Y tế Công cộng ở Việt Nam (GS Klaus Krickeberg)

by , under Uncategorized

Y TẾ CÔNG CỘNG Ở VIỆT NAM

MỘT Ý TƯỞNG[1]

Klaus Krickeberg

Lời nói đầu. Đây là một ý tưởng cải cách y tế Việt Nam, được nung nấu từ một người yêu đất nước Việt Nam nồng cháy, và muốn đem phần tinh hoa tri thức của mình cống hiến. Ông đã đồng hành với Việt Nam suốt nửa thế kỳ. Và đến hôm nay, ông vẫn còn làm việc tiếp tục cho đề án Y tế Công cộng Việt Nam – trong tâm trạng “khắc khoải”, chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm cho một sự cải cách toàn diện, như được nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến long trọng hứa. Những dòng dưới đây có thể được hiểu là “di chúc” của ông, rằng có những ý tưởng tâm huyết như thế. Nguyễn Xuân Xanh

Klaus Krickeberg - người thầy, người bạn

Klaus Krickeberg (1929 – ) và công trình Dịch tể học của ông

Thật khó để viết về Y tế Công cộng vì những người hoạt động trong lĩnh vực này chỉ đồng ý với nhau về một điều: Trong những thế kỷ vừa qua, thành công lớn nhất của Y tế Công cộng là dự cải thiện sức khỏe của người dân và kéo dài tuổi thọ của họ. Tuy nhiên, người trong ngành thường bất đồng trong việc định nghĩa Y tế Công cộng là gì. Họ chỉ chia sẻ ý tưởng mơ hồ rằng: Y tế Công cộng bao gồm các hoạt động liên quan đến toàn bộ các nhóm người chứ không liên quan đến con người, xét về mặt cá nhân, của các nhóm đó. Hãy để tôi đưa ra ba ví dụ:

– Vào triều đại Hồng Đức (1442 – 1497), “Bộ luật Hồng Đức” được ban hành, trong đó cụ thể cấm việc bán thịt ôi và hạn chế hút thuốc lào.

– Vào thế kỷ 19, vai trò của các vi sinh vật như vi khuẩn và vi rút trong việc phát sinh một căn bệnh đã được phát hiện đối với nhiều căn bệnh đáng sợ nhất, ví dụ như bệnh lao và bệnh tả; quá trình này tiếp tục cho đến gần đây với Covid-19. Do đó, việc ngăn chặn một căn bệnh như vậy trở nên khả thi bằng cách chống lại tác nhân nguyên cớ của nó trong toàn bộ các nhóm người, chứ không riêng lẻ ở từng cá nhân.

– Nhóm ví dụ thứ ba của chúng ta có thể được liệt kê dưới tiêu đề “Hoạch định Y tế, Quản lý Y tế, Kinh tế Y tế”. Một bệnh viện mới được lên kế hoạch xây dựng chỉ với rất ít sự tham vấn nào đó của một bác sĩ y khoa; hầu hết các yếu tố tạo thành của nó như phòng thí nghiệm, các phòng ốc và tòa nhà được xác định bởi các nhóm người được dự kiến sẽ sử dụng chúng.

Sau các cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, các cơ quan y tế Việt Nam đã cố gắng thành lập một hệ thống Y tế công cộng như một “đồng đẳng” tự nhiên của hệ thống Y tế. Nó có thể được mô tả như thế này:

– Ở mỗi trường đại học có Khoa Y thì cũng phải có Khoa Y tế Công cộng.

– Các thành viên của Khoa Y tế công cộng được hưởng chế độ và điều kiện làm việc tương đương với các thành viên của Khoa Y.

– Việc học Y khoa và học Y tế công cộng là tương đương với nhau về điều kiện tuyển sinh, trình độ chung và các quyền mà sinh viên tốt nghiệp ngành Y tế công cộng sẽ có.

– Chương trình học 6 năm y khoa cơ bản phải bao gồm một khóa học ngắn hạn về Y tế công cộng, để mỗi bác sĩ y khoa biết một chút về nó.

Nhưng chẳng bao lâu rốt cuộc chỉ có ý tưởng đầu tiên trong số này được hiện thực hóa: các Khoa Y tế Công cộng được tồn tại. Còn ba yêu cầu khác được liệt kê ở trên, nhìn chung, hoàn toàn không được thỏa mãn. Các bác sĩ y khoa và các tổ chức của họ phần lớn chống lại những yêu cầu này và điều này được thể hiện rõ trong cơ cấu hành chính của toàn bộ dịch vụ y tế. Bộ Y tế thực sự không có Cục hoặc Phòng Y tế Công cộng. Do đó, một số cơ quan hành chính khác cũng cố gắng quản lý lĩnh vực Y tế công cộng mặc dù họ hoàn toàn không đủ năng lực và không thể đảm đương được việc đó. Ví dụ, hai Bộ khác nhau đã cố gắng lập ra các kế hoạch chi tiết (chương trình giảng dạy) cho việc giảng dạy tại Khoa Y tế Công cộng; nhưng những kế hoạch này là hoàn toàn thiếu tính khoa học, cũng như hết sức mâu thuẫn nhau.

Khái niệm về Y tế Công cộng cũng là một thứ gì đó xa lạ với người dân Việt Nam. Hãy để tôi minh họa sự thật này bằng một thực tế. Trong tiếng Việt, lĩnh vực Sức khỏe Công cộng được gọi là “Y tế Công cộng” ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, “Y Tế” có nghĩa là “Medical” hoặc “Physician” trong nhiều cách diễn đạt. Ví dụ: “Ngành y tế” là Medical Profession. Bản dịch chính xác của „Health“ là “Sức khỏe“, do đó, Public Health phải là “Sức khỏe Công cộng” chứ không phải là „Y tế Công cộng“. Tôi khá chắc chắn rằng Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới làm sai lầm này. Vì thế sau đây tôi sẽ luôn luôn sử dụng thuật ngữ chính xác “Sức khỏe Công cộng”.

Tôi làm việc trong ngành Sức khỏe Công cộng Việt Nam từ cuối thập Niên 1980. Khi làm việc đó, tôi đã đi thăm các cơ sở y tế ở hầu hết các tỉnh và tiếp xúc với họ ở tất cả các tuyến, từ trạm y tế thôn bản đến Bộ Y tế. Ở bất cứ đâu tôi cũng vấp phải những trở ngại được phác họa ở trên, với lý do là các cơ quan hành chính và bộ máy quản lý không đủ năng lực. Cuối cùng, tôi quyết định mô tả chi tiết cách ngành Sức khỏe Công cộng ở Việt Nam có thể hoạt động hữu hiệu và có ích như thế nào nếu không có những trở ngại như vậy. Điều này có thể giống như một giấc mơ, nhưng giấc mơ này có thể được làm thành hiện thực và vô cùng hữu ích.

Tôi đã mô tả những điều trên trong một loạt mười bức thư ngỏ mà tôi đã gửi cho Giám đốc của tất cả các Khoa Y tế Công cộng. Kết hợp lại, chúng làm thành một tài liệu dài, với các nhân tố xuất hiện theo một thứ tự phần nào lộn xộn (như trong hầu hết các giấc mơ!). Do đó, tôi sẽ chỉ trình bày ở đây những ý chính của nó, theo những gì tôi nghĩ là một thứ tự khá hợp lý.

Đây là ý tưởng bao trùm:

Việt Nam cần có Viện Sức khỏe Công cộng Quốc gia (NIPH).

Viện này sẽ không phải là một Bộ nhưng có quyền hạn ngang bằng trong lĩnh vực Sức khỏe Công cộng. Đặc biệt, nó sẽ đảm bảo rằng ba yêu cầu chưa thỏa mãn được mô tả bên trên cuối cùng sẽ được thỏa mãn. Một số nhiệm vụ khác của nó là hiển nhiên, cụ thể là tư vấn và giúp đỡ các cơ sở có liên quan đến Sức khỏe Công cộng, ví dụ như Hiệp hội Sức khỏe Công cộng Việt Nam và Đại học Sức khỏe Công cộng Hà Nội, cũng như Viện Pasteur ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có các phòng thí nghiệm thực hiện một số chức năng trong lĩnh vực Sức khỏe Công cộng.

Ngoài ra còn có một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng phải được thực thi càng nhanh càng tốt. Tôi đã viết ở trên rằng ý tưởng Sức khỏe Công cộng là một cái gì đó xa lạ với người dân Việt Nam. Do đó, NIPH phải tổ chức các cách thức giáo dục dân chúng về nhiều mặt mà Sức khỏe Công cộng đang tồn tại xung quanh nó. Các phương pháp để cho làm điều đó trở nên phổ biến: các bài báo, các chương trình Internet hay, các sự kiện đặc biệt…

Sau đây, tôi sẽ đề xuất một số nhiệm vụ kỹ thuật khác cho NIPH.

NIPH có thể tạo ra và điều hành một trung tâm giới thiệu việc làm cho những người được đào tạo về Sức khỏe Công cộng, cho phép các cơ quan, tổ chức chăm sóc Sức khỏe Công cộng được quảng cáo các vị trí còn trống cần đuợc lấp đầy, và những người được đào tạo trong lĩnh vực Sức khỏe Công cộng có thể tìm được một vị trí thích hợp.

NIPH phải xây dựng “Nhà xuất bản Sức khỏe Công cộng Việt Nam” để xuất bản sách tiếng Việt về lĩnh vực này và tư vấn cho những người làm việc trong ngành Sức khỏe Công cộng về các tài liệu hiện có.

Một số nhiệm vụ khẩn cấp của NIPH ít hiển nhiên hơn. Nhiều người Việt Nam biết đến “Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương” (NIHE) và mạng lưới các trạm vệ sinh. Đây là một tổ chức Y tế Công cộng quan trọng. Như được thể hiện bằng từ “vệ sinh” trong tên của nó, nó chỉ liên quan đến các bệnh truyền nhiễm. Một “Viện Quốc gia về Bệnh không lây nhiễm” tương tự là rất cần thiết. Viện này sẽ phụ trách việc ngăn ngừa các bệnh không lây nhiễm quan trọng trên toàn quốc (ví dụ bằng việc tiến hành các biện pháp chống hút thuốc lá!). Viện cũng sẽ tổ chức phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm như hầu hết các dạng ung thư để cho phép điều trị sớm. Nó sẽ cung cấp các số liệu đáng tin cậy về tần suất các bệnh không lây nhiễm và tỷ lệ tử vong do chúng gây ra. Do đó, nó sẽ hoàn toàn khác với NIHE nhưng cả hai viện đương nhiên phải nằm dưới sự bảo trợ của NIPH.

Mặc dù NIPH sẽ không phải là một Bộ, nó sẽ là một cơ quan của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều hoạt động y tế tư nhân không bắt buộc phải áp dụng các quy định của Nhà nước. Tôi đã thấy một bác sĩ tư nhân thậm chí không lưu giữ hồ sơ bệnh nhân; việc này gây hậu quả khủng khiếp cho sức khỏe của một số trẻ nhỏ mà ông ta điều trị. Những lạm dụng tương tự cũng tồn tại trong lĩnh vực Sức khỏe Công cộng tư nhân, chủ yếu là ở các bệnh viện tư nhân. Do đó, NIPH cũng phải xem xét kỹ những quy định nào của mình phải được áp dụng trong các cơ sở Sức khỏe Công cộng tư nhân. NIPH phải được trao quyền để đảm bảo rằng những quy định này thực sự sẽ được áp dụng. Điều này sẽ không dễ dàng và gặp rất nhiều sự chống đối.

(Người dịch từ bản tiếng Anh: Đỗ Thị Thu Trà)

[1] Bài này đã được báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần đăng trong số ngày 03/11/2022, mục Tiêu điểm:

Một ý tưởng cải cách y tế công cộng cho Việt Nam

https://cuoituan.tuoitre.vn/mot-y-tuong-cai-cach-y-te-cong-cong-cho-viet-nam-20221027160457984.htm

 

Vài lời ghi chú

Thầy tôi Klaus Krickeberg - Người yêu mến đất Việt

Nguyên Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao Huân chương Hữu nghị cho GS Klaus Krickeberg ngày 1 tháng 3, 2019 tại Bộ Y tế Hà Nội, cũng là ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 90 của Giáo sư.

Klaus Krickeberg là giáo sư ngành xác suất – thống kê thuộc lớp tinh hoa thời hậu chiến của CHLB Đức. Ông đã dấn thân hơn nửa thế kỷ cho sự nghiệp xây dựng hòa bình Việt Nam, từ những năm 1960, rồi 1970 và chuỗi thập niên sau đó, kéo dài cho đến hôm nay. Ông từng lên xe lửa xuyên Á tại thành phố Bielefeld để đến Hà Nội gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo khoa học Việt Nam. Từ năm 1978, ông hợp tác với Viện Dịch tễ trung ương do GS Hoàng Thủy Nguyên lãnh đạo để phát triển dịch tễ học và y tế công cộng. Năm 2019 GS Krickeberg được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị công nhận những đóng góp quý báu và bền bỉ của ông. Trong buổi lễ này, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó là bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã long trọng tuyên bố ủng hộ chương trình cải cách y tế công cộng của ông (đã được chuyển tới bộ trong một giác thư.

Trong những bài viết dưới đây, tôi có so sánh việc làm của Klaus Krickeberg với việc làm của nhà toán xác suất Mỹ W. Edwards Deming, và hiệu qủa của hai việc làm. Deming là người, bằng toán xác suất thống kê áp dụng vào quản lý chất lượng sản xuất, đã góp phần vào sự vươn lên thần kỳ của Nhật Bản thời hậu chiến. Tôi dự định trong một bài viết sắp tới sẽ giới thiệu vài việc làm và hiệu quả của Deming đối với Nhật Bản, để cho thấy Nhật Bản, chỉ trong một thời gian rất ngắn, 2 năm thôi, đã học và áp dụng những phương pháp toán học mới từ Deming nhanh một cách thần kỳ như thế nào. Họ là bậc thầy về việc tiếp thu cái mới. Không những con người, mà cả các cơ chế của họ hoàn toàn khát vọng và hăm hở với mỗi sự đổi mới. Đó là điều kiện căn bản để thành công. Ở Việt Nam tình hình không được như thế. Khắp nơi mang nặng một sức ỳ ghê gớm, từ con người đến bộ máy. Muốn Việt Nam tiến nhanh, phải thay đổi toàn diện những điều đó. Còn người Hàn nói sao? Họ “không bao giờ học một thứ hai lần”.

Xem thêm các bài:

Klaus Krickeberg: Một đời gắn bó 

Thầy tôi: Klaus Krickeberg – Người yêu mến đất Việt 

Klaus Krickeberg – người thầy, người bạn – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)