MỤC 2

PHÂN TÍCH HÌNH THÁI

Mô tả phương pháp

Trên cơ sở Vòng tròn Lulio, vào thập niên 1930s nhà vật lý thiên văn người Thụy Sĩ F. Zwicky đã sáng tạo ra phương pháp “Phân tích hình thái”.
Nguyên tắc của nó giống như trong Vòng tròn Lulio, nhưng các hoạt động tư duy kết hợp được thực hiện với sự trợ giúp của một bảng có các hình sắp xếp theo hai chiều dọc và ngang.

Sự kết hợp các hình này là cơ sở cho hoạt động phân tích.
Ví dụ:

Tạo ra một con vật tưởng tượng.
Trên đường thẳng đứng có nhiều loại động vật (hình ảnh và phác hoạ) và trên các đường ngang là các bộ phận cơ thể của chúng. Cần phải điền vào tất cả các ô và chỉ ra mối quan hệ ở từng ô giữa loại động vật và đặc điểm của chúng. Sau khi bảng đã đầy, ta có thể tùy ý lấy một số quan hệ và tạo ra một con vật tưởng tượng, chẳng hạn là có đầu là thỏ, cơ thể cá sấu, đuôi cáo và chân hươu cao cổ. Có thể kết hợp nhiều kiểu khác nhau.
Các thông tin trong bảng phụ thuộc vào mục đích của bài học.

(BẢNG) Đầu Thân Đuôi

Thỏ

Hươu cao cổ

Cáo

Cá sấu

Mục đích
– Hình thành ở trẻ em một khả năng đưa ra một lượng lớn các loại câu trả lời khác nhau trong phạm vi một chủ đề.
– Tạo điều kiện để trẻ có thể đánh giá các ý tưởng thu được.
– Dụng cụ này cho phép hình thành sự linh động trong suy nghĩ và phát triển phân tích tổ hợp.

Các bước tiến hành một buổi học
1. Giới thiệu bảng hình thái.

2. Điền vào hàng dọc và hàng ngang (loại và số lượng hình tuỳ theo mục đích và nội dung của buổi học).

Ví dụ:

Sự tồn tại hoặc sống sót trong các điều kiện bất thường.
Trên đường thẳng đứng để các thẻ mô tả các vật thể nhân tạo hoặc tự nhiên (như con chó, bông hoa, chiếc ghế, cái ô).

trên đường ngang để các thẻ mô tả các nguyên tố (lửa, nước, không khí và đất).
3. Kiểm tra mối quan hệ (theo thứ tự hoặc ngẫu nhiên) của các hình ở hàng ngang và hàng dọc. Thảo luận với trẻ về các quan hệ thu được (phân tích hình thái).

Ví dụ:

Làm thế nào một chú chó (hoặc bông hoa, chiếc ghế, cái ô) có thể sống sót khi gặp phải lửa (hoặc nước, không khí, đất).
4. Thảo luận về các cách để bảo vệ các vật thể nhân tạo hoặc tự nhiên trong điều kiện bất thường (như gặp phải lửa, nước, không khí, đất).
5. Xây dựng các quy tắc tồn tại, sống sót của các đối tượng này trong điều kiện bất thường.
6. Tổ chức hoạt động tạo nội dung dựa trên những điều đã thảo luận.

Ví dụ:
Tìm ra cách để bảo vệ bông hoa, hoặc nghĩ ra một câu chuyện cổ tích về việc nhân vật Chiếc Ghế và Cái Ô du hành vào Địa ngục.
Xây dựng Hệ thống các Buổi học cho Trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau
Với trẻ ba tuổi, buổi học được tổ chức trên cơ sở “Con đường Phép thuật” với một hình trên chiều dọc (đối tượng) và từ hai đến bốn hình theo chiều ngang (hình dạng, màu sắc, kích thước). Buổi học được dựa trên nhận thức trực quan về Con đường Phép thuật (là nhiều con đường). Cần chỉ ra các nhân vật, hình ảnh (sơ đồ) hoặc các vật thể được sử dụng.
Với trẻ từ bốn đến năm tuổi, trên đường thẳng đứng của “Con đường Phép thuật” là những hình ảnh hoặc mô tả khái quát (với màu sắc, chữ cái hoặc ký hiệu) của các vật thể có nguồn gốc tự nhiên và (hoặc) nhân tạo. Trên đường ngang là những thời điểm trong ngày, mùa, điều kiện thời tiết, các tình huống khác nhau, chức năng, các kỹ thuật tưởng tượng điển hình.
Trẻ từ năm đến bảy tuổi có thể học với số lượng không giới hạn theo cả hai chiều và có thể xây dựng các tình huống tưởng tượng về sự tương tác giữa chúng, dựa trên nhận thức trực quan về hình thái và từ ngữ được minh họa bởi các hình trên hai chiều.
Phân tích hình thái phải được thực hiện với một nhóm trẻ em dưới hình thức thảo luận (là thành phần của phương pháp “não công” – brainstorming).
Sáng tác các câu chuyện cổ tích trên cơ sở bảng hình thái có thể sử dụng các yếu tố của quá trình sáng tác truyện cổ tích (V. J. Propp “Hình thái học của truyện cổ tích”, 1928).
Nội dung tưởng tượng nên được biến thành những hoạt động tạo nội dung (như vẽ, điêu khắc, cắt dán, ghi lại cốt truyện bằng sơ đồ, v.v.).
KẾT QUẢ MONG ĐỢI
Trẻ có khả năng đưa ra nhiều phiên bản của một câu trả lời trong phạm vi của một chủ đề nhất định. Trẻ độc lập lựa chọn những phiên bản thú vị nhất, đánh giá chúng và đưa ra các chi tiết về hành động tưởng tượng với đủ độ chính xác.
Xây dựng cốt truyện trên cơ sở các nhân vật được lựa chọn độc lập: nhân vật (hoặc các nhân vật) và chức năng (mục tiêu). Mô tả những thay đổi về phẩm chất và hành vi của nhân vật trong các tình huống khác nhau.

Trò chơi & Bài tập sáng tạo
Hoạt động: (dành cho trẻ 4-5 tuổi)
Làm thế nào gà trống chọn màu sắc cho mình
Mục đích:
Giúp trẻ hiểu rõ về màu cơ bản và màu sắc nói chung. Khuyến khích trẻ tưởng tượng trên cơ sở của việc thay đổi màu sắc. Trên đường thẳng đứng vẽ một hình phác hoạ một con gà trống (chỉ có màu đen trắng).
Dụng cụ:

Trên đường kẻ ngang đặt các đốm màu (như vàng, xanh lục, v.v.)
RA: gọi tên những màu trẻ biết. Cho trẻ chọn màu để tô một phần nào đó của gà trống.
IA: chú gà trống sẽ du hành trên “Con đường Phép thuật” của màu sắc. Chú đến thăm lần lượt từng màu sắc khác nhau, và thế giới xung quanh chú chuyển màu một cách tương ứng. Đánh giá sự thay đổi này với các cấp độ “tốt / xấu”.

Trò chơi & Bài tập sáng tạo
Hoạt động: (dành cho trẻ 4-5 tuổi)
Đi thăm thế giới thực vật
Mục đích:
Giúp trẻ hiểu rõ điều kiện mà từng loại thực vật tồn tại. Khuyến khích trẻ tưởng tượng được các tình huống có thể xảy ra khi một đối tượng tương tác với môi trường xung quanh.

Dụng cụ:
Theo chiều ngang đặt những thẻ miêu tả các loại thực vật (cây bạch dương, nam việt quất, hoa hồng, cây xương rồng).
Trên chiều dọc đặt những thẻ mô tả cảnh quan thiên nhiên (đầm lầy, vườn, sa mạc).
RA: chọn một loại cây và nói ra nơi nó sống (một bông hồng mọc trong vườn), giải thích tại sao.
IA: chọn bất kỳ thẻ nào và đặt nó vào một vị trí bất thường trên bảng trạng thái (trong ví dụ này thể hiện việc một loại thực vật mọc trong một điều kiện tự nhiên không giống với điều kiện thường tìm thấy nó). Yêu cầu trẻ giải thích điều gì hoặc tại sao loại thực vật đó có thể tồn tại.
Ví dụ: bụi nam việt quất sống ở đầm lầy nhưng vẫn cảm thấy khô cằn, và nó sống sót được bằng nước do cây bạch dương cung cấp.

Trò chơi & Bài tập sáng tạo
Hoạt động: (dành cho trẻ 4-5 tuổi)
Chuyến du hành đến đất nước của Toán học
Mục đích:
Dạy trẻ áp dụng kiến thức toán đã được học. Sáng tác những câu chuyện có liên quan đến sự biến đổi tưởng tượng của một đối tượng.
Dụng cụ:
Trên chiều ngang đặt các sơ đồ gợi đến các yếu tố toán học (đồng hồ, hình dạng hình học, số, vấn đề, v.v.). Trên chiều dọc có hai hoặc ba đối tượng (tàu hoả, chim sẻ).
RA: xem xét các hình ảnh. Giải thích những thông tin toán học nào là cần thiết cho việc tương tác với một đối tượng nhất định.
Ví dụ: tàu hoả chạy theo lịch trình, và chim sẻ chỉ hoạt động trong những giờ có ánh sáng trong ngày.
IA: sáng tác một câu chuyện về cách một chú Chim sẻ bé xinh và người bạn Tàu hoả quyết định đến thăm đất nước của Toán học và những gì xảy ra sau đó.

Người dịch chính: Nguyễn Thế Phương

Kiểm tra bản dịch Anh – Việt

Back to Top