KHI CON CHIP LÊN NGÔI
Những bài viết của
NGUYỄN TRUNG DÂN
về sự
HÌNH THÀNH VÀ ẢNH HƯỞNG ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA NÓ
Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu
“Chúng tôi muốn có một nền công nghiệp bán dẫn ở Đài Loan.
Hãy nói cho tôi biết, bạn cần bao nhiêu tiền.”
Lý Quốc Đỉnh (Kwoh-Ting Li) nói với Morris Chang
Ông Lý là một trong những nhà “siêu kỹ trị” của Đài Loan đã giúp đất nước từ nông nghiệp tiến lên hóa rồng[1]
⭐⭐⭐
Bạn đọc thân mến,
Những ngày giáp Tết người dân tham gia vào việc chuẩn bị ăn Tết, ai cũng muốn kiếm ít tiền trong dịp lễ quan trọng này mà người ta chờ đợi, mọi người sẽ tiêu tiền thật nhiều để ăn Tết đủ lễ, và thư giãn tối đa để bù lại một năm lao động cực nhọc suốt năm. Dân mình ăn Tết vui thật, nhưng vất vã quá, buôn bán còn manh mún quá. Ít ai nghĩ, tại sao, tại sao khoa học, công nghệ đã đưa nhiều quốc gia hóa rồng trong khi chúng ta thì vẫn còn rơi lại ở phía sau, kiếm sống manh mún. Họ cũng đã thụ hưởng nhiều thành quả của các phát minh khoa học, công nghệ đã được làm ra từ hơn hai trăm năm qua: Điện, y tế, viễn thông, phương tiện giao thông, xây dựng nhà cửa, hàng tiêu dùng v.v. Họ lại càng không nghĩ những gì đã thống trị thị trường thế giới trong nửa thế kỷ qua, và có thể càng nhiều hơn, quyết liệt hơn trong những thập niên tới: Những chiếc transistor nhỏ xíu xuất phát từ Bell Labs Mỹ năm 1947. Từ kích thước vài centimet lúc mới ra đời, đến nay các transistor có kích thước vài nanomet, nghĩa là cực kỳ nhỏ, nhưng vai trò của nó trong đời sống kinh tế và quốc phòng của mỗi quốc gia lại to lớn không thể tưởng.
Vì thế tôi rất vui mừng được giới thiệu với anh chị và bạn đọc những câu chuyện vô cùng thú vị liên quan đến sự phát minh và tầm ảnh hưởng của những “báu vật” nhỏ xíu của tác giả Nguyễn Trung Dân để nói với người Việt Nam. Được ngồi uống cà phê với anh cùng với một nhà báo (chị C.P.), người thiết kế buổi gặp gỡ, tại một quán cà phê đường Hàn Thuyên, Q. 1, khu Nhà thờ Đức Bà vào một buổi sáng chủ nhật đầu tháng 1, 2023, là một niềm vui rất lớn đối với tôi. Anh Dân kể nhiều câu chuyện khoa học rất thú vị, rất độc đáo, chưa bao giờ tôi nghe. Cuối buổi cà phê, anh ấy khiêm tốn bảo có một số bài viết về con chip. Tò mò, đợi một thời gian cho đến khi được đọc những bài đó, tôi mới thấy chiều sâu của nghiên cứu và bao nhiêu thời gian, công sức anh ấy đã đầu tư vào đó rất đáng khâm phục. Sáu bài đầu khi nhận được tôi đọc say mê một mạch với tất cả sự thích thú. Lập tức tôi xin phép anh Dân cho đăng lại trên mạng rosetta. Lịch sử con chip là mảng tôi cứ thắc mắc làm sao để lấp đầy, thì nay anh Dân là người đã làm việc đó, và làm một cách tuyệt vời. Dưới mắt tôi, đó là loạt bài khai sáng về đề tài rất thời sự hiện nay, và anh đương nhiên sẽ trở thành người trí thức công chúng của Việt Nam. Phải có nhiều tri thức và tâm huyết mới viết được loạt bài liên quan với nhau ấy. Anh muốn truyền cảm hứng và tri thức cho công chúng về những câu chuyện khoa học thiết thân, không chỉ vì khoa học mà còn vì vận mệnh của các quốc gia, như anh vừa trình bài trong lời nói đầu của anh dưới đây.
Xin xem thêm Bí mật của Thung lũng Silicon
Con người cần có những lúc để cho những tia sáng khai minh lọt vào trái tim, khối óc của mình, để tự hỏi, chúng ta đang đứng đâu trên bàn cờ thế giới, từ đâu đến, và sẽ đi về đâu, để cuối cùng mình có thể rút ra kết luận mà quyết định từ bỏ vị trí bị sức ì quản lý bấy lâu nay, để đứng dậy và đứng thẳng mà đi. Tôi tin tưởng, những bài viết dưới đây của anh Nguyễn Trung Dân là những tia sáng như thế.
Tôi nhớ câu nói của một học giả IT: nếu bạn không tự lập trình mình, người khác sẽ lập trình bạn trong “ý đồ” của họ. Anh Dân đang muốn gióng lên lời báo động, và từ lòng tự trọng của mình và của dân tộc không muốn tiếp tục lạc hậu nữa. Phải thay đổi, và thay đổi rốt ráo, thay đổi thông minh. Chúng ta chưa có lập trình, hay có một lập trình nhưng chưa tốt, nếu không muốn nói là tồi. “Ngực lép bốn nghìn năm” đứng trước những ngọn gió mạnh của thời đại sao vẫn chưa đầy? Một trăm năm mươi năm trước, “Đường giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió của văn minh phương Tây thổi vào phương Đông. Khắp mọi nơi, không có cỏ cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này” như Fukuzawa Yukichi đã viết trong Thoát Á luận, vậy mà lòng chúng ta hôm nay sao vẫn chưa thấy lay động mạnh để thiết kế cuộc đổi mới theo kịp với người?
Lời nói đầu của Nguyễn Trung Dân
nhân các bài viết về con chip được công bố trên mạng rosetta
Có lẽ không ai phủ nhận rằng ngày nay các cường quốc hàng đầu thế giới đều có mẫu số chung, đó là các quốc gia này đều có nền khoa học và công nghệ (KH&CN) phát triển hết sức cao. Nhờ có nền KH&CN cao vượt bậc, các nước dù nhỏ xíu như Israel, Đài Loan hay nhỏ vừa như Hàn Quốc cũng được xếp ngồi “chiếu trên” trên bàn cờ thế giới với các nước lớn như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Anh v.v… Trong khi đó các quốc gia chỉ biết dựa vào tài nguyên thiên nhiên, vào dầu mỏ như Mexico, Venezuela, vào du lịch như Thái Lan, Phillipine v.v … thì mãi vẫn không sao ngẩng cao đầu lên được. Lí do khá rõ, chỉ riêng TSMC của Đài Loan đã sản xuất trên 50% chip bán dẫn của thế giới, khiến TSMC không chỉ là “ tấm khiên silicon (silicon shield)” bảo vệ hữu hiệu nhất cho sự an toàn của Đài Loan, mà còn là con chủ bài của Đài Loan khiến các cường quốc phải tính đến trong chính sách của họ. Công nghệ tin học và vũ khí của Israel không chỉ đem lại an ninh và thịnh vượng mà còn là lá bài để dàn xếp trên chính trường thế giới, ngay cả trong cuộc xung đột vũ trang hiện nay ở châu Âu.
Có rất nhiều con đường khác nhau cho các quốc gia nói trên để họ đạt đến địa vị “ngồi chiếu trên” như vậy. Với Mỹ thì đó truyền thống của một quốc gia non trẻ đầy khát vọng khai phá và làm giàu, nơi mà mọi đứa trẻ luôn được động viên và khuyến khích làm những điều mới lạ, thậm chí ngược đời, và cũng vì thế sản sinh ra các ông trùm công nghệ cao ở lứa tuổi 20-30, có người từng bỏ học giữa chừng như Bill Gates (Microsoft), Steve Jobs (Apple), Michael Saul Dell (Dell Technologies), Elon Musk (chủ tịch của Tesla) sáng lập công ty Zip2 năm 1995 khi 24 tuổi; hay như Zuckerberg (facebook), Larry Page, Sergey Brin (Google) khởi đầu công ty của họ từ khi chưa ra trường; hay như Jeff Bezos sáng lập Amazon khi mới tròn 30 vv.. . Mỹ cũng là quốc gia có một hệ thống luật lệ hết sức thông thoáng nhưng bảo hộ trí tuệ và quyền sáng chế hết sức mạnh mẽ. Với các quốc gia phát triển muộn hơn như Hàn Quốc và Đài Loan thì vai trò thúc đẩy của nhà nước đóng vai trò không kém phần quan trọng, dẫu rằng các doanh nhân kiệt xuất như Morris Chang của TSMC hay cha con nhà sáng lập ra Samsung, Lee Byung-Chul và Lee Kun-Hee vẫn là các nhân tố quan trọng nhất. Trong trường hợp Israel thì đó chính là sự lựa chọn sống còn của một quốc gia chỉ có chưa tới 10 triệu dân trên một dải đất nhỏ trơ trọi trong sa mạc không tài nguyên, bị bao vây bởi các quốc gia Ả rập với hàng trăm triệu dân vốn coi người do thái là kẻ thù truyền kiếp không đội trời chung.
Do hoàn cảnh đưa đẩy, tác giả loạt bài về “Lịch Sử Nghiên Cứu và Phát Triển Transistor và chip Bán Dẫn” cũng như loạt bài “Người Gây Dựng Nền Công Nghiệp Bán Dẫn của Đài Loan” có điều kiện nghiên cứu trên 30 năm về lý thuyết và ứng dụng của bán dẫn tại nhiều trung tâm nghiên cứu lớn của thế giới như Italy, Đức, Nhật bản và Mỹ. Nhờ có thời gian làm việc ở nhiều nước tác giả cũng tìm hiểu sự phát triển KH&CN khác nhau của các quốc gia đó, và cũng cố gắng phản ánh một phần trong hai loạt bài nói trên. Cũng qua hai loạt bài đó, đặc biệt là bài về Morris Chang và TSMC tác giả mong muốn gửi tới các bạn trẻ cũng như các nhà hoạch định chính sách KH&CN ở trong nước một tấm gương đáng học hỏi, nhằm tận dụng những khả năng đặc biệt của lớp trẻ đưa Việt Nam ta trước mắt khá lên rồi mạnh về KH&CN.
Cũng do hoàn cảnh đưa đẩy, trong thời gian gần 25 năm làm việc ở Mỹ tác giả có điều kiện vừa làm việc nghiên cứu trong ĐH, vừa làm nghiên cứu cho công ty công nghệ bên ngoài, cũng như sau này làm hẳn luôn cho một đại công ty công nghệ cao nên có những hiểu biết khá đặc biệt về hệ thống nghiên cứu KH&CN ở Mỹ. Điều đó cũng được phản ánh một phần trong cả 3 loạt bài nói trên, đặc biệt hơn loạt bài thứ ba “Trung Quốc chiếm đoạt công nghệ của Mỹ như thế nào” được viết dựa không chỉ dựa vào những nguồn thông tin chính thống ở Mỹ mà còn dựa trên những kinh nghiệm trực tiếp của người viết.
Cách đây khoảng 40 năm, xuất phát điểm của TQ về lĩnh vực KH&CN và giáo dục ĐH không hơn VN là mấy nhưng giờ đây TQ đã bỏ xa VN về hầu như tất cả các lĩnh vực đó. Là người thường phải đọc phản biện các công trình gửi đăng tạp chí quốc tế, trong đó có các công trình gửi từ TQ, tôi không thể không cảm phục sự phát triển phi thường của nền KH&CN ở TQ trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Ngoại trừ những chính sách và hoạt động phi pháp bị thế giới phản đối, TQ cũng có rất nhiều quyết sách đúng đắn về KH&CN và giáo dục ĐH mà VN cần phải học hỏi. Dĩ nhiên, đó là những vấn đề cực kỳ phức tạp nằm ngoài khả năng của người viết. Loạt bài này chỉ mong cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về một số lĩnh vực vốn có liên quan ít nhiều đến công việc của người viết mà thôi.
Cuối cùng, tác giả mong muốn được tiếp thu các góp ý và trao đổi của bạn đọc về các vấn đề liên quan trọng loạt bài viết sau đây.
Xuân Quí Mão,
Nguyễn Trung Dân
Nếu lịch sử của vật lý học chứa đầy những episode vô cùng thú vị, thì lịch sử của con chip cũng có những episode rất thú vị mà ít ai biết. Nếu mối quan hệ giữa trật tự tự nhiên và xã hội mà khoa học Newton gây ra được nghiên cứu, thì thế giới cũng đang đứng trước một giai đoạn có lẽ cũng như thế. Nhưng chưa bao giờ câu chuyện phát minh con chip gắn liền tới những vấn đề sinh tử khi yếu tố địa chính trị bước vào. Những câu chuyện con chip của anh Dân ra đời cũng đúng vào lúc quyển sách Chip War của tác giả Chris Miller xuất hiện. Vâng, chiến tranh vì giành giật con chip và những bí mật của nó.
Phương Tây đã ý thức nguy cơ địa vị của mình bị Trung Quốc đe dọa và ra tay hành động để bảo vệ các giá trị và sự tồn vong của họ. Thế giới đã từng có cuộc chạy đua với bom nguyên tử, hay chạy đua moonshot. Giờ đến lượt cuộc chạy đua với con chip, những vật mắt thường không thể thấy nhưng các tập hơn đông như các thiên hà của nó lại có tác động quan trọng lên toàn thế giới. Trong chừng mực nhất định, con chip còn quan trọng hơn cả bom nguyên tử, vì nó điều khiển hàng hà các vũ khí tối tân nhất, cải thiện sức mạnh và tính hiệu quả chúng, cũng như đem lại ưu thế kinh tế, và tạo ra sự phồn vinh cho các quốc gia. Số lượng transistor được sản xuất ra một năm trên thế giới thực tế đã vượt số lượng hạt lúa được làm ra.
Từ Thế chiến II, công nghệ và khoa học đã đóng vai trò quan trọng, và ngày càng quan trọng hơn, và các quốc gia đã đầu tư mạnh vào đó. Chiếc transistor được phát minh tại Bell Labs, một hệ phòng thí nghiệm nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ. Các lab trên thế giới là những nơi làm ra lịch sử. Ở Anh có cái tên Cavendish ở ĐH Cambridge được thành lập năm 1874. Ở Đức những thập kỷ 1820, 1830 thế kỷ 19 có Liebig Labs tại Đại học Giessen, và sau đó năm 1887 Physikalisch-Technische Reichsanstalt tại Berlin do chính quyền Phổ thành lập. Mỗi cuộc cách mạng khoa học thế giới cũng báo trước những cuộc cách mạng công nghiệp hay công nghệ. Các định luật Newton thế kỷ 17 không chỉ giải mã các bí mật của vũ trụ mà còn đặt nền tảng cho ngành cơ học với vô số áp dụng sau đó trong cuộc cách mạng công nghiệp, và xa hơn nữa. Sự phát hiện điện từ của Faraday và Maxwell thế kỷ 19 sẽ có hệ quả lớn cho ngành công nghiệp điện và những hệ quả to lớn của nó cho kinh tế. Chiếc transistor và con chip nằm trong cuộc cách mạng vật lý đầu thế kỷ 20.
Tác phẩm điêu khắc mô tả chiếc transistor silicon đầu tiên mang ký hiệu 2N696 được đặt tại vị trí ban đầu của Shockley Semiconductor Laboratory tại số 391 San Antonio Road, Mountain View, California, mặc dù nó được Fairchild của “bọn tám kẻ phản bội” chế tạo năm 1958. Lô đầu tiên gồm 100 chiếc đã được bán cho IBM với giá 150 USD mỗi chiếc (tương đương 1.409 USD vào năm 2021) để chế tạo máy tính cho máy bay ném bom B-70. Nhiều bóng bán dẫn cũng đã được bán cho Autonetics để chế tạo hệ thống dẫn đường cho tên lửa đạn đạo Minuteman. Ngành quốc phòng Mỹ là “bà mụ” đầu tiên giúp công nghiệp chip phát triển mạnh mẽ, mặc dù sau đó nó được thay thế bằng ngành hàng tiêu thụ dân dụng. Xem thêm: Nhà nước đổi mới sáng tạo
Hình ảnh những phụ nữ lập trình máy tính điện tử đầu tiên EINAC của Mỹ năm 1945. Nó có 18.000 cái công tắc. (Getty images) Những chiếc mày tính và điện thoại thông minh ngày nay chứa hàng tỷ transistor rất nhỏ, là những công tắc điện nhỏ hoạt động đóng mở để thể hiện thông tin. Không có các con chip nhỏ, không thể thực hiện được các chuyến bay của phi thuyền Apollo lên mặt trăng.
Một trong những bài viết của Nguyễn Trung Dân cho thấy, những năm 1950-60 transistor cũng đã tình cờ được phát triển song song với Hoa Kỳ ngay cả tại một số quốc gia phương Tây, cụ thể Pháp và Đức, nhưng vì một số lý do đặc thù mà nó đã bị quên lãng ở lục địa. Pháp lúc đó bị quá ám ảnh bởi bom nguyên tử, cái mà họ ráo riết muốn có để nâng cao vị thế chính trị của mình, trong khi Đức thì bị chiến tranh tàn phá kiệt quệ đang lo tập trung vào tái thiết. Nhưng Nhật Bản bại trận chỉ có thể vươn lên từ kinh tế. Nhờ có những doanh nhân nhạy bén, Nhật Bản có một định mệnh khác. Akio Morita, một trong những nhà sáng lập Sony, đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của chiếc transistor cho kinh tế, nên ông và đồng nghiệp Masaru Ibuka, với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản, lúc đó có chủ trương ủng hộ high-tech, đã bỏ một số tiền lớn để mua patent để sử dụng cho hàng dân dụng. Đến Mỹ năm 1953, Morita bị sốc trước nguồn lực vô tận của quốc gia này, cái gì cũng có, và là thị trường màu mỡ cho hàng điện tử gia dụng. Nước Nhật phải nhắm tới. Morita hiểu những gì Tổng thống Charles de Gaulle không nhìn thấy lúc bấy giờ. Điện tử là tương lai của kinh tế thế giới, và transistor, sau đó tích hợp vào chip, sẽ tạo ra không kể xiết ứng dụng mới. Ngành điện tử gia dụng sẽ có một cuộc cách mạng cùng với cuộc cách mạng của transistor và chip. Ông và đồng nghiệp vì thế đã quyết định mua lại patent của chiếc transistor, giữa 1953-54, và cho ra chiếc máy radio transistor đầu tiên chưa đầy một năm sau khi chiếc máy cùng loại của Texas Instrument ra mắt vào Giáng sinh 1954.
Chiếc máy radio transistor TR-55 đầu tiên của Sony.
Xin mở ngoặc. Mua patent là một việc, nhưng thực hiện được ý tưởng để ra được sản phẩm thương mại là một việc khác – không dễ chút nào. Nó đòi hỏi bên người mua phải có cái gọi là năng lực công nghiệp để hiểu và thực hiện. Sony đã phải gửi trưởng phòng kỹ thuật Kazuo Iwama qua Mỹ thu thập kiến thức, xem tận mắt dây chuyền sản xuất của Texas Instruments và trao đổi qua lại bằng thư từ và hình vẽ với các kỹ sư của ông ở Tokyo. Các tư liệu này được tập hợp lại thành “Báo cáo Iwama”. Gần đây báo cáo Iwama được học giả Takushi Otani phân tích tỉ mỉ, và công bố tại tạp chí Historia Scientiarum Vol. 26‒2 (2017) dưới tiêu đề Technology Transfer as a Dialogical Process Crossing the Pacific Ocean: Sonyʼs Transistor Technology Transfer. Đây là một case study rất hữu ích cho những ai mua patent và muốn thực hiện sản phẩm, đặc biệt cho Việt Nam.
Vài năm sau đó, Texas Instruments quyết định mở cả nhà máy chế tạo chip đầu tiên ngoài Hoa Kỳ đặt tại Nhật Bản! Morita cũng chính là người giúp giải quyết những thủ tục hành chánh cũng nhiêu khê lúc đó. Thủ tướng Nhật Hayato Ikeda lúc bấy giờ ủng hộ hết mình công nghệ cao. Chính ông đã tặng chiếc máy radio transistor của Sony cho de Gaulle. Thế là Nhật Bản có tên trong danh sách các quốc gia ngoài Mỹ bước vào công nghệ cao của ngành điện tử, đẩy kinh tế Nhật Bản vào sự phát triển thần kỳ. Nhật Bản nhảy lên kịp chiếc tàu cách mạng điện tử tốc hành đang lăn bánh. Nhật Bản phát triển con chip từ đó, và trong những năm 1980, nó đã trở thành cơn tsunami đe dọa ngay cả ngành công nghiệp chip của chính Hoa Kỳ.
Chúng ta nhớ lại, Nikita Khrushchev đã từng đến thăm nơi sản xuất lớn của IBM tại San Jose năm 1959, và đầu 1960 de Gaulle cũng đến vùng đó, trước khi nó chính thức được gọi là Thung lũng Silicon (1971). Khrushchev làm ra vẻ “ta đây”, tuyên bố với báo chí rằng cái gây ấn tượng nhất đối với ông chỉ là Căng-tin của IBM, và ông bắt chướt thật, nghĩa là ông ta không học điều gì quan trọng khác, kể cả của IBM! Điều đó có thể hiểu được. Thứ nhất, chỉ mới 2 năm trước, họ rất tự hào đã phóng Sputnik lên quỹ đạo. Thứ hai, Khrushchev đang có ý đồ lớn. Các chuyên gia và kỹ sư, trong đó có những gián điệp kịp chạy về từ Mỹ trước khi bị bắt trong vụ gián điệp Rosenberg nổi tiếng, muốn thuyết phục Khrushchev dành riêng một thành phố để phát triển chuyên ngành điện tử và vi điện tử (microelectronics). Khrushchev được giải thích và hiểu rằng “Vi điện tử là một bộ óc cơ học”, và “đó là tương lai của chúng ta”. Ông muốn “Bắt kịp và qua mặt” nước Mỹ. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng con chip SN-51 của Texas Instruments do một sinh viên tên Boris Malin mua được từ Mỹ mang về, bộ trưởng công nghiệp điện tử Alexander Shokin ra lệnh cho các kỹ sư ông ta: “Cóp nó”, và muốn biến Zelenograd, “thành phố Xanh” ở ngoại ô Moscow, thành một Soviet Silicon.
Khrushchev thăm IBM tại San Jose tháng 9 năm 1959 và được chủ tịch IBM Thomas J. Watson Jr. (trái) tiếp đón nồng nhiệt
Dĩ nhiên, cuối cùng họ đã thất bại. Thung lũng silicon không hình thành bằng mệnh lệnh, hay bằng một miếng đất tốt mà Zelenograd có thể hội đủ, ngoại trừ nó không có nhiều mặt trời như vùng vịnh San Francisco. Điểm khác biệt căn bản ở đây là, trong khi Hoa Kỳ có nền kinh tế tự do theo ý tưởng của Adam Smith, có hàng loạt công ty tham gia vào sản xuất trong một chuỗi cung ứng, không ngừng cải tiến kỹ thuật, thiết kế và cạnh tranh làm ra transistor mới, thì Nga áp dụng kinh tế chỉ huy cứng nhắc, nên rất nghèo nàn, không có những cụm, cluster, các công ty, hay một hệ sinh thái hỗ trợ. Khrushchev chỉ có thể đe dọa và tạm thời gây khó khăn cho Hoa Kỳ và đồng minh bằng những coup bao vây Berlin, hay cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba, nhưng họ không biết rằng ngược lại con chip và máy tính điện tử là mối đe dọa dài hạn cho họ, mà điều đó dính dáng tới hình thái kinh tế. Đầu năm 1988, sau khi những chiếc máy tính cá nhân của Steve Jobs hay IBM đã vững vàng trên thị trường, Ronald Reagan có thể đứng trước 600 sinh viên khoa học máy tính tại Đại học quốc gia Moscow tán dương những vinh quang của ngành vi mạch và máy tính cá nhân do Mỹ sản xuất như là “biểu hiện tốt nhất về những gì nền dân chủ kiểu Mỹ có thể làm được”.
Một tấm ảnh của Nguyễn Trung Dân và phu nhân ngồi cạnh nhạc sĩ Phạm Tuyên, chung với người con gái út của nhạc sĩ ngồi ở bên trái, chụp vào tháng 12, 2022, tại Hà Nội
Những episode về con chip còn dài. Bạn đọc có thể tìm rất nhiều trong các bài viết của anh Nguyễn Trung Dân. Tôi rất cảm ơn khi được tác giả Nguyễn Trung Dân tin tưởng và cho phép đăng lại loạt bài viết hết sức công phu vốn đã được đăng tại báo mạng Người Đô Thị trong năm 2022, cũng như cảm ơn anh đã viết lời nói đầu mới ở trên. Tổng cộng gồm 12 bài viết được chia ra ba phần:
Phần I: về khám phá transistor và vai trò kinh tế-quốc phòng của nó, cũng như những nỗ lực của Trung Quốc hiện nay đang chế tạo chip cao cấp (6 bài):
Bài 1: Lịch sử transistor và chip bán dẫn
Bài 2: Transistor – và Cuộc cách mạng tin học
Bài 3: Transistor silicon và sự ra đời của Silicon Valley
Bài 4: Jean Hoerni – ‘cha đẻ’ của chip bán dẫn
Bài 5: Khi phát minh tầm cỡ bị quên lãng vì… bom nguyên tử
Bài 6: Trung Quốc và ‘canh bạc’ chip bán dẫn
Phần II: về “nhân vật huyền thoại” Morris Chang đã lãnh đạo công ty bán dẫn Đài Loan TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) (3 bài):
Bài 1: Morris Chang – Người gầy dựng chip bán dẫn cho Đài Loan
Bài 2: Morris Chang – Ngã ngựa và làm lại từ đầu
Bài 3: Morris Chang – Niềm tự hào TSMC
Phần III: Những thủ thuật ăn cắp công nghệ của Trung Quốc (3 bài):
Bái 1: Trung Quốc đã chiếm đoạt công nghệ của Mỹ bằng cách nào?
Bài 2: Trung Quốc – Cạnh tranh hay chơi bẩn?
Bài 3: Trung Quốc – Ai bảo chống trộm cắp là dễ?
Cuối cùng, loạt bài viết của anh Nguyễn Trung Dân làm tôi nhớ lại những quyển sách về nano mà anh Trương Văn Tân đã bỏ ra biết bao công sức để viết cho tuổi trẻ Việt Nam, được giới thiệu ở đây:
Cuộc cách mạng công nghệ nano (Trương Văn Tân)
Xin nồng nhiệt giới thiệu với bạn đọc.
Nguyễn Xuân Xanh
Mồng Ba Tết Quý Mão (24/1) 2023
[1] Xem thêm: Cuộc hóa rồng và Giới tinh hoa kỹ trị