VỀ COLLEGE HOA KỲ
Sự ra đời và sứ mệnh của nó trong lịch sử giáo dục bậc cao của Hoa Kỳ
Nguyễn Xuân Xanh
Phép thử của một nền văn minh được xây dựng trên tự do là công dụng mà con người làm từ tự do mà họ hưởng được. Đó là một sự thất bại không chỉ khi con người sử dụng nó để làm những việc sai trái, mà còn khi họ sử dụng tự do để không làm gì hết, hay làm ít như có thể đủ để đảm bảo cuộc sống họ trong tiện nghi các nhân. Điều này đúng cho các thể chế chúng ta như một tổng thể và cho college Hoa Kỳ nói riêng…Cuộc chiến của văn minh không còn được tiến hành nữa ở chiến trường mà ở workshop, trên bàn làm việc, trong phòng thí nghiệm, và thư viện…Việc cốt yếu trong nền văn minh là sự chuẩn bị sẳn sàng của tuổi trẻ cho công việc của thế giới; không phải chỉ có sự cung cấp phong phú vật liệu, mà là một sản phẩm được đúc trong những dạng mẫu tốt nhất, được tôi và hoàn thành với mức độ cao nhất của sự hoàn thiện.
Lawrence Lowell
Hiệu trưởng của Đại học Harvard (1909 – 1933), trong một diễn từ trước sinh viên mới của Đại học Yale, 1916
Lời nói đầu. Bài này đã được đăng trong quyển Đại Học của tác giả (Nxb Tổng hợp TP HCM, 2019), mục 17, trang 467. Tác giả thấy cần thiết đăng lại trong ngữ cảnh quyển sách Hỗn Độn Hoàn Hảo vừa mới xuất bản. Nguyễn Xuân Xanh
***
Đôi chút về lịch sử của danh từ college có lẽ để giúp chúng ta hiểu thêm giáo dục đại học Mỹ. Danh từ college ở Mỹ có nhiều nghĩa, ngoài một loại trường đặc biệt có tính chuyên môn bậc cao, nhưng thông dụng nhất là các trường của giáo dục đại học (sau trung học phổ thông), nằm trong một đại học (university college), một phân khoa như luật hay kinh tế (còn được gọi là “trường”, school) … hoặc một college độc lập. Vì thế người ta hay gặp danh từ đôi “collleges and universities”. Trong ngôn ngữ đại chúng college ám chỉ cả college lẫn đại học.
Cái thường được gọi “đại học cộng đồng” là các community colleges mà người Mỹ gọi trong hệ thống các colleges và universities của họ, có nguồn gốc từ Quy hoạch tổng thể (Master Plan) của bang California những năm 1960, sau đó lan tỏa đến nhiều bang khác, nhằm phân biệt chức năng của hệ này (2 năm) so với các hệ 4 năm (State colleges, đại học bang) và các (viện) đại học nghiên cứu (University) đào tạo tiến sĩ. Quy hoạch tổng thể nhằm đáp ứng sự tăng vọt của số sinh viên sau thế chiến thứ hai, tạo điều kiện cho mọi người được lên đại học nếu muốn. Luật GI Bill năm 1944 hỗ trợ đặc biệt các quân nhân giải ngũ có điều kiện đi vào đại học hay college để có trình độ cao hơn. Ảnh hưởng của đạo luật này lên sự bùng nỗ đại học và nghiên cứu khoa học của Mỹ.
Do tính đặc thù của nó, từ college là hơi ‘khó dịch’ sang tiếng Việt. Người ta không gọi là đại học mà Williams college, Amherst college, Swarthmore college, là những college về liberal arts (giáo dục khai phóng hay nhân văn, xoay quanh di sản văn hóa của văn minh phương Tây), mà điều kiện vào đó cũng khó không kém điều kiện vào Harvard, Yale, Columbia (Vũ Quang Việt).[1]
***
College là một đặc thù của nền giáo dục Hoa Kỳ. Ở châu Âu, học sinh trung học khi bước ra khỏi lycée hay gymnasium thì sẽ lên thẳng đại học mà không có “lớp đệm” college. Phần nhân văn đã được đưa vào những năm cuối của phổ thông rồi. Ở Anh giáo dục nhân văn chỉ dành cho một thiểu số tinh hoa (Devane). Ở Mỹ college có nhiệm vụ giáo dục nhân văn cho cấp cử nhân (undergraduate).
Giáo dục đại học Hoa Kỳ khởi đầu gần như cùng lúc với sự bắt đầu của hai giai đoạn lịch sử quan trọng của châu Âu là cuộc cách mạng khoa học và “thời đại của lý tính” (age of reason). Tác phẩm Đối thoại giữa hai hệ thống chính của Galilei được xuất bản năm 1632, chỉ bốn năm trước ngày thành lập college Harvard (1636); tác phẩm kế tiếp Discorsi của Galilei về cơ học xuất bản năm 1637, một năm sau Harvard. Tác phẩm Principia của Newton ra đời năm 1687, và tiểu luận về sự hiểu biết của con người của John Locke (An Essay Concerning Human Understanding) xuất bản năm 1690, ba năm trước ngày thành lập của college thứ hai, William & Mary. Thế kỷ mười bảy và mười tám là thời kỳ lập quốc của Hoa Kỳ.
Các các nhà giáo dục đại học Mỹ, những người đã từng tốt nghiệp tại các college Oxford và Cambridge, thành lập không phải đại học ngay mà đa số là college, mô phỏng theo các college Anh là những cộng đồng nhỏ đơn lẻ có chỗ ăn ở cho sinh viên và thầy giáo; các chương trình giáo dục cũng mô phỏng theo các chương trình cổ ngữ, kinh thánh, văn chương hay khoa học không-thực nghiệm của Cambridge và Oxford đã có từ thế kỷ 12 và 13, dựa trên học thuộc lòng. Bản thân của hai đại học Anh này vào thế kỷ 17, 18 và 19 cũng chỉ là những college chứ không phải là đại học lớn. Các collge Mỹ ban đầu có trình độ giáo dục chỉ cao hơn trường trung học phổ thông một chút. Một điều nghe hơi nghịch lý là các trường này lại được thành lập ngay ở những vùng mới còn ít dân định cư và chưa có hệ thống giáo dục phổ thông (Devane). Harvard khi thành lập năm 1636 chỉ là một college rất nhỏ. Lớp học đầu tiên có chín sinh viên, các học viên học chung khoảng mười môn học, tất cả đều do vị hiệu trưởng dạy.
College thường được ví như “trái tim” của giáo dục nhân văn Mỹ. Vì nguồn gốc giáo dục nhân văn xuất phát từ đó, và một phần từ các college hôm nay, Woodrow Wilson, với tư cách là (cựu) chủ tịch của đại học Princeton đã từng có nói rằng college “không phải là nơi một thanh niên tìm thấy nghề mình, mà là nơi anh ta tìm thấy chính mình.” (González) Wilson đã có kỳ vọng “biến các thanh niên chẳng suy nghĩ, chỉ biết thực hiện nhiệm vụ, thành những con người biết tư duy”. Giáo dục nhân văn có mối liên hệ với vị thế xã hội. Đây là truyền thống giáo dục của lý tưởng Hy Lạp về sự phát triển toàn diện con người. Các gia đình giàu có thường muốn cung cấp cho con cái mình giáo dục nhân văn, với kỳ vọng vào những vị trí xã hội cao.
Thế hệ các cha lập quốc Hoa Kỳ, như Jefferson, Adams, Madison…được đào tạo từ các trường grammar school, tiếp đến tại các college, trong văn hoá Hy-La. Grammar ở đây không phải là văn phạm tiếng Anh, mà chủ yếu văn phạm tiếng Hy Lạp và La tinh. Ở đó học sinh được dạy nhiều tác giả cổ đại Hy-La từ nguyên ngữ, như Demosthenes, Cicero, Herodotus, Thucydides, Plato, Caesar, Tacitus, Sallust, Cato…Thậm chí tiếng Anh không được dạy ở đó, vì tầm quan trọng của văn hoá Hy-La cho tuổi trẻ. College thường đòi hỏi thêm ba năm nữa tiếng Hy Lạp và La tinh. Các vị cha lập quốc Hoa Kỳ là những người chịu ảnh hưởng rất lớn của văn hoá Hy-La trong tư tưởng và hành động của mình (cũng như chịu ảnh hưởng khoa học rất lớn của Newton và Locke). Rồi họ khuyến khích các con em mình tiếp tục học văn hoá Hy-La (Richard). Douglas Bush đã chỉ ra rằng ở châu Âu (ít ra từ thời Phục Hưng đến thế kỷ mười tám) cũng chính trên nền văn hoá cổ đại này mà đã nảy sinh ra những nhà tư tưởng lớn độc đáo như Copernicus, Kepler, Galilei, Machiavelli, Rabelais, Montaigne, Erasmus, Spencer, Shakespeare, Bacon, Milton và một chuỗi khác. (Bell)
Các college có mục đích phát triển một ý thức của sự thống nhất văn hóa và bản sắc tại một đất nước mới qui tụ con người từ nhiều quốc gia khác nhau của châu Âu. College phát triển học thuật, chiến đấu chống lại ngu dốt và hoang dã. College là sự hỗ trợ cho nhà nước. Nó tạo công dân, lòng trung thành, theo tiếng gọi của lương tâm và tín ngưỡng. College đào tạo nghề nghiệp (profession) và một đạo quân nhà giáo. College “làm cho con người người hơn, nhân văn nhân bản hơn; tăng cường nghị luận về lý tính, trí tuệ và tín ngưỡng, và để nhóm lên các đốm lửa dẫn đường của chân lý trên tất cả các đỉnh cao của sự tồn tại” như chủ tịch của hội đồng quản trị college California diễn tả năm 1868. (Rudolph)
Trong hai thế kỷ 17 và 18, các college Hoa Kỳ có một sự chuyển biến nhất định theo hướng khoa học. Tuy xuất phát từ giáo dục văn hoá Hy La như một tất yếu lịch sử dưới tác động của Phục Hưng và của giáo dục đại học thời Trung cổ (triết học và khoa học của Aristote), nhưng khoa học, thể hiện qua triết học tự nhiên, thâm nhập dần theo hướng hiện đại. Hệ thống Ptolemy trong thiên văn bị “khai tử” nhanh chóng tại Harvard năm 1659, được thay vào đó bằng hệ thống Copernice. Triết học tự nhiên theo hướng Newton được phát triển. Khoa học tự nhiên và toán học bắt đầu khởi động khi college William & Mary thành lập chiếc ghế giáo sư môn triết học tự nhiên và toán học vào năm 1711. Yale cũng đi theo Locke, Newton và Copernice.
Các college đáp ứng tốt việc đào tạo nhân sự lãnh đạo cho nhà thờ và nhà nước, cung cấp các nhà thần học, bác sĩ, luật sư, chính trị gia cho đến đầu thế kỷ 19, khi các college tỏ ra cứng nhắc và trì hoản mọi sự đổi mới. Nhưng phải đợi đến cuộc bứt phá cuối thế kỷ mười chín các môn khoa học mới thật sự thâm nhập vào giáo dục đại học. Sự phát triển đất nước sau cuộc nội chiến đặt những đòi hỏi mới cho cuộc xây dựng công nghiệp hoá. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai, cách mạng công nghệ, ở châu Âu từ giữa thế kỷ 19 diễn ra mạnh mẽ. Giáo trình cổ điển không còn thuyết phục. Luật giao đất ra đời năm 1862 nhằm thay đổi tình hình, khuyến khích các ngành ứng dụng cho nông nghiệp và kinh tế. Ý tưởng đại học bắt đầu bén rễ. Nước Đức, với các đại học theo kiểu mới (Humboldt), “thủ đô của tri thức” của thế giới, tạo ra khoa học, công nghệ và chuyên gia, ảnh hưởng lớn lên Hoa Kỳ. Hàng ngàn thanh niên Mỹ đổ xô đi sang Đức để được đào tạo, và đã mang về những ý tưởng cải cách các college theo hướng nghiên cứu khoa học, đào tạo sinh viên graduate sau cử nhân. Hệ thống tự chọn các môn học (elective system), theo tinh thần Lernfreiheit của Humboldt, là một sự phân hoá mạnh mẽ giữa nhân văn và khoa học. Khoa học trở thành một “đối thủ” cạnh tranh “nguy hiểm” cho nhân văn. “Sự khác biệt cơ bản giữa một college và đại học là cách nhìn của cả hai. Đại học nhìn phía trước còn college thì nhìn về phía sau” như Edwin Slosson viết năm 1910 (Thelin). Nhưng các college đã làm một cuộc tiến hoá.[2]
Người ta có thể phân biệt hai giai đoạn lịch sử. Giai đoạn từ 1636-1870, ở đó chương trình học có tính chất “khai phóng”, tập trung vào di sản văn hóa của nền văn minh phương Tây, tạo ra các nghề đương thời như mục sư, bác sĩ, luật sư, nhà giáo. Giai đoạn thứ hai từ 1870-1960 nhằm tạo ra tri thức mới, đào tạo vốn nhân lực (human capital) để ứng dụng khoa học, công nghệ vào kinh tế, để tăng trưởng GDP và thu nhập cá nhân. Chương trình học ít hướng đến văn hóa mà đến “tri thức hữu dụng” (knowledge for use) nhiều hơn, phần lớn các khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. (Missions of the College Curriculum)
Sự phát triển vũ bảo của khoa học và chuyên môn hoá thế kỷ hai mươi đã làm giảm nhẹ đi vai trò của giáo dục nhân văn tại các college. Nhân văn không được xem là hữu dụng, và sự chuyên môn hoá để nhanh chóng trở thành chuyên gia hay có nghề nghiệp sớm đã thu ngắn, dồn nén lại và cô đọng hơn nội dung của các môn nhân văn. Các giáo trình có thể so sánh với các giáo trình căn bản của college được đưa xuống trường trung học cấp ba. Nhân cách không có đủ thời gian và vật liệu để chín mùi. Sự chăm lo và rèn luyện tinh thần cho sinh viên giảm sút. Sự thu hoạch kiến thức mới nhắm tới một sự thành công nhanh là quan trọng hơn. Tri thức khoa học ở Anh từ thời Newton đã tăng trưởng nhân đôi cứ khoảng mười lăm năm một lần, nay chỉ còn mười năm ở Mỹ một lần. Con người phải chạy theo vận tốc phát triển và giảm đi sự phát triển chiều sâu của tinh thần và nhân cách. Số lượng sinh viên trong lớp càng đông. Sự giảng dạy ngày càng ít có tính chất cá nhân hơn. Một số đại học lớn phải sử dụng đến một số lượng sinh viên graduate lớn để chăm sóc sinh viên undergraduate. Người ta bảo nền giáo dục đang “bán sớm lúa giống”. “Đừng để họ ăn vào lúa giống của họ”, Emerson nói, hàm ý rằng sinh viên chưa thể đủ sức để trở thành “những người lớn trẻ” trước khi chúng qua hết thời niên thiếu. (Van Doren). Có người lo ngại rằng phải chăng nước Mỹ đang muốn quay lại nền giáo dục không có college của Pháp, Đức? (Devane) Một cách nghịch lý, trong khi phạm vi giáo dục tổng quát (general education) ở Hoa Kỳ bị thu lại có lợi cho sự chuyên môn hóa hẹp, thì ý tưởng giáo dục tổng quát trở nên được ưa thích hơn tại Anh, đặc biệt tại bảy trường đại học mới được thành lập trong những năm 1960. (Bell)
Các college, tuy yêu lòng mộ đạo hơn tri thức, dành ưu tiên cho tính cách hơn học thuật, nhưng chưa bao giờ kết thân với ngu dốt. (Rudolph)
Đại học ngày nay càng cam kết theo định hướng kỹ trị, như Bell viết: nghề nghiệp, chuyên nghiệp và phụng sự xã hội, nhưng mặt khác nó còn có vai trò humanitas, nhân văn mà tuyền thống của nó đang có nguy cơ bị quét đi bởi những dòng nước chảy xiết của tính thực dụng. Các college nhân văn (liberal arts[3]) vẫn còn vai trò quan trọng trong giáo dục đại học như những cái neo để giữ lại hồn nhân văn, vì cái “minh triết vốn tiềm tàng và ẩn náu trong bản năng” cần quá trình “chín mùi về tri thức một cách tự nhiên” trong sinh viên vốn còn đang mang trong mình “thú tính” tự nhiên của tuổi thanh niên (‘adolescent beast’). (Devane, Bell) Giáo dục nhân văn cũng còn nhằm “giải phóng một con người lớn (adult) trong đứa trẻ”. Sự thu ngắn lại các năm college, tăng tốc đưa một đứa trẻ nhanh chóng vào trường graduate, điều đó không chỉ hủy hoại đối với college mà còn đáng lo ngại hơn, có thể hủy hoại đối với bản thân sinh viên. (Bell)
California, Xuân Quý Tỵ, 2013
Xin đọc thêm về chủ đề giáo dục khai phóng:
https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/tai-sao-can-giao-duc-khai-phong/
Và sắp tới thêm một quyển sách do chúng tôi chủ trì, đề tài Tại sao giáo dục khai phóng.
Ghi chú:
Những trích dẫn trong bài có thể được tìm thấy trong sách Đại học, trong bài đã dẫn.
[1] Trong quyển sách Hỗn độn hoàn hảo (A Perfect Mess) của David Labaree, về lịch sử tiến hóa của nền giáo dục cao ở Hoa Kỳ, do chúng tôi chủ trì và sẽ được xuất bản tại PhanBook đầu năm 2024, chúng tôi đã để nguyên từ college, và có lời giải thích tại sao.
[2] Tại Anh, từ sau giữa thế kỷ mười chín, Cambridge và Oxford cũng chuyển động, tuy chậm hơn, ít nhiệt tình hơn Hoa Kỳ, theo hướng mô hình Đức của học thuật tự do và nghiên cứu hàn lâm. Một sự biện minh mới cho giáo dục phóng khoáng hình thành: đó là sự đi tìm chân lý, không phải chân lý vĩnh cữu, mà chân lý bất chợt, dựa trên dữ kiện và nguồn gốc. Sự xuất hiện của Nguồn gốc các loài của Darwin thúc đẩy các đại học Anh rời bỏ giáo dục nhân văn cổ điển để chuyển sang đại học nghiên cứu như Đức. Huxley quan niệm “giáo dục nhân văn” hay khai phóng (liberal education) cần được hướng vào việc tăng trưởng tri thức con người, và được “xây dựng trên niềm tin không do dự rằng việc sử dụng tự do lý tính, theo phương pháp khoa học, là phương pháp duy nhất để đạt đến chân lý.” (Kimball) Nội dung của giáo dục nhân văn đã có những bước chuyển qua các thời đại, từ paideia của Hy Lạp sang humanitas của La Mã rồi artes liberales (liberal arts) của thời trung cổ, humanism thời Phục Hưng, Bildung của Đức đầu thế kỷ 19, và diễn biến với những thay đổi tùy thời cho đến hôm nay. Mục đích của giáo dục này ban đầu là tạo hình một con người toàn diện (the whole man), thân thể và tâm hồn (body and soul), giác quan và lý trí (sense and reason), tính cách và tinh thần (character and mind), xem con người là một chủ thể tuyệt đối, không phải là “những chiếc răng bánh xe trong cỗ máy chính trị, hay các con ong thành viên trong tổ ong”. Giáo dục nhân văn chỉ nhắm tới con người tự nó mà không quan tâm đến nghề nghiệp hay kỹ thuật. Con người phải thông thạo các tác phẩm cổ điển, phải ăn nói như những nhà hùng biện, và phải lý luận như những triết gia (Marrou). Mỗi thời và hoàn cảnh lịch sử có cái “giỏ giáo dục nhân văn” (khai phóng) riêng, với một số mục tiêu nhất định xuất phát từ tinh thần của paideia. Ở La Mã, mục tiêu của giáo dục là phục vụ Nhà nước, Nhà nước La Mã, tuy vẫn theo tinh thần nhân văn của thời Hy lạp hóa (Hellenistic). Sau khi Đế chế trở thành Kitô giáo, nó phục vụ Thiên Chúa. Ở Hoa Kỳ giữa cuộc Nội chiến và Thế chiến II, người ta hiểu giáo dục khai phóng (liberal education) là có mục đích giải phóng (liberating) trí tuệ con người, làm cho nó tự do. Hai chữ liberal và liberating được hiểu là đồng nghĩa với nhau, như J. Dewey nhận xét (Kimball). Tuy nhiên, legacy muôn thuở của của giáo dục cổ đại để lại cho thế giới là “Giáo dục cổ điển vẫn tiếp tục kể cho chúng ta nghe rằng không có hình thái chính quyền nào, không ngành trí thức nào, không môn kỹ thuật nào, sẽ trở thành vĩnh viễn là cứu cánh của tự nó; bởi vì các thứ đó được tạo ra bởi con người, và được xem như để phục vụ con người, nên chúng phải luôn luôn, dù kết quả của chúng thế nào, phục tùng vào cách mà chúng được sử dụng cho một giá trị tối cao: nhân loại.” (Marrou)
[3] Liberal arts có khác với humanities đôi chút ở chỗ cái sau có thêm phần lịch sử và nhấn mạnh của các môn hùng biện (rhetoric) và triết học đạo đức (moral philosphy). (Sanz & Bergan)