GS vật lý giải Nobel Gerard ‘t Hooft
và phu nhân Albertha
Sắp thăm Đà Lạt vào đầu tháng 5, 2018
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Ai một lần được tiếp xúc với những tài năng vĩ đại sẽ thay đổi thước đo tinh thần cho cuộc đời, và cuộc tiếp xúc như thế là điều thú vị nhất cuộc đời có thể mang lại được.
Hermann Helmholtz
Nhà vật lý học Đức thế kỷ XIX
Lời nói đầu. Đây sẽ là một sự kiện rất thú vị cho thành phố Đà Lạt mà dưới đây là Thông cáo báo chí của nhóm “hậu cần” trong sự phối hợp với GS Trần Thanh Vân và các Ban ngành Đà Lạt liên quan nhằm thực hiện chuyến đi của GS Gerard ‘t Hooft đến Đà Lạt chúng tôi xin gửi đến tất cả các anh chị và các bạn, và mời các anh chị và các bạn quan tâm đến dự buổi thuyết trình. Nhà vật lý Stephen Hawking của lỗ đen vừa mất, nơi người ta ngờ chứa đựng những bí mật của tạo hóa, thì chưa đầy hai tháng sau, tại Đà Lạt, lỗ đen sẽ xuất hiện như một đối tượng nghiên cứu trong một bài thuyết trình của GS ‘t Hooft đến từ Đại học Utrecht, Hà Lan, trong nỗ lực nhằm qua đó “giải mã” bản chất bí ẩn sâu thẳm của các định luật cơ bản vật lý là lực hấp dẫn và cơ học lượng tử. Đây hẳn là một bài toán thật “hóc búa”, nhưng lại vô cùng lôi cuốn mà hơn nửa thế kỷ qua giới khoa học tìm nhiều cách khác nhau để rọi ánh sáng vào. Chúng tôi sẽ rất hoan nghênh mối quan tâm đến sự kiện này của các báo đài Việt Nam. Riêng các anh chị ở thành phố Hồ Chí Minh: Thật là lãng mạn nếu có những anh chị lấy xe đêm đi Đà Lạt, sáng hôm sau điểm tâm tại Đà Lạt xinh đẹp và mát mẻ, và sau đó nghe GS ‘t Hooft, người cũng vừa bay 10.000 cây số từ Hà Lan đến thành phố, thuyết trình về vai trò của lỗ đen trong việc hiểu biết các định luật tự nhiên về vũ trụ! Hà Lan là quốc gia đã từng đóng vai trò tác nhân khai sáng quan trọng cho Nhật Bản, giúp cho giới tinh hoa lan học trong thời đóng cửa thế kỷ 18 và 19 hiểu những gì đang diễn ra tại châu Âu, như cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, hiểu thuyết Copernice, Newton, y khoa, kỹ thuật đóng tàu, cũng như hiểu biết về tình hình thế giới, những gì đang diễn ra tại Trung Hoa và Việt Nam, đe dọa chính họ nếu họ không kịp đổi mới. Nay người đại biểu quan trọng, một đứa con xuất sắc của xứ hoa Tulip, GS Gerard ‘t Hooft, đang mang đến cho chúng ta nguồn cảm hứng và những thông tin khoa học quý báu khác. NXX
***
Chúng tôi hết sức vui mừng thông báo quý báo, quý đài rằng một Giáo sư Vật lý Hà Lan Giải Nobel (1999), Gerard ‘t Hooft, và phu nhân Albertha ‘t Hooft-Schik sẽ có chuyến tham quan thành phố Đà Lạt vào đầu tháng 5 này. Giáo sư ‘t Hooft là người đã từng dự hội nghị khoa học tại Trung tâm ICISE Quy Nhơn năm ngoái. Năm nay, cũng theo lời mời của GS Trần Thanh Vân của Trung tâm Hội nghị quốc tế Quy Nhơn, ICISE, ông trở lại cùng với phu nhân, và theo sự giới thiệu của tổ chức Gặp gỡ Việt Nam, sẽ thăm thành phố Đà Lạt xinh đẹp, trước khi ra Quy Nhơn, và trong dịp này, ông sẽ có buổi nói chuyện khoa học với Đại học Đà Lạt và giới khoa học, học sinh, sinh viên về những đề tài vật lý thời sự trong dòng nghiên cứu thế giới.
Lịch tham quan và làm việc khoa học dự kiến của ông là:
–Chiều ngày 5/5: GS ‘t Hooft và phu nhân đến phi trường Liên Khương và sẽ lưu lại tại Edensee resort.
–Ngày 6/5: Tham quan thành phố với một số mục chính sau đây:
– Tham quan Rừng hoa Đà Lạt và một số điểm du lịch thành phố/ Thăm làng SOS/ Thưởng ngoạn hồ Tuyền Lâm/ Giao lưu văn hóa cồng chiêng.
–Sáng ngày 7/5, 9:00: Nói chuyện và giao lưu tại Đại học Đà Lạt với sinh viên và học sinh các trường chuyên của Đà Lạt về vật lý, và khoa học, địa chỉ: Hội trường A11, 1 Phù Đổng Thiên Vương, Phường 8, TP Đà Lạt.
–Chiều ngày 7/5: Ông bà ‘t Hooft rời Đà Lạt để đi Quy Nhơn.
Đề tài thuyết trình của GS Gerard ‘t Hooft ngày 7/5 tại Đại học Đà Lạt:
CÁC LỖ ĐEN CÓ THỂ THAY ĐỔI CÁI NHÌN CỦA CHÚNG TA THẾ NÀO VỀ CÁC ĐỊNH LUẬT CƠ BẢN NHẤT CỦA LỰC HẤP DẪN VÀ VẬT CHẤT (How black holes can change our views on the most basic laws of the gravitational force and matter) Tóm tắt: Dù rằng lực hấp dẫn chỉ có thể quan niệm được khi chúng các động lên các vật thể lớn như các vì sao và hành tinh, trong khi các hạt nhỏ nhất như nguyên tử và các hạt cơ bản chịu sự chi phối nhạy cảm của những hiệu ứng cơ học lượng tử, các nhà vật lý đang tìm kiếm một lý thuyết để mô tả được hai định luật đó chung lại với nhau. Vấn đề khó khăn nổi tiếng này được xem xét dưới một góc nhìn mới khi chúng tôi nghiên cứu xem các lỗ đen nhỏ xíu (tiny black holes) và xem chúng sẽ vận hành như thế nào khi cả hai lực hấp dẫn và cơ học lượng tử cùng tác động lên chúng. Các kết quả gây ngỡ ngàng, và truyền cảm hứng cho chúng tôi về những cách nhìn không gian, thời gian và vật chất hoàn toàn mới lạ. |
Đôi nét tiểu sử về GS Gerard ‘t Hooft:
Ông sinh năm 1946 tại Den Helder (năm nay 72 tuổi) và lớn lên tại The Hague, thủ đô của Hà Lan. Ông xuất thân từ một gia đình có truyền thống học thuật cao, và từ nhỏ đã có mộng trở thành nhà khoa học “biết mọi thứ”. Ông nghiên cứu vật lý hạt, một ngành rất nóng bỏng trong những thập niên cuối của thế kỷ 20, truy tìm cấu trúc cuối cùng của vật chất ở cấp dưới nguyên tử mà cao điểm là hạt Higgs và Mô hình chuẩn. Hai bài báo cáo nghiên cứu của ông được công bố năm 1971 để làm luận văn tiến sỹ đã tạo nên sự bứt phá hết sức to lớn nhằm khai thông bế tắc, giúp cho vật lý hạt trở lại thuyết trường lượng tử sau một thời gian dài bị cản trở. Lúc đó ông mới 25 tuổi. Kết quả sáng chói được cả cộng đồng vật lý đánh giá cao ngất, và đã giúp ông được công nhận, cùng với thầy ông, Martinus Veltman, Giải Nobel Vật lý năm 1999. Mối quan tâm ông trong vật lý là rất đa dạng và mở rộng đến nhiều lãnh vực khác, như lỗ đen, hấp dẫn lượng tử, nguyên lý toàn ảnh, vân vân. (Xem Kỷ yếu Hạt Higgs và Mô hình chuẩn, nxb Tri Thức 2013)
Năm 2011 ông được bổ nhiệm làm “Giáo sư Xuất sắc” tại Đại học Utrecht, Hà Lan, nơi ông từng theo học. Ngoài ra ông còn nhận được 6 giải quốc tế khác như Giải Wolf, Huân chương Lorentz, Giải Spinoza, Huân chương Franklin, Huân chương Vàng Lomonosov, Huân chương vinh dự của Viện Niels Bohr. Ông là khách mời của vô số trung tâm khoa học, đại học thế giới.
Ông còn là một nhà giáo dục, muốn giúp truyền cảm hứng, giúp sinh viên trên đường nghiên cứu vật lý hiện đại. Ông có mở trang web cho mục tiêu này.
Hiện ông nghiên cứu các lỗ đen, đối tượng vật lý kỳ dị của Stephen Hawking, để hiểu bản chất của thuyết tương đối rộng của Einstein, và cơ học lượng tử, cũng như mối liên hệ giữa chúng với nhau mà Einstein đã và cả thế giới đang đi tìm. Giới vật lý nghi rằng, những bí ẩn của vũ trụ nằm trong các lỗ đen, như câu nói minh họa của Stephen Hawking: Không những Chúa chơi xúc xắc, mà còn ném chúng vào những nơi mà con người khó tìm thấy. Đó có thể là các lỗ đen.
Chúng tôi cảm thấy là một diễm phúc cho Việt Nam được ông nhận lời đến thăm và nói chuyện với đại học và giới khoa học. Chúng tôi hy vọng rằng, Giáo sư Gerard ‘t Hooft, với tri thức và thẩm quyền khoa học quốc tế, với tình cảm dồi dào đối với Việt Nam, có thể đem lại những kiến thức bổ ích của ngành vật lý lý thuyết cho các giảng viên đại học, cho tập thể sinh viên và học sinh Đà Lạt, nếu không muốn nói thêm, rằng ông sẽ đem lại một luồng gió mới của cảm hứng khoa học cho Đà Lạt. Đại học Đà Lạt có thể tìm thấy qua ông một cánh cửa sổ ra thế giới khoa học. Các đại học Việt Nam cần tìm cách đặt quan hệ tốt với các nhà khoa học hàng đầu thế giới để phát triển và nâng cấp mình. Chúng ta tự đi tìm họ khó hơn là khi họ đã đến trước mặt chúng ta.
GS Gerard ‘t Hooft
“Khi còn là sinh viên, tôi thường được truyền cảm hứng bởi những khám phá khoa học kỳ diệu, và sau đó tôi hỏi liệu tôi có khả năng lặp lại những khám phá đó hay không. Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã cố gắng đo tốc độ ánh sáng, và hằng số Newton của hấp lực. Cả hai nỗ lực đều thất bại. Nhưng hiện tượng tương phản pha, vâng, tôi có thể lập lại trong kính hiển vi của riêng tôi.” (Từ trang mạng của GS G. ‘t Hooft) “Vật lý lý thuyết giống như một tòa nhà cao chọc trời. Nó có nền tảng vững chắc của toán học cơ bản và các khái niệm vật lý cổ điển (trước thế kỷ 20). Đừng nghĩ rằng vật lý trước thế kỷ 20 là “không quan trọng” vì bây giờ chúng ta có đã nhiều thứ hơn. Trong những ngày đó, nền tảng vững chắc đã được xây dựng bằng những kiến thức mà chúng ta ngày nay đang thừa hưởng. Đừng cố gắng xây dựng tòa nhà chọc trời của bạn mà không tự mình tái tạo lại các nền tảng này. Các tầng lầu đầu tiên của tòa nhà chọc trời của chúng ta bao gồm các lý thuyết toán học tiên tiến, những thứ biến vật lý cổ điển thành những vẻ đẹp của riêng mình. Chúng là cần thiết nếu bạn muốn bước lên cao hơn. Vì vậy, tiếp đến là nhiều chủ đề khác được kê ra dưới đây. Cuối cùng, nếu bạn đủ điên (mad) để muốn giải quyết những vấn đề cực kỳ phức tạp của sự thống nhất vật lý hấp dẫn với thế giới lượng tử, bạn sẽ phải tiến hành học lý thuyết tương đối rộng, lý thuyết siêu dây, lý thuyết-M, sự compac-hóa Calabi-Yau … Những thứ đó hiện tại là đỉnh của tòa nhà chọc trời. Có những đỉnh cao khác như ngưng tụ Bose-Einstein, hiệu ứng phân số Hall, và nhiều hơn nữa. (Những thứ đó) cũng tốt cho các giải Nobel, như những năm trước đã cho thấy. Một lời cảnh báo cần thiết: ngay cả khi bạn cực kỳ thông minh, bạn vẫn có thể bị mắc kẹt ở đâu đó. Hãy tự lướt mạng, và tìm hiểu thêm và kể cho tôi nghe điều gì bạn đã tìm được. Nếu trang web này có thể đem lại sự trợ giúp nào cho ai đó trong khi chuẩn bị cho việc học đại học, nếu nó đã động viên, thúc đẩy ai đó, giúp đỡ một ai đó trên đường đi, và làm cho êm đường của anh ta, chị ta đi hướng tới khoa học, thì tôi cho đây là trang mạng thành công. Làm ơn cho tôi biết. Đây là danh sách (các đề tài khoa học trong mạng).” Gerard ‘t Hooft viết về trang mạng mình dành cho sinh viên http://www.goodtheorist.science/index.html. Đây có thể được xem là trang “thích học vật lý” của ông dành cho những người đam mê nó. |
GS ‘t Hooft (hàng đầu) tại Hội nghị khoa học quốc tế tại trung tâm ICISE năm 2017.
Bên trái ông là GS Trần Thanh Vân, người đã xây dựng nên ICISE; tiếp đến là phu nhân Albertha.
GS ‘t Hooft trồng cây tại ICISE
GS ‘t Hooft và phu nhân Albertha được chào đón khi đến Quy Nhơn
GS ‘t Hooft và phu nhân trao đổi với GS Trần Thanh Vân
GS ‘t Hooft với sinh viên khoa học Việt Nam hâm mộ ông (ảnh Tuổi Trẻ News)
GS ‘t Hooft và nhà vật lý Stephen Hawking tại một hội nghị về lỗ đen năm 2015
Sự có mặt của GS Gerard ‘t Hooft và phu nhân cũng có thể còn làm tăng uy tín của thành phố Đà Lạt như thành phố văn hóa và mến khách. Sau 125 năm Bác sĩ Yersin khám phá thành phố, nay có một nhà khoa học thế giới đặt chân đến vùng đất đặc biệt này, hy vọng ông cũng có thể khám phá các tài năng trẻ tiềm ẩn của Việt Nam tại đây, và đánh thức. GS ‘t Hooft từ nhỏ nổi tiếng muốn trở thành nhà khoa học “biết tất cả”, có giấc mơ và hoài bão rất lớn. Và con đường ông thực tế đã diễn ra như mơ ước. Ở tuổi 20, ông đã xông vào những bài toán khó nhất của thời đại đang gây bế tắc và làm cho cộng đồng vật lý đau đầu. Ông không tin những gì dư luận nói, mà phải bắt tay vào, và biết nhìn sự vật một cách sáng tạo, độc đáo theo cách của ông. Và bây giờ, ở tuổi bảy mươi, ông vẫn còn dấn thân vào những biên giới khó khăn nhất, giống như Einstein đã từng làm. Đó là một tấm gương rất đáng cho tuổi trẻ Việt Nam noi theo. Cho nên chuyến tham quan và nói chuyện của GS là một cơ hội rất có ý nghĩa của một sự “truyền lửa”.
Kết nối với các nhà khoa học hàng đầu thế giới cần thiết phải là một phần của chiến lược “mở cửa” và tiến vào quỹ đạo khoa học thế giới, để nâng cấp và hiện đại hóa nền khoa học Việt Nam, về nội dung giáo dục cũng như nghiên cứu. Các đại học tiên tiến của các quốc gia khu vực đang không ngừng “săn đầu người”, để kết nối với các nhà khoa học hàng đầu thế giới trên mọi lãnh vực. Chính họ là những người đem lại những ý tưởng mới của khoa học, truyền cảm hứng, tác nhân kích thích sự phát triển của khoa học nội địa, và họ có thể đỡ đầu cho nghiên cứu khoa học của những sinh viên xuất sắc nội địa. Khoa vật lý của Đại học Bandung của Indonesia là một thí dụ gần đây nhất. Họ đã mời GS ‘t Hooft làm “Giáo sư trợ giúp” (Adjunct Professor) cho một giai đoạn 5 năm 2016-2020 tư vấn và “trợ lực” để nâng cấp trình độ và tên tuổi của khoa họ lên. Việt Nam chúng ta cần phải làm gì?
Từ 25 năm qua, 1993-2018, GS Trần Thanh Vân, người của tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” đã thường xuyên đưa các giáo sư vật lý hàng đầu thế giới, trong đó có nhiều người đoạt giải Nobel, đến “gõ cửa” Việt Nam. Họ đến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, và từ 5 năm qua, họ đến Trung tâm ICISE khi trung tâm này, trung tâm hội nghị khoa học quốc tế tầm cỡ của Việt Nam và khu vực, chính thức đi vào hoạt động. ICISE là nhịp cầu quan trọng trong chiến lược để Việt Nam “kết nối với khoa học thế giới”. Đó là cơ hội vàng, khi đã có người làm công việc kết nối sẵn, là GS Trần Thanh Vân và phu nhân, GS Lê Kim Ngọc, đã giúp hình thành xong công trình hội nghị có kiến trúc hiện đại của một kiến trúc sư Pháp hàng đầu (Milou, đóng tại Singapore). Chúng ta nhớ lại rằng, Nhật Bản Minh Trị mở cửa và bắt tay xây dựng nền khoa học mình năm 1868, nghĩa là đúng 150 năm trước, thì mãi đến năm 1922, nghĩa là sau ngót nửa thế kỷ, mới có một nhà vật lý Nobel đầu tiên đến thăm, đó là Albert Einstein. Giờ đây, Việt Nam hầu như thường xuyên có vinh dự rất lớn thông qua tổ chức Gặp gỡ Việt Nam đón nhận hàng năm nhiều giáo sư khoa học Nobel từ nhiều ngành đến thăm, bên cạnh nhiều nhà khoa học thế giới tên tuổi khác. Chúng ta phải hết sức tranh thủ và tận dụng cơ hội vàng này.
Giáo sư Trần Thanh Vân và phu nhân GS Lê Kim Ngọc trong một cuộc nhận giải thưởng tại Nga
Một góc nhìn của trung tâm hội nghị ICISE, trông giống như một “đền thờ khoa học”, danh từ người thường gọi ở phương Tây. Nhưng đây không phải là “Văn Miếu”, nơi đã chỉ đào tạo công chức bộ máy của vua theo những tri thức nhân văn cố định cổ xưa, mà đây là nơi gặp gỡ, truyền bá và thảo luận về những ý tưởng khoa học mới của tương lai. Khoa học là động lực phát triển của quốc gia và thế giới, như một đề tài hội thảo quốc tế tháng 5 năm nay. Và cũng 200 năm trước, nghiên cứu khoa học được nhà cải cách Đức Wilhelm von Humboldt nhận thức sâu xa là động lực để phát triển quốc gia và cá nhân, được kết tinh trong Đại học Berlin năm 1810, nay là Đại học Humboldt. Đại học này sau đó đã trở thành mô hình mẫu cho các đại học nghiên cứu của thế giới. Trong mạch này, GS Ngô Bảo Châu trong một cuộc hội thảo tại Quy Nhơn cũng đã nhấn mạnh: “Chất lượng nghiên cứu khoa học quyết định chất lượng giáo dục.”
“Vừng ơi mở cửa!”. Đây là những cơ hội vàng tuyệt vời mà các đại học Việt Nam có thể và nên nắm lấy để nâng cấp mình lên, về nghiên cứu, nội dung giảng dạy cũng như tên tuổi, thứ hạng của mình trên bản đồ đại học khu vực, và thế giới.
Vì thế chúng tôi rất mong các báo, đài hãy dành cho vợ chồng giáo sư Gerard và Alberta ‘t Hooft những tình cảm tốt đẹp, lòng hiếu khách, sự quan tâm ân cần, sự trân trọng một tài năng hàng đầu thế giới muốn đem đến chúng ta những tri thức mới nhất, tình cảm tốt đẹp cho Đà Lạt. Mong rằng chuyến tham quan sẽ để lại trong lòng giáo sư và phu nhân những kỷ niệm đẹp khó quên.
Nguyễn Xuân Xanh
Thay mặt Ban tổ chức sự kiện/ Gặp gỡ Việt Nam