Đầu năm 2019, quyển Thần kỳ kinh tế Tây Đức: Lịch Sử – Lý Thuyết – Chính Sách (1949-1969) được phát hành.
Quyển đầu tiên trong bộ này, “Vươn lên từ vực thẳm” (thời kỳ 1945-1950) được xuất bản năm 2016:
Vươn Lên Từ Vực Thẳm – Thần kỳ kinh tế Tây Đức sau 1945. Giai đoạn 1945-1950
Quyển này tác giả tặng tôi trong lần gặp đầu tiên lúc tôi vừa sang Đức, hè 2016 tôi có hai tuần đi du lịch tìm hiểu nước Đức theo tour của Quỹ Humboldt thì vừa được hướng dẫn và vào xem các bảo tàng, công ty, vừa đọc sách này để có thêm thông tin nền tảng, rất thú vị.
Tác giả: Tôn Thất Thông
Nhà xuất bản: Hồng Đức & Phương Nam
ISBN: 978-604-86-6980-5
Khổ giấy: 14,5 x 20,5 cm
Số trang: 477 trang,
Tổng phát hành: Nhà sách Phương Nam
Giá ở Việt Nam: 150.000 ĐVN
Ngoại quốc: 8€ + tiền gửi từ ĐứcTừ một đất nước bị tàn phá khốc liệt, chủ quyền đã mất, xã hội băng hoại, trầm cảm tập thề, hoang mang và tuyệt vọng, làm thế nào mà dân tộc Đức có thể vươn lên được để trở thành cường quốc số một của châu Âu sau một thời gian ngắn? Tác phẩm Vươn Lên Từ Vực Thẳm sẽ cùng độc giả đi tìm câu trả lời.
Trước hết trong phần đầu, tác giả cung cấp những tin tức về bối cảnh lịch sử trong lúc chiến tranh còn tiếp diễn. Mặc dù phần này không dài nhưng người đọc cũng biết khá nhiều đến những hội nghị thượng đỉnh chi phối nền chính trị của Đức, của châu Âu và cả thế giới trong thời hậu chiến. Phần này cũng cho độc giả một cái nhìn rất rõ nét về nước Đức sau 1945: chính sách chiếm đóng hà khắc của các nước đồng minh, 50% hộ gia cư bị tàn phá không sử dụng được, 12 triệu người bị trục xuất từ các vùng phía đông, nạn đói ba năm với khẩu phần ăn không đủ cho con người có sức hoạt động, nhân tài bỏ chạy ra ngoại quốc, kinh tế kiệt quệ chỉ còn 20% so với 1936, lạm phát phi mã v.v…
Các chương sau nhằm cung cấp dữ liệu và phân tích để độc giả tự tìm thấy lời giải cho câu hỏi nêu trên. Sách trình bày những kinh nghiệm thực tiễn về một chính sách kinh tế độc đáo chưa từng được thử nghiệm từ trước tại một nước nào trên thế giới, đấy là chính sách Kinh tế Thị trường Xã hội. Sách còn cho độc giả thấy tinh thần sáng tạo của chuyên gia Đức khi trăn trở đi tìm lý thuyết riêng cho phù hợp với xã hội hậu chiến, về sự khôn ngoan của chuyên gia và chính trị gia lúc đưa ra khung luật pháp phù hợp với dân tộc tính, về việc xây dựng tinh thần xã hội nhân ái trong quan hệ giữa con người với nhau trong môi trường kinh tế, về tính thỏa hiệp tự nguyện giữa những thành viên trong kinh tế và xã hội vốn bản chất là đối lập nhau, về nghệ thuật của nhà cầm quyền khi giải quyết xung khắc giữa các thành viên bằng cách thúc đẩy thỏa hiệp thay vì sử dụng quyền lực để o ép v.v…
Bàng bạc trong tác phẩm, người đọc tinh ý có thể tự rút ra được những bài học lịch sử bổ ích. Thí dụ, độc giả sẽ ngạc nhiên là những người có công xây dựng nước Đức bao gồm rất nhiều thành phần khác nhau với những xu hướng chính trị khác nhau. Sau chiến tranh, người chống Hitler thì lên nắm quyền lực, đảng viên trung kiên của Quốc xã thì lo sợ bị thanh trừng. Thế mà như một phép mầu, sự hoà hợp đến một cách bình thản đến độ ngạc nhiên, mặc dù trước đó họ còn là những người thù địch. Người bộ trưởng kinh tế Ludwig Erhard, vốn đã âm thầm chống Hitler trong suốt 12 năm công chức, ông xem như chuyện bình thường khi tuyển dụng chuyên gia thượng thừa Quốc xã Alfred Müller-Armack về làm đổng lý văn phòng. Có lẽ nhờ tinh thần hòa hợp đó mà Müller-Armack đã phát huy trí tuệ để cống hiến những chính sách kinh tế tuyệt vời, làm nền tảng cho Erhard đưa ra quyết định chính trị để tạo nên thần kỳ kinh tế, phồn vinh cho mọi người. Giữa người Đức với nhau trong thời gian đó không ai có cảm nhận kẻ thắng người thua, mà tất cả đều có chung tâm trạng của người dân một nước bị tàn phá, nghèo đói, hoang mang và tuyệt vọng. Đối với họ, đoàn kết để xây dựng quan trọng hơn thanh lọc kẻ khác chính kiến. Có phải chính sự kỳ diệu ấy đã làm cho nước Đức nhanh chóng vươn lên? Giá mà năm 1975, người Việt Nam biết học bài học quí giá này, chắc là Việt Nam hôm nay đã có một bộ mặt khá hơn.
Điều rõ nét mà độc giả có thể dễ dàng nhận thấy là, nước Đức hậu chiến bị tàn phá gấp chục lần chúng ta, xã hội băng hoại hơn chúng ta nhiều lần. Thế nhưng họ đã vượt qua được mọi khó khăn để tiến lên vì dân tộc đó có đầy đủ tri thức tập thể, được bồi dưỡng bằng một nền học thuật lâu đời. Điều này thì đâu chỉ có Đức, mà nước nào cũng có thể làm được. Một dân tộc mà người trí thức và giới lãnh đạo có đạo đức, có tự trọng thì dân tộc đó sẽ vươn lên được trong mọi tình huống, không sớm thì muộn. Đấy là bài học lịch sử vô cùng quí báu cho những nước vừa dành được độc lập hoặc vừa thoát khỏi chiến tranh khốc liệt: Xây dựng học thuật cần được xem là nhiệm vụ lớn nhất để vun bồi tri thức tập thể rất cần thiết trong thời gian xây dựng đồng thời tích lũy nội lực để đối kháng lúc lâm nguy. Khi một dân tộc mà người dân có tri thức vững chãi kết hợp với lãnh đạo có đạo đức tài năng, dân tộc đó sẽ dễ dàng vượt qua mọi khó khăn để vươn lên.
Độc giả cũng sẽ hết sức ngạc nhiên về phương pháp đấu tranh rất ôn hoà nhưng hiệu quả để dành lại chủ quyền, về sự chọn lựa khôn ngoan cho một thế đứng chính trị trong bối cảnh lịch sử phức tạp của thế giới đương thời v.v…
Nói một cách tổng quát, độc giả sẽ tìm thấy đặc điểm kinh tế Đức là gì, hệ thống lý thuyết và chính sách kinh tế của họ hình thành như thế nào, cũng như nhờ phương pháp nào họ đã ép được các nước đồng minh chiếm đóng làm theo chính sách của họ đã vạch ra, mặc dù trong thời gian đó, họ chỉ có vai trò cố vấn và không có một thẩm quyền quyết định nào hết. Nói đến Đức, chắc mọi người đều biết Angela Merkel, Helmut Schmidt, Willy Brandt nhưng ít ai biết đến tên tuổi của những nhân vật đặc biệt hơn nhiều trong thời hậu chiến. Họ đã đi vào lịch sử Đức như những huyền thoại, và cho đến bây giờ, sau 70 năm họ vẫn còn là những nhân vật huyền thoại sáng giá hơn cả Angela Merkel. Độc giả sẽ làm quen với những nhân vật đó lúc ẩn lúc hiện trong các trang sách.
Ngoài nội dung kể trên, sách còn có một chương phụ lục, đặc biệt dành cho những ai muốn đi sâu tìm hiểu thêm bối cảnh, quá trình hình thành và những móc nối liên hệ giữa các dữ kiện lịch sử được trình bày trong các chương chính. Với tám đề mục độc lập, độc giả có thể đọc hết hoặc đọc một phần và cũng có thể bắt đầu bởi một đề mục nào, vì như đã nói, chương này có tính chất hỗ trợ bổ sung cho những ai muốn nghiên cứu sâu hơn về lịch sử và lịch sử kinh tế trình bày trong phần chính của sách.
Tác giả không sa đà vào những vấn đề quá chuyên môn, nhưng vẫn giữ được tính chất sâu sắc của vấn đề được trình bày. Độc giả đại chúng có thể say mê theo dõi các dữ kiện lịch sử với những hình ảnh rất ấn tượng và một văn phong thoải mái, đôi lúc ra ngoài khuôn khổ sự nghiêm chỉnh của sách lịch sử. Giới nghiên cứu thì dễ dàng tìm thấy trong sách mối liên hệ giữa các sự kiện. Mỗi chi tiết quan trọng đều được diễn giải thêm bằng chú thích, trích nguồn tham khảo, cho nên nhà nghiên cứu có thể yên tâm sử dụng tư liệu đáng tin cậy cho công trình nghiên cứu của mình.
Tác giả đã du học, làm việc và sinh sống tại CHLB Đức hơn 45 năm. Hàng ngày tiếp cận nguồn tin tức phong phú từ báo chí, truyền thanh, truyền hình, tham khảo gần 100 cuốn sách của các sử gia và kinh tế gia hàng đầu như Werner Abelshauser, Wolfgang Benz, Ludwig Erhard, Walter Eucken, Guido Knopp, Alfred Müller-Armack, Rolf Steininger, Wilhelm Treue v.v… cho nên nhận xét chung, tác phẩm này là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, đáng tin cậy và có hàm lượng tri thức phong phú.
Sách được Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách trân trọng viết lời giới thiệu, trước đó được nhiều chuyên gia tên tuổi đọc lại, phê bình và hiệu đính, cho nên độc giả có thể yên tâm về chất lượng.
Nói tóm lại, đây là một tác phẩm nên có trong tủ sách gia đình cũng như các thư viện phục vụ cho nghiên cứu lịch sử kinh tế.
Sách có thể mua tại Phương Nam hoặc tại các nhà sách lớn từ Nam ra Bắc. Độc giả ở ngoại quốc có thể liên lạc với [email protected] để nhận thêm thông tin của nhà phân phối tại châu Âu.
Xin trân trọng giới thiệu.
Người Điểm Sách