Con gái tôi (bé Đông) khi gọi điện gặp bố thường bắt đầu bằng câu: “Bố Đăng ơi, bố đang ở đâu?”. Câu này cũng thân thuộc như “Con ơi, Ba đây. Con ăn cơm chưa?” đề cập trong bài của Nguyễn Thanh Việt.
Viet Thanh Nguyen: Tôi yêu nước Mỹ. Đó là lý do tại sao tôi phải nói sự thật về nó. (Nguyễn Đức Tường dịch)
http://time.com/5455490/american-like-me/
Gia đình Nguyễn, vào đầu những năm 1980 ở San Jose, California, nơi cha mẹ anh sở hữu Chợ Mini Sài Gòn Mới Photographs Courtesy Viet Thanh Nguyen Việt Thanh Nguyễn sinh ra ở Việt Nam và lớn lên ở Mỹ. Cuốn tiểu thuyết The Sympathizer của ông đã được giải Pulitzer 2016 về Hư cấu, cùng năm giải thưởng khác.
*
Love it or leave it —Thương nó hay xéo đi. Bạn đã nghe ai nói câu này chưa? Hay chính bạn đã nói câu đó? Bất cứ ai đã từng nghe năm từ này đều hiểu ý nghĩa của nó, bởi vì chúng gần như luôn luôn chạm đến nước Mỹ. Bất cứ ai đã từng nghe câu này đều hiểu nó là khẩu súng mà đạn đã lên nòng, đang chĩa vào chính mình.
Riêng đối với những người nói câu này, các bạn có ý định nói với sự dịu dàng, đồng cảm, với sự mỉa mai, châm biếm, hay với bất kỳ tâm trạng nào không tiềm ẩn sự bực tức? Hay câu nói đó luôn luôn là một đe dọa rất rõ ràng?
Tôi hỏi vì thực sự tò mò, bởi vì bản thân tôi chưa bao giờ nói câu này, liên quan đến bất kỳ quốc gia hay nơi chốn nào. Tôi chưa bao giờ nói “Love it or leave it ” với con trai tôi, và tôi hy vọng sẽ không bao giờ phải nói câu đó, bởi vì đấy không phải là thứ tình yêu mà tôi muốn cảm nhận, cho con tôi hay cho đất nước tôi bất kỳ đất nước ấy là nơi nào đi nữa.
Đất nước nơi tôi đang viết những dòng này là nước Pháp, không phải là nước Việt Nam, nơi tôi ra đời, mà là đất nước đã chiếm Việt Nam làm thuộc địa trong suốt hai phần ba thế kỷ. Cuộc đô hộ của Pháp chỉ kết thúc 17 năm trước khi tôi sinh ra. Cha mẹ tôi và ông bà tôi không biết điều gì khác ngoài chủ nghĩa thực dân Pháp. Có lẽ vì chút lịch sử này, một phần của tôi yêu nước Pháp với một chừng mực nào đó, một thứ tình yêu sinh ra từ đầu óc thuộc địa.
Ý thức được vị thế bị làm dân thuộc địa này, tôi không yêu nước Pháp giống như nhiều người Mỹ yêu nước Pháp, những người mơ ước tháp Eiffel, ngồi nhâm nhi cà phê ở quán Les Deux Magots, ăn một bữa ăn ngon miệng miền Provence. Đây là thứ tình yêu lãng mạn chỉ thoáng qua tôi theo âm điệu tiếng đàn accordionhoặc tiếng hát Édith Piaf. Tôi không thể không nhìn thấy những di sản của chủ nghĩa thực dân đó hiển hiện khắp Paris cho những ai muốn nhìn thấy: những người gốc châu Phi và Ả Rập có mặt ở đây bởi vì nước Pháp đã từng có mặt ở các phần đất nơi họ sinh ra. Thật khó mà lãng mạn hóa được cuộc sống của họ thường ở bên lề xã hội Pháp, và đó là lý do tại sao người Mỹ hiếm khi đề cập đến những người này trong phần tưởng tượng của họ về Paris.
Mơ tưởng thường hấp dẫn, đặc biệt với lịch sử Việt Nam sẵn có trong tôi. Hầu hết những người Pháp gốc Việt mà tôi biết đều hài lòng cho dù họ nhận thức được lịch sử thuộc địa của họ. Tại sao không? Một người bạn Ma-rốc ở Paris chỉ vào làn da tôi có chung với những người Pháp gốc Việt này và nói, “Anh là dân da trắng ở đây.” Nhưng tôi không là hay chưa là dân da trắng ở Mỹ. Tôi được đào tạo ở Mỹ nhưng sinh ra ở Việt Nam, và nguồn gốc của tôi không thể tách rời khỏi ba cuộc chiến: cuộc chiến người Việt chống lại người Pháp, cuộc chiến giữa người Việt với nhau, và cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam.
Nhiều người Mỹ coi cuộc chiến này là một ví dụ về lòng cao thượng trong thiện ý của họ, cho dù có thể có khiếm khuyết. Và dẫu cho có chút sự thật nào trong đó nó cũng vẫn chỉ đơn giản là sự tiếp nối chủ nghĩa thực dân của Pháp, một cuộc chiến phân biệt chủng tộc và mang tính đế quốc từ trong cỗi rễ và trong cả cách tiến hành. Như vậy, cuộc chiến này chỉ là biểu hiện của chủ trương bành trướng trải dài qua thế kỷ của đế quốc Mỹ, bắt đầu từ sự ra đời thuộc địa của chính nó rồi vượt qua những biên thùy, Miền Tây nước Mỹ, Mexico, Hawaii, Guam, Puerto Rico, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và bây giờ là Trung Đông.
Một cuộc chiến có thể là lỗi lầm. Một loạt dài các cuộc chiến là một mô hình. Trong óc tưởng tượng của người Mỹ, thổ dân Da đỏ là những kẻ khủng bố nguyên thủy. Hành vi diệt chủng đối với thổ dân của người định cư da trắng là khía cạnh xấu xí của lễ Tạ Ơn, ít được nhớ tới nhưng cũng không thực sự bị lãng quên, vì ngay cả ở Pháp, người ta cũng có thể tìm thấy được những hình ảnh của một người Mỹ bản địa ở trần, đầu đội chiếc mũ lông. Nhiều thế kỷ sau, ký ức âm ỷ về tội diệt chủng —hay ngợi ca cuộc xâm lăng —lại xuất hiện khi những người lính Mỹ gọi lãnh thổ Việt Nam thù nghịch là “đất Da đỏ.” Ngày nay người Hồi giáo là những gooks mới trong khi những kẻ khủng bố là cộng sản mới, bởi vì cộng sản không còn đe dọa nhiều nữa nên mọi xã hội đều cần một Cái Gì Khác để xác định ranh giới và để trút nỗi sợ hãi vào đó.
Gia đình Nguyễn, vào đầu những năm 1980 ở San Jose, California, nơi bố mẹ ông sở hữu New Saigon Mini Market – Photographs Courtesy Viet Thanh Nguyen Nhiều người Mỹ không thích nghe những điều này. Một cựu chiến binh người Mỹ của cuộc chiến, tình nguyện nhập ngũ, đã viết cho tôi trong cơn thịnh nộ sau khi đọc một bài tiểu luận của tôi về những vết sẹo mà người Việt Nam tị nạn mang theo mình. Ông ta nói người Mỹ đã hy sinh bản thân họ cho đất nước tôi, cho gia đình tôi, cho tôi. Tôi nên biết ơn. Khi tôi phúc đáp thư ông ấy và nói rằng ông là người duy nhất bị tổn thương vì nóng giận, ông đã viết lại một thư thậm chí càng giận dữ hơn. Một cựu chiến binh Mỹ khác, một cựu sĩ quan bây giờ là một nha sĩ/bác sĩ, đọc cuốn tiểu thuyết The Sympathizer của tôi và gửi cho tôi một lá thư lời lẽ ôn tồn hơn nhưng với cùng một thông điệp, hoàn toàn thiếu vắng sự tế nhị. Ông nói, dường như bạn quá yêu thương những người cộng sản. Tại sao bạn không trở về Việt Nam mà sống? Và nhớ đem theo cả con trai bạn đi cùng đấy.
Tôi đã mệt mỏi nên không viết trả lời ông ta. Lẽ ra tôi phải viết. Tôi nên nêu ra việc hẳn là ông không đọc hết cuốn tiểu thuyết của tôi bởi vì phần tư cuối của cuốn sách đã cáo buộc chủ nghĩa cộng sản qua nhiều thất bại ở Việt Nam. Có thể ông không đọc thêm được nữa vì cảm thấy bị xúc phạm ngay ở phần tư đầu của cuốn tiểu thuyết lên án cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Có thể ông cũng chưa đọc đến giữa cuốn tiểu thuyết, ở phần này tôi châm biếm những thất bại của chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam, thể chế đã chứng kiến tôi ra đời.
Tôi phê phán không vì tôi ghét tất cả các quốc gia tôi từng biết mà bởi vì tôi yêu mến các quốc gia ấy. Tình yêu của tôi dành cho những đất nước ấy không dễ dàng bởi vì lịch sử phức tạp của chúng hệt như của tất cả mọi quốc giakhác. Mọi quốc gia bao gồm cả nước Pháp, đều tin vào phần tinh hoa nhất của mình và từ những viễn kiến ấy, hình thành những nền văn hóa đẹp đẽ. Vậy đấy, nhưng mỗi quốc gia kể cả Việt Nam, đều bị vấy bẩn bởi máu của chinh phục và bạo lực. Nếu chúng ta yêu đất nước của chúng ta, chúng ta không chỉ nợ chúng sự tâng bốc mà còn phải nói cả sự thật cùng với vẻ đẹp và cả sự tàn bạo của chúng, nước Mỹ không ngoại lệ.
Nếu tôi đã viết lá thư nói trên, tôi muốn hỏi vị nha sĩ/bác sĩ này tại sao ông ta phải đe dọa con tôi, nó sinh ra ở Mỹ mà. Quyền công dân của nó mặc nhiên không mảy may khác với quyền công dân của quý ông nha sĩ, bác sĩ và cựu chiến binh. Ấy vậy nhưng người ta vẫn bảo con tôi thương nó hay xéo đi. Thật là có một người Mỹ nói như vậy không? Có. Và không có. “Love it or leave it ” hoàn toàn là Mỹ và đồng thời cũng không là Mỹ, giống y chang tôi.
Không giống con trai tôi, tôi phải xin nhập quốc tịch. Tôi có yêu nước Mỹ vào thời điểm tôi nhận quốc tịch không? Thật khó nói, bởi vì tôi chưa bao giờ nói “I love you” với bất cứ ai, kể cả bố mẹ tôi, càng ít cơ hội hơn với một quốc gia. Tuy nhiên ở tuổi niên thiếu,tôi vẫn muốn đượctuyên thệ là công dân của nướcMỹ.Đồng thời, tôi cũng muốn giữ tên tiếng Việt của mình. Tôi đã thử nhiều tên Mỹ khác nhau nhưng thử mãi mà không vừa. Tất cả đều ngượng nghịu. Chỉ cái tên bố mẹ tôi cho tôi là tự nhiên, có lẽ dobố tôi luôn luôn nhắc nhởtôi, “Con là người Việt 100%.”
Bằng cách giữ tên mình, tôi có thể trở thành một người Mỹ nhưng không quên tôi sinh ra ở Việt Nam. Điều nghịch lý là tôi cũng tin rằng bằng cách giữ lại tên, tôi đã có sự cam kết với nước Mỹ. Không phải là nước Mỹ của những người nói “Love it or leave it ”mà là nước Mỹ của tôi, một nước Mỹ mà tôi buộc phải nói tên tôi, thay vì một nước Mỹ áp đặt lên tôi một cái tên.
Sau đó là một thử thách khác khi cần đặt tên cho con trai của tôi.Tôi muốn cho nó một cái tên Mỹ thể hiện sự phức tạp của nước Mỹ. Tôi đã chọn Ellison, theo tên văn hào Ralph Waldo Ellison, chính tên ông cũng đặt theo tên nhà triết học lớn Ralph Waldo Emerson. Gia phả của con trai tôi vừa đen, vừatrắng, vừa văn học vừatriết học, gồm người Mỹ và người Mỹ gốc Phi châu. Gia phả này diễn tả sự vĩ đại của nước Mỹ và cả sự kinh hoàng của nó,nhìn thấy ởnền dân chủ cũng như chế độ nô lệ. Một số người Mỹ muốn tin rằng sự vĩ đại đã thay thếnỗi kinh hoàng, nhưng đối với tôi, sự vĩ đại và nỗi kinh hoàng đã cùng hiện hữu khởi đi từ lịch sử nguyên thủy của nước Mỹ và có lẽ cho đến hồi kết cục. Một cái tên như Ellison cô đọng vẻ đẹp và sự tàn bạo của nước Mỹ chỉ vớibảy mẫu tự,là tổng kết củatuyệt vọng và hy vọng.
Nguyễn cùng mẹ ở Việt Nam, trước khi rời đi Hoa Kỳ – Photographs Courtesy Viet Thanh Nguyen Đây là một gánh nặng đè trên vai con tôi, mặc dù nó không nặng hơn gánh nặng mà cha mẹ tôi đã đặt trên vai tôi. Tên của tôi là tên của người Việt, mà thần thoại yêu nước nói rằng chúng tôi đã trải qua hàng thế kỷ khổ đau để được độc lập và tự do. Và Việt Nam ngày nay, độc lập thì có, nhưng khó mà nói được tự do. Tôi không bao giờ có thể quay về sống mãi mãi ở Việt Nam, bởi vì tôi không bao giờ có thể là một nhà văn ở đó, nói những điều tôi nói mà không bị đưa vào tù.
Vì vậy, tôi chọn sự tự do của nước Mỹ, thậm chí tại một thời điểm khi “Love it or leave it” không còn là thuật ngữ hoa mỹ nữa. Chính quyền hiện tại đang đe dọa thu hồi quốc tịch và trục xuất ngay cả các công dân đã nhập tịch. Có lẽ không còn quá xa vời để mường tượng một ngày nào đó, một người giống như tôi, sinh ra ở Việt Nam, có thể được gửi trả vềViệt Nam mặc dù đương sự đã có nhiều cống hiến hơn so với nhiều người Mỹ sinh ra tại Mỹ. Nếu vậy, tôi sẽ không đưa con tôi cùng đi. Việt Nam không phải là đất nước của nó. Nước Mỹ mới là quê hương của nó và có lẽ nó cảm nhận đượcmột tình yêu nước Mỹ ít phức tạp và do trực giác nhiều hơn tôi.
Con tôi cũng sẽ —tôi hy vọng như vậy —biết một thứ tình phụ tử ít phức tạp hơn tôi. Từ khi khôn lớn, tôi chưa từng nói “I love you” vì bố mẹ tôi chưa từng nói “I love you” với tôi. Điều đó không có nghĩa là bố mẹ tôi không yêu tôi. Họ yêu tôi nhiều đến nỗi làm việc đến kiệt sức ở nước Mỹ mới mẻ này. Tôi hầu như chẳng mấy khi gặp mặt họ. Đôi khi gặp thì bố mẹ tôi quá mệt để có thể vui vẻ. Dẫu vậy, dù mệt mỏi thế nào chăng nữa, bố mẹ tôi vẫn sửa soạn bữa ăn tối thường chỉ gồm một món lòng heo luộc. Tôi lớn lên với ruột, lưỡi, gan, mề và tim lợn. Nhưng tôi không bao giờ bị đói.
Ký ức về tình yêu phủ tạng thể hiện sự hy sinh ấy thấm ngấm tận xương tủy tôi. Một chữ hoặc một giọng nói có thể khiến tôi cảm nhận được sự sâu sắc của tình yêu đó, như đã xảy ra với tôi một lần khi tôi nghe lỏm được câu chuyện trao đổi trong tiệm thuốc Tây gần nhà ở Los Angeles. Người đàn ông bên cạnh tôi gốc Á châu, không đẹp trai, phục sức giản dị. Ông nói chuyện bằng tiếng Việt, giọng miền Nam trên điện thoại di động. “Con ơi, Ba đây. Con ăn cơm chưa?” Dáng dấp ông trông hơi thô, có lẽ thuộc giới lao động. Nhưng khi nói chuyện với con mình bằng tiếng Việt, giọng ông rất dịu dàng. Những gì ông ta nói không thể dịch được, chỉ có thể cảm nhận thôi.
Theo nghĩa đen từng chữ, ông ta nói, “Chào con. Đây là cha của con. Con đã ăn cơm chưa?” Câu nói chẳng có ý vị gì trong tiếng Anh, nhưng bằng tiếng Việt nó ngụ ý tất cả. “Con ơi, Ba đây. Con ăn cơm chưa?” Đây là cái cách người chủ nhà chào đón khách đến nhà, bằng câu hỏi họ đã ăn gì chưa. Đây là cái cách cha mẹ, những người không bao giờ nói “I love you” với con cái, tỏ lộ tình thương yêu chúng. Tôi lớn lên với những phong tục, những cảm xúc, những bầy tỏ thân mật này, và khi tôi nghe người đàn ông kia nói chuyện với con mình, tôi suýtkhóc. Nhờ thế, tôi biết rằng tôi vẫn là người Việt, bởi vì lịch sử nằm trong máu và văn hóa là dây rốn của tôi. Cho dù tiếng Việt của tôi không hoàn hảo, tôi vẫn kết nối với Việt Nam và với khối người Việt tị nạn trên toàn thế giới.
Ấy vậy, khi tôi lớn lên, vài người Mỹ gốc Việt nói với tôi rằng tôi không thực sự là người Việt vì tôi không nói rành tiếng Việt. Câu nói như vậy là họ hàng của “Love it or leave it”. Tuy nhiên, có nhiều cách để trở thành người Việt, cũng như có nhiều cách để trở thành người Pháp, nhiều cách để trở thành người Mỹ. Đối với tôi, miễn là còn cảm nhận tôi là người Việt, miễn là những gì Việt Nam vẫn còn làm tôi xúc động, thì tôi vẫn là người Việt. Đó là cách tôi cảm nhận tình yêu dành cho quê hương Việt Nam, một trong nhiều quốc gia của tôi, và đó là cách tôi cảm nhận được bản chất Việt của chính mình.
Vừa đòi quyền sở hữu bản chất Việt đầy thách thức, bất chấp định nghĩa bản thể của người khác, tôi cũng tự xưng mình là người Mỹ. Chống lại tất cả những người nói “Love it or leave it” chỉ có một cách duy nhất để trở thành người Mỹ, tôi nhấn mạnh vào nước Mỹ, một đất nước cho phép tôi là người Việt và được làm phong phú thêm bởi tình yêu của kẻ khác. Vì vậy, mỗi ngày tôi hỏi con tôi đã ăn chưa và mỗi ngày tôi nói với con tôi là tôi yêu nó. Đây là nguyên do khiến tình yêu đất nước và tình yêu gia đình không khác gì nhau. Tôi muốn tạo ra một gia đình ở đó tôi sẽ không bao giờ phải nói “Love it or leave it” với con tôi, hệt như tôi muốn một đất nước sẽ không bao giờ nói điều này với bất cứ ai.
Hầu hết người Mỹ khi nghe tiếng Việt, sẽ không cảm nhận được những gì tôi cảm nhận nhưng họ cảm nhận tình yêu đất nước theo cách riêng của họ. Có lẽ họ cảmnhậntình yêu sâu sắcvà đầycảm xúc ấy khi họ nhìn thấy lá cờ hoặc nghe bài quốc ca. Tôi thừa nhận rằng những biểu tượng ấy có rất ít ý nghĩa đối với tôi, bởi vì chúng chia rẽ cũng nhiều như đoàn kết. Quá nhiều người, từ chức quyền cao nhất trong nước trở xuống, đã dùng những biểu tượng đó chủ yếu để nói với tất cả người Mỹ hãy yêu thích nó hay xéo đi, love it or leave it.
Không bị ảnh hưởng bởi lá cờ và bài quốc ca không làm tôi ít Mỹ hơn những người yêu thích những biểu tượng ấy. Không quan trọng hơn hay sao nếu tôi yêu thực chất đằng sau những biểu tượng đó chứ không phải chính các biểu tượng? Các nguyên tắc. Dân chủ, bình đẳng, công lý, hy vọng, hòa bình và đặc biệt là tự do, tự do viết và suy nghĩ bất cứ điều gì tôi muốn, ngay cả khi quyền tự do của tôi và vẻ đẹp của những nguyên tắc đó, tất cả được nuôi dưỡng bởi máu diệt chủng, nô lệ, chinh phục, thực dân, chiến tranh đế quốc, chiến tranh triền miên. Tất cả những điều đó là nước Mỹ, nước Mỹ xinh đẹp và tàn bạo của chúng ta.
Nguyễn khi còn bé ở Ban Mê Thuột, vào khoảng năm 1974 – Photographs Courtesy Viet Thanh Nguyen Thời niên thiếu của tôi ở San Jose, California, các thập niên 1970 và 1980, tôi đã không hiểu sự mâu thuẫn đó là nước Mỹ của chúng ta. Nhìn lại lúc ấy, tôi chỉ muốn trở thành người Mỹ theo cách đơn giản nhất, một phần vì muốn chống lại ý muốn của cha tôi đòi hỏi tôi phải Việt Nam 100%. Cha tôi cảm nhận tình yêu sâu đậm nhường ấy đối với đất nước của ông vì ông đã mất nó khi chúng tôi trốn khỏi Việt Nam như những người tị nạn vào năm 1975. Nếu cha mẹ tôi gắn bó quyết liệt với căn cước và văn hóa Việt Nam đó là vì họ muốn lấy lại đất nước của họ, một tình cảm mà nhiều người Mỹ chắc chắn sẽ hiểu.
Sau đó, Hoa Kỳ tái lập quan hệ với Việt Nam vào năm 1994, và cha mẹ tôi nắm ngay cơ hội đầu tiên để về thăm nhà. Cha mẹ tôi đã đi hai lần, không có tôi theo, đến thăm một đất nước mới nổi lên từ hoàn cảnh đói nghèo, tuyệt vọng thời hậu chiến. Những gì cả hai nhìn thấy trên quê hương đã tác động mạnh mẽ lên cha tôi. Sau chuyến đi thứ hai, cha mẹ tôi không bao giờ trở lại Việt Nam nữa. Thay vào đấy, trong bữa cơm nhân dịp lễ Tạ Ơn tiếp theo, cha tôi nói, “Bây giờ chúng ta là người Mỹ.”
Cuối cùng, cha tôi tuyên bố chấp nhận nước Mỹ. Lẽ ra tôi phải phấn chấn, một phần trong tôi là thế khi chúng tôi ngồi trước bữa ăn với hương vị xa lạ gồm gà tây, khoai tây tán và sốt cranberry, do anh tôi mua từ siêu thị vì không ai trong gia đình tôi biết nấu những món đặc sản này chúng tôi chỉ ăn mỗi năm một lần. Tuy nhiên, nếu tôi không cảm thấy thoải mái, ấy là vì tôi không thể không tự hỏi: Nước Mỹ nào đây?