi hòa nhạc dành cho những ai đã đăng ký trước vào ngày 23 tháng hai này. Đối với anh Sơn, cũng như với tôi, tin đó là rất thú vị. Xin cảm ơn anh Sơn. Chúng ta còn nhớ một sự kiện khiến thế giới kinh ngạc: bút tích của Einstein, chỉ một câu vỏn vẹn trên tờ giấy viết của Khách sạn Hoàng gia Tokyo để tặng cho cậu bé phục vụ (bellboy) của khách sạn− sau gần 100 năm − được đã bán đấu giá với mức giá có lẽ ngoài sức tưởng tượng mọi người: 1.56 triệu đô la Mỹ! Nội dung của bút tích thể hiện triết lý hạnh phúc của Einstein.
Và hôm nay đúng ngày 23 tháng 2. Không biết có buổi hòa nhạc hoặc buổi đó được tổ chức thế nào.
CẬP NHẬT ngày 3/3/2024: Buổi hòa nhạc ngày 23 tháng 2 nói trên thật sự đã diễn ra, với cái tên “Những giai điệu của tương lai” do Shinji Akita, nghệ sĩ piano chuyên nghiệp đến từ tỉnh Nara biểu diễn. Cảm ơn anh Đàm Thanh Sơn đã theo dõi và cập nhật.
アインシュタイン博士が弾いたピアノ ”これからの音色”
この度、博士が弾いたピアノを後世にも引き継ぐために修理をいたしました。今回の修理ではピアノの音色をつかさどるパーツを取り替えたため、ピアノの音色が変化いたします。ピアノが奏でる”これからの音色”を、奈良県出身プロピアニスト 秋田慎治様の演奏に合わせてお楽しみください。
Cây đàn piano Harrington của khách sạn Nara, đã được sản xuất vào năm 1904 ở New York. Einstein đã chơi cây đàn piano này trong thời gian lưu trú hai ngày của ông bắt đầu từ ngày 17 tháng 12 năm 1922. Hình ảnh từ trang mạng của khách sạn.
Khách sạn Nara
Lần theo dấu chân Einstein, xin gửi bạn đọc vài thông tin dưới đây. Như chúng ta biết, Einstein có chuyến đi thăm Nhật Bản tổng cộng 6 tuần, từ 17 tháng 11 đến ngày 29 tháng 12 năm 1922 (Xem sách Einstein). Ông đã được chào đón cực kỳ nồng nhiệt, nhưng đồng thời phải diễn thuyết cật lực theo yêu cầu của người mời là Nhà xuất bản Kaizosha phù hợp với hợp đồng đã được thương thảo.
Việc Einstein cùng với người hướng dẫn Inagaki đến thành phố Nara và ở lại khách sạn Nara một đêm là một chi tiết nhỏ không có gì đặc biệt lắm so với các sự kiện lớn của chuyến thăm. Chỉ “đặc biệt” là ông có đánh đàn trên cây đàn piano đặt tại phòng lễ tân như một “dấu vết còn để lại với cây đàn vẫn còn tồn tại hơn 100 năm qua. Ở đâu Einstein chạm đến, thì ở đó thành dấu vết đáng ghi nhớ. Và một “đặc biệt” thứ hai: khách sạn Nara là một địa chỉ rất sang trọng, và từng được nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới giới đến ở đó không kể hết, đặc biệt có Bertrand Russel (1921), Charlie Chaplin (1936), Helen Keller (1937), Jawaharlal Nehru (1957), Audrey Hepburn (1983), Dalai Lama (2003), để kể một số ít.
Nhưng cái đặc biệt thứ ba có lẽ nổi bật hơn: Nara là thủ đô của nhà nước đầu tiên của Nhật Bản được chọn từ 710-794 tức ở thế kỷ thứ 8. Nhà nước được tổ chức dựa theo kinh nghiệm của nhà Đường, Trung Hoa. Phật giáo phát triển mạnh mẽ, cũng như nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc. Nara xây dựng một tượng phật vĩ đại bằng đồng cao 16m. Tượng được đặt trong cái tháp bằng gỗ có tên Tōdai-ji. Thế kỷ 8 được gọi là “thế kỷ vàng” của Phật giáo ở Nhật Bản. Einstein đã đến tham quan bức tượng này.
Tượng Phật lớn ở Nara, được xây dựng từ 743-752
Trước ngày thăm Nara của Einstein (17.12.1922) là những buổi làm việc về khoa học của Einstein tại Kyoto, thủ đô xưa của Nhật Bản từ 784-1868 nằm ở phía Bắc của Nara. Kyoto cũng đầy tượng Phật và đền thờ. Đông đảo sinh viên và giáo sư đã chào đón Einstein bằng tiếng Đức hoàn hảo. Ông được yêu cầu nói về sự hình thành của thuyết tương đối. May mắn thay, người thông dịch và cũng là nhà vật lý từng học ở Đức Ishiwara đã ghi chép cẩn thận để sau đó công bố thành một bài báo. Tôi đã đăng lại bài này trong phần phụ lục của quyển sách thuyết tương đối hẹp và rộng của Einstein viết cho đại chúng.
Thời gian sau đó ông đi tham quan đảo Miyajima, không xa thành phố “định mệnh” Hiroshima lắm, như chặng đường cuối cùng, chuẩn bị rời Nhật Bản để đi tiếp đến Palestine, Tây Ban Nha, và Nam Mỹ.
Cảm ơn sự chú ý của bạn đọc. Viết vội tối ngày 23/2/2024.
Nguyễn Xuân Xanh
Xem thêm chuyến ghé thăm của Einstein tại Singapore trên chuyến đi thăm Nhật Bản năm 1922:
https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/chuyen-tham-singapore-cua-einstein-100-nam-truoc/