http://www.viet-studies.net/kinhte/TranVanChanh_TrachNhiemTriThuc.htm
Do cần tranh thủ để đạt một số điều kiện ưu tiên cho con đường thăng tiến của bản thân và gia đình, một số trí thức lần hồi bị thui chột sĩ khí, không dám phê phán hoặc nói lên sự thật; nếu có điều chi bức xúc thì họ cũng âm thầm chịu đựng cho qua, không nhận mình hèn đớn, viện dẫn rằng thời cuộc khó khăn, hoàn cảnh không cho phép, “thức thời vụ giả vi hào kiệt” (kẻ thức thời là người hào kiệt)… Nếu họ thuộc thành phần sáng tác hoặc phát minh, viết được vài ba công trình học thuật để đời thì tâm lý lại càng dễ tự mãn hơn, vui vẻ nhận sự tôn vinh của người đời mà quên buồn với những nỗi thống khổ và trục trặc của nhân sinh trong những hiện tình xã hội cụ thể. Nếu thuộc thành phần tham gia chính trị, do tự nguyện dấn thân hoặc được chính quyền cơ cấu sẵn đưa vào các loại tổ chức/ đoàn thể, thì họ lại càng an tâm hơn vì có tâm lý “cha mẹ dân” của một người cao đạo đã trả xong việc nước nợ đời, mà ít khi có dịp tự hỏi những gì mình nói và làm thực tế đã đem lại được lợi ích gì cho đám bình dân, hay tác dụng có khi chỉ là ngược lại.