FRANCIS BACON
FUKUZAWA YUKICHI
(TRUNG QUỐC) VÀ VIỆT NAM
Nguyễn Xuân Xanh
Bây giờ mục tiêu đích thực và chính đáng của khoa học đơn giản là cái này, rằng cuộc sống con người cần được làm giàu có bởi các khám phá mới và sức mạnh (của chúng).”
FRANCIS BACON
Đó là “Thực học” mà ai cũng phải học, là học vấn mà hết thảy mọi người đều phải tự trang bị, không phân biệt đẳng cấp, khoảng cách giàu nghèo. Chính việc tự trang bị kiến thức này, từng cá nhân trên cơ sở làm tròn chức trách mình, sẽ điều hành quản lý tốt gia nghiệp được giao…
FUKUZAWA YUKICHI
Tóm tắt. Bài viết này đã được đăng trên quyển sách VIỆT NAM – HÔM NAY và NGÀY MAI. Tác giả đưa ra sự tương đồng thú vị giữa tư tưởng của Fukuzawa Yukichi và Francis Bacon, hai nhà khai sáng sống cách nhau gần ba thế kỷ khi họ ôm hoài bảo thúc đẩy cải cách xã hội bằng một sự học mới (new learning). Khuyến học vốn là tên của một quyển sách nổi tiếng của Fukuzawa, kêu gọi thực học, học cái hữu ích cho con người như cái học phương Tây. Tác giả muốn đi vào chi tiết tư tưởng của Bacon để hiểu thêm về một thời đại vô cùng trọng đại trong lịch sử loài người chuyển tiếp từ thời Trung cổ/Phục Hưng sang Cận đại/Hiện đại, ở đó khoa học hiện đại như ngày hôm nay chúng ta có đã hình thành. Tuy hai thời đại của Bacon và Fukuzawa có khác nhau rất xa về thời gian, nhưng mang trong mình những rào cản rất giống nhau về căn bản: sự kềm hãm khoa học bằng cái học kinh viện, dựa trên quyền uy, nhìn vào quá khứ, hơn là bằng cái học hữu dụng nhắm vào tự nhiên để khai phá, tạo ra khoa học hữu dụng và phục vụ con người. Fukuzawa và Bacon là những người lội ngược dòng, nhưng lịch sử đã chứng minh xã hội đã phát triển theo đúng tầm nhìn của họ. Còn Việt Nam? Việt Nam chưa có Fukuzawa hay Bacon, và chưa có nhận thức và niềm tin như các ông. Hệ quả là nền kinh tế hứng chịu thiệt thòi của sự thâm thụt tri thức khoa học. Nhưng chúng ta hãy liếc mắt nhìn sang Trung Quốc đầu thế kỷ 20 một chút, họ cũng là nạn nhân như chúng ta, để xem họ nghĩ gì và làm gì để canh tân đất nước họ. Đó cũng là thời các nhà ái quốc Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh sống và hoạt động. Danh từ Trung quốc trong tiêu đề trên là được thêm vào ở đây để cho thấy rõ hơn rằng bài có một phần nói về đất nước này. Phần này rất gần gũi với Việt Nam.
Đường giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió của văn minh phương Tây thổi vào phương Đông. Khắp mọi nơi, không có cỏ cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này.
FUKUZAWA YUKICHI
(Thoát Á luận)
Tinh thần thế giới, weltgeist, đã liên tục thổi qua thế giới mấy thế kỷ qua từ châu Âu lên Bắc Mỹ sang Nhật Bản qua Trung Quốc. Đó là khoa học, công nghệ, bên cạnh dân chủ. Nhưng nó vẫn chưa thật sự tới Việt Nam để tạo một sự thay đổi bứt phá. Cùng với “cỏ cây”, người Nhật Bản nhạy cảm đã sớm cảm nhận và đón “làn gió văn minh này”, chứ không làm gì để cản trở nó như Trung Hoa đã làm với cách tư duy “cách vật trí tri” của họ. Họ từ bỏ ngay hệ quy chiếu tư duy cũ của Trung Hoa để chọn hệ quy chiếu tư duy mới của phương Tây. Và họ đã nhanh chóng thành công như một minh chứng con đường của họ là đúng đắn.
Muốn xây dựng một quốc gia hiện đại, cần hiểu được “làn gió văn minh” đó, và xây dựng đất nước phù hợp theo quy luật của nó. Cần phải xây dựng một nền văn hóa thực học, khuyến học, khoa học. Và các quyết sách, chế độ và thể chế cần phải thích hợp để cho những giá trị đó phát triển tự nhiên nhất mà không bị kềm hãm. Sau khi Marx mất, Engels đã từng nói: Theo quan điểm lịch sử duy vật chủ nghĩa, yếu tố quyết định cuối cùng trong lịch sử là sản xuất và tái sản xuất cuộc sống thực. Marx và tôi không nói gì khác hơn. (Friedrich Engels trong thư cho Joseph Bloch năm 1890, MEW, Bd 37, 463) Do đó để có sản xuất tối ưu, lực lượng sản xuất cần được phát triển tối đa mà không bị trói buộc bởi bất cứ lý do phi kinh tế nào. Đó là thước đo cho mọi chính sách phát triển. Thiếu khoa học, công nghệ, giáo dục tốt, và những chính sách phát triển phù hợp, cũng như không có đủ gian rộng mở cho cá nhân và doanh nghiệp, lực lượng sản xuất khó lòng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả lao động khó được nâng cao đúng với tiềm lực của chúng. Friedrich List, nhà kinh tế học của Phổ thế kỷ 19, người phản diện của Adam Smith, cũng đã từng nói rất súc tích: Tăng trưởng công nghệ là nguyên cớ chính của tăng trưởng kinh tế. Tăng trường khoa học công nghệ là cốt lõi của mọi cuộc chấn hưng hóa rồng của các quốc gia đi sau. Không có những thứ đó, quốc gia khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Cho nên cần phải tạo ra văn hóa khoa học, khai sáng cho quốc gia, điều Việt Nam hiện nay đang rất cần. Chính một nền văn hóa như thế là mảnh đất màu mỡ để kích thích các phát minh khoa học và công nghệ như những hạt giống sáng tạo nảy mầm. Với khoa học và tri thức, con người sẽ nhìn thế giới với nhiều chiều kích khác hơn, thấy muôn vàn cơ hội và tiềm năng để phục vụ cho sự thịnh vượng và an ninh quốc gia.
Xem đầy đủ bài viết Francis Bacon-Fukuzawa Yukichi và Việt Nam I. FUKUZAWA YUKICHI Chúng ta hãy bắt đầu với Fukuzawa Yukichi. Khuyến học[1] (Gakumon no Susume) là tên của một trong những quyển sách nổi tiếng nhất của nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi (1834-1901) thời Minh Trị Duy Tân. Nó được xuất bản gồm 17 tập nhỏ (tiểu luận) từ 1872 đến 1876. Tập đầu tiên bán ra ngay 200.000 bản. Tập XII cũng với số lượng đó[2]. Đó là những con số “khủng” của văn hóa đọc thời Minh Trị. Mục đích của Fukuzawa là “khuyến học” cho nhân dân Nhật Bản vào thời đất nước đang bước vào giai đoạn canh tân, gấp rút xây dựng tiềm lực đất nước về kinh tế, văn hóa cũng như quốc phòng để không rơi vào tay đế quốc đang thống trị châu Á. Tại sao lại “khuyến học”, và học cái gì? Chẳng phải các dân tộc có nền văn minh Khổng giáo đều “hiếu học” hết hay sao? Thực tế, đặc biệt dân tộc Nhật Bản thời Tokugawa (1600-1868) tỏ ra là hiếu học nhiều hơn bất cứ dân tộc nào đương thời, kể cả Trung Hoa và Việt Nam là những dân tộc có tiếng “hiếu học” (thực tế cần phải được xét lại). Sách vỡ và sản xuất phát triển mạnh mẽ thế kỷ 17 là thời gian “bế quan tỏa cảng”. Từ quý tộc, tu vĩ, võ sĩ, thượng lưu và các giới đại chúng đều ham muốn đọc sách. Sách thường được xuất bản với số lượng hơn 10.000 bản! với dân số lúc đó có chỉ khoảng 20 triệu dân (30 triệu thời Minh Trị). Edo có dân số hơn triệu người (lớn hơn cả Paris), tỉ lệ biết chữ lên tới 70%. Nhật Bản Mạc Phủ đã để lại cho Nhật Bản Minh Trị Duy Tân số trường học lên tới 17.000! Bertrand Russell nhận xét: “Nhật Bản là quốc gia lạc hậu về kinh tế nhưng không lạc hậu về văn hóa.” Hiểu hiện trạng văn hóa cuối thời Mạc Phủ để hiểu văn hóa đọc của người Nhật bùng nổ thời Minh Trị khi văn minh và khai sáng của phương Tây đến trước cửa ngõ thông qua các thông dịch viên khai phá, khi nhiều tác phẩm nói về phương Tây bán lên đến trăm nghìn bản.[3] Mục đích của Fukazawa trong Khuyến học là tạo ra những cá nhân bình đẳng, và quốc gia bình đẳng không thua kém, để đất nước giữa vững độc lập trước làn sóng thực dân thế giới, bằng tri thức. Fukuzawa Yukichi trong Khuyến học (tập I) đã viết: “Tất cả mọi người trong đất nước, sang hay hèn, cao hay thấp, phải cảm thấy họ có trách nhiệm cá nhân với đất nước”. Ai có học, nghiên cứu, trở thành cao thượng và giàu có, ai không học sẽ trở thành ngu dốt và cơ cực. Học để làm chủ bản thân và quốc gia, và không bị khinh miệt bởi ngoại bang hay người trong nước. Nhưng muốn thế phải có một tinh thần học mới, nội dung học mới. Fukuzawa mang hai gánh nặng của quốc dân phải giải quyết: cách tân việc học, và xây dựng tinh thần độc lập của một công dân với tất cả nghĩa vụ, cơ hội, và thách thức đối với bản thân, gia đình và đất nước. Trong mục tiêu này, tri thức hữu dụng là căn bản. Những loại học “vùi mình trong thi ca, lý luận rỗng tuyếch, tranh luận trà dư tửu hậu…” cần phải chấm dứt. Fukuzawa là người đã nã pháo vào thành trì của giai cấp phong kiến và của giới nho học để thức tỉnh dân nhân. Cái học mới phải là cái học thiết yếu, thực tế, học khoa học, để làm cho “quốc phú quân cường”, fukoku kyōhei, chứ không phải cái học của các nhà nho để kiếm địa vị, hay chỉ là những “tủ sách” vô ích. Fukuzawa nhận định: Văn minh Khổng giáo của phương Đông đối với tôi dường như thiếu mất hai thứ mà văn minh phương Tây có: khoa học trong lãnh vực vật chất, và “độc lập” trong lãnh vực tinh thần. […] Nếu các quốc gia, và dài hạn, nhân loại muốn tồn tại được, chúng ta không thể bỏ qua các định luật của khoa học, và phải đặt niềm tin của chúng ta vào nguyên lý của độc lập. […] Nhưng ở Nhật Bản các nguyên lý này đã hoàn toàn bị sao lãng, và trong khi đó, tôi tin rằng Nhật Bản không bao giờ có thể ngang bằng với các quốc gia phương tây. Tôi cũng tin rằng trách nhiệm thuộc về Trung Hoa học, và …tôi làm tất cả trong khả năng để xây dựng hệ thống giáo dục lên trên nền tảng của khoa học.”[4] Fukuzawa cảm thấy “phải nỗ lực thay đổi hẳn cách tư duy của dân chúng từ nền tảng của nó”, và “có thể làm cho Nhật Bản thành một quốc gia văn minh mới vĩ đại ở phương Đông, có thể so sánh với Anh quốc ở phương Tây.”[5] “Thực học” (jitsugaku) đối với Fukuzawa chính là phương tiện để đạt tới độc lập và tự do. Cái học của phương Tây là loại học này. Còn cái “giả học” (kyogaku) là cái học để trở thành những thần dân có kỹ luật, phụng sự cho nhà nước, hay vua quan. Cái Khổng học là loại học này. Fukuzawa xem nó là đào tạo (kunren) hơn là giáo dục (kyōiku). Những năm 1880, ông tạo ra một thứ tự học tại trường Đại học Keiō của ông: Bắt đầu bằng toán và vật lý được ông xem là nền tảng cho kiến thức và tư duy hiện đại. Tiếp đến là các môn hóa, địa lý, sử, xã hội học, đạo đức, văn chương, và những đề tài khác. Nhiều sinh viên của ông là người lớn được giáo dục trong cái học Trung Hoa và Nhật Bản cổ điển nhưng muốn có thêm kiến thức của nền văn minh mới. Ông tin rằng sự rèn luyện khoa học cho mọi người là cần thiết cho cuộc sống trong một xã hội hiện đại, ngay cả cho những người muốn trở thành nghệ sỹ.[6] Trong tác phẩm Văn minh luận năm 1875, Fukuzawa cho rằng văn minh Nhật Bản đã bị bệnh sau nhiều thế kỷ của chế độ phong kiến và đàn áp, và phần lớn người dân đã mất đi cá nhân tính và sự mạnh mẽ độc lập. Họ rất có năng lực, thông minh và có kỹ năng trong nghề thủ công hoặc dũng cảm dám chết nếu nhiệm vụ đòi hỏi, nhưng tự một mình họ thiếu can đảm để đứng lên và chiến đấu cho niềm tin của họ. Fukuzawa tin rằng, người dân Nhật Bản sẽ phục hồi được tính độc lập đó nếu họ học lý luận khoa học và tiếp thu văn minh phương Tây.[7] Fukuzawa chống lại giới học thuật nho giáo, chống lại lối học vô ích, thái độ mê tín, chống lại giới học chỉ để tìm danh vọng và thống trị xã hội, chống lại những hiện tượng phi đạo đức, hiện tượng chè chén và mù quáng chạy theo vật chất chỉ làm hư hỏng tinh thần. Phải giải phóng con người khỏi các nhà giam của văn hóa cũ, để hướng năng lượng được giải phóng vào nhiệm vụ mới: xây dựng con người mới có thực học, có tri thức phương Tây, có trách nhiệm đầy đủ với bản thân, gia đình và xã hội, gấp rút chuẩn bị cuộc chuyển đổi kinh tế quốc gia, nhanh chóng làm cho quốc phòng mạnh lên để bảo vệ tổ quốc an toàn. Cái học cũ cắt đứt con người khỏi thiên nhiên, trong khi cái học phương Tây nhắm vào thiên nhiên làm đối tượng, và khai thác sức mạnh từ đó để thay đổi điều kiện sống con người. Làm tái hiện văn hóa khoa học phương Tây trên đất Nhật đồng nghĩa với sự xóa bỏ sự học Trung Hoa, đó là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất của các nhà khai sáng Nhật. Đối với Fukuzawa khoa học và cái học hữu dụng gắn liền mật thiết với nhau. Fukuzawa không chỉ nói mà làm: ngay năm mở cửa 1868 ông đã bỏ công viết sách giáo khoa về vật lý có minh họa (Kunmō Kyūri Zukai)[8]. Đối với ông, “Không có ứng dụng thực tiễn thì sự học đồng nghĩa với vô minh.”[9] Francis Bacon (1561-1626) và Fukuzawa Yukichi (1835-1901) II. FRANCIS BACON Gần ba thế kỷ trước Fukuzawa Yukichi, Francis Bacon – nhà triết học của khoa học công nghiệp của Anh quốc – là người đã gióng lên tinh thần “thực học” chống lại cái học vô bổ của giới học thuật kinh viện châu Âu đã kềm hãm sự phát triển khoa học nhiều thế kỷ. Những năm giáo dục tại Đại học Cambridge đã để lại trong ông một ác cảm suốt đời đối với Aristote và các môn đệ đương thời của ông. Không học giả nào trước đó chống lại mãnh liệt niềm tin vào các quyền lực và sự bắt chước thời Cổ đại như ông. Ông chống lại ma thuật, mê tín, chống lại giới tu sĩ và trưởng giả phi khoa học chỉ biết đi săn bắn và gây chiến tranh, và xem thường giới nghệ nhân là những người đóng góp thực tế lớn lao cho xã hội. Mục đích của Bacon là tạo ra một loại khoa học mới, thiết thực cho cuộc sống, thay đổi và làm giàu cho điều kiện sống con người, hướng việc nghiên cứu của con người vào tự nhiên bằng những phương pháp nghiên cứu mới như thực nghiệm, toán học và phép quy nạp để “lắng nghe tự nhiên”, “tương tác với nó”, và dẫn dắt nó phục vụ cho con người. Ông truyền cảm hứng cho những người làm ra tri thức hữu dụng. Thế giới của ông là những người thợ thủ công cao cấp, sáng tạo. Ông cũng không quên chống lại sự thiển cận chỉ biết lợi ích trước mắt mà không thấy các định luật lớn hơn chi phối vũ trụ. Theo Bacon, trong nhân loại có ba loại tham vọng: Loại thứ nhất là của những kẻ muốn mở rộng quyền bính cá nhân trong đất nước họ; loại này là tầm thường và thoái hóa. Loại thứ hai là của những ai lao động để mở rộng quyền lực của đất nước họ và vùng ảnh hưởng của nó lên thế giới con người. Loại này được đáng kính trọng hơn, mặc dù bằng không ít lòng ham muốn chiếm hữu. Nhưng (loại thứ ba) nếu một người nỗ lực thiết lập và mở rộng quyền năng của vùng ảnh hưởng của loài người lên vũ trụ, thì tham vọng của anh ta (nếu có thể gọi đó là tham vọng) không nghi ngờ là lành mạnh hơn, và cao cả hơn cả hai loại trước. Mà vương quốc của con người ngự trị trên sự vật hoàn toàn tùy thuộc vào nghệ thuật và khoa học. Bởi vì chúng ta không thể điều khiển tự nhiên, trừ khi tuân thủ nó.”[10] (nhấn mạnh của tg) Tham vọng thứ ba là loại mà Bacon dâng hiến cả cuộc đời. Ông nói: “Con người là người giúp đỡ và diễn giải của tự nhiên. Y chỉ có thể tác động và hiểu biết trong chừng mực y đã quan sát trật tự của tự nhiên về mặt thực hành và lý thuyết. Ngoài lãnh vực này, y không có tri thức và quyền lực” (Novum Organum). Do đó, muốn có khoa học cần phải tương tác với tự nhiên bằng thực nghiệm và lý thuyết, có phương pháp, và bằng suy luận quy nạp. Ngoài sự tương tác đó ra, con người sẽ không có hiểu biết gì về tự nhiên cả. Nếu Fukuzawa viết “Khuyến học” (Encouragement of Learning) cho nhân dân Nhật Bản thì gần 300 năm trước Bacon cũng viết một tác phẩm có tên “Khuếch trương sự học” (Advancement of Learning, 1605) cho nhân dân châu Âu. Đó là một trong nhiều tác phẩm quan trọng của ông nhằm khuếch trương một triết lý về một loại khoa học mới để thay đổi điều kiện sống con người cho tốt hơn. Cái học kinh viện phương Tây thời Trung cổ, đối với Bacon (cũng như cái nho học ở phương Đông), chỉ phục vụ sự thống trị của con người lên con người, kéo dài sự mê muội. Bacon xoay hướng ngọn giáo vào chỗ khác: phải hướng hoạt động trí tuệ của con người vào nền khoa học mới để phục vụ việc chế ngự của con người đối với thiên nhiên, và cải thiện điều kiện sống tốt hơn. Khoa học phải là sự hôn phối của tri thức về thế giới và sự phụng vụ con người. Khoa học được nhân tính hóa, bớt thần thánh hóa. Khoa học để phụng sự, không phải chỉ để xây nhà thờ, mà để phát triển thương mại và công nghiệp. Nếu muốn chế ngự thiên nhiên, phải hiểu biết và tuân thủ nó, đó là ý tưởng của Bacon. Có tri thức, con người sẽ có sức mạnh, “Knowledge is power”. Bacon diễn tả mối nguy hại của những cái gọi là “sùng kính tinh thần” (mental idols), nghĩa là “những khái niệm sai trái bây giờ đã chiếm lĩnh đầu óc của con người, và đã bám rễ sâu trong đó, không chỉ vây khốn tinh thần con người đến nỗi chân lý khó rọi vào được, nhưng ngay cả sau khi rọi vào được, những sùng kính kia sẽ vẫn gây khó khăn cho chúng ta trong quá trình phục hồi khoa học, trừ khi con người được báo trước nguy cơ mà củng cố mình để chống lại nhiều như có thể các cuộc tấn công của chúng.” (Novum Organum, Aphorism 38) Giống như tình hình cái học ở phương Đông mà Fukuzawa ra sức chống lại. Trong suốt hai ngàn năm, triết học và các khoa học tinh thần “đứng như những bức tượng, được tôn thờ và ca tụng, nhưng không hề có chuyển động, hay bước tiến nào. Chúng “hầu như vẫn ở trong cùng tình trạng; không nhận được sự tăng trưởng đáng chú ý nào, mà ngược lại, sau khi phát triển mạnh mẽ dưới thời người sáng lập đầu tiên của chúng, thì sau đó suy giảm.” “Trong khi ở các ngành nghệ thuật cơ khí, những thứ được xây dựng trên tự nhiên và ánh sáng của kinh nghiệm, chúng ta thấy điều ngược lại xảy ra, chúng liên tục phát đạt và tăng trưởng, như mang trong mình chúng hơi thở của cuộc sống; lúc đầu thô thiển, sau đó tiện ích, sau được tô điểm, và thăng tiến mọi thời đại”, như nhà sử học Paolo Rossi diễn tả với những lời của Bacon.[11] “Sự vật đều nằm trong quyền lực con người để nó tác động”. (New Atlantis) Bacon là người đã lập ngôn cho sự tiến bộ của tri thức để phục vụ nhân loại như là mục đích của khoa học. Sự vươn lên của lý tưởng tiến bộ khoa học sẽ đồng nghĩa với sự lùi dần và sụp đỗ của quyền lực tuyệt đối của nhà thờ, các nhà kinh viện, các môn đệ của Aristote và của cái học cổ đại Hy Lạp (Edgar Zisel[12]). Quan tâm hàng đầu của ông là vị trí của khoa học trong đời sống con người. Ông không nhìn khoa học như hồ sơ của các ý tưởng, mà hồ sơ của những gì mà những ý tưởng kia đã làm cho con người có khả năng thực hiện. Tham vọng của Bacon là hệ thống hóa và tổ chức sự phát triển và ứng dụng của tri thức tự nhiên trên mức độ chưa bao giờ được ai nghĩ tới. Với ông, ý tưởng này trở thành thiêng liêng của tôn giáo. Chúa đã tạo ra con người và cho con người quyền lực thống trị lên tất cả các sinh linh. Quyền lực này, theo Bacon, chính là dựa trên tri thức. Cho nên ông xem khinh tất cả tri thức không giúp tái lập quyền lực này cho con người.[13] Atlantis là tên hòn đảo của một câu chuyện của Platon, còn với cái tên “Tân Atlantis” Bacon muốn chỉ về một hướng mới, giả từ thế giới cũ. Trong khi các tác giả thời Phục Hưng hướng cái nhìn về quá khứ để tìm hạnh phúc, Bacon muốn quay cái nhìn về tương lai. Hạnh phúc có thể được tìm thấy trong đời người trên thế giới này bằng khoa học, bằng các định luật khoa học làm cho tự nhiên phục vụ con người, làm cho thế giới này thôi là “thung lũng của nước mắt”. Trong Tân Atlantis, Bacon có tầm nhìn về những tổ chức hợp tác giữa khoa học và công nghệ trong tương lai, điều chưa có thời ông, tuy rằng ý tưởng này rõ ràng được mượn từ giới thủ công và nghệ nhân. Sự hợp tác khoa học với sự phân công lao động là một đặc trưng của tinh thần khoa học của văn minh hiện đại phương Tây. Nó xuất hiện lần đầu tiên chi tiết trong các tác phẩm của Bacon. Trên Đảo quốc hạnh phúc của ông, những nhà khoa học trị vì đất nước được tổ chức thành những viện nghiên cứu. Trong điện Pantheon không có chỗ đứng cho các nhà chính trị, hay quân sự, hay cả nhà triết học. “Ở đây có tượng của Columbus đã khám phá ra Tây Ấn, những người xây dựng tàu thuyền đầu tiên…Ở chỗ kia là tượng của những nhà sáng tạo ra âm nhạc, chữ cái, kỹ thuật in, các nhà thiên văn học, nhà luyện kim, chế tạo kính, nuôi tằm, làm rượu vang, làm bánh mì, sản xuất đường…Đối với mỗi người đã có một khám phá có giá trị, chúng tôi dựng một tượng.” Đó là một xã hội của khoa học-kỹ thuật phi-chính trị phụng sự hạnh phúc con người – một cách hòa bình. Bacon thấy rõ hơn ai hết tiến bộ ngoại hạng vào thời ông của giới nghệ nhân cơ khí trong các lãnh vực đóng tàu, hàng hải, đạn đạo học, in ấn và kỹ thuật công trình nước, kỹ thuật khai mỏ và luyện kim, trong khi giới này lại bị giới có học, có chức tước khinh thị, giống như Leonardo da Vinci từng bị giới học giả xem thường. Bacon tấn công sự ‘ngạo mạn kiêu kỳ’ của giới trưởng giả. Thay vì săn bắn và làm chiến tranh, Bacon đề nghị một tầm nhìn mới cho những người có giáo dục và văn hóa đích thực. Một người như thế nên theo đuổi việc học khoa học. Chính việc nghiên cứu tự nhiên, chứ không phải săn bắn và giết chóc, hay tranh cãi về thần học, sẽ ngăn ngừa “sự học thoái hóa đang ngự trị trong các nhà kinh viện.” Trong Khuếch trương sự học Bacon tấn công giới tu sĩ của nhà thờ La Mã, “trí tuệ của họ bị đóng kín vào nhà giam của vài tác giả, cũng giống như thân thể họ bị giam trong các căn phòng của các chủng viện và học viện.” Những người Hy Lạp nổi tiếng, ông nói, “giống như những đứa trẻ trai, chúng nói năng mau lẹ, nhưng không có khả năng sản sinh; minh triết của họ thừa thãi bằng lời, nhưng thiếu vắng những công trình cụ thể.” Ông chống lại các nhà nhân văn của giới văn chương thời Phục Hưng, vì giới này chỉ quan tâm đi tìm danh vọng, không để ý đến tiến bộ khoa học và phúc lợi xã hội. Từ Phục Hưng sang thời Cận đại, trọng tâm khoa học thực sự được chuyển từ cái học cổ đại, kinh viện, kinh thánh sang nghiên cứu tự nhiên, toán học, con người. Không những trong giới khoa học hàng đầu như Copernicus, Vesalius, Harvey, Gilbert, Galilei, Descartes, Palissy, mà cả trong giới kỹ sư nghệ thuật hàng đầu như Leonardo, Michelangelo, Raphael, Dürer là những người cũng nghiên cứu giải phẫu học, phối cảnh toán học, cơ học để vẽ và xây dựng tác phẩm cho đúng. Đến khoảng 1600, khoa học hiện đại bắt đầu hình thành. Với Bacon, triết học thực nghiệm – experimental philosophy – ra đời. Khoa học về sau có hai vế: Thực nghiệm theo Bacon, và lý thuyết theo Descartes. Một lý thuyết muốn được xác nhận là đúng, cần phải được kiểm tra bằng những kết quả thực nghiệm. Giả thuyết hạt Higgs ra đời những năm 1960 nhưng phải đợi ròng rã 48 năm sau mới được kiểm chứng tại CERN. “Bao lâu sự ngăn cách này (giữa giới học giả và thợ thủ công cao cấp) tiếp tục tồn tại, bao lâu các học giả không nghĩ tới việc sử dụng những phương pháp bị khinh rẻ của các thợ thủ công, thì chừng đó khoa học trong nghĩa hiện đại không thể tồn tại” như nhà sử học và triết học của khoa học Edgar Zilsel[14] viết. Nhưng “cuối cùng các rào cản xã hội giữa các hai bộ phận của phương pháp khoa học đã sụp đổ, và phương pháp của các thợ thủ công cao cấp được các học giả hàn lâm được tiếp thu: Khoa học hiện đại hình thành. Điều này diễn ra khoảng 1600 với William Gilbert, Galilei và Francis Bacon”, Zilsel viết tiếp. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra các tương tác cần thiết cho sự kết hợp này, theo ông. Francis Bacon đã thấy một thời đại mới của khoa học sắp đến. Ông trở thành một trong những người cha tinh thần của phong trào khai sáng châu Âu. Ý tưởng ông đã tạo ra không gian hoạt động mới cho giới lao động nghệ nhân kỹ thuật phát triển mạnh mẽ. Một người đương thời của ông, Galilei, cũng từng tấn công làm rung chuyển thành trì của chủ nghĩa kinh viện, và đề ra phương pháp thực nghiệm, quy nạp và toán học trong khám phá để làm tiêu chuẩn đánh giá mới. Bacon cũng chủ trương xây dựng Encyclopedia, bách khoa thư, lần đầu tiên trong lịch sử, để phục vụ arts and crafts, nghệ thuật và thủ công, công trình được Diderot và d’Alembert thực hiện thế kỷ 18. Những năm 1790 của Cách mạng Pháp, các bộ trưởng mới có nhiệm vụ khuếch trương thương mại, công nghiệp và khoa học ứng dụng, đã dẫn Bacon như nguồn cảm hứng của họ. Bacon ý thức rằng con người thời đại ông phải thay đổi tâm thức mạnh mẽ để ra khỏi sự trì trệ đã hằn sâu nếu muốn cải thiện khoa học và điều kiện vật chất của cuộc sống. Khoa học phải là sự hôn phối của tri thức về thế giới và việc phụng sự con người. Cũng như thế, dưới sức nặng trị trệ của nghìn năm, Fukuzawa ý thức người Nhật phải có một niềm tin mới như một tôn giáo, mạnh mẽ, để đổi đời đất nước. Đối với cả hai, phải thay đổi tinh thần trước tiên. Cần chấm dứt cái học phục vụ cho sự thống trị của con người lên con người, và phải chuyển sang cái học phục vụ cho sự thống trị của người lên thiên nhiên vì phúc lợi con người. Quyền lực này là kết quả của tri thức, hiểu biết khoa học. Nếu như Platon đặt nặng niềm tin vào triết học để vua chúa minh triết trong việc trị vì đất nước, thì Bacon đặt niềm tin vào tri thức khoa học như một “kho báu dồi dào làm giảm nhẹ nỗi thống khổ của con người như sự vinh danh của Đấng Tạo hóa.” Tư tưởng của Bacon là “cực đoan” (radical), nhưng vì ông đang đứng trước một thời kỳ xấu cực đoan mà ông muốn thay đổi triệt để. ☆☆☆ Châu Âu đã thoát khỏi chủ nghĩa kinh viện và thức tỉnh. Nhật Bản cũng thoát khỏi chủ nghĩa kinh viện phương Đông, và thức tỉnh. Ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực là không thể tưởng tượng với thời gian. Khi Fukuzawa mất (1901), Quốc hội đã biểu quyết một lời chia buồn sâu sắc: “Chúng tôi công nhận với sự kính trọng và ngưỡng mộ lớn đóng góp sâu sắc của ngài Fukuzawa Yukichi. Ông là người lái đầu tàu của sự tiến bộ văn minh và đã đóng góp lớn lao vào sự nghiệp giáo dục”. Ông là nhà giáo dục, người thầy của quốc gia. Fukuzawa là một trong những “thánh nhân hộ mạng” của Nhật Bản hiện đại. Còn với Francis Bacon, ông nhận được những lời tán thưởng và ngưỡng mộ suốt chiều dài lịch sử. John Locke khuyên các bậc cha mẹ: “Nếu quý vị muốn cho con cái quý vị lý luận tốt, hãy để chúng đọc Bacon.”[15] Trong Phê phán lý tính thuần túy, Immanuel Kant khen ngợi Bacon như người xây dựng khoa học thực nghiệm (experimental) và thường nghiệm (empirical), rồi nói tiếp rằng, để khám phá các định luật tự nhiên, lý tính “phải tiếp cận Tự nhiên với một tay là các nguyên tắc của nó và chỉ những hiện tượng nào thích ứng với các nguyên tắc ấy mới có thể có giá trị là các quy luật; và trong tay kia là các thí nghiệm được lý tính suy nghĩ ra theo các nguyên tắc trên; tất nhiên là để được Tự nhiên giảng dạy nhưng không phải với tính cách của một cậu học trò để cho người thầy muốn dạy bảo gì cũng được, trái lại, với tính cách của một vị thẩm phán được bổ nhiệm có đủ thẩm quyền để buộc các nhân chứng phải trả lời các câu hỏi do ông đặt ra.”[16] Hàn lâm viện Anh (Royal Society) ở Luân Đôn năm 1662 được thành lập với mục đích “thúc đẩy Sự học Thực nghiệm Vật lý-Toán học”, có thể xem là đài tưởng niệm vĩ đại nhất cho Francis Bacon. Giám mục Thomas Sprat, một trong những người đồng sáng lập, năm 1667 đã viết: “Tôi sẽ chỉ đề cập đến một người đàn ông vĩ đại, người có Trí tưởng tượng thực sự về toàn bộ phạm vi của Tổ chức này, như bây giờ nó đang phát triển, và đó là Ngài Bacon.”[17] “Bacon, giống như Moses, cuối cùng đã dẫn chúng ta đi tiếp ra khỏi bế tắc” như trong một bài Ca ngợi viết của một nhà thơ. III. TRUNG QUỐC ĐẦU THẾ KỶ 20 Trước khi nhìn vào Việt Nam, chúng ta cần nhìn sang Trung quốc là nước láng giềng một chút, để thấy những nỗ lực của giới trí thức ở đó thúc đẩy sự phát triển khoa học và tri thức thế nào. Cách nhìn so sánh bao giờ cũng có tính khai sáng. Trung Hoa từ sau cuộc thất trận trước Nhật Bản trong chiến tranh 1894-95, bắt đầu thực sự tỉnh giấc khi đế chế khổng lồ đã thua trận cậu học trò tí hon của nó. Họ mới thấy rằng, xây dựng mấy chục công xưởng đóng tàu chiến thôi là không đủ, mà phải cải cách toàn diện cả một thể chế đã rệu rã. Năm 1905 Trung Hoa mới chính thức bỏ chế độ thi cử làm quan, chấm dứt vĩnh viễn lối học cũ. Mọi người, thi rớt hay dự định thi, để tồn tại đều phải chuyển sang con đường học tập nghề nghiệp bên ngoài bộ máy hành chánh. Nhiều người đã đi ra nước ngoài, hoặc đến các công xưởng (arsenal) lớn như Jiangnan[18], Thượng Hải, để tìm kiếm vận may. Họ sẽ trở thành thành viên của một thế hệ trí thức Trung Quốc mới, nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư hiện đại. Khác với Nhật Bản, TQ chỉ xây dựng vài chục công xưởng cơ khí đóng tàu chiến, thiết bị quân sự, nghĩ rằng có thể đối phó được phương Tây mà không chịu cải cách toàn bộ thể chế và hệ thống giáo dục. Nhưng đây là những trung tâm khai sáng công nghiệp đầu tiên của họ. Sinh hoạt dịch thuật ở đó rất phát triển, thành những “trung tâm cái học hữu dụng phương Tây”. Các nhà cải cách lớn như Khang Hữu Vi (Kang Youwei, 1858-1927) và sau đó học trò ông Lương Khải Siêu (Liang Qichao, 1873-1929), nhà hoạt động chính trị và văn hóa, cũng mua nhiều bản dịch của công xưởng Jiangnan ở Thượng Hải để xây dựng các “Thư mục Tây học” (Xixue shumu biao) quảng bá cái học mới. Sau cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc (1850 -1871), Trung Quốc đã có một nhóm người đông đảo mới gồm các thợ thủ công, kỹ thuật viên, và kỹ sư xuất hiện giữa 1865-1895 mà kiến thức của họ không còn lệ thuộc vào các ngành học cổ điển. Họ cũng không còn phụ thuộc trực tiếp vào thiên triều hoặc các đại diện chính thức của nó. Giới này là những người “tính toán” chuyên nghiệp (chouren), để đi lên thành “nhà khoa học” (gewu zhe).[19] Các nhà trí thức hiện đại như Du Yaquan (Đỗ Á Tuyền), Ding Wenjiang (Đinh Văn Giang) và Cai Yuanpei (Thái Nguyên Bồi, từng học ở Đức) nhanh chóng bỏ lối học cũ. Nghiêm Phục (Yan Fu, 1854-1921), nhà dịch thuật có ảnh hưởng của TQ sau này, thấy trước tương lai không mấy sáng sủa của mình, đã vào Trường hàng hải của Công xưởng Hải quân Phúc Châu năm 1866, nơi sinh viên được đào tạo thực hành trong khoa học và công nghệ. Sau chiến tranh Trung-Nhật, các nhà cải cách Trung Quốc khuyến khích sinh viên sang Nhật Bản học. Khang Hữu Vi khuyến khích cái học khoa học từ Nhật Bản, xem Nhật Bản như người trung gian tri thức tốt hơn những người phương Tây, và trình khuyến nghị cải cách lên vua Quang Tự. Năm 1898 vua ra chỉ dụ khuyến khích học Nhật Bản. Nhật Bản đã trở thành Mecca của sinh viên TQ. Hơn mười nghìn người TQ sang du học Nhật Bản từ 1902-1907, trong vòng chỉ 5 năm. Khoảng 90% số sinh viên được đào tạo ở hải ngoại làm việc cho chính quyền nhà Thanh sau 1905 đã tốt nghiệp tại các trường Nhật Bản. Giới tân học này tiếp tục làm nghiêng cán cân về phía khoa học hiện đại.[20] Bộ giáo dục nhà Thanh mới thành lập kiên quyết ủng hộ giáo dục khoa học và sách giáo khoa dựa trên hệ thống khoa học của Nhật Bản. Trong một bài luận văn năm 1905 về công nghiệp hóa, nhà cải cách Khang Hữu Vi chủ trương nên đi theo mô hình Nhật Bản, cần phải phát triển khai mỏ, công nghiệp, và thương mại, máy móc, và vì thế cần giáo dục dân chúng công nghệ, chứ không chỉ biết xây dựng mấy công xưởng sản xuất thiết bị quốc phòng. Sau năm 1905, TQ bắt đầu cuộc du nhập và dịch thuật sách giáo khoa từ Nhật Bản một cách hệ thống. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, người dân thành thị, đặc biệt là ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã được cung cấp nền giáo dục cơ bản về khoa học hiện đại thông qua sách giáo khoa Nhật Bản. Thế hệ đó sau này trưởng thành trong Phong trào Văn hóa Mới (New Cultural Movement) năm 1915-1919 và Phong trào Ngũ Tứ năm 1919 có vai trò quan trọng. Nhiều tổ chức khoa học TQ mọc lên trong giai đoạn 1915-1927[21] như những hạt giống của nghiên cứu: Hội khoa học Trung Hoa và tạp chí của nó được thành lập năm 1915, không phải ở Trung Quốc, mà ở Đại học Cornell, Hoa Kỳ, do những nhà khoa học yêu nước chủ động làm; Hội Vật lý chính thức được thành lập vào năm 1932.Hội toán học đầu tiên: được thành lập tại Tokyo năm 1877, trong đó có nhiều người nghiên cứu vật lý; năm 1884 Hội Toán-Lý Tokyo năm 1884; Hiệp hội Y khoa Quốc gia 1915 tại Bắc Kinh là phát ngôn chính chống đối y khoa Trung Hoa truyền thống. Hội Tri thức và Khoa học (The Wissen and Wissenschaft Society): được thành lập năm 1917 bởi các sinh viên TQ ở Tokyo, với tờ báo của Hội có tên Xueyi (Tri thức và Khoa học) từ tháng 4, 1919 tại Tokyo; và còn nhiều tạp chí, hội khoa học khác được thành lập. Lực lượng nghiên cứu khoa học bắt đầu tập hợp và phát triển. Giới trí thức muốn vươn lên bằng khoa học như tấm gương Nhật Bản. Niềm tin vào khoa học phương Tây ngày càng lớn mạnh trong Phong trào Văn hóa Mới sau năm 1915. Tạp chí Khoa học, thành lập năm 1914, cho rằng một hệ thống giáo dục dựa trên khoa học hiện đại là thuốc chữa bách bệnh cho toàn bộ những chứng bệnh của Trung Quốc. Nhật Bản Minh Trị là hình mẫu cho sự cứu chữa đó, cho đến năm 1915 khi Nhật Bản đưa thêm bảng 21 yêu sách về chính trị và thương mại cho TQ buộc Viên Thế Khải (Yuan Shikai) phải chấp nhận, khiến các quan chức, lãnh chúa và trí thức Trung Quốc thấy phải xem xét lại lợi ích của việc chỉ dựa vào Nhật Bản.[22] Họ chuyển sang học trực tiếp từ phương Tây. ☆☆☆ Phong trào Ngũ Tứ. Các trí thức yêu nước đã thấy vấn đề từ thực tiễn, rằng khoa học, kỹ thuật là nền tảng của quốc gia, và mọi thể chế phải lấy đó làm nền tảng. Nhưng phải đợi đến Phong trào Ngũ Tứ (ngày Bốn tháng Năm) năm 1919, niềm tin vào khoa học mới phát triển rộng rãi và sôi sục vào ý thức xã hội. Ngày đó, hàng nghìn sinh viên của Đại học Bắc Kinh (Beida), được sự ủng hộ của thầy họ, xuống đường kéo ra quảng trường Thiên An Môn để phản đối Hòa ước Versailles trong đó Đồng minh đã giao tỉnh Sơn Đông trước đây thuộc địa của Đức cho Nhật Bản, mặc dù TQ đã đóng góp Đồng minh bằng quân đội của mình với hy vọng nhận lại được Sơn Đông. Nếu cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 đã xóa bỏ hệ thống thống vua quan, thì Trung Quốc vẫn chưa phải là một quốc gia hiện đại. Để trở thành một quốc gia như thế, cần phải phá bỏ triệt để các truyền thống Nho giáo thứ bậc và bảo thủ đang rào cản, và áp dụng các ý tưởng khoa học, xây dựng lại văn hóa mới, đặc biệt áp dụng Khoa học và Dân chủ. Khoa học, công nghệ để tự cường, tạo sức mạnh quốc gia như người Nhật Bản. Dân chủ để chấm dứt thân phận nô lệ của người dân dưới chế độ phong kiến. Họ cũng kêu gọi thiết lập một nền văn chương bản ngữ (baihua). Họ đòi hỏi một nhân sinh quan khoa học để đổi mới tư duy. Thầy và sinh viên đoàn kết lại trong lời kêu gọi xóa bỏ những cái mà Francis Bacon, như họ trích dẫn, gọi là “idols”, nghĩa là “những khái niệm sai trái bây giờ đã chiếm lĩnh đầu óc của con người, và đã bám rễ sâu trong đó”, như đã được trích dẫn ở trên. “Cứu vãn quốc gia đồng nghĩa với khai minh”. Đó là cuộc Khai minh Trung Quốc. Phong trào này lan tỏa nhanh chóng khắp 22 tỉnh và 150 thành phố ở Trung Quốc, mạnh nhất ở Thiên Tân, Nam Kinh, Hàng Châu, Vũ Hán… lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia như học sinh, sinh viên, công nhân, thương nhân, thị dân, trí thức. Ngũ Tứ là một bộ phận của Phong trào Văn hóa mới trong những thập niên 1910 và 1920, phê phán những ý tưởng cổ điển của TQ, và cổ vũ một nền văn hóa mới dựa trên những lý tưởng phương Tây như dân chủ và khoa học, tư duy phê phán, vừa muốn tạo ra một ngôn ngữ mới, giải phóng đàn ông và phụ nữ khỏi sự trói buộc của các lực lượng truyền thống. Đó là một phong trào của lý tính đối lập với truyền thống, tự do đối lập với quyền uy, và của sự sự tôn vinh cuộc sống và những giá trị con người, đối lập với sự đàn áp chúng. Và sau cùng, lạ lùng làm sao, phong trào mới này được lãnh đạo bởi những con người am hiểu di sản văn hóa cổ truyền, và tìm cách nghiên cứu nó với phương pháp luận của phê bình và nghiên cứu lịch sử hiện đại, như học giả Hồ Thích (Shih Hu) giải thích. [23] Phong trào này được gọi là Phục Hưng Trung Quốc. Phong trào cuốn hút những học giả tên tuổi như Cai Yuanpei (Thái Nguyên Bồi, chủ tịch Beida), Chen Duxiu (Trần Độc Tú, người sẽ thành lập Đảng CSTQ sau này), Chen Hengzhe (Trần Hành Triết), Li Dazhao (Lý Đại Chiêu), Lu Xun (Lỗ Tấn), Zhou Zuoren (Chu Tác Nhân), He Dong, Qian Xuantong (Tiền Huyền Đồng), Liu Bannong (Lưu Bán Nông), Bing Xin (Băng Tâm), và Hu Shih (Hồ Thích) và nhiều học giả cổ điển khác. Họ làm một cuộc “nổi dậy văn hóa” chống lại Khổng giáo. Điều này giống như Fukuzawa Yukichi từng làm gần nửa thế kỷ trước ở Nhật Bản. Hồ Thích nói về sự khác biệt giữa Đông và Tây trong sự phát triển: Phương Tây trong suốt hai trăm năm qua đã vượt xa phương Đông chỉ vì một số quốc gia phương Tây đã có thể tạo ra những công cụ mới để chinh phục thiên nhiên và để nhân rộng sức mạnh. Phương Đông … bị bỏ lại phía sau trong tình trạng lao động chân tay trong khi thế giới phương Tây từ lâu đã bước vào thời đại hơi nước và điện.[24] Phong trào Văn hóa mới có tờ báo Thủy triều mới (New Tide) của giới trí thức, rất ảnh hưởng, thử nghiệm văn hóa mới và phổ biến những tư tưởng mới nhất của phương Tây, trong đó có Thuyết tương đối của Einstein, Phát thảo lịch sử của H. G. Wells, Năng lượng tinh thần của Henri Bergson, Lý thuyết xã hội của G. D. H. Cole, và rất nhiều tác phẩm khác.[25] Hai nhà triết học John Dewey và Bertrand Russell cũng đã đến giảng bài tại Beida. Einstein cũng được Thái Nguyên Bồi đích thân mời nồng nhiệt lúc Einstein sang thăm Nhật Bản năm 1922, nhưng cuối cùng không thu xếp được. Họ tiếc vô cùng. Từ lúc có bản dịch Nghiêm Phục (Yan Fu) của tác phẩm Tiến hóa và Đạo đức của Thomas Huxley, thuyết tiến hóa và thuyết Darwin xã hội đã thống lĩnh tư tưởng của Trung Quốc, giống như đã từng xảy ra ở Nhật Bản trước đó. Họ hiểu rằng không kịp thời thích nghi là tiêu vong. Xã hội phương Tây đã tiến hóa qua sự cạnh tranh, sàn lọc giữa các ý tưởng, cá nhân, nhóm, quốc gia. Điều đó làm cho thấy rõ rằng xã hội Trung Quốc vẫn còn bị giam cầm trong thời tương đương với thời Trung cổ của Châu Âu. Sự tương phản giữa Đông và Tây rất rõ nét: nền văn minh phương Đông đặt giá trị cao vào sự cổ kính và bảo tồn nó, vào siêu hình học và tôn giáo, vào tự nhiên và đời sống tinh thần, trong khi nền văn minh phương Tây đặt trọng tâm vào sự thay đổi, khoa học, cạnh tranh, hành động của con người và cải thiện đời sống vật chất.[26] Xin nói thêm, Nghiêm Phục là một dịch giả và chú giải rất có ảnh hưởng trong việc truyền bá chủ nghĩa tự do vào Trung Quốc. Ngoài Thomas Huxley ông còn dịch các tác phẩm của Adam Smith, John Stuart Mill, Montesquieu và Herbert Spencer, trong số những tác phẩm khác. Vì những đóng góp lớn của mình, Nghiêm Phục được một số nhà sử học ca ngợi là “cha đẻ của chủ nghĩa tự do Trung Quốc” và là “người tiên phong thực sự trong phong trào tự do của Trung Quốc”.[27] Trong ngọn lửa hừng hực của phong trào Ngũ Tứ, chủ nghĩa quốc gia ra đời, đảng phái được thành lập: Quốc dân Đảng (1919), và Đảng cộng sản TQ (1921). Với Ngũ Tứ, một ma trận văn hóa xuất hiện trong xã hội TQ có tính khai phóng (liberal), dân tộc, khoa học và chống phong kiến, như một di chúc, một cú hích lịch sử. Mặc dù tính chất tự phát, cuồng nhiệt của nó, còn “nửa chín nửa sống”, như John Dewey viết, nhưng phong trào văn hóa mới “cung cấp một trong những cơ sở kiên quyết nhất cho niềm hy vọng cho tương lai của Trung Quốc”.[28] TQ bước ra khỏi sự trì trệ tinh thần và tiến lên với sức sống mới. Những thập niên tới là những cuộc đấu tranh để xem ai thực hiện được di chúc này, mặc dù con đường là không êm ả. Ma trận này đã được tích lũy và hình thành trước khi ý thức hệ cộng sản thâm nhập vào TQ. “Bốn hiện đại hóa” chỉ là sự thực hiện một trong hai vế của Di chúc Ngũ Tứ. Trong khi đó, tình hình Việt Nam khác hơn: chưa có một ma trận văn hóa khai minh làm di chúc như thế. IV. VIỆT NAM Việt Nam không có Francis Bacon, hay Fukuzawa Yukichi, hay bunmei kaika của Nhật Bản Minh Trị, cũng không có một phong trào Ngũ Tứ. Phong trào văn hóa duy nhất có tiếng vang lâu dài của Việt nam là nhóm Tự lực văn đoàn vào những năm thập niên 1930. Nhóm này muốn hiện đại hóa văn hóa, đả phá những nếp tuy duy xã hội cũ, làm giàu ngôn ngữ Việt. Phong trào về hình thức có những nét giống với Phong trào Văn hóa mới của Trung Quốc những năm 1910-1920 nói trên. Nhưng ngoài cải cách ngôn ngữ, phong tục, Việt Nam không có phong trào đề cao vai trò của khoa học một cách ý thức, không có khát vọng thay đổi toàn diện xã hội bằng khoa học, dân chủ, xây dựng một thế giới quan khoa học. Toàn bộ nỗ lực tri thức của lực lượng tiên phong đều tập trung vào ngôn ngữ và văn học, vốn là thế mạnh truyền thống của Việt Nam. Mảng dịch thuật từ tiếng Pháp cũng thế, chủ yếu là văn học, thi ca. Hầu như không thấy những tác phẩm về tư tưởng, khoa học và triết học. Ngọn gió mạnh nhất thổi vào Việt Nam là từ Trung Hoa, qua hai nhà cải cách lớn Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu ở dạng gọi là Tân thư. Tân thư truyền đến Việt Nam làm lay động mạnh mẽ các sĩ phu Việt Nam, được cụ Phan Châu Trinh ghi lại như sau: “Một hôm, bỗng nhiên chợt tỉnh cơn mê, như vén mây mù trông thấy trời xanh, như vừa ra khỏi buồng tối nhìn thấy mặt trời hay mặt trăng. Niềm vui đó nói sao cho hết.” Nhưng, như Vĩnh Sính viết: “Tuy nhiên, trên thực tế ‘người thông hiểu thì ít mà kẻ ngoan cố lại nhiều’ và độc hại do sự sai lầm của các nhà bát cổ (nho sĩ) gây ra vẫn còn đầy rẫy.”[29] Lực lượng các nhà bát cổ là cản trở to lớn. Họ không thức tỉnh như giới tinh hoa Trung Quốc, hay Nhật Bản. Họ vẫn ì ra không chịu mở mắt trước thế giới đang chuyển động sắp đâm sầm vào họ. Phạm Quỳnh (1892-1945), nhà văn hóa Tây học có lẽ uyên bác nhất nửa đầu thế kỷ 20 của Việt Nam, sống trong giai đoạn Ngũ Tứ, và cách mạng khoa học hiện đại dữ dội ở châu Âu, cũng không “mở lòng” mấy đối với khoa học. Ông dành toàn bộ tâm trí cho sự nghiệp văn chương. Trong bài Văn minh luận năm 1920, Phạm Quỳnh đã nhận định rất sáng sủa rằng, động cơ chính yếu thúc đẩy sự tiến hóa, phát triển của văn minh nằm ở tri thức, khoa học, khám phá, phương pháp, thí nghiệm v.v… Chúng là những “biến số” thay đổi và phát triển luôn, “khiến cho người ta thắng đoạt được vạn vật làm chủ được địa cầu”, trong khi rường mối đạo lý trong xã hội hầu như là những “hằng số”, khi thịnh, khi suy, tuy không thể thiếu. Không có tiến bộ văn minh thì đạo đức thánh hiền cũng có nguy cơ trở thành “hàng liệt bại”. [30] Nhưng rồi ông chỉ nhận thức như thế thôi mà không đi thêm một bước nào nữa, không muốn làm một Fukuzawa khai minh, người cũng có một tác phẩm Văn minh luận như ông để đổi mới quốc gia. Sau ông, Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), người hiểu biết khoa học nhiều nhất trong giới tinh hoa, cũng từng là nhân chứng của thay đổi thế giới lớn lao trong thế kỷ 20, nhưng cũng như thế. Ngoài quyển từ điển khoa học, ông tập trung công sức chủ yếu vào văn học.[31] Bức tranh khai sáng của giới trí thức Việt Nam khác xa với bức tranh Trung quốc và Nhật Bản. Mảng khoa học, tư tưởng, khai sáng bị mờ đi hẳn. Số người quan tâm đến tư tưởng, khoa học phương Tây để gây ý thức thay đổi đất nước, hầu như không đáng kể so với TQ và Nhật Bản. Các tạp chí quan trọng như Nam Phong của Phạm Quỳnh, hay Văn hóa ngày nay của Tự lực văn đoàn chủ yếu tập trung vào những vấn đề văn chương là chính. Trang bìa của Nam Phong tuy có tên “Văn học-Khoa học Tạp chí” (xuất bản 2 lần một tháng), nhưng chỉ có những bài khoa học thường thức tản mạn, không phải cả một chủ đề lớn có ý thức để truyền bá vai trò của khoa học trong việc cứu nước.[32] Trong khi đó người Nhật, cả trăm năm trước thời mở cửa Minh Trị, qua lan học đã tự học khoa học, biết Newton, kỹ thuật đóng tàu, đúc súng, y học. Họ học từ óc tò mò muốn biết cái mới. Chính y khoa, và những kỹ thuật đóng tàu, đúc súng đã góp phần rất lớn giúp họ nhận ra sự ưu việt của khoa học phương Tây so với khoa học truyền thống của TQ, và chuẩn bị tinh thần của họ cho cuộc đổi mới 1868. Phạm Quỳnh và Fukuzawa Yukichi (sống trước Phạm Quỳnh khoảng nửa thế kỷ) có thể nói là hai học giả tiêu biểu cho Việt Nam và Nhật Bản, nhưng với hai tâm thế rất khác nhau. Một là nho sĩ, bên kia là võ sĩ có học, cho nên hai con đường của họ rất khác nhau. Chỉ có Phan Châu Trinh mới có tâm thức gần gủi với Fukuzawa hơn, bởi ông từ nhỏ đã được luyện võ trước khi luyện văn. Còn Nguyễn Trường Tộ thì do thừa hưởng giáo dục công giáo nên có cái nhìn cũng khác hơn Phạm Quỳnh.[33] Trong cơn nguy nan, đáng lẽ phải chiến đấu ở tuyến đầu, thì Phạm Quỳnh đã chọn đứng ở tuyến cuối như một người giản hóa luận: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”, giống như nếu ngài Fukuzawa bảo: “Truyện Genji[34] còn thì tiếng Nhật còn. Tiếng Nhật còn thì nước Nhật còn”. Các keimō Nhật Bản thì nêu lên khẩu hiệu: “Khoa học/Công nghệ phương Tây. Đạo đức phương Đông” (Sakuma Shōzan), tức đạo đức Khổng giáo mà giới tinh hoa Nhật Bản rất tự hào. Ngược lại các nhà khai minh TQ, tuy cũng chủ trương văn minh khai sáng, nhưng lại muốn từ bỏ Khổng giáo, do tình đặc thù của nước này. Họ thấy nhân dân bị áp bức hai lần, từ vua quan xuống tới gia đình, nhân danh đạo đức Khổng giáo. Còn Phanh Châu Trinh thì có khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” nổi tiếng, nhưng đó không phải là khẩu hiệu được giới tinh hoa VN chia sẻ, và nội hàm cũng không được giải thích nhiều hơn. Ông còn biết trước ông sẽ thất bại, vì nó không hợp với “khẩu vị” của người Việt, và Phan Bội Châu thuộc “văn chương tám vế” sẽ “tất thắng”, vì sẽ được nhiều người theo hơn.[35] Cũng không thấy các hội khoa học hình thành do người Việt Nam yêu nước thành lập. Đại học Đông dương của Pháp ra đời tại Hà Nội năm 1907, nhằm “đào tạo nhân viên bản xứ cho các bộ máy hành chính địa phương hoặc các cơ quan chuyên môn thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương.” Đó là một sự thúc đẩy tốt, nhưng nghiên cứu, khám phá và phát triển khoa học không phải là mục tiêu, cũng không phải là khao khát của giới trí thức mới. Một “Sorbonne nhỏ” ở Đông Dương? Không phải. Đời sống khoa học, các tổ chức khoa học, văn hóa khoa học không có gì đặc biệt. Không nghe nói về những công bố khoa học. Có thể lấy một trong nhiều dẫn chứng: Quyển Thuyết tương đối hẹp và rộng của Einstein viết cho đại chúng, dưới sự nổi tiếng thế giới của ông năm 1919, đã được dịch ngay sang tiếng Anh năm 1920 tại Anh, tiếng Nhật năm 1921, và tiếng Trung năm 1922. Đó là nguồn cảm hứng khoa học của thế giới. Nhưng mãi cho đến năm 2014 của thế kỷ 21 nó mới được dịch sang tiếng Việt, sau một cuộc “lệch giờ” ngót 100 năm[36]. Tương tự như thế, các tác phẩm khai minh mà các nhà khai minh Nhật Bản và Trung Quốc từng dịch thời của họ chịu cùng số phận lệch giờ của tác phẩm Einstein, như các tác phẩm kinh điển của Adam Smith, John Stuart Mill, Herbert Spencer, Thomas Huxley, Montesquieu, Samuel Smiles và nhiều tác giả khác. Trong khi VN chịu ảnh hưởng độc nhất của văn hóa Pháp, thì giới tinh hoa Nhật và TQ chịu ảnh hưởng của văn hóa Anh Mỹ, nói đúng hơn, của cả văn hóa phương Tây. Trong những năm chiến tranh ác liệt, các nhà khoa học ở hai miền đều có những nổ lực rất đáng kính trọng để vươn lên, có nhiều công bố nước ngoài, chuẩn bị cho một bước phát triển mới khi hòa bình tới. Nhưng rồi bước phát triển được chờ đợi đó đã không đến, mãi cho đến hôm nay. Nhiều lý do: “Cơ chế”, “thể chế”, sự không quan tâm, hiểu biết từ phía trên, ý định không muốn cải cách và hiện đại hóa đại học và cả kinh tế theo trào lưu thế giới. VN tự “đóng cửa” thế giới tinh thần của mình, trong khi chỉ muốn mở cửa về kinh tế. Đó là nghịch lý rất nguy hại.[37] Hệ quả nghiêm trọng của việc đánh giá thấp khoa học, công nghệ là đến nay Việt Nam vẫn chưa cuộc cách mạng công nghiệp, làm cho nền kinh tế kẹt vào “bẫy thu nhập trung bình thấp” chưa có lối ra. Không thể có một nền kinh tế phát triển, nếu không có một nền khoa học sáng tạo phát triển, và dĩ nhiên, nền đại học nghiên cứu phát triển. Có một nguồn gốc sâu xa nào nằm trong DNA của văn hóa Việt Nam để cắt nghĩa sự yếu kém khoa học không? Hãy nghe gợi ý lý giải của thiên tài Leonardo da Vinci (1452-1519) khi ông nhận xét tinh tế về mối tương quan giữa hội họa và khoa học lúc khoa học bắt đầu hồi sinh thời Phục Hưng sau hơn một nghìn năm vắng bóng: “Ai coi khinh hội họa, sẽ không có tình yêu cho triết học tự nhiên (tức khoa học)”[38]; hội họa là kẻ bắt chước duy nhất tất cả những tác phẩm nhìn thấy được của tự nhiên, là “đứa con của Tự nhiên”. Nếu bạn coi khinh hội họa thì chắc chắn bạn cũng sẽ coi khinh sự sáng tạo tinh tế của tạo hóa. Hay nói một cách khác, cả hai, nhà hội họa và nhà khoa học, có cùng một tính chất: con mắt quan sát tự nhiên chính xác. Đó là cái có lẽ Việt Nam thiếu.[39] [Người Hà Nội trong những ngày tháng 9 này có dịp ngắm nhìn các tác phẩm của danh họa thời Phục Hưng Raphael (1483-1520) cùng thời với Leonardo, có thể nhìn thấy những đường nét chính xác kinh ngạc của các bức tranh.] Phương Tây có cả hai, hội họa và khoa học, và cũng không phải ngẫu nhiên khi Việt Nam đều thiếu cả hai. Người Nhật có nền hội họa được phương Tây rất ngưỡng mộ, và được cho rằng họ là nước phát triển. Họ có óc tò mò, và quan sát chính xác cao, nên họ đã sao chép những cái hay của phương Tây rất chính xác để xây dựng một quốc gia mới thành công theo mô hình phương Tây. Người Nhật có độ nhạy cảm cao, hiểu ngay những “tấm gương” xuất hiện từ xa để học hỏi và noi theo để không bị trả giá. Người TQ nhạy cảm ít hơn, nên phải chờ có tấm gương trước mặt mới hiểu, là Nhật Bản, và phải trả giá. Người Việt cần nhận thức nhanh hơn rằng công nghiệp hóa và công nghệ cao là chìa khóa để hóa rồng, điều đã diễn ra xung quanh, và cần hành động quyết đoán hơn để thực hiện điều đó.Thời đại này các quốc gia công nghiệp đang phát triển với tốc độ hàm mũ, trong khi chúng ta vẫn còn phát triển theo tuyến tính, nghĩa là rất chậm so với họ. Để kết thúc bài này tôi xin mượn đoạn văn của Francis Bacon bốn trăm năm trước vẫn còn nóng bỏng, khẩn thiết và đáng để suy ngẫm cho Việt Nam hôm nay: Chân lý là đứa con của Thời đại, không phải của quyền uy. Và sẽ là điều sĩ nhục cho nhân loại nếu các lãnh vực của thế giới vật chất, các quốc gia, biển cả, tinh tú trong thời đại chúng ta đều được mở rộng vô biên và được soi sáng, nhưng biên giới của thế giới trí thức thì lại bị bó hẹp trong cái góc chật hẹp của thời Trung cổ.[40] Tinh thần thế giới, Weltgeist, đã liên tục thổi qua thế giới từ mấy thế kỷ qua. Muốn chấm dứt sự lạc hậu triền miên trong lịch sử cần phải hiểu được nó, và xây dựng đất nước theo quy luật của nó. Cần phải có một cuộc thay đổi lớn về văn hóa thực học, khuyến học, khoa học, những yếu tố tự chúng có tính chất cách mạng, nếu Việt Nam muốn tồn tại vững bền, không muốn lại phải tiếp tục trả giá đắt lần nữa. Và dĩ nhiên, phải có thể chế thích hợp để cho những giá trị đó phát triển mà không bị kềm hãm. Thành phố Hồ Chí Minh Tháng 9, 2020 [1] Fukuzawa Yukichi, Khuyến học, hay Những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản. Phạm Hữu Lợi dịch. Công ty Cà phê Trung Nguyên (không thấy năm) [2] Xem chẳng hạn tr.42 trong The Speeches of Fukuzawa Yukichi. A Translation and Critical Study by Wayne H. Oxford. The Hokuseido Press, 1973. [3] Xem thêm bài Tại Sao Người Nhật Mê Đọc Sách? của tác giả: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/tai-sao-nguoi-nhat-me-doc-sach/ [4] Trang 10, Carmen Blacker, The Japanese Enlightenment. A Study of the Writings of Fukuzawa Yukichi. Cambridge University Press, 1969. [5] Trang 10 như trên [6] Trang ix, x trong Fukuzawa Yukichi on Education. Translated by Eiichi Kiyooka và Introduction by Kazuyoshi Nakayama. University of Tokyo Press, 1985. [7] Trang xii, như trên [8] Tessa Morris-Suzuki, The Technological Transformation of Japan. From the Seventeenth to the Twenty-first Century. Cambridge University Press, 1994. [9] Trang 43 trong The Speeches of Fukuzawa. Như trên [10] Novum Organum, Aphorism 129, hay trong Benjamin Farrington, Francis Bacon. Philosopher of Industrial Science. Octagon Books,1979. Trang 7 [11] Trang 37-38 trong Markku Peltonen (ed.), The Cambridge Companion to Bacon. Cambridge University Press, 1996. [12] Edgar Zilsel, Die Sozialen Ursprünge der neuzeitlichen Wissenschaft. Suhrkamp, 1976. [13] Benjamin Farrington, Francis Bacon. Như trên [14] Edgar Zilsel, như trên [15] Hugh Kearney, Science and Change 1500-1700. World University Library, 1981, tr. 221. [16] Immanuel Kant, Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn chuyển ngữ. Nhà xuất bản văn học, 2004. Trang 41-42. [17] Trang 48 trong Joel Mokyr, The Enlightened Economy. An Economic History of Britain 1700-1850. Yale University Press, 2009. [18] Công xưởng Jiangnan có lẽ quan trọng bậc nhất ở TQ. Lúc đầu được người Anh quản lý, cuối cùng được người TQ tự đảm nhiệm. Nhiều nhân viên cũng được đào tạo ở hải ngoại. Phái đoàn Nhật Iwakura từng thăm công xưởng và có ấn tượng rất tốt. Họ cũng có mua tài liệu dịch thuật để tham khảo. [19] Benjamin A. Elman 2005, 387-390. [20] Elman 2006, 198 [21] Elman 2005, 434-435 [22] Elman 2006, 223 [23] Shih Hu, The Chinese Renaissance. University of Chicago Press, 1934. Tr. 44 [24] Edmund S. K. Kung, The Intellectual Foundations of Chinese Modernity. Cambridge University Press, 2010. Trang 41. [25] Vera Schwarcz, The Chinese Enlightenment. Intellectuals and the Legacy of the May Fourth Movement of 1919. University California Press, 1986. Tr. 120. [26] E. S. K. Kung, 132 [27] E. S. K. Kung, 132 [28] Vera Schwarcz, 8 [29] Xem trang web Phan Châu Trinh – Việt Nam – và Nhật Bản nói trên [30] Xem Sức ỳ của Ý thức Khoa học Việt Nam: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/suc-y-cua-y-thuc-khoa-hoc-viet-nam/ [31] Sức ỳ, như trên [32] Sức ỳ như trên [33] Xem Phan Châu Trinh – Việt Nam – và Nhật Bản nói trên [34] Truyện Genji là một tác phẩm văn học kinh điển nổi tiếng của Nhật bản thế kỷ 11 mà tác giả là nữ quý tộc Murasaki Shikibu trong triều đình. [35] Xem Phan Châu Trinh – Việt Nam – và Nhật Bản nói trên [36] Xem Thuyết tương đối hẹp và rộng của Albert Einstein, được tác giả chuyển ngữ, do nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành, 2014. [37] Xem sách ĐẠI HỌC – Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới của tác giả, nxb Tổng hợp TP HCM, 2019. [38] Trang 180 trong Kenneth R. Bartlett, The Civilization of the Italian Renaissance. A Sourcebook. University Toronto Press, 2011. [39] Trong bài Lỗ hổng văn hóa Việt nam của tác giả. Chưa công bố [40] Francis Bacon, Das Neue Organon. Akademie Verlag, 1982. Tr. XX click để thu gọn☆☆☆
Xem thêm:
Cuộc hóa rồng và Giới tinh hoa kỹ trị
liên quan đến vai trò thiết yếu của trí thức trong công cuộc xây dựng quốc gia công nghiệp phát triển; và nước Đức đã vươn lên từ đống tro tàn bằng khoa học, công nghệ, giáo dục và những đại biểu vĩ đại của nó ở thế kỷ 19:
Vì sao tôi viết Nước Đức thế kỷ XIX?
cũng như xin đón xem
(1) Bí mật Thung lũng Silicon & Những bài học từ Thần kỳ kinh tế Hi-tech; và
(2) Thung lũng Silicon & Tân Trúc và Cuộc hóa rồng của Đài Loan
sắp ra mắt tại Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2021. NXX