Tâm Thư 1990 làm chấn động hệ thống chính trị ở Việt Nam, sau vụ này tên của Bùi Văn Nam Sơn và Nguyễn Ngọc Giao được đưa vào (sau một thời gian dài thì được xóa bỏ) bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở đường Võ Văn Tần TPHCM.

Tâm Thư này xuất phát từ phong trào Việt kiều ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ (bao gồm không ít cựu sinh viên Việt Nam học tập ở Tây Âu trước 1975). Họ bị chính thể cầm quyền nghi ngại, ngăn cản về lại Việt Nam, không được dịp hợp tác để vực dậy đất nước đang ở cận kề khủng hoảng (cũng năm đó, lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam sang gặp phía Trung Quốc ở Thành Đô, làm một mật ước mà đến nay vẫn còn mờ mịt đối với nhân dân Việt Nam, gây ra tâm lý ngờ vực của nhân dân đối với đường lối lãnh đạo đất nước).

Đến nay đã gần 30 năm.

Tài liệu

TÂM THƯ
gửi các vị lãnh đạo Việt Nam
cùng đồng bào trong và ngoài nước
về việc cải tổ hệ thống chính trị

Cách đây 20 năm, bản TÂM THƯ gửi các vị lãnh đạo Việt Nam cùng đồng bào trong và ngoài nước về việc cải tổ hệ thống chính trị (sau này vẫn được biết dưới tên gọi ngắn là TÂM THƯ) đã được công bố, với hơn 700 chữ ký của những người đã tham gia phong trào ở các nước Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản và Úc ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất, chống chính sách xâm lược của Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Ở thời điểm mùa xuân năm 1990, khối Đông Âu sụp đổ, phong trào dân chủ ở Trung Quốc đã bị đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn. Ở Việt Nam, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hoảng sợ, kìm hãm cuộc đổi mới và đàn áp những tiếng nói dân chủ, phần lớn xuất phát từ trong nội bộ Đảng.

Ở nước ngoài, các tổ chức chống đối phấn khởi hi vọng vào sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Việt Nam và Đảng cộng sản. Những tổ chức trước đó chủ trương vũ trang lật đổ nay tuyên bố chọn con đường hòa bình dân chủ.

Nhiều tuyên ngôn, tuyên cáo, hiệu triệu được phổ biến, kêu gọi “chuyển lửa về quê hương”.

Ngay trong nội bộ phong trào Việt kiều ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng đã có ít nhất 4 bản tâm thư kêu gọi dân chủ hóa đời sống chính trị Việt Nam, song bản tâm thư mà chúng tôi công bố dưới đây có tiếng vang hơn cả, có lẽ vì nó tập hợp rộng rãi những thành viên tiêu biểu ở các nước, nội dung thể hiện một lập trường chân thành và trách nhiệm, kiên quyết mà ôn hòa.

Trong bối cảnh diễn biến tình hình trong phe các nước xã hội chủ nghĩa và sự hoảng sợ co cụm của lãnh đạo ĐCS VN, bản tâm thư đã gặp phản ứng tiêu cực của nhà cầm quyền — sự tiêu cực dường như tỉ lệ với tiếng vang của nó trong dư luận, đặc biệt trong nội bộ ĐCS. Những người ký tâm thư hoặc không được cấp visa về nước, hoặc bị cật vấn, hù dọa. Những người được coi là chủ xướng bị theo dõi, cô lập, cấm cửa, có người được nêu tên trong suốt 14 năm trời ở “Viện bảo tàng tội ác Mỹ-ngụy” (đường Võ Văn Tần, TP HCM), danh sách 34 người ký tên đầu tiên (xem ở dưới) được niêm yết ở trụ sở các tỉnh đội và cơ quan công an, nhân viên sứ quán ở nhiều nước (kể cả đại sứ) được chỉ thị ngăn chận đồng bào ký tên hay thúc ép rút tên khỏi tâm thư…

Tuy nhiên, chủ trương mù quáng và thô bạo này không gặp sự đồng tình của cán bộ và đảng viên. Trong chừng mực an toàn cá nhân cho phép, nhiều người (kể cả ở cấp cao nhất) cũng đã kín đáo tỏ thái độ thông cảm, tôn trọng.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bản Tâm Thư, chúng tôi công bố tài liệu này. Vì nhiều lí do. Trước hết, vì yêu cầu của một số bạn đọc ở trong nước và nước ngoài, bởi một lẽ khá đơn giản (và đáng ngạc nhiên) là nó chưa bao giờ được công bố trên tờ báo nào (Diễn Đàn, hay Đoàn Kết năm 1990, khi ban biên tập Diễn Đàn còn chịu trách nhiệm biên tập báo Đoàn Kết). Thứ nữa, để bản đọc có dịp nhìn lại, đánh giá quan điểm của Tâm Thư, xét xem những ý kiến nêu ra đã lỗi thời, hay vẫn còn là nhu cầu bức thiết của xã hội Việt Nam năm 2010.

Nguyễn Ngọc Giao

 

Trong vòng không đầy bảy tháng, cuộc đàn áp đẫm máu phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ  ở Trung Quốc và sự sụp đổ của chế độ độc tài Ceausescu trước sự vùng dậy của nhân dân Rumani, bất chấp tàn sát, khủng bố, đã chứng minh sự phá sản toàn diện của mô hình xã hội chủ nghĩa do Stalin thiết lập ở Liên Xô từ những năm 1930, trong đó, nhân danh giai cấp vô sản, một cá nhân, một nhóm người hay một đảng phái tự cho mình quyền được đứng trên nhân dân, trên Nhà nước và pháp luật. Hoặc do ý thức rõ được sự phá sản đó hoặc do áp lực của quần chúng, từ mấy năm qua và đặc biết từ mấy tháng nay, hầu hết các đảng cộng sản Đông Âu, bắt đầu là Liên Xô, chính thức hay trong thực tiễn, đã từng bước đoạn tuyệt với chủ nghĩa Stalin và quan niệm chuyên chính vô sản, chấp nhận đối thoại hay hợp tác với những tổ chức khác, kể cả đối lập, cùng nhau xây dựng một nền dân chủ thực sư đa nguyên, nhằm huy động mọi sức lực, mọi tài năng đưa đất nước của họ ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay.

Do những đường lối, chính sách không phù hợp với tình hình thế giới cũng như với thực tế của Việt Nam, nước ta đã bị cô lập về mặt kinh tế cũng như ngoại giao và vẫn chưa thoát ra khỏi cảnh nghèo khó. Đau lòng hơn nữa, cuộc đổi mới khởi động năm 1986 đã bị trì hoãn, bỏ lỡ một cơ may lớn, làm tổn thương lòng tin của nhân dân mới phần nào được phục hồi. Những biến cố vừa xảy ra ở Đông Đức, Tiệp Khắc và nhất là Rumani cho thấy là trong một tình hình chính trị, kinh tế, xã hội bế tắc kéo dài quá lâu, sự thụ động bề ngoài của quần chúng mà sức kiên nhẫn chịu đựng dẫu sao cũng có giới hạn, nhiều khi chỉ là sự bình lặng trước cơn bão lớn. Để tránh cho đất nước khỏi rơi vào thảm kịch Thiên An Môn hay Rumani, trước tiên cần nhận thức rằng không thề dùng đàn áp hay bạo động để giải quyết những vấn đề trầm trọng hiện nay của đất nước mà phải tìm được những phương pháp chính trị thích nghi. Chủ động đổi mới nhanh chóng và cơ bản hệ thống chính trị — song song với đổi mới kinh tế — chính là chìa khoá để thoát ra khỏi khủng hoảng, tránh những đổ vỡ cho xã hội ; đó vừa là yêu cầu khách quan cấp bách, vừa là bằng chứng của quyết tâm và thực tâm đổi mới đất nước.

Từ những nhận định nói trên và nghĩ rằng Tổ quốc Việt Nam là của toàn thể nhân dân Việt Nam chứ không phải của riêng ai và nhất là không thể nào đổi mới và xây dựng đất nước nếu không có hoà bình ổn định, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, không nhân danh gì khác ngoài lương tâm, lý trí và tình cảm dân tộc của chính mình, kêu gọi các nhà lãnh đạo hiện nay của Việt Nam, vốn đã có công lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, hãy vì quyền lợi tối cao của dân tộc, sớm cải tổ hệ thống chính trị hiện có bằng cách :

1. thực sự tách rời các định chế của Nhà nước ra khỏi bộ máy chính đảng để cho Nhà nước thu hồi trọn vẹn những quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp của mình, để cho không một ai cũng như không một tổ chức nào có thể đứng trên và chi phối Nhà nước.

2. thiết lập một nền dân chủ đa nguyên, thực sự bảo đảm an toàn cá nhân và các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, lập đảng… nhằm tạo điều kiện cho mọi người Việt Nam, không phân biệt quá khứ, chính kiến hay tôn giáo, tham gia luận bàn và, đặc biệt thông qua tuyển cử tự do, làm và kiểm tra việc nước.

3. ngay trước mắt, mở ra cuộc đối thoại thành tâm với toàn thể xã hội, để toàn dân bàn định một cương lĩnh hành động và đề ra những biện pháp cấp bách đặt nền tảng cho một chế độ thực sự lấy dân làm gốc.

Chúng tôi xin gửi tới đồng bào trong nước những tình cảm thiết tha nhất và tin tưởng rằng rằng đồng bào sẽ vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết thực hiện công cuộc dân chủ hoá đất nước.

Chúng tôi kêu gọi mọi kiều bào từng băn khoăn, thao thức về tình hình và tương lai của quê hương hãy ký tên ủng hộ bức tâm thư và cùng chúng tôi, trong tinh thần hoà giải hoà hợp dân tộc đich thực, tìm những phương thức hoạt động thích ứng nhằm hỗ trợ đồng bào trong nước xây dựng một xã hội dân chủ, tự do, nhân ái, công bằng và ấm no.

Ngày 22 tháng 1 năm 1990

 

DANH SÁCH

những người ký tên đầu tiên (tháng 1.1990) :

1.  Vĩnh Anh (Canada)
2.  Lê Văn Cát (Tây Đức)
3.  Huỳnh Trí Chánh (Nhật)
4.  Nguyễn Văn Chuyển (Nhật) (*)
5.  Lê Văn Cường (Pháp)
6.  Nguyễn Văn Danh (Ý)
7.  Nguyễn Phạm Điền (Úc)
8.  Lê Văn Đồng (Berlin)
9.  Nguyễn Ngọc Giao (Pháp)
10. Nguyễn Tuệ Hải (Úc)
11. Thái Thị Khánh Hạnh (Canada)
12. Nguyễn Văn Hiền (Bỉ)
13. Nguyễn Đức Hiệp (Úc)
14. Huỳnh Hơn (Berlin)
15. Nguyễn Đăng Hưng (Bỉ)
16. Lê Thành Khôi (Pháp)
17. Đinh Cao Minh (Pháp)
18. Lê Minh (Úc)
19. Lâm Thành Mỹ (Pháp)
20. Lương Châu Phước (Canada)
21. Trần Tử Quán (Ý)
22. Bùi Văn Nam Sơn (Tây Đức)
23. Nguyễn Văn Tạo (Berlin)
24. Lê Văn Tâm (Nhật)
25. Tôn Thất Nguyễn Khắc Thiêm (Bỉ)
26. Phạm Duy Thoại (Berlin)
27. Phạm Ngọc Thuần (Pháp) (*)
28. Đào Văn Thụy (Pháp)
29. Văn Thự (Pháp) (*)
30. Nguyễn Kỳ Toàn (Canada)
31. Trương Phước Trường (Úc)
32. Phan Quốc Tuyên (Thụy Sĩ)
33. Đỗ Khắc Uy (Nhật)
34. Vinh, tức Vĩnh Khoa (Bỉ)

(*) đã mất

Source: TÂM THƯ — Diễn Đàn Forum

TÂM THƯ — Diễn Đàn Forum
Tagged on:
%d bloggers like this: