Bài 6: Trung Quốc và ‘canh bạc’ chip bán dẫn

by , under Uncategorized

TRUNG QUỐC VÀ ‘CANH BẠC’ CHIP BÁN DẪN

Nguyễn Trung Dân

Khó khăn lớn nhất của Trung Quốc trong việc phát triển và sản xuất chip bán dẫn không phải là thiếu tiền. Ngược lại, Trung Quốc có thừa tiền để mua toàn bộ công nghệ tiên tiến nhất, thậm chí có thể mua cả các chuyên gia sử dụng chúng. Nhưng…

Ngày nay chúng ta đã thấy khá rõ tầm quan trọng đặc biệt của chip bán dẫn không chỉ với các mặt hàng điện tử dân dụng mà còn trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế cũng như với an ninh quốc phòng. Chip bán dẫn có thể được coi như “hệ thần kinh trung ương” của tất cả các thiết bị điện tử hiện đại. Các máy móc này nếu thiếu chip bán dẫn thì chỉ là các khối kim loại vô dụng không hơn không kém.

Ví dụ rõ thấy nhất là chỉ riêng năm 2021 do thiếu hụt chip bán dẫn mà ngành công nghiệp xe hơi thế giới đã giảm sản xuất 7,7 triệu xe hơi, trị giá 210 tỷ USD (theo The New York Times dựa trên số liệu của AlixPartners). Hơn thế nữa, chip bán dẫn hiện đại là yếu tố có tính quyết định cho phát triển các công nghệ mới như AI (Artifitial Inteligent hay trí tuệ nhân tạo), ML (Machine Learning), các hệ thống tính toán mô phỏng (simulators), máy tính quang tử (Photonics Computing) …

Đặc biệt hơn nữa, chip bán dẫn còn có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc chạy đua giữa các cường quốc trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ mang tên cuộc cách mạng thông tin lượng tử. Có thể khẳng định chắc chắn rằng quốc gia nào làm chủ trước tiên các công nghệ này sẽ có những ưu thế áp đảo cả về khoa học và công nghệ tương lai lẫn kinh tế, thương mại, quốc phòng…

Nhiều hãng xe lớn trên thế giới đã phải điều chỉnh kế hoạch bán trước khủng hoảng nguồn cung chip. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ô tô của hãng Volkswagen ở Poznan, Ba Lan, ngày 27.4.2020. Ảnh: PAP/TTXVN

 

‘Đốt’ tiền làm chip

Mặc dù nhiều người biết tầm quan trọng của mặt hàng chiến lược này, ít ai biết được rằng kể từ năm 2013 Trung Quốc đã chi cho nhập khẩu chip bán dẫn nhiều hơn nhập khẩu dầu mỏ và năng lượng. Số tiền nhập chip của Trung Quốc tăng lên không ngừng, chẳng hạn như năm 2013 là 232 tỷ USD và vào năm 2021 lên tới 430 tỷ USD, so với tiền nhập khẩu dầu mỏ năm 2013 là 156 tỷ và năm 2021 vào khoảng 257 tỷ USD.

Cũng vì thế mà không lấy làm lạ là từ năm 2015 Trung Quốc đã có chính sách chạy đua trong lĩnh vực phát triển và sản xuất chip bán dẫn, coi đó là chìa khóa quyết định của chương trình đầy tham vọng “Made in China 2025”. Chương trình này đặt ra mục tiêu là đến năm 2025, Trung Quốc sẽ tự lực sản xuất 70% các bộ phận công nghệ cốt lõi, trong đó chip bán dẫn tiên tiến được coi là ưu tiên hàng đầu.

Truyền thông quốc tế đưa tin rộng rãi về việc không chỉ nhân sự cấp cao của chính phủ được giao đặc trách chương trình phát triển chip bán dẫn mà còn có 4 bộ liên ngành và với một ngân sách 10 năm lên tới 170 tỷ USD. Năm ngoái, khi đến thăm một công ty sản xuất chip bán dẫn ở Vũ Hán, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi chip bán dẫn là “dây cứu hộ” (lifeline) cho nền công nghệ và kỹ thuật của đất nước.

