SỨ ĐOÀN IWAKURA
CHUYẾN TÂY DU ĐI TÌM KHAI SÁNG CHO NHẬT BẢN
Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu
Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế.
Năm điều thề ước 1868 của Hoàng Đế Minh Trị
Không có sự phồn vinh, văn hóa của nhân dân không thể phát triển. Để cho lòng ái quốc tăng trưởng, nó phải phục vụ sự tạo ra của cải. Người ta nói, chúng ta phải bảo vệ đất nước, nhưng ích lợi gì nếu đất nước chỉ là mảnh đất cằn cỗi?
Chính sách quốc gia của Nhật Bản “mở cửa đất nước” không chỉ là một hành động mở cửa đất nước để có quan hệ với nước ngoài. Nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng cửa nhưng vẫn tiếp tục thực hành các tập quán man di, và bất lực trong cải cách, cũng như trong việc tu chỉnh các tập quán đó để có thể tiến lên trình độ văn minh.
Itō Hirobumi
Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản Minh Trị
Lời nói đầu. Lịch sử nước Nhật còn nhiều điều để nói với chúng ta. Chúng ta biết Fukuzawa Yukichi đã dẫn dắt người Nhật về mặt tinh thần đi vào con đường khai sáng và canh tân. Nhưng ông từ chối tham gia chính quyền vì muốn giữ tư thế độc lập của ông như một phát ngôn viên của tư tưởng đổi mới. Vậy ai là những người đã thực hiện cuộc canh tân đó? Họ đã làm gì, nghĩ gì? Dưới đây là một câu chuyện.
Tháng 7 năm 2023 vừa qua, quyển sách về chuyến đi lịch sử của Sứ mệnh Iwakura được ra mắt ở Việt Nam do Cty sách Phương Nam phát hành, dưới tên Sứ đoàn Iwakura. Quyển sách do học giả người Anh Ian Nish (1926-2022) làm chủ biên, một chuyên gia am hiểu lịch sử quan hệ ngoại giao của Nhật Bản, với đóng góp của mười hai học giả khác. Nó có tên The Iwakura Mission in America & Europe. A New Assessment. Nó ra mắt cũng đúng vào lúc Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, 1993-2023, và cũng đúng 150 năm sau khi chuyến đi của Sứ đoàn Iwakura kết thúc (1873-2023).
Sứ đoàn Iwakura mô tả những việc làm của hơn năm mươi quan chức lãnh đạo trẻ tuổi của chính quyền Minh Trị, cộng thêm cũng khoảng sáu mươi sinh viên đang du học ở phương Tây, đi tìm khai sáng ở phương Tây.
Vừa bước ra khỏi chế độ phong kiến của Mạc Phủ, nhưng họ, những người được giáo dục phần lớn theo Khổng giáo, đã có thể dàn dựng một chuyến đi với một tinh thần rất hiện đại. Trước đây, Mạc Phủ cũng có gửi sứ đoàn đi (1862) nhưng mục đích chính của họ là thương thảo lại các hiệp ước thương mại bất lợi cho Nhật Bản, chưa tập trung vào việc học hỏi cho lắm. Chuyến đi đó có Fukuzawa theo làm thông dịch. Họ đã không thành công. Sứ đoàn Iwakura cũng thất bại, nhưng họ đã quan sát tận mắt tấm thảm văn minh khai sáng của phương Tây làm cho họ bá chủ thế giới. Và điểm này, họ đã có một cuộc thu hoạch hết sức to lớn lao làm nền tảng cho đổi mới đất nước. Họ đã tìm được chìa khóa mở cửa bí mật của sức mạnh phương Tây.
Các thành viên của Sứ đoàn hiểu rằng, chỉ có khai sáng và tiến bộ mới là ngôn ngữ để đối thoại với các quốc gia phương Tây, là con đường duy nhất để gia nhập câu lạc bộ của họ một cách nhanh chóng nhất. Họ phải nỗ lực học hỏi và đánh giá phương Tây thật khách quan, nếu họ muốn trở thành một phần của cộng đồng họ. Nhật Bản đã bị cô lập gần ba thế kỷ, cho nên rất ngỡ ngàng trước thế giới phương Tây đã công nghiệp hóa. Thế giới trước mặt họ không phải được tạo ra bằng những nhà văn, nhà thơ, quan lại, hay võ sĩ, mà bằng những kỹ sư, nhà chế tạo, nhà buôn, doanh nhân, không phải bằng chữ nghĩa mà công nghệ, khoa học, giáo dục hiện đại, những đầu máy hơi nước, hệ thống đường sắt, tàu biển, nhà máy, bến cảng, vũ khí hiện đại, và những con đường được thắp sáng bằng gas, những công trình giao thông công cộng hiện đại.
Họ hiểu văn minh khai sáng là dòng chảy chính của thời đại, đã tạo ra sự phồn vinh và quyền lực mà không ai có thể tránh né, hoặc bị khuất phục, hoặc ra sức hòa nhập hoặc để tồn tại. Các vị sứ giả không phải chỉ là những nhà quý tộc, mà còn là những người có tinh thần mạnh mẽ nhất đang háo hức muốn cải tạo quốc gia. Lần này, họ xuất hiện không phải trong những bộ áo quần samurai truyền thống, mà trong những bộ đồ hiện đại của phương Tây. Nói tóm lại, họ cần hiểu những con bài của phương Tây và cách chơi của họ để chơi đúng bài của họ, để hòa nhập và được họ công nhận là một player trong câu lạc bộ của họ. Làm khác hả, có mầm mống “dị giáo” hả, thì xin mời đi chỗ khác chơi.
Họ lên đường với những agenda có thể khác nhau trong đầu các cá nhân, với những ý tưởng lãng mạn, mơ hồ, nhưng sự cọ xác với thực tế ở Hoa Kỳ đã bắt đầu bóc đi những lớp vỏ đó. Ý tưởng về một quốc gia mới của các chính khách khi họ bước lên tàu có thể khác nhau, những sẽ hội tụ lại khi họ đặt chân lại trên nước Nhật.
Đó là chuyến đi thực địa lớn nhất thể hiện quyết tâm của giai cấp lãnh đạo Nhật Bản Minh Trị sâu xác với các mô hình xã hội phương Tây để tìm ra phương cách cải tổ đất nước. Họ không đi để cỡi ngựa xem hoa. Họ muốn có đũ dữ kiện để hình dung một Nhật Bản tương lai như một tổng thể. Thực tế, nếu những nhà lãnh đạo trẻ tuổi Nhật không cảm thấy đủ mạnh, đủ quyết tâm để làm cuộc chấn hưng toàn diện cho đất nước thì chắc họ đã không để công sức gần hai năm trời, 1871-73, để làm một cuộc công du lớn như thế.
Thực tế, một nước Nhật Bản mới đã được thai nghén trong đầu các lãnh đạo trong chuyến công du này. Mặt trời sẽ mọc lần thứ hai trên đất Phù Tang. Trời không sinh ra ai trên ai dưới, như Fukuzawa nói. Chỉ có con người phải sử dụng quyền tự quyết của mình, và phải thức tỉnh để học hỏi những giá trị mới của thời đại để thay đổi cho bằng người. Người Nhật thay đổi từ động cơ bên trong và ý chí, bản lĩnh, dưới tác động của ngoại cảnh. Họ có lòng tự trọng và quyết tâm. Họ muốn chứng minh họ là dân tộc đẵng cấp.
Chuyến đi của đoàn có mang theo một “thư ký” ghi chép nhật ký hành trình, Kume Kunitake, một học giả Khổng giáo. Ông có nhiệm vụ ghi chép hết mọi thứ quan sát, và ý kiến, nhận xét của các thành viên, và của chính ông. Về lại Nhật, ông xuất bản một bộ sách gồm 5 tập cho mọi người tham khảo, hiểu biết phương Tây là gì. Bộ sách đó được đánh giá là bộ sử của văn minh phương Tây công nghiệp hóa thế kỷ 19. Họ là những người được đào tạo theo khổng giáo nhưng đã biết quan sát một cách hết sức tinh vi và khách quan, chính xác, cũng như những đánh giá của họ về từng quốc gia, chỗ mạnh chỗ yếu của họ! Không tưởng nổi Việt Nam có một nhóm người nho học mà lại có năng lực quan sát chính xác, khoa học như thế. Họ đã nhìn thấu suốt bản chất các quốc gia phương Tây ở những nét chính. Điều đó có lẽ lý giải một phần sự thành công sắp tới của họ. Quá hay. Quá sáng suốt, vào thời điểm mà các quốc gia phong kiến châu Á chưa mở mắt ra.
Việt Nam hay quốc gia nào khác chưa có một sự quan sát chính xác như thế đối với phương Tây. Chúng ta cũng chưa có quan sát chính xác đối với một quốc gia như Nhật Bản, hay Hàn Quốc, Đài Loan, hay ngay cả Trung Quốc, để học hỏi. Chưa có. Cụ Phan Châu Trinh ở Nhật chỉ có mấy ngày, chưa đủ đế hiểu hết. Cụ bị choáng ngợp bởi công cuộc cải cách của người Nhật và những thành công xuất sắc của họ, mục kích cả nền văn hóa, và văn minh, của họ được lột xác, không còn giống các quốc gia châu Á khác nữa, tuy là “đồng văn đồng chủng”. Nhìn bề ngoài, họ giống Tây mặc dù vẫn là châu Á. Sự thay đổi mà cụ kêu gọi phải là cả một cuộc đổi mới toàn diện một nền văn minh, từ cơ sở vật chất, thói quen, lối sống, cách ăn mặc đến cách tư duy, áp dụng tri thức phương Tây vào cuộc sống, phương tiện giao thông, tổ chức xã hội, định chế xã hội vv, chứ không phải thay đổi phiến diện nào. Cụ chưa nói hết, và có lẽ cụ cũng chưa hình dung hết. Lúc Cụ qua thăm, Nhật Bản đã đánh thắng quân nhà Thanh, nghiễm nhiên trở thành cường quốc châu Á. Cụ thấy thành quả, nhưng chưa thấy hết những hạt giống đã gieo. Cụ trách người Việt Nam qua đó mà không học được gì, ví như người mà lá phổi bị hư, vào một nơi mà khí trời trong lành sảng khoái mà không hít thở được gì.
Sứ đoàn Iwakura giúp chúng ta hiểu thêm cuộc thay đổi ở Nhật Bản. Ai yêu quý khai sáng Fukuzawa Yukichi thì không thể bỏ qua chuyến đi của Sứ đoàn Iwakura, để thấy bunmei-kaika không chỉ là khẩu hiệu, mà để thấy làm gì để thực hiện nó. Họ không phải chỉ học trên giấy, mà còn thực hành những gì họ học được. Cũng giống như những lời của TS Choi Hyung Sup: Cần làm khoa học, chứ không dừng ở học. Người Nhật đã không những học lịch sử rất tích cực, mà còn làm lịch sử tích cực nhiều hơn nữa.
Câu chuyện kể là một “Tây du ký” hiện đại của Nhật Bản để tìm đường cứu nước. Đọc xong Sứ đoàn Iwakura có thể làm thay đổi suy nghĩ của bạn, hay làm cho tư duy bạn phong phú và sâu sắc hơn. Dẫn nhập dưới đây đã được bổ sung so với dẫn nhập được đăng trong sách.
Quyển sách này đã được chuẩn bị cho đợt kỷ niệm Minh Trị Duy Tân 150 năm, 1868-2018. Nhưng nhiều yếu tố khách quan, trong đó có dịch cô-vít, đã làm cho nó bị chậm trễ. Cảm ơn Cty sách Phương Nam đã nỗ lực để cho ra mắt quyển sách rất có giá trị.
Xin cảm ơn anh chị quan tâm. Chắc chắn còn nhiều điều chưa được “tinh lọc”, và làm hài lòng, vì quỹ thời gian eo hẹp của tôi.
Nguyễn Xuân Xanh
(30/7/2023)
Đón xem sách mới về Giáo dục Nhật Bản sắp ra mắt:
Benjamin C. Duke, Mười nhà giáo dục lớn của Nhật Bản hiện đại, do Viện nghiên cứu giáo dục IRED phát hành.
Xem thêm:
Từ đọc sách đến khai minh của người Nhật
https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/tu-doc-sach-den-khai-minh-cua-nguoi-nhat/
và
Phan Châu Trinh – Việt Nam – và Nhật Bản
Dẫn nhập
(1)
Cuộc cách mạng Minh Trị Duy tân là bản hùng ca lịch sử của Nhật Bản được viết lên đầu tiên ở châu Á, và có lẽ trên thế giới ngoài châu Âu và Hoa Kỳ. Thế giới sẽ chứng kiến đảo quốc không lớn lắm kia có thể tự sức mình làm một cuộc lột xác để trở thành một cường quốc trong vòng vài thập niên, tiến đánh thắng nhà Thanh và Nga hoàng trong hai trận chiến lịch sử trong khi cả châu Á đang ngủ yên.
Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã làm một cuộc công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Chuyến đi ngày có nguồn gốc được cố vấn TS Guido Verbeck, người Mỹ gốc Hà Lan, gợi ý, dựa lên một chuyến đi tương tự của Peter Đại đế Nga thế kỷ thứ 18 nhằm học hỏi các nước Tây Âu. Verbeck đề nghị chỉ cần thăm 5 quốc gia châu Âu, nhưng đoàn Iwakura đi thăm đến 20 quốc gia tổng cộng. Và cuộc hành trình kéo dài 1 năm 10 tháng, với một phái đoàn vô cùng hùng hậu, gồm khoảng một trăm người. Đoàn cũng mang theo nhiều nữ sinh trẻ tuổi để đi du học, phục vụ cho giáo dục phụ nữ sau này.
Chuyến đi có hai mục tiêu, thứ nhất muốn giới thiệu với phương Tây những gương mặt lãnh đạo mới của Nhật Bản, kết thân với giới lãnh đạo phương Tây, thương thảo lại các hiệp ước đã ký bất lợi cho họ. Mục tiêu thứ hai là tìm hiểu và đánh giá sự phát triển phương Tây, nhận thức các bài học của họ trong mọi lãnh vực, từ chính trị, quân sự, văn hóa đến khoa học, công nghệ, sản xuất, thương mại và giáo dục, cách tổ chức quốc gia, để vận dụng những điều quan sát vào tình hình Nhật Bản. Thông qua quan sát, họ muốn tìm một mô hình khả thi phù hợp cho Nhật Bản nhằm chuyển đổi một xã hội phong kiến lâu đời sang một quốc gia hiện đại, điều chưa có tiền lệ ngoài khu vực phương Tây. Nói đến Minh Trị Duy Tân, người ta không thể không nhắc tới chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đi tìm chiến lược này.
Chúng ta hãy điểm lại vài nét của tình hình.
Mầm mống ý chí vươn lên. Honda Toshiaki (1744-1821), sống đến đầu thế kỷ 19, là một trong những học giả tiêu biểu của Nhật Bản cuối thời Tokugawa. Ông cũng như mọi trí thức khác được giáo dục theo Khổng giáo. Nhưng trên mỗi trang sách ông, người ta thấy ông đã bước vào một thời đại mới, thời đại của Nhật Bản hiện đại. Trong những quyển sách ông, người ta tìm thấy một tinh thần mới, luôn luôn thao thức, tò mò và tiếp thu. Trong ông, có một sự kinh ngạc trước những khám phá mới, và vui mừng trước những chân trời đang rộng mở. Honda phát hiện rằng Nhật Bản cũng chỉ là một đảo nhỏ trong một thế giới to lớn. Đối với những người Nhật cho rằng văn minh Trung Hoa là cổ đại và huy hoàng nhất, ông trả lời: không phải, văn minh Ai cập 6.000 năm mới cổ đại và ưu việt hơn xa, văn minh Trung Quốc chỉ mới 3.800 năm thôi. Còn văn minh Nhật Bản mới 1.500 năm nay, cho nên tại sao sự học của nó còn nông cạn, và tư duy còn chưa sâu sắc. Và di sản sáu nghìn năm kia đã nhập vào làm thành nền văn minh phương Tây, trong khi Nhật Bản lại mê muội đi chọn văn minh Trung Hoa còn thấp kém. Đã đến giờ phải thay đổi và chấp nhận cách suy nghĩ của các quốc gia mẹ của châu Âu. Thế giới chứa đựng đầy những điều kỳ diệu mà Nhật Bản phải nắm lấy. Ông hình dung Nhật Bản phải là một trong những cường quốc thế giới, với những hệ quả vô cùng to lớn lên sức mạnh đạo lý và vật chất của nó (Donald Keene).
(2)
Tình hình Nhật Bản trước chuyến công du Iwakura. Không lâu lắm, Hoa Kỳ hai lần đem hạm đội đến đòi Nhật Bản mở cửa và ký hiệp định thương mại. Trước lực lượng hùng mạnh của Mỹ, Nhật Bản phải chịu ký những Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị với họ, mở cửa một số hải cảng để thông thương, và cho phép họ hiện diện trên đất Nhật. Lần cuối là năm 1858 khi Hiệp ước Hữu nghị và Thương mại được ký kết trên tàu Powhatan ngày 29 tháng 7, 1858, mở năm hải cảng cho thương mại quốc tế. Đó là Hakodate, Kanagawa (Yokohama), Nagasaki và hai cảng Hyogo (Kobe) và Niigata sẽ được mở sau. Quan trọng nhất là cảng nước sâu Yokohama. Lãnh sự Townsend Harris là người đã thành công thuyết phục Nhật Bản mở cửa – một cách do dự. Hiệp ước loại bỏ việc buôn bán thuốc phiện. Sau đó, các cường quốc khác, Anh, Pháp theo chân đòi Nhật Bản cũng phải mở cửa cho họ với cùng những điều kiện.
Trước tình hình chính quyền Mạc Phủ của Tokugawa ngày càng bất lực trong sách lược đối phó với mối đe dọa ngày càng nguy hiểm, năm 1868 các phiên Satsuma và Chōshū nổi lên lật đổ, thiết lập một chính quyền mới, và tôn Mutsuhito, con của Hoàng đế Kōmei mất sớm lên làm Hoàng đế Minh Trị. Giới trí thức chủ trương Văn minh-Khai sáng (Bunmei-kaika) và học hỏi phương Tây cấp tốc để canh tân. Nhưng hiểu biết của họ về phương Tây trong những năm đóng cửa còn rất ít, chưa hiểu phương Tây là gì. Cải cách toàn diện một đất nước phong kiến để nhanh chóng trở thành một quốc gia hiện đại có đủ sức mạnh đương đầu với phương Tây, điều đó chưa có tiền lệ để tham khảo. Châu Á lúc đó đang chìm trong mê ngủ và rơi vào lệ thuộc: Ấn độ, Trung Hoa, Đông dương… Phải chăng Nhật Bản có nguy cơ là con mồi cuối cùng của chủ nghĩa đế quốc đang tràn tới? Các cuộc bạo loạn hay tấn công vào người ngoại quốc không dẫn tới đâu. Nhưng giới lãnh đạo trẻ sáng suốt hơn: Nếu phải chết để xây một nhà nước mới thì đó mới là cái chết đáng giá. Họ đã chuyển sức mạnh của lưỡi gươm sang sức mạnh của cái đầu. Họ vượt biên để đi du học trước thời điểm 1868, chấp nhận có thể mất mạng, như nhóm Trường Châu Ngũ Kiệt của phiên Trường Châu (Chōshū) trốn lên tàu bất chấp lệnh cấm xuất ngoại của Mạc Phủ từ 1634 để sang Anh học. Nhóm này có Itō Hirobumi sau này làm thủ tướng đầu tiên; Masaru Inoue một chuyên viên đầu tiên về ngành đường sắt; Kaoru Inoue làm bộ trưởng bộ ngoại giao.
(3)
Chuyến công du Iwakura. Với sự Phục hồi Minh Trị (Meiji Restoration) tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868[1] (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là ‘nước giàu quân mạnh’ (fūkoku-kyōhei), khuếch trương công nghiệp (shokusan kōgyō), và độc lập dân tộc, từng bước tiến lên ngang bằng với các cường quốc phương Tây.
Họ bắt đầu bằng chuyến đi Sứ mệnh Iwakura (Mission) do công tước Iwakura Tomomi (1835-1883) dẫn đầu với khoảng năm mươi thành viên gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp, trong đó có Itō Hirobumi, lúc đó mới 30 tuổi và là thứ trưởng Bộ công nghiệp, sẽ là vị thủ tướng ảnh hưởng tương lai, chưa tính khoảng 60 sinh viên phục vụ tại chỗ cho việc thông dịch, thông tin (các ryugakusei). Họ đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Nga. Chuyến đi kéo dài gần hai năm 1871-1873, chỉ ba năm sau Phục hồi Minh Trị, giữa lúc một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quê nhà về bán đảo Triều Tiên.
Để chuẩn bị tinh thần cho đoàn, Nhật hoàng Minh Trị đọc một bài diễn văn cho các đại biểu đã được chọn lên đường:
Sau khi nghiên cứu và quan sát kỹ, “trẫm” có ấn tượng sâu sắc mà tin rằng các quốc gia hùng mạnh và khai sáng nhất của thế giới là những quốc gia đã làm những nỗ lực cần cù để vun xới trí tuệ, và tìm cách phát triển đất nước họ một cách đầy đủ và hoàn hảo nhất…Nếu muốn làm lợi từ khoa học và các kỹ xảo và những điều kiện của xã hội đang thịnh hành tại các quốc khai sáng, chúng ta hoặc phải học hỏi những thứ đó tại nhà một cách tốt nhất như có thể, hay gửi một đoàn nghiên cứu gồm những quan sát viên có óc thực tế đến các nước khác, để tiếp thu cho chúng ta những điều mà nhân dân đang thiếu, những cái được xem ra là tốt nhất để làm lợi cho quốc gia này.
Rõ ràng “khoa học và các kỹ xảo và những điều kiện của xã hội đang thịnh hành tại các quốc khai sáng” là trọng tâm của sự chú ý và khảo sát của chuyến đi tìm hiểu. Họ sẽ đi thăm toàn diện các mặt xã hội, từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án, nghiên cứu đời sống, tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam-Bắc dưới thời tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phổ (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp vv. Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái.
Họ muốn làm rõ nền tảng của ‘văn minh khai sáng’, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây như thể chế chính trị, khoa học, công nghệ, các ứng dụng trong công nghiệp và quân sự, luật pháp và sự điều hành của các nước phương Tây. Trong giáo dục, một lãnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng, enlightenment, cho Nhật Bản.
(4)
Hoa Kỳ
Sự xuất hiện của những người đại diện Nhật Bản hiện đại trên diễn đàn chính trị thế giới đã gây ấn tượng tốt trong dư luận phương Tây ngay từ đầu như một tờ báo Mỹ (Daily Evening Bulletin của San Francisco) bình luận:
Không giống người Trung Hoa, người Nhật sẵn sàng thay đổi áo quần, thực phẩm, hàng tiêu dùng công nghiệp, và cách sống, khi họ thấy đó là sự tiến bộ. Họ, như một chủng tộc, có đầy sức sống, thông minh cao độ, can trường đến độ liều lĩnh, đúng mực trong các thói quen của họ, có một ý thức cao về danh dự cá nhân, và lịch sự mọi lúc mọi nơi, từ người có chức sắc cao nhất đến kẻ thấp nhất trong xã hội, và đồng thời có thái độ thân ái đối với người ngoại quốc, đặc biệt với người Mỹ.
Trong thời gian tại Mỹ, hai từ được các nhà lãnh đạo Nhật nhắc đến nhiều nhất trong các cuộc tiếp xúc là khai sáng và tiến bộ. Trong sự hồ hởi ở Washington, Iwakura đã mạnh dạn tuyên bố: “Chúng tôi đến vì khai sáng, và vui mừng đã tìm thấy nó ở đây”, tuy họ lần lược sẽ thấy có nhiều loại khai sáng khác nhau của các quốc gia: Hoa Kỳ với tinh thần tự do phóng khoáng; Anh quốc với sức mạnh cuộc cách mạng công nghiệp; nước Pháp xứ sở của sự phóng khoáng, nghệ thuật, sự thanh lịch, tinh tế; nước Đức đang lên với sức mạnh quân sự, tổ chức, khoa học, công nghệ, giáo dục, vừa mới chiến thắng Pháp. Nhưng các quốc gia phương Tây đều có một điểm chung: nền tảng khoa học, công nghệ, giáo dục phát triển mạnh mẽ, và một thể chế chính trị dân chủ.
Kume Kunitake nhìn thấy ở các viện bảo tàng Hoa Kỳ bản ghi chép của quá trình Khai sáng của quốc gia một cách rất thú vị, và ông ý thức sâu sắc mối quan hệ tương tác giữa các nhân tố vật chất và tinh thần (trí thức) của sự phát triển xã hội Hoa Kỳ. Nhưng thành công của một con người, quốc gia, hay của một doanh nghiệp, theo Kume, đòi hỏi ý chí mạnh: “Nếu ý chí của một con người không mạnh, họ không thể mở rộng quyền lực đến những khoảng cách lớn. Sự hưng vong của các quốc gia liên quan đến ý chí con người (dân tộc). Kỹ năng và giàu có, những cái đó chỉ là thứ hai.”
Tiệc chiêu đãi rất trọng thể dành cho đoàn ngày 22 tháng 3, 1872 tại Washington DC
Đối với Kido không gì gây ấn tượng cho ông bằng giáo dục ở Hoa Kỳ. “Không có gì khẩn trương đối với chúng ta hơn là các trường học”, ông viết, và “trừ khi chúng ta tạo được một nền tảng quốc gia vững vàng không lay chuyển được, chúng ta không thể nào nâng cao thanh thế đất nước chúng ta trong nghìn năm tới. … Dân tộc chúng ta không khác với các dân tộc Mỹ và châu Âu ngày nay; đó là vấn đề của giáo dục, hay sự thiếu hụt giáo dục.” Đoàn Iwakura có một bộ phận chuyên trách về giáo dục để khảo sát nhiều tuần lễ liền hệ thống giáo dục Mỹ với sự trợ giúp của Mori Arinori. Mori lúc đó là đại sứ đầu tiên của Nhật Bản tại Washington, 1871-1873. Trong thời gian này, ông rất quan tâm đến các phương pháp phương Tây trong giáo dục và các định chế xã hội phương Tây. Khi trở về Nhật Bản, ông tổ chức nhóm khai sáng Lục Minh Xã (Meirokusha) của những nhà trí thức khai sáng, trong đó có Fukuzawa Yukichi. Lúc ở Washington Mori đã có sáng kiến mời các nhà giáo dục Hoa Kỳ viết cho ông quan điểm của họ Nhật Bản có thể khuếch trương sự phồn vinh vật chất và thương mại tốt nhất, phát triển nông và công nghiệp, xây dựng điều kiện xã hội, đạo đức và vật chất cho dân chúng, và cải thiện luật pháp cũng như chính quyền. Mori công bố các ý kiến này năm 1873. Một ý kiến trong đó, mà David Murray chuẩn bị cho chủ tịch Đại học Rutgers, cho rằng nước Nhật nằm ở vị trí đối với châu Á cũng giống như vị trí của Anh quốc đối với châu Âu, và có thể được xây dựng thành “một cường quốc thương mại khổng lồ”. Murray gây ấn tượng mạnh khiến cho ông được mời sang Nhật làm cố vấn cho Bộ giáo dục, và ông phục vụ đến 1878. Mori cũng là người nhận xét rằng trong khi khoa học ứng dụng được Hoa Kỳ phát triển nhiều, thì khoa học cơ bản cao cấp hơn lại xuất phát từ Đức. Điều này cũng sẽ được phản ảnh trong giáo dục đại học sắp tới của Nhật Bản.
Người Mỹ đã đối xử với Đoàn rất trọng thị, và hào hiệp. Số tiền bồi thường thiệt hại trong vụ đánh nhau tại Shimonoseki (1864) đã được Hoa Kỳ biếu lại cho Đoàn để làm lộ phí.[2] Tổng thống Grant sau đó qua thăm Nhật.
Các lãnh đạo của phái đoàn đại sứ, Iwakura Tomomi (giữa) vẫn còn trong trang phục Nhật. Từ trái sang phải: Kido Takayoshi, Yamaguchi Naoyoshi, Itō Hirobumi, và Ōkubo Toshimichi. Lần này họ không còn mang gươm như các phái đoàn nhỏ hơn trong các lần trước nữa. Ảnh được chụp năm 1872 tại Luân Đôn. (Wikipedia)
Lộ trình của phái đoàn Iwakura năm 1871-1873, dài hơn nhiều lần lộ trình của Columbus khám phá châu Mỹ (Ảnh trong The Making of Modern Japan, tr. 357)
Kume Kunitake (1839-1931), người thư ký quan sát và ghi chép xuất sắc của chuyến đi Iwakura
(Ảnh trong Japan and Its World, tr. 74)
(5)
Anh quốc
Quốc gia này là biểu tượng sức mạnh vô địch của công nghiệp hóa, là cường quốc biển số một trên thế giới, là “công xưởng đầu tiên” của thế giới. Thời đại Victoria Anh quốc đã phát triển cực thịnh, trở thành đế chế mặt trời không bao giờ lặn, quốc gia hàng đầu về động cơ hơi nước, của tàu biển, xe lửa, máy dệt, sản xuất dệt may. Người Nhật ý thức được sức mạnh của họ qua những cuộc chinh phạt ở Trung Hoa ở sát bên Nhật Bản: Cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ nhất (1839–42) và Chiến tranh nha phiến lần thứ hai (1856–60).
Trong báo cáo của mình, thư ký Kume Kunitake dành cho nước Anh 443 trang, nhiều hơn báo cáo về chuyến thăm Hoa Kỳ 46 trang, mặc dù thời gian ở Mỹ của đoàn lâu hơn, 205 ngày, so với thời gian ở Anh 122 ngày. Các thành viên của sứ đoàn chia nhau đi quan sát và nghiên cứu nhiều mảng: luật pháp và chính phủ, các cơ quan chính trị bao gồm Quốc hội của lưỡng viện; cấu trúc kinh tế bao gồm công nghiệp, vận tải và thông tin liên lạc, ngân hàng, tiền tệ, thuế; các khía cạnh của giáo dục và trang thiết bị cũng như việc huấn luyện quân đội, hải quân. Họ thăm nhà máy sản xuất đại bác Woolwich. Tổng cộng có 8.600 công nhân làm việc, trong đó có 700 công nhân trong xưởng đúc. Họ đi thăm Crystal Palace, công trình kiến trúc nổi tiếng làm nơi triển lãm công nghiệp thế giới năm 1851, phô trương những thành tựu công nghiệp vượt bậc của Anh quốc dưới thời Victoria. Họ được đi tuyến đường sắt tàu ngầm đầu tiên trên thế giới Metropolitan Railway, được xây dựng 1860-1863. Đặc biệt họ đi thăm Bảo tàng Anh (British Museum) cũng là thư viện khổng lồ nơi Các Mác từng ngồi 20 năm để viết Tư bản luận phần I.
Ở Manchester, họ tập trung vào ngành công nghiệp dệt bông và tham quan nhà máy thép với một máy ép 8.000 tấn được sử dụng để sản xuất súng lớn. Họ được quen biết một số quý tộc để hiểu đời sống của họ, cũng như tìm hiểu lao động trẻ em rất phổ biến và quy định của nhà nước “những đứa trẻ dưới 14 tuổi chỉ nên làm việc 5 giờ mỗi ngày và đi học trong 3 giờ”, điều làm cho họ phải suy nghĩ.
Cuối chuyến thăm Liverpool và Manchester, hai thành phố trung tâm của công nghiệp Anh, sau diễn văn chào đón Đoàn của thị trưởng William Booth, ngài đại sứ Iwakura đã có bài đáp từ khiêm nhường như sau:
Ý định của chúng tôi là đánh giá cao kiến thức mà chúng tôi sẽ thu thập được, để chúng tôi có thể noi gương về năng lượng và ngành công nghiệp của quý ngài, những điều đã giúp quý ngài trở nên vượt trội giữa các quốc gia trên thế giới. Kết quả của kinh nghiệm nhiều thế kỷ của quý ngài sẽ có giá trị lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi mong mỏi áp dụng mọi phương tiện (mà chúng tôi học được) để cải thiện điều kiện sống của người dân. Chúng tôi sẽ đưa các thanh niên đến bờ biển của các ngài để được giáo dục như chúng ta đã làm trước đó. Chúng tôi sẽ cần đến máy móc, động cơ và các thiết bị hiện đại của quý ngài để giúp chúng tôi có cuộc khởi đầu đúng đắn trong giai đoạn mới của sự phát triển quốc gia. … Chúng tôi đã tìm hiểu với mối quan tâm lớn các nhà máy và thiết bị máy móc tuyệt vời của chúng, và ý thức rằng, sự vĩ đại của quốc gia các ngài phần chính là nằm ở các mối quan tâm sản xuất và thương mại.
Các thành viên của Sứ đoàn Iwakura đã nhìn thấy tận mắt sức mạnh công nghiệp của Anh và điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến họ. Nước Anh về nhiều phương diện có thể được xem là hình mẫu cho Nhật Bản. Henry Dyer, người được Nhật Bản thuê trong chuyến đi này để mở Trường Đại học công nghệ đầu tiên ở Tokyo, sau thập kỷ phục vụ quan trọng của ông ở Tokyo, đã gọi Nhật Bản là “Anh quốc của phương Đông”.
Chuyến thăm quan trọng nhất của họ khi ở lại Newcastle là chuyến thăm Elswick, nơi họ đến thăm nhà máy sản xuất vũ khí của Ngài William Armstrong. Đoàn đi thăm xí nghiệp sản xuất súng Armstrong vào ngày thứ Ba, 22 tháng 10, 1872. Họ gặp được Sir William Armstrong, người mà những khẩu súng của ông đã góp phần quan trọng trong trận pháo kích Kagoshima (1863) và Shimonoseki (1864). Từ thời điểm này trở đi, giữa hai bên có quan hệ cá nhân, để sau này Nhật Bản đặt hàng cho xí nghiệp. Trong trận Tsushima (Đối Mã) năm 1905 trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật, mọi khẩu súng Nhật Bản sử dụng đều do Armstrong sản xuất tại Elswick.
Các nhà máy đóng tàu của Anh đã chế tạo hầu hết các thiết giáp hạm của Nhật Bản và các tàu tuần dương bọc thép lúc đó. Ngày 13 tháng 7 năm 1911, Đô đốc Togo, người chiến thắng trận hải chiến Tsushima tháng 5 năm 1905 trước Nga, đã đến thăm Glasgow để cảm ơn các công nhân, những người đã cung cấp máy đo khoảng cách tàu chiến. Togo nói với họ rằng ‘Các bạn đã giúp tôi thắng trận Tsushima’. Đó là những hạt giống mà Sứ đoàn Iwakura đã gieo hơn ba mươi năm trước.
Hình minh họa nhà máy sản xuất súng Armstrong ở Elswick
(6)
Đức quốc
Chuyến đi Đức và cuộc tiếp kiến có ý nghĩa đặc biệt. Bài phát biểu của Thủ tướng Otto von Bismarck tạo được ấn tượng và niềm tin cho các thành viên Nhật Bản. Đức cũng là một quốc gia mới nổi, và phải nổ lực kinh khủng để dành lại tên tuổi của mình. Cho nên Bismarck thông cảm với Nhật Bản. Ông nói với đoàn (gồm 30 người) trong một buổi chiêu đãi trọng thể: “Giờ đây các quốc gia trên thế giới tất cả đều tỏ ra thân thiện và lễ phép khi họ giao tiếp nhau, nhưng đó chỉ là bề ngoài. Thực tế đằng sau là ngấm ngầm sự mưu hại lẫn nhau và cuộc đấu tranh giành ưu thế.” Ông cho biết: Một dân tộc chỉ chăm sóc tình yêu quê hương thôi không đủ. Nếu không xây dựng được sức mạnh thì đất nước sẽ không giành được sự tôn trọng trên trường quốc tế, độc lập chỉ là niềm hy vọng hảo thôi. Ông kể lại trải nghiệm của mình: Khi ông còn trẻ, nước Phổ yếu ớt, và ông luôn luôn ấp ủ giấc mơ thay đổi điều đó, và Phổ cuối cùng đã có thể làm điều đó.[3] Nhật Bản hôm nay cũng trong cùng hoàn cảnh như Phổ không lâu trước đây. Cho nên Nhật Bản và Phổ nên giữ mối liên lạc thân tình với nhau. Iwakura và phái đoàn không bao giờ quên bài học đó. Họ ý thức còn bao nhiêu điều phải thực hiện để được xem là bình đẳng với phương Tây.
Tại Berlin, họ đi thăm các xí nghiệp điện tín của Siemens, nhà máy sản xuất máy hơi nước Borsig, xí nghiệp sản xuất gốm Hoàng gia (quá trình sản xuất được mô tả chi tiết), đi thăm các trường hàn lâm như Đại học Friedrich-Wilhelm Berlin (đổi tên thành Đại học Humboldt sau này), Đài quan sát thiên văn, Trường trung học Vua Wilhelm, thăm một số bệnh viện trong đó có Charité cho công chúng và Augusta cho người giàu, viện bảo tàng, vườn thú, hồ cá aquarium, và cuối cùng thăm cung điện vua tại Potsdam, nơi họ được nghe câu chuyện thú vị vua Friedrich II muốn dẹp cối xay lúa gây tiếng ồn gần đó nhưng cuối cùng đã thua kiện người chủ cối xay. Ngoài ra tại Essen, họ thăm xí nghiệp Krupp, nổi tiếng chế tạo súng cà nông hạng nặng và chất lượng nhất thế giới. Thép là ngành công nghiệp phát đạt của Anh. Krupp là một nhà máy khổng lồ nhất thế giới mà họ chứng kiến. Mỗi ngày có 20.000 công nhân hoạt động. Những cái búa công nghiệp ở Anh chẳng thấm gì so với những cái của Krupp. Tên tuổi của Krupp gắn liền với sức mạnh quân sự của Phổ. Nhật ký hành trình ngày 8 tháng 3, 1873 ghi: “Có nhiều điều ích lợi từ việc học hỏi chính trị và phong tục của quốc gia này hơn là từ học hỏi Anh và Pháp.”
(7)
Kết thúc chuyến công du, các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận định rằng, nguy cơ trực tiếp cho nền độc lập Nhật Bản không phải cấp bách như họ nghĩ. Sự ưu việt phương Tây chưa phải là lâu lắm, và Nhật Bản có thể đuổi kịp. Kume chỉ ra trong nhật ký hành trình:
Của cải và sự phồn vinh mà người ta nhìn thấy ở châu Âu ở mức độ đáng kể xuất hiện sau 1800 … Năm 1830, tàu thủy hơi nước và xe lửa mới xuất hiện. Đó là sự thay đổi đột ngột trong nền thương mại châu Âu, và người Anh là người đầu tiên dồn hết năng lượng đầu tư vào các sự đổi mới.
Nhật Bản do đó chưa phải là tuyệt vọng. Tuy nhiên, phải nhanh chóng thay đổi toàn diện mới mong đuổi kịp. Sự đối đầu quân sự chưa phải lúc, mà phải chấn hưng đất nước trước (như Phan Châu Trinh sau này). Đoàn có mang theo một số người bảo thủ, để cho họ thấy, phải cải cách đất nước trước, và một số người quá khích để họ thấy đối đầu quân sự là vô vọng. Những năm 1863-1864, dưới thời Hoàng đế Kōmei, bố của Minh Trị, người rất thù ghét phương Tây, Nhật Bản đã gây chiến với hải quân các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hà Lan, nhưng bị đánh đại bại, và phải bồi thường $3.000.000, một bài học đã đắt giá. Chuyến đi đã tạo được sự đồng thuận trong giới lãnh đạo trẻ thấy lời giải cho Nhật Bản nằm ở phương Tây. Khác với những chuyến đi khác trong lịch sử mà đích đến là Trung Hoa, chuyến đi này đi về phương Tây. Chuyến đi càng đưa tới kết luận là phải “Thoát Á” như Fukuzawa chủ trương. Họ thấy mình giống phương Tây nhiều hơn phần châu Á còn lại. Trung Hoa là mô hình phát triển nghìn năm của họ, nhưng sau chiến tranh Nha Phiến đã sụp đổ.
“Có những quốc gia giàu và mạnh với các nền văn minh trưởng thành”, Fukuzawa Yukichi (ông không có mặt trong đoàn, vì không phải là thành viên lãnh đạo chính trị) viết năm 1872, và “cũng có những quốc gia sơ khai (primitive) và kém phát triển. Nói chung, các quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ thuộc nhóm thứ nhất, trong khi những quốc gia châu Á, châu Phi thuộc nhóm thứ hai.” Ít năm sau, Fukuzawa viết Văn minh luận, trình bày ba giai đoạn tiến hóa của văn minh con người: hoang dã (yaban), bán khai (hankai), bao gồm Trung Hoa và Nhật Bản, và văn minh (bunmei), gồm các nước phát triển phương Tây.
Đoàn cũng nhận ra sâu sắc rằng, không có sự tham gia của nhân dân vào các định chế đại nghị thì không thể có sự đồng thuận cho các hành động của chính quyền. Kido dẫn kinh nghiệm của Ba Lan để chứng minh rằng, sự thiếu vắng tham gia của dân chúng sẽ là tai họa cho nền độc lập quốc gia. Ông cho rằng Năm điều thề ước (Charter Oath) năm 1868 chính là nền tảng của Hiến pháp cho phép mọi người tham gia: rằng (điều 2) “tất cả các giai cấp, cao cũng như thấp, sẽ hợp lại thực hiện mạnh mẽ chương trình của chính quyền; (điều 3) “tất cả các giai cấp được quyền thực hiện những hoài bão của họ mà không gặp khó khăn”.
Họ hiểu giá trị của tôn giáo hơn trong đời sống công dân cũng như chính trị và tỏ ra kính trọng hơn. Khi trở về họ bỏ lệnh cấm hành đạo Kitô giáo. Nhật Bản không có tôn giáo nào như Kitô giáo thấm sâu vào xã hội. Vì thế họ sẽ nhìn ở Nhật Hoàng vai trò thay thế tôn giáo trong chừng mực. Kume cho rằng Kinh thánh dường như giống các kinh điển Khổng giáo và các sutra Phật giáo hòa nhập lại. Ông cũng đã suy ra từ vai trò tôn giáo ở phương Tây: “một quốc gia càng lạc hậu, thì ảnh hưởng của mê tín tôn giáo càng mạnh mẽ, dân chúng càng sùng bái các tượng thần và động vật”.
Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia nhưng cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có sự phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa cho du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.
Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: GS David Murray của Đại học Rutgers cho lãnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng của Nhật Bản về xây dựng đại học kỹ thuật cho Nhật Bản. Năm 1873, nghĩa là ngay sau chuyến công du, Nhật Bản đã thành lập ngay Đại học Kỹ thuật Đế chế Tokyo (The Imperial College of Engineering, ICE), từ năm 1877 được gọi là kōbu daigakkō với Dyer là hiệu trưởng và thầy giáo. [Chỉ sau trường Trường công nghệ MIT, Massachusetts Institute of Technology của Hoa Kỳ 1865 khoảng mười năm, là trường có mục đích thúc đẩy sự phát triển công nghệ của quốc gia.]
Chuyến đi mở màn một cuộc thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lãnh vực, ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng năm mươi năm Bộ giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các đại học và các tổ chức học thuật khác, trong số đó phân nữa đã được thuê trong hai mươi năm đầu. Họ phải trả một số tiền rất lớn. Năm 1873 Bộ giáo dục phải trả một số tiền bằng khoảng 14% ngân quỹ cho giáo viên nước ngoài. Năm 1877 một phần ba ngân quỹ của Đại học Tokyo là dành cho người nước ngoài. Nhật Bản lần lược thực hiện hai cuộc cách mạng công nghiệp trọng tâm, thứ nhất là công nghiệp nhẹ, thứ hai là công nghiệp nặng.
(8)
Itō Hirobumi. Mười năm sau, Itō, một trong những thành viên nồng cốt của đoàn, trở lại châu Âu một lần nữa (1882-83) để chọn mô hình Hiến pháp cho Nhật Bản, viên gạch cuối cùng để có một nhà nước hiện đại. Ông thấy trong các hiến pháp của phương Tây hiến pháp Đức là thích hợp hơn cả. Đức là quốc gia mới nổi, mới thống nhất từ mấy trăm vùng khác nhau như các phiên (han) của Nhật Bản. Hiến pháp Hoa Kỳ hay Anh thì có phong thái tự do hay đặc thù. Hiến pháp của Pháp thay đổi luôn từ cuộc cách mạng, và tỏ ra không hiệu quả trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ 1870. Trong chuyến đi, ông đã tìm thấy một học giả Đức uyên bác về Staatswissenschaft, khoa học nhà nước, Lorenz von Stein đang giảng dạy ở Đại học Vienna, với quan điểm phóng khoáng, có thể làm ông thỏa mãn tất cả những điều ông muốn biết. Ông điện về nhà: “Tôi thầm nghĩ rằng, nếu tôi chết bây giờ, tôi sẽ chết hạnh phúc”.
Ông hết sức tự tin, và có thể làm một cuộc “cách mạng lập hiến” phù hợp với hoàn cảnh Nhật Bản. Ngày 11, tháng 2, 1889, bản Hiến pháp hiện đại đầu tiên của Nhật Bạn ra đời. Trên đường phố, người ta mở các thùng rượu sake ra tặng nhau uống, tin tưởng rằng, với bản Hiến pháp, Nhật Bản đã có vé vào cửa của các quốc gia hàng đầu thế giới. Itō là một chính khách thực tiễn, dựa trên kinh nghiệm, điều tra, tin vào những tri thức có cơ sở kinh nghiệm và có thể áp dụng được hữu ích, và không khoan nhượng trước cái học tư biện và ý thức hệ. Ông có “niềm tin vào tự do ngôn luận, niềm tin vào các hoạt động nghị trường công khai, và tinh thần khoan dung đối với những ý kiến khác nhau.” Nước Nhật sẽ được phụng sự tốt nhất bằng chính thể lập hiến (constitutional government) trong dạng “chính quyền nhân dân” (popular government) với một hiến pháp và quốc hội làm trung tâm, và không thiên vị đối với các đảng phái, bảo đảm sự tham gia của nhân dân vào chính trường. Đất nước chỉ có thể phát triển khi nhân dân có quyền học hỏi và phát biểu, khác hơn thời phong kiến khi họ bị “kềm giữ trong bóng tối”.
Trong khi Fukuzawa được xem là nhà tư tưởng khai sáng của Nhật Bản hiện đại thì Itō được xem là người đã tạo ra nước Nhật hiện đại “bằng xương bằng thịt” và phục vụ quốc gia với tư cách thủ tướng bốn lần. Năm 1900 ông lập ra đảng Rikken Seiyūkei (Những người bạn của chính thể lập hiến), ảnh hưởng rất lớn trên chính trường Nhật Bản cho đến trước Thế chiến II. Sau 1945, đảng đó bị giải tán, các thành viên của nó thành lập Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party, LDP) tiếp tục thống lãnh chính trường Nhật Bản thời hậu chiến cho đến nay mà cố thủ tướng Shinzo Abe có thể xem là “hậu duệ” rất ảnh hưởng. Cả hai, Itō và Abe đếu chết vì bị ám sát bằng súng.
Itō Hirobumi (16. 10. 1841 – 26. 10. 1909) và Shinzo Abe (21. 9. 1954 – 8. 7. 2022)
(9)
Chuyến đi Iwakura là thực hiện đúng điều thứ 5 trong Năm điều thề ước của Hoàng đế Minh Trị và các nhà lãnh đạo trẻ xung quanh ông được công bố ngày 7 tháng 4, năm 1868 như những lý tưởng chỉ nam cho hoạt động sắp tới của các nhà đổi mới Nhật Bản: rằng “tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế.”
Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho một cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, ở tuổi trung bình chỉ 32, nỗ lực hết sức nhận thức qui luật phát triển của phương Tây để từ đó tạo ra một mô hình riêng của mình, đem văn minh và khai sáng, ngọn lửa sáng tạo đổi của phương Tây mới về phương Đông, giữa tình hình châu Á vẫn còn mơ ngủ và lần lược làm mồi cho chủ nghĩa thực dân. Họ quan sát toàn diện các xã hội phương Tây, các thể chế chính trị, định chế, đời sống chính trị, dân sự, các công trình văn hóa, giáo dục, tôn giáo, hệ thống thương mại, công nghiệp, các đặc thù của mỗi quốc gia. Chưa có dân tộc nào có năng lực quan sát trung thực và đưa ra những ý tưởng dự phóng, cũng như đủ quyết tâm theo đuổi đến thành công như họ. Các nước phong kiến đắm chìm trong Nho giáo, hay tôn giáo, không có những năng lực thức tỉnh và nhận định thời thế, cũng như năng lực hành động như thế.
Trên đường về phái đoàn có ghé Sài Gòn, Hồng Kông và Thượng Hải (trừ Singapore do dịch bệnh) để chứng kiến tận mắt chủ nghĩa thực dân và sự bành trướng sức mạnh của các đế chế châu Âu, và tự hiểu định mệnh họ sẽ đen tối thế nào nếu họ không nhanh chóng thực hiện một cuộc cách mạng công nghiệp và đổi mới toàn diện thể chế.
Cuộc canh tân Nhật Bản theo mô hình phương Tây là con đường nhanh nhất, như thực tế cho thấy. Năm 1895, Nhật Bản đã đánh thắng quân đội nhà Thanh của Trung Hoa. Fukuzawa đặc trưng đó là cuộc chiến tranh “giữa một đất nước đang nỗ lực phát triển văn minh và một đất nước gây khó khăn cho việc phát triển văn minh”. Cùng lúc, các quốc gia phương Tây chính thức chấp nhận các hiệp ước thương mại mới bình đẳng như giữa họ với nhau, có hiệu lực năm 1899, thay cho các hiệp ước cũ bất bình đẳng trước đó. Điều đó mặc nhiên công nhận Nhật Bản nhận bước vào câu lạc bộ các quốc gia phát triển. Chỉ vỏn vẹn sau 30 năm! Sao chép thành công mô hình xã hội phương Tây và cuộc công nghiệp hóa chỉ trong vòng ba thập niên mà không có sự giúp đỡ của một mô hình phát triển nào trước đó, quả thật là điều thần kỳ. Nhật Bản đã hoàn toàn “đủ lông đủ cánh” và trở thành quốc gia văn minh như họ hằng mong muốn, nổi lên thành cường quốc, đúng như giấc mơ tiên tri của Honda Toshiaki, và đang bước vào đấu trường thế giới để tranh hùng với các cường quốc phương Tây tại phương Đông. Một trong những nhật báo (Kokumin Shimbun) hãnh diện khoe rằng
Như hệ quả của cuộc chiến (Trung – Nhật), vị thế của Nhật Bản trên thế giới đã thay đổi với sự lộ diện ba đặc tính cơ bản của người Nhật. Trước hết, Nhật Bản vượt trội thế giới ở lòng ái quốc. Thứ hai, họ có năng lực có một không hai là tiêu hóa, sử dụng và ứng dụng nền văn minh hiện đại. Thứ ba, họ có một bản chất hay tính khí mạnh mẽ và vững chắc.
Họ dần dần tin tưởng rằng dân tộc và quốc gia Nhật Bản chỉ có thể dành được vị trí quan trọng dưới ánh mặt trời khi họ bảo đảm được sức mạnh vật chất và tinh thần. Họ đưa ra khẩu hiệu “Trì chí và quyết tâm”. Năm 1905, họ chiến thắng luôn quân đội Nha Hoàng, trở thành sức mạnh bá chủ không tranh cãi ở phương Đông.
(10)
Không thể có điểm trác việt nào hơn để tặng cho dân tộc Nhật Bản. Họ hơn cả xuất sắc, hơn cả trí tưởng tượng của mọi người. Kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy Tân, 2018-1868, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử chuyến đi Sứ mệnh Iwakura tìm kiếm khai sáng như một chuyến đi Columbus để tìm Tân thế giới. Hoặc có thể ví họ là những “Darwin” đi tìm sự tiến hóa của nền văn minh phương Tây. Họ đem văn minh-khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. Cuộc cách mạng Minh Trị có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. Họ không lập đi lập lại: “Học, học nữa, học mãi”, mà họ muốn học chỉ một lần. Điều đó được thể hiện qua chuyến đi sứ mệnh Iwakura, và cuộc công nghiệp hóa được tiến hành rầm rộ sau đó. Họ muốn học chỉ một lần, để có một quốc gia mới, văn minh, khoa học, cho con cháu họ, để không ai phải đi tìm đường cứu nước nữa.
Năm 1878 biên bản hành trình của Kume Kunitake được xuất bản thành một bộ sách năm tập có tên Bei-O kairan jikki, gọi tắt là kairan jikki, cho công chúng tham khảo. Sách này có giá trị như bộ sử của chính công nghiệp hóa phương Tây thế kỷ 19 dưới cái nhìn sắc sảo của các lãnh đạo Nhật Bản. Tại Nhật Bản, nó được in lại nhiều lần từ năm 1977, cho thấy mối quan tâm lâu dài của Nhật Bản về cái nhìn trung thực phương Tây. Đó là một bộ sách kinh điển rất đáng được tham khảo, nhất là cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những bài học năm xưa đọc lại vẫn thấy còn nóng hổi.
Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo thêm quyển sách thứ hai về Sứ đoàn Iwakura, số 6 trong danh mục tham khảo, chứa đựng những trích dẫn sống động của nhật ký hành trình của Kume Kunitake.
Nguyễn Xuân Xanh
Cuối tháng 12, 2018; bổ sung tháng 7/2023
Tham khảo
- Donald Keene, The Japanese Discovery of Europe, 1720-1830. Stanford University Press, 1969.
- Marius B. Jansen, Japan and Its World. Two Centuries of Change. Princeton University Press, 1980.
- Marius B. Jansen (ed.), The Making of Modern Japan. The Belknap Press of Harvard University Press, 2000.
- Paul Akamatsu, Meiji 1868. Revolution and Counter-Revolution in Japan. Translated from French by Miriam Kochan. Harper & Row, Publishers, 1972.
- Ian Nish (ed.), The Iwakura Mission in America & Europe. A New Assessment. Japan Library, 1998.
- Chushichi Tsuzuki and R. Jules Young (ed.), Japan Rising. The Iwakura Embassy to the USA and Europe 1871-1873. Compiled by Kume Kunitake. With Introduction by Ian Nish. Cambridge University Press, 2009.
- Takii Kazuhiro, Itō Hirobumi – Japan’s First Prime Minister and Father of the Meiji Constitution. Translated by Takechi Manabu. Routledge, 2014. (Đang được dịch sang tiếng Việt)
- Hugh Borton, Japan’s Modern Century. Second edition. The Ronald Press Company, 1995
- Taggart Murphy, Japan and the Shackles of the Past. Oxford University Press, 2014.
- Nguyễn Xuân Xanh, Những bài học Trung Hoa và Nhật Bản thế kỷ 19. Bản thảo 2011
[1] Tại Việt Nam, 1867-68 Nguyễn Trường Tộ đi công cán ở Pháp và kiến nghị vua Tự Đức canh tân đất nước: “Cách làm cho đất nước mạnh là ở chỗ tạo được nhiều của cải. Của cải nhiều thì lương thực đủ, khí giới tinh, thành trì vững, quốc phí đầy, các việc lợi ích do đó mà ra, các việc tai hại do đấy mà giảm bớt.” “Tôi thiết nghĩ trong ngũ phúc, phú đứng đầu, triệu dân trước tiên lo ăn.” “Nếu bị cái nghèo đói thúc bách thì lo kế sống cũng không xong, còn hơi đâu mà bàn lễ nghĩa.”
[2] Hoa Kỳ sau này sử dụng tiền bồi thường của Trung Hoa trong cuộc chiến Nghĩa Hòa Đoàn (Boxer war) để làm quỷ học bổng cho sinh viên Trung Hoa. Dương Chấn Ninh là một trong những người hưởng học bổng đó để sang Mỹ làm nghiên cứu post doc. Ông và Lý Chính Đạo đã được trao giải Nobel nóng năm 1957 lúc ông mới 35 tuổi khi giải được bài toán đối xứng cho lực yếu. Tương tự như thế, Hoa Kỳ lập quỹ từ tiền bồi thường của Việt Nam sau 1975 để lập quỹ học bổng cho chương trình VEF (Vietnam Education Foundation).
[3] Xem Nước Đức Thế kỷ XIX của tác giả. Cty ZENBOOK.