Thiền và Nhà khoa học

by , under Uncategorized

THIỀN VÀ NHÀ KHOA HỌC

Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu

 

Có hai sự thái quá: Loại bỏ Lý tính, hay chỉ biết Lý tính.
BLAISE PASCAL (1623-1662)

 

Lời nói đầu. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn của nhà báo Mỹ Ezra Klein với Yuval Harari, tác giả của quyển sách best seller quốc tế Sapiens, Một lược sử của Nhân loại, được đăng trên kênh truyền thông số Vox Media ngày 28 tháng 2 năm 2017. Zuckerberg đã mời 38 triệu người sử dụng Facebook hãy đọc quyển sách mà ông mô tả là “một câu chuyện kể lịch sử lớn về nền văn minh con người – từ việc chúng ta phát triển từ những người săn bắn-hái lượm thế nào đến việc chúng ta tổ chức xã hội và kinh tế của chúng ta hôm nay ra sao.” Harari là người Do Thái, năm nay 41 tuổi, giáo sư sử học tại Đại học Hebrew ở Jerusalem. Quyển sách Sapiens trở thành bestseller tại Israel bằng tiếng Hebrew (2011), sau đó được dịch ra 20 thứ tiếng. Theo ông, loài người đã tạo ra vô số huyền thoại trên đời để xây dựng đế chế của mình. Và rồi, “Tất cả chúng ta cũng đều là ‘những nạn nhân của những huyền thoại của chủ nghĩa tiêu thụ lãng mạn.’” Cho đến giờ phút này, chúng ta, homo sapiens, những con người thông minh, hiện đại, trải qua hàng chục ngàn năm, cơ bản đều vẫn như thế về cơ thể. Nhưng cuộc cách mạng sắp tới sẽ thay đổi chính sapiens. Đó cũng là nội dung của quyển sách mới tiếp theo “Homo Deus: A Brief History of Tomorrow” vừa được ra mắt tháng Hai. Ông nổi tiếng đến độ quyển Homo Deus được trưng bày, bên cạnh quần áo, thực phẩm, trong các siêu thị lớn Costco của Mỹ, giá rẻ hơn cả Amazon, khách hàng có thể lấy ngay.

Sapiens được cư dân Thung lũng Silicon đón nhận nồng nhiệt. Có lẽ đây là một đặc tính của vùng này, làm ra tiền, sáng tạo, có ít nhiều lý tưởng thay đổi thế giới, nhưng cũng nhạy bén với những chuyện tâm linh. Hãy xem Steve Jobs, người từng hành thiền Zen. Ở đây từng có những phong trào tâm linh mạnh mẽ. Tâm linh và high-tech có thể đan xen nhau. Một đại thính phòng nhạc với 3.000 chỗ tại Los Angeles có thể đầy ắp thính giả đến nghe một yogi thuyết pháp (Paramanhasa Yogananda), điều từng đã xảy ra ở thế kỷ trước.

Có lẽ Harari không chịu quy phục trước chủ nghĩa tiêu thụ lãng mạn, cho nên ông quyết định hè 2016 đi tu thiền một khóa bế quan tịnh khẩu đến 60 ngày theo phái Vipassana tại Ấn độ, một pháp thiền ông đã theo từ năm 2000 mà ông khám phá trong những ngày học và sống ở Anh. Ông thình lình “nhận ra không biết mình thực sự là ai.” Thiền định đã thay đổi ông về cá nhân, cũng như về nghề nghiệp, nói chung thay đổi cả cuộc đời ông. Sống tỉnh thức (mindfulness) đối với ông là mệnh lệnh trong thời đại rối ren của thông tin và cám dỗ tràn ngập. Ông là người ăn chay trường, từ nhận thức thu hoạch được khi nghiên cứu các quá trình chăn nuôi công nghiệp. Ông có lòng thương cảm với động vật. Có lẽ vì thế mà sách ông có tính nhân bản hơn.

Thời gian qua, càng có nhiều sách viết về thời đại con người thống trị vận mệnh hành tinh xanh, được gọi là Anthropocene, “thế Nhân sinh”, tất cả đều dày cộm, vì nó bao trùm cả lịch sử loài người, sự tiến hóa của sức mạnh của nó thông qua các cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ. Sách dòng này có mục đích kêu gọi ý thức của con người trước những hiểm họa mà nó gây ra. Sách của Harari cũng nằm trong chiều hướng đó. Chắc chắn chúng ta sẽ còn đón nhận nhiều quyển sách có giá trị như thế trong tương lai. Một Sapiens, hay Homo Deus, là cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ để nói lên các mặt của hiểm họa con người gây ra cho chính mình và thế giới. VN cần có một dòng sách đầy đủ các mặt của thế Nhân sinh. Xin tham khảo thêm quyển Thế giới một thoáng này của David Christian, nxb Thành phố. Đây là một quyển “đại sử” thu nhỏ mà Bill Gates rất thích, và cho rằng rất cần thiết cho giáo dục. Tác giả Christian có một buổi nói chuyện 18 phút tại TED mà sau đó có đến 4 triệu lượt người xem.

Có thể tranh cãi về một số quan điểm diễn giải lịch sử của Harari hay không, các chi tiết về tu thiền của tác giả là rất thú vị, và là nội dung chính của cuộc trao đổi dưới đây. Ngày càng có nhiều nhà khoa học phương Tây hành trình về phương Đông để học Đạo, tu thiền, để sống tỉnh thức hơn, hoặc không xem cuộc sống chỉ tiêu thụ vật chất là hạnh phúc. Jack Kornfield là một trong những trường hợp như thế, một người từng là tu sĩ theo Phật giáo nhiều năm ở các tu viện Thái Lan, Miến Điện và Ấn độ, là tác giả, và là một trong những người có tiếng truyền bá thực hành mindfulness vào phương Tây. Sách của ông bán hàng triệu bản.

Xin nói về một trường hợp của Steve Jobs. Ông đã sớm đến với tâm linh từ nhỏ. Tự truyện của một Yogi của Paramahansa Yogananda là “quyển sách hướng dẫn thiền định và tâm linh mà ông đọc lần đầu tiên ở tuổi thiếu niên, đọc lại ở Ấn Độ và từ đó đọc tiếp mỗi năm một lần.” Ông đọc rất nhiều thứ. Ông đi Ấn Độ để tìm “enlightenment”. Ông hành thiền một cách rất nhiệt tình, không phải do bồng bột của tuổi thanh niên, mà rất nghiêm túc và lâu dài. Ông chịu ảnh hưởng rất lớn của Thiền trong đời sống và công việc ông. Sau này ông hồi tưởng những cảm nhận của ông sau chuyến đi bảy tháng ở Ấn Độ, ông viết:

Trở về nước Mỹ, đối với tôi, là một cái sốc, lớn hơn là cái sốc đi Ấn Độ. Người dân ở miền quê Ấn Độ không sử dụng tri thức như chúng ta làm, thay vào đó họ sử dụng trực giác (intuition), và trực giác của họ phát triển nhiều hơn xa so với phần thế giới còn lại. Trực giác là một thứ có sức mạnh rất lớn, mạnh hơn tri thức của họ, theo tôi. Nó có ảnh hưởng lớn lên công việc của tôi.

Tư duy lý trí phương Tây không phải là một đặc trưng bẩm sinh của con người, nó được học, và là thành tựu lớn nhất của nền văn minh phương Tây. Trong những làng quê Ấn Độ, người dân chẳng bao giờ được học nó. Họ học một cái gì khác, về một số phương diện là quý giá, về một số phương diện khác lại không. Đó là sức mạnh của trực giác và của cái khôn thực nghiệm.

Trở về lại sau bảy tháng sống trong các làng Ấn Độ, tôi nhìn thấy sự điên khùng của thế giới phương Tây, cũng như năng lực tư duy lý trí của nó. Nếu bạn chỉ cần ngồi và quan sát, bạn sẽ thấy tâm trí (mind) của bạn bất an thế nào. Nếu bạn tìm cách làm dịu nó lại, nó sẽ làm cho tình hình xấu hơn, nhưng với thời gian, nó dịu lại, và khi nó dịu rồi, thì bạn sẽ có không gian để nghe được những thứ tinh tế hơn – đó là lúc trực giác bạn bắt đầu nảy nở, và bạn bắt đầu nhìn thấy sự việc rõ ràng hơn, và bạn sẽ trở về hiện tại hơn. Tâm trí bạn bắt đầu chậm lại, và bạn nhìn thấy một sự mở rộng ra ghê gớm trong thời khắc đó. Do đó, bạn sẽ nhìn thấy thật nhiều hơn lúc trước bạn có thể nhìn thấy. Đó là một sự rèn luyện; bạn phải thực hành nó.

Zen (thiền) có tác dụng sâu sắc lên đời tôi từ đó. Vào một thời điểm, tôi đã muốn đi Nhật Bản, và cố gắng đến tu viện Eihei-ji, nhưng người cố vấn tâm linh của tôi đã khuyên tôi nên ở lại đây. Ông nói, không có cái gì ở đó mà không có ở đây, và ông ấy có lý. Tôi học được chân lý của Thiền nói rằng, nếu bạn muốn đi chu du thế giới để tìm thầy, thì thầy sẽ xuất hiện ở ngoài ngõ. (W. Isaacson, Steve Jobs, 48-49)

Steve Jobs tại nhà ở thành phố Cupertino, Santa Clara County, California, 1982

Quyển Tự truyện của một Yogi

Steve Jobs thuộc thế hệ Hippies những năm 1960, 70. Đó là thế hệ mà nhiều người muốn đi tìm cái mới để trả lời cho những ưu tư của cuộc sống trước mặt, như được John Lennon diễn tả: “Thanh niên ngày nay đang đi tìm một số câu trả lời – những câu trả lời đích thực mà nhà thờ không thể cho họ, bố mẹ không thể cho họ, và vật chất không thể cho họ.” Nhóm The Beatles đã tìm đến thiền theo phương pháp Transcendental Meditation của Maharishi Yogi, là một trong nhiều thí dụ.

Câu chuyện thiền của Steve Jobs kết thúc hết sức ấn tượng. Ông chuẩn bị trước món quà cho các vị khách sẽ đến dự lễ tưởng niệm ông sau khi ông mất: Đó là quyển Tự truyện của một Yogi. Quà tặng được đặt trong một cái hộp xám và được gửi tặng trân trọng đến mọi vị khách. Có lẽ đó chính là thông điệp của ông mà ông muốn gửi đến đồng nghiệp và bạn bè: Hãy rèn luyện trực giác bằng thiền định, và nhìn thế giới từ bên trong. Đối với ông, thiền định giúp ông có năng lực tập trung, mài dũa trực giác, loại bỏ những gì không cần thiết và gây rối trong đầu, nhìn thấy vision vượt khỏi tầm thời đại, có tình yêu cái đẹp và tính đơn giản. Tự truyện là quyển sách duy nhất mà ông đã tải vào iPad2 của ông. Tìm về Thiền là tìm con người thật của ông ra khỏi sự che lấp của thế giới rối rắm trước mặt, tìm đến “ông Phật vàng” ẩn chứa trong ông dưới cái vỏ đất sét che, như ẩn dụ của Jack Kornfield, hầu thực hiện sứ mệnh vĩ đại của ông.

Trực giác là một nguồn sáng tạo vô biên, vô hình, và nguồn gốc của nó có tính ‘huyền bí’. “Tôi đặt niềm tin vào trực giác” như Einstein nói. Đối với ông, trực giác quan trọng hơn kiến thức. (Nhưng không phải là không cần học) Khám phá thường xuất phát từ một “ánh chớp trực giác” xuất hiện tại biên giới của cái còn chưa biết sau những trăn trở, để nhận ra một chân lý mới. Henry Thoreau cũng thừa nhận “Tri thức không đến với chúng ta bằng chi tiết, mà bằng những tia chớp từ trên trời.” W. A. Mozart cũng sáng tác bằng ánh sáng của trực giác: Nó (một sáng tác nhạc) không đến với tôi lần lượt theo thứ tự, với nhiều phần được chi tiết hoá, như sau này chúng được làm, mà chính ở trong trạng thái tổng thể của nó mà sự tưởng tượng (nghĩa là trực giác) của tôi đã để cho tôi nghe thấy nó.”(1)

Thiền, hay cuộc sống tĩnh lặng, sẽ giúp phát triển trực giác. Thiền ngày càng có ảnh hưởng lên phương Tây và thế giới. Phương Tây sử dụng Thiền như một khoa học nhiều hơn là tôn giáo. Thiền có thể cải thiện và giáo dục con người, bằng một cuộc sống minh triết, tinh tấn, và giúp phục hồi sức khỏe. Năm 2011 Thiền sư Thích Nhất Hạnh được Google mời đến giảng về Thiền tại trung tâm của công ty. Phương Tây có thể sẽ khám phá giá trị hữu ích của Thiền hơn phương Đông, như họ đã từng làm đối với các khám phá phát minh của Trung Hoa cổ đại.

Xin trở lại giới thiệu buổi nói chuyện với Yuval Harari qua bản dịch tiếng Việt của Đỗ Thị Thu Trà.

Xem thêm về đề tài Thiền đối với người Nhật Bản:

Giới thiệu Thiền và Văn hóa Nhật Bản

NXX

Tháng 4, 2017

 

Yuval Harari, tác giả quyển Sapiens,

tiết lộ thiền định đã giúp anh trở thành

một sử gia tốt hơn như thế nào

 

Bộ óc nào có thể viết ra một cuốn sách như Sapiens? − Một bộ óc minh mẫn.

 

Photo by Lane Turner/The Boston Globe via Getty Images

Sapiens, cuốn sách đầu tay của Yuval Noah Harari, là một sự chấn động dư luận thế giới. Chuyến du hành làm thay đổi tư duy con người của sử gia Israel xuyên qua sự chiến thắng của Người hiện đại (hay Người khôn ngoan, Homo sapiens) là một cuốn sách yêu thích của nhiều người, trong đó có Bill Gates, Mark Zuckerberg và Barack Obama. Cuốn sách mới của anh, “Homo Deus: Lược sử Ngày mai” (Homo Deus: a Brief History of Tomorrow), nói về những gì sẽ đến tiếp với nhân loại – và mối đe dọa mà trí tuệ thông minh và năng lực sáng tạo của chính chúng ta đặt lên tương lai của chúng ta. Và cuốn sách này cũng vô cùng thú vị.

Từ khi đọc Sapiens, tôi muốn có một cuộc trò chuyện với Harari. Tôi có một câu hỏi lớn về anh: Bộ óc nào có thể viết ra một cuốn sách như Sapiens? Và bây giờ tôi đã có câu trả lời: Một bộ óc minh mẫn.

Thực sự, mọi thứ Harari nói trong cuộc trò chuyện của chúng tôi đều lôi cuốn. Nhưng điều tôi bất ngờ là việc hành thiền kiên định theo phái Vipassana của anh – gồm một khóa tu bế quan tịnh khẩu 60 ngày mỗi năm − lại có tầm quan trọng đến như vậy cho việc hiểu rõ những công trình về lịch sử và về thuyết vị lai mà anh viết ra. Trong trích đoạn được biên tập lại cho ngắn gọn và rõ ràng từ cuộc thảo luận này, chúng tôi đi sâu vào việc hành thiền của Harari, và việc nó đã giúp anh nhìn thấy những câu chuyện mà nhân loại tự kể như thế nào.

Để nghe toàn bộ cuộc trò chuyện của tôi với Harari – đi sâu vào trí tuệ nhân tạo (AI), tương lai của việc làm, những quyển sách yêu thích của Harari và nhiều thứ khác – hãy đăng ký kênh podcast của tôi, The Ezra Klein Show, trên iTunes, Spotify hoặc bất cứ ứng dụng âm thanh chất lượng tốt nào mà bạn có, hoặc theo dõi trực tuyến trên SoundCloud. (Xem bản gốc tiếng Anh theo link dưới đây)

Ezra Klein:

Anh nói với tờ Guardian rằng, nếu không có thiền định, anh sẽ vẫn nghiên cứu lịch sử quân sự trung cổ – chứ không phải người Neanderthal hoặc các sinh vật nửa người nửa cơ khí (cyborgs). Thiền định đã mang đến những thay đổi nào trong công việc của anh, với tư cách một sử gia?

Yuval Harari:

Chủ yếu là hai thứ. Trước hết, đó là khả năng tập trung. Khi bạn rèn luyện tâm trí để tập trung vào một cái gì đó như hơi thở, thì điều đó cũng sẽ đem đến cho bạn kỷ luật để tập trung vào những thứ lớn lao hơn, và thực sự phân biệt được những gì quan trọng và những thứ còn lại. Đây cũng là một kỷ luật mà tôi đã áp dụng cho công việc khoa học của mình. Thật khó khăn, đặc biệt là khi bạn làm việc với lịch sử lâu dài của loài người, bị sa lầy vào các chi tiết nhỏ nhặt, hoặc bị rối trí bởi hàng triệu câu chuyện và những mối quan tâm vụn vặt khác. Thật khó để nhắc nhở bản thân những gì thực sự quan trọng nhất đã xảy ra trong lịch sử, hoặc những gì quan trọng nhất đang xảy ra trên thế giới ngày nay. Chính từ thiền định mà tôi đã đạt được kỹ năng để tập trung này.

Một đóng góp quan trọng khác, tôi nghĩ, đó là: toàn bộ việc hành thiền Vipassana nhằm để nhận biết sự khác biệt giữa hư cấu và hiện thực, đâu là thật và đâu là những câu chuyện mà chúng ta sáng tác và dựng lên trong tâm trí của mình. Hầu hết 99 phần trăm những gì mà bạn đang nhận biết chỉ là những câu chuyện trong tâm trí chúng ta. Điều đó cũng đúng đối với lịch sử. Hầu hết mọi người, họ chỉ bị choáng ngợp bởi những câu chuyện tôn giáo, bởi những câu chuyện dân tộc chủ nghĩa, những câu chuyện kinh tế hàng ngày, và họ xem những câu chuyện này là thực tại (reality).

Tham vọng chính của tôi, như một sử gia, là có thể kể ra sự khác biệt giữa những gì thực sự xảy ra trên thế giới với những câu chuyện hư cấu mà con người đã tạo ra trong hàng ngàn năm để giải thích hoặc để kiểm soát những gì đang xảy ra trên thế giới.

Ezra Klein:

Một trong những ý tưởng trung tâm của cuốn sách Sapiens của anh, đó là: năng lực chính yếu của Người hiện đại (Homo sapiens), cái đã cho phép chúng ta thống trị trái đất, là khả năng kể chuyện và tạo dựng những câu chuyện hư cấu cho phép sự hợp tác rộng rãi theo cách mà các loài khác không thể làm. Và những gì anh xem là hư cấu bao gồm tất cả từ truyện thần thoại thời sơ khai cho đến Hiến pháp Hoa Kỳ.

Tôi sẽ không liên hệ với cách thức mà thiền định làm thay đổi những gì anh xem là thật, nhưng sẽ có ý nghĩa, nếu anh quan sát cách thức mà tâm trí anh tạo ra những câu chuyện tưởng tượng, có lẽ rất nhiều thứ rốt cuộc sẽ rơi vào phạm trù đó (nghĩa là không thật) hơn anh đã nghĩ ban đầu.

Yuval Harari:

Vâng, đúng vậy. Chúng ta hiếm khi nhận ra điều đó, nhưng tất cả sự hợp tác của con người trên diện rộng đều dựa trên sự hư cấu. Điều này rõ ràng nhất trong trường hợp tôn giáo, đặc biệt là tôn giáo của người khác. Bạn có thể dễ dàng hiểu rằng, vâng, hàng triệu người cùng nhau hợp tác trong một cuộc thập tự chinh hoặc một cuộc thánh chiến, hoặc để xây dựng nhà thờ hoặc hội đường Do Thái giáo vì tất cả họ đều tin tưởng vào một câu chuyện hư cấu nào đó về Thiên Chúa, thiên đường và địa ngục.

Điều khó nhận ra hơn nhiều là chính cùng một động lực vận hành trong tất cả các loại hình hợp tác khác của con người. Nếu bạn nghĩ về nhân quyền, nhân quyền là một câu chuyện hư cấu, cũng giống như Thiên Chúa và thiên đường. Chúng không phải là một thực tại sinh học. Về mặt sinh học mà nói, con người không có các quyền. Nếu bạn nhìn vào bên trong Người hiện đại (Homo sapiens), bạn sẽ thấy tim, thận và DNA. Bạn không thấy bất kỳ quyền nào. Nơi duy nhất mà các quyền tồn tại là trong những câu chuyện mà con người đã sáng tác ra.

Một ví dụ rất hay khác là tiền. Tiền có lẽ là câu chuyện thành công nhất từng được kể. Tiền không có giá trị khách quan. Nó không giống như một quả chuối hay một trái dừa. Nếu bạn lấy ra một đồng đô-la và nhìn vào nó, bạn không thể ăn nó. Bạn không thể uống nó. Bạn không thể mặc nó. Nó hoàn toàn vô nghĩa. Chúng ta nghĩ nó có giá trị nào đó bởi vì chúng ta tin vào một câu chuyện. Chúng ta có những người kể chuyện bậc thầy trong xã hội của chúng ta, những pháp sư của chúng ta – họ là những chủ ngân hàng, các nhà tài phiệt và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang; và họ đến gặp chúng ta với câu chuyện tuyệt vời như thế này: “Bạn thấy mảnh giấy màu xanh lá cây này chứ? Chúng tôi cho bạn biết nó đáng giá một quả chuối.”

Nếu tôi tin, bạn tin và tất cả mọi người đều tin điều này, thì nó có tác dụng. Nó thực sự có tác dụng. Tôi có thể cầm mảnh giấy vô giá trị này, đến gặp một người hoàn toàn xa lạ mà tôi chưa từng gặp trước đây, đưa cho anh ta mảnh giấy và anh ta sẽ đổi cho tôi một quả chuối thật mà tôi có thể ăn.

Điều này thực sự tuyệt vời, và không động vật nào khác có thể làm được. Những động vật khác đôi khi cũng trao đổi. Ví dụ, những con tinh tinh, chúng trao đổi. Bạn đưa tôi một trái dừa. Tôi sẽ đưa bạn một quả chuối. Điều đó có thể có tác dụng với một con tinh tinh, nhưng bạn đưa cho tôi một mảnh giấy vô giá trị và mong tôi đưa cho bạn một quả chuối ư? Điều đó sẽ không bao giờ có tác dụng với một con tinh tinh.

Đó là lý do vì sao chúng ta kiểm soát thế giới, chứ không phải loài tinh tinh.

Ezra Klein:

Nhưng cũng có những cách mà những câu chuyện đó tạo ra sự mong manh. Ví dụ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Những gì xảy ra là thị trường tài chính toàn cầu đã tự kể cho mình nghe một câu chuyện. Họ đã tự kể câu chuyện về việc có bao nhiêu rủi ro, cụ thể là khoản nợ thế chấp dưới chuẩn là bao nhiêu, và câu chuyện đó hóa ra là sai. Đột nhiên, họ phải tự kể cho mình một câu chuyện khác, và sau đó tất cả những câu chuyện được xây dựng trên câu chuyện đó đều sụp đổ – những câu chuyện về việc các cổ phiếu ngành công nghiệp gỗ sẽ ra sao, và bao nhiêu người sẽ có việc làm trong một năm. Và cuối cùng, điều đó đã thay đổi thực tại.

Sự mong manh ở đây là khi bạn bắt đầu nhầm lẫn các câu chuyện của mình với thực tại, và bạn đánh giá quá cao cả sự vững bền của chúng, lẫn việc sẽ khó khăn thế nào để thay đổi hay dịch chuyển chúng.

Yuval Harari:

Vâng, điều này diễn ra theo cả hai cách. Vì dựa trên các câu chuyện, xã hội loài người linh hoạt và năng động hơn bất kỳ xã hội nào khác trên trái đất, đồng thời cũng mong manh hơn nhiều.

Ví dụ, hãy nghĩ về các cuộc cách mạng. Với các động vật khác, rất khó để thay đổi hệ thống xã hội qua đêm. Việc này gần như không thể. Ví dụ, nếu bạn nghĩ về tổ ong, những con ong đã có hệ thống xã hội hàng triệu, hàng triệu năm, và chúng không thể thay đổi nó trừ khi trải qua một quá trình chọn lọc và tiến hóa tự nhiên rất chậm chạp và phức tạp. Những con ong không thể đơn giản thức dậy vào buổi sáng, hành quyết ong chúa và thiết lập chế độ độc tài toàn trị cho những con ong thợ.

Nhưng với loài người, chúng ta có những cuộc cách mạng xã hội như vậy. Đúng một thế kỷ trước, năm 1917, đã có cuộc cách mạng cộng sản ở Nga, nơi các nhà cách mạng đã hành quyết Sa hoàng và thiết lập một hệ thống xã hội hoàn toàn khác trong vài năm chỉ bằng cách thay đổi câu chuyện mà người Nga tin vào. Họ không còn tin vào quyền lực thần thánh của Sa hoàng. Thay vào đó, họ tin rằng quyền lực đến từ người lao động, từ người dân.

Đó là lý do vì sao mọi xã hội đều đầu tư rất nhiều công sức vào việc tuyên truyền và tẩy não người dân từ khi họ còn rất nhỏ để tin vào câu chuyện có sức mạnh chế ngự của xã hội, vì nếu họ không tin, mọi thứ sẽ sụp đổ.

Ezra Klein:

Trước khi chúng ta rời khỏi chủ đề thiền định, tôi đọc được rằng anh theo đều đặn những khóa tu bế quan 60 ngày. Đó là một trải nghiệm mà tôi không thể tưởng tượng được, vì vậy tôi rất muốn được nghe đối với anh những khóa tu đó như thế nào, và chúng đóng vai trò gì trong cuộc sống của anh.

Yuval Harari:

Trước hết, việc này rất khó khăn. Bạn không có bất kỳ thứ gì khiến bạn phân tâm, không truyền hình, không email, không điện thoại, không sách vở. Bạn không viết lách. Bạn chỉ có từng khoảnh khắc để tập trung vào những gì đang thực sự xảy ra ngay bây giờ, vào những gì là thực tại. Bạn bắt gặp những điều bạn không thích về bản thân, những điều bạn không thích về thế giới, những thứ bạn dành quá nhiều thời gian để lờ đi hoặc ngăn chặn.

Bạn bắt đầu với những cảm giác thể xác cơ bản nhất của hơi thở đi vào và đi ra, của những cảm giác trong dạ dày, ở chân, và khi bạn kết nối với điều đó, bạn có thể thực sự quan sát được những gì đang xảy ra. Bạn sẽ có được sự rõ ràng về những gì đang xảy ra trong tâm trí bạn. Bạn không thể thực sự quan sát sự giận dữ, sợ hãi hoặc chán nản nếu bạn không thể quan sát hơi thở của bạn. Hơi thở của bạn dễ dàng hơn nhiều so với quan sát cơn giận hay nỗi sợ hãi của bạn.

Mọi người muốn hiểu cơn giận của họ, hiểu nỗi sợ hãi của họ. Nhưng họ nghĩ rằng quan sát hơi thở ư, ôi, việc này không quan trọng chút nào. Nhưng nếu bạn không thể quan sát một cái gì đó hiển nhiên và đơn giản như hơi thở đi vào và đi ra, bạn hoàn toàn không có cơ hội thực sự quan sát cơn giận của bạn, dữ dội hơn nhiều và khó khăn hơn rất nhiều.

Những gì xảy ra trong suốt 60 ngày là: vì tâm trí của bạn trở nên tập trung và sáng tỏ hơn, bạn tiến sâu hơn và sâu hơn, và bạn bắt đầu nhìn thấy khởi nguồn của tất cả sự giận dữ này, của tất cả nỗi sợ hãi này; và bạn chỉ quan sát. Bạn không cố gắng để làm bất cứ điều gì. Bạn không kể bất kỳ câu chuyện nào về cơn giận của mình. Bạn không cố gắng để chống lại nó. Chỉ quan sát. Giận dữ là gì? Chán nản là gì? Đôi khi bạn sống trong nhiều năm, nhiều năm và nhiều năm, trải nghiệm sự giận dữ, sợ hãi và chán nản mỗi ngày; nhưng thực ra bạn không bao giờ quan sát cảm xúc thực sự của giận dữ. Bởi vì, bạn quá bị cuốn vào cơn giận.

Sáu mươi ngày thiền đem lại cho bạn cơ hội. Bạn có thể có một cơn sóng giận dữ, và đôi khi nó có thể kéo dài nhiều ngày; và trong nhiều ngày, bạn không làm gì cả. Bạn chỉ quan sát. Sự tức giận là gì? Nó thực sự được cảm thấy như thế nào trong cơ thể? Điều gì thực sự đang xảy ra trong tâm trí tôi khi tôi tức giận? Đây là điều tuyệt vời nhất mà tôi đã từng quan sát được, là thực sự quan sát các hiện tượng bên trong này.

Ezra Klein:

Tôi rất ấn tượng rằng anh tham gia hay tinh tấn tiếp tục hành thiền. Sapiens là một cuốn sách bán chạy trên thế giới. Nó là một thành công rất lớn ở Thung lũng Silicon. Khi tôi mời Bill Gates nói chuyện trên kênh podcast này, ông ấy đã giới thiệu Sapiens với tôi và thính giả. Mark Zuckerberg đã nói về Sapiens. Barack Obama đã nói về Sapiens. Tôi tưởng tượng ra nhu cầu về thời gian của anh, các cuộc hẹn nói chuyện, các cuộc hẹn nói chuyện có thù lao, các hội nghị và các cuộc họp mà anh được mời cho đến giờ, tôi chắc chắn là nhiều hơn rất lớn so với những gì anh có thể làm. Tôi tò mò liệu mối quan hệ của anh với thiền định có thay đổi hay không trong vài năm qua, sau sự thành công của anh.

Yuval Harari:

Việc nhận thêm một cuộc nói chuyện hoặc một cuộc hội nghị luôn là sự cám dỗ, nhưng tôi rất kỷ luật về điều đó bởi vì tôi biết đây là điều thực sự quan trọng. Đây là nguồn gốc của thành công khoa học của tôi, vì vậy khi tôi lên kế hoạch trước cho một năm, điều đầu tiên tôi làm là – tôi đã biết rằng vào năm 2017, từ ngày 15 tháng 10 đến 15 tháng 12 tôi sẽ đến Ấn Độ để tham gia một khóa bế quan 60 ngày. Đó là việc đầu tiên tôi đưa vào lịch trình. Mọi thứ khác phải được sắp xếp xoay quanh đó. Cũng tương tự cho năm 2016 vừa qua.

Thực ra, chỉ vào ngày 20 tháng 1 tôi mới nghe tin Trump thắng cử, bởi vì khi đó tôi vừa ra khỏi khóa bế quan. Tôi bước vào khóa tu đầu tháng mười một, và tôi bỏ lỡ cuộc bầu cử. Như tôi đã nói, bạn hoàn toàn không bị phân tâm. Bạn không có liên hệ với thế giới bên ngoài, không email, không truyền hình, không có gì cả, vì vậy bạn không biết những gì đang xảy ra bên ngoài, nhưng những gì đang xảy ra bên trong là rất thú vị.

Ezra Klein:

Ngoài hai giờ hành thiền mỗi ngày, làm thế nào để anh cấu trúc thông tin nhận được trong ngày? Làm thế nào để anh tách biệt cái gì là thật và quan trọng và những gì là phù du hoặc chỉ là những câu chuyện?

Yuval Harari:

Tôi cố gắng lên chương trình làm việc của riêng mình và không cho phép công nghệ lên chương trình làm việc cho tôi. Tôi có khuynh hướng đọc sách, sách dài, hơn là những đoạn văn ngắn hoặc tin nhắn Twitter. Tôi nghĩ rằng một điều khác đã xảy ra trong thế kỷ vừa qua, đó là chúng ta đã chuyển từ chỗ khan hiếm thông tin sang tràn ngập thông tin. Trước đây, vấn đề chính với thông tin cho người dân là họ không có đủ, bị kiểm duyệt, thông tin rất hiếm và khó tìm được. Bây giờ thì hoàn toàn trái ngược. Chúng ta bị ngập lụt trong những lượng thông tin khổng lồ.

Chúng ta thực sự mất kiểm soát sự chú ý của mình. Sự chú ý của chúng ta bị tất cả các loại ngoại lực chiếm đoạt. Đối với tôi, không chỉ trong lúc thiền, mà cả khi làm việc, tôi cố gắng rất, rất kỷ luật với sự chú ý của mình, không để các ngoại lực kiểm soát sự chú ý của tôi.

Ezra Klein:

Thật ngạc nhiên đối với tôi rằng, bao nhiêu bối cảnh đã đem đến cho tôi qua việc đọc Homo Deus. Để có một tóm tắt rất cô đọng về cuốn sách, anh đang lý luận rằng con người đã từng có một xã hội xoay quanh những câu chuyện về Thiên Chúa. Rồi họ đã chuyển sang một xã hội trong vài trăm năm gần đây xoay quanh những câu chuyện về con người (human beings). Và giờ đây họ đang chuyển sang một xã hội xoay quanh các câu chuyện về dữ liệu.

Trong chừng mực mà chúng ta sẽ được tôn vinh vì những đóng góp của mình cho xã hội, anh nói rằng chúng ta sẽ được tôn vinh vì đóng góp của mình cho các dòng dữ liệu mà các giải thuật (algorithms) khác nhau được máy tính hỗ trợ đang sử dụng để sinh ra giá trị và tạo ra sản phẩm. Khi đọc cuốn sách, tôi cảm thấy tình huống đó có vẻ hợp lẽ đối với anh hơn đối với tôi, nhưng có lẽ đó là do anh đang bước xa hơn một chút khỏi những âm thanh hỗn loạn thường nhật, và do đó, sự thay đổi và mức độ mọi người bị ám ảnh và đắm chìm trong hàng đống dữ liệu của mọi lúc là rõ ràng hơn.

Yuval Harari:

Vâng, tôi nghĩ đó là một tóm tắt rất hay về cuốn sách mới. Cách tôi sống ảnh hưởng đến cách tôi nghĩ, và hy vọng những kết luận tôi đạt được trong nghiên cứu của mình sẽ ảnh hưởng trở lại cách sống của tôi – bởi vì, nếu chỉ đạt được một kết quả lý thuyết mà không có ảnh hưởng đến cách mà bạn thực sự sống, thì có ý nghĩa gì?

Nguyên bản:

http://www.vox.com/2017/2/28/14745596/yuval-harari-sapiens-interview-meditation-ezra-klein

Người dịch: Đỗ Thị Thu Trà

Xem thêm:

Yuval Harari: Tương lai cần một sự nâng cấp

Giới thiệu Thiền và Văn hóa Nhật Bản

Chú thích:

(1). Xem Nguyễn Xuân Xanh, EINSTEIN. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành Phố, 2015. Quyển sách được trao Giải Vàng Sách Hay Quốc Gia Năm 2008.