Ngày 27-3 hằng năm, giới nghệ sĩ sân khấu cải lương chọn làm ngày giỗ chung của 2 tác giả Hà Triều – Hoa Phượng. Đông đảo nghệ sĩ hội ngộ cùng thắp hương tưởng nhớ đến 2 soạn giả tài hoa này. Soạn giả Hoa Phượng mất năm 1984, soạn giả Hà Triều mất năm 2003. Sự ra đi của 2 ông để lại niềm thương tiếc đối với nghệ sĩ sân khấu và công chúng mộ điệu. Nhất là trong những năm gần đây, khi sân khấu cải lương rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu kịch bản hay, di sản của 2 ông càng được trân quý.
Giá trị vẹn nguyên
Qua 10 năm (từ 1955 đến 1965), “liên danh” Hà Triều – Hoa Phượng đã viết chung khoảng 50 kịch bản vở diễn: “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Con gái chị Hằng”, “Khi hoa anh đào nở”, “Mưa rừng”, “Tấm lòng của biển”, “Sông dài”, “Nửa đời hương phấn”, “Tuyệt tình ca”, “Mùa xuân trên non cao”, “Tần nương thất”, “Cô gái Đồ Long”… Từ những kịch bản đó, nhiều nghệ sĩ đã thành danh, đoạt giải Thanh Tâm – một giải thưởng cao quý thời đó: Thanh Nga, Tấn Tài, Thành Được, Thanh Sang, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Thanh Nguyệt, Phượng Liên, Mộng Tuyền, Bảo Quốc, Hùng Minh, Phương Bình, Bo Bo Hoàng,… Các vai diễn của họ đến ngày nay vẫn còn được công chúng yêu thích. NSND Đinh Bằng Phi nhìn nhận: “Khác với thể loại “tuồng tiên”, “kiếm hiệp” một thời khuynh đảo sàn diễn cải lương, sự xuất hiện của cặp “liên danh” Hà Triều – Hoa Phượng đã mang lại sức sống mới cho đời sống sân khấu cải lương, làm nên những kiệt tác để đời. Bút pháp tài hoa của 2 ông trong những tác phẩm để lại cho sân khấu cải lương vẫn giữ được tính thời sự, không bao giờ phai nhạt trong lòng khán giả mộ điệu và các thế hệ nghệ sĩ cải lương”.
Nghệ sĩ Hồng Nga, Phượng Liên, Lệ Thủy trong vở cải lương “Nửa đời hương phấn” của Hà Triều – Hoa Phượng
“Chất văn học đậm đà trong từng lời ca, từng câu thoại mà 2 ông viết đã rót vào tim nghệ sĩ niềm cảm xúc mãnh liệt. Từ đó, chuyển tải đến người nghe một cách chân thật, da diết. Ngay cả với dàn cổ nhạc, khi hòa quyện vào tác phẩm cũng tạo được chất thi vị, làm nên một khối thống nhất tuyệt vời giữa thầy tuồng, dàn nhạc cổ và diễn viên. Xin nhấn mạnh 2 chữ thầy tuồng, vì hồi đó không có đạo diễn, 2 ông sáng tác theo lối tư duy dàn dựng ngay trong kịch bản, đoàn hát cứ thế triển khai trên sàn tập mà thành vở diễn” – soạn giả Nguyễn Phương bày tỏ sự kính phục.
NSND Bạch Tuyết cho rằng ngòi bút của 2 ông khẳng định nguồn gốc lành mạnh của nghệ thuật cải lương, phát triển theo hướng xây dựng chứ không đả phá. “Họ được xem là cặp đôi tài năng bổ sung cho nhau. Nếu Hoa Phượng phóng khoáng, đẩy mạnh cao trào, tung hứng với những lời thoại, câu ca xoáy sâu vào đời sống thực tế thì Hà Triều có những niêm luật chỉn chu, sắp xếp, điều chỉnh rất hài hòa, nhẹ nhàng mà tinh tế” – NSND Bạch Tuyết phân tích.
Lý giải về giá trị tươi nguyên của các tác phẩm này, đạo diễn Huỳnh Nga cho rằng: “Hai soạn giả tài hoa bậc nhất này đã ý thức đầy đủ trọng trách của mình với sân khấu nên tác phẩm của họ được sáng tác một cách chỉn chu, độ tác động đến xã hội lớn, mang tầm giá trị thời đại”.
Còn cải lương hiện nay sa vào khủng hoảng, theo ông, chính do “chúng ta không xem kịch bản cải lương là gốc mà chỉ xem trọng diễn viên ngôi sao” – NSND Huỳnh Nga đúc kết.
Tác giả trẻ: Lỗ hổng quá lớn
Câu hỏi bao giờ cải lương có được những tác giả như Hà Triều, Hoa Phượng là vấn đề khiến những người làm sân khấu hôm nay đau đầu.
Theo NSƯT đạo diễn Hoa Hạ: “Sáng tác của 2 soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng quá hay. Thời thế đã tạo cơ hội để 2 ông đóng góp nhiều tác phẩm cho sàn diễn cải lương làm nên thời hoàng kim. Còn với đội ngũ tác giả trẻ ngày nay, họ không theo kịp. Tài năng bẩm sinh quyết định, cộng với thời thế, chứ sáng tác kịch bản cải lương không thể cứ rèn luyện là thành. Tuy nhiên, nếu biết đầu tư mang tầm chiến lược để vun bồi kiến thức và củng cố ý thức sáng tác cho lớp trẻ thì sẽ gặt hái được thành quả”.
Giữa bối cảnh đời sống hội nhập nhiều biến động, không chỉ cải lương mà ngay kịch nói, ca nhạc cũng rơi vào giai đoạn khủng hoảng. Thiếu vắng khán giả, những vở diễn cải lương không được diễn trọn vẹn, thay vào đó chỉ là những trích đoạn để dễ diễn, dễ chạy sô. Tác giả viết cải lương vì thế cũng chỉ viết trích đoạn, ca cảnh. “Những game show tràn lan không mặn mà với các tác phẩm sân khấu đích thực, đang gióng lên hồi chuông báo động về sự “cáo chung” của sân khấu cải lương rất có thể xảy ra nếu không nghĩ ngay đến việc cứu lấy từ khâu kịch bản” – NSƯT đạo diễn Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, trăn trở.
Cấp thiết tạo nguồn kế cận giỏi nghề
Phân tích về sự khan hiếm kịch bản hay, NSND Huỳnh Nga cho rằng khi đặt mình ra khỏi xu thế sáng tác có tính thử nghiệm táo bạo, mang hơi thở cuộc sống, tâm thế người của thời đại, không biết sàng lọc để giữ cho đúng chất của cải lương thì sẽ cho ra đời những tác phẩm không dung nạp được hình thức đổi mới, đồng thời đào thải những dị biệt. Di sản của Hà Triều, Hoa Phượng vẫn còn tác động đến đội ngũ sáng tác hôm nay. Vấn đề là yếu tố con người, khi được chăm chút, đầu tư họ sẽ làm đúng trọng trách. Tất nhiên sẽ còn lâu nhưng biết đặt cột mốc cho chiến lược 10 năm, theo kiểu đặt hàng, để có tác phẩm đỉnh cao cho cải lương, thì ngay lúc này các cấp quản lý phải vào cuộc” – đạo diễn vở “Đời cô Lựu” nêu quan điểm.
Tác giả Vương Huyền Cơ , Chi hội trưởng Chi hội Sáng tác của Hội Sân khấu TP HCM, nói: “Muốn có được tác giả như Hà Triều – Hoa Phượng, ngay bây giờ phải truyền dạy cho đội ngũ tác giả trẻ kỹ thuật biên kịch bài bản cải lương. Viết một vở cải lương không thể cẩu thả, phải có tư duy mới, có thẩm định văn học, kiến thức văn hóa. Không làm ngay từ bây giờ, sẽ không có đội ngũ kế cận, đừng nói đến việc sáng tác hay như 2 ông”.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Source: Bao giờ cải lương có được Hà Triều, Hoa Phượng?