GS Nguyễn Huệ Chi, con cả của Nguyễn Đổng Chi, viết lại trong một thư gần đây đăng trên trang Viet-studies (Lược bày những sự thật
khác với bài nói của ông Nguyễn Văn Hoàn):
1. b. Cũng để làm rõ thêm “sự quay quắt chính trị” của tôi, ông Nguyễn Văn Hoàn còn dẫn chứng, bố tôi – Nguyễn Đổng Chi – “không phải là người không thèm vào Đảng” mà“cũng xin vào Đảng nhưng người ta không kết nạp, dù người ta vẫn trọng thị ông là một trí thức làm việc nghiêm túc”. Rất lạ lùng là chưa bao giờ và ở đâu tôi đã nói bố tôi “không thèm vào đảng”. Nói thế sao được, bởi, thân phụ tôi vốn từ lâu lắm rồi đã là… một đảng viên. Sau khi ông mất, trên báo chí đã có người viết về điều này. Cụ thể là ông Nguyễn Chung Anh, một người hoạt động cùng thời với bố tôi trước 1945, là tác giả cuốnHát ví Nghệ Tĩnh, sau này là Vụ trưởng Vụ đối ngoại Bộ Nội thương. Năm 1984 bố tôi qua đời, ông Nguyễn Chung Anh viết bài Nguyễn Đổng Chi nhà văn, nhà khoa học, đăng trên Tạp chí Văn học, có đoạn chỉ rõ: sau hai tháng tham gia tự vệ Thủ đô trong những ngày đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, “Trở về lại khu IV, ông [Đổng Chi] sẵn sàng nhận bất kỳ công việc gì mà trên giao phó, từ việc đi trồng trẩu tại nông trường Bà Triệu (Nghĩa Đàn), đến công tác Chánh văn phòng Ban Kinh tài Liên khu ủy IV, cho đến Giám đốc NXB Dân chủ mới Liên khu IV. Còn nhớ thời kỳ ở Nông trường Bà Triệu, ông phụ trách thanh niên. Đêm đêm ông đã đi ngựa hàng chục cây số vào các làng bản trong rừng dạy bình dân học vụ cho đồng bào Mường [… ] Ông được kết nạp Đảng vào cuối năm 1947, cũng tại nơi rừng núi này(4)”. Cũng nói thêm, sau thời gian làm Chánh văn phòng Ban Kinh tài Liên khu ủy IV và Giám đốc NXB Dân chủ mới LK IV, cuộc đời bố tôi đã có một sự rẽ ngoặt. Cùng với anh trai (Thứ trưởng Bộ Y tế) và em trai (Quản đốc Xưởng giấy Đông Nam ở Hà Tĩnh) cả ba đều bảo nhau xin nghỉ công tác, trở về quê vào năm 1953, khi biết tin bà Nguyễn Thị Năm bị tử hình trong Cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên. Rồi khoảng một năm sau khi về, gặp cuộc CCRĐ đợt V ở quê nhà, ông lại bị quy thành phần địa chủ và khai trừ khỏi đảng. Chính vì lẽ đó, khi bài viết của tác giả Nguyễn Chung Anh được đăng lại trên nhiều sách và báo, như Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam in lần thứ 7 (1993), lần thứ 8 (1999), lần thứ 9 (2015), hay Văn hóa Nghệ An (năm 2015 – nhân 100 năm sinh Nguyễn Đổng Chi)…, để bạn đọc khỏi hiểu lầm, tôi đã mạnh dạn thêm một dòng chú thích ở dưới trang có đoạn vừa trích dẫn: “Đến năm 1954, trong phong trào Phát động giảm tô và CCRĐ đợt 5 ở Nghệ-Tĩnh, vì gia đình bị quy là địa chủ, Nguyễn Đổng Chi bị đưa ra khỏi Đảng (chú thích của con trai tác giả). Ở đây nữa, chỉ mong Anh cân nhắc để hiểu cho cái tâm của tôi là người con, không thể nói sai sự thật khi đưa các thông tin về bố mình.
Kho tàng truyện cổ tích VN, Tập I, in lần thứ 8, NXB GD, 1999; tr 28
Kho tàng truyện cổ tích VN, Tập I, in lần thứ 8, NXB GD, 1999; tr 29
Nguồn: http://www.viet-studies.net/NguyenHueChi_v_NguyenVanHoan.html