Tư liệu quý về những năm tháng hoạt động của sinh viên Việt Nam ở Tây Đức.

Nhân có bạn Nguyễn Diệu Linh làm PhD về lịch sử ở Uni Gießen muốn nghiên cứu về sinh viên Việt Nam ở Tây Đức thời cuối 1960 đến trước Đổi Mới, các anh chị người Việt của thế hệ đó có chia sẻ lại trong mail group Tủ sách Nhất Nghệ Tinh một bài viết từ năm 2005, kể chuyện đấu tranh chống Mỹ từ Aachen. Tác giả có “mong ước tả được đại dương từ một giọt nước. Xin tả bão lửa cháy rừng qua đốm lửa một que diêm.” Trong đó có nhiều thông tin rất hay, người đời sau không ở hoàn cảnh đó thì khó tưởng tượng được không khí những năm rực lửa ấy.

Trong bài có nhắc đến lời hát “Hồng hà Cửu Long nước hoà chung vào biển Đông”, có thể nghe trong video này:

Bài này có một số lỗi chính tả, tôi để nguyên không sửa, đó cũng là kỷ niệm của các sinh viên đã dành một phần lớn cuộc đời để học tập ở nước ngoài.

LỬA VIỆT NAM

TRÊN QUÊ HƯƠNG CỦA GOETHE

 

       Trăng vô sự soi người vô sự

Vua Trần Nhân Tông (thế kỷ 13)

 

Chiến lược của chúng tôi là hoà bình

Đại Tướng Võ Nguyên Giáp trả lời

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara

 

       Ở ngã ba biên giới Đức, Bỉ, Hà Lan có một thành phố đại học rất hiền hoà và dễ thương: Aachen (1). Với vùng nói tiếng Pháp ở Châu Âu, Aachen còn có một cái tên rất mỹ miều: Aix la Chapelle. Vua Karl der Grosse ( Karl Đại đế) sinh năm 742 và mất vào năm 814 ở Aachen, là hoàng đế nổi tiếng nhất trong việc mở rộng bờ cõi của vương triều Karolingen, nên sau khi vua Karl qua đời, hoàng đế này được gắn thêm tên thụy “Đại đế”. Karl der Grosse được người Pháp gọi là “Charlemagne” và được xem như người Cha của Châu Âu lúc bấy giờ.

            Từ “Deutsch” nghĩa là tiếng Đức, “Deutschland” (nước Đức), xuất hiện vào thế kỷ VIII, phát xuất từ “theodisca lingua” nghĩa là tiếng nói của các tộc người Germanen ở vương quốc của Karl Đại đế.

            Hơn một ngàn hai trăm năm sau, khi xảy ra những sự kiện của người Việt Nam tại đây, cố đô Aachen vẫn giữ nét cổ kính, truyền thống mà hiện đại. Từ căn tin sinh viên (Mensa) đi qua Đại giảng đường (Audimax) chứa mấy ngàn thính giả, xuống phố cổ đủ hẹp cho “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, Bà Huyện Thanh Quan sẽ ngạc nhiên nhìn ngắm lâu đài sừng sững trên ngọn đồi nhìn ra tứ phương vô sự, yêu đời, không hề ảm đạm, xót xa ” nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Phía sau là Elisenbrunnen (Nguồn nước Elisen), chếch sang phải là đồi Bellevue . Chỉ cách đó 30km ở phương Bắc là Maastricht (Hà Lan), nơi thai nghén ra Liên minh Châu Âu (EU) cuối thế kỷ 20. Phía trái là đường qua Verviers  (Bỉ).

            Ký sự sau đây tập trung vào hoạt động của phong trào sinh viên Việt Nam tại Aachen 1972 – 1975, trong mong ước tả được đại dương từ một giọt nước. Xin tả bão lửa cháy rừng qua đốm lửa một que diêm. Ký sự này viết dựa vào hồi tưởng, đậm nhạt trong biên độ trí nhớ ngày càng yếu đi của một nhân chứng. Vì thế, bài viết này không dám vẽ lại toàn cảnh những năm tháng rất đỗi thân thương và hào hùng, đầy ắp những ước mơ mà dù hiện thực có vùi dập, hoàn cảnh lịch sử có oái ăm, ngang trái, trớ trêu, ước mơ của những ngọn lửa Việt Nam vẫn âm ỉ cháy .Cháy ngầm và cháy bùng. Chập thành lửa ngọn.

Bùng lên: sự kiện Aachen 10.5.1972

            Ấy là một buổi trưa ở Mensa bên trái lầu 1, nơi các sinh viên Việt Nam thường ngồi ăn chung, tin máy bay Mỹ mở rộng oanh tạc, leo thang chiến tranh, đe doạ ném bom hệ thống đê sông Hồng, truyền đi như một cơn lốc. Những sinh viên Đức, Châu Mỹ la tinh và Trung Đông, thế giới Ả Rập là những người căm phẩn một cách trầm tĩnh, chia nhau công việc chuẩn bị và kêu gọi biểu tình. Các khẩu hiệu “Đoàn kết quốc tế” (Internationale Solidarität), “Việt Nam của người Việt Nam” (Vietnam den Vietnamesen), “Đả đảo đế quốc Mỹ” (Nieder mit dem US-Imperialismus),… được treo lên tiền sảnh. Những khẩu hiệu đã có sẵn của phong trào phản chiến, đòi hoà bình cho Việt Nam. Các tổ chức sinh viên như  Spartakus,ASTA…kêu gọi tham gia biểu tình. Điểm xuất phát từ Mensa.

            Họ phát truyền đơn, tờ bướm đến tận tay mỗi người. Họ thương Việt Nam hơn cả chính mình.

            Một nhóm 13 sinh viên Việt Nam rủ nhau về căn nhà mang tên Ché Guevara, hội ý chớp nhoáng, chia nhau đi mua bìa các tông màu và bút lông to bản, viết thêm các biểu ngữ tiếng Đức chống Mỹ ném bom. Áp phích khổ A2, A1 bằng tiếng Đức và tiếng Việt, kết bằng hai dây bố để đeo vào người, cả mặt trước lẫn mặt sau.

            Các anh em C., C., C., Ch., Đ.Đ, H.H, L.L, M., S., T. (2) chen vào khúc đầu của đoàn biểu tình, cách lá cờ xanh đỏ sao vàng của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam chỉ khoảng 5m.13 gương mặt Việt Nam còn quá trẻ, tuổi chỉ 19 đến 23. Đoàn biểu tình nồng nhiệt đón chào với những ánh mắt chan chứa tình thương và ý chí đấu tranh. Các anh em cặp tay nhau thành một hàng chiếm trọn bề ngang lòng đường, cùng hô to “Ho, Ho,.. Hoch Internationale Solidarität”. Chữ Hoch nghĩa là cao và cao cả, hoan hô tình đoàn kết quốc tế, và ở nước Đức bấy giờ, người chống chiến tranh Mỹ tại Việt Nam đều bắt nhịp lời hô to này bằng hai tiếng Hồ, Hồ để biểu thị tình cảm yêu kính Bác Hồ của chúng ta. Cuộc biểu tình đạt đến cao điểm, khi hàng ngàn người tụ tập ở Nguồn Nước Elisen. Anh em Việt Nam quyết định tuyệt thực một ngày hai đêm, ngay nhà vòm mặt tiền Elisenbrunnen, trung tâm thành phố.

            Thật lạ lùng đối với bao khách dạo phố cuối tuần, khi nhìn thấy những  sinh viên Việt Nam, có người chưa vào năm thứ nhất của Đại học, ráng vận dụng hết chữ nghĩa tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp để thảo luận với nhà báo, với những người hiếu kỳ và cả những người vừa hỏi vừa khiêu khích.

            Tưởng chừng đám đông rồi sẽ vãn dần theo thời gian. Trời tháng năm ở Châu Âu rất đẹp! Nhưng không, khi đêm đến, một số anh chị em sinh viên Việt Nam khác đã chạy đến thăm hỏi, nhập vào chỗ anh em ngồi tuyệt thực. Một sáng kiến được đưa ra: viết Tuyên cáo. Bản tiếng Việt được viết tại chỗ. Gần như mỗi người đọc lên một ý, một câu mà thành bản quân hành đầu tiên, trong sáng như ánh trăng đang soi trên đầu. Trăng cũng đang soi bên kia địa cầu, nơi quê hương Việt Nam đang ngập tràn máu lửa.

          Đêm ấy, hình như không có ai ở Elisenbrunnen ngắm ánh trăng soi lấp lánh cả công viên, sau lưng vườn Thượng Uyển ngày xưa.

Trên lưng cọp

            Bản tuyên cáo được dịch sang tiếng Đức, mang chữ ký của 34 sinh viên Việt Nam tại Aachen, ngay trong ngày tuyệt thực đầu tiên. Thế là hơn một nửa số sinh viên người Việt tại đây, và nghiễm nhiên mang tên chính thức của Hội sinh viên Việt Nam tại Aachen (3). Khi tuyệt thực kết thúc, có thêm hơn 30 chữ ký các sinh viên Việt Nam từ các nơi ngoài Aachen nhiệt liệt hưởng ứng. Những chữ ký quý hơn vàng, khẳng định sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Aachen không cô độc. Không thể để nhóm lửa mới nhen bị cô lập và vùi dập.

Thế nhưng, danh sách phải được đóng băng ngay, để tránh bộc lộ lực lượng.

Thật ra, tính tự phát là chủ đạo. Từ tự phát đi đến tự giác sau này.

Ý nghĩa của sự kiện Aachen là sự bùng lên của lòng yêu nước, nghĩa đồng bào

Toà đại sứ Việt Nam cộng hoà ở Bonn, thủ đô CHLB Đức lúc bấy giờ, phản ứng rất nhanh. Mỗi anh em tham gia ký tuyên cáo đều nhận được “thư mời lên Bonn – Bad Godesberg, Victoriastr 26 làm việc”. Vài người lên Bonn xem sao, nghe kể lại sự đe doạ xen lẫn dụ dỗ, cảnh cáo và ve vuốt, tỏ ý khoan hồng nếu biết suy nghĩ và hối cải, chỉ chú tâm học hành, không “làm chính trị”, ai cũng bất mãn.

Tất cả đều biết rằng mình đã leo lên lưng cọp.

Sứ quán Sài gòn bồi thêm biện pháp “cúp chuyển ngân”. Gia đình không được phép chuyển ngoại tệ qua Đức cho con em mình ăn học. Đây là đòn trừng phạt chẳng mới mẻ gì, vì trước đó nhiều năm, hàng trăm sinh viên miền Nam tại Pháp, Bỉ, Canada, Nhật,…đã bị đàn áp.

Cuối năm 1970, phiên toà xử khiếm diện vụ 11 sinh viên Việt Nam tại Nhật tham gia phản chiến, đứng đầu là các anh Nguyễn An Trung, Lê Văn Tâm và Nguyễn Hồng Quân. Cũng trong thời gian này, toà án Sài gòn trên đường Công Lý (4) cũng tuyên án khiếm diện các sinh viên tại Đức gồm anh Nguyễn Phúc Quỳnh Quế (5), anh N. Xuân X. (6) và anh N. Ba(7) mỗi người 7 năm khổ sai và 7 năm biệt xứ.

Chưa đến 7 năm sau thì chế độ ra cái án đó đã vĩnh viễn biệt xứ.

Cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục

           Không phải dễ dàng để có sẵn máu anh hùng, hảo hán. Khi cầm trên tay lá thư đe doạ của Chính quyền Sài Gòn, sự phân vân, lo lắng gần như đã cướp mất hồn. Mấy chục con người ở tuổi 20 đã không thể ngủ được. Hình ảnh cha mẹ, anh em, bà con, bè bạn cứ chập chờn trước mắt vì ngày về chắc còn xa lắm. Tình cảm ấy rất là con người.

            Thế nhưng, có một bờ vực bâng khuâng khác : Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước, chọn một dòng hay để nước trôi (thơ Tố Hữu). Lẽ nào ngồi yên nhìn bom đạn ngoại bang tàn phá đất nước mình? Lẽ nào phải đầu hàng ngay cả trước khi thật sự ra trận?

            Sáng hôm sau, những sinh viên Việt Nam gặp nhau tại Mensa. Đó là một ngày không như mọi ngày, với tâm trạng buồn, thương, đau xót xen lẫn căm giận. Họ hỏi thăm nhau về lá thư đe doạ, chia sẽ tâm tình, bộc lộ tâm trạng. Có người sôi nổi, có người trầm buồn, có người im lặng. Nhưng cuối cùng, tất cả đã đi đến một kết luận chung: Cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục.

            Một số bạn như  anh Harald(8), Thomas(9),… chạy tới hỏi thăm. Khi nghe câu nói: Der Kampf geht weiter (Cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục), các bạn ôm chầm lấy chúng tôi. Thật là cảm động và ấm áp.

Để diễn tả tâm trạng lúc cô đơn của những sinh viên trẻ này, có lẽ phải hát như nhạc sĩ Trần Tiến:

Tôi cô đơn như một ngọn cờ. Ngọn cờ khát khao, ngọn cờ bão dông. Ngọn cờ xé nát trong làn đạn thù. Ngọn cờ quấn quanh thi hài người lính… Tôi cô đơn như một ngọn cờ, trên đỉnh núi hoang vu đời tôi… Thèm biết bao nhiêu bàn tay của mẹ, hãy về bên con trong giây phút cô đơn. Thèm biết bao nhiêu bàn tay bè bạn, nắm chặt tay tôi trong giây phút cô đơn… Tôi cô đơn như một ngọn cờ. Tôi vinh quang như một ngọn cờ…”(10).

Đối thoại và phản pháo

            Toà đại sứ chính quyền Sài Gòn mời toàn thể sinh viên Việt Nam tại Aachen dự một buổi họp, vào một chiều thứ bảy, xem như đợt “phản pháo” đầu tiên. Ông Th., tuỳ viên chính trị và cô L., tuỳ viên lãnh sự  là hai thuyết khách chính. Họ phải làm việc này vì đó là nhiệm vụ của công chức. Rất đông sinh viên từ Bỉ, và cả những vùng từ cực Nam và cực Bắc nước Đức đã đến để biểu đồng tình với sự “nổi dậy” của sinh viên Việt Nam. Buổi họp nóng lên ngay từ phút đầu tiên, khi sinh viên phản đối ông tuỳ viên chính trị chỉ nói tiếng Đức, thay vì tiếng Việt, có lẽ do chủ ý muốn nhắn gởi qua giới báo chí Đức. Anh H. Đức L. chất vấn và tố cáo chính quyền Sài Gòn phản dân chủ, bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do tư tưởng của người dân. Nhiều anh em khác cũng phát biểu rất sôi nổi. Các nhân viên sứ quán quay qua hỏi lẫn nhau, vì có khá nhiều gương mặt lạ mà không tiện hỏi tên. Họ không biết rằng: đó là đợt tiếp ứng đầu tiên, rất nhiệt tình của những người đồng chí từ Bỉ, chưa hề quen biết.

            Người đứng đầu tổ chức sinh viên Tin lành tại Aachen, một người Đức gốc Tây Ban Nha rất đôn hậu, đã từ tốn giải thích ý nghĩa dân chủ, tự do thực sự là gì, quyền tự trị đại học tại Đức như thế nào và lương tâm của nhân loại trước cuộc chiến dã man tại Việt Nam. Ông khẳng định việc làm của tập thể sinh viên Việt Nam tại Aachen là đúng đắn, nhân bản và can đảm, đúng là tuổi trẻ với trái tim nóng hổi và tâm hồn trong sáng, không hề gắn với một đặc quyền, đặc lợi nào.

            Ông nói rất từ tốn, lúc nào cũng bắt đầu bằng “thưa các Ngài” một cách trịnh trọng thật sự. Tài hùng biện không nằm ở chỗ lên giọng xuống giọng, hay dao to búa lớn, mà chính là ở tình cảm và sức thuyết phục.

            Những lời ứng khẩu của ông đã được đông đảo cử toạ hoan nghênh nhiệt liệt, vỗ tay liên tục, trong một không khí như được “cỡi tấm lòng”.

            Sau này nhìn lại, hôm đó là một cuộc đối thoại đẹp ở chỗ không có bạo lực. Cuối buổi đối thoại, những sinh viên Việt Nam tại Aachen đã có thêm rất nhiều bạn mới, đồng chí mới.

            Xin nhớ dùm bối cảnh lúc bấy giờ nằm trong chiến tranh lạnh. Phe xã hội chủ nghĩa được xem như một thế giới sỏi đá nằm sau “bức màn sắt”. Sự phân cực trong sinh viên du học lúc bấy giờ là điều tất yếu

            Ngày ấy, mấy ai biết rằng: Từ năm 1955, và trong đợt đầu tiên, có 200 đứa con Việt Nam đã đến học ở Moritzburg của Cộng hoà dân chủ Đức, mảng phía Đông nước Đức, nằm sát “bức màn sắt” ảo của “cuộc chiến ý thức hệ” ảo. Chỉ có sự gieo rắc hận thù, bom đạn và cái chết thương tâm mỗi phút mỗi ngày ở Việt Nam là thật. Nơi đó đã là chiến trường từ năm 1858 khi thực dân Pháp xâm lược với chiêu bài khai hoá, dựng nên cảnh dùng người Việt Nam giết người Việt Nam. Nhìn cảnh nồi da xáo thịt đó, ai cũng dễ lầm lẫn cuộc chiến giải phóng chống ngoại xâm với cuộc nội chiến. Người Việt Nam lại chất chồng oán báo oán.

            Hội sinh viên Việt Nam tại Aachen phát động phong trào học tập lịch sử. Những anh H. Thanh C., N. Đức M. T.,T. Tuấn L., Đ. Phước H. và T. Văn C… đã dày công nghiên cứu và góp phần hướng dẫn anh em tìm hiểu cặn kẻ giai đoạn Cách Mạng Tháng Tám, 1945- 1954, Điện Biên Phủ, 1954-1963, rồi lịch sử cận đại. Học bằng cách trình bày và thảo luận mỗi chiều thứ bảy ở ngôi nhà mang tên Ché. Tài liệu được tung ra thường là Tạp chí nghiên cứu Sử địa, nguyệt san Trình Bày, Đối diện, Tin văn, để dễ tiếp cận, không bị “chụp mũ cộng sản”. Sách tiếng Anh, Pháp, Đức viết về Việt Nam đã giúp phần tư liệu về Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là phần bị che dấu và bóp méo trong chương trình giáo dục của chế độ Sài Gòn (11).

            Học thầy không tày học bạn. Những bạn này đã là những người thầy tốt đến mức giảng bài bằng chính sinh mệnh chính trị của mình, bằng lòng quả cảm đứng về phía sự thật, phân tích các chuỗi sự kiện lịch sử, phát hiện mâu thuẫn trong các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc bằng óc khoa học và trái tim của lòng yêu nước.

            Những tờ báo Đoàn kết của Liên hiệp việt kiều tại Pháp lúc bấy giờ (12), tạp chí Thế hệ, báo Đất Việt (Canada) đã gửi đến Tây Đức những thông tin và tư liệu làm sống lại lịch sử. Các tờ Gió Nội (Đoàn sinh viên phật tử Việt Nam tại Pháp) nhẹ nhàng nhưng kiên định theo hướng đi của dân tộc, tờ Sứ mệnh của Tổ chức người Việt tại Nhật Bản đấu tranh cho hoà bình và thống nhất đất nước, được viết với tinh thần võ sĩ đạo, thường mở đầu xã luận bằng câu nói rất dễ gây dị ứng lúc bấy giờ: Các đồng chí thân mến. Chữ đồng chí đã có từ thời Đông Du của những nhà cách mạng Việt Nam!

Thêm một chuyện “động trời”

            Tờ Đoàn kết đưa tin bão lụt ở miền Nam và miền Bắc. Hội sinh viên Việt Nam tại Aachen họp lại. Ý kiến tổ chức lạc quyên được anh em ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề được thảo luận sôi nổi nhất là gửi tiền qua ai và về đâu. Thật khó tin tưởng bộ máy chính quyền Sài Gòn đã quá ruỗng nát vì tham nhũng. Cuối cùng, đa số anh chị em đã đồng ý với đề xuất gửi qua Hội chữ thập đỏ quốc tế, và về cả miền Nam lẫn miền Bắc, mỗi bên đúng một nửa số tiền sẽ quyên góp được.

            Thật là động trời!

            Bởi lúc bấy giờ, cái chân lý hiển nhiên: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, vẫn chưa được nói ra công khai. Ai nói đến điều ấy thì bị xem là ăn phải “bã cộng sản”.

            Mùa đông năm 1972 đến với nước Đức rất sớm. Tuyết bay trắng cả trời. Những mái nhà phủ dày tuyết trắng và qua đêm, đường đi đã hoá thành băng. Anh chị em sinh viên Việt Nam chia nhau từng cặp đi đến gần 30 nhà thờ ở Aachen và vùng phụ cận, và dự tất cả những buổi rước lễ của hai ngày thứ bảy, chủ nhật. Các Cha đạo Thiên chúa, các linh mục Tin lành đều sốt sắng loan báo ý nghĩa việc lạc quyên và nói rõ việc gửi về hai miền đang chịu cảnh thiên tai và chiến tranh.

            Những lon đựng tiền được niêm phong, đã trở nên lạnh băng khi giao lại Sở công tác xã hội. Những đồng Đức mã ấm áp tình người nước Đức, nơi đã quá thấu hiểu và không bao giờ muốn có chiến tranh trở lại.

            Mọi nhà thờ đều không có lò sưởi, vì quá lớn và cao, lại phải chạy sô cho kịp giờ thánh lễ của các nhà thờ đã được phân công, gương mặt ai cũng lạnh cứng, hai vành tai cóng lại. Mấy lớp áo và vớ dài không đủ giữ được hơi ấm tối thiểu, nhưng mọi người đều vui mừng hớn hở khi biết kết quả thu được đã lên đến gần 100.000 Đức mã(13).

            Cuộc lạc quyên này, đối với chính quyền Sài Gòn, như dầu đổ thêm vào lửa.

Báo, nghiệp báo, báo nguy

            Lúc bấy giờ, các nơi khác ở Tây Đức đã có những tờ báo khá lạ lùng.

Nổi bật nhất là tờ Hòn Kẽm, không biết từ đâu ra. Nhưng truy từ câu ca dao “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng. Thương cha  nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!” thì nhóm chủ biên ắt có người quê Quảng Nam . Ơ đất Trà Kiệu, Mỹ Sơn vang bóng một thời, với gan góc Quế Sơn và của “Nắng Duy Xuyên tơ vàng giăng khắp lối“(14), và những bãi dâu xanh ngút ngàn. Nơi đó có những thác nước trong ngần đổ xuống suối Tiên, dòng sông cắt ngang hai ngọn núi dựng đứng, như những con đê kỳ vĩ lặng nghe tuồng cổ Quế Châu tự ngàn xưa, nặng nợ nước non.

Hòn Kẽm là hồi kèn xung trận, có mặt từ cuối những năm 60. Hòn Kẽm là hạt nhân của những hạt nhân gầy dựng phong trào tại Đức. Có ai biết một người tên B. đã từng viết một lá thư hơn một trăm trang gửi đến toà soạn ẩn danh của Hòn Kẽm, bộc bạch nỗi niềm và tâm tư của mình, để xin tham gia. Anh đã được nhận làm một chân đánh máy, không lương, không trợ cấp tiền đi lại và có thể sơ xẩy, bị lộ, thì trả giá bằng cái mạng của mình.

            Sau sự kiện Aachen , tờ Hòn Kẽm đã hoá thân thành nhiều tờ báo mới.

            Bên cạnh Hòn Kẽm đầy khí phách, hừng hực như phong trào tháng 5.1968 từng làm sôi động mọi kinh thành của Châu Âu, còn có những tờ Thức (Muenchen), Việt (Aachen) và một số tờ khác ở Berlin, Darmstadt…

Sau này, có thêm báo của Uỷ ban tranh đấu bảo vệ quyền lợi sinh viên Việt Nam tại Tây Đức (với Ban lãnh đạo là các anh Q., M., T. và C.), tạp chí Nhịp cầu của Nhóm sinh viên Công giáo (có anh Nguyễn Quang Tự, anh K., anh V., và anh M. là nòng cốt), tạp chí Biển đông của Đoàn sinh viên Phật tử (do anh B., anh  Đ., chị K.L. và anh Đặng Tiết Trung chủ biên), báo Hy vọng (vùng Ruhr-Rhein) và nhiều tờ khác.

Có tờ báo dài gần cả trăm trang, đủ các mục nghiên cứu, xã luận, thơ, văn, truyện,…chỉ do một người viết: anh N. M. M.

Đấy là thời chưa có điện thoại di động, chưa có internet để bùng nổ website

            Đã có lúc Aachen phải làm ba tờ báo trong cùng một tuần lễ, viết gần hai trăm trang đánh máy. Những cây bút có tiếng từ những địa phương khác đến Aachen bằng cách vẫy xin đi nhờ xe trên xa lộ (gọi là đi Autostop). Gặp phải bác tài pêđê thì hơi phiền một chút. Nhưng sinh viên nghèo, lại bị cúp chuyển ngân, lại bỏ công việc chạy bàn, lắc chảo trong nhà hàng để đi làm báo, thì phải nhìn đời têu tếu để “Cắn răng, mĩm cười và vượt qua”. Âu cũng là nghiệp báo tự nguyện!

            Chẵng phải Tề thiên với 72 phép thần thông, thổi một sợi tóc ra trăm ngàn Tề thiên khác, những nhà báo nghiệp dư này tự chế ra hàng chục bút hiệu khác nhau để làng báo sinh viên Việt Nam thêm xôm tụ: Ba Kim, Tinh Vệ, Nguyễn Văn Kỉnh, Trịnh Song, Cẩm Hải, Lê Kim, Hương Quảng, Bến Thành, Phú Ninh…

            Toà báo thường là một phòng đôi hoặc nhà tập thể của hai ba sinh viên. Các nhà báo đến vào đêm thứ sáu và đi vào chiều chủ nhật, tự nhốt mình trong bốn bức tường và hưởng “một kỳ nghĩ cuối tuần” với mì gói, xúc xích, khoai tây chiên. Có khi tự thưởng mình bằng một nồi cháo gà to đùng, để ăn nhiều lần, vì không có giờ nấu nướng. Họ tranh luận sôi nổi. Họ đăm chiêu như nhà hiền triết tuổi hai mươi. Họ hút thuốc như khói tàu. Họ cười đùa như những đứa trẻ lớn xác. Họ đến như thám tử, không hề xuất đầu lộ diện, và ra đi như một kẻ hành hiệp giang hồ.

            Chuyên gia in ấn là các anh S., C., và V. Văn L., P. Công C.. Có khi mượn được máy của các nhóm sinh viên in giáo trình, vừa quay tay vừa chùi mực cho đều. Cải tiến cách làm bảng kẽm bằng bút sắt chuyển lên kỹ thuật Typo. In suốt đêm là chuyện thường. Và trong những đêm ấy, giấc mơ có đủ tiền để in Offset 4 màu, dù chỉ cho tờ bìa, đã nuôi lớn tâm hồn của một tập thể biết tự nguyện dâng mình cho Lẽ Phải.

            Đau đầu nhất là tiền đâu để mua tem. Thôi thì phải làm đủ nghề. Hãng xà bông, hãng mỹ phẩm, hãng chocolate, hãng làm bánh xe Uniroyal… Thôi thì mỗi người góp vài chục Đức mã phụ thêm quỹ báo chí ít ỏi.

            Chẵng bao giờ các tạp chí sinh viên đó được phép nặng quá 250g, vì tiền tem cho ấn phẩm sẽ tăng vọt. Địa chỉ bạn đọc được lặng lẽ sưu tầm từ bạn bè và bảng tên của hàng chục cư xá sinh viên khắp Tây Đức.

           Báo Hoà Hợp(15) chất đầy trong mấy vali và được chở đi qua các tỉnh khác, và chia ra cho nhiều thùng thư và bưu điện. Các tỉnh được chọn để phân phối báo thường là nơi không có người Việt Nam ở, để tránh “văng miểng” hoặc bị dòm ngó. Các anh có tài lái xe như  anh Phạm Đắc Luân, anh M., H. và L. thường luân phiên đảm nhiệm việc này. Làm báo như để báo nguy trong một thế giới an lành, đẹp như tranh vẽ, thì điều ắt có đầu tiên không phải là chữ nghĩa, mà là tấm lòng. Anh X., Q. đã thức bao nhiêu đêm để thâu băng Đài tiếng nói Việt Nam (phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà) rồi chăm chỉ, miệt mài viết lại để làm tư liệu cho ban biên tập. Đài được tiếp sóng qua Mạc Tư Khoa (thủ đô Liên bang Xô Viết cũ), nghe tiếng được tiếng mất, nghe như lời sông núi trong gió bão ào ào.

Mùa Giáng sinh dậy lửa

            Mỹ cho hàng loạt pháo đài bay B52 oanh tạc Hà Nội ròng rã 12 ngày đêm vào dịp Noel 1972. Sự căm phẫn của công luận quốc tế đã lên đến cực điểm. Mọi người hồi hộp theo dõi tình hình. Các đài truyền hình ARD, ZDF… đưa tin liên tục. Ôi! Đêm thánh vô cùng! Đêm thánh thiêng liêng! Sao lại có thể đau thương đến như  vậy.

          Ngày Giáng sinh ở Đức là ngày lễ của tình yêu, của gia đình. Không khí yên lành đó cũng đã bị dội bom vào từng phòng khách. Những người yêu thương Việt Nam đều lo lắng và phẫn nộ. Họ chỉ thở phào nhẹ nhõm, khi một hai rồi hàng chục chiếc B52 bị bắn rơi, từ trên độ cao mười cây số, bởi tên lửa SAM do Việt Nam cải tiến.

            Cuộc chiến giữa cường quốc hung nô khổng lồ và chàng David bé nhỏ đã gây xúc động lớn lao. Ngay sau đêm Giáng sinh 1972, hàng chục, hàng trăm cuộc biểu tình chống chiến tranh đã nổ ra rầm rộ khắp Tây Đức và biết bao thành phố khác trên toàn Châu Âu, trên toàn thế giới.

            Thủ đô Bonn của Tây Đức lúc bấy giờ chỉ có xấp xỉ hai trăm ngàn dân. Họ đón một đoàn biểu tình lên đến bốn trăm ngàn người. Xe buýt đậu kín cả xa lộ vòng đai. Không khí tưng bừng như một lễ hội, nhưng những nắm tay đưa lên, những lời hô rền rã chính là sự cương quyết của lương tâm con người. Phải có người Việt Nam phát biểu trên diễn đàn ở quảng trường Muensterplatz, ở trên nóc các xe buýt, ở những sân khấu dã chiến của ca khúc chính trị khắp năm châu. Chỉ cần một người Việt Nam nhỏ bé, không thấy rõ mặt đối với hàng vạn người đứng từ xa, nhưng khi nghe rõ lời qua hệ thống khuyếch âm dội vào lòng ngực: Không có gì quý hơn độc lập tự do! (Nichts ist kostbarer als Unabhaengigkeit und Freiheit !), tiếng vỗ tay vang dội như một đợt sóng thần. Tiếng dậm chân rung chuyển như động đất.

            Sức mạnh của nhân dân thật vĩ đại!

            Cách quảng trường nằm ở trung tâm Bonn không xa, cư xá sinh viên Tin lành (ESG) có một phòng sinh hoạt tập thể khá rộng. Nơi đó đã liên tục nổ ra những Đại hội đấu tranh của sinh viên Việt Nam tại Tây Đức và Tây Berlin. Chúng tôi đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh vô điều kiện. Chúng tôi đòi chính quyền Sài Gòn phải thả hết tù nhân chính trị, chấm dứt cảnh tra tấn các lãnh tụ sinh viên, cảnh “chuồng cọp” vô nhân đạo và phải thả ngay anh Huỳnh Tấn Mẫm (Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn), Nguyễn Ngọc Phương, chị Quế Hương, các anh Dương Văn Đầy, Võ Như Lanh, Nguyễn Chơn Trung, Cao Lập, Đoàn Khắc Xuyên, Lê Công Giàu, Trần Văn Long,… và biết bao con người ưu tú của đất nước.

            Những tuyên cáo bằng tiếng Đức được tung ra. Chúng tôi nhận được rất nhiều tiếng nói đồng tình, nhiều tình cảm chia sẽ không bao giờ quên được. Có một người Đức hai mươi chín tuổi, làm bí thư  Đoàn thanh niên xã hội chủ nghĩa(16), đã gửi đến những lời ủng hộ chân tình, và nói rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Hai mươi sáu năm sau, người ấy đã trở thành Thủ tướng nước CHLB Đức: ông Gerhard Schroeder.

            Trong hai nhiệm kỳ Thủ tướng kéo dài bảy năm, ông đã đến thăm Việt Nam hai lần.

Những đêm văn hoá Việt Nam

            Anh chị em sinh viên Việt Nam tại Aachen tổ chức Đêm văn hoá Việt Nam đầu tiên.

            Ngày lành tháng tốt là tối thứ bảy. Sân khấu được kết từ những bàn ăn, và được đặt ngay tại lầu một Mensa, nơi anh chị em Việt Nam thường gặp nhau mỗi ngày. Đây là sự kiện lạ nên khán giả nô nức đến xem hơn nghìn người. Đủ mọi màu da và màu tóc. Các cậu thanh niên nhường chỗ ngồi cho các cô thiếu nữ. Họ đứng ở mọi nơi đứng được và háo hức chờ sân khấu mở màn.

            Đúng ra là chẵng có màn sân khấu. Màn là bóng tối khi tất cả các đèn chiếu được tắt phụt.

            Diễn viên toàn là nghiệp dư, nhưng bài dân ca Trống Cơm với kiểu múa gần như tự do và những chiếc trống hàng mã đeo trước bụng, đã được hoan nghênh nồng nhiệt. Lời các bài hát, một số lời dẫn chương trình và bài thơ Lời chim của Nguyễn Thị Hồng được dịch ra tiếng Đức, và được máy chiếu dọi lên màn hình trắng bên góc phải sân khấu. Anh Đ. đã cặm cụi dịch thật hay suốt mấy ngày. Và chiếu phụ đề tiếng Đức là sáng kiến của anh Ch., cũng là người ngồi chiếu hình với nỗi hân hoan khó tả.

            Màn hoạt cảnh có ông Tây (do cậu Harald đóng) cầm can xúi lính khố xanh khố đỏ đàn áp dân lành, làm khán giả hồi hộp theo dõi. Một phát súng nổ vang lên. Những người dân đứng dậy. Những gương mặt cương quyết. Ơ đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Và bài “Hát cho dân tôi nghe” của Tôn Thất Lập vang lên như một trái bom, lan toả những dòng máu nóng ở khắp khán phòng.

            Chỉ mười mấy diễn viên nghiệp dư thôi, nhưng dòng thơ nhạc ca múa vẫn rộn ràng. Có vài anh múa cảnh ngày mùa, xin lỗi, hơi giống bửa cũi (thay vì cuốc đất) nhưng vẫn đáng yêu biết bao. Khán giả cảm nhận được sự nhiệt tình và ước mơ thanh bình của người Việt Nam. Khi anh Th., trong tiếng đơn ca chậm rãi vang lên, đưa tay lên với biểu tượng của lời ca “một tay súng, một tay cày”, khán giả vỗ tay gần như vỡ rạp.

            Sau này, những Đêm văn hoá Việt Nam được tổ chức với qui mô lớn hơn nhiều, tại Berlin, Stuttgart, Wiesbaden, Muenchen… và với tính chuyên nghiệp ngày càng nâng cao, nhờ có nhiều tài năng văn nghệ ở các địa phương khác góp sức: giọng ca của anh C., chị Th., tốp ca năm anh em vùng Frankfurt am Main, tốp ca vùng Goettingen, nhạc cảnh “Hò kéo pháo”, của anh chị em vùng Stuttgart, “Người cha bến tàu” và hài kịch Molière “Người hà tiện” của anh em Berlin (với cái duyên đầy ấn tượng của anh Nguyễn Thế Quang), kịch châm biếm của vùng Darmstadt (với cái tếu hỉ hả của anh Lê Văn Đức, sau này là một chuyên viên hoá học cao cấp của Đại học Muenster), tiếng vĩ cầm Trần Trọng từ Konstanz…

          Tại Berlin, trong đại giảng đường của Đại học tự do, một giàn hợp xướng năm mươi người do anh L. Văn N. chỉ huy, đã xuất hiện lộng lẫy dưới ánh đèn màu, với trường ca “Tổ quốc ta”: …Hồng hà Cửu Long nước hoà chung vào biển xanh… Tiếng sóng mẹ ru vời xa xa những thuyền trôi dòng

            Không xa giảng đường được bày trí thành sân khấu “Đoàn kết với Việt Nam” ấy, trên đường từ trung tâm Berlin đi tới tượng Nữ thần chiến thắng ở khu Tiergarten, toà nhà nghiên cứu của khu đại học được phủ một lá cờ xanh đỏ, sao vàng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cao khoảng mười mét, dài hai mươi mét. Lá cờ đã nằm ở đấy rất nhiều năm, che kín rất nhiều cửa kính.

        Trong bối cảnh lúc bấy giờ, đưa được những bài hát như trường ca Sông Lô, Nổi lửa lên em(17), Đường chúng ta đi… lên sân khấu là cả một cuộc vận động tư tưởng và tình cảm, tưởng chừng như vừa trải qua một trận đánh vã mồ hôi.

            Những bài hát của Trịnh Công Sơn, đặc biệt là bài Nối vòng tay lớn, nhạc của sinh viên tranh đấu trong lòng đô thị miền Nam như  Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Xuân Sanh, Miên Đức Thắng… và bài Tự nguyện của anh Trương Quốc Khánh, rất được ưa thích. Dòng nhạc cách mạng thì chảy âm thầm nhưng mạnh mẽ, chảy dần vào tim óc mọi người, qua những băng nhạc, đĩa Dihavina được lén lút chuyền tay như hàng quốc cấm.

            Có thể nghe hết một bài Qua Sông(18) là qua sông.

            Anh chị em khắp Tây Đức đã tuyển ra một đoàn “văn công” bí mật, tổ chức hát, thâu đĩa và cho ra đời một đĩa nhỏ cở đĩa CD hiện nay, mang tên “Thuyền em đi trong đêm”, với giọng hát hùng hồn của anh C., sôlô trong bài hát bè rất vững “Hát cho dân tôi nghe”, và chị Th. Với bài “Quảng Bình quê ta ơi” thật tuyệt vời. Chị đã hát dù đang lên cơn sốt, dầm dề mồ hôi, rất thảm mà rất thương cảm.

            Văn nghệ đã là vũ khí đấu tranh. Và Aachen đã tựa vào câu thơ của Trần Quang Long mà hát: Con sẽ vót  nhọn thơ thành chông… Con sẽ mài thơ thành kiếm sắc…

            Gần như mỗi hai tháng sau đó đều có Đại hội sinh viên, được tổ chức luân phiên khắp các vùng Nam Trung Bắc nước Đức, và các đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” đã kết nối những tâm hồn sinh viên với nhau, kết nối những nhúm ruột ngoài da này với cuộc đấu tranh đầy gian khổ của đồng bào trong nước. Ôm nhau từ biệt lúc chia tay, hô lớn “Đoàn kết và đấu tranh”. Nắm đấm đưa lên cao như một cách vẫy chào.

            Tháng giêng 1973, nổ lực kết đoàn gây sức mạnh đã đom hoa kết trái: Hội đoàn kết người Việt Nam tại CHLB Đức ra đời. Hội hoạt động suốt hơn mười bảy năm gian khó, vừa hướng về quê hương, vừa xây dựng cộng đồng.

            Đó là những ngày vui bất tận, xen lẫn những giây phút hào hùng và xúc động mãnh liệt. Con đường tranh đấu không chỉ có chông gai, mà chông gai nào bằng muôn lối mòn trên dãy Trường sơn trùng điệp. Những ngày vui của tuổi trẻ biết hướng về lý tưởng, cho dù cuối cùng chỉ là lý tưởng, đã tiếp sức cho những tâm hồn trong sáng, tưởng chừng chẵng khi nào bị vướng bụi trần. Có những đêm lửa trại ở giữa rừng dọc hướng Monschau, anh em ngồi hát hò, tâm sự. Những bài hát, những vở kịch “cương” thường được sáng tác tại chỗ. Thế mà vui mà nhộn vô cùng. Chỉ thoáng có mấy ý như dàn bài của kịch bản, rồi tự tìm tự tạo đồ hoá trang, rồi tự xướng ra lời vọng cổ, tự múa may quay cuồng kiểu balê cách điệu. Tự cương lên mà ra bài ra bản. Và các chị các anh em đều ôm bụng cười lăn bò càng.

            Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên.

            Không có những giây phút ấm áp và hồn nhiên như thế, không biết có chống chọi nỗi những thử thách và cám dỗ của cuộc đời?

Cuộc tập kích Huy An

            Đoạn này được viết ra để ghi lại một sự kiện. Nhưng đoạn này được viết ra trong mong ước sớm khép lại những cánh cửa quá khứ, và mở ra những khoảng trời đầy nắng ấm áp và hoa tươi thơm ngát. Bởi nói như văn hào Schiller: Mọi người là anh em (Alle Menschen sind Brueder). Như  phương Đông cũng nói: Tứ hải giai huynh đệ.

            Ban chấp hành mới của Hội sinh viên Việt Nam tại Aachen vừa được bầu lại, thì đối mặt ngay với một tin dữ: Khối sinh viên Việt Nam chống cộng sẽ tổ chức tại đây, và sau đó một ngày, tại Muenchen, buổi nói chuyện của hai ông Nguyễn Ngọc Huy (Chủ tịch Đảng cấp tiến, cố vấn chính trị tối cao của Tổng thống chính quyền Sài Gòn) và ông Nguyễn Ngọc An (Bộ trưởng Bộ chiêu hồi).

            Mọi người hội ý sôi nổi ở Mensa, nhưng rất kín đáo, không ầm ỉ.

            Thế là Aachen được chọn làm chiến trường thử lửa. Mọi người náo nức như đang chuẩn bị một Điện Biên Phủ thu nhỏ. Không có máy bay và trọng pháo, nhưng đấu võ mồm cũng rất cân não, không thể chủ quan.

            Chỉ trong vòng ba ngày, anh T. Quang N. vừa từ Việt Nam qua du học Tây Đức, và vài anh em trẻ khác, đã thương thuyết thành công với Khối sinh viên Việt Nam chống cộng, và họ đồng ý để Hội sinh viên Việt Nam tại Aachen làm đồng chủ toạ.

            Anh chị em Việt Nam ở mọi vùng Tây Đức (gồm cả Tây Berlin) được bí mật báo tin.

            Đêm trước của buổi nói chuyện, những anh chị em tích cực nhất của Hội sinh viên tụ tập ở khu bốn cao ốc mười tám tầng, thảo luận và thông qua các phương án khả thi. Quân và tướng của ta đã được ém ở một số điểm bí mật. Và bảy giờ tối hôm sau, “trận chiến” với những kết thúc không ai ngờ đến, bắt đầu.

            Khoảng 18g30, sinh viên Việt Nam từ khắp nơi đã có mặt.

            Ban chấp hành Hội sinh viên gồm anh N. Thanh L. (Hội trưởng), hai mươi tuổi và hai anh Hội phó hai mươi hai tuổi là N. Viết T. và L. Phi H. cương quyết không cho bất cứ ai chụp hình để hù doạ sinh viên, không cho treo cờ vàng ba sọc đỏ và không cho hát “quốc ca”, với hai lý do: thứ nhất, đây là buổi nói chuyện với sinh viên không mang tính tuyên truyền chính trị cho chính quyền. Thứ hai, nếu thành viên đồng chủ toạ là Khối sinh viên chống cộng treo biểu ngữ hay cờ, thì Ban chấp hành Hội sinh viên sẽ cho phép mọi người treo bất cứ khẩu hiệu và lá cờ nào mà họ thích.

            Không khí căng như một sợi dây đàn.

            Thế là buổi họp đã diễn ra trong bốn bức tường không băng rôn và cờ xí, với khoảng gần ba trăm sinh viên Việt Nam từ khắp nơi đổ về. Vào thời điểm ấy, cả Tây Đức chỉ có khoảng một ngàn du học sinh Việt Nam. Trên bàn thư ký của Hội sinh viên, một máy thâu băng đã được đặt lên, để khỏi ghi chép mất thì giờ, và để có chứng cứ sau này. Anh A. và anh Đ. được phân công ghi tên người giơ tay muốn phát biểu theo đúng thứ tự trước sau. Anh L. ngồi ngay giữa bàn chủ toạ, sử dụng vị thế của mình một cách vất vã mới ổn định được những lúc ồn ào như ong vỡ tổ, tưởng chừng như đánh nhau và đổ máu tới nơi.

            Tuy có tài ăn nói, nhưng ông Nguyễn Ngọc Huy vẫn không thể thuyết phục được cử toạ. Những điều ông nói chỉ minh họa những luận điệu của chính quyền Sài Gòn gieo rắc đến nhàm cả tai trong suốt hàng chục năm qua: Việt Minh bán nước, cộng sản độc tài, miền Bắc lầm than “một con gà cũng là gà chống Mỹ, không được ăn”, còn Chính phủ Hoa Kỳ thì giúp Việt Nam chống lại hiểm hoạ cộng sản…

           Khi ông Huy vừa bắt đầu những lời thoá mạ Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì một tiếng hét dõng dạc vang lên từ khoảng giữa phòng họp: “đồ chó đẻ”.

            Cả phòng họp lặng im. Căng thẳng.

            Giây phút ấy tưởng chừng như kéo dài đến vô tận.

            Mặt ông Huy tái lại. Sượng sùng và im bặt.

            Chưa bao giờ ông cố vấn chính trị bị chửi thậm tệ như thế!

            Không hiểu vì chẵng biết ai đã chửi, hay vì đứng trước một tập thể sinh viên ngoan cường, dũng cảm, bất chấp hiểm nguy, những người bảo vệ các chính khách cao cấp được miễn dịch hình sự này, dù có súng lận lưng, dù có “quyền” du côn kiểu tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan, đã ngồi im. Và giây phút nặng nề đó trôi qua như  nước mùa lũ đã dâng lên đến tận chân trời.

            Người đã chửi đúng lúc, đã dội trái bom quyết tử chính là một sinh viên triết học họ Bùi. Mãi đến hàng chục năm sau, dù đã đọc hàng ngàn trang sách dịch, sách viết của họ Bùi, người viết ký sự này vẫn ngưỡng mộ giây phút với ba từ cô đọng mà chính xác đó của họ Bùi, để lên án chế độ.

            Sau này, dù đường đời có lắm thăng trầm, dù quả thật có “một thời để yêu, và một thời để chết“, buổi tập kích Huy An tại Aachen vẫn là một dấu son của một thời tuổi trẻ

            Có lẽ không khí căng thẳng quá nên ông Bộ trưởng chiêu hồi “khớp cơ”, kể sang chuyện tầm phào để thay đổi không khí. Nào là chuyện quan chức Đài Loan rất quí ông, đón tiếp ông với bao sơn hào hải vị, và sau buổi ăn tối thì cho chọn một bông hoa trên bàn. “Mấy em biết không? Họ tế nhị và văn minh lắm. Trước đó, họ đã cho xem Album hình các tiên nữ xinh như mộng. Mỗi tiên nữ kèm ảnh một loài hoa“.

            Trời ơi! Đúng là hết chuyện nói! Sinh viên cười rầm trời.

            Rồi ông kể chuyện Việt cộng có vũ khí tầm nhiệ t(19) rất hung ác: “Máy bay trực thăng đang bay ù ù như thế này, toả ra hơi nóng. Tên lửa của Việt cộng tự động tìm hơi nóng bay đến. Máy bay nổ cái đùng!

            Tiếng vỗ tay rầm rầm. Hả hê mát trời ông Địa!

            Có lẽ ông trùm chiêu hồi không ngờ bị ép phê nghịch như thế!

            Sau phần trình bày “chính nghĩa” đầy hỉ nộ ố hài, phía cử toạ sinh viên bắt đầu một phiên toà có một không hai: Không có câu hỏi, chỉ có những phát biểu mạch lạc, lớp lang. Dữ liệu và lý luận chuẩn xác. Tình cảm sôi nổi. Lời nói đanh thép.

            Một số quá khích đập bàn đập ghế. Nguy cơ xô xát tăng cao. Nhưng rồi họ cũng thấy ngay sự lạc điệu và nhỏ bé của nhóm quá khích, họ đành phải thoái bộ từ từ, chỉ la lối “lấy điểm” chính quyền. Ông P. là tuỳ viên lãnh sự mới của Sứ quán Sài Gòn  bắt đầu hiểu rằng: chẳng giải được độc, mà vết dầu của những sinh viên phản kháng này đang loang nhanh, chẳng còn biết hồi kết sẽ ra sao.

            Với sứ quán Sài Gòn lúc này, mười phút giải lao nửa chừng chẳng thể kịp bày mưu tính kế để đảo ngược tình thế. Các anh chị sinh viên vẫn tập trung dí các chính khách vào ma trận. Lời lẽ hùng hồn. Chẳng biết sợ là gì. Sao hôm nay lại có lắm hảo hán trẻ tuổi dám “vuốt râu hùm” như thế!

            Những trích dẫn từ bản cáo trạng chế độ Sài Gòn của dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, những lời lên án của ông Lý Chánh Trung, Lý Quí Chung, Ngô Công Đức,… trên báo Điện tín, Trắng đen. Đại dân tộc… của Sài Gòn lúc bấy giờ, đã được trình bày rất hệ thống. Người phát biểu kế tiếp luôn triển khai tiếp ý người nói trước. Cứ như là xa luân chiến.

            Chưa bao giờ có một buổi thảo luận sôi động như thế.

            Ba tiếng đồng hồ trôi qua. Phía ban tổ chức hối hả đề nghị chấm dứt phần thảo luận.

            Khi anh L. ở bàn chủ toạ đứng lên nói những lời cuối cùng để kết thúc cuộc họp, ông cố vấn và ông bộ trưởng lén đứng dậy, giả vờ đi toa lét, rồi cùng với tuỳ tùng tháo chạy ra nhà ga cho kịp chuyến xe lửa xuôi về Muenchen.

            Không có bạo động.

           Cuộc tập kích ở Aachen thắng lợi vẻ vang. Những người thuyết khách đã vội vã rút quân.

           Chiếc áo vét của ông cố vấn chính trị bị để quên trên thành ghế.

           Vẫn chưa hết.

Dù trời đã khuya, rất nhiều anh chị em tức tốc đi chung xe hơi chạy về Muenchen, miền Nam nước Đức, cách Aachen khoảng tám trăm cây số. Như trong gió lộng của áo vải cờ đào, các tay lái chia nhau chặng đường và thời gian ngủ lấy sức, tựa như quân Tây Sơn thay nhau gánh võng chuyển quân. Tuy thần tốc nhưng ai cũng sợ bác tài ngủ gật, nên chợp mắt thì ít mà rôm rã nói chuyện thì nhiều.

          Nếu tối thứ bảy ở Aachen là một bất ngờ, thì đối với đoàn đi “giải độc”, bốn giờ chiều ngày chủ nhật hôm sau tại Muenchen, thêm một bất ngờ và ngạc nhiên lớn lại đến: Mấy chục sinh viên có mặt tối hôm qua xuất hiện. Sự có mặt của những sinh viên này làm không khí buổi họp chùng xuống. Có lẽ rút kinh nghiệm hôm qua, mấy thuyết khách ăn nói cẩn thận và ít lên gân hơn. Tuy vậy, buổi họp rồi cũng sôi lên, khi anh L. Chu C. phát biểu. Anh là một nhà hùng biện bẩm sinh, với giọng Bắc sang sãng như chuông đồng. Anh nói rất hay, đến nổi, bàn chủ toạ quên cả cắt lời (dù quy định mỗi người chỉ được đặt câu hỏi và không nói quá ba phút). Anh vạch rõ những tội ác của Mỹ tại Việt Nam, những tội làm tay sai bán nước của những kẻ vinh thân phì da trên xương máu của đồng bào. Anh phát biểu không có giấy tờ, hiên ngang đứng giữa một cử toạ phức tạp, và kết luận chắc như đinh đóng cột, về những đặc trưng của một chế độ Sài Gòn tất yếu phải sụp đổ: bất Nhân, bất Nghĩa, bất Trí và bất Tín.

            Những lời nói như lửa cháy.

            Một cuộn băng thu buổi nói chuyện tại Aachen được anh H. bí mật đưa về nước trong dịp anh ấy về thăm gia đình sau đó, được chuyển đến tận tay một nhà hoạt động xã hội – tôn giáo nổi tiếng. Cuộn băng đã chạy lòng vòng thế nào đấy, rồi được phát sóng hai đêm liền trên đài phát thanh Giải phóng.

            Ghi lại chuyện xưa, cũng để tiếc cho sự ly tan của những ngày mà lẽ ra cả dân tộc được đoàn viên trong tình cảm hoà giải và hoà hợp dân tộc thật sự. Giá sau ngày 30.4.1975, được gặp lại những người ở bên kia giới tuyến chính trị ở Aachen và Muenchen, được bù khú, nâng ly và gác lại mọi mảng đen của quá khứ (như bao cựu binh Mỹ với cán binh Việt cộng khi gặp lại, hôm nay). Nhưng lịch sử  đã là lịch sử với tất cả bi hùng, cay đắng, ngậm ngùi, thương cảm và xót xa.

            Xét cho cùng, người Việt Nam chúng ta không thể và không nên là kẻ thù của chính người Việt Nam, dù có nhiều lúc nghịch cảnh buộc con người tự tạo nên những “gương mặt kẻ thù” để huỷ diệt tất cả, để gieo căm thù, chết chóc. Kẻ thù của dân tộc vẫn còn là sự nghèo nàn, lạc hậu, nguy cơ đói khổ, giặc dốt, hiểm hoạ giặc ngoại xâm và giặc nội xâm dưới nhiều hình thức.

Đàn áp

            Chưa tới ba ngày, sau cuộc tập kích Huy An, chính quyền Sài Gòn tiến hành biện pháp mạnh: loan báo danh sách những sinh viên “thân Cộng, khuynh tả” và yêu cầu chính quyền Tây Đức trục xuất những sinh viên này về Sài Gòn, ngay lập tức.

            Gia đình, thân nhân những sinh viên cứng đầu này, được mời lên Tổng nha cảnh sát Sài Gòn làm việc.

            Danh sách đợt đầu gồm ban chấp hành mới của Hội sinh viên Việt Nam tại Aachen, cũng là chủ nhiệm tờ báo Việt, trong một ban biên tập chín người: L., H., T., C., Đ., T.,… danh sách thứ hai, thứ ba gộp đủ mọi thành viên lãnh đạo Uỷ ban tranh đấu bảo vệ quyền lợi sinh viên Việt Nam tại Tây Đức và dĩ nhiên, tất cả những sinh viên đã phát biểu ngược chiều với chế độ.

            Một làn sóng đấu tranh bùng lên.

            Mọi tổ chức tiến bộ của sinh viên Việt Nam, rất nhiều đoàn thể sinh viên Đức và các nước khác đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Cách thời điểm lúc bấy giờ mấy tháng, năm sinh viên đối lập người Hàn Quốc đã bị trục xuất về Seoul và bị hành quyết ngay khi về đến quê hương của mình. Sự kiện đó đã gây bất bình lớn trong dư luận Đức, và nhờ đó, cảnh sát Tây Đức không dám mạnh tay, không dám tiếp tay thực hiện những đòn thù của chế độ Sài Gòn.

            Cuộc “ngồi lì” trước Sứ quán Sài Gòn để phản đối những biện pháp đàn áp phản dân chủ, bóp nghẹt tự do, khủng bố tinh thần sinh viên Việt Nam tại Đức, đã kéo dài suốt hai tuần lễ. Lúc đầu, cảnh sát Đức dẫn cả đàn chó săn Berger đến giữ trật tự. Họ sợ sẽ có bạo động hoặc chiếm sứ quán. Cánh phụ nữ có sáng kiến rất hay, là mua hoa cẩm chướng đem đến tặng mỗi cảnh sát một bông hoa đỏ thắm. Vẻ đẹp của hoa là một phần, nhưng cử chỉ tao nhã và những gương mặt thanh tú, đẹp đẽ của các cô sinh viên Việt Nam đã đem lại sự yên tâm cho phía cảnh sát Đức. Họ đã rút đi trước ống kính của các đài truyền hình.

            Các nhân viên sứ quán lẵng lặng đến làm việc và xin miễn trả lời chất vấn mỗi khi ra về. Anh chị em sinh viên cử đại diện vào nói chuyện với ông Đại sứ, thì cũng chỉ nhận được sự biện hộ là do thừa lệnh cấp trên từ Sài Gòn. Trên tủ hồ sơ, có những tài liệu dày cộm ghi rõ “Hồ sơ Bạch hoá”.

            Đợt đấu tranh này nhằm mục tiêu chính là tố cáo Mỹ gây ra chiến tranh Việt Nam, đồng thời tạo tiếng vang trong dư luận người Đức, tập hợp anh chị em sinh viên Việt Nam hướng về Tổ quốc.

            Mục sư L. Hồng K. phát hành bản dịch bằng tiếng Đức của cuốn “Bất Khuất” (hồi ký Nguyễn Đức Thuận) tố cáo tội ác nhà tù Côn đảo. Ở vùng Bắc Đức, chỉ trong thời gian mấy tháng, anh Lê Văn Vượng mời thêm được bảy sinh viên tích cực tham gia phong trào. Ở Nam Đức, L. Duy N. mời được bốn người,…

            Một đoàn đại biểu sinh viên bị đàn áp gồm các anh C., H., Đ. và L. được cử đi nói chuyện với sinh viên Việt Nam khắp nơi. Tại Stuttgart, anh T. Quan S. xung phong lái xe đi suốt chặng đường Muenchen, Karlsruhe, Darmstadt…. Và trên đường gần tới  Goettingen, Hannover, Braunschweig, Claustal… chiếc xe VW con bọ (Kaefer) đã trượt dài xuống hố ven đường trong mịt mờ bão tuyết. Suýt chết.

            Báo đài Tây Đức và Tây Berlin liên tục chuyển tải sự biểu đồng tình với Việt Nam của những nhân sĩ nổi tiếng như: Giáo sư thần học Ute Ranke- Heinemann (con gái Tổng thống), Mục sư  Martin Niemoeller (biểu tượng của kháng chiến chống phe Trục phát xít), Mục sư Eckhard Minthe, Giáo sư Erich Wulff (từng dạy tại Đại học y khoa Huế, Chủ tịch Hội hữu nghị Đức Việt), Bà Sybille Weber (lãnh đạo Tổ chức Hành động giúp đỡ Việt Nam), Giáo sư  Guenter Giesenfeld, Tiến sĩ Frank Werkmeister  (ba người được Huân chương hữu nghị của Việt Nam sau này), Tiến sĩ Jutta von Freyberg, Bác sĩ Karl Heinz Fabig (người có nhiều đóng góp cho chương trình nghiên cứu ảnh hưởng chất độc màu da cam), ông Helmut Bausch (chủ bút DVZ), hai nhà văn đoạt giải Nobel là Heinrich Boell, Guenter Grass, cầu thủ nổi tiếng Paul Breitner, nghệ sĩ Dieter Hildebrandt … và biết bao tên tuổi, tổ chức khác.

            Khi lâm bệnh nặng, bác sĩ Fabig, cũng giống như bà Weber, chỉ mong được nhìn thấy một vài người bạn Việt Nam, trong giờ phút sinh tử hiểm nghèo. Một công nhân Đức ở vùng Wuerselen, ngoại ô Aachen, đã để lại di chúc hiến toàn bộ tiền tiết kiệm của mình cho Việt Nam đang đau khổ vì chiến tranh. Những cái Ơn và tình nghĩa ấy thật lớn lao vì đã giúp con người giữ được niềm tin ở con người.

            Vào một buổi chiều tại thủ đô Bonn, Mục sư Eckhard Minthe vận động được sự lưu tâm của Quốc hội Đức. Anh L. được đưa vào tiếp xúc với các thượng nghị sĩ. Câu hỏi đầu tiên: “Các sinh viên Việt Nam bị đàn áp có phải là cộng sản hay không?“. Trả lời: “Chúng tôi là sinh viên yêu hoà bình, chống chiến tranh, chống mọi hình thức bóp nghẹt dân chủ và tự do. Nếu có người cho rằng, những sinh viên bị đàn áp là cộng sản , thì tất yếu cũng chẳng ngạc nhiên nếu những sinh viên này, khi đã bị đội chiếc mũ đỏ, sẽ tìm hiểu tích cực về chủ nghĩa cộng sản đã được sinh ra từ nước Đức. Theo chỗ chúng tôi biết, hiện nay không hề có một chi bộ của Đảng lao động Việt Nam tại Tây Đức, có đúng thế không, thưa các ngài ?“. Ông thượng nghị sĩ  Dieter S. cười và hỏi tiếp: “Nếu nước Đức cho ông sự bảo trợ tỵ nạn chính trị, ông có đồng ý không?“. Trả lời: “Dù đó không là mục đích, nhưng do anh chị em sinh viên chúng tôi bị đàn áp, xin Quốc hội và Chính phủ Đức cho tất cả những người bị đàn áp đó, không chỉ riêng tôi, sự bảo trợ tỵ nạn chính trị“. Câu hỏi thứ ba: “Nếu Việt Nam hết chiến tranh, các ông bà có trở lại cầm hộ chiếu Việt Nam không?“. Trả lời: “Phần này thì tôi xin trả lời cho riêng tôi trước đã: Có, tôi rất mong ngày ấy sớm đến“.

Và không chỉ người trả lời đã giữ đúng lời hứa trước Quốc hội Đức, cho đến ngày hôm nay.

 

Huyết thư

Chuyện học vẫn là chuyện chính, vì tất cả đều hướng về tương lai đất nước cần nhiều kỹ sư, bác sĩ, trí thức, chuyên viên đủ các ngành nghề… trong giai đoạn tái thiết. Ở đâu cũng sôi nổi tổ chức học tập thể, theo từng ngành học. Có cả một ban khoa học kỹ thuật hướng dẫn phương pháp học tập, trao đổi kinh nghiệm, đứng đầu có anh N. Xuân L.(20), một giáo sư đại học chỉ mới ba mươi ba tuổi, và các anh T. Thất T., Tiến sĩ Đ. Ngọc Q.(21), N. Đại Đ..

Ủy ban tương trợ sinh viên Việt Nam tại Tây Đức ra đời, trong bối cảnh đó.

Học không giỏi, thì không thuyết phục được ai tin tưởng sự chọn lựa chính trị của mình. Ở Berlin, anh Nguyễn Hữu Minh Chí là một sinh viên xuất sắc trong nhiều lãnh vực. Anh được phong giáo sư sinh hoá và di truyền học tại Mỹ cũng rất sớm(22), thế mà bên lề một đại hội đấu tranh tại Bonn, anh đã giảng về nhạc lý đầy lôi cuốn cho cả mấy bạn học ở nhạc viện nghe.

Đầu năm 1975, tình hình chiến sự ở miền Nam lại nóng lên. Anh chị em sinh viên Việt Nam tổ chức một Ngày Đồng Tâm với diễn giả là hai triết gia S. và H.. Sáng hôm sau, Đại hội nhất trí với đề xuất viết một lá thư bằng máu của chính mình để gởi về đồng bào trong nước, trên một tấm vải trắng, rộng một mét tám, dài ba mét.

Khi anh T. Thất T. hỏi: “Ai xung phong viết huyết thư ?”.

“Vút”. Hàng trăm cánh tay phất lên cùng lúc. Và một thanh niên ngồi ở hàng đầu nói ngay: “Tôi là người trẻ nhất tại đây, vừa mới sang Tây Đức được mấy tháng. Xin cho tôi được viết đầu tiên“(23).

Tất cả xếp thành một hàng dài. Mỗi người cắt ngón tay rỉ máu viết một nét chữ lên tấm vải trắng. Anh L. Văn Đ. cắn ngón tay của mình đến ứa máu (thay vì vạch bằng dao lam). Khi lá thư đã viết xong, những người còn lại vẫn trích máu mình chấm lên tấm vải, thành một vạch dài dưới bức huyết thư.

Không khí thật xúc động và thiêng liêng. Rất nhiều người đứng khóc. Nước mắt như lửa tự đáy lòng!

Ngày 10.3.1975, Đại hội sinh viên hải ngoại được tổ chức tại Paris. Anh chị em sinh viên từ Bỉ, Tây Đức, Thụy Sĩ, Ý… gặp nhau trong sự phấn chấn vô cùng, nhất là khi được ôm lấy anh Võ Như Lanh và anh Tôn Thất Lập, vừa thoát khỏi nhà tù của chế độ Sài Gòn và được trả tự do.

Một ngày sau đó, Ban Mê Thuột được “tiếp quản”(24).

Trong đêm văn nghệ tại toà nhà Mutualité chứa năm ngàn người, mỗi đoàn sinh viên đều đóng góp văn nghệ rất ấn tượng. Nhất là phần trình diễn của việt kiều tại Pháp. Đoàn sinh viên Việt Nam từ Tây Đức đã trình diễn vở kịch thơ “Người thầy cũ”. Nhiều năm sau, khi gặp lại ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, anh Võ Như Lanh vẫn còn nhớ những câu thơ rất học trò của anh em mình tại Tây Đức “Bóng dừa rợp mát dòng sông. Trăm con chung một tấm lòng Âu Cơ”

 

Thay lời kết

Ký sự này được viết, như Lời Tạ Ơn đồng bào trong nước. Sự hy sinh vô bờ bến và những thương đau chồng chất như dãy Trường Sơn. Sự chịu đựng của dân tộc ta suốt bao nhiêu thế kỷ. Chính việc “Ngoảnh nhìn một cuộc vần xoay” và “Trãi qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng“(25) đã khơi lên những suy nghĩ và hành động quả cảm của con người Việt Nam. Tất cả để vươn tới ước mơ hoà bình, thống nhất, mưu cầu sự công bằng và hạnh phúc của một dân tộc đã trãi qua quá nhiều bi thương.

Ngọn lửa Việt Nam vẫn có trong tim mỗi người và ở khắp nơi, khi sự khổ đau, bất hạnh, bất công, nghèo đói, lạc hậu và tủi nhục vẫn còn là thách thức cho thế hệ Việt Nam hôm nay. Lửa trong tim đã như men trong bột, như muối của đất. Lửa Việt Nam luôn bắt nguồn từ Tổ quốc yêu thương của mình.

Vâng, Tổ quốc là Tình yêu, với tất cả ý nghĩa đẹp đẽ và đau khổ nhất của Tình yêu.

Sài Gòn, mùa thu 2005
Mỹ Thạch
Khung 1 :
Ông TOM UREN – nguyên Phó Thủ tướng Australia : vào năm 1972, khi Hoa Kỳ mở rộng ném bom ra miền Bắc Việt
Nam, tôi vừa được bầu làm Bộ trưởng nội các và đã có bài diễn văn phản đối chiến tranh, kêu gọi người dân Australia
ủng hộ Việt Nam. Bài phát biểu của tôi đã tạo một cú sốc trong quan hệ Australia và Hoa Kỳ khi đó.
Khung 2 :
Giáo sư JOAKIM PALME: “Tôi vẫn còn nhớ rõ kỳ nghỉ lễ Giáng sinh năm 1972. Lúc đó cả nhà đang ngồi quây quần bên
nhau. Cha tôi xem tivi và chúng tôi chợt thấy ông trở nên xúc động mạnh và tức giận. Nhìn lên màn hình, chúng tôi thấy
cảnh những chiếc B52 của không lực Mỹ quần thảo trên bầu trời Hà Nội. Phát thanh viên nói rằng những đợt bom Mỹ trút
xuống thủ đô của Việt Nam không nhằm các mục tiêu quân sự mà trúng vào các mục tiêu dân sự như bệnh viện, nhà ở.
Trong gia đình, cha tôi vốn không phải là người hay nóng tính nhưng trong công việc đôi lúc ông rất quyết liệt. Và
hôm đó chúng tôi thấy ông phản ứng mạnh mẽ hơn cả. Cha tôi lập tức thức đêm thảo một bản tuyên bố lên án và phản đối
hành động của quân đội Mỹ. Trong tuyên bố của mình, ông đã gọi hành động này là tội ác chiến tranh và thậm chí so sánh
với những tội ác của chủ nghĩa phát xít. Bản tuyên bố khiến quan hệ ngoại giao Mỹ – Thụy Điển trở nên căng thẳng.
Chúng tôi trải qua một kỳ nghỉ Giáng sinh không trọn vẹn. Mỹ lập tức triệu hồi đại sứ Mỹ tại Stockholm về nước và không
cho phép đại sứ Thụy Điển sang Washington. Lúc đó, tôi là một học sinh và đã cùng các bạn học xuống đường biểu tình
đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh.”
Chú thích
(1) Đọc là A-Khần
(2) Tất cả đã tốt nghiệp đại học, anh Đ. là một tiến sĩ kỹ thuật rất xuất sắc, anh T. là chuyên viên nổi tiếng đang định cư ở
Mỹ, anh Đ và L cộng tác với Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, anh C, M và L đã hồi hương. H., L. và S là doanh nhân. C và L là
hai kỹ sư chơi văn nghệ rất tuyệt vời.
(3) Verein der vietnamesischen Studenten in Aachen (e.V)
(4) Nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa
(5)Anh Quỳnh Quế là một người anh cả của phong trào sinh viên Việt Nam tại Đức, Anh rất chân tình và có nhiều hy sinh
lớn trong cuộc sống để toàn tâm toàn ý và hết lòng xây dựng phong trào. Anh cũng là một chuyên gia đầu đàn trong lãnh
vực công nghệ thông tin. Anh viết khá nhiều bài báo bằng tiếng Đức trên Deutsche Volkszeitung,UZ, AntiImperialistisches
Bulletin (AIB) và rất nhiều bài xã luận trên các báo của sinh viên Việt Nam tại Đức.Anh Quỳnh Quế đảm nhiệm công tác n

goại giao, là một mối liên kết chủ yếu với phong trào chống chiến tranh Việt Nam cùa người Đức. Anh chơi vĩ cầm và
Mandoline rất hay. Không có Anh thì việc chuẩn bị tiền trạm, thiết lập Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Đức vào năm 1976
sẽ rất vất vả. Sau một cơn bạo bệnh, Anh Quỳnh Quế đã mất vào năm 1991 tại Muenster trong niềm tiếc thương vô hạn
của kiều bào khắp Châu Âu.
(6) Tiến sĩ (Dr. Habil về toán), tác giả cuốn sách “Nuớc Đức thế kỷ thứ XIX, những thành tựu khoa học và kỹ thuật”,
NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2004.
(7) Tiến sĩ N.Ba, lúc bấy giờ, được tuần báo rất tầm cỡ của Tây Đức DER SPIEGEL (Tấm gương) phỏng vấn, kèm ảnh
anh đứng cùng cháu Huyền Trân còn rất nhỏ.
(8) Hiện nay, là một nhà hoạt động trong lãnh vực phòng chống AIDS tại Đức.
(9) Anh Thomas người Indonesia, lúc nào cũng sát cánh với anh em Việt Nam. Anh luôn tranh cải nhiệt tình để bảo vệ
phong trào phản chiến. Nhiều người dự các buổi thảo luận điều tưởng anh ấy là người Việt Nam, với những lý luận sắc bén
và mạnh mẽ, nói thay được rất nhiều cho sinh viên Việt Nam còn kẹt “thế hợp pháp”. Sau này, có người gặp lại Thomas ở
HongKong, anh ấy vẫn vồn vả thăm hỏi và nhiệt tình với Việt Nam như thuở nào.
(10) Trích lời bài hát “Tôi cô đơn như một ngọn cờ” nhạc của Trần Tiến, viết về bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm.
(11) Đặc biệt có các tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam của Nguyễn Khắc Viện, GS Lê Thành Khôi (Paris), Jean Lacouture,
Bernard Fall, Philipe Deliviers, Wilfred.G Burchett, Joseph Buttinger, Bertrand Russell, GS Winfried Lulei (hiện là Chủ
tịch Hội hữu nghị Đức Việt)…
(12) Tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp hiện nay. Tờ Đoàn kết đã có mặt từ khoảng nửa thế kỷ nay, là cơ quan
ngôn luận quan trọng đối với cộng đồng việt kiều, nhất là trong cuộc kháng chiến giành hoà bình, thống nhất. Trong thời
gian ấy, báo Đoàn kết phát hành 2 tuần 1 lần, có nhiều bài viết đặc sắc, rất thời sự và sắc bén, có giá trị lịch sử cao.
(13) Tương đương khoảng 40.000 đôla Mỹ, và lúc bấy giờ, đó là một số tiền lớn, vì để sống một tháng mỗi sinh viên chỉ
cần khoảng 400 Đức mã (160 đôla Mỹ).
(14) Thơ Tố Hữu
(15) Cơ quan ngôn luận của Hội đoàn kết người Việt Nam tại Tây Đức. Tờ Hoà Hợp thoát thai từ Hòn Kẽm, và là tiền thân
của các tờ Tiến lên, Đất nước sau này.
(16) Jungsozialist (JUSO), Đoàn thanh niên của Đảng dân chủ xã hội (SPD)
(17) Lời thơ của Giang Lam, nhạc của Huy An.
(18) Của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.
(19) Tên lửa tầm ngắn SA-7
(20) Anh nguyên là Chủ tịch sinh viên Đại học khoa học Sài Gòn, bị bắt giam ở Chí Hoà vì chống đối chế độ. Sau đó, anh
qua học tiếp ở Đan Mạch và Đức, được phong làm giáo sư đại học khi vừa ba mươi ba tuổi, là một kỷ lục, một tài năng
đem đến niềm tự hào cho sinh viên Việt Nam. Năm 1976, sau khi đất nước chấm dứt chiến tranh, anh và gia đình đã hồi
hương, tham gia công tác giảng dạy. Anh L. là một trí thức lớn, rất nhiệt tình, bọc trực và quả cảm.
(21) Anh chị Q. và P đã hồi hương cùng với gia đình, giảng dạy tại Đại học Cần Th,.cùng lúc với anh T. Thoại D. B. và
anh H. Văn L..
(22) Tiếc là anh đã qua đời lúc còn trẻ, và triển vọng phát minh khoa học kỹ thuật đang được đánh giá rất cao. Theo
nguyện vọng lúc cuối đời, mộ anh đã được an táng tại Hà Tây, cạnh mộ cha mẹ đã phải xa anh từ nhỏ.
(23) Lúc bấy giờ, V. Văn T. mới 18 tuổi. Anh đã tốt nghiệp tiến sĩ hoá học và cũng đã làm việc rất nhiều năm tại Việt Nam.
(24) Lúc ấy đang họp Đại hội, một Mục sư người Đức báo tin Ban Mê Thuột vừa được giải phóng (ông dùng chữ
Befreien). Anh L. đã xin thông dịch thành chữ tiếp quản để nghe và tiếp nhận dễ dàng hơn. Cả Đại hội cười ồ và vỗ tay
nồng nhiệt.
(25) Truyện Kiều.
Tác giả tốt ngiệp Đại học quản trị kinh doanh tại Cologne (Köln) Trong từng giai đoạn của thời gian 1972 – 1986,
đảm nhiệm công việc Tổng biên tập các báo Việt, Hoà Hợp, Tiến Lên và Đất Nước. Viết báo Deutsche Volkszeitung
Tạp chí Thể thao văn hóa đàn ông, tạp chí Nhip cầu đầu tư và Thời báo kinh tế Sài Gòn ….. Đã xuất bản Nhớ quê
(thơ, 1972 – 79), Người thầy cũ (kịch thơ, 1975), Mười năm ấy (tuỳ bút, 1982), Mơ nắng mơ hoa (thơ, 1985) Biến
đam mê thành nghề (Nxb Trẻ, 2010) và một số bài viết khác. Hiện là một doanh nhân chuyên tư vấn xuất khẩu.

 

Lửa Việt Nam trên quê hương của Goethe | Mỹ Thạch 2005
%d bloggers like this: