Nguyễn Xuân Xanh bàn trong mail group Humboldt:

28/12/2018:

Tranh thủ một chút ngày lễ tôi đã gia công cho phần trình bày hai quyển kỷ yếu này trên mạng rosetta:

https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/ky-yeu-dai-hoc-humboldt-200-nam/

https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/ky-yeu-max-planck-2008/

trong đó có phần Mục Lục chi tiết như trong sách, danh sách các cộng tác viên, danh sách người tài trợ.

Bạn Phạm Hiệp sẽ thấy hài lòng với Mục lục mới, mà trước đây tên của bạn đã bị bỏ sót. Tôi đã thể hiện đầy đủ hơn. Anh chị nào thấy còn thiếu sót, xin cho biết, tôi sẽ tu chỉnh.

Đây là hai trong số các kỷ yếu qui mô và “đẹp nhất” mà cộng đồng các nhà khoa học, nghiên cứu đã bỏ thì giờ ra đóng góp về Giáo dục đại học và khoa học. Chúng ta trong thời gian 7 năm đã có tổng cộng 7 số Kỷ yếu rất phong phú.

Hoạt động này làm tôi nhớ lại Nhóm Lục Xã (Meirokusha, hay Meiji Six Society) của Nhật Bản MInh Trị 150 năm trước, khi Mori Arinori có sáng kiến thành lập Nhóm khai sáng trong đó có Fukuzawa và nhiều học giả tên tuổi khác như Nishi Amane, Tsuda Mamichi, Nakamura Masanao, gồm khoảng gần 30 người. 

Họ bàn về những đề tài văn minh, khai sáng phương Tây, giáo dục đạo đức, thể chế chính trị, vai trò của học giả, tri thức, giáo dục, tự do, văn hóa phương Tây, hình thái chính quyền, các phương cách truyền bá khai minh, tôn giáo, vv. Các bài viết cho thấy giới tinh hoa Nhật Bản rất am tường văn minh phương Tây. Họ đọc rất nhiều về những vấn đề liên quan đến việc tạo ra một Nhật Bản mới. Họ rất thực tế. Họ xuất phát từ giai cấp samurai được giáo dục theo Khổng giáo, nhưng lại nhanh chóng trở thành các học giả sâu sắc về văn minh phương Tây. Đó là điều hết sức ngạc nhiên. Họ “thoát Trung” hay “thoát Á” rất dễ dàng để hòa nhập với nền văn minh phương Tây, từ ăn mặc cho đến cách tư duy.

Tuy thế, xã hội vẫn giữ các nguyên tắc đạo đức Khổng giáo, như lòng trung thành, với vua và với quốc gia, lòng yêu nước, kính trọng cha mẹ, nhân ái với mọi người, theo họ là những cái tốt đẹp, khác với chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây. Họ cho rằng xã hội không thể đi lên mà không có một nền tảng đạo đức vững chắc. 

Do tình hình bất ổn những năm đầu của cuộc cải cách, họ phải sớm ngưng hoạt động, mỗi người chọn một con đường dấn thân. Meirokusha tồn tại chỉ 2 năm 1874-75, nhưng để lại dấu ấn lớn.

Phải đọc tư tưởng và sự bàn luận của Nhóm Meirokusha được phổ biến trên tạp chí của họ mới thấy chiều sâu và bản lãnh tri thức của họ chỉ sau chưa đầy 10 năm chính thức mở cửa (1868). Họ nắm được những tri thức cần thiết để định hình một xã hội mới. Tuổi trung bình của họ chỉ khoảng 30-35, cũng là tuổi trung bình của những vị đại sứ trẻ của chuyến công du có tên Iwakura đi tìm khai sáng gần 2 năm. 1871-73, sang Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu. 

Tôi e rằng giới tinh hoa VN hôm nay vẫn chưa đạt được chiều sâu nhận thức đó của họ và tri thức hãy còn rất tản mạn.

29/12/2018:

Sắp tới, Cty Phương Nam sẽ cho ra mắt quyển Chuyến đi sứ mệnh Iwakura(1871-73) bằng tiếng Việt do tôi chủ trì. Đây là chuyến đi có một không hai trong lịch sử Nhật Bản hay châu Á, qua đó giới lãnh đạo Nhật Bản đã tìm khai minh cho quốc gia họ. Chuyến đi này quyết định đường lối của giới lãnh đạo Nhật Bản xây dựng Nhật Bản mới. Đọc giả VN mới chỉ biết Fukuzawa, nhưng chưa biết cả giới lãnh đạo đã đi tìm khai minh như thế nào, khai minh họ là sao, bảo thủ hay tiên tiến, theo khiểu phương Tây?, hay “lưỡng tính”?. Cũng như mới biết Fukuzawa là nhà khai sáng hàng đầu của Nhật Bản hiện đại, nghĩa là những gì ông nghĩ vẫn còn giá trị sau 1945, nhưng chưa biết ai là những “công thần lập quốc”, những người thật sự xây dượng Nhật Bản mới, và concept của họ là gì? Chuyến đi của đoàn có mang theo một “thư ký” ghi chép nhật ký hành trình, Kume Kunitake, một học giả Khổng giáo. Ông có nhiệm vụ ghi chép hết mọi thứ quan sát, và ý kiến, nhận xét của các thành viên, và của chính ông. Về lại Nhật, ông xuất bản một bộ sách gồm 5 tập cho mọi người tham khảo, hiểu phương Tây là gì. Bộ sách đó được đánh giá là bộ sử của văn minh phương Tây công nghiệp hóa thế kỷ 19. Họ là những người được đào tạo theo khổng giáo nhưng đã biết quan sát một cách hết sức tinh vi và khách quan, chính xác, cũng như những đánh giá của họ về từng quốc gia, chỗ mạnh chỗ yếu của họ! Không tưởng nổi VN có một nhóm người nho học mà lại có năng lực quan sát chính xác, khoa học như thế. Họ đã nhìn thấu suốt bản chất các quốc gia phương Tây mà không bị quá khứ họ làm họ mờ mắt điều gì. Điều đó có lẽ lý giải một phần sự thành công sắp tới của họ. Quá hay. Ngay bây giờ, giả sử cũng có một đoàn trí thức VN làm một chuyến viếng thăm và quan sát như thế, tôi không chắc năng lực quan sát và đánh giá chính xác của chúng ta! 

Nói tóm lại, chúng ta biết về Nhật Bản Minh Trị còn quá ít, mặc dù 150 năm đã trôi qua. Cụ Phan Châu Trinh chỉ ở Nhật có mấy ngày, chưa đủ đế hiểu hết. Cụ bị choáng ngợp bởi công cuộc cải cách của người Nhật và những thành công xuất sắc của họ, mục kích cả nền văn hóa, và văn minh, của họ được lột xác, không còn giống các quốc gia châu Á khác nữa, tuy cũng là “đồng văn đồng chủng”. Nhìn bề ngoài, họ giống Tây hơn giống châu Á. Cái văn hóa mà cụ kêu gọi VN thay đổi, phải là cả một cuộc đổi mới toàn diện một nền văn minh, từ vật chất, thói quen, lối sống, cách ăn mặc đến cách tư duy, áp dụng tri thức phương Tây vào cuộc sống, phương tiện giao thông, tổ chức xã hội, các định chế xã hội vv, chứ không phải thay đổi phiến diện nào. Cụ chưa nói hết, và có lẽ cụ cũng chưa hình dung hết. Lúc Cụ qua thăm, Nhật Bản đã đánh thắng quân nhà Thanh, nghiễm nhiên trở thành cường quốc châu Á. Cụ thấy thành quả, mà chưa thấy những hạt giống đã gieo và nảy nở thế nào, và đàng sau đó là những gì đã diễn ra? Cụ trách người Việt Nam qua đó mà không học được gì, ví như người mà lá phổi bị hư, vào một nơi mà khí trời trong lành mà không hít thở được gì (Xem Phan Châu Trinh của Vĩnh Sính, nxb Trẻ, 2017). Chưa có ai quyết tâm hiểu Nhật Bản đã thay đổi thế nào, thay đổi một cách toàn diện, để biên soạn thành một quyển sách có đầu có đuôi cho người Việt Nam. Cũng như chưa hai nghiên cứu để hiểu tại sao người Nhật lại có năng lực thay đổi như thế, trong khi TQ, VN, HQ thì không? 

Những điều trên cũng áp dụng cho những quốc gia khác đi trước, như Anh quốc, là quốc gia tiên phong, cũng như Pháp, Đức, Hoa Kỳ, những latecomers. Người Việt cũng chưa có những quyển sử của họ bổ ích cho các thế hệ. 

Xin có mấy lời tâm sự trong tinh thần xây dựng.

Nhóm Lục Xã (Meirokusha) và cách người Nhật quan sát cái hay dở của phương Tây | Nguyễn Xuân Xanh
Tagged on:         
%d bloggers like this: