KHOA HỌC VÀ CUỘC TRUYỀN BÁ
ĐẠI CHÚNG CỦA NÓ
Nguyễn Xuân Xanh
Bài tham luận này của tác giả được đọc tại Viện văn hoá Pháp L’Espace Hà Nội đầu năm 2010 trong buổi giới thiệu hai số kỷ yếu “400 Năm Thiên Văn Học & Galileo Galilei” và “150 Năm Thuyết Tiến Hoá & Charles Darwin” của nxb Tri Thức vừa ra mắt lúc đó. Bài đã được đăng một số nơi trên mạng. NXX Jul 2017
HAI CUỘC CÁCH MẠNG KHOA HỌC
Cuộc cách mạng khoa học là con đường duy nhất mà trên đó đa số con người có thể đạt đến những phúc lợi cơ bản (cuộc sống lâu, đầy đủ thực phẩm, con cái lành mạnh), những phúc lợi mà chúng ta nhận lấy một cách đương nhiên, nhưng lại là những phúc lợi trong thực tế chỉ được mang lại cho chúng ta chỉ vì cách đây không lâu chúng ta đã có cuộc cách mạng khoa học. Phần lớn con người đã hối hả lao vào cuộc cách mạng đó như cơ hội cho phép họ.
S. P. Snow
Trong Hai nền văn hóa
Nếu không có các cuộc cách mạng khoa học, cùng với các cuộc cách mạng công nghiệp, khó hình dung cuộc sống ngày nay với những phúc lợi và tiện nghi từ hàng gia dụng điện tử, phương tiện nghe nhìn như đầu đĩa CD, DVD, thông tin như iPhone, iPad, xe hơi có hệ thống định vị GPS, đến máy tính điện tử, khám chữa bệnh với thiết bị y khoa chẩn đoán hình ảnh hiện đại…
Thời Einstein ông phải đi sang Mỹ hay Nhật diễn thuyết bằng tàu thuỷ, chưa có TV, internet, điện thoại di động, chưa có máy chụp cắt lát CT, máy chụp cộng hưởng từ MRI…mà đa số là thành quả của cuộc cách mạng khoa học ở thế kỷ 20 mà ông đã đóng góp rất lớn vào sự thiết lập lên nền tảng.
Cho tới nay, thế giới đã diễn ra hai cuộc đại cách mạng khoa học. Cuộc cách mạng thứ nhất vào các thế kỷ 16-18, với những nhà khoa học tên tuổi tiêu biểu như Copernicus, Kepler, Galilei, Descartes, Newton, Leibniz, Lavoisier… Khoa học kinh điển dần dần được thay thế bằng cái mà Galilei hay gọi là “nouvo scienza”, nền khoa học mới, dựa trên phương pháp thí nghiệm và toán học chặt chẽ.
Năm 1500 kiến thức của châu Âu còn ít hơn kiến thức của Archimedes, người đã mất năm 212 trước công nguyên. Đến năm 1687 Principia của Newton ra đời, thế giới bước vào kỷ nguyên mới. Với Newton, khuôn khổ tư duy của xứ sở buổi chiều, Abendland, hình thành: tư duy cơ giới. Thế giới được tổ chức theo nguyên lý của chiếc đồng hồ và đã có bước phát triển nhảy vọt chưa từng thấy. Nếu tính từ năm 1560, khoảng lúc Galilei sinh ra, đến năm 1687 của Principia, thì châu Âu đã phát triển nhảy vọt so với quãng thời gian 10 lần trước đó.
Nếu trước 1500 các nền văn minh lớn thế giới xem như gần gũi nhau, nhưng với Galilei châu Âu đã bứt đi khỏi các nền văn minh khác một cách không đảo ngược được, và ngày càng bứt đi xa. Mặc cho có sức kéo lui của nhà thờ. Mặc cho những cuộc chiến tranh đẫm máu nhất có tính huỷ diệt lúc bấy giờ.
Sẽ là một sự thiếu sót nếu không nhắc đến một sự kiện quan trọng bật nhất đã tác động mạnh mẽ đến cuộc phát triển khoa học: đó là cuộc cách mạng Pháp và Napoleon. Khoa học không thể thiếu cho chiến tranh và phát triển công nghiệp. Với sự thành lập École Normale Supérieure, École de Medicine, và đặc biệt École Polytechnique, các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp các tài năng trong khoa học ra đời và làm mẫu mực cho cả thế giới. Napoleon không phải chỉ là người đỡ đầu khoa học như các vị vua trước, mà là một người say mê khoa học và trực tiếp tham gia vào việc quản lý và phát triển khoa học. Trong cuộc chinh phục Ai Cập, ông đã mang theo hàng trăm nhà khoa học hàng đầu của Pháp.
Ông cũng tạo điều kiện cho sự hợp tác khoa học giữa các nước, cho dù thù địch trong chiến tranh. Các cơ sở đào tạo nói trên tạo điều kiện cho tất cả các tài năng từ mọi thành phần xã hội bước chân vào khoa học. Mọi tài năng đều có điều kiện để vươn lên đôi cánh. Khải hoàn môn đang mở ra chờ đón họ. Vì vậy, Pháp là nước đã giữ vị trí hàng đầu của việc đào tạo và nghiên cứu khoa học cho đến giữa thế kỷ 19 khi nước Đức thay thế.
Trong các thế kỷ 16-18 các viện hàn lâm thế giới được thành lập liên tục: Ý, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Hoa Kỳ và Bồ Đào Nha. Đặc biệt Hàn lâm viện Anh (Royal Society) tại London năm 1660/62, Pháp (Académie Royale des Sciences) tại Paris năm 1666, và Phổ (Societas Regia Scientiarum), Berlin 1700.
Đại học theo tinh thần của Wilhelm von Humboldt1 của Đức ở đầu thế kỷ 19 dần dần đã phát huy hiệu quả và toả sáng trên thế giới. Đó là một đóng góp cực kỳ to lớn cho việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong thế kỷ 19 và 20 có ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới. Nó lấy các nguyên lý của nghiên cứu, của Wissenschaft, khoa học và học thuật, của “tự do dạy (bao gồm tự do nghiên cứu), tự do học”, “thống nhất giữa giảng dạy và nghiên cứu”, “một người thầy tốt phải là người nghiên cứu giỏi” làm phương châm. Triết lý của nó là đào tạo lớp người nghiên cứu trẻ chứ không phải trả bài từ chương hay sao chép. Đại học Humboldt (năm nay, 2010, kỷ niệm 200 năm ngày thành lập) đã trở thành gương mẫu cho thế giới từ đó. Vị trí của nó trong nghiên cứu, đào tạo và trong kinh tế rất to lớn, được Steven Weinberg, một trong những nhà vật lý hàng đầu của Mỹ đương thời, đặc trưng khi ông nói, “Nếu không có những đại học nghiên cứu lớn, chúng ta tại nước Mỹ sẽ phải tự sống bằng cách trồng đậu nành và giới thiệu Grand Canyon cho khách du lịch đến từ Nhật Bản hay Đức”. Khoa học Đức trở thành thống trị trong thế giới khoa học cho đến 1933 khi Quốc xã lên nắm quyền. Hình ảnh giáo sư Đức trở thành gương mẫu cho các nhà khoa học cho cả thế giới, đặc biệt ở Mỹ, Nga và Nhật.
Cuộc cách mạng thứ hai diễn ra trong hai thế kỷ 19 và 20, với vô số tên tuổi, tiêu biểu như Darwin, Maxwell, Einstein và Planck, Bohr, Heisenberg, Schrödinger, Born, Dirac. Khuôn khổ tư duy cơ giới được khắc phục. Thời gian, không gian chỉ có ý nghĩa tương đối. Ánh sáng là tuyệt đối. Không gian con người không phải là Euclid mà phi-Euclid. Các hạt vật chất ở cấp vi mô có tính chất đôi, vừa hạt vừa là sóng. Một loạt những điều bí ẩn được khám phá. Ở cấp vi mô, vật chất trao đổi năng lượng không liên tục mà rời rạc theo các gói lượng tử. Với nguyên lý bất định của Heisenberg vật chất không tồn tại khách quan bao lâu chưa có sự quan sát của con người. Tư duy cơ giới bị đảo lộn. Cả thế giới choáng váng.
Các cuộc cách mạng khoa học thường đi đôi với các cuộc cách mạng công nghiệp. Không phải lúc nào cách mạng công nghiệp cũng là hệ quả trực tiếp của cách mạng khoa học. Ban đầu là cách mạng công nghiệp. Hai cuộc cách mạng đôi khi lệch pha nhau, hoặc có tương tác với nhau. Nhưng càng về sau, cách mạng khoa học càng ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến cách mạng công nghiệp, nhất là trong thế kỷ 19, và lại càng như thế từ thế kỷ 20 trở đi. Xã hội và kinh tế ngày càng lấy tri thức khoa học công nghệ làm gốc.
Cao điểm của cuộc cách mạng khoa học thứ hai ở thế kỷ 20 lại bị nhật thực bởi những cuộc chiến tranh đẫm máu nhất tự cổ chí kim của nhân loại, trong đó khoa học đã bị sử dụng để sản xuất ra những loại vũ khí giết người hàng loạt ghê gớm nhất chưa từng thấy.2
Thời gian của hai cuộc cách mạng khoa học trên cũng là thời gian các thể chế chính trị thế giới có những thay đổi sâu sắc, nếu không muốn nói chúng bị rúng động đến tận gốc rễ. Các ngai vàng lần lượt sụp đổ nhường chỗ lại cho các thể chế mới, dân chủ. Tôn giáo một thời đã kềm hãm sự phát triển khoa học cũng bị lung lay trước sự phát triển vũ bão của khoa học. Chinh phục thế giới diễn ra khắp nơi. Cuối thế kỷ 19 phần lớn châu Phi và châu Á đã bị chiếm đóng làm thuộc địa.
Thế kỷ giữ 19 và 20 là thế kỷ thế giới biến đổi cơ bản nhất hơn bất kỳ thế kỷ nào trước đó. Tất cả những biến đổi đó, như Stephen Hawking nhận xét, “không phải do những học thuyết chính trị hay kinh tế mới nào, mà do những sự phát triển kỹ thuật bão táp được tạo điều kiện bởi những tiến bộ trong nghiên cứu cơ bản” gây ra. Chính trị đến rồi chính trị đi, nhưng khoa học vẫn ở lại và không ngừng phát triển, tác động vào sự tiến bộ, tạo ra phồn vinh chưa từng có của xã hội, miễn là chính trị tạo ra những định chế thuận lợi cho khoa học phát triển và không kềm hãm hay can thiệp vào hoạt động của nó.
Các cuộc cách mạng khoa học không ngừng rút ngắn khoảng đường tác động vào đời sống kinh tế, ngày càng có ảnh hưởng trực tiếp hơn. Những quốc gia phát triển đi tìm sự phồn vinh của mình từ những tiến bộ khoa học kỹ thuật cao cấp cho nên đầu tư rất lớn vào đó, bắt đầu từ đầu tư vào chính sách giáo dục toàn dân, truyền bá khoa học đại chúng, xây dựng cơ sở hạ tầng tri thức, cho đến đầu tư cho con người nghiên cứu, các cơ sở nghiên cứu, đại học…Đây là một cuộc chạy đua mạnh mẽ toàn cầu. Xã hội và kinh tế lấy tri thức làm gốc.
Trong lịch sử thế giới có những “cú sốc” chính trị châm dầu vào cuộc chạy đua khoa học công nghệ:
– Sốc của Phổ vì thất trận trước Napoleon năm 1806;
– Sốc của Pháp vì thất trận trước Phổ trong cuộc chiến 1870;
– Sốc của Liên Xô trước Mỹ năm 1945 trước hai trái bom nguyên nổ tại Nhật Bản;
– Sốc của Mỹ trước Liên Xô năm 1960 trước Sputnik;
– Sốc của Liên Xô năm 1969 trước Appolo 11 đáp xuống mặt trăng.
Khoảng cách thời gian giữa những cú sốc này ngày càng ngắn lại, từ 64 năm ở thế kỷ 19 cuối cùng chỉ còn 15, 9 năm ở thế kỷ 20.
Tại Việt Nam, cả hai cuộc cách mạng này đều không để lại một dấu vết nào cả, đúng hơn chỉ để lại hậu quả đáng buồn: khoảng cách của Việt Nam và phương Tây ngày càng dài ra, và hậu quả là đất nước bị đô hộ triền miên. Đầu thế kỷ 20 nhà khoa học yêu nước Trần Đại Nghĩa đi tìm xem Việt Nam có những vũ khí, kỹ thuật gì để sử dụng cho các cuộc kháng chiến. Ông không tìm thấy có cái gì đáng kể cả. Hai thế kỷ liền, 17 và 18, đất nước bị chia đôi, sau đó rơi vào lệ thuộc, và chiến tranh.
Khoảng cách khoa học giữa thế giới và Việt Nam là thất kinh. Nó đã thất kinh khi tàu Pháp nổ súng ở Tourane vào giữa thế kỷ 19, và càng thất kinh hơn sau cuộc cách mạng khoa học thứ II ở thế kỷ 20. Ai không thấy thất kinh người đó chưa hiểu sức mạnh của khoa học trên thế giới, và chưa thể là người làm chính sách phát triển quốc gia. Ở châu Á, Nhật Bản là dân tộc đầu tiên nhạy cảm thấy thất kinh trước sức mạnh đó của phương Tây, họ đã chấn hưng quốc gia ngay, lấy sự phát triển khoa học công nghệ làm gốc, thay đổi cơ chế chính trị cho phù hợp, vì thế đã nhanh chóng trở thành cường quốc ngự trị ở phương Đông. Tiếp theo sau là những con rồng khác.
CUỘC QUẢNG BÁ KHOA HỌC VÀO ĐẠI CHÚNG
Trong mỗi xã hội, ở mỗi thời đại, ngự trị một số niềm tin, và trở thành động lực phát triển xã hội, hay kìm hãm nó. Ở châu Âu thế kỷ 17 và 18 hình thành những niềm tin có tính khai sáng, rằng tri thức hữu dụng có thể cải thiện điều kiện sống con người, đem lại tăng trưởng kinh tế và phồn vinh xã hội. Những niềm tin này dần dần thống trị trong giới tinh hoa, tạo ra các định chế và cơ chế để cho tri thức hữu dụng được nẩy nở, truyền bá và sử dụng. Sự tiến bộ bằng tri thức với số lượng nhiều hơn, tốt hơn, cũng có những hệ luận đạo đức và chính trị. Người ta tin rằng những cá nhân nào được khai sáng hơn, được trang bị nhiều kiến thức tốt hơn, sẽ là những công dân đạo đức và đàng hoàng hơn.
Sự truyền bá khoa học vào đại chúng dần dần trở thành một trong những định chế ngày càng được phát triển và mở rộng.
Galilei có lẽ là người đầu tiên đã làm cuộc bắt đầu ngoạn mục, khi ông phá lệ viết tác phẩm Đối thoại bằng tiếng Ý là ngôn ngữ đại chúng chứ không bằng tiếng La tinh là ngôn ngữ hàn lâm như thông lệ lúc bấy giờ. Galilei là người đầu tiên tìm cách bắt nhịp cầu ngang qua hố sâu chia cách của hai nền văn hóa mà C.P. Snow đã đề cập đến trong tác phầm Hai nền văn hóa của ông.
Tiếp theo đó, ngoạn mục và gương mẫu là sự truyền bá đại chúng các ý tưởng của Newton vào đất liền do Voltaire thực hiện. Tác phẩm của ông và người bạn gái Marquise de Châtelet “Éléments de la philosophie de Newton” năm 1738 trở thành bestseller. Người bạn gái này cũng đã dịch Principia của Newton sang tiếng Pháp [Việt Nam đến nay chưa có]. Một công trình lao động đáng kính nể của một phụ nữ thời bấy giờ. Những việc làm này đã góp phần rất lớn đại chúng hóa tư tưởng khoa học của Newton vào lục địa, góp phần thúc đẩy phong trào khai sáng mạnh mẽ sau đó.
Khoa học không còn là công việc của các viện hàn lâm hay đại học. Các salon, quán cà phê bắt đầu thảo luận những vấn đề khoa học. Các tạp chí với mục đích đại chúng hóa khoa học xuất hiện. “Encyclopédie ou Dictionaire raisonné des sciences, des arts et des metiers” của Diderot và các nhà bách khoa Pháp ở thế kỷ 18 đã tạo dấu ấn mạnh mẽ lên phong trào khai sáng.
Nước Anh là nước rất gương mẫu trong việc đại chúng hóa khoa học. Michael Faraday định kỳ tổ chức nói chuyện trước công chúng về khoa học. Những “Bài giảng Giáng sinh” của ông dành cho thanh niên rất nổi tiếng, và loại bài giảng này vẫn còn được tiếp tục mỗi năm. Tác phẩm đại chúng của ông nói về (lịch sử hóa học của) chiếc đèn cầy là một thí dụ điển hình. Còn các bài giảng của Humphry Davy nổi tiếng đến nỗi các cỗ xe ngựa của thính giả đến nghe làm nghẽn cả con đường Albermarle ở London khiến cho nhà chức trách nẩy ra ý tưởng biến nó thành con đường một chiều, một sáng kiến thế giới.
Tại Đức, công việc này được thực hiện bởi Alexander von Humboldt, Hermann von Helmholtz, E. Häckel… nhằm mang lại cho dân chúng của quốc gia công nghiệp đang lên này ý nghĩa của khoa học tự nhiên. Ở Áo Ludwig Boltzmann và Ernst Mach. Đặc biệt Mach đã có ảnh hưởng rất lớn trong việc truyền bá các tư tưởng phê phán cơ học Newton của ông và qua đó ảnh hưởng lớn lên Einstein trong việc khám phá thuyết tương đối hẹp. Ông là một nhà khoa học thực nghiệm, một nhà triết học, sống trong tinh thần và truyền thống khai sáng theo đúng nghĩa.
Ở châu Á chúng ta không được quên Nhật Bản là quốc gia cực kỳ nhạy bén với đại chúng hóa khoa học. Quốc gia này rất lạ lùng. Sống cô lập trong một khu vực hoàn toàn chậm phát triển, nhưng nó luôn luôn đứng trên đầu sóng của thông tin thế giới. Cái gì thế giới có, nó cũng có, và đôi khi nó còn làm tốt hơn thế giới. Họ đã dịch sách ồ ạt như một chiến lược, sách của tất cả các lãnh vực, từ thế kỷ 19 kia. Ngày nay, các đầu sách giáo khoa nổi tiếng Anh Mỹ dù là khoa học nhân văn hay khoa học tự nhiên đều được chuyển ngữ nhanh chóng và đúng lúc cho sinh viên, chưa kể các loại sách truyện hay văn hóa phổ thông. Năm 1922, trong dịp Einstein thăm Nhật Bản, quốc gia này đã xuất bản toàn tập các bài viết của Einstein, trong khi châu Âu chưa nơi nào có cả! Và cũng chỉ có quốc gia này, dù xa xôi về địa lý đến đâu, mới mời được Einstein đến diễn thuyết trước hàng ngàn giáo sư, sinh viên và công chúng! Dân tộc họ quá trân trọng tri thức. Một chuyến thăm của Einstein như thế sẽ kích thích tinh thần nghiên cứu khoa học của dân tộc này lên cao độ! Cái văn hóa đọc sách và mua sách dường như đã thấm vào máu thịt người Nhật Bản từ thời Tokugawa.
Trong thế kỷ 20 việc quảng bá khoa học còn dồn dập hơn nữa. Có hai người nổi bật trong công việc này: Einstein ở nửa đầu thế kỷ, và Hawking ở nửa cuối thế kỷ. Einstein đã trở thành ngôi sao huyền thoại của đại chúng trên phạm vi toàn thế giới. Một lời nói thoảng, một cử chỉ nhỏ của ông đều trở thành đề tài của báo chí. Thuyết tương đối và cá nhân ông đã “điện hóa” công chúng và các cơ quan truyền thông. Người ta hoan hô Chaplin vì người ta hiểu ông, nhưng người ta hoan hô Einstein vì người ta không hiểu ông. Câu nói hóm hỉnh và bất hủ này của vua hề Charlot lại càng làm cho Einstein thêm huyền bí. Người ta không hiểu ông nhưng lại rất yêu thích ông. Đó là điều bí ẩn. Cái gì trong tay của Einstein cũng đều bí ẩn cả.
Trong lịch sử có lẽ có hai nhà vật lý có số lượng thính giả đông nhất: Galilei thế kỷ 17 và Einstein thế kỷ 20. Galilei đã có đông đảo đến cả ngàn thính giả nghe ông thuyết trình. Còn Einstein thì vài ngàn người, đông nghẹt giảng đường. Tại Anh, có lẽ quốc gia yêu thích khoa học nhất trên hành tinh, số thính giả của ông đã lên đến con số vạn. Có lẽ Einstein là nhà khoa học có sức hút lớn nhất hành tinh của mọi thời đại.
Einstein còn viết sách cho đại chúng. Cuốn sách nổi tiếng và là bestseller của ông là Thuyết tương đối hẹp và rộng được xuất bản đầu năm 1917 (tiếng Việt năm 2014). Nó vẫn còn được tái bản hôm nay không biết đã mấy chục lần dưới nhiều hình thức, nhiều thứ tiếng. Trong lời tựa Einstein viết
Cuốn sách nhỏ này mong muốn, trong chừng mực có thể, truyền đạt một sự hiểu biết thấu đáo về lý thuyết tương đối đến những bạn đọc, xuất phát từ quan điểm triết học và khoa học tổng quát, có mối quan tâm đến lý thuyết nhưng không nắm vững công cụ toán học của ngành vật lý lý thuyết. Cuốn sách tuy ngắn, nhưng đòi hỏi người đọc nó phải có một trình độ học vấn phổ thông, khá nhiều kiên nhẫn và có ý chí.
Ông còn viết tiếp Ý nghĩa của thuyết tương đối, và cùng với L. Infeld “Sự tiến hóa của Vật lý. Từ Newton đến thuyết lượng tử”, một tác phẩm làm người ta liên tưởng đến tác phẩm nổi tiếng “Lịch sử cơ học. Được trình bày phê phán” của E. Mach nửa thế kỷ trước đó.
Ông còn đi thuyết trình cho công chúng. Ông đã nói chuyện về thuyết tương đối tại trường phổ thông nữ Viktoria-Luisen tại Berlin năm 1919, về “Hình học và kinh nghiệm” tại giảng đường số 33 đại học Berlin, cho đến thuyết trình cho giới lao động trong khuôn khổ giáo dục đại chúng của Trường công nhân mác-xít Berlin năm 1931 của nữ văn sĩ Anna Seghers với đề tài “Những điều công nhân cần biết về thuyết tương đối”.
Con người huyền bí và huyền thoại của Einstein có tác dụng đại chúng hóa khoa học còn hiệu quả và mạnh mẽ hơn tất cả các kế hoạch marketing của bộ máy giáo dục của bất cứ nhà nước giàu có nào trên trái đất. Trong “Năm Einstein 2005”, các nước công nghiệp đã đầu tư rất lớn vào việc sử dụng hình ảnh Einstein để tuyên truyền, quảng bá cho chương trình giáo dục, nghiên cứu khoa học và công nghệ của họ.
Nhưng Einstein không chỉ dừng lại ở việc truyền bá kiến thức khoa học vì kiến thức khoa học. Einstein đã gửi đi thông điệp vượt qua khỏi những khám phá của ông: Khoa học đóng góp vào sự khai sáng và nhân bản của con người. Khoa học là một tài sản văn hóa và giáo dục có giá trị cao. Einstein đứng trong truyền thống của khai sáng và ở bước đầu của một xã hội truyền thông (Mediengesellschaft) manh nha của thế kỷ 20. “Thật là không đủ nếu chỉ dạy cho con người một ngành chuyên môn thôi. Bằng cách đó con người tuy trở thành một loại máy có thể sử dụng được, nhưng không trở thành một nhân cách với đầy đủ giá trị…Bản chất của một nền giáo dục quý giá là tư duy phê phán và độc lập được phát triển trong những con người trẻ, một sự phát triển bị làm nguy hại bởi sự nhồi nhét nội dung học.” Chỉ có tư duy độc lập, hay nói theo ngôn ngữ của Kant, sử dụng cái đầu của chính mình, mới đem lại nhận thức và khoa học, như chính trải nghiệm của tác giả. Đó phải là nhiệm vụ của giáo dục và truyền thụ tri thức.
Người kế tục sự nghiệp đại chúng hóa khoa học vật lý của Einstein ở cuối thế kỷ 20 là nhà vũ trụ học Stephen Hawking. Tác phẩm đại chúng của ông “Lược sử thời gian” nằm trong danh sách bestseller năm năm liền, được dịch ra hơn 40 thứ tiếng, được đưa vào phim. Hawking cho rằng cuốn sách đã đến nhiều người hơn các quyển sách của Madonna về Sex. Nếu gõ “Hawking” vào mạng, người ta sẽ nhận được một lượng thông tin choáng ngộp. Trên các tạp chí đầy dẫy hình ảnh của các về vũ trụ, lỗ đen, supernova, các dãy ngân hà. Không phải “Sex sells” (sex bán chạy) nữa mà “Space sells” (vũ trụ bán chạy) đối với các cơ quan truyền thông đại chúng.
Internet ra đời mở ra một thời đại mới của đại chúng hóa khoa học. Ngày 15 tháng 1 năm 2001 tự điển Wikipedia chính thức lên mạng. Kết quả vang dội: tốc độ phát triển theo hàm lũy thừa. Hàng trăm ngàn bài viết khoa học đã được đưa lên mạng trong vài năm. Tự điển này dựa trên sự cộng tác trên cơ sở tự nguyện. Năm 2005 tạp chí khoa học Nature làm một cuộc so sánh chất lượng giữa Wikipedia và Encyclopaedia Britannica. Theo đó Britannica có một chút ưu thế, chứ không nhiều. Ngoài Wikipedia còn có rất nhiều mạng khác của các đại học, tổ chức khoa học, báo chí. Chắc chắn, Einstein nếu còn sống sẽ rất hồ hởi tham gia Wikipedia, và các bài viết của ông sẽ đến độc giả toàn thế giới trong khoảnh khắc.
Vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, một loạt ngày kỷ niệm đã diễn ra thật sôi nổi như “100 năm cơ học lượng tử”, “Năm vật lý 2000”, “Năm Einstein” (2005), “150 năm sinh nhật Max Planck” (2008), rồi “400 năm thiên văn (và Galilei)”, “200 năm sinh nhật Darwin và 150 năm thuyết tiến hóa” năm vừa qua. Báo chí, cơ quan truyền thông ở phương Tây tràn ngập các chương trình khoa học cho đại chúng ở mức độ chưa từng thấy, diễn ra hầu như suốt năm. Sự đại chúng hóa sâu rộng khoa học vào các tầng lớp nhân dân đạt đến đỉnh cao chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Chưa bao giờ dân chúng được phục vụ thông tin khoa học nhiều như thế trong lịch sử. Nhưng ở Việt Nam không khí “ yên ắng”, không có gì để gọi là nở rộ.
Thế kỷ 21 đang đứng trước những cuộc cách mạng theo dự đoán còn to lớn hơn nhiều so với quá khứ, sẽ có tác động mạnh mẽ và triệt để hơn vào sự biến đổi bộ mặt thế giới và nhân loại. Các cuộc cách mạng lượng tử, cách mạng sinh học phân tử, công nghệ Nano, và cách mạng máy tính đang chờ đợi có những bước tiến đột phá. Tốc độ tăng trưởng tri thức nhân loại tăng nhanh chưa từng có, mười năm nhân lên gấp đôi, trong khi năng lực của máy tính nhân lên gấp đôi cứ mười tám tháng.
Trước mặt chúng ta không còn là một đại dương tri thức còn cần phải khám phá của Newton trước đây, mà là một đại dương mới được mở ra với vô tận những khả năng ứng dụng khoa học để phục vụ con người. Quốc gia nào nắm được, quốc gia đó sẽ phồn vinh và có vị trí ngồi ở các hàng ghế trước. Ngược lại, quốc gia sẽ tụt hậu và lạc hậu, có vị trí ở các hàng ghế cuối cùng. Xã hội hơn bao giờ hết là xã hội tri thức. Tài nguyên thiên nhiên đã rớt hạng xuống chỉ còn thứ yếu.
Để kết luận, tôi xin mượn những lời sau đây của nhà toán học và triết học Anh ở đầu thế kỷ 20 Alfred North Whitehead khi ông kết thúc cuốn sách Sience and the Modern World (Khoa học và Thế giới hiện đại, 1925) về vai trò khoa học trong lịch sử nhân loại. Ông là một trong những nhân chứng bị sốc nặng khi chứng kiến sự sụp đổ của vật lý Newton trước thuyết tương đối mới của Einstein về hấp lực. Ông viết đoạn kết của cuốn sách nầy như sau:
Những người chinh phục vĩ đại, từ Alexander đến Caesar, và từ Caesar đến Napoleon, ảnh hưởng sâu sắc cuộc sống của các thế hệ sau. Nhưng tổng hiệu quả của ảnh hưởng này rút lại thành tầm thường nếu so sánh với toàn bộ sự biến đổi của thói quen và tâm tính con người gây ra dài hạn bởi một chuỗi dài những con người của tư duy từ Thales đến ngày hôm nay, những người xét về cá nhân không có quyền lực gì, nhưng tối hậu lại chính là những người trị vì thế giới.
Khoa học là định mệnh của chúng ta, theo hay không tùy mỗi quốc gia, với những hậu quả đích đáng, công bằng và…khoa học nữa. Không có khoa học phát triển và văn hóa tỏa sáng của nó, không có những niềm tin có tính chất khai sáng để tạo ra cơ chế, định chế phù hợp cho việc khoa học công nghệ lâu bền, quốc gia vẫn sống trong vòng tăm tối. Mọi sự tự mãn đều là ru ngủ. Đất nước vẫn đứng trước các hàm cá mập ngay trong tầm tay. Sương mù vô minh của quá khứ sẽ vẫn bao trùm.
Nguyễn Xuân Xanh
Đầu năm 2010
Xem thêm:
MAI THI – Người truyền cảm hứng khoa học:
rosetta.vn/nguyenxuanxanh/mai-thi-nguoi-truyen-ca…
1. Xin xem Kỷ yếu ĐẠI HỌC HUMBOLDT 200 NĂM (1810-2010), Nhóm chủ biên Ngô Bảo Châu, Pierre Darriulat et al., nxb Tri Thức, 2011. Hay sách ĐẠI HỌC của tác giả, nxb Tổng hợp TP HCM, 2019.
2. Nếu trong chiến tranh Pháp Đức 1870 xe lửa lần đầu tiên được sử dụng trong việc chuyển quân, thì sang thế chiến thứ I 1914-1918 máy bay, xe tăng thô sơ, tàu chiến, tàu ngầm, cuối cùng vũ khí hóa học đã được sử dụng. Hai mươi lăm năm sau, trong thế chiến thứ II 1939-1945 một khối lượng vũ khí giết người hàng loạt hiện đại chưa từng thấy xuất hiện, mà nếu đem so sánh thì các vũ khí chiến tranh của Thế chiến I chỉ là đồ chơi trẻ con. Hoả tiễn xuất hiện, và cuối cùng bom nguyên tử được sử dụng. [Được hỏi nếu thế chiến thứ III xảy ra thì nhân loại sẽ ra sao, Einstein trả lời: Con người sau đó sẽ đánh nhau bằng cung tên!]