Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, VinSmart của Vingroup tuyên bố hợp tác với Qualcomm để trở thành một trong những đơn vị tiên phong sản xuất điện thoại 5G. Một tháng trước đó, Viettel cũng gây bất ngờ khi công bố thử nghiệm mạng 5G tại Việt Nam. Hàng loạt ông lớn khác trên thế giới như Apple, Samsung, Qualcomm, Intel,… coi mạng 5G sẽ là con át chủ bài trong cuộc đua thị phần những năm tới.
VẬY MẠNG 5G LÀ GÌ VÀ LIỆU KHI 5G ĐƯỢC TRIỂN KHAI, NÓ SẼ ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA?
5G LÀ CÔNG NGHỆ RẤT GẦN CỦA TƯƠNG LAI
TẠI SAO LẠI LÀ 5G?
Để biết được những tác động của 5G đến cuộc sống, trước hết chúng ta cần phải hiểu 5G là gì và nó có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của mạng di động.
5G (Viết tắt của 5th-Generation) là thế hệ mạng di động thứ 5, sau 1G, 2G, 3G và 4G.
- Được giới thiệu vào những năm 1980, 1G là thế hệ mạng đầu tiên phục vụ cho việc liên lạc không dây hàng loạt. Với tốc độ truyền dữ liệu khoảng 0.01MB/s, tác dụng chính là nhằm thực hiện các cuộc gọi di động đơn giản.
- Mạng 2G được giới thiệu vào năm 1991, bổ sung khả năng bảo mật cao hơn nhờ các tính năng mã hoá kỹ thuật số. Thế hệ mạng thứ 2 bắt đầu cho phép gửi tin nhắn SMS văn bản, tốc độ truyền dữ liệu nâng lên 3.1MB/s.
- 3G ra đời vào năm 1998, mở đường cho cuộc cách mạng về điện thoại và sự ra đời của smartphone. 3G mang đến tốc độ độ mạng lên tới 14.4MB/s, bắt đầu cho phép điện thoại kết nối với Internet.
- Mạng 4G/LTE mà chúng ta đang sử dụng hiện nay đã có mặt trên thế giới từ 2008. So với 3G, tốc độ mạng của 4G đã tăng vọt lên 300MB/s, mở đường cho các dịch vụ truyền dữ liệu, truyền hình độ phân giải cao ngày nay.
Tất cả những thành tựu kể trên đã đưa chúng ta đến với 5G. Mạng di động thế hệ mới này thực chất được phát triển dựa trên cốt lõi là mạng 4G LTE, sở hữu đầy đủ các tính năng từ thế hệ trước, đồng thời nâng băng thông tối đa lên 1GB/s, giảm độ trễ đường truyền xuống dưới 1/1000 giây từ đó nâng cao hiệu quả chung của mạng lưới, tăng quy mô cho hệ thống mạng.
Với người dùng nói chung, hiệu quả dễ thấy nhất của mạng 5G chính là tốc độ mạng sẽ tăng lên cực kỳ lớn. Ví dụ một bộ phim với độ phân giải FullHD thường có dung lượng khoảng 2GB-3GB, với mạng 5G thì bạn sẽ tải xong bộ phim này về máy trong thời gian chỉ tính bằng giây (tất nhiên là trên lý thuyết).
Từ những nâng cấp đó, mạng 5G hứa hẹn sẽ thay đổi cả ngành Internet và cuộc sống của con người, tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn không ít những lo ngại về sức khoẻ và kinh tế mà mạng 5G có thể mang đến.
LỢI ÍCH CỦA 5G ĐẾN TỪ KHẢ NĂNG KẾT NỐI “VÔ TẬN”
Mạng 5G mang đến tốc độ truyền tải qua mạng không dây cao gấp hàng chục lần mạng di động chúng ta đa sử dụng hiện nay, đồng thời dung lượng mạng cũng được mở rộng, khả năng kết nối siêu nhanh với độ trễ gần như bằng 0, từ đó mang đến những lợi ích vô cùng lớn khi ứng dụng vào thực tiễn, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.
CEO Hans Vestberg của nhà mạng Verizon từng chia sẻ về vấn đề này tại CES 2019. Theo Hans, sẽ có 8 vấn đề mà mạng 5G có thể giải quyết, đó là:
- Tính di động, Lượng thiết bị được kết nối và Internet of Things: Mạng 5G có thể truyền tải lượng dữ liệu lên tới 10TB trên mỗi kilomet vuông trong 1 đơn vị thời gian, về lý thuyết có thể cho phép 1 triệu thiết bị IoT cùng hoạt động trên 1 km vuông, có thể duy trì kết nối ngay trên những vật di chuyển với tốc độ 500km/h, từ đó mở ra tương lai cho lĩnh vực xe tự hành, thành phố thông minh,…
- Năng lượng, Hiệu quả, và Khả năng triển khai: Mạng 5G hứa hẹn tiêu tốn năng lượng ít hơn tới 90% so với mạng 4G, kết hợp cùng khả năng kết nối nhanh, giúp cho việc triển khai mạng 5G trên diện rộng cũng sẽ dễ dàng hơn đáng kể.
- Độ trễ, Độ tin cậy: Độ trễ của mạng 5G được giảm xuống chỉ còn 1/1000 giây, thời gian di chuyển của dữ liệu chỉ trong chưa đầy cái chớp mắt, từ đó giúp gia tăng độ tin cậy cho kết nối và các dịch vụ triển khai trên mạng 5G.
Mấu chốt sức mạnh của 5G vẫn là khả năng kết nối và từ khả năng kết nối này, con người có thể tận dụng vào mọi lĩnh vực, từ giao thông, y tế, giáo dục cho tới khoa học kỹ thuật, thậm chí là đến những thứ nhỏ nhất như chiếc smartphone mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Nhờ mạng 5G, chúng ta thậm chí không còn cần đến những chiếc điện thoại có vi xử lý và cấu hình khủng, bộ nhớ lớn nữa, bởi tất cả đều có thể chuyển lên cho “đám mây” xử lý, sau đó điện thoại chỉ việc nhận lại dữ liệu và hiển thị chúng đến với người dùng, với độ trễ nhỏ đến mức không thể nhận ra sự khác biệt.
Source: Mạng 5G là gì? Lợi ích và tác hại của nó đến đời sống con người ra sao?