Martin Luther King Jr. 55 năm ngày mất

by , under Uncategorized

MARTIN LUTHER KING JR.

55 NĂM NGÀY MẤT (1968-2023)

Nguyễn Xuân Xanh trình bày

 

Tôi có một giấc mơ, rằng một ngày nào đó quốc gia này sẽ đứng dậy và sống theo đúng tín điều của nó: “Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên: rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng.”

− Martin Luther King, Jr.

Không bao giờ đầu hàng sự cám dỗ nuôi dưỡng sự cay đắng. Khi bạn tranh đấu cho công lý, hãy bảo đảm rằng bạn làm việc đó với nhân phẩm và kỷ luật, chỉ sử dụng các công cụ của tình yêu.

− Martin Luther King, Jr.

Đáp lại hận thù bằng hận thù sẽ nhân hận thù lên, là cộng thêm bóng tối sâu thẳm vào một đêm tối đã không có ánh sao. Bóng tối không thể xua đuổi bóng tối; chỉ có ánh sáng mới có thể làm được điều đó. Hận thù không thể xua đuổi hận thù; chỉ tình yêu mới có thể làm được điều đó. Hận thù nhân hận thù lên, bạo lực nhân bạo lực lên, và sự cố chấp nhân sự cố chấp lên theo một vòng xoáy đi xuống của sự hủy diệt.

− Martin Luther King, Jr.

undefined

How Martin Luther King Put Rights Movement 'Where His Mouth Was' in 'Dream' Speech - ABC News

Martin Luther King tại cuộc tuần hảnh vĩ đại đến Washington ngày 28 tháng 8, 1963. Tại đây, trước 250.000 người cùng tuần hành, ông đã đọc bài diễn văn bất hủ Tôi có một giấc mơ. Ông là một huyền thoại về đấu tranh cho nhân quyền.

undefined

Quang cảnh từ Đài tưởng niệm Lincoln về phía Đài tưởng niệm Washington vào ngày 28 tháng 8 năm 1963

Martin Luther King, Jr. là Mục sư Baptist, sinh ngày 15 tháng 1 năm 1929, Atlanta, Georgia—mất ngày 4 tháng 4 năm 1968, Memphis, Tennessee. Ông nhà hoạt động dân quyền bất bạo động, lấy tình yêu làm kim chỉ nam, từ giữa những năm 1950 cho đến khi ông qua đời do bị ám sát vào năm 1968. Ông được trao Giải Nobel Hoà bình năm 1964 vì những nỗ lực chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc bằng biện pháp bất tuân dân sự, và các phương tiện bất bạo động khác. Ông thuộc vào hàng ngũ của Mahatma Gandhi.

Ngày 28 tháng 8 năm 1963, từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln trong cuộc Tuần hành vĩ đại đến Washington (March on Washington) vì Việc làm và Tự do, King đọc bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử, Đó là thời điểm quyết định cho Phong trào Dân quyền Mỹ. Sau cuộc tuần hành, tạp chí TIME chọn Martin Luther King là Nhân vật của Năm năm 1963. Năm sau ông được trao tặng Giải Nobel Hòa bình, ở tuổi 35 tuổi, người trẻ tuổi nhất được nhận vinh dự này.

 

TÔI CÓ MỘT GIẤC MƠ

I HAVE A DREAM

Martin Luther King

Một trăm năm trước, một người Mỹ vĩ đại, mà chúng ta hôm nay đang đứng dưới cái bóng mang tính biểu tượng của ông, đã ký Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ. Sắc lệnh quan trọng này đến như một ngọn hải đăng lớn của hy vọng cho hàng triệu nô lệ da đen, những người đã bị thiêu đốt trong ngọn lửa của bất công đang tàn lụi. Nó đến như một bình minh tràn ngập niềm vui để kết thúc đêm dài bị giam cầm của họ.  

Nhưng 100 năm sau, người da đen vẫn không được hưởng tự do. Một trăm năm sau, cuộc sống của người da đen vẫn còn bị tê liệt một cách đáng buồn bởi sự phân biệt chủng tộc và xiềng xích phân biệt đối xử. Một trăm năm sau, người da đen vẫn sống trên một hòn đảo nghèo đói cô đơn giữa một đại dương rộng lớn của sự thịnh vượng vật chất. Một trăm năm sau, người da đen vẫn còn mòn mỏi trong các ngóc nghách của xã hội Mỹ và thấy mình bị lưu đày trên chính mảnh đất của mình. Và vì vậy chúng ta đến đây hôm nay để lên tiếng về tình trạng đáng xấu hổ này. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta đã đến thủ đô của quốc gia chúng ta để đòi những quyền lợi mà chúng ta đã được hứa hẹn.

Khi các kiến trúc sư của nước cộng hòa của chúng ta viết những lời tuyệt vời của Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập, họ đã ký một kỳ phiếu mà mọi người Mỹ sẽ trở thành người thừa kế. Kỳ phiếu này là một lời hứa rằng tất cả mọi người – vâng, da đen cũng như da trắng – sẽ được đảm bảo các quyền bất khả xâm phạm, quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.

Ngày nay, rõ ràng là nước Mỹ đã không thanh toán được kỳ phiếu này liên quan đến công dân da màu của mình. Thay vì tôn trọng nghĩa vụ thiêng liêng này, nước Mỹ đã trao cho người da đen một tấm séc xấu, một tấm séc đã bị trả lại vì bị cho là không tiền bảo chứng.

Nhưng chúng ta từ chối tin rằng ngân hàng công lý đã bị phá sản.

Chúng ta từ chối tin rằng không có đủ ngân quỹ trong kho  lớn về cơ hội của quốc gia này. Và vì vậy chúng ta đã đến để đòi thanh toán tấm séc này, một tấm séc theo yêu cầu sẽ mang lại cho chúng ta sự giàu có của tự do và sự an toàn của công lý.

Chúng ta cũng đã đến vị trí thiêng liêng của ông ấy (Abraham Lincoln) để nhắc nhở nước Mỹ về sự cấp bách khốc liệt của tình hình hiện tại (now). Đây không phải là lúc để tham gia vào sự xa xỉ của sự hạ nhiệt, hoặc uống thuốc an thần của chủ nghĩa từng bước.

Bây giờ là lúc để thực hiện những lời hứa hẹn của nền dân chủ. Bây giờ là lúc để vươn lên từ thung lũng phân biệt chủng tộc tối tăm và khốn khổ đến con đường chiếu đầy ánh nắng của công bằng chủng tộc. Bây giờ là lúc để nâng quốc gia chúng ta từ vùng cát lún của bất công chủng tộc lên núi đá rắn chắc của tình huynh đệ. Bây giờ là lúc để biến công lý thành hiện thực cho tất cả những người con của Chúa.

Sẽ là thảm họa nếu quốc gia chúng ta bỏ qua tính cấp bách của thời điểm này. Mùa hè ngột ngạt này của sự bất mãn chính đáng của người da đen sẽ không trôi qua cho đến khi có một mùa thu đầy sinh lực của tự do và bình đẳng. Năm 1963 không phải là kết thúc, mà là sự khởi đầu. Những ai hy vọng rằng người da đen chỉ đang cần xả bớt sự giận dữ và rồi sẽ hài lòng, sẽ phải chịu một sự thức tỉnh đau đớn nếu quốc gia trở lại tình trạng vẫn như cũ.

Sẽ không có sự nghỉ ngơi hay yên bình ở Mỹ cho đến khi người da đen được cấp quyền công dân. Những cơn lốc của cuộc nổi dậy sẽ tiếp tục làm rung chuyển nền tảng của quốc gia chúng ta cho đến khi ngày tươi sáng của công lý ló dạng.

Nhưng có một điều mà tôi phải nói với nhân dân của tôi, những người đang đứng trên ngưỡng cửa ấm áp dẫn vào cung điện công lý. Trong quá trình đạt được vị trí chính đáng của mình, chúng ta không được phép phạm tội làm những việc làm sai trái. Chúng ta đừng tìm cách thỏa mãn cơn khát tự do của mình bằng sự uống cạn chén cay đắng và hận thù.

Chúng ta phải mãi mãi tiến hành cuộc đấu tranh của mình trên bình diện cao của phẩm giá và kỷ luật. Chúng ta không được cho phép sự phản kháng sáng tạo của chúng ta biến thành bạo lực vật chất. Hết lần này đến lần khác, chúng ta phải vươn lên đỉnh cao hùng vĩ của sự giao thoa giữa lực lượng vật chất với lực lượng linh hồn. Tính chiến đấu mới kỳ diệu đang bao trùm cộng đồng người da đen không được phép dẫn chúng ta đến sự mất lòng tin vào tất cả người da trắng, bởi vì nhiều anh em da trắng của chúng ta, bằng chứng là sự hiện diện của họ ở đây ngày hôm nay, đã nhận ra rằng số phận của họ gắn liền với số phận của chúng ta.

Và họ đã nhận ra rằng tự do của họ gắn bó chặt chẽ với tự do của chúng ta. Chúng ta không thể bước đi một mình. Và khi chúng ta bước đi, chúng ta phải cam kết rằng chúng ta sẽ luôn luôn tiến về phía trước. Chúng ta không thể quay đầu lại.

Có những kẻ đang hỏi những người hiến dâng cho quyền công dân, khi nào bạn sẽ hài lòng? Chúng ta không bao giờ có thể hài lòng chừng nào người da đen còn là nạn nhân của những nỗi kinh hoàng không thể kể xiết của sự tàn bạo của cảnh sát. Chúng ta không bao giờ có thể hài lòng chừng nào tấm thân của chúng ta, trĩu nặng với sự mỏi mệt của chuyến đi, không thể kiếm được chỗ ngả lưng trong các nhà nghỉ trên đường cao tốc và khách sạn trong các thành phố.

Chúng ta không thể hài lòng chừng nào khả năng chuyển dịch căn bản của người da đen vẫn còn là từ một khu ổ chuột nhỏ hơn đến một khu ổ chuột lớn hơn. Chúng ta không bao giờ có thể hài lòng chừng nào con cái chúng ta còn bị tước bỏ tư cách và bị cướp đi phẩm giá của chúng bằng những tấm biển ghi rõ: chỉ dành cho người da trắng.

Chúng ta không thể hài lòng chừng nào một người da đen ở Mississippi không được bầu cử, và một người da đen ở New York tin rằng anh ta không có gì để bỏ phiếu.

Không, không, chúng ta không hài lòng, và chúng ta sẽ không hài lòng cho đến khi công lý tuôn xuống như mưa, và sự công chính tuôn chảy như một dòng nước hùng vĩ.

Tôi không phải không quan tâm rằng một số anh chị em đã đến đây từ những thử thách và khổ nạn lớn. Một số anh chị em mới ra khỏi phòng giam chật hẹp. Một số anh chị em đến từ những khu vực mà hành trình tìm kiếm tự do của anh chị em đã khiến anh chị em bị vùi dập bởi những cơn bão bức hại và bị lảo đảo bởi những cơn gió tàn bạo của cảnh sát. Anh chị em đã là cựu chiến binh của những khổ đau sáng tạo.  Hãy tiếp tục hoat động với đức tin rằng khổ đau không đáng có sẽ là sự cứu rỗi. Hãy trở về Mississippi, trở lại Alabama, về lại Nam Carolina, về lại Georgia, về lại Louisiana, về lại các khu ổ chuột và ghettos ở các thành phố phía Bắc của chúng ta, biết rằng rằng bằng cách nào đó tình trạng này có thể và sẽ được thay đổi.

Đừng để đắm mình trong thung lũng tuyệt vọng, đó là điều tôi muốn nói với các bạn hôm nay, các bạn của tôi ơi.

Vì vậy, dù chúng ta phải đối mặt với những khó khăn của ngày hôm nay và ngày mai, tôi vẫn có một giấc mơ. Đó là một giấc mơ bắt rễ sâu xa trong giấc mơ Mỹ. Tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó quốc gia này sẽ trỗi dậy và sống theo ý nghĩa đích thực của tín điều của nó: Chúng ta khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, rằng tất cả mọi người được tạo ra đều bình đẳng.

Tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó trên những ngọn đồi đỏ của Georgia, con trai của những người từng là nô lệ và con trai của những người từng là chủ nô lệ trước đây sẽ có thể cùng ngồi xuống bên nhau tại chiếc bàn của tình huynh đệ.

Tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó ngay cả bang Mississippi, một bang đang ngột ngạt với sức nóng của bất công và áp bức sẽ được biến thành một ốc đảo của tự do và công lý.

Tôi có một giấc mơ rằng bốn đứa con nhỏ của tôi một ngày nào đó sẽ sống trong một quốc gia nơi chúng sẽ không bị phán xét bằng màu da, mà được đánh giá bằng phẩm cách của chúng. Tôi có một giấc mơ hôm nay.

Tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó ở Alabama, với những kẻ phân biệt chủng tộc độc ác của nó, với vị thống đốc luôn miệng nói về quyền can thiệp và vô hiệu hóa, một ngày nào đó ngay tại chính Alabama, những bé trai và bé gái da đen sẽ có thể nắm tay những bé trai và bé gái da trắng như anh chị em. Tôi có một giấc mơ hôm nay.

Tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó mọi thung lũng sẽ được nâng cao, mọi ngọn đồi và ngọn núi sẽ được hạ thấp, những nơi gồ ghề sẽ được làm cho bằng phẳng, và những nơi quanh co sẽ được làm cho ngay thẳng lại, và vinh quang của Chúa sẽ được hiển lộ, và tất cả người trần mắt thịt sẽ cùng nhau nhìn thấy điều đó.

Đây là hy vọng của chúng ta. Đây là niềm tin mà tôi sẽ mang theo về miền Nam. Với niềm tin này, chúng ta sẽ có thể đẽo một viên đá hy vọng từ ngọn núi tuyệt vọng. Với niềm tin này, chúng ta sẽ có thể biến đổi những bất hòa chói tai của đất nước chúng ta thành một bản giao hưởng tuyệt vời của tình huynh đệ. Với niềm tin này, chúng ta sẽ có thể làm việc cùng nhau, cầu nguyện cùng nhau, đấu tranh cùng nhau, đi tù cùng nhau, đứng lên vì tự do cùng nhau, biết rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ được tự do.

Đó sẽ là ngày mà tất cả con cái của Chúa sẽ có thể hát với ý nghĩa mới:

Đất nước của tôi, đó là của bạn, miền đất ngọt ngào của tự do, tôi hát về người.

Miền đất nơi ông cha tôi nằm xuống, miền đất của niềm tự hào của những người hành hương,

Từ mọi sườn núi, hãy để tự do ngân lên!

Và nếu Hoa Kỳ muốn trở thành một quốc gia vĩ đại, điều này phải trở thành sự thật.

Và vì vậy, hãy để tự do ngân vang từ những đỉnh đồi cao ngất của New Hampshire.

Hãy để tự do ngân vang từ những ngọn núi hùng vĩ của New York.

Hãy để tự do ngân vang từ dãy Alleghenies của Pennsylvania.

Hãy để tự do ngân vang trên đỉnh Rockies phủ tuyết của Colorado.

Hãy để tự do ngân vang  từ những sườn dốc quanh co của California.

Nhưng không chỉ vậy, hãy để tự do ngân vang từ Núi Đá của Georgia.

Hãy để tự do ngân vang từ núi Lookout của Tennessee.

Hãy để tự do ngân vang từ mọi ngọn đồi và cả từ đụn đất chuột chũi của Mississippi.

Từ mỗi sườn núi, hãy để tự do ngân vang.

Và khi điều này xảy ra, và khi chúng ta cho phép tự do  ngân vang, khi chúng ta để nó vang lên từ mọi làng mạc và thôn xóm, từ mọi tiểu bang và mọi thành phố, chúng ta sẽ có thể đẩy nhanh ngày đó khi mà tất cả những người con của Chúa, người da đen và người da trắng, người Do Thái và Cơ đốc nhân, các tín hữu Tin lành và Công giáo, sẽ có thể nắm tay nhau và hát theo lời bài hát tâm linh của người da đen cổ xưa:

Cuối cùng tự do đã đến.

Cuối cùng tự do đã đến.

Tạ ơn Chúa toàn năng, chúng con cuối cùng cũng đã được tự do.

Người dịch: Mai Lê

Nguyễn Xuân Xanh xem lại

 

Dưới ảnh hưởng của cuộc đấu tranh dân quyền với sự lãnh đạo của King, Đạo luật Dân quyền (Civil Rights Act) được thông qua năm 1964 và Đạo luật Quyền Bỏ phiếu (Voting Rights Act) năm 1965, cả hai dưới thời Tổng thống Lyndon B. Johnson. Trong bài diễn văn trước toàn thể Quốc hội  tháng 3, năm 1965, Johnson tuyên bố:

Là một người mà gốc rễ ăn sâu vào đất phương Nam, tôi biết cảm giác phân biệt chủng tộc đau đớn như thế nào. Tôi biết việc định hình lại thái độ và cấu trúc của xã hội chúng ta khó khăn như thế nào. Nhưng một thế kỷ đã trôi qua – hơn 100 năm – kể từ khi người da đen được trả tự do. Và anh ta không hoàn toàn tự do tối nay.

Cách đây hơn 100 năm, Abraham Lincoln – một Tổng thống vĩ đại của một đảng khác – đã ký Tuyên ngôn Giải phóng. Nhưng giải phóng là một tuyên bố chứ không phải là một sự thật.

Một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày hứa hẹn, và lời hứa đó đã không được thực hiện. Thời điểm của công lý đã đến, và tôi nói với quý vị rằng tôi tin tưởng chân thành không thế lực nào có thể ngăn cản nó được nữa. Điều đó đúng trong mắt của con người và của Chúa, và khi nó xảy ra, tôi nghĩ ngày đó sẽ làm cuộc sống của mọi người Mỹ tươi sáng.

(New York Times, March 16, 1965)

Martin Luther King bị ám sát ngày 4 tháng 4 năm 1968 tại Memphis, Tennessee trong lúc đến đây để ủng hộ một cuộc đình công, gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới. Năm ngày sau, Tổng thống Mỹ Johnson đã công bố một ngày để tang. King là một trong mười thánh tử đạo thế kỷ XX, và được tạc tượng trên Great West Door của Tu viện Westminster tại Luân Đôn.

 

Qué significó la lucha de Martin Luther King para la historia? | National Geographic

Tượng Martin Luther King Jr.

undefined

Đài tưởng niệm Marrtin Luther King Jr. nằm tại West Potomac Park, Washington, D.C.

“Sau hơn nửa thế kỷ, bài diễn văn của Martin Luther King vẫn được nhắc đến mỗi ngày, khi được giảng trong trường học, được in trong sách giáo khoa đại học, được giới thiệu trong nhiều bộ phim tài liệu và thậm chí còn được trích dẫn trong âm nhạc của Michael Jackson và rapper Common”, tờ New York Times bình luận.

Martin Luther King đã trở thành một thánh tượng quốc gia, một biểu tượng của những thiên thần tốt đẹp hơn, better angels, nói như Abraham Lincoln, của bản chất nước Mỹ.

Dưới đây là một bài diễn văn khác của Martin Luther King năm 1967 có tiêu đề “The Other America” – Nước Mỹ Khác:

“BẠO LOẠN LÀ NGÔN NGỮ CỦA NHỮNG GÌ

CHƯA ĐƯỢC LẮNG NGHE“

Martin Luther King Jr.: Bạo loạn là ngôn ngữ của những gì chưa được lắng nghe 

 

Mời xem thêm cùng chủ đề:

Ngày Độc lập Hoa Kỳ – nhìn từ phía khác 

Hoa Kỳ không phải là một nền dân chủ, cho đến khi người Mỹ da đen làm cho nó trở thành như thế 

Diễn văn Gettysburg của Abraham Lincoln