Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam bao nhiêu vũ khí trong năm 1979?
Theo tài liệu của CIA, những chuyến hàng viện trợ quân sự của Liên Xô trong và sau năm 1979 đã giúp Việt Nam tạo ra sự răn đe mạnh mẽ đối với Trung Quốc.
Theo báo cáo giải mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngày 30/12/2011, số lượng trang thiết bị quân sự mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam bắt đầu gia tăng trong năm 1978, sau một vài năm giảm xuống do Mỹ đã rút quân khỏi miền nam Việt Nam.
Mức viện trợ quân sự của Moscow cho Việt Nam đã tăng từ một mức khá thấp – 11 triệu USD năm 1977 lên tới 90 triệu USD trong năm 1978 khi Hà Nội rơi vào các cuộc xung đột mới trong khu vực.
Các đợt chuyển giao khí tài quy mô lớn cho Việt Nam được Liên Xô khôi phục vào năm 1979, sau khi Trung Quốc tấn công vào biên giới phía bắc Việt Nam. Trong năm này, mức viện trợ quân sự của Liên Xô dành cho Việt Nam có giá trị lên tới gần 1,8 tỷ USD – mức cao chưa từng thấy trong giai đoạn trước đó.
Đồ họa: Đỗ Linh (Nguồn: Báo cáo giải mật của CIA năm 2011)
Hơn 150.000 tấn thiết bị quân sự đã được chuyển giao cho Việt Nam, bao gồm các tiêm kích MiG-21 nâng cấp, xe tăng T-54/55, tên lửa đất-đối-không SA-3 và các khí tài khác để thay thế những vũ khí đã xuống cấp. Một số đợt chuyển giao các loại trang bị thiết yếu được tiến hành bằng đường không.
Theo ước tính của CIA, có hơn 2.500 cố vấn Liên Xô được cử tới Việt Nam để giúp Việt Nam tích hợp các trang thiết bị mới, đồng thời giúp Việt Nam tổ chức lại lực lượng.
Các đợt viện trợ vũ khí vẫn duy trì ở mức cao cho tới năm 1980 (với 90.000 tấn thiết bị quân sự trị giá 1,4 tỷ USD), sau đó mới giảm xuống 50.000 tấn (trị giá 400 triệu USD) trong năm tiếp theo do một số khó khăn trong quá trình tích hợp, và mối đe dọa từ Trung Quốc cũng đã giảm bớt.
Những chuyến hàng viện trợ quân sự của Liên Xô đã giúp Việt Nam đạt được hai mục tiêu lớn – duy trì sự răn đe mạnh mẽ đối với cuộc xâm lược thứ hai của Trung Quốc và tăng cường năng lực tác chiến của Việt Nam ở Campuchia.
Mở rộng và hiện đại hóa không quân
Nhờ có các đợt chuyển giao khí tài của Liên Xô trong và ngay sau cuộc tấn công của Trung Quốc năm 1979, Việt Nam đã có thể mở rộng và hiện đại hóa lực lượng không quân và phòng không.
Trong năm 1979 và 1980, một lượng lớn các tiêm kích MiG-21 phiên bản mới đã thay thế các tiêm kích MiG-17 và MiG-21 đời cũ, cũng như toàn bộ các chiến đấu cơ Mỹ và Trung Quốc còn lại trong biên chế Việt Nam.
Đến cuối năm 1979, Việt Nam bắt đầu được Liên Xô viện trợ biến thể MiG-21 Bis và MiG-21 Bis SAU hiện đại hơn.
Việt Nam cũng tăng cường các đơn vị tên lửa SA-2 và SA-3 tại miền bắc với hàng trăm tên lửa và bệ phóng mới.
Bên cạnh đó, để củng cố lực lượng phòng không đối phó Trung Quốc, trong năm 1980 và 1982 Việt Nam đã thành lập các đơn vị tiêm kích-bom, trực thăng tấn công và tăng cường lực lượng máy bay vận tải với 40 tiêm kích-bom Su-22, ít nhất 25 trực thăng tấn công Mi-24/25 và 35 máy bay vận tải An-26.
Từng bước tăng cường hải quân
Quá trình hiện đại hóa lực lượng hải quân Việt Nam được bắt đầu trước khi Trung Quốc tiến hành cuộc xâm lược năm 1979. Việt Nam tiếp nhận hai khinh hạm lớp Petya đầu tiên trong năm 1978.
CIA cho rằng, cuộc tấn công của Trung Quốc đã thúc đẩy Việt Nam tăng tốc phát triển hải quân. Hầu hết các tàu tuần tra mới của Việt Nam được chuyển giao trong năm 1979 và 1980. Năm 1982, Việt Nam trang bị một phi đội trực thăng săn ngầm Ka-25 và 4 máy bay trinh sát/cảnh báo sớm.
Tới năm 1984, Việt Nam tiếp nhận thêm một số tàu tuần tra và 3 khinh hạm lớp Petya.
Tính đến năm 1986, Hải quân Việt Nam đã mua 160 tàu cỡ nhỏ, trong đó có 8 tàu tuần tra Osa trang bị tên lửa SSN-2, tàu cánh ngầm Turya, tàu quét mìn và tàu đổ bộ.
Mặc dù công nghệ của các trang thiết bị mới đều có từ những năm 1960 nhưng chúng đã giúp tăng cường đáng kể năng lực tác chiến của Hải quân Việt Nam.
Các tàu mới đã thay thế một lượng lớn tàu cũ từ Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ. Những đợt mua sắm này căn bản đã mang lại cho Việt Nam năng lực chống ngầm tốt hơn và tăng cường khả năng tấn công bằng tên lửa, mặc dù nhìn chung Hải quân Việt Nam vẫn chưa thể tạo ra thách thức đối với các tàu ngầm Trung Quốc.
Trong năm 1979, lượng thiết bị mà Liên Xô chuyển giao cho Việt Nam tăng vọt so với các năm trước (Đồ họa: Đỗ Linh; Nguồn: Báo cáo giải mật của CIA năm 2011).
Duy trì lục quân quy mô lớn
Về lục quân, sau cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979, Việt Nam đã tăng cường lực lượng vũ trang phía bắc từ 600.000 quân lên tới 800.000 quân. Ưu tiên đầu tiên là trang bị cho các đơn vị lục quân thêm nhiều xe tăng T-54/55 và PT-76, cùng nhiều loại xe bọc thép chở quân, pháo kéo, pháo tự hành và các trang bị khác.
Từ năm 1982, Lục quân Việt Nam tập trung thay thế các trang thiết bị cũ trong tất cả các đơn vị, và cung cấp đạn dược, cũng như nhu yếu phẩm khác cho các đơn vị ở Campuchia.
Các trang thiết bị được Việt Nam đặt mua bao gồm xe tăng, xe bọc thép chở quân, pháo, thiết bị kỹ thuật, vũ khí cỡ nhỏ, đạn dược, xe tải và một số loại thuốc.
Trong năm 1983 và 1984, xe bọc thép chiếm số lượng lớn nhất trong các đợt chuyển giao của Liên Xô cho lực lượng Lục quân Việt Nam. Trong khi đó các đợt chuyển giao năm 1985 phần lớn là thiết bị kỹ thuật, còn lại là xe tăng, pháo, bệ phóng tên lửa.
Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam bao nhiêu vũ khí trong năm 1979?