Kể chuyện: BS. Phạm Lương Giang
Trình bày: BS. Phạm Nguyên Quý

Như một định mệnh, tôi là bác sĩ Ngoại-Sản lại “bị” điều về làm việc ở Bệnh viện ung thư và trở thành bác sĩ chuyên khoa ung thư. Năm đầu tiên, làm việc và đào tạo tại Khoa Hóa – tức là ung thư nội khoa. Thời đó nghèo khó, thuốc men hóa trị nghèo nàn và khan hiếm, khoa Nội trở thành cái khoa chẩn đoán, chăm sóc và….chờ chết. Bệnh viện, bệnh nhân đã biến tôi thành con người khác hoàn toàn không chỉ về tầm nhìn, kỹ năng chuyên môn y khoa mà cả về quan điểm đạo đức, giá trị đời người và vẻ đẹp của cuộc sống.

Làm việc trong bệnh viện ung thư được bốn năm thì tôi gặp em – người em gái nhỏ ung thư giai đoạn cuối. Hoàn cảnh của em cực kỳ khó khăn, em là đứa con duy nhất của má và là đứa con rất có hiếu. Bởi vậy, căn bệnh ung thư bất ngờ xuất hiện mà không thể nào trị được đã hành hạ em về thể xác lẫn tinh thần vô cùng khốc liệt. Tôi lấy cớ xét duyệt điều trị, lập hồ sơ cho em nhập viện vào khoa tôi (Khoa xạ trị ngoài). Đương nhiên là không còn chỉ định điều trị đặc hiệu nữa, nhưng tôi không cho xuất viện mà chuyển hồ sơ sang bệnh nhân điều trị ngoại trú của khoa. Từ hồ sơ đó, tôi lấy thuốc và dịch truyền của bệnh viện về điều trị tại nhà cho em vào những chiều tối hoặc chủ nhật khi mà tôi rảnh. Nhờ đó cái đau, cái mệt, cái khó thở của em có phần nào được cải thiện. Nhưng nỗi đau tâm hồn của em thì không có thuốc nào chữa được. Em cứ dằn vặt không thực hiện được chữ hiếu của người con, lại còn làm khổ má. Em hoảng loạn vì cái chết chắc chắn sẽ đến. Có lúc em quẫn trí, vừa khóc vừa nói với tôi rằng: “Thôi bác sĩ đừng đến lo cho em nữa, hãy để cho em được chết sớm đi ngày nào hay ngày đó”. Nhưng rồi lại sợ chết vì chết đi thì biết má em sẽ ra sao. Tôi cứ lấy thuốc về và điều trị đều đặn cho em. Vài ba hôm thì em không nói chuyện từ chối điều trị nữa.

Vài tuần sau, có một buổi tối khi tôi đến khu xóm bị cúp điện, ánh trăng sáng ngà. Tôi ngước mắt lên, ừ, bữa nay là ngày rằm. Gặp em, em mừng rơn “Bác sĩ ơi, em và má trông bác sĩ muốn chết luôn, cứ lo bác sĩ không đến được”. Đến khi tôi ngồi canh chai nước biển cho em, em nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến và nói rằng “Bác sĩ ơi, đây là lần đầu tiên trong đời, em và má mới được có người lưu tâm giúp đỡ. Mừng muốn khóc luôn. Thương bác sĩ quá mà không biết gọi bác sĩ bằng gì”.
“Thì đang gọi là bác sĩ đó!” – tôi bật cười – “Bác sĩ là cách gọi mà tôi thích nhất, bác sĩ là hai tiếng tôi tự hào”.
“Bác sĩ và y tá là những thứ, à, những người khó ưa, em không thích!” –cô bé phản ứng. “Ừ thì….” – tôi ngần ngừ suy nghĩ – “thì gọi là anh Hai vậy, anh Hai là cách gọi có lẽ hay đấy, anh Hai là từ dễ thương nhất trên đời này”. “Ừ, vậy Bác sĩ là anh Hai nha, em là Út nha”. Cô bé mừng vì có anh Hai.
Khoảng hai tuần sau, bệnh dần dần làm mệt hơn, một chiều mưa Út ngấn lệ nhìn anh Hai mà rằng “anh Hai ơi, mai mốt Út chết rồi không biết má ra sao…”. “ừ, việc đó thì để anh Hai lo, anh sẽ thỉnh thoảng về xem má có sao không, cảm ho thì anh lấy thuốc về cho má uống liền”.

Nằm nhà một mình với cái giường trống không, người ta dễ nghĩ ngợi đủ thứ linh tinh. “À, Út nè, CON NGƯỜI TA KHÔNG BAO GIỜ CÓ CHẾT ĐÂU ÚT ƠI. AI CŨNG CHẾT CẢ NHƯNG THỰC SỰ CHẲNG CÓ CHẾT”. “Anh Hai nói gì em không hiểu, chết rồi lại không chết?”
“Ừ, đúng vậy….thế này nha…” – nhà chẳng có tấm hình nào, đành phải nói chay cho Út hiểu – “tưởng tượng mỗi năm mình chụp lưu niệm một tấm hình. Bây giờ rút ra hình năm lên một, lên năm, lên 10, 15, 20 tuổi. Sẽ thấy các hình hoàn toàn khác nhau. Hình khác nhau bởi người ở năm khác nhau là những người hoàn toàn khác nhau. Khác nhau không phải chỉ về hình dáng, tính tình mà khác nhau từng cái chất trong cơ thể. Như vậy là người năm lên một tuổi chết đi thì mới có người lên năm tuổi, người năm tuổi chết đi mới có người mười tuổi xuất hiện…cứ như thế, người ngày hôm nay chết đi để người ngày mai xuất hiện. Cái cũ nào chết đi cũng là khởi đầu cho cái sinh mới xuất hiện, bởi vậy chết hoài nhưng thực sự không có chết”. “Anh Hai nói nghe rắc rối quá, người chết chui vào hòm hay thiêu đi em đâu thấy ai xuất hiện đâu? Cái chuyện chết anh Hai nói khác, cái chuyện chết của em khác” – vài ngày sau Út phản ứng lại những lời anh Hai. Nói xong Út khóc sụt sùi.

Chẳng biết nói lại làm sao, anh Hai đứng họng, về nhà vắt tay lên trán suy nghĩ câu trả lời cho em nó hiểu. Mấy ngày sau – “Út à, có những người đi giải phẫu thẩm Mỹ về thay hình đổi dạng hoàn toàn cả xóm không tài nào nhận ra, con chó sủa gâu gâu, con mèo kêu meo meo lạ hoắc. Thực sự bằng việc mổ thẩm mỹ người đẹp cũ đã chết, thay bằng người mới xấu hoắc xuất hiện. Sự thay hình đổi dạng đó chính là một cái chết của thân xác nhìn thấy được mà ta không ngờ mà thôi. Thân người cấu tạo bởi phần nhìn thấy và phần không nhìn thấy, phần không nhìn thấy gọi là tinh thần Út à. Có kiểu chết thân xác nhìn thấy của con người ta còn đó và chỉ từ từ rã ra rồi tan biến đi, còn cái phần không nhìn thấy sẽ chuyển sang dạng vật chất hoàn toàn lạ gọi là ở thế giới khác mà Út và nhiều người chưa nghe. Không biết nên cứ sợ chết tầm bậy tầm bạ”.
Út nằm nghe, rồi nói một mình “Ừa, có lý ha”. Cũng chẳng “có lý” được lâu, đã nói rồi, người nằm một chỗ và không có việc là suy nghĩ đủ thứ mà người mắc bận đi làm chẳng có nghĩ ra. “Út giờ 22 tuổi, không biết hồi 15 tuổi mình ra sao, không có hình mà. Mai mốt sang thế giới khác cũng không biết bây giờ là gì, không có má, không có anh Hai, chết thành như không!”. Người lại khóc nữa, người lại cứng họng nữa. Im lặng, về nhà nghĩ tiếp…
Anh Hai cứ đến điều trị nhưng luôn lảng không nói chuyện sống chết cho đến khi Út lại thổn thức “Thế là hết rồi, một mình con chết thôi, má và anh Hai ở lại…chẳng biết mình mai mốt đi về đâu….”.
“Út à, anh Hai nói rồi, đâu có chết mà chỉ  là đi xa thôi, cũng chẳng phải đi mà là ở lại” – anh Hai gắng sức giảng giải cho cái đầu Út được thông –“Khi Út thở ra là có hàng tỷ nguyên tử của cơ thể Út thoát ra trong nhà này, anh Hai hít không khí vô là hàng tỷ nguyên tử đã từ cơ thể Út nhập vào cơ thể anh Hai. Ngược lại cơ thể Út cũng nhập hàng tỉ nguyên tử của cơ thể anh Hai. Như vậy, khi chúng ta đang ở chung trong căn nhà là thân thể và tâm hồn chúng ta đang hòa nhập vào nhau. Út đi xa mang theo cả một phần thân thể của anh Hai chứ đâu đi một mình, và anh Hai ở lại thì cũng mang một phần thân thể của Út, đâu thể nào quên”. Út lặng yên nằm suy nghĩ, anh Hai lim dim vì buồn ngủ sau một ngày làm việc.

tôi ru em ngủ

Hết chai dịch truyền và chích xong mũi thuốc cho Út, anh Hai nói tiếp “Sáng mai, Út ngó lên trời coi một đám mây. Nhìn sơ qua Út sẽ cứ nghĩ đó là đám mây riêng biệt. Nhìn kỹ sẽ thấy đám mây không có giới hạn rõ vì bờ rìa của đám mây hơi nước mờ dần, tức là các đám mây hòa quyện vào nhau ở phần hơi nước loãng. Nhìn chăm chú sẽ thấy cái đám mây mình nhìn từ từ tan biến và ở khoảng trời xanh gần đó có đám hơi mờ từ từ hiện rõ ra, dày lên thành một đám mây mới. Có khi mây trên trời tan sạch thành mưa, những giọt mưa xuống đất thành dòng trên đường đổ vào ống cống ra sông ra biển. Cứ tưởng mây đã chết, thực sự mây đâu có chết. Con người cũng y hệt vậy, là một đám mây nguyên tử. Con người đi trong không gian như một sao chổi, phần đậm đặc nhất là ta nhìn thấy được và xác định một người, còn phần chất loãng kéo thành vệt dài ta không nhìn thấy được nhưng con chó hay con chim hải âu nhìn thấy được bằng mắt bằng mũi của chúng, cái phần này có khi kéo dài hàng kilometer. Anh ngồi đây, Út ngồi đây nhưng quanh mỗi người là phần thân thể loãng không nhìn thấy được chiếm hết cả căn nhà lan ra ngoài ngõ này. Cái phần loãng của hai thân thể mình đang hòa quyện vào nhau. Là người hay là vật, bất kể thứ gì cũng có ngày đám mây đậm đặc gọi là thân thể tan rã và chảy về một thế giới nào đó chứ không phải là chết biến mất không còn gì”
Hai anh em nhà đó cứ nói chuyện qua lại như thế qua những buổi anh Hai đến chích thuốc và truyền nước biển.

Thấm thoát hơn một tháng lại trôi qua và Út đã hoàn toàn không sợ chết nữa, bởi em đã hiểu quy luật đời là thế, ai cũng sẽ trải qua như thế. Một chiều mưa lâu, làm anh Hai đến trễ cho nên xong việc thì đã quá nửa đêm. Anh Hai chuẩn bị ra về thì Út níu tay anh Hai lại và nghẹn ngào “Anh Hai ơi, ngồi lại với em chút xíu nữa đi, Em sợ phải xa Anh”.
“ ???”.
“Không có anh Hai, em thấy mệt khó thở và đau dữ lắm. Không phải như những lúc có anh, như bây giờ đâu anh à”. À thì ra là vậy, anh Hai hiểu rồi. Và thế là ngồi lại giảng giải cho em nó hiểu khi người ta chú tâm vào cái đau và thân thể mình thì sẽ thấy cái đau cái mệt sẽ tăng lên. Người bệnh thường gọi bác sĩ y tá vào ban đêm là vì vậy. Người bình thường hay đau dữ khi trong hoàn cảnh cô đơn, có thể đau đến mức độ không chịu nổi phải tự tử. Anh Hai khuyên Út đừng nghĩ đến bệnh, đừng nghĩ về bản thân mình và hoàn cảnh mình bằng cách tập trung suy nghĩ về một điều gì khác. Rồi anh Hai ra về suy nghĩ mông lung lắm, tìm cách hướng dẫn cho em nó nghĩ để bớt đau và mệt. Tối hôm sau đến, Út tâm sự với ông anh rằng “Anh Hai ơi, em nghe anh Hai dạy hôm qua em nhớ lại những khi chờ mong anh Hai đến, gọi tên anh Hai là em quên đau và mệt. Nhưng những lúc tối vắng chiều mưa em nhớ và trông anh muốn chết luôn, còn đau và mệt hơn bị bệnh nó hành”.

Hai ngày sau, anh Hai bác sĩ chạy thục mạng vô chùa kiếm sư phụ, bồi dưỡng cấp tốc hai tiếng đồng hồ về đức Phật Vô Lượng Quang và cõi Cực lạc.
Anh Hai đã chỉ cho Út cái cách chú tâm niệm danh đức Phật A-di-Đà. Không chỉ giúp chống đau và mệt lúc này mà còn cực kỳ quan trọng trong ngày ra đi. Đức Phật Vô Lượng Quang rất từ bi, ngày ra đi chỉ cần nhớ và niệm tên Ngài là Ngài sẽ đến đón và đưa về cõi Tịnh Độ của ngài.
“Em nhớ dồn tâm tập luyện niệm Phât A-Di-Đà nhé!” – Anh Hai Ân cần dặn dò Út.
“Dạ, nhưng sau này Má và anh Hai có về xứ ông Phật này không?”
“Ừa, có nhiều cõi thiên đàng lắm, nhưng anh thấy nhiều người xin về cõi Tịnh độ của Phật A-Di-Đà, anh nghĩ về sau anh và nhiều người cũng sẽ xin được về nơi ấy. Nhiều người quen biết sẽ gặp lại nhau nơi ấy”.
“Vậy thì ngày ra đi em niệm Phật A-Di-Đà, em niệm tên Má và anh Hai xin sẵn trước cho mọi người luôn.”
“Không được, lùm xùm quá, lộn xộn rối bù như thế coi chừng không niệm đúng danh đức Phật A-Di-Đà mà kêu nhầm tên con quỷ nào đó, em về xứ quỷ là coi như xong phim. Chỉ được nghĩ đến đức Phật thôi, không được niệm bất kỳ ai khác, nhớ nha!”.
“Anh hai hứa với em là anh sẽ về với Phật A-Di-Đà nhé! Anh đừng dối gạt em nha!”.
“Ừ, Hứa! Bác sĩ người nào cũng nói dối như Cuội ấy, nhưng anh Hai thì không bao giờ dối gạt em gái cả” – anh Hai khẳng định chắc nịch.
Bệnh của Út ngày càng trở nặng, nhưng Út vẫn bình tĩnh lắm. Ngay cả má em, khi nghe hai anh em nói chuyện với nhau tinh thần bà cũng đã vững hẳn lên.
Đến một ngày Út vừa thở nặng vừa đòi “Anh Hai ơi, anh sẽ tặng quà gì cho em ngày lên đường”. “Ừ nhỉ, tặng quà gì đây?” – Anh Hai thầm nghĩ.  Chẳng có quà gì cho em nó mang theo được cả. Thương người em gái, cảm giác bất lực và xót xa của người anh buông tay đứng nhìn sự chia xa của hai mẹ con, anh Hai nghĩ mãi về một món quà gì đó cho em…

Hai ngày sau, khi chứng kiến cảnh tụng kinh tiễn đưa người bệnh nặng khác anh Hai lóe lên một sáng kiến. “Em à, bước đầu ra đi như đi vào một giấc ngủ, rồi đến thế giới mới như một giấc chiêm bao. Ngày em lên đường anh sẽ ru em ngủ nhé, hãy coi đó là món quà của anh cho em”.
”Dạ, em thích lắm đấy, nhưng anh sẽ ru như thế nào”.
“Thì lúc ấy biết!”.
“Em muốn biết bây giờ…“ – Út sốt ruột, tò mò.
“Ngày xưa mẹ anh ru bằng ngâm thơ Kiều, anh vẫn còn nhớ, nhưng thôi nghe buồn lắm. Có câu ru lại nghe ngộ nghĩnh nên chắc cũng thôi luôn vì nghe ru sẽ cười khỏi ngủ, để anh về nghĩ thêm nhé”.
“Em muốn cám ơn Anh, mà không biết làm thế nào, vào giấc ngủ rồi thì đâu có nói cám ơn được nữa”.
“Học trò cám ơn thầy cô giáo bằng kết quả thi tốt và sự nên người của mình. Em gái cám ơn ông anh bằng ngoan ngoãn nghe lời anh mình”.
“Vậy là em gặp Phật A-Di-Đà là cám ơn anh Hai hén”.
“Ừa, chỉ nghe anh Hai ru vài câu thôi, lập tức chuyển qua chú tâm niệm Phật liền, không nghĩ bất cứ gì khác”.

Rồi cái buổi sáng định mệnh ấy cũng đến. Anh Hai đang làm trong bệnh viện thấy nôn nao khó chịu khắp người, phải cáo bệnh ra về. Lấy xe ra khỏi bệnh viện, chạy trối chết đến xem Út ra sao.
“Út ơi, anh Hai về bên em rồi nè, Út ơi!” – anh Hai khẽ gọi.
Út đang thở hước hước mở mắt ra, ánh mắt sáng lên trên khuôn mặt nhợt nhạt. “Đến lúc lên đường rồi, chào má đi em, chào má để đi ngủ em nhé, anh ru em ngủ” – anh Hai lắp bắp sau khi xem lại mạch và nghe tim phổi của em. Út đưa mắt nhìn má một hồi, rồi vừa nhìn anh Hai đăm đắm vừa thở hước hước. “Ngủ đi em, nhắm mắt lại ngủ đi em” anh Hai nhắc khi thấy Út cứ căng mắt nhìn mình hoài. “Anh biết em đang muốn nói điều gì mà, cứ yên tâm, ngủ đi em, anh ru em ngủ nhé” – anh Hai ghé sát Út thầm thì …“Ru mãi ngàn năm dòng tóc em buồn, bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm. Trên mùa lá xanh, xóa đau thương người, nên ru mãi ru thêm ngàn năm……….thôi ngủ đi em, anh ru em ngủ……đau buồn sẽ qua, dáng em trôi dài trôi mãi trôi trên ngàn năm…” Anh Hai ru hết lời rồi, thấy Út lại mở mắt ra đau đáu nhìn mình.
“Ngủ đi em, ngủ đi em, hãy chú tâm niệm Phật A-Di-Đà, hãy chú tâm niệm Phật A-Di-Đà, Nam mô A-Di-Đà Phật, Nam mô A-Di-Đà Phật….Em hãy ngủ đi, em hãy ngủ đi…..đời đã khép và ngày đã tắt em hãy ngủ đi. Đời mãi đêm và ngày mãi buồn em hãy ngủ đi…..ngủ đi em cho mơ lụa mát, ngủ đi em đi xa cỏ ngọt….ngủ đi em trong tiếng ru êm…..Người đã đến và người đã vắng em hãy…”  nghe được vài câu Út từ từ khép mắt lại và hơi thở nhẹ dần.

Anh Hai im bặt giữa chừng khi nhìn thấy đôi môi Út hé nở nụ cười. Một nụ cười thiên thần suốt đời anh Hai không thể nào quên trên y nghiệp của mình. Út ra đi cùng với nụ cười trong một sự tĩnh lặng thiêng liêng. Anh Hai ngây người ngắm nhìn em và mỉm cười cùng những gọt nước mắt lặng lẽ rơi. “Út ơi! anh Hai nhớ lời em nhắn gởi anh mấy bữa trước……”:

 

HOA HỒNG (anh nhé!)
Ngày sau Em đi Anh hãy về thăm
Nhà lúc chiều mưa hay tối trăng rằm
Để thương ngày nào người Em còn đó
Nhớ Anh Em buồn ngõ nhỏ bâng khuâng

Hành trang em đi mang dáng hình Anh
Với những thân thương ngày tháng chân thành
Xin nở nụ cười chào nhau lần cuối
Em bước sang trời muôn tuổi chờ anh……………

THAY LỜI KẾT
Khi ngồi ôn lại những trải nghiệm điều trị tâm linh, tôi đã chảy nước mắt rất nhiều. Nhiều khi vừa gạt nước mắt vừa gõ laptop.
Nước mắt tôi chảy, một phần vì nhớ lại người xưa, cảnh xưa đã đi qua đời mình như một cuốn phim tình nghĩa con người. Phần chính là vì tôi thương tất cả những bệnh nhân ung thư cùng những người không bệnh ung thư mà đang chịu nhiều khổ đau về thể xác lẫn tinh thần đến cùng cực. Điều đáng thương nhất của tất cả mọi người là không hiểu được rằng mọi khổ đau là do tâm hồn mình tạo ra, bệnh tật hay ngoại cảnh chỉ là tác nhân kích thích, là điều kiện phát sinh khổ đau. Nói cách khác, đau khổ của con người có thể trị được qua con đường tâm linh, nhưng hiếm người biết điều này.
Nước mắt tôi chảy vì tôi xúc động mạnh trước những lời dạy quý báu của Phật Thích Ca, của chúa Jesus. Và tôi nhớ, biết ơn những người thầy tâm linh – những nhà tu hành chân chính trong đạo Phật và đạo Chúa.
Tôi nhớ cả những bậc thầy y khoa của tôi, những đàn anh, đàn chị, bạn bè và cả đàn em…rất nhiều người đáng kính và thân thương,là tấm gương cho tôi học hỏi là nguồn động viên quý báu cho tôi trên con đường y nghiệp và phát triển tâm linh của mình.
Bài điều trị tâm linh này, tôi muốn như một lời cám ơn đến tất cả bệnh nhân, đồng nghiệp, khoa học, tôn giáo đã tạo nên trong tôi một nhân sinh quan, một nhân cách có thể diễn tả qua bài thơ tôi tự nhủ lòng mình hãy sống:
Buồn tiếc chi em đời chỉ thế mà thôi
Một satna qua là vạn kiếp qua rồi
Buồn trách làm gì để hồn mình u tối
Em đắng lòng anh nghe chát mặn bờ môi

Người đến rồi đi là thường lắm em ơi
Hãy cứ thiết tha và mãi mãi yêu đời
Như tự bao giờ chiều qua non khuất vội
Để sớm mai hồng trên những đỉnh ngoài khơi

Hãy viết đi em những lời ấm con tim
Viết những câu thơ như làn gió êm đềm
Viết cho người về nghìn nghìn năm còn nhớ
Viết cho đời người qua trắc trở còn nguyên

 

Nguồn ảnh: https://www.youtube.com/watch?v=GWWev4ISA7Y

Source: https://yhoccongdong.com/thongtin/anh-ru-em-ngu/

Anh ru em ngủ | Y học cộng đồng
Tagged on:                 
%d bloggers like this: