Nguyễn Xuân Xanh
Nguyễn Xuân Xanh, cựu sinh viên khoa toán tại Đại học Khoa học Sài gòn, sau đó du học với học bổng quốc gia và tốt nghiệp tiến sĩ habil toán tại CHLB Đức, là cây bút viết tiểu luận, và xuất bản sách về lịch sử khoa học, công nghệ, giáo dục đại học, giáo dục khai phóng, văn hóa, và kinh nghiệm công nghiệp hóa các quốc gia đi sau, đặc biệt của hai quốc gia Đức và Nhật Bản. Ông là tác giả của các quyển sách EINSTEIN, Nước Đức thế kỷ XIX, Thư gửi Quý nhà giàu Việt Nam, ĐẠI HỌC−Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới; dịch giả của Einstein, Thuyết tương đối hẹp và rộng, đồng dịch giả Albert Einstein – Mặt nhân bản; đồng chủ biên của các số Kỷ yếu khoa học như Max Planck − Nhà khai sáng thuyết lượng tử, 400 Năm Thiên văn học và Galilei, 150 Năm Thuyết tiến hóa và Darwin, Đại học Humboldt 200 Năm, Hạt Higgs và Mô hình chuẩn, xem Năm số Kỷ yếu Khoa học & Giáo dục đại học (2008-2014); cũng như xuất bản sách về Nhật Bản Minh Trị. Nhiều quyển sách được Giải Sách Hay, riêng quyển Einstein được “Giải vàng sách hay 2008” của Việt Nam. Ông sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trang mạng riêng của tác giả: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/. Xem danh mục các quyển sách đã xuất bản mà tác giả có đóng góp Danh mục các quyển sách.
Trên đường chấn hưng đất nước, Việt Nam không thể không xây dựng cho mình một nền văn hóa sách hiện đại, khai sáng, khoa học và văn minh. Văn hóa sách và văn hóa đọc, như “nhựa sống hay linh hồn của một dân tộc”, có tác dụng tích cực và mạnh mẽ lên các cuộc chấn hưng đất nước, như trường hợp của nước Đức và Nhật Bản cho thấy. Sách đánh thức tiềm năng trí tuệ con người, và cho thêm chiều sâu của sự tạo thành nhân cách. “Tạo thêm một thư viện cho một căn nhà là cho căn nhà đó một linh hồn” như một triết gia cổ đại nói. Thế giới có những dân tộc được gọi là dân tộc sách, và họ luôn luôn đứng trên vị trí hàng đầu. Có những nền văn hóa đọc “già nua”, cần phải được hiện đại hóa, “lai ghép” với tinh hoa của văn minh thế giới để phát triển và giải phóng đầu óc con người khỏi sức ỳ truyền thống. Đồng thời cũng có những nền văn hóa tự nó có đủ tính chất sáng tạo và động lực đổi mới để sẵn sàng thích nghi khi tiếp xúc với những nhân tố mới và phát triển theo cuộc chấn hưng. Loài người, bên cạnh cuộc tiến hóa sinh học, còn làm một cuộc tiến hóa thứ hai, trí thức, khôn ngoan, và nhanh chóng hơn hàng vạn lần, bằng cái DNA thứ hai chứa đựng trong kho tàng tri thức tích lũy trong sách vở, cho nên dân tộc nào đi bằng DNA tri thức này sẽ tiến hóa rất nhanh, ngược lại sẽ bị tụt hậu. “Thế giới sách là vĩ đại nhất”, trong nhiều thế giới làm từ trí tuệ của chính con người, như nhà thơ Đức Hermann Hesse viết.
“Con người không chỉ sống bằng bành mì”, mà còn bằng văn hóa. Mà ngay cả khi muốn có bánh mì, chúng ta cũng cần phải có tri thức, nghĩa là phải học, phải đọc sách và nghiên cứu để sáng tạo. Thực tế, Việt Nam chỉ có thể thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu bằng con đường tri thức, không phải bằng phép mầu hay hoang tưởng. Thực tế, tri thức chính là “phép mầu”, không có phép mầu nào khác. Các quốc gia phát triển từ Tây sang Đông đã chứng minh điều đó, đi lên bằng con đường công nghiệp hóa và trí tuệ, bằng DNA thứ hai, không có con đường nào khác. Vì vậy Việt Nam cần chăm sóc và vun xới văn hóa sách và văn hóa đọc tích cực và ý thức hơn, khiêm nhường để học hỏi như người Nhật 150 năm trước, để phát triển con người, hỗ trợ cuộc chấn hưng, làm cho đất nước hưng thịnh, và để quốc gia trở thành quốc gia văn hóa, và dân tộc sách.
Một số sách đã xuất bản