Nhà văn Trần Kim Trắc vừa mất, sau 49 ngày báo chí mới biết. Giới phê bình văn học đánh giá giọng văn của ông đậm chất Nam Bộ, tình nghĩa. Ông cũng có một thời gian dài (30 năm) không được xuất bản tác phẩm ở Việt Nam, mấy mươi năm cuối đời ông cầm bút viết văn trở lại.
Báo chí viết về ông:
Những lời bình về truyện ngắn Trần Kim Trắc HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Về truyện ngắn Học trò già
Trong truyện ngắn Học trò già (Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 38, ngày 29-9-1996), nhà văn Trần Kim Trắc chỉ đơn giản kể lại một cuộc viếng thăm. Cuộc viếng thăm gợi nhớ đến một quãng đời và làm thức dậy những nỗi niềm riêng của hai con người. Giữa người thầy giáo già yếu bây giờ và ông giáo trẻ đẹp trai, phong lưu ngày trước; giữa người học trò tuổi đời chồng chất hôm nay và chú bé nghịch ngợm thuở xưa là một khoảng cách bốn mươi lăm năm.
Dưới ngòi bút của nhà văn, “khoảng cách bốn mươi lăm năm như xích lại gần”. Câu chuyện về cái bánh sầu riêng nóng hổi gói giấy nhựt trình, về những cái xác rệp trong kẽ bàn học sinh, về bài học tiếng Pháp thời thơ ấu… đã phả hơi ấm vào hai thế giới riêng tư cách biệt thầy – trò và hóa giải những niềm nghi ngại.
Sức cuốn hút của thiên truyện trước hết là ở vẻ đẹp tâm hồn của hai nhân vật. Ông giáo Đức đã có lúc chua chát, hờn dỗi với thời cuộc. Người học trò – nhân vật xưng tôi – thì lại từng lỡ lầm, vấp ngã. Nhưng cả hai vẫn giữ được tâm hồn trong trẻo mà đi qua những trắc trở và sóng gió cuộc đời. Trong căn nhà cũ kỹ nơi thầy trò gặp nhau, hiện tại cùng cất tiếng nói với quá khứ. Vì bài học của họ vẫn là bài học của mọi thời: bài học về nhân cách – bài học có thể “xốc dậy” con người. Nói đạo lý mà không ra vẻ dạy đời, điều đó đâu phải dễ!
Trần Kim Trắc đã tạo ra được bầu không khí tự nhiên để người đọc chuẩn bị tâm thế mà tiếp nhận bài học làm người tưởng chừng khô khan đó. Tác giả cứ để cho những kỷ niệm gọi dậy cùng nhau, dường như không hề xếp đặt, không có mối nối giữa các đoạn văn, các lời đối thoại. Những chỗ sử dụng tiếng Pháp trong ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật mà lược bỏ đi thì cái không khí đó cũng sẽ mất đi một phần đáng kể. Những câu đối thoại không gây ấn tượng nặng nề vì nhân vật – người kể chuyện là kẻ biết tự trào, chẳng hề oán giận cuộc đời, lại còn tìm cách làm lành với nó.
Học trò già thuộc vào những truyện ngắn mà người ta đã viết nên bằng cả một đời mình. Một đời để sống và một đời để chiêm nghiệm. Vả chăng, đây đâu phải chỉ là chuyện thầy trò. Qua một câu chuyện thầy trò, nhà văn đã chạm vào những điều sâu xa nhất của lòng nhân nghĩa. Ẩn sau giọng văn điềm đạm là tình yêu thương và cảm xúc về sự hòa hợp. Mà tình yêu thương thì bao giờ cũng có sức nâng đỡ con người.
(“Hai truyện ngắn hay nhất trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật năm 1996”, TTCN số 51, ngày 29-12-1996)
Về truyện ngắn Con mắt thứ ba
Vẫn là lối kể chuyện nhẹ nhàng kèm theo một nụ cười hóm hỉnh. Cuộc sống ở đây thật giản dị, mọi cái đều được sắp xếp theo lẽ tự nhiên. Hố bom trở thành ao nuôi cá. Cá ba sa rớt giá thì có cá vồ thay thế. Hạnh phúc mỉm cười với người có lòng. Còn kẻ quen thói tán tỉnh quơ quào thì đáng cho một bài học nhớ đời.
Là người linh hoạt, ông Ba Văn Hóa dễ dàng thành công mọi điều, nhưng đến việc xe duyên cho cô Thơm thì thất bại. Câu hỏi tò mò và câu trả lời ở cuối truyện tưởng chỉ là chuyện bâng quơ, nào ngờ là điểm nhấn của truyện. Cười nhạo cái chủ quan của kẻ trải đời, ngợi ca sự nhạy cảm của người phụ nữ hình như là cách nhìn quen thuộc đã gặp đâu đó trong văn Trần Kim Trắc, nay lại tìm được một cốt truyện mới để thể hiện.
Có cảm giác như câu chuyện còn có thể viết dài hơn, với nhiều tình tiết hơn. Nhưng hẳn tác giả hiểu rằng người đọc cũng có “con mắt thứ ba” để nhìn ngắm sự đời. Và kho chuyện đời dung dị không vơi cạn chắc sẽ còn được tiếp tục khai thác nhờ cái duyên của ngòi bút Trần Kim Trắc. Cái duyên cộng thêm một chút cay của gừng già…
(Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 39, ngày 02-10-2005)
Giải pháp chữ Tâm và những giả định lạc quan (Về truyện ngắn Lương tâm cắn rứt)
Hai tuần trước khi có “đề xuất luật về kiểm soát tài sản, thu nhập” (Tuổi Trẻ ngày 7-4-2013), báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần (số 10, 24-3-2013) đăng một truyện ngắn có liên quan, với nhan đề Lương tâm cắn rứt. Đã lâu trên mặt báo mới có một truyện ngắn “sát sườn” với đời sống xã hội như vậy. Có lẽ cũng vì đã lâu người đọc tỏ ra mệt mỏi với loại hình văn học “nóng bỏng tính thời sự” và trở nên giảm lòng tin vào những “giải pháp” nhiều lúc ngây thơ và dễ dãi của các nhà văn.
Nhưng đây không phải là truyện ngắn của một nhà văn non tay nào mà là của Trần Kim Trắc lịch lãm và lão thực, với cách kể chuyện lôi cuốn, khiến người ta có thể đọc một mạch cái câu chuyện nửa bi nửa hài đó. Ông Thìn, chủ tịch ủy ban nhân dân quận G, đại biểu quốc hội, bị “choáng” trước chủ trương kê khai tài sản của cấp trên, hình dung viễn cảnh sẽ bị trừng phạt vì tội “bốc lủm” nhiều năm để trở thành giàu sụ. Đầu óc ông càng như muốn vỡ tung ra khi nghe tin Công ty xây dựng Đại Hưng mà ông trực tiếp ký “chỉ định thầu” khai thác khu quy hoạch của quận, nhờ đó ông nghiễm nhiên trở thành cổ đông góp vốn 10%, cũng sắp bị thanh tra. Để thoát khỏi tình thế nguy hiểm ấy, ông “đạo diễn” cho bà vợ đến thẳng công đường tố giác chồng có quan hệ ngoài luồng. Và thế là, ngay ngày hôm sau, lấy lý do bị vợ hạ uy tín và làm sụp đổ danh dự, ông Thìn dễ dàng và nhanh chóng tuyên bố “từ chức chủ tịch ủy ban quận, xin rút chân khỏi mọi vị trí ở cơ quan đoàn thể và đại biểu quốc hội để trở về là thường dân”.
Như vậy là ông Thìn đã tìm được cách “hạ cánh an toàn”, tuy có bị dư luận đàm tiếu về đạo đức sinh hoạt, nhưng lại được tán thưởng ở sự tự phê bình nghiêm khắc và lòng can đảm “tự phong” một hình thức kỷ luật nặng nề, thà mất chức (hy sinh đời bố) mà giữ được tài sản (để củng cố đời con). Nghe những câu ông Thìn nói trước thuộc cấp khi tuyên bố từ chức, người đọc không còn biết nên cười hay nên khóc: “Để bảo vệ sự trong sáng của cách mạng như bảo vệ chính con ngươi của mắt mình, cần loại trừ ra những con sâu làm rầu nồi canh”. Ngòi bút của nhà văn còn đặt vào miệng Thìn những phát ngôn “triết lý”: “Đời người ai chẳng như đồng xu, có mặt ngửa có mặt sấp, như là hai người…”; “Lỗi lầm của tôi có sám hối đến tàn trăm bó nhang cũng không thoát khỏi hỏa ngục”. Và cứ theo lô-gích đó, chỉ mấy ngày sau, Thìn đã tìm một cách “sám hối” đắc địa: dùng tất cả số tiền cổ tức của Công ty Đại Hưng hàng tháng xây một căn nhà tình nghĩa trị giá năm sáu chục triệu đồng, mỗi năm 12 căn nhà như vậy, để bà vợ “đứng tên hiến tặng, và lên tivi” (!), cho đến cuối đời.
Từ góc độ xã hội học, có thể nói truyện ngắn Lương tâm cắn rứt, vô hình trung, đặt cơ sở trên ba điều giả định sau đây:
Một, cuộc đấu tranh chống tham nhũng với giải pháp kê khai tài sản đã có tác động lớn trong giới quan trường, làm chùn tay và truyền sự khiếp sợ đến những kẻ làm giàu bất chính, trước viễn cảnh bị “bỏ phiếu tín nhiệm bãi miễn để cách ly con vi-rút tham nhũng, miễn dịch cho đoàn thể”.
Hai, “văn hóa từ chức” đã ăn sâu và thấm nhuần vào đội ngũ quan chức và được “ứng dụng” nhuần nhuyễn đến nổi ông Thìn “tự kỷ luật bằng bản án từ chức” xong là giới thiệu luôn người phó thay thế, hôm sau không đến cơ quan nữa. Cấp dưới và cấp trên của ông đều xem việc đó là đương nhiên, không cần họp hành bàn bạc công tội gì nữa, cũng không thể tất gì đến quá trình phấn đấu và cống hiến của ông.
Ba, “giải pháp chữ Tâm” hóa ra còn ảnh hưởng lớn và nhanh đến những người “bị ô nhiễm tư tưởng” như Thìn, chỉ trong mấy ngày đã chuyển hóa được ông, từ một con sâu “quen tính bốc lủm”, đã nghĩ đến ngày ăn đạn, rồi liên tưởng đến hỏa ngục, bèn làm từ thiện để lương tâm đỡ cắn rứt.
Cái kết thúc có vẻ có hậu đó thật ra không hoàn toàn là dấu hiệu của một kiểu công thức dễ dãi và nhạt nhẽo trong văn học một thời xa vắng. Trần Kim Trắc cố tránh điều đó bằng cách kể chuyện nửa nghiêm túc nửa cười cợt của ông. Lúc ta có cảm tưởng nhà văn mỉa mai, xài xể Thìn; lúc lại như ông che chở, khoan dung đối với anh ta. Nhân vật người kể chuyện xưng tôi, một mặt, nói rằng “nhà văn có truyền giáo cho ai đâu mà gọi là thầy”, mặt khác vẫn tin rằng “nghề viết văn là nghề chọc ngứa tâm hồn bạn đọc để tâm trí họ hiểu hiện thực đời sống, khêu gợi tiềm lực bản thân để tự họ giải quyết những vấn đề riêng của bản thân mà thôi!”.
Văn học cảnh báo để gieo một chút hạt giống lành, dù không chắc sẽ nẩy mầm thành cây trái, cũng là quý. Giữa lúc những ông Thìn đã trở thành “một bộ phận không nhỏ”, biết đâu giải pháp chữ Tâm thật thà và cả tin của Trần Kim Trắc cũng có phần hợp lý?
(Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 16, ngày 05-5-2013, với nhan đề Văn học cảnh báo để gieo hạt giống lành).
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 6-1-19
Nguồn: http://www.viet-studies.net/HNhuPhuong_VeTranKimTrac.html
Các truyện ngắn được phê bình ở trên:
Học trò già: https://www.nxbtre.com.vn/en/news/hoc-tro-gia-tran-kim-trac-2010.html
HỌC TRÒ GIÀ – TRẦN KIM TRẮCUpdate Date: 11/17/2010Đi biền biệt 30 năm, được trở về Mỹ Tho, sau khi đoàn tụ với gia đình, việc đầu tiên của tôi là tìm thăm thầy, ông giáo Đức, đẹp trai nhất trường, ai cũng phải ngắm khi thầy thong dong trên chiếc xe Alcyon màu đen, lốp Confort màu trắng, tóc chải láng mượt, quần tussor sơ mi trắng, phong thái vừa văn minh vừa quí phái.Trẻ chúng tôi rất tự hào vì được là học trò của người thầy phong lưu nhất tỉnh. Ngôi nhà của thầy ngày trước vẫn còn đó nhưng đã đổi chủ. Tôi lần dò sang các nhà lân cận và các khu phố, người quen biết thầy trước kia không còn bao nhiêu, chỉ biết rằng sau khi tỉnh lỵ thất thủ năm 1945, thầy đã chuyển đi xứ khác, nghe nói lên Sài Gòn. Làm sao tìm được thầy giữa rừng người đô hội. Tôi học thầy ba năm. Một năm lớp moyen. Năm sau thầy được cất nhắc lên dạy lớp nhất, tôi lên theo như duyên phận thầy trò sắp sẵn. Học năm đầu tiên, đi thi tuyển vào trường Collège (trung học), đọc danh sách tôi trúng tuyển môn viết; chỉ còn môn oral (hạch miệng) là đỗ nhưng buồn cảnh gia đình sau khi mẹ mất, tôi bỏ không thi hạch miệng. Tất nhiên là tôi bị cha dần cho một trận vì cái tính trái gió trở trời và bắt trở lại trường lớp cũ thêm một năm nữa. Cao lêu đêu hơn bạn bè mới cùng lớp một nửa cái đầu, xếp hàng đứng cuối, ngồi bàn cuối, xấu hổ, nhưng xếp hạng là người “major”, tôi đáng mặt là đại ca của sư môn. Mười bốn năm sau, tình cờ gặp chị bạn học cùng lớp. Trường primaire hồi ấy là của con trai, nhưng đặc biệt lớp tôi có hai trò gái. Một cô tên là Huệ, con ông đốc tờ, có lẽ ông đốc tờ mến mộ tài phát âm tiếng Pháp rất ư là Tây của thầy nên còn ưu tiên đặc biệt cho cô con gái rượu theo học. Còn cô bạn gặp tôi là Muội, cha Hoa, mẹ Việt, do cô Huệ vòi vĩnh phải có bạn gái với nhau mới dám đơn phương xