Bức tranh toàn cảnh về người Việt xấu xí
Ngay từ đầu thế kỷ XX, giới trí thức đã nhận ra rằng muốn thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, thực hiện cải cách xã hội, dân tộc Việt Nam cần đấu tranh giành lấy quyền tự chủ, nhưng không chỉ duy nhất qua con đường bạo động, mà cần phải phản tỉnh soát xét lại và gột rửa hết những khuyết tật lạc hậu của mình về mặt tri thức, nhận thức, tư tưởng, để đủ khả năng tự cường, tự chủ.
Nhiều khuyết thiếu được các bậc sĩ phu, trí thức nêu ra trong các bài viết trên sách báo xuất bản thời đó. Từ những bài viết lẻ tẻ trên các tờ báo, trang sách khác nhau, khi nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn sưu tầm, tổng hợp, ông biên soạn lại thành hệ thống, chia làm 13 chương sách.
Mỗi chương đều nói về một chủ đề lớn, và mỗi chủ đề lại chia ra nhiều khía cạnh về những điểm xấu của người Việt. Cách tập hợp lại theo chủ đề lớn, rồi phân tích trên những khía cạnh nhỏ giúp người đọc vừa có cái nhìn bao quát, đồng thời hiểu cặn kẽ hơn về từng điểm nhỏ cấu thành nên bức tranh chung về thói hư tật xấu.
Về quan hệ giữa người với người, biết bao thói xấu được liệt kê trong sách: Không hết lòng với ai, tham lợi riêng, chỉ biết cạnh tranh trong những việc tầm thường, lặt vặt, không biết giữ chữ tín, khiêm nhường giả, kiêu căng thật, ai mạnh thì theo, bỏ hết liêm sỉ, khinh miệt cá nhân, đạo đức giả, học đòi…
Chí sĩ Phan Bội Châu nói tới bệnh giả dối trong bài viết trên Cao đẳng quốc dân (1928): “Tục ngữ có câu rằng ‘Trăm voi không được một bát nước xáo’; lại có câu rằng ‘Mười thóc không được một gạo’. Xem đó mới biết tính chất người nước ta chứng bệnh giả dối là một chứng rất nặng. Sĩ (sĩ nông công thương: bốn loại người trong xã hội) hay giả dối thì tìm tòi đạo lý không cậy óc mà cậy tai; nông hay giả dối thì cày cấy ruộng trưa (trưa mới ra ruộng), không cậy người mà cậy đất; công hay giả dối thì phấn sức lừa đời mà không cầu thực dụng; thương hay giả dối thì đua nhau bòn vặt mà mất cả lợi to, thậm chí mướn đạo đức làm lối câu danh mà trát vàng ở ngoài mặt, mướn nhân nghĩa làm mồi cầu lợi mà xức mật ở đầu môi”.
“Chẳng những ngoài đối với xã hội, trên đối với quốc gia […] mà lại trong đối với người một nhà, dưới đối với một mình cũng mắc con ma bệnh giả dối đo đục thấu cao hoang (chỗ trọng yếu trong con người), khoét vào cốt tủy, tay dối lòng, miệng dối dạ, ăn bánh vẽ mà toan đầy bụng, mặc áo giấy mà đi với ma, kết quả không việc gì là việc thật”, Phan Bội Châu viết.
Phần “Ăn ở cư trú sinh hoạt – quan hệ với môi trường thiên nhiên”, thông qua ý kiến của các trí thức như Nguyễn Trường Tộ, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh, sách cho rằng người Việt có đường sá nhà cửa luộm thuộm nhếch nhác, buông tuồng bừa bãi, khung cảnh trống rỗng, loanh quanh chỉ chú việc ăn uống.
Sách dẫn lời Nguyễn Trường Tộ trong Về việc cải cách phong tục (1871): “Nói riêng về một sự ở… Nay trong kinh thành, con đường lục bộ cho đến đường các nha thự, chợ quán, tường hào, vườn hoa và các bến sông, chỗ nào cũng có uế khí, thậm chí có kẻ trước mặt công chúng mà đi tiểu đại. Các cây cầu dọc theo sông không luận ngày đêm đàn ông đàn bà, cứ ra nơi ấy mà phóng uế, quen lấy làm thường…”.
Nói về tệ nạn xã hội, người Việt cũng thường mê muội hưởng lạc, căn tính lười nhác, mộng tưởng hão, mê tín… nên hay sa vào thói cờ bạc, xa xỉ, cổ hủ.
Người Việt xưa bên bàn đèn thuốc phiện. Trong bài Vấn đề tổ chức những thì giờ nhàn rỗi của người bình dân ở xứ ta của Đỗ Đức Dục in trên báo Thanh Nghị năm 1945 có viết: “Thử nhìn vào đám dân quê dư dật xem họ có việc gì, ta thấy ngoài công cuộc làm ăn, họ chỉ còn quân bài lá bạc thuốc phiện hay cô đầu. Đám dân nghèo cũng vậy, không phải là họ không biết cờ bạc, ngược lại càng nghèo họ càng lăn vào cuộc đỏ đen, hòng kiếm thêm ít tiền mà mồ hôi nước mắt không đủ mang lại cho họ”.
“Thành ra, từ trên xuống dưới, giàu cũng như nghèo không to thì nhỏ, cờ bạc đã trở nên một tập quán ăn sâu vào đầu óc dân chúng… Ngoài ra, nếu không cờ bạc thì người ta lại đua nhau đồng bóng, lễ bái nhảm nhí, từ đó sinh ra biết bao nhiêu mối tệ đoan khác”, nhà trí thức cách mạng Đỗ Đức Dục viết.
Cần nghiêm khắc tự nhận thức nhược điểm thì mới tiến bộ
Những bài viết, trích đoạn của các trí thức nửa đầu thế kỷ XX được sắp xếp trong Người xưa cảnh tỉnhgiúp chúng ta nhận diện bức tranh toàn cảnh về khiếm khuyết của người Việt xưa.
Nhưng những điểm xấu ấy tới nay vẫn còn hiện diện, biến tướng trong những biểu hiện khác. Như tên sách nêu ra, việc dẫn lại lời xưa trong bối cảnh hôm nay như những lời cảnh tỉnh để chúng ta soi vào.
Bên cạnh phần “Thói hư tật xấu trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ XX” do Vương Trí Nhàn sưu tầm và biên soạn, cuốn sách còn có thêm phần “Tổng thuật thói hư tật xấu của người Việt” của Trần Văn Chánh. Phần này tóm tắt lại nội dung mà nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đưa ra, khảo sát việc tìm hiểu vấn đề thói hư tật xấu của người Việt, phân tích nguyên nhân và đề nghị giải pháp khắc phục.
Nếu nhìn vào những thông tin chính mà cuốn sách nêu ra, có thể bạn đọc sẽ giật mình vì sao người Việt lắm khuyết điểm tệ hại đến thế, mà những thiếu sót ấy lại nghiêm trọng nhường ấy? Phải chăng các bậc trí thức xưa chỉ muốn “vạch áo cho người xem lưng”?
Cuốn sách giúp người trẻ hôm nay nhận diện ưu khuyết điểm dân tộc, từ đó quyết tâm gột rửa thiếu sót lạc hậu. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho rằng, những dòng chữ “vạch tội” ấy đều được viết bằng cả tình yêu và tâm huyết của các bậc tiền bối. Khi đọc những dòng viết của các trí thức đi trước, tác giả Vương Trí Nhàn không chỉ nhìn nhận vấn đề một cách đơn lẻ từng thói xấu, mà ông bao quát ở khía cạnh sự phát triển quốc gia: “Phải chăng đây là những nhận xét tổng quát có liên quan tới trình độ sống, trình độ làm người của dân ta, chính nó nguyên nhân hạn chế chúng ta trên đường phát triển?! Có một số nhược điểm cản trở nước ta gia nhập vào thế giới hiện đại”.
Ông cho rằng, khi tiếp nhận những thông tin trong sách, chúng ta cần bình tâm; bởi “…hầu như tất cả các dân tộc trên thế giới đều qua giai đoạn tự nhận thức như thế này. Và họ thường nói về họ hết sức nghiêm khắc”.
Đồng tác giả Trần Văn Chánh đánh giá, công trình Người xưa cảnh tỉnh của Vương Trí Nhàn sẽ giúp ích nhiều cho thế hệ trẻ hôm nay trong việc nhận thức lại một cách chính xác về những ưu khuyết điểm của dân tộc mình, từ đó nảy sinh tâm huyết đóng góp và biết cách đóng góp hữu hiệu xây dựng xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn trong tương lai.
Source: Người Việt giả dối, lười nhác, kiêu ngạo, sợ nói đến thói xấu của mình – Sách hay – ZING.VN