Trung Quốc hy vọng có thể tự sản xuất 70% chất bán dẫn mình cần vào năm 2025 và cố gắng cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài. Nhưng theo SCMP đưa tin mới đây, khoảng 3.470 công ty có chữ “chip” trong tên gọi hoặc mô tả kinh doanh tại Trung Quốc đã ngừng hoạt động trong giai đoạn tháng 1-8, vượt mức 3.420 của cả năm 2021, theo thống kê của nền tảng dữ liệu kinh doanh Quichacha. Nguồn: Vnexpress

Trởi lại năm 2015, thởi điểm đó cả thế giới sửng sốt khi hay tin Tập đoàn Thanh Hoa (Tsinghua Unigroup) của Trung Quốc trả tới 23 tỷ USD để mua lại công ty sản xuất chip Micron của Mỹ. Cần nhớ lại rằng, trước đó 10 năm công ty Lonovo của Trung Quốc mua lại toàn bộ công nghệ và dây chuyền sản xuất máy tính cá nhân, bao gồm máy tính xách tay nổi tiếng Thinkpad của IBM với giá 1,25 tỷ USD. Thương vụ đã bị dư luận Mỹ thởi điểm đó hết sức phản đối. Vì vậy, vụ mua lại Micron này của Tập đoàn Thanh Hoa ngay lập tức đã bị quốc hội Mỹ ngăn cản với các lý do liên quan đến an ninh quốc gia.

Mặc dù vụ mua lại công ty Micron bị thất bại, nhưng Tsinghua Unigroup trở thành công ty lớn nhất của Trung Quốc phát triển chip bán dẫn và ông chủ Zhao Weiguo được mệnh danh là ‘gã si cuồng bán dẫn’ (Semiconductor Madman) do một loạt các quyết định đầu tư khổng lồ vào lĩnh vực bán dẫn. Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến thỏa thuận đầu tư với Intel sản xuất chip cho smartphone trị giá 1,4 tỷ USD, ký kết hợp tác với Dell công ty máy tính hàng đầu của Mỹ, mua lại một phần công ty điện tử nổi tiếng Western Digital…

Tuy nhiên, vào tháng 7.2021 Tập đoàn Thanh Hoa lại gây cho thế giới sửng sốt không kém vụ mua bán không thành Micron cách đây bảy năm, khi thông báo tập đoàn bắt đầu tiến hành các thủ tục khai phá sản. Là tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, trong nhiều năm qua Tsinghua đã nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ chính quyền trung ương và địa phương khi theo đuổi tham vọng tạo ra ngành công nghiệp bán dẫn độc lập, một phần quan trọng sáng kiến công nghiệp “Made in China 2025” của Bắc Kinh. Vụ việc này đi cùng với một loạt các quan chức lãnh đạo của tập đoàn và một số quan chức nhà nước bị điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật”, một thuật ngữ thường đề cập đến tham nhũng.

Tsinghua Unigroup không có khả năng trả được nợ và đã bỏ lỡ một loạt thời hạn thanh toán trái phiếu kể từ tháng 11.2020. Ảnh chụp màn hình. Nguồn: Báo Thanh niên

Điều gây thất vọng cho Bắc Kinh có lẽ là mặc dù được ưu tiên đầu tư đặc biệt, các tiến bộ trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn của nước này hết sức chậm. Trong những năm qua, mức đầu tư vào linh vực chip bán dẫn tăng khoảng 7% hàng năm so với 6.8% cho quốc phòng. Kế hoạch “Made in China 2025” đề ra mục tiêu sản xuất chip 40% năm 2020 và 70% vào năm 2025. Tuy nhiên, theo số liệu nghiên cứu của IC Insight thì sản phẩm chip sản suất tại Trung Quốc năm 2021 chỉ chiếm 15,9 % trong tổng số chip tiêu thụ ở Trung Quốc so với 15,1% năm 2014. Đó là chưa kể các loại chip của Trung Quốc còn lạc hậu 2 đến 3 thế hệ so với các chip của Mỹ thiết kế và sản xuất bởi Samsung và TSMC.

Hiện nay, các chip bán dẫn tiên tiến nhất có các vi mạch và transistor kích thước khoảng 5 đến 7 nm (nanometer), thế hệ thấp hơn tiếp theo có kích thước 14 nm. Samsung và TSMC đang chuẩn bị sản suất thế hệ tiếp theo có kích thước khoảng 3nm. Trong khi đó, chip hiên đại nhất mà Trung Quốc có thể sản xuất có kích thước 28 nm, bị cáo buộc ăn cắp công nghệ của TSMC năm 2017.

 

Nguy cơ ‘vỡ mộng’

Ngay cả trong trường hợp này nếu các công ty quốc tế ngừng cung cấp các thiết bị thì Trung Quốc cũng khó lòng tiếp tục sản xuất. Để dễ hình dung các kích thước nhỏ bé nói trên, bạn đọc có lẽ nên biết rằng kích thước của virus Covid-19 là vào khoảng 100 nm. Sở dĩ chip càng tiên tiến thì các linh kiện có kích thước càng nhỏ thì trên cùng một diện tích bề mặt sẽ chứa được nhiều hơn các linh kiện và transistor, vì vậy càng tăng cao tốc độ xử lý và tính toán.

Một phần của hệ thống sản xuất chip bán dẫn của ASML. Ảnh: The New York Times

Công nghiệp bán dẫn được coi là một lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật phức tạp nhất của nhân loại,  đòi hỏi một sự liên kết toàn cầu hết sức chặt chẽ. Chẳng hạn như các chip tiên tiến nhất thường được thiết kế ở Mỹ và Nhật, các hệ thống máy móc cực kỳ tinh xảo dùng cho sản xuất chủ yếu được chế tạo tại Hà Lan, các dây chuyền sản xuất chip chủ yếu là ở Đài Loan và Hàn Quốc, việc kiểm tra và lắp ráp thường được thực hiện ở Trung Quốc.

Sự phân công quốc tế như vậy là một quá trình tối ưu hóa dựa trên ưu thế truyền thống của các quốc gia nói trên cũng như sự cạnh tranh khốc liệt xảy ra hàng chục năm giữa các quốc gia và các công ty công nghệ. Đặc biệt nhất phải kể đến là hệ thống máy móc sản xuất chip do công ty ASML của Hà Lan chế tạo.

Hệ thống mới nhất của ASML trị giá 150 triệu USD và phải vận chuyển bằng tàu biển với 40 conteiner và 3 chuyến Boeing 747. Từ 2017 ASML chỉ sản xuất tổng cộng khoảng 100 hệ thống cho khách hàng chính là TSMC, Samsung. TSMC, Samsung  sẽ sử dụng các hệ thống này sản xuất các chip được thiết kế bởi Apple, Intel, NVDIA… để phục vụ cho các sản phẩm riêng của họ.

Thoạt tiên, vào đầu những năm 1980, ASML dùng công nghệ in thạch bản (lythography) vốn là lĩnh vực truyền thống của Hà Lan (nơi có các nhà xuất bản các tạp chí khoa học nổi tiếng châu Âu hàng trăm năm) để in các vi mạch của chip bán dẫn. Tuy nhiên, công nghệ này không thể nào in được các vi mạch có kích thước nhỏ.

Tấm bán dẫn với các chip được in bằng hệ thống tử ngoại cục ngắn. Ảnh: New York Times

Vào những năm 1990, ASML phát minh ra phương pháp mới dùng các tia ánh sáng tử ngoại có bước sóng cực ngắn (Extreme Ultraviolet – EUV) để khắc các chi tiết cực nhỏ của vi mạch lên tấm bán dẫn. Chi phí cho phát triển kỹ thuật này lên tới 8 tỷ USD.

Để chiếu hội tụ các tia cực tím này lại đòi hỏi các thấu kích quang học đặc biệt và ASML phải tìm tới nhà sản xuất thấu kính (lens) nổi tiếng Zeiss của Đức với hơn 175 năm tuổi. Chưa hết, để tạo ra các nguồn tử ngoại cực ngắn có công suất đủ mạnh lại phải cần đến một công ty laser ở San Diego (Mỹ), công ty này lại dựa vào các vật liệu đặc biệt của Nhật. Toàn bộ hệ thống của ASML lại được thiết kế và điều khiển bởi phần mềm do một công ty của Mỹ cung cấp…

Đến đây, chắc bạn đọc đã rõ tại sao luật hạn chế công nghệ bán dẫn của Mỹ đối với Trung Quốc có ảnh hưởng to lớn như thế nào dù Mỹ không nắm ASML của Hà Lan. Đơn giản là luật này cấm bán cho Trung Quốc tất cả các máy móc thiết bị dù do nước ngoài sản xuất nhưng có sử dụng các bộ phận, thiết bị, hoặc dưới quyền bảo hộ các bản quyền phát minh cũng như các phần mềm của Mỹ.

Chính vì vậy, chính sách “tự lực cánh sinh” do ông Tập đề ra nhằm biến Trung Quốc tự chế tạo chip bán dẫn từ đầu đến cuối với mục đích chính trị “Made in China” trong tất cả các lĩnh vực công nghệ cao là một thách thức vô cùng to lớn. Các kết quả thực tế cho đến nay cho thấy ước mơ trở thành một cường quốc chất bán dẫn vẫn chỉ là mơ ước.

Công nghiệp bán dẫn được coi là một lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật phức tạp nhất của nhân loại,  đòi hỏi một sự liên kết toàn cầu hết sức chặt chẽ. Ảnh minh hoạ: The New York Times

Khó khăn lớn nhất của Trung Quốc trong việc phát triển và sản xuất chip bán dẫn không phải là thiếu tiền. Ngược lại, Trung Quốc có thừa tiền để mua toàn bộ công nghệ tiên tiến nhất, thậm chí có thể mua cả các chuyên gia sử dụng chúng. Vấn đề mấu chốt là ở chỗ Trung Quốc không có được sự hợp tác của cả một hệ thống quốc tế liên hoàn như đã trình bày ở trên. Các thách thức của Trung Quốc còn lớn hơn rất nhiều do việc Tổng thống Mỹ Biden đã ký đạo luật ‘Chips and Science Act’ trị giá 280 tỷ USD thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn ở Mỹ với mục tiêu chính nhằm kiềm chế Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Đặc biệt hơn nữa vào ngày 7.10.2022, Tổng thống Biden lại cho ban hành một loạt các chính sách cụ thể gần như triệt để giới hạn không cho các công ty của Trung Quốc có thể tiếp cận được các chip tiên tiến nhất. Điều luật mới này còn cấm không cho bất cứ công dân nào của Mỹ kể cả những người có “thẻ xanh” tham gia vào bất cứ hoạt động nào của Trung Quốc về chip bán dẫn. Đây có thể coi là một đòn gây ảnh hưởng hết sức lớn đối với sự phát triển chip của Trung Quốc trong thời gian sắp tới…

Lệnh cấm vận của Mỹ từng thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn Trung Quốc, nhưng nhiều công ty đang cảnh báo tình hình tồi tệ hơn vào năm 2023. Trong ảnh là công nhân tại một nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc hồi tháng 3.2022. Nguồn: Reuters/Vnexpress

 

Đôi điều suy nghẫm

Qua loạt bài về lịch sử phát triển transistor và chip bán dẫn chúng tôi hy vọng bạn đọc được cung cấp một số thông tin cơ bản về một lĩnh vực cực kỳ quan trong của nền khoa học, công nghệ và kinh tế toàn cầu. Qua các bài viết, tác giả hy vọng những câu chuyện về transistor và chip bán dẫn có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn tầm quan trọng của các linh kiện nhỏ bé nhưng lại đóng vai trò đặc biệt vô cùng quan trọng trong mọi mặt của xã hội, từ nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng điện tử đến việc phát triển nền kinh tế công nghiệp hiện đại và cả lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia.

Việc các quốc gia vốn có nền khoa học dù chưa cao nhưng đã biết cách phát huy để tận dụng tối đa các ưu thế của mình, đạt được các thành tựu quan trọng về phát triển và sản xuất chip bán dẫn là một bài học đáng suy ngẫm.

Trước hết, như đã thấy ở các bài 1, 2, 3 thì phát minh ra transistor và chip bán dẫn không phải là một khám phá tình cờ mà là một quá trình lâu dài và bền bỉ xuất phát từ các nhu cầu cấp bách, thoạt tiên là của lĩnh vực liên lạc viễn thông sau đó là công nghệ thông tin và máy tính điện tử cũng như các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Đặc biệt hơn cả, những nhà lãnh đạo của Bell Labs đã có tầm nhìn xa cũng như có những chính sách tuyển chọn người và có kế hoạch đầu tư lâu dài. Không có những điều trên đây thì transistor đầu tiên của nhân loại khó ra đời vào những năm sau Thế chiến II. Dĩ nhiên, vai trò cá nhân của ba nhà khoa học Bardeen, Brattain và Shockley có vị trí đặc biệt trong phát minh có tầm quan trọng lịch sử này.

Các thách thức của Trung Quốc còn lớn hơn rất nhiều do việc Tổng thống Mỹ Biden đã ký đạo luật ‘Chips and Science Act’ trị giá 280 tỷ USD. Ảnh: Getty

Thứ hai, một bài học lớn phải kể đến là việc các cường quốc khoa học ở châu Âu đã bỏ lỡ cơ hội vàng khi chính họ cũng đã phát minh ra transistor sớm cùng một thời gian với các nhà khoa học của Bell Labs. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu và phát triển của Pháp và châu Âu bị tàn phá nặng nề sau Thế chiến II. Tuy vậy, lý do không kém phần quan trọng là ảnh hưởng của các chính sách khoa học cũng như sự chi phối quá sâu của chính phủ Pháp lúc bấy giờ vào nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng là lúc bấy giờ các nước châu Âu dù có nền khoa học tiên tiến nhưng không chú trọng đúng mức khoa học ứng dụng và vì vậy đã để tuột mất cơ hội vàng bán dẫn.

Thứ nữa, qua câu chuyện Sony bắt kịp “chuyến tàu đầu tiên” của công cuộc phát triển transistor và chip bán dẫn ở bài Transistor – phát minh có ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc cách mạng tin học cho thấy nhạy bén và quyết đoán của lãnh đạo tập đoàn này cũng như sự hỗ trợ kịp thời của chính phủ Nhật Bản lúc bấy giờ là điều kiện có tính quyết định cho sự thành công.

Việc hàng loạt các công ty của Nhật Bản sớm tham gia vào nền công nghiệp điện tử, đưa quốc gia này trở thành một cường quốc sản xuất các mặt hàng điện tử dân dụng từ những năm 1960, cho thấy tầm quan trọng của việc bắt kịp các công nghệ mới ảnh hưởng to lớn đến phát triển kinh tế cũng như nền khoa học và công nghệ của Nhật Bản. Tuy vậy, cũng có nhiều yếu tố may mắn. Nếu nhà đồng sáng lập Sony không đi tham quan New York vào đầu những năm 1950 thì điều may mắn nói trên chưa chắc đã xảy ra.

Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) là nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ – Trung, tỷ lệ đóng góp cho doanh thu của dòng chip tiên tiến cho tổng doanh thu của SMIC rơi thẳng đứng sau lệnh cấm của Mỹ. Ảnh: Phone Arena/Zing

Trường hợp của Hàn quốc, đặc biệt là Samsung trở thành đại công ty về chip bán dẫn dù ít được  nhắc tới so với TSMC (Đài Loan) nhưng cũng rất đáng suy nghĩ. Đầu tiên phải kể đến là việc chính phủ Hàn Quốc đã sớm nhận thấy lĩnh vực công nghiệp điện tử dân dụng là lĩnh vực cần được ưu tiên phát triển. Được Giáo sư Kim Wan-Hee (Đại học Colombia, Mỹ) cố vấn, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua “Đạo luật Thúc đẩy phát triển điện tử” (Electronics Promotion Act) tháng 1.1969. Không phải tình cờ mà các nhà sáng lập Samsung đã thành lập chi nhánh Samsung Electronics Corporation ngay trong tháng 1.1969.

Trước đó, Samsung đã ký các thỏa thuận liên doanh với các công ty Nhật như Sanyo Electronics (11.1968) và sau đó là NEC (9.1969) nhưng không nắm được các công nghệ của Nhật. Vì vậy bước đi được coi có tính chất quyết định của Samsung để thực sự làm chủ công nghệ bán dẫn là khi họ mua lại một công ty chế tạo chip bán dẫn tên là Hankook Semiconductor năm 1974.

Hankook là một liên doanh giữa một công ty Hàn và Công ty Integrated Circuit International, Incorporated (ICII) ở California do ba người bạn gốc Hàn du học ở Mỹ sáng lập. Trong ba người bạn thì hai là bạn học, một người tốt nghiệp tiến sỹ về bán dẫn, một người ra làm quản lý sản xuất bán dẫn cho một công ty của Mỹ. Người còn lại làm việc trong lĩnh vực tài chính.

Vào những năm 1970, ICII rất thành công ở Mỹ và muốn liên doanh sản xuất với Hankook của Hàn quốc. Cần nói thêm là hội đồng quản trị của Samsung đã phản đối quyết định mua lại Hankook, vì vậy hai cha con nhà sáng lập Samsung, Lee Byung-Chull và Lee Kun-Hee đã tự bỏ tiền riêng để mua lại Hankook.

Đến cuối năm 1977 thì Hankook và một số cơ sở của Samsung Electronics hợp nhất và trở thành Samsung Semiconductor. Kết quả thì như chúng ta đã rõ, ngày nay Samsung là công ty nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn lớn thứ hai của thế giới (sau TSMC) và là một trong hai công ty sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới.

Công ty sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC cho biết chi phí nghiên cứu và xây dựng hệ thống sản xuất chip hiện đại nhất của họ với kích thước 3nm lên đến 20 tỷ USD. Ảnh minh hoạ: Shutterstock

Tuy nhiên, dẫu có muộn nhưng nếu có chiến lược đúng đắn thì sự thành công vẫn hoàn toàn có thể đạt được. Câu chuyện từ một người sa cơ lỡ vận ở Mỹ, ông Morris Chang được giới chức Đài Loan chọn mặt gửi vàng, sáng lập TSMC vào năm 1987, là bài học giá trị trong việc trọng dụng nhân tài. Dù ra đời rất muộn so với các công ty khổng lồ trong lĩnh vực bán dẫn, TSMC giờ đây đã trở thành công ty sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới (mời xem loạt bài của cùng tác giả về Morris Chang). Nền công nghiệp chip bán dẫn đã đưa Đài Loan lên vị trí vô cùng đặc biệt trong nền kinh tế và chính trị thế giới, thậm chí, TSMC còn được gọi là “lá chắn silicon” (silicon shield).

Cuối cùng là Trung Quốc. Phải công nhận cường quốc này đã có những bước tiến vượt bậc trong khoảng 10 năm qua trong lĩnh vực chip bán dẫn. Tuy vậy, như đã trình bày ở trên, phương pháp mệnh lệnh và duy ý chí có thể làm được nhiều điều kinh khủng nhưng dường như không thích hợp với các lĩnh vực công nghệ, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi sự hợp tác và tín nhiệm giữa các đối tác quốc tế. Có lẽ câu trả lời về trường hợp của Trung Quốc cũng không còn xa lắm.

New York, tháng 10.2022

Nguyễn Trung Dân

Tác giả bài viết có trên 25 năm nghiên cứu về vật lý lý thuyết và ứng dụng các chất bán dẫn, trong đó có thời gian nghiên cứu ở Italy, Đức, Nhật  và Mỹ (từ 1998). Là Associate Research Professor của Đại học Arizona cho đến 2017 chuyển sang làm nghiên cứu viên cao cấp tại trung tâm nghiên cứu của một công ty công nghệ cao, đa quốc gia tại New York, nghiên cứu về lĩnh vực Viễn Thông lượng tử và Mô phỏng lượng tử, đồng thời vẫn tiếp tục giữ cương vị giáo sư ngoài biên chế (Adjunct Professor) của Đại học Arizona. Là tác giả cuốn sách chuyên môn “Modeling and design photonics by examples using Matlabs” đang được sử dụng làm giáo trình trong một số Đại học ở Mỹ.

________________

Tài liệu tham khảo:

1. “Xi Jinping’s Vision for Tech Self-Reliance in China Runs Into Reality”, New York Times 29.8.2022.

2. “The Failure of China’s Microchip Giant Tests Beijing’s Tech Ambitions”, New York Times 19.7.2021.

3. “The Tech Cold War’s ‘Most Complicated Machine’ That’s Out of China’s Reach”,  New York Times 04.7.2021.

4. https://semiwiki.com/semiconductor-manufacturers/samsung-foundry/7994-a-detailed-history-of-samsung-semiconductor/

Chú thích: Bài của TS Nguyễn Trung Dân được đăng lần đầu tiên trên báo Người Đô Thị, và nay được tác giả cho phép đăng lại trên mạng rosetta.vn. Xin chân thành cảm ơn tác giả.