Nhân ngày phụ nữ quốc tế: Madame Roland

by , under Uncategorized

 

Madame Roland

Nguyễn Xuân Xanh

 

Cách mạng ăn thịt con của nó như Saturn1

Pierre Vergniaud/Georg Büchner

Nếu chúng ta không chết cho tự do, chúng ta sẽ nhanh chóng không còn gì để làm ngoài việc than khóc nó.

Madame Roland

Lời nói đầu. Bài ngắn này được viết năm 2013, tức 5 năm trước, nay được bổ sung đôi chút. Xin giới thiệu với bạn đọc. Đây chưa phải xứng đáng là một bài giới thiệu tấm gương vĩ đại của nhân vật. Lịch sử của bà là vô cùng lôi cuốn.

***

Tôi xin kể một câu chuyện lịch sử nhân ngày 8 tháng 3. Cách đây đúng 220 năm, Madame Roland (1754-1793), một phụ nữ Pháp đã bị những người quá khích của Cách mạng Pháp, gọi là những Jacobins, hành quyết, chung số phận với hàng ngàn người khác trong thời “Thống trị của Khủng bố” của họ, những tay “cách mạng khát máu”.

Tên thật của bà là Marie-Jeanne “Manon” Philippo. Năm 1781 bà lấy chồng là một nhà sản xuất, một thanh tra thương mại, và là nhà triết học, Jean-Marie Roland, lớn hơn bà 20 tuổi, và trở thành Madame Roland. Bà chỉ thích kết bạn với những người lớn tuổi để hưởng được không khí trí thức. Bà yêu chồng bà vì ông có nhiều sở thích đa dạng và có một sức hấp dẫn về trí thức.

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/a/ad/Madame_Roland.png/220px-Madame_Roland.png
Chân dung của Madame Roland

Khi Cách mạng Pháp nổ ra năm 1789, bà và chồng bà là những người sớm ủng hộ những mục tiêu dân chủ của cách mạng, và cả hai thuộc nhóm người lãnh đạo tên tuổi của nhóm ôn hoà Girondist.

Khi khủng bố lên ngôi, cùng chung số phận với bao nhiêu người khác, trong đó có những người Girondist, Madame Roland bị bắt vào mùa Xuân 1793 tại Paris (chồng bà được bà giúp trốn khỏi Paris) và bị kết án tử hình vì tội “phản bội”. Thomas Paine, một trong những người cha lập quốc Hoa Kỳ cũng bị kết án tử hình tương tự, nhưng đã may mắn thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Bà bị ngồi tù nhiều tháng liền, trước khi bị đưa đến máy chém ngày 8 tháng 11 năm 1793, chỉ vài tuần sau bà Marie Antoinette, vợ của vua Louis XVI bị hành huyết. Lúc đó bà 38 tuổi.

Người ta kể rằng, trước khi đưa đầu vào máy chém trong “Cung điện cách mạng”, đứng trên bục cao, bà nhìn vào bức tượng nữ thần tự do của David, và thốt lên:

O Liberté, que de crimes on commet en ton nom!”

(“Ôi Tự do, người ta nhân danh mi để gây ra bao nhiêu tội ác!”)

Vài ngày sau, chồng bà, khi được tin vợ bị hành quyết, đã tự sát bằng gươm của mình. Ông để lại mảnh giấy viết tay cài trên ngực: “Từ lúc tôi được tin chúng đã giết vợ tôi, tôi không muốn sống trong một thế giới bị làm nhơ nhuốc bởi kẻ thù.”

Câu nói lịch sử của bà đã trở nên bất tử. Những diễn biến trên thế giới trong thế kỷ 20 đã minh chứng hùng hồn và bi thảm lời nói của bà.

Trong năm tháng ở tù bà đã viết Hồi kýTự thuật có tên “Lời kêu gọi đến đời sau không thiên vị” (Appel à l’impartiale postérité). Bà viết về cuộc đời bà, những diễn biến chính trị, mô tả những người bạn và kẻ thù, và quan điểm của bà về vai trò tích cực mà phụ nữ có thể đóng trong đời sống chính trị. Những trang hồi ký của bà được bí mật chuyển ra khỏi tù, và được công bố năm 1795, cũng là năm mà nhóm Gerondist được phục hồi sau khi Robespierre bị hạ bệ. Năm 1800 các công trình của bà được người bạn bà Champagneux xuất bản thành 3 tập.

Bà nhớ đến cái chết của Socrates, cuộc sống lưu vong của Aristides, bản án của Phocion. Bà nhớ lại cả quãng đời của bà, nhìn nó như một sự chuẩn bị cho sự hy sinh cuối cùng trên bàn thờ của tự do nhân loại. Bà tin vào đời sau sẽ công bằng với lịch sử, với bà, với những người đã ngã xuống cho chân lý, đức hạnh và hạnh phúc. Bà hiên ngang bước lên sàn máy chém, và nhướng đôi mắt không nao núng nhìn lưỡi dao lạnh lùng vô tri chờ đợi bà.

Bà là một người tự học, thông minh, có tài, là một cây bút có tiếng và một khuôn mặt chính trị. Bà chịu ảnh hưởng của tư tưởng của Rousseau, Voltaire và Plutarch. Bà sinh ra trong thời đại khai sáng, trong một nước Pháp của các nhà triết học và trí tuệ. Bà từ nhỏ đã đọc sách không biết mệt mỏi, tự nói với mình “Tôi cần đọc sách như cần thức ăn”. Người con gái Manon đọc tất cả các chủng loại đề tài: lịch sử, triết học, thi ca, toán học và tôn giáo. Ở tuổi lên chín, quyển sách Các cuộc đời của Plutarch nói về những danh nhân Hy Lạp và La Mã đã gây một ấn tượng không thể xoá đi được lên bà. Bà thú nhận, chính Plutarch là người đã đem đến cho bà niềm tin vững chắc vào thể chế cộng hoà. Bà mở một salon nơi có nhiều nhân vật nổi tiếng lui tới, trong đó có cả Robespierre, và Thomas Paine. Tôn giáo cũng có ấn tượng mạnh lên bà, bà đã đi tu thử một năm ở tuổi 11, nhưng rồi thấy cửa thiền không phải là chỗ hoạt động của bà.

Trong Hồi ký, bà viết về ảnh hưởng của triết học lên bà:

“Rousseau …đã gây cùng ấn tượng lên tôi như Plutarch từng làm lúc tôi lên chín…Plutarch đã đưa tôi trở thành một người cộng hoà; ông đã truyền cảm hứng cho tôi về sự đam mê những đức hạnh công và tự do. Rousseau đã cho tôi thấy niềm hạnh phúc gia đình mà tôi đã có quyền khao khát, và những niềm vui khôn tả mà tôi đã có năng lực nếm trải.”

Bà ngưỡng mộ các thể chế chính trị cộng hòa và những người hùng của quá khứ, cũng như sự khao khát hành động:

Bác bỏ giáo lý ảm đạm [của triết gia Helvetius], tôi nhớ lại lịch sử vĩ đại và những đức tính của tất cả những vị anh hùng đã trang điểm nó. Mỗi khi tôi đọc được hành động cao quý nào, tôi muốn nói: “Đó phải là hành động của tôi làm.” Tôi đam mê các thể chế cộng hòa của thế giới cổ đại, được tô điểm bằng những con người và hành động tôi có thể ngưỡng mộ, và tôi tự nói với mình rằng đó là loại thể chế duy nhất có thể chấp nhận được. Tôi cảm thấy hoàn toàn cùng chung tinh thần với họ, cũng như than thở rằng đã không được sinh ra trong thời đại họ.

Trong thời gian ngồi tù, bà giữ được sự điềm tĩnh. Một phụ nữ Anh sau khi thăm bà trong tù đã viết:

“Bà đã trò chuyện trong buồng giam nhỏ với cùng sự vui vẻ sống động như khi bà thường làm trong khách sạn của bộ trưởng (chồng bà từng làm bộ trưởng bộ nội vụ trong năm cách mạng 1792-93) … Bà kể tôi rằng bà chờ chết; và vẻ điềm tĩnh chấp nhận số phận khi bà nói chuyện đã làm cho tôi tin rằng bà đang chuẩn bị để nhận lãnh cái chết trong sự kiên định xứng đáng với khí tiết cao quý của bà.”

Bà từ chối nhiều kế hoạch để trốn (giống như Socrate đã từng làm để chấp nhận uống chén thuốc độc).

Đây là những lời cuối đầy xúc động, không thể quên của bà được viết trước giờ phút bị hành quyết:

Vĩnh biệt con của mẹ, vĩnh biệt chồng tôi, người giúp việc, bạn bè tôi! Vĩnh biệt mặt trời lộng lẫy từng làm trái tim tôi đầy ắp sự toại nguyện, cũng như nó đã làm cho bầu trời đầy ắp ánh sáng… Vĩnh biệt việc nghiên cứu của tôi, những lúc tôi cố gắng đi tìm chân lý và vẻ đẹp, và học kiềm chế các giác quan của tôi, cũng như khinh thường sự phù phiếm. Vĩnh biệt, không − không phải, tôi không nói lời vĩnh biệt với các bạn yêu thương.

Từ giã thế giới này tôi sẽ gần các bạn hơn.

Bà chết đi với tư cách của một citizen của nền cộng hoà, là người tranh đấu cho nền cộng hoà của nước Pháp, chứ không phải là thần dân của chế độ quân chủ lỗi thời đang trên đường bị thủ tiêu. Cái chết dũng cảm của bà, như của bao nhiêu người khác trong cuộc cách mạng, giúp đời sau có nhiều tự do hơn, nhân loại có nhiều tình thương hơn, và con người là người hơn.

Lydia Maria Francis Child (1802-1880), một phụ nữ Mỹ đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ, và tranh đấu cho nữ quyền, trong một quyển sách về bà và Madame de Staël, có những nhận xét sau đây:

Tôi kính trọng và ngưỡng mộ hầu như từng điểm trong cá tính của Madame Roland. Tôi yêu bà thích vẻ đẹp của tự nhiên, hạnh phúc thầm lặng của cuộc sống gia đình mặc cho sự kích động của xã hội; tôi tôn kính sự nghiêm ngặt của các nguyên tắc đạo đức của bà, sự tinh kiết của những ý định của bà, tính ngay thẳng của hạnh kiểm bà; tôi ngưỡng mộ hành động mạnh mẽ của tinh thần bà, sự chịu đựng ngoan cường bất khuất của bà, lòng yêu mến không thay đổi với chân lý. Tôi có cảm tình nồng nhiệt với nhiệt tâm của bà đối với tự do, sự căm ghét của bà đối với áp bức, sự coi khinh thái độ xấc láo của quý tộc.

Ở đất nước xa xôi, ít nhất có một người tưởng nhớ bà, và viết những dòng này. Xin có một cành hoa hồng cho Bà nhân ngày Phụ nữ.

2013


Chú giải:

1. Saturn là tên La tinh của người khổng lồ Cronus trong thần thoại Hy Lạp. Do tin vào sấm, nói rằng ông sẽ bị soán ngôi bởi một trong những đứa con của ông, như ông đã từng soán ngôi bố ông là Caelus, nên Saturn đã ăn thịt con mình lúc mới sinh ra. Đứa con thứ ba, Jupiter, được người mẹ đem cất dấu trên đảo Crete nên sống sót, và là người sau này đã soán ngôi Saturn thật, đúng như sấm truyền.