Việt Nam cũng đã có một số chương trình nghiên cứu tương tự về năng lượng nhưng lại có ít chỗ cho NLTT, ví dụ trong năm năm thực hiện chương trình KC 05/11-15 “Nghiên cứu và ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, chỉ có khoảng 7/34 đề tài về NLTT2. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu có thể tham gia giải quyết được những vấn đề lớn vượt khỏi phạm vi một trung tâm nghiên cứu, một trường đại học, cần phải có những chương trình KH&CN ở tầm quốc gia về NLTT với sự tham gia của doanh nghiệp. Theo quan điểm của TS. Thuật, đã đến lúc cần phải có những chương trình như vậy mới “cứu” các nhà nghiên cứu khỏi cách làm cũ là đề xuất đề tài chỉ để viết bài báo quốc tế và đào tạo mà chưa hướng đến ứng dụng trong công nghiệp. Còn TS. Đức cho rằng, đi kèm với chương trình đó là việc xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm về NLTT hoạt động theo cơ chế mở nhằm tạo điều kiện làm việc tốt cho nhiều nhóm nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Các phòng thí nghiệm trọng điểm này sẽ là nơi thích hợp cho việc tập hợp các nhà nghiên cứu trong nước cùng làm việc cũng như trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài. Vậy khi chưa có những chương trình như vậy, các nhà nghiên cứu Việt Nam duy trì nghiên cứu theo cách nào? Về cơ bản, họ có ba cách: thực hiện đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ, tham gia một số chương trình hợp tác quốc tế liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình hoặc kết hợp với một vài tổ chức trong nước và quốc tế làm một số dự án về áp dụng mô hình sử dụng NLTT ở một vài địa phương, vốn mang ý nghĩa vận động chính sách là chính.

Source: http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Phat-trien-nang-luong-tai-tao-Thuc-trang-dao-tao-va-RD-10524

Phát triển năng lượng tái tạo: Thực trạng đào tạo và R&D
%d bloggers like this: