Đã hơn một lần, trên nhiều bài viết khác nhau ở nhiều nơi, tôi đã đề cập đến khả năng băng hoại của xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về nền tảng con người, nhất là khi phổ biến có không ít người tuy giàu thiện chí nhưng suy nghĩ bất cập đối với cuộc hưng suy của đất nước, vì sợ bị tụt hậu hay dựa vào cớ đó chỉ nghĩ và phát biểu một chiều về khía cạnh phát triển kinh tế mà quên nhấn mạnh đến yếu tố phát triển quân bình, phù hợp với hoàn cảnh, đặc tính văn hóa và nhu cầu riêng của mỗi dân tộc. Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ chuyên nói về kinh tế sao cho đuổi kịp bằng người, chạy theo mô hình phát triển của những nước tiền tiến về kinh tế, mà ít khi có những suy nghiệm tổng hợp sâu xa về mặt văn hóa, lịch sử, để làm sao xây dựng được một nước Việt Nam tuy không bằng người về các chỉ tiêu kinh tế nhưng vẫn đạt được một cuộc sống bình yên và hạnh phúc trong sự chan hòa tình nhân ái giữa các thành viên trong cũng như ngoài cộng đồng dân tộc. Nói theo cách nói của nhà sư Nhất Hạnh, “Giấc mơ Việt Nam là người Việt có khả năng sống đơn giản mà hạnh phúc, có thì giờ và tình thương để làm việc giúp cho người trong nước và ngoài nước vượt thắng nghèo khổ và bệnh tật, thất học, hòa giải được với người thân và tìm được nguồn vui sống” (“Giấc mơ Việt Nam”, tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, số 01, tháng 2.2005).

Source: http://www.viet-studies.net/kinhte/TranVanChanh_PhatTrienCongBang.html

Phát Triển Nhưng Vẫn Không Quên Yếu Tố Cân Bằng | Trần Văn Chánh
%d bloggers like this: