TRIZ là một môn khoa học rất khó, bởi nó vừa dựa trên kiến thức đa ngành, vừa cần phải rèn luyện thực hành nhiều. Truyền bá TRIZ trong điều kiện Việt Nam càng khó (do trình độ phát triển kinh tế – kỹ thuật, do thói quen học hành hời hợt và không tò mò đào sâu đến nơi đến chốn). Do vậy, muốn có đủ nghị lực để làm công việc truyền bá TRIZ ở Việt Nam, người ta phải có nền tảng văn hóa sâu rộng để làm điểm tựa vững chắc: cần biết những đặc điểm văn hóa Việt Nam để thích ứng, tùy biến (adapt, customize) TRIZ cho phù hợp, cần biết những quy luật chân thiện mỹ phổ quát của nhân loại và riêng của đất nước để tạo thế giới quan của mình.

Có lẽ vì lý do đó, cộng thêm trải nghiệm từ nhỏ và tầm nhìn về ảnh hưởng của sáng tạo học (đặc biệt ở điểm tránh lạm dụng để gây hại), nên thầy Phan Dũng có quan điểm cẩn trọng về tư cách, phẩm chất của người truyền bá TRIZ. Trước đây có sự kiện thầy Dũng phê bình một cựu học viên TSK về mặt đạo đức, quan điểm của một số người khi đó là thầy Dũng rất khắt khe. Tuy nhiên nếu hiểu chông gai chờ đợi đối với những “người truyền đạo” cho môn khoa học này, thì đòi hỏi cao và toàn diện là cần thiết, để họ nếu đã đi thì không đứt gánh giữa đường và không bị “tẩu hỏa nhập ma”.

Back to Top