ĐỘT PHÁ: CUỘC ĐỜI KHOA HỌC CỦA TÔI
VÀ NHỮNG BÀI HỌC CỦA ĐỜI THỰC VỀ HÓA HỌC
Breaking through. My Life in Science
Katalin Karikó
Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu
Tôi không cho rằng mình đặc biệt thông minh, nhưng những gì tôi thiếu ở khả năng bẩm sinh, tôi có thể bù đắp bằng nỗ lực.
Katalin Karikó
Những người làm khoa học không chỉ phải vật lộn với những ngành khoa học khảo sát con người, mà – và đây là một vấn đề khó khăn hơn nhiều – họ sẽ phải thuyết phục thế giới lắng nghe những gì họ đã khám phá ra. Nếu họ không thể thành công trong công việc khó khăn này, con người sẽ tự hủy hoại chính mình bằng sự thông thái nửa vời của mình.
Bertrand Russell, 1872-1970
Katalin Karikó (sinh ngày 17. 1. 1955, tại Snolnok, Hungary)
Giải Nobel Sinh lý học và Y học 2023, cùng với đồng nghiệp Drew Weissman, “cho những khám phá của họ liên quan đến việc sửa đổi nucleotide base cho phép phát triển vắc xin mRNA hiệu quả chống lại COVID-19” (Ảnh của Ủy ban Nobel)
Lời dẫn nhập. Không còn ai xa lạ với cái tên người phụ nữ Mỹ gốc Hungary Katalin Karikó đã vang dội những năm qua như một trong những vị cứu tinh nhân loại trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Năm 2023, bà và đồng nghiệp, Drew Weissman, được chính thức trao giải Nobel danh giá mà dư luận đã chờ đợi từ lâu cho những công trình khoa học tạo điều kiện cho các công ty Pfizer và BionTech, cũng như Moderna, để cuối cùng chế tạo được loại vắc xin Covid-19 dựa trên vật liệu mRNA của mã di truyền, loại vắc xin tỏ ra rất hiệu nghiệm trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Cuối năm 2021, bà và Drew Weisman cũng đã có đến Hà Nội để nhận giải khoa học VinFuture.
Cuộc đời bà được bà viết lại trong quyển sách tự truyện Breaking Through, My Life in Science, ra mắt tháng 10, 2023 tại Nxb Crown. Đó là một “sử thi” của một “nữ anh hùng” trong khoa học, với những đam mê có tính phiêu lưu, đương đầu với những sự vùi dập lạnh lùng của cuộc đời dành cho bà, nhưng tất cả đều không giết chết nổi niềm tin vào khám phá khoa học của bà, cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng lên tạo cho bà cơ hội để chứng minh rằng, những gì bà tin không lay chuyển trong khoa học đá là đúng đắn.
Thực tế, niềm tin khoa học, như một “sứ mệnh” đã nảy sinh và được củng cố từ lúc bà còn học ở Hungary. Bà xuất thân từ một gia đình nghèo, bố làm người bán thịt (“I grew up the daughter of a butcher …”), nhưng có một gia đình đầy thương yêu nhau, cũng như hưởng được một nền giáo dục khoa học tốt, khuyến khích đam mê khoa học ở tuổi trẻ. Hungary từng là cái nôi của nhiều nhà khoa học, vật lý, toán học nổi tiếng thế giới.
Một quyển sách có ảnh hưởng lớn nhất lên sự phát triển của bà có tên The Stress of Life của Hans Selye (1907–1982), nhà nội tiết học tiên phong người Canada gốc Hungary. Quyển sách được thầy Tóth giới thiệu cho bà. Lúc đó bà ở tuổi teen, nhưng Karikó đã cảm nhận quyển sách “được viết dành cho bà” và bà đã tuyên bố như một lời thề: “Trong suốt quãng đời còn lại của tôi, không có cuốn sách nào ảnh hưởng đến cá nhân tôi nhiều như cuốn sách này, hay có ý nghĩa hơn cuốn sách này. Cuốn sách là sự khám phá về điều mà Selye, một nhà nội tiết học, gọi là “căng thẳng”, stress. Bà trích hai đoạn quan trọng đối với bà từ The Stress of Life:
Chỉ những người được ban phước lành với sự hiểu biết xuất phát từ tình yêu chân thành và sâu sắc đối với Tự nhiên… mới thành công trong việc xây dựng một bản thiết kế cho nhiều câu hỏi cần được hỏi để có được một câu trả lời gần đúng….
Chỉ những người bị “nguyền rủa” vì sự tò mò ám ảnh không thể kiểm soát nổi đối với những bí mật của Tự nhiên mới có thể – bởi vì họ phải – dành cả cuộc đời mình để giải quyết một cách kiên nhẫn, từng vấn đề một, vô số vấn đề kỹ thuật khi thực hiện từng thí nghiệm trong số vô số thí nghiệm được yêu cầu.
Dù được ban phước lành hay bị nguyền rủa, Karikó viết tiếp, tôi chắc chắn rằng mình là một trong những người mà Selye đang nói đến. Tôi chắc chắn rằng tôi có thể—rằng tôi phải—dành cả đời để kiên nhẫn giải quyết các vấn đề kỹ thuật, thực hiện vô số thí nghiệm.
Hans Selye (1907-1882), nhà nội tiết học người Canada gốc Hungary (bố người Hungary, mẹ người Áo, sinh ra tại Vienna) đã đặt nền móng cho sự hiểu biết về stress và cách ứng xử với nó. Ảnh trong những năm 1970 (Wikipedia) Bên cạnh là quyển sách khoa học ảnh hưởng lớn The Stress of Life của ông, được xuất bản lần đầu tiên năm 1956.
Xem thêm về Hans Selye tại đây
Năm 1968, Hans Selye nhận được Huân chương Companion of the Order of Canada, huân chương cấp nhà nước của Canada và là vinh dự cao thứ hai về khen thưởng trong hệ thống các huân chương và huy chương của Canada, sau Huân chương Công trạng. Năm 1976, ông nhận được Giải thưởng Đĩa Vàng của Học viện Thành tựu Hoa Kỳ tại buổi lễ Tiệc Đĩa Vàng ở San Diego, California.
Selye được đề cử giải Nobel về Sinh lý học và Y học lần đầu tiên vào năm 1949. Mặc dù nhận được tổng cộng 17 đề cử trong sự nghiệp của mình nhưng ông chưa bao giờ đoạt giải. Ông có khoảng 17.000 công bố khoa học, và viết khoảng 40 quyển sách.
Vài trích dẫn của Hans Selye (stress = căng thẳng):
Căng thẳng là gia vị của cuộc sống
Nếu bạn muốn sống lâu, hãy tập trung vào những việc đóng góp (hữu ích)
Để duy trì sức khỏe, người ta phải có mục tiêu, mục đích nào đó trong cuộc sống mà anh ta, chị ta có thể kính trọng và tự hào khi làm việc cho nó.
Hầu như không có vi trùng nào gây nguy hiểm vô điều kiện cho con người; khả năng gây bệnh của nó phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể.
Lấy thái độ đúng đắn có thể chuyển đổi căng thẳng tiêu cực thành căng thẳng tích cực
Căng thẳng không hẳn là điều xấu, tất cả phụ thuộc vào cách bạn tiếp nhận nó. Sự căng thẳng của công việc thành công, đầy sáng tạo là có lợi, trong khi đó sự thất bại, bị sỉ nhục hoặc bị lây nhiễm là có hại
Cảm xúc lành mạnh nhất của con người là lòng biết ơn (gratitude)
Lòng biết ơn bảo tồn năng lượng sống của một người nhiều hơn bất kỳ thái độ nào khác được thử nghiệm
Để biến giấc mơ lớn thành hiện thực, trước tiên bạn phải có ước mơ lớn.
Lời khuyên của tôi dành cho bất kỳ người trẻ nào khi mới bắt đầu sự nghiệp là hãy cố gắng tìm kiếm những nét phác họa đơn thuần của những điều lớn lao bằng tâm hồn trong sáng, chưa được rèn luyện và không thành kiến của mình
Điều đẹp nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm là điều bí ẩn. Đó là cảm xúc cơ bản đứng ở cái nôi của khoa học đích thực. Người không biết điều đó, không còn cảm thấy thắc mắc hay cảm thấy kinh ngạc, coi như đã chết. Tất cả chúng ta đều có tài năng vô giá này khi còn trẻ. Nhưng thời gian trôi qua, nhiều người trong chúng ta đánh mất nó. Nhà khoa học đích thực không bao giờ đánh mất khả năng kinh ngạc. Đó là bản chất của con người anh ấy, chị ấy.
Điều khiến tôi chắc chắn rằng tuổi thọ tự nhiên của con người vượt xa tuổi thọ thực tế chính là điều này. Trong số tất cả các cuộc khám nghiệm tử thi của tôi (và tôi đã thực hiện hơn 1000 lần), tôi chưa bao giờ thấy một người nào chết vì tuổi già. Thực ra tôi không nghĩ có ai đã từng chết vì tuổi già. Chúng ta luôn chết vì một bộ phận quan trọng đã bị hao mòn quá sớm so với phần còn lại của cơ thể.
Ngay cả sau những thất bại nặng nề nhất, tư tưởng chán nản về sự thất bại vẫn được khắc phục tốt nhất bằng cách nhìn lại tất cả những thành tựu trong quá khứ của bạn.
Hans Selye
click để thu gọn phần tiểu sử ở trên
Karikó nói tiếp:
Xin lưu ý bạn, tôi không mong đợi làm được điều gì vĩ đại như Selye đã làm. Nhưng có lẽ một ngày nào đó tôi có thể đặt ra những câu hỏi cho vũ trụ, tức là thiết kế một số thí nghiệm. Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ nhận được câu trả lời dứt khoát là có hoặc không. Có lẽ, bằng cách đó, tôi có thể đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào bức tranh nhiều màu sắc vĩ đại của tri thức nhân loại.
Về hiện tượng stress (căng thẳng), bà viết:
The Stress of Life quan trọng đối với tôi vì một lý do khác: Đọc những lời của Selye, tôi hiểu rằng căng thẳng không chỉ đơn thuần là một trải nghiệm sinh lý tiêu cực; nó cũng có những hình thức tích cực – chẳng hạn như sự phấn khích, chờ đợi và động lực. Mặc dù căng thẳng tiêu cực có thể gây hại – trên thực tế, nó có thể giết chết bạn – nhưng căng thẳng tích cực là cần thiết để có một cuộc sống mãn nguyện. Và với thái độ đúng đắn, chúng ta có thể chuyển hóa căng thẳng tiêu cực thành căng thẳng tích cực.
cũng như:
Căng thẳng có thể là điều không thể tránh khỏi, nhưng The Stress of the Life hướng dẫn tôi hiểu rằng căng thẳng có thể giúp ích hoặc làm tổn thương tôi. Tất cả phụ thuộc vào cách tôi nhìn nhận nó và cách tôi phản ứng.
hay
Ví dụ, như Selye đề xuất, chúng ta không thể kiểm soát phản ứng của bất cứ ai ngoại trừ phản ứng của chính mình. Vì vậy, chúng ta không nên làm việc để làm hài lòng người khác hoặc để được họ chấp thuận; thay vào đó, chúng ta phải đặt ra các mục tiêu của riêng mình và nỗ lực để đáp ứng những mục tiêu đó. Khi gặp trở ngại hay thất bại, chúng ta không được đổ lỗi cho người khác; đổ lỗi khiến chúng ta tập trung vào những thứ mà chúng ta không có quyền lực để ảnh hưởng. Thay vào đó, chúng ta có thể ứng phó với bất hạnh bằng cách học hỏi nhiều hơn, làm việc chăm chỉ hơn và sáng tạo hơn.
Đó là một số triết lý và nhận thức trong hành trang của người con gái Hungary trước khi bước vào đời với nhiều sóng gió ở phía trước. Những lời của Hans Selye có lẽ đã đánh thức “bản gốc” (hay element, nói theo ngôn ngữ của nhà giáo dục Ken Robinson) của bà, qua đó bà nhìn thấy rõ con người thật của mình và con đường trước mặt sẽ đi, với một lòng tin không lay chuyển được. Bà có đam mê mãnh liệt. Không có đam mê, không thể có khoa học và nghệ thuật. Và đam mê thường gắn liền với đau khổ, tiếng Đức: Leidenschaft, “con đường đau khổ”. Nhưng bà có quyển sách The Stress of Life của Hans Selye dẫn đường như vì sao để vượt qua những đau khổ. Karikó có một mối quan hệ sâu đậm và thầm kín với giới tự nhiên, có thể nói có tính “tâm linh”. Bà muốn trở thành nhà khám phá một cái gì mang tính nền tảng. Và thế giới cần những nhà khám phá như thế, với tất cả rủi ro nguy hiểm cho người khám phá. Nhưng, như Bertrand Russell nói, không có những khám phá to lớn đó, con người sẽ bị hủy hoại bởi những cái “thông thái nửa với”. Bà là người đã làm cho danh sách những phụ nữ thiên tài đóng góp cho nền khoa học thế giới dài thêm. Tuyệt vời quá. Cũng sắp đến ngày vinh danh phụ nữ 8 tháng 3.
Quyển sách Breaking through cũng làm hé lộ văn hóa đặt nặng công bố bài viết và kiếm tài trợ hơn là chú trọng vào chất lượng, đi ngược lại nghiên cứu căn bản, thật căn bản, đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức và thời gian. Văn hóa này không phải chỉ có ở Mỹ, mà “publish or perish” đã “thịnh hành” khắp nơi, khi sự cạnh tranh để tồn tại đè nặng lên vai của mọi nhà nghiên cứu. Einstein từng đề cập đến mặt trái của văn hóa này.
Dưới đây chúng tôi xin đăng lại bài báo của tác giả Robin McKie viết rất súc tích trên báo The Guardian ngày chủ nhật 11. 2. 2024 bạn đọc có thể đọc ở đây Breaking through. Chúng tôi rất cảm ơn tác giả Robin McKie và báo The Guardian. Bản dịch do Đỗ Thị Thu Trà thực hiện.
Nguyễn Xuân Xanh
(viết vội trong những ngày sống chung khó khăn với có lẽ biến thể Covid)
⭐ ⭐ ⭐
ĐỘT PHÁ: CUỘC ĐỜI KHOA HỌC CỦA TÔI
Câu chuyện sống động này của nhà hóa sinh người Hungary, người đã phải chịu đựng sự chế nhạo trong nhiều thập kỷ trước khi trở thành người tiên phong trong việc tạo ra vắc xin Covid của Pfizer & BionTech, là một sự tôn vinh cho lòng kiên trì và niềm tin sắt đá vào bản thân của bà.
Một ngày của tháng 5 năm 2013, Katalin Karikó đi đến phòng thí nghiệm của bà tại Đại học Pennsylvania để làm việc như thường lệ thì bỗng thấy đồ đạc của mình bị chất đống ngoài hành lang. “Các cặp hồ sơ, áp phích, hộp đựng ống nghiệm của tôi”, bà nhớ lại. Gần đó, một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đang vứt mọi thứ vào thùng rác. “Trời ơi, đồ đạc của tôi!” Karikó kêu lên.
Mặc dù đã làm việc tại phòng thí nghiệm bé nhỏ này trong nhiều năm, nhà khoa học nữ – khi đó ở độ tuổi 50 – thực tế đã bị đuổi việc mà không hề được báo trước, đơn giản vì không mang lại “đủ số đô la cho mỗi centimet vuông ròng”. Nói tóm lại, bà đã không thu hút được đủ số tiền tài trợ để biện minh cho khoảng không gian ít ỏi mà bà đang sử dụng.
“Phòng thí nghiệm này một ngày nào đó sẽ trở thành viện bảo tàng”, Karikó đáp trả người quản lý sa thải bà. Đó là những lời nghe lạ tai nhưng mang tính tiên tri như được thể hiện rõ ràng trong câu chuyện thu hút tâm trí và cảm động này về những gian truân của một nhà khoa học hiện nay được công nhận là một trong những nhà hóa sinh vĩ đại nhất thế giới, một người phụ nữ đã giúp tạo ra loại vắc xin cứu sống hàng triệu người trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Katalin Karikó trong phòng thí nghiệm năm 1989. Ảnh: Katalin Karikó
Karikó có một xuất thân khiêm tốn ở miền trung nước Hungary, lớn lên trong một căn nhà tồi tàn gồm chỉ một căn phòng, được sưởi vào mùa đông bằng một chiếc bếp lò duy nhất và không có nước máy. Sau khi bất đồng với các quan chức đảng địa phương, cha bà – một chuyên gia mổ thịt – đã bị sa thải và phải đi làm công nhân bình thường.
Đó là một cuộc sống khắc nghiệt nhưng bà có đầy sự yêu thương, như quyển sách Breaking Through của bà cho thấy. Gia đình bà rất gắn bó với nhau, và nhà nước ít nhất cũng khuyến khích giáo dục. Và Karikó là một công nhân. Bà nói: “Tôi không cho rằng mình đặc biệt thông minh, nhưng những gì tôi thiếu ở khả năng bẩm sinh, tôi có thể bù đắp bằng nỗ lực”.
Một lọ vắc xin Covid của Pfizer & BionTech. Ảnh: Liam McBurney/Pool via REUTERS
Bà tham gia các lớp khoa học hè, trở thành sinh viên ngành sinh học tại Đại học Szeged và cuối cùng đã lấy được bằng Tiến sĩ ở đó. Ở tuổi 22, bà yêu Béla Francia, một thực tập sinh cơ khí kém bà 5 tuổi. Họ kết hôn vào năm 1982. Karikó sinh con gái Susan. Hai năm sau, họ chuyển đến Mỹ với toàn bộ số tiền tiết kiệm – khoảng 900 bảng Anh – được khâu vào bên trong con gấu nhồi bông của Susan để tránh những kiểm soát ngoại tệ của chính quyền Hungary.
Vào thời điểm này, Karikó đã bị ám ảnh bởi cái gọi là sứ giả (messenger) RNA (mRNA), vật liệu có chức năng dịch mã di truyền DNA của chúng ta thành protein, các phân tử mà từ đó chúng ta được cấu tạo. Điều quan trọng là mRNA cực kỳ khó nghiên cứu vì nó mỏng manh và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Nhưng Karikó tin rằng nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong y học và vì thế đã không ngừng đấu tranh để nó trở thành một trọng tâm nghiên cứu. Rất ít đồng nghiệp đồng tình, họ gọi bà là “bà mRNA điên rồ”.
Tuy nhiên, những biệt danh như vậy chỉ là phiền phức nhỏ. Tại Đại học Temple, ở Philadelphia, nơi bà bắt đầu công việc ở Mỹ, sếp của bà, Robert Suhadolnik – sau những sự ủng hộ ban đầu – đã tìm cách trục xuất bà vì đã cả gan tìm kiếm một vị trí tại một trường đại học khác.
Cuối cùng bà chuyển đến Đại học Pennsylvania. Một lần nữa, mọi thứ lúc đầu diễn ra tốt đẹp, nhưng khi bà tiếp tục duy trì nỗi ám ảnh về mRNA của mình, trường đại học bắt đầu chỉ trích việc bà không thu hút được các khoản tài trợ. Bà bị giáng chức, từ chối bổ nhiệm, bị cắt lương và cuối cùng bà đã chứng kiến cảnh đồ đạc của mình bị vứt tung ngoài hành lang.
Bà nhớ lại, khi một trong những mũi vắc xin Covid đầu tiên ở Mỹ được tiêm, ‘Mắt tôi nhòe đi.’
May mắn thay cho Karikó – và phần còn lại của thế giới – nỗi ám ảnh của bà về mRNA giờ đã được một số nhà khoa học khác chia sẻ và bà đã được công ty BioNTech của Đức nhanh chóng thu dụng để bắt đầu nghiên cứu thuốc chữa bệnh ứng dụng phương pháp mRNA.
Phần còn lại là câu chuyện lịch sử khoa học. Khi Covid-19 hung hãn tấn công, BioNTech và Karikó nhận ra rằng họ đang ở vị thế thuận lợi để đối phó với đại dịch, và với sự hỗ trợ của gã dược phẩm khổng lồ Pfizer, họ đã phát triển một loại vắc xin đóng vai trò cốt lõi trong việc giúp bảo vệ hành tinh trước những biến động tồi tệ nhất đang diễn ra của vi-rút corona.
Thành công này ảnh hưởng như thế nào đến Karikó, điều đó được giải thích ở một trong những khoảnh khắc cảm động nhất của Breaking Through. Bà quay trở lại Penn để được tiêm một trong những mũi vắc xin Covid đầu tiên được thực hiện ở Mỹ. Karikó được nhận ra trong đám đông và với tư cách là nhà phát minh ra vắc xin khắc tinh của vi-rút corona, bà được tán thưởng bằng những tiếng hò reo. “Mắt tôi nhòe đi”, bà nhớ lại.
Đây là một cuốn hồi ký được viết một cách sống động, lôi cuốn về một cuộc đời với những chiến thắng (bao gồm cả những thành công của chính con gái bà, Susan, với tư cách là vận động viên chèo thuyền giành huy chương vàng Olympic) trước những nghịch cảnh gần như liên tục ập tới. Những lý do chính xác cho việc liên tục hạ thấp hoạt động nghiên cứu và uy tín học thuật của bà vẫn còn bỏ ngỏ, tuy nhiên Breaking Through cho thấy rằng khoa học ngày nay đang gặp khó khăn vì nó đòi hỏi các nhà khoa học phải công bố các bài báo với số lượng thay vì giá trị của chúng, và đi tìm kiếm tài trợ để nghiên cứu được bảo đảm, thay vì theo đuổi những nghiên cứu tuy rủi ro nhưng lại mang tính đột phá tiềm năng. Số lượng chứ không phải chất lượng đã trở thành động lực cho sự tiến thân và tồn tại hiện nay.
Trớ trêu thay, tiếng cười chiến thắng của Karikó vẫn còn thiếu trong Breaking Through. Cùng với Drew Weissman, bà đã được công nhận giải Nobel về sinh lý học vào tháng 10 năm 2023 –muộn màng để được đưa vào sách của bà. Người ta chỉ có thể phỏng đoán những người đã cản trở nghiên cứu của bà sẽ nghĩ gì về thành công chung cuộc này. Tuy nhiên, có một điều rất rõ ràng. Phòng thí nghiệm cũ của bà hiện có thể chưa phải là viện bảo tàng, nhưng chắc chắn một ngày nào đó nó sẽ trở thành, điều mà bà đã tiên tri báo trước.
Robin McKie
Đỗ Thị Thu Trà dịch
Nguyễn Xuân Xanh xem lại