ĐỪNG RÁNG DỊCH NHỮNG GÌ BẠN KHÔNG HIỂU RÕ (bài viết của Hoàng Ngọc-Tuấn)
Khi dịch thơ, dịch văn ngoại ngữ ra tiếng Việt, nếu bạn thấy bất cứ chỗ nào mà bạn không hiểu, hay bạn chỉ hiểu mang máng, thì bạn đừng ráng dịch. Hãy dừng lại, và hãy chịu khó tra cứu, tìm hiểu, cho đến khi nào bạn thực sự hiểu rõ chỗ đó, thì bạn mới nên dịch. Lời khuyên này tưởng như quá thừa, nhưng lạ thay, vô số “dịch giả”, thậm chí “dịch giả nổi tiếng” ở nước ta vẫn mắc phải.
Ngay ở trang đầu cuốn “Lolita”, khi Dương Tường dịch “District of Columbia” thành “miền Columbia”, thì rõ ràng là ông ấy chẳng biết “District of Columbia” là “thủ đô Washington”, nên ông ấy bèn đoán mò và dịch ẩu thành “miền Columbia”! Vì đoán mò và dịch ẩu như thế, Dương Tường đã mắc phải hàng trăm lỗi trong bản dịch “Lolita”.
Trong bản dịch “Hạt cơ bản” (từ nguyên tác “Les Particules élémentaires” của Michel Houellebecq), Cao Việt Dũng đã dịch câu “Mon père est mort il y a une semaine, dit-elle. Un cancer de l’intestin” thành: “‘Bố em chết cách đây một tuần’, nàng nói. ‘Ung thư tử cung’.”Đây là lỗi dịch khôi hài nhất trong nhiều ngàn lỗi dịch mà Cao Việt Dũng đã mắc phải trong hàng loạt nhiều cuốn sách dịch như “Bản đồ và vùng đất” (Michel Houellebecq), “Những kẻ thiện tâm” (Jonathan Littell), “Vô tri” (Milan Kundera), vân vân và vân vân… Tất cả chỉ vì đoán mò và dịch ẩu.
Trong bản dịch cuốn tuyển tập “Truyện ngắn Úc”, Trịnh Lữ đã đoán mò và dịch ẩu hàng trăm chỗ. Thậm chí, những chữ đơn giản như “the tall, grey paling fence”, nghĩa là “hàng rào cao, làm bằng những thanh gỗ dẹp” (“paling fence” là kiểu hàng rào rất thông dụng ở Úc), thì Trịnh Lữ dịch thành “dãy hàng rào cao màu xám nhợt”, vì anh ta tưởng “paling” là “nhợt” (pale)! Còn một chữ khác cũng khá phổ thông ở Úc mà những người Úc gốc Anglo-Saxon thuộc thế hệ trung và cao niên vẫn còn dùng là chữ “tea”, với nghĩa “bữa ăn tối”, như trong câu văn này: “He was sixteen yesterday and went off to the pictures by himself after the early birthday tea. We always have an early tea on birthday nights.” [Hôm qua nó tròn mười sáu tuổi và nó đã đi xem phim một mình sau bữa ăn tối sớm hơn thường ngày để mừng sinh nhật nó. Vào những đêm sinh nhật, chúng tôi luôn ăn tối sớm hơn thường ngày.] Trịnh Lữ đã dịch thành: “Hôm qua là ngày sinh nhật thứ mười sáu của nó, và nó đi xem phim một mình sau khi uống trà sớm hơn mọi ngày. Kỳ sinh nhật nào chúng tôi cũng uống trà sớm hơn thường lệ.” Hiển nhiên là anh ta không biết lối dùng từ ở Úc, thế nhưng anh ta vẫn xông vào dịch truyện Úc. Thế mới… tài.
Nguyễn Trung Đức, một người chuyên dịch thơ văn tiếng Tây-ban-nha ra tiếng Việt, đã được rất nhiều người ca tụng như một dịch giả “rất uy tín” của những truyện ngắn và tiểu thuyết của Gabriel García Márquez, nhưng ông ấy cũng đoán mò và dịch bừa chẳng kém Trịnh Lữ. Chẳng hạn, khi Nguyễn Trung Đức dịch “Qué vaina!” thành “Vỏ đậu gì thế!”, hay “Qué buena vaina!” thành “Vỏ đậu gì tốt thế!”, thì hiển nhiên ông ấy đã chẳng hiểu gì cả. Ở Colombia, “Qué vaina!” có nghĩa là “Đau đớn thay!” hay “Thảm hại quá!”, và “Qué buena vaina!” có nghĩa là “May mắn thay!” hay “Khoái trá quá!”
Nguyễn Trung Đức đã vấp phải rất nhiều lỗi trầm trọng như thế trong những bản dịch của ông ấy, vì có lẽ ông ấy học tiếng Tây-ban-nha theo nghĩa trong từ điển Tây-ban-nha nhưng ông ấy lại không hề biết những biến thiên về ngữ nghĩa khi tiếng Tây-ban-nha được sử dụng ở những quốc gia Mỹ La-tinh. Vì không hiểu người ta nói gì, Nguyễn Trung Đức đã ráng dịch bằng cách… đoán mò. Đó là chưa kể những chữ rất thông thường, rất hiển nhiên, nhưng ông ấy vẫn không chịu tra từ điển cho đàng hoàng, mà cứ đoán mò và dịch ẩu, chẳng hạn, ông ấy đã dịch cái nhan đề truyện ngắn “El etnógrafo” của Jorge Luis Borges thành “Nhà nhân chủng học”. Tất nhiên là sai bét! “El etnógrafo” là “Nhà dân tộc học”, còn “El antropólogo” thì mới là “Nhà nhân chủng học”.
Nếu không hiểu, hay chưa hiểu rõ, thì hãy thong thả suy nghĩ, tìm hiểu cho chính xác, rồi mới dịch, chứ sao lại phải ráng dịch liều, dịch ẩu? Ngoại trừ những trường hợp người dịch “lỡ ký hợp đồng” dịch thuê, nên đành phải ráng dịch cho xong để… ăn tiền, thì tôi đoán rằng một số người dịch đã không ước lượng trước được những chỗ khó khăn mà mình sẽ không vượt qua nổi. Sau khi đọc lướt qua một bài thơ, một cái truyện, một tiểu luận, một cuốn tiểu thuyết… người dịch cảm thấy khoái, bèn lao vào dịch, mà không ngờ rằng, trong khi đọc lướt, mình cứ tưởng rằng sẽ dịch dễ dàng, thế mà khi bắt tay vào việc thì mới dần dần phát hiện ra những câu, những chữ hóc búa. Than ôi, làm sao đây? Họ bèn… đoán mò và dịch ẩu. Thậm chí, đôi khi gặp phải những chỗ “quá hóc búa”, chẳng biết đoán mò cách nào, thì họ bèn… “chạy làng” luôn những chỗ ấy. Đó là nguyên nhân của những chỗ bị “dịch sót” mà ta thường thấy trong những bản dịch tồi. Còn nếu không “chạy làng”, thì họ bèn dịch… “tầm bậy”.
Để phát hiện những chỗ “dịch ẩu”, “dịch tầm bậy”, đôi khi độc giả không cần phải tìm nguyên tác để so sánh. Trong khi đọc những bản dịch, nếu độc giả gặp phải những câu, những chữ mù mờ, trúc trắc, lãng xẹt, hay vô nghĩa, thì độc giả có thể đoán rằng đó là những chỗ mà dịch giả đã lúng túng, đã “gỡ không nổi”.
Ấy, thế nhưng nhiều “dịch giả” đã dịch sai bét, rồi đến khi bị chê trách thì lại cãi chày cãi cối rằng “tôi đã dịch thoát chứ đâu có dịch sai”, hay “bạn có thể không thích lối hành văn của tôi, nhưng tôi vẫn dịch đúng”, hay “không bao giờ có một bản dịch hoàn chỉnh, vì một văn bản ngoại ngữ có thể được các dịch giả diễn đạt qua những phong cách khác nhau”, vân vân và vân vân.
Cãi bướng như thế chẳng hay ho gì đâu, vì dịch sai là dịch sai. Dịch sai thì không đồng nghĩa với “dịch thoát”. Để “dịch thoát” thì trước hết phải hiểu cho đúng nghĩa, rồi mới “thoát” sao cho ngoạn mục, chứ hiểu sai bét thì còn “thoát” đàng nào! Dịch sai cũng chẳng đồng nghĩa với sự sử dụng một lối “hành văn” đặc biệt nào đó, và cũng chẳng đồng nghĩa với sự “diễn đạt qua những phong cách khác nhau” nào đó.
“Đau đớn thay!” thì chẳng bao giờ có nghĩa là “Vỏ đậu gì thế!” 🙂