Người Việt có mê đọc sách?

by , under Uncategorized

NGƯỜI VIỆT CÓ MÊ ĐỌC SÁCH?

Nguyễn Xuân Xanh

 

Lời nói đầu. Bài này được tác giả viết nhân Hội thảo sách Thành phố tháng 3, 2008. Sau 9 năm vấn đề sách ngày càng thúc bách. Người Việt chưa ý thức rằng tri thức là điều kiện quan trọng để xây dựng một đất nước phồn vinh, văn minh và vững mạnh như người Nhật 150 năm trước từng ý thức. Lạc hậu kinh tế bắt nguồn từ lạc hậu tri thức. Một quốc gia có thể thoát khỏi mù chữ, nhưng vẫn có thể bị “mù văn minh, khoa học, công nghệ” hoàn toàn không hiểu thế giới khi đứng trước nó. Muốn thay đổi, quốc gia cần có một thị trường sách thông minh sinh động, và tỷ lệ đọc sách trong dân phải tăng cao. Giới tinh hoa, giới lãnh đạo, giới giàu có cần đi đầu. Đầu tư, viết, dịch sách cho mọi lứa tuổi, lãnh vực, và quảng bá rộng rãi, đó là những công việc làm thúc bách hiện nay. Thời gian không cho phép chậm trễ nữa.

Xin xem thêm Tại sao người Nhật mê đọc sách?

[1]

Trong nhiều thế giới mà con người được ban tặng không phải từ tự nhiên, mà từ trí tuệ của chính mình, thì thế giới sách là vĩ đại nhất.

Hermann Hesse

Thật là hữu ích khi chúng ta bàn về sách. Có rất nhiều điều để nói về sách nhưng có lẽ trước hết hãy để một số danh nhân lịch sử phát biểu về sách đáng để suy ngẫm:

Ai chỉ đọc báo, hay xa hơn là sách của các tác giả đương thời, đối với tôi giống như một người bị cận thị nặng nhưng lại từ chối đeo kính. Người đó hoàn toàn bị lệ thuộc vào thành kiến và khuynh hướng thời trang, bởi vì người ấy không bao giờ thấy hay nghe bất cứ cái gì khác cả. Những suy nghĩ của một con người chỉ biết mình và không được gợi ý bởi những ý tưởng và kinh nghiệm của người khác, trong trường hợp thuận lợi nhất cũng chỉ là nghèo nàn và buồn tẻ.

Trong thời gian một thế kỷ mới có vài người được khai sáng để có được một sự hiểu biết tỏa sáng, phong cách và khẩu vị. Những gì chứa đựng trong các tác phẩm của họ là những tài sản quý giá nhất của nhân loại. Chúng ta do đó cám ơn một vài nhà văn của thời cổ đại đã giúp cho con người trong thời trung cổ giải phóng mình ra khỏi sự mê tín và thiếu hiểu biết, những cái đã làm cho cuộc đời họ tăm tối hơn năm trăm năm. Không có gì cần thiết hơn là việc khắc phục tính phô trương của con người tân thời chủ nghĩa của hiện tại!

Albert Einstein

Tạo thêm một thư viện cho một căn nhà là cho căn nhà đó một linh hồn.

Cicero

Khi tôi có một ít tiền, tôi mua sách; nếu còn lại, tôi mua thức ăn và áo quần.

Desiderius Erasmus

Đại học đích thực của những ngày này chính là một sự sưu tập của sách.

Thomas Carlyle

Các loại giải trí khác là đặc biệt cho những thời nào đó, những chỗ, giai đoạn nào đó của cuộc sống, nhưng sự nghiên cứu sách vở là sự nuôi dưỡng của tuổi trẻ, và niềm vui của tuổi cao. Chúng đem lại sự lộng lẫy cho phồn vinh, và là nguồn, và sự an ủi của sự không may; chúng đem lại niềm vui trong nhà, không phải là sự bối rối, chúng là những người bạn đồng hành của chúng ta trên cuộc hành trình, và là những người phục vụ trong những lúc nghỉ ngơi ở thôn dã.

Cicero

Một đồng đô la được đầu tư vào một quyển sách và một quyển sách được tinh thông có thể làm thay đổi cả cuộc đời của một cậu bé. Nó có thể dễ dàng trở thành bước đầu của một sự phát triển của một tài năng lãnh đạo để đưa cậu bé đi xa vào việc phục vụ cho các đồng loại của cậu.

Henry Ford

Những điều tôi muốn biết đều ở trong sách; người bạn tốt nhất của tôi là người sẽ cho tôi một cuốn sách mà tôi chưa đọc.

Abraham Lincoln

Tôi vẫn theo các sách cũ, vì chúng dạy tôi được một điều gì; từ những sách mới tôi học được rất ít.

Voltaire

Một liều chất độc có thể có tác dụng tức khắc, nhưng một quyển sách xấu có thể tiếp tục đầu độc tinh thần hằng nhiều thế hệ.

W. John Murray

 

Vài hình ảnh và thông tin đáng xem về sách:

Phòng đọc sách lớn của thư viện của thành phố Göttingen thế kỷ 18

Một góc của thư viện riêng, với khoảng 1700 quyển sách còn lại của nhà toán học vĩ đại C.F. Gauss (1777-1855)

Một góc của thư viện riêng của Goethe (1747-1832) với 7.500 quyển sách, trong đó ¼ là sách khoa học. Ngồi trong một thư viện, Goethe cảm thấy “như đang ở trước một nguồn tư bản lớn âm thầm sinh lợi”. Thư viện của cụ Nguyễn Du còn để lại? GoetheNguyễn Du (1765–1820) sống cùng thời.

Một trong khoảng 2.000 quyển sách trong thư viện của Newton

Quyển Kinh thánh của Gutenberg (khoảng 1400-1468) hình thành giữa năm 1452 và 1454 tại Mainz, Đức.

Thư viện riêng của Max Planck (1858-1947), cha đẻ của thuyết lượng tử, tại nhà ông ở Berlin.

Tiếc thay, nó bị di tản để mong được bảo toàn, rồi sau đó rơi vào tay của Hồng quân, được

chở hết về Nga, và rồi biến mất.

 

Vài con số thống kê sách của một số thư viện nổi tiếng trên thế giới (2008):

Thư viện quốc gia Anh (London): 25 triệu (British Museum)

Thư viện quốc gia Pháp: 13 triệu

Thư viện quốc gia Hoa Kỳ (Library of

Congress, Washington): 29 triệu

Thư viện Đại học Harvard: 15 triệu

Thư viện Nhà nước Berlin: 10 triệu

(Chưa tính thư viện quốc gia kết hợp

Leipzig và Frankfurt, khoảng 20 triệu)

Thư viện quốc gia Nga St Petersburg: 20 triệu

Thư viện Đại học Tokyo: 8 triệu

Thư viện Đại học Shanghai: 3 triệu

Thư viện Đại học Waseda: 4.5 triệu

Thư viện quốc gia Singapore 16 triệu

Thư viện quốc gia Hà Nội: 2 triệu

(Trong đó số sách ngoại là 95.497, không kể sách với tiếng nói trong khu vực)

Trên chỉ nói các đầu sách, chưa kể các ấn phẩm định kỳ, bút tích …

Mạng lưới thư viện của các nước phát triển là dày đặc, từ trung ương (thư viện quốc gia) đến địa phương (thư viện đại chúng ở các quận huyện), qua các đại học, cao đẳng, trường học, trường chuyên ngành, tổ chức, hội đoàn …, chưa nói đến hằng triệu tư nhân, học giả, khoa học gia, chính trị gia, luật gia, nhà nghiên cứu, văn sĩ, …và những người chơi sách. Các quốc gia, kể cả vua chúa trước đây, hoặc đại học lớn đều hãnh diện về những thư viện bề thế của mình, đầu tư mua sắm rất nhiều, và xem thư viện như biểu tượng của tri thức, bộ mặt văn hóa. Các thư viện lớn đều là những công trình kiến trúc nổi tiếng. Việt Nam muốn đầu tư cho hệ thống thư viện hiện đại cần một số tiền phải đến vài tỉ đô la.

 

Một vài sự kiện về ngày sách quốc tế:

Năm 1995 UNESCO tuyên bố ngày 23.4 là Ngày Sách thế giới và Bản quyền. Đó cũng là ngày mất của ba vị đại văn hào thế giới Cervantes, Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega vào năm 1616. Ngày đó còn là ngày sinh, hay mất của nhiều văn hào tên tuổi khác trên thế giới. Tại Tây Ban Nha, ngày này cũng là ngày lễ sách truyền thống của nhân dân của tỉnh Catalonia. Ngày đó người ta bày bán sách ngoài đường, tặng hoa hồng cho mỗi cuốn sách được bán ra, tổ chức những buổi đọc sách, bình sách cho công chúng. Nó là một sự kiện văn hóa có tính chất dân tộc. Ngày nay nhiều nước trên thế giới đã lấy ngày này làm ngày sách cho cả nước, với sự tham gia của vô số nhà xuất bản và nhà sách. Tại Đức, từ 1996, xung quanh ngày 23.4, có nhiều sinh hoạt văn hóa như tổ chức hội sách, đọc sách nhiều thể loại, giao lưu với tác giả.

[2]

Bây giờ trở lại câu hỏi, người Việt Nam đọc sách ít hay nhiều. Hay chúng ta hỏi Việt nam có được bao nhiêu sách, bao nhiêu thư viện cổ, so với thế giới? Chắc chắn là rất rất ít, như sự so sánh với trường hợp Nhật Bản 150 năm trước sẽ cho thấy rõ. Ngay các quận huyện của những thành phố lớn đều hầu như chỗ nào cũng không có thư viện công. Ở các nước phát triển, một thành phố cỡ trung đã có hàng chục thư viện chung.

Các thư viện hiện đại hầu hết được xây trong thời Pháp thuộc. Tại sao một dân tộc được cho là hiếu học mà lại ít sách như thế? Tôi chợt nghĩ ra, có lẽ dân ta hiếu học, nhưng thực sự chỉ một giai tầng rất nhỏ nào thôi, và vì có quá ít sách − hay đó lại là cội rễ của việc có ít sách − mà dân ta, hay giai tầng hiếu học kia, chỉ biết học từ chương, kinh điển, cứ học đi, học lại, hàng thế kỷ, mà không hề thấy cần thiết phải thay đổi nội dung, đi tìm cái mới. Tại phương Tây sách vở biểu hiện cho quá trình phát triển tư duy, cho nên thời nào cũng phong phú và mới cả. Với kỹ thuật in của Gutenberg thế kỷ 15, sách dần dần trở thành một “quyền lực”, một sức mạnh trí tuệ ngày, và ngày càng được phổ biến đến nhiều tầng lớp dân chúng. Đặc biệt vào đầu thế kỷ 19, với những phát minh máy in nhanh của Đức, sự phát triển lan truyền ấy đạt đến tốc độ bùng nổ. Phương Tây có rất nhiều sách, nhiều thư viện khủng để lưu trữ sách, góp phần cho việc tự học, nghiên cứu, viết lách cho tất cả mọi người. Trí tuệ hầu như không bao giờ ngưng chảy. Người phương Tây luôn luôn động não, luôn luôn sáng tạo ra ý tưởng mới, cho nên văn hóa và học thuật của họ luôn luôn đổi mới. Xã hội họ là xã hội động, không bao giờ biết ngừng. Trong khi phương Đông, trong đó có Việt Nam, có khá ít sách, vì thế dễ đi vào từ chương, ỷ lại, tự mãn, “quy phục”, mà không có sáng tạo. “Giáo điều” chính là thể hiện của sự chai cứng tư tưởng. Xã hội phương Đông tĩnh. Ở đâu cũng thế, khi giai cấp trị vị càng từ chương, giáo điều như giai cấp phong kiến-nho học, thì tư tưởng và học thuật không phát triển được. Còn ở đâu chính sách càng cỡi mở, những giá trị tinh thần được trân trọng, khuyến khích, chấp nhận sự khác biệt và khoan dung, ở đó tư duy, khoa học, học thuật, và văn hóa sách phát triển mạnh mẽ.

Sách là biểu tượng cho óc tò mò học hỏi, sáng tạo, biểu tượng của tài sản văn hóa, học thuật của một dân tộc. Nhật Bản có lẽ là một dân tộc, từ ngày tiếp xúc với thế giới phương Tây, đã tỏ ra một dân tộc ham học hỏi cái mới một cách đam mê, và “bừng bừng” như lửa của samurai, với tất cả khát vọng muốn được biết, và muốn vượt lên trên hàng đầu với thế giới. Họ biết thế giới đã phát triển trước họ hàng trăm năm, họ bị tụt hậu, và họ cương quyết muốn đuổi kịp. Và để đuổi kịp, họ muốn biết tất cả những gì phương Tây đã sáng tạo ra trước đó, đã làm nên sức mạnh thần kỳ đó. Họ say mê hiểu biết một cách cuồng nhiệt, muốn chiếm lĩnh tư tưởng và văn hóa của phương Tây, kể cả âm nhạc, hội họa, và muốn chứng minh họ cũng biết tất cả, và không thua kém ai. Họ phải đuổi kịp trong đầu trước, trước khi thực hiện sự đuổi kịp thực tế.

Điều làm cho những người ưu tư đến công cuộc chấn hưng đất nước không khỏi lo lắng, là vào thời điểm này, thế kỷ 21, sách hay của nước ngoài dịch ra tiếng Việt chỉ bán được với số lượng chỉ vài ngàn quyển thôi, với số dân hơn 80 triệu, trong khi những cuốn sách tương tự đã từng được dịch và bán được đến hàng trăm ngàn, hay hàng triệu bản tại Nhật Bản thời Minh Trị, với số dân chỉ vài ba chục triệu thời đó. Đó là điều gây sốc. Bao giờ người dân Việt đạt được sức đọc mạnh như sức đọc của dân Nhật 150 năm trước? Vì sao chúng ta, một dân tộc bốn nghìn năm văn hiến, mà nay sức đọc quá thấp kém như thế so sánh với dân tộc “võ sĩ” như Nhật Bản? Hệ quả của nó cũng sẽ rất nghiêm trọng. Với tốc độ đọc sách và học hỏi cái mới như thế, thì làm sao đủ tri thức để xây dựng đầt nước?

Hãy nhìn thêm vào người Nhật. Nước nào trên thế giới có tuyển tập Các Mác – Ăng Ghen qui mô đầu tiên trên thế giới? Xin trả lời rằng: không phải Liên Xô hay Trung Quốc, cũng không phải nước “chủ nhà” là Đức, quê hương của hai vị tiên tri kia. Mà chính là Nhật Bản! Những tập đầu tiên của bộ tuyển tập được nhà xuất bản Kaizosha cho ra mắt năm 1928, và năm năm sau tuyển tập được hoàn tất. Tập đầu tiên của bộ tuyển tập bán được 150.000 quyển. Trung bình mỗi tập được bán khoảng 120.000 quyển. Số lượng này không thể tưởng tượng được ở Mỹ và ở châu Âu vào thời điểm đó.

Cũng thế, tuyển tập đầu tiên của Einstein trên thế giới không phải được in tại Đức, châu Âu hay Mỹ, mà cũng chính tại xứ sở hoa anh đào này, vào năm 1922, và cũng chính tại nhà xuất bản Kaizosha kia. Nhà xuất bản này cũng là đơn vị có sáng kiến đứng ra mời Einstein sang thuyết trình cho một thời gian là 6 tuần tại các đại học và cho công chúng, và cùng lúc đó cho ra mắt tuyển tập gồm bốn bộ của Einstein bằng tiếng Nhật, bao gồm những bài của Einstein không phải dễ tìm lúc đó, chứ không phải đại học hay nhà nước đứng ra mời. Xã hội công dân họ rất mạnh và nhạy bén về văn hóa. Nếu trong tiếp đón, người Nhật muốn biểu lộ họ không thua kém dân tộc nào trong việc ngưỡng mộ Einstein, thực sự họ đã dành cho Einstein một cuộc tiếp đón nồng nhiệt hơn các cuộc tiếp đón ở Mỹ, thì trong học thuật họ cũng muốn chứng minh họ không thua dân tộc nào trong việc nhanh chóng tiếp thu cái mới. Phải nói đó là một nỗ lực phi thường của họ vào thời điểm đó.

Chúng ta đã quen với Fukuzawa Yukichi (1834-1901). Ông là đại biểu quan trọng nhất của thời khai sáng của Nhật Bản trong thời Minh Trị. Ông là người chủ trương hình thành các cá nhân tự chủ như những cột trụ của nền văn minh và chỉ khi xã hội có đủ các cá nhân tự chủ thì đất nước, quốc gia mới có thể độc lập, tự chủ được. Quốc gia nếu chỉ gồm những người dễ bảo, dễ dạy, thiếu hiểu biết, thiếu đầu óc, thì không thể có, hay bảo vệ độc lập, tự chủ lâu dài được. Trước ông, đầu thế kỷ 19, nhà cải cách Phổ Freiherr vom Stein, và những đồng nghiệp của ông cũng đã nói thế, và thực hành như thế. Thời đại Fukuzawa là thời làm đảo lộn giá trị xã hội, người Nhật có cái kỳ tài, là tuy trong lịch sử mình cũng đã từng lấy các triều đại vua Trung Quốc làm “mô hình nhà nước” làm mẫu, nhưng đến thời Minh Trị, họ có sức mạnh tự phát, như một sự bừng tỉnh tức khắc, cái mà người Việt Nam không có, biết khôn ngoan chuyển đổi ngay, vứt bỏ ngay các mô hình của quá khứ để chuyển đổi nhanh chóng sang mô hình phương Tây, thay đổi các bậc thang giá trị, từ “sein” (tồn tại theo cái cũ) sang “tun” (hành động theo cái mới). Chính vì vậy mà nước Nhật mới phát triển nhanh chóng. Trong khi Việt Nam không có được sức mạnh tự phát như thế để nhận thức và chuyển đổi tình thế nhanh chóng. Fukuzawa công kích dữ dội bệnh “làm dáng” nhưng bên trong rỗng tuếch tri thức của giới có quyền thế hay của cải:

Những ai làm những việc khó khăn hôm nay, người ta gọi họ là những người cao thượng; những ai làm những việc dễ, người ta gọi họ là những người thấp kém. Làm một cái gì hữu ích cho con người, như bằng cách người ta đọc sách, và suy nghĩ, điều đó có lẽ là khó khăn. Do đó ranh giới để phân biệt giữa những người cao thượng và thấp kém chỉ nằm ở tính chất khó khăn của công việc mà họ làm. Cho nên hôm nay có rất nhiều Daimyō, Quý phái cung đình, Samurai, và những người khác, họ tuy có trông đẹp đẽ khi họ ngồi trên lưng ngựa và đeo gươm ngắn, gươm dài, nhưng họ hầu như rỗng tuếch bên trong, như một cái thùng tô-nô rỗng… họ tiêu pha những ngày của họ không vất vả, và không mục đích. Thật không có lý do nào để gọi những người như thế là cao thượng, hay của đẳng cấp quan trọng! Chỉ vì họ từ nhiều thế hệ có tiền được tiếp tục truyền lại, và lúa gạo, họ làm ra vẻ đẹp đẽ. Nhưng họ chính là những người thấp kém.

Đó là một đoạn văn trong tập sách có tên “Các bài học của ngày thường” của Fukuzawa viết cho trẻ em. Một tiếng nói cực kỳ đanh thép để phân biệt cái thật, và cái giã. Ngài đã muốn dạy cho con người từ lúc còn trẻ phải biết phân biệt được đâu là những việc làm cao cả và tầm thường, để tránh đi vào lối mòn thấp kém của thói ỳ lịch sử.

Fukuzawa Yukichi (1835-1901)

Vâng, “đọc sách, và suy nghĩ”, nghĩa là đi tìm tòi cái mới cho bản thân và dân tộc, và dĩ nhiên nghiên cứu và viết sách, làm sao cho văn hóa đọc của đất nước ngày càng thêm phong phú, là những công việc cao cả mà ngài Fukuzawa Yukichi muốn nhắc nhỡ mọi người. Chỉ sống với những cái cũ kỹ, ỷ lại, với chân lý thói quen, đó là “thấp kém”, chỉ làm hại thêm cho đất nước. Chẳng phải ngài Tôn Dật Tiên cũng đã từng phát biểu “Hiểu là khó, hành động là dễ” hay sao? Hiểu mới chính là hành động cao cả kia mà ngài Fukuzawa muốn nói, còn hành động thuần túy tự nó là “thấp kém” trong tình hình này. Và muốn hiểu là phải đọc, phải học, phải suy nghĩ, phải mang cả văn hóa thế giới vào đất nước.

Thế giới sách vở, ý tưởng, vẫn còn khá xa lạ đối với người Việt Nam. Cả một thế giới của ý tưởng, bao gồm ý tưởng khoa học, nghệ thuật, văn học, triết học, chính trị, kinh tế, của nhân loại hãy còn mờ nhạt ở đây. Thế giới của người Việt Nam giống như một “thế giới phẳng”, nó “lép” như “bốn ngàn năm ngực lép” như một nhà thơ Việt Nam đã diễn tả hình tượng, những kiến thức của chúng ta về thế giới chỉ mới làm cho thế giới phẳng đó gợn lăng tăng đôi chút thôi chứ chưa định hình. Thế giới phẳng đó mang trong mình một sức ì nặng nề.

Chúng ta không nên ngủ quên trên kho báu trí tuệ chứa đựng trong sách vở của thế giới từ hơn 2500 năm nay. Chính trong đó mà dân tộc Phù Tang đã tìm được thanh báu kiếm của Vua Arthur như trong truyện thần thoại Anh. Người Việt Nam cần thay đổi thói quen của mình hôm nay. Cần tìm đền cuốn sách, hơn là chỉ biết tìm đến những thỏa mãn vật chất nhất thời. Chúng ta đã đi quá chậm. Cái đầu của thiên hạ đi trước cái đầu của chúng ta rất xa. Hãy tỏ ra là một dân tộc có ý chí vươn lên thành một dân tộc văn hóa. Hãy hiểu nguồn gốc của sự tụt hậu mấy trăm năm mà ông cha ta chưa hiểu như người Nhật đã hiểu. Hãy hiểu sức mạnh nằm trong tri thức: “Tri thức là sức mạnh” của Francis Bacon. Hãy nhớ, sách vở, tri thức cũng là “nguồn tư bản âm thầm sinh lợi”, như Goethe đã nói. Sự ham mê tìm tòi đọc sách của một dân tộc chính là biểu tượng của một dân tộc muốn vươn lên trong cuộc chấn hưng, xây dựng đất nước, bằng trí tuệ, bằng cái đầu cao, chứ không thỏa mãn với lao động trước mắt. Đổi mới đã bắt đầu hơn 20 năm nay trên quê hương, nhưng đất nước vẫn còn bị tự cô lập và trì trệ về trí tuệ. Đất nước cần một cuộc đổi mới thứ hai, hay cuộc duy tân trí tuệ, đáng lẽ đã phải được tiến hành từ một trăm năm mươi năm trước chứ không phải chỉ mới hôm nay. Đất nước thật sự chỉ được “khai sáng” khi cây cầu trí tuệ được bắt sang thế giới văn minh khai sáng bên ngoài. Người Việt Nam chỉ có thể hiểu được chính mình, và có được một sự phát triển lành mạnh, mạnh mẽ, khi học hỏi được tinh hoa của thế giới. Không dân tộc nào có thể làm khác.

Cho nên phải có thật nhiều sách, và sách hay, sách có ý nghĩa, như những ngọn đèn để thắp sáng khắp các miền đất nước. Phải có các thư viện công ở khắp nơi quận huyện cho mọi lứa tuổi. Thế mới có thể gọi là các khu phố văn hóa, và đất nước văn hóa. Đọc sách là mở mắt ra trước thế giới. Không chịu đọc sách là nhắm mắt lại, sống ngay ban ngày mà thế giới nội tâm và tri thức vẫn có thể tối như đêm.

Đọc sách để hiểu biết thế giới và để tái tạo lại chính mình đã bị lu mờ từ lâu. Đó là một công cuộc tái tạo vĩ đại mà hôm nay chúng ta phải tiến hành, mặc dù đã quá muộn màng.

Nguyễn Xuân Xanh

Ngày 4/3/2008

Xem thêm: Giá trị khai phóng của Khoa Học

Ngộ quá tại sao không chịu học