(Bài viết của tác giả TMK, để phổ biến kiến thức cho một nhóm dịch thuật Đức – Anh – Việt, chúng tôi đã xin phép đăng lại ở đây)
Chúng ta thử mường tượng, thời chưa có máy tính hỗ trợ, công việc của một dịch giả coi bộ cũng lắm nhiêu khê và đầy vất vả. Ngoài việc cần sở hữu một khả năng và trình độ ngoại ngữ tốt, có kiến thức và sự am hiểu kỹ về văn hóa/văn chương của ngôn ngữ cần dịch tương ứng để đảm bảo cho chất lượng dịch thuật, người dịch còn cần phải có tính kiên nhẫn chịu khó trong lao động qua miệt mài với các thao tác tái lập thường xuyên.
Thật vậy, nào là bắt đầu từ việc lật từng trang sách ngôn ngữ nguồn, đọc câu/đoạn muốn dịch, tư duy tìm cách chuyển sang ngôn ngữ đích. Bí từ thì phải lật tự/từ điển, tìm đến từ cần tra, chọn nghĩa thích hợp rồi bắt đầu thảo câu dịch ra trên trang giấy. Viết sai hoặc không vừa ý lại bôi bôi-xóa xóa-sửa sửa và cứ thế tiếp tục… cho đến khi xong thì bắt đầu dò, rà soát lại. Phát hiện sai sót, lại bắt đầu chỉnh chỉnh-sửa sửa rồi cứ thế… cho đến khi lên trang bản thảo được chép/gõ lại tươm tất. Rõ, biết bao thời gian công đoạn, biết bao nhiêu thao tác, biết bao sức lực thủ công. Đầu ngước lên cúi xuống, cổ quay qua quay lại, tay lần tra từ điển, tay viết viết-gõ gõ… thế nên, nếu không có đức tính chịu khó, kiên nhẫn, chắc ít ai chịu theo nghề… dịch vật.
Thời đại kỹ thuật số, mạng Internet ra đời, nghề “dịch vật” bắt đầu được cải thiện về sức lao động, qua việc… biết tận dụng các phần mềm và công cụ ứng dụng, như xử lý văn bản (MS Word chẳng hạn) để dàn khung song ngữ, giúp đầu đỡ phải thường xuyên ngước lên cúi xuống, cổ bớt quay qua quay về… biết tận dụng tự/từ điển online, tay đỡ phải lần lật tra từ bí và bản thảo cũng đỡ phải cảnh bôi xóa nhem nhuốc, nham nhở v.v… giúp cho các nhà dịch vật bớt được rất nhiều sự nhọc nhằn, vất vả.
Tuy nhiên không dừng lại ở đấy, nắm bắt được ưu thế phát triển kỹ thuật của thời đại kỹ thuật số, các chuyên gia kỹ thuật liên quan đến ngành dịch thuật lại muốn cải thiện tốt hơn nữa cho nghề dịch đang ngày càng được phát triển, trong bối cảnh giao lưu làm ăn kinh tế trên thế giới ngày càng được nhân rộng và trong điều kiện thế giới ngày càng phẳng hơn, khi nhu cầu và điều kiện giao lưu, chuyển ngữ văn hóa càng phổ biến hơn… thế là ý tưởng CAT ra đời nhằm hỗ trợ hơn nữa, tối đa cho ngành dịch thuật và đã nâng ngành dịch thuật lên tầm “công nghệ dịch”.
CAT (Computer Aided Translation / Computer Assisted Translation) là tên gọi của một phương pháp dịch thuật, qua đó người dịch sẽ sử dụng một phần mềm máy tính để hỗ trợ cho quá trình dịch thuật, mục đích tăng hiệu quả và chất lượng bản dịch. Do đó, đôi khi nó còn được gọi là “phần mềm hỗ trợ dịch thuật” hay ngắn gọn là “phần mềm dịch thuật”.
Như vậy chức năng chính của nó, như tên gọi, là để “hỗ trợ” tối đa, như có thể, mọi công việc dịch thuật cho dịch giả, mà ở đây chúng ta tạm phân thành hai nhóm chức năng hỗ trợ cơ bản chính của nó như sau:
a) Hỗ trợ… thao tác dịch thuật vàb) Hỗ trợ… nội dung dịch thuật
qua đó, nhằm nâng cao chất lượng bản dịch, tăng năng xuất và hiệu quả cho toàn bộ quá trình dịch thuật, giúp tiết kiệm được thời gian, sức lực và kể cả chi phí.
Những hỗ trợ thao tác trong dịch thuật, có thể kể đến như: dàn trang song ngữ (thí dụ như với MS Word), tra từ điển/thuật ngữ, viết/gõ nội dung dịch, edit/chỉnh sửa nội dung bản thảo, rà soát nội dung, theo dõi và quản lý các đề án, thống kê kết quả dịch thuật v.v… giúp người dịch tiết kiệm được rất nhiều công sức và thời gian. Mọi thao tác và chức năng đó đều được hệ thống phần mềm đảm nhiệm, tự động hoặc theo yêu cầu tùy chọn của người dùng.
Còn về chức năng hỗ trợ nội dung dịch thuật, cốt lõi ở đây nằm ở các nguồn tài nguyên dữ liệu, tạm gọi tắt là TB – TM – MT, của những ngôn ngữ tương ứng. Qua đó, người dùng có thể truy cập và truy xuất (khi có nhu cầu hoặc có thể được đặt trong chế độ truy xuất tự động), nhằm phục vụ cho dịch giả đỡ tốn công sức và thời gian truy tìm hay động não:
a) Termbase (TB) – nguồn cơ sở dữ liệu từ vựng: còn được gọi là bảng thuật ngữ hay tự/từ điển (Glossar, Sachwortverzeichnis, Wörterbuch), gồm những từ vựng (song ngữ, đa ngữ) rời, phục vụ cho việc hỗ trợ tra từ tự động… giúp người dịch khỏi phải mất thì giờ lục lọi tra tìm.b) Translation Memory (TM) – nguồn bộ nhớ dịch thuật: cũng là một cơ sở dữ liệu nhưng chứa các phân đoạn văn bản trong ngôn ngữ nguồn tương ứng với những câu dịch chuẩn ở ngôn ngữ đích, được sưu tập chọn làm mẫu hoặc do người dùng tạo ra trong quá trình dịch. Một phân đoạn có thể bao gồm một từ, một câu hoặc một đoạn… qua đó giúp người dịch khỏi phải mất công hay bận tâm suy nghĩ dịch lại các câu có nội dung trùng lập.c) Machine Translation (MT) – nguồn dịch máy tự động: còn gọi là máy dịch, mang tính hỗ trợ gợi ý tham khảo để người dịch có thể dựa theo nội dung gợi ý nháp đó mà chỉnh sửa lại, cho đúng theo ý muốn của mình.
Như thế, nếu chúng ta quan tâm đến 3 yếu tố “Tín – Đạt – Nhã” được đặt ra trong lãnh vực dịch thuật, thì có thể xem, ba nguồn tài nguyên kể trên đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ cho yếu tố “ĐẠT”. Và một khi khối lượng của các nguồn dữ liệu nói trên càng lớn, càng phong phú thì sự hỗ trợ cho dịch giả đạt được cái “ĐẠT” này càng cao, qua việc, đảm bảo các từ ngữ/thuật ngữ cũng như các câu trùng lập dùng trong bài, luôn đạt sự nhất quán và đồng bộ.
Tóm lại, lange Rede kurzer Sinn…
“CAT – phần mềm hỗ trợ dịch thuật” chỉ có hai nhiệm vụ cơ bản chính là… hỗ trợ thao tác dịch thuật và hỗ trợ nội dung dịch thuật.
…mehr nicht!
Và sau cùng, cũng cần nói thêm, “Phần mềm hỗ trợ dịch thuật – CAT” dẫu sao cũng chỉ là một công cụ vật lý hỗ trợ đơn thuần, là nhịp cầu tạo điều kiện để con người và máy tính tương tác với nhau, cho phép người dịch chỉnh sửa thủ công vào sự hỗ trợ của phần mềm theo ý muốn, có nghĩa… người dịch cũng phải cần đầu tư không ít sức lao động và tư duy dịch thuật cơ bản vào toàn bộ quá trình dịch thuật (nhiều hay ít tùy vào chất lượng của phần mềm CAT chọn lựa cũng như khả năng sử dụng nhuần nhuyễn với nó).
Bởi, suy cho cùng, trong dịch thuật, con người vẫn là chủ thể quan trọng, chịu trách nhiệm quyết định về chất lượng sau cùng cho tác phẩm của chính mình.
TMK