Diễn văn Gettysburg của Abraham Lincoln

by , under Uncategorized

DIỄN VĂN HUYỀN THOẠI GETTYSBURG

CỦA ABRAHAM LINCOLN

150 NĂM

(1863-2013)

Nguyễn Xuân Xanh

(27.2.2014)

Cập nhật 19. 11. 2022. Ngày này, năm nay, bài diễn văn huyền thoại Gettysburg của Abraham Lincoln được 159 năm tuổi, 1863 – 2022. Ông muốn tưởng niệm 3.500 chiến sĩ của Union (Liên bang) đã ngã xuống chiến trường Gettysburg, giữa lúc chiến sự vẫn còn tiếp diễn. Bài diễn văn chỉ dài vỏn vẹn 272 chữ, đọc trong vòng 2 phút, nhưng lại vô cùng nổi tiếng, so với bài diễn văn kéo dài 2 tiếng đồng hồ của nhà hùng biện tên tuổi đương thời Edward Everett. Năm nay, Christopher Oakley, một nhà làm phim hoạt hình Disney trước đây, đã kết hợp phân tích các bức ảnh thế kỷ 19 với phần mềm mô hình 3D thế kỷ 21 để lập luận rằng Lincoln đang đứng bên trong nghĩa trang quốc gia để đọc bài diễn văn. Dưới đây là ảnh minh họa của Oakley trong báo The New York Times ngày hôm qua.

Tôi mong rằng, sớm có một nhà lãnh đạo Việt Nam trong một chuyến thăm nước Mỹ đến đó thăm và đặt vòng hoa cho những người đấu tranh cho tự do đã vĩnh viễn nằm xuống đó. Và để hiểu tinh thần nhân bản, hòa hợp toát ra từ bài diễn văn của Abraham Lincoln hơn. Máu lửa ngặp trời, nhưng tinh thần nhân ái, hòa giải còn cao hơn nhiều.

Nguyễn Xuân Xanh

A computer rendering of Abraham Lincoln delivering the Gettysburg Address.

Ảnh mô phỏng 3D của Christopher Oakley

Lời nói đầu (2017). Bài diễn văn huyền thoại này được dịch sang tiếng Việt và đăng lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2007 tại trang web Diễn đàn: https://www.diendan.org/dich-thuat/dien-van-gettysburg. Bản dịch dưới đây là cùng bản dịch đó, chỉ có thêm một cước chú. Nhân ngày kỷ niệm 150 năm lịch sử của nó, 2013, chúng tôi có lời dẫn nhập mới. NXX 2017

Abraham Lincoln O-77 matte collodion print.jpg

Abraham Lincoln năm 1863 (Nguồn: Wiki)

Lời dẫn nhập (2013). Ngày 19 tháng 11 năm 2013 vừa qua bài Diễn văn Gettysburg của Tổng Thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đọc tại buổi lễ khánh thành Nghĩa trang quốc gia Gettysburg tròn 150 năm (1863-2013). “Hôm nay, quốc gia kỷ niệm Diễn Văn Gettysburg của Abraham Lincoln lần thứ 150. Tất cả được gói gọn trong 278 chữ” như CNN viết. Diễn văn chỉ kéo dài hơn 2 phút một chút. Những câu nói đơn giản nhưng mãi mãi đi vào lòng người, vì đó là tiếng nói của trái tim. Người ta nhắc lại tầm nhìn của Lincoln “một quốc gia mới, được thai nghén trong tự do”, hơn là một liên bang lỏng lẻo các bang, báo trước một chính quyền quốc gia nhận lấy nhiệm vụ lãnh đạo trong việc bảo vệ các quyền và gia tăng phúc lợi cho công dân của nó. Những ý tưởng như chân lý của quốc gia như những tiên đề vĩnh cửu được nhắc lại: “mọi người được sinh ra đều bình đẳng”, và “một chính quyền của dân, do dân và vì dân”.

Bài diễn văn có ý nghĩa hết sức trọng đại trong đời sống tinh thần của Hoa Kỳ. Trong cuộc nội chiến Nam Bắc (1861–1865), trận chiến xung quanh thành phố Gettysburg thuộc bang Pennsylvania vào tháng 7 năm 1863 là đẫm máu và khốc liệt nhất, cũng là khúc quanh lịch sử cho cuộc chiến. Diễn văn khánh thành Nghĩa trang diễn ra trong lúc đất nước vẫn còn ngụt trời khói lửa. “Lincoln đã làm cách mạng cuộc Cách mạng, đem lại cho nhân dân một quá khứ mới để sống trong đó, và quá khứ này sẽ thay đổi tương lai một cách vĩnh cửu” như nhà sử học Garry Wills viết.

Bài diễn văn có sức tái tạo lại đất nước sau cuộc nội chiến tàn phá nhất trong lịch sử Mỹ. Nó toát lên tinh thần trách nhiệm cao cả nhất của tất cả những người còn sống đối với sự nghiệp tự do của dân tộc mà vì nó biết bao chiến sĩ đã ngã xuống. Nó khẳng định lại lý tưởng Tự do, Bình đẳng đã được khắc ghi trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, của tinh thần Jefferson, như những chân lý bất di bất dịch, và khẳng định tinh thần Trách nhiệm của mọi công dân bảo vệ và vung đắp lý tưởng đó.

Lincoln hiểu động lực nội tại của chiến tranh, sự leo thang tất yếu của thù hận (Hass) như Clausewitz nói, ở đó những khao khát cao cả có thể biến thành hoang dã. Cho nên ông không muốn khoét sâu thêm vết thương của dân tộc, mà muốn hàn gắn, băng bó nhiều hơn. Lincoln không phân biệt chiến sĩ nào, bên này hay bên kia chiến hào, Nam hay Bắc, chính nghĩa hay không chính nghĩa, vân vân.

Ông muốn nói tiếng nói của cả dân tộc Hoa Kỳ. Dân tộc này đã có chung lý tưởng Tự do, Bình đẳng mà các người Cha lập quốc đã đặt thành nền tảng, và Tự do, Bình đẳng đã trở thành những nguyên lý bất di bất dịch cho muôn đời sau. Hễ là một người Mỹ sinh ra là thừa hưởng những giá trị thiêng liêng đó, và có nhiệm vụ chiến đấu cho những giá trị đó, họ đều là con của những người cha lập quốc, không phân biệt có dòng máu hay không của những người cha lập quốc.

Đó là dòng máu của Jefferson và những người đã thảo ra bản Tuyên ngôn Độc lập: “Chúng ta dương cao những chân lý này làm điều hiển nhiên, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra đều bình đẳng.” Chính “sợi dây điện trong Tuyên ngôn nối liền những trái tim của những con người yêu tự do và yêu nước, nối kết những trái tim yêu nước bao lâu tình yêu tự do còn tồn tại trong trái tim của con người trên khắp thế giới” như Lincoln nói trong một bài diễn văn Ngày Bốn tháng Bảy năm 1858. Chiến đấu là để làm tái sinh tinh thần Tự do của những người cha lập quốc. “Chiếc áo cộng hòa của chúng ta đã bị lấm lem, và vệt bẩn trong đất bụi. Chúng ta hãy giặt sạch cho nó trắng lại, trong tinh thần, (nếu) không phải bằng máu, của Cách mạng” như ông viết một chỗ khác.

Hiểu tinh thần đó, thì sẽ hiểu tinh thần của Diễn văn Gettysburg. Hơn nữa, Lincoln muốn làm cho miếng đất dữ đầy xác người kia trở lại lành, không khí u uẩn Gettysburg kia thành nhân bản và thánh thiện, bằng những lời lẽ ôn hòa và cao cả của ông.

Abraham Lincoln đã làm tái sinh lại quốc gia của Tự do. Ông vì thế cũng được liệt vào hàng ngũ những người cha lập quốc của Hoa Kỳ, của tinh thần “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng.”

Trong lịch sử nhân loại, có lẽ có hai bài Diễn văn tưởng niệm người chết bảo vệ Tự do nổi tiếng nhất. Một là của Lincoln. Một của Pericles 2.394 năm trước đó trong trận chiến tranh giữa Hy Lạp và liên minh Peloponnesus do Sparta cầm đầu kéo dài 27 năm. Bài diễn văn này được Thucydides viết lại, và ảnh hưởng lên văn hóa của châu Âu và Hoa Kỳ.

Cả hai bài diễn văn đều thuộc về văn hóa tưởng niệm. Diễn văn Gettysburg trở thành một tấm gương cho các vị tổng thống của nước Mỹ. Bài học rất rõ: Để diễn tả những ý tưởng lớn, hãy sử dụng ít lời thôi. Tiếp nối truyền thống này, Franklin D. Roosevelt năm 1933: “Chỉ có một điều mà chúng ta phải sợ, đó chính là sự sợ hãi”. J.F. Kennedy năm 1961: “Đừng hỏi những gì đất nước có thể làm cho bạn, hãy hỏi những gì bạn có thể làm cho đất nước.” Ronald Reagan năm 1981: “Chính quyền không phải là giải pháp cho vấn đề. Chính quyền là vấn đề.” Hoặc như Bill Clinton năm 1993: “Không có gì sai với nước Mỹ mà không thể chữa trị bằng cái gì đúng với nước Mỹ.”

Diễn văn Gettysburg huyền thoại của Abraham Lincoln luôn luôn sống mãi trong lòng dân tộc Mỹ, một di sản lịch sử mà mọi người có thể cùng chia sẻ và ngưỡng mộ.

Image result for gettysburg battle
Trận đánh Gettysburg năm 1863. (HISTORY.com)

Bài báo ngày 20.11.1863 trên The New York Times cho thấy Diễn văn của Abraham Lincoln bị tiếng hoan hô làm đứt quãng năm lần, và cuối cùng là “tiếng hoan hô kéo dài”. (Wiki)

Abraham Lincoln tại buổi lễ

Nội dung Diễn văn:

Diễn văn Gettysburg

Abraham Lincoln

Ngày 19.11.1863

Tám mươi bảy năm trước ông cha chúng ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng(1) được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng.

Giờ đây chúng ta bị lâm vào một cuộc nội chiến lớn, thử thách xem quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào được thai nghén và sống hiến dâng như thế, có thể tồn tại được lâu dài hay không. Chúng ta gặp nhau trên một chiến trường lớn của cuộc chiến này. Chúng ta đến để hiến dâng một phần đất nhỏ của chiến trường này làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người đã để lại mạng sống mình tại đây, để cho quốc gia này có thể tồn tại. Tất cả đều phù hợp và chính đáng để chúng ta làm việc này.

Tuy nhiên, theo một nghĩa rộng hơn, chúng ta không thể hiến dâng – không thể tôn phong – không thể thánh hóa – miếng đất này. Chính những con người dũng cảm đã chiến đấu tại đây, dù còn sống hay đã chết, đã làm cho nó thiêng liêng, vượt xa khả năng kém cỏi của chúng ta để thêm hay bớt đi điều gì cho nó. Thế giới sẽ ít chú ý, hay nhớ lâu những gì chúng ta nói ở đây, nhưng sẽ không bao giờ quên điều gì họ đã làm ở đây. Chính chúng ta, những người còn sống, mới phải hiến dâng mình cho công việc dở dang mà những người chiến đấu ở đây đã tiến hành một cách cao quý. Chính chúng ta mới là những người phải hiến dâng mình cho nhiệm vụ lớn còn ở trước mặt – rằng từ những người chết được vinh danh này chúng ta sẽ tự nhận lấy sự tận tụy nhiều hơn cho sự nghiệp mà họ đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng – rằng chúng ta ở đây sẽ có quyết tâm cao để cho những người đã ngã xuống sẽ không hy sinh một cách phí hoài – rằng quốc gia này, dưới ơn trên của Chúa, sẽ chứng kiến một cuộc sinh nở mới của Tự do – và rằng chính quyền của dân, do dân và vì dân, sẽ không biến mất khỏi trái đất này.

Nguyễn Xuân Xanh, 27/11/2007

Chú giải:

(1). Trong bản gốc, nguyên văn là “hiến dâng cho mệnh đề (proposition), rằng tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng”. Lincoln viết ‘mệnh đề’ ý muốn nói đó là một ‘định lý’ trong toán học, tức là một chân lý. Ai học toán học đều biết từ propostion này. Lincoln cũng như những người cha lập quốc Hoa Kỳ đều là những người yêu và có tinh thần khoa học, toán học cao. Họ sử dụng tinh thần khoa học và chính xác đó trong các bài viết của họ. Jefferson trong Tuyên ngôn chẳng hạn. Riêng Lincoln rất ngưỡng mộ Euclid với các chứng minh định lý, mệnh đề. Spinoza cũng như thế trong quyển Đạo đức (Ethic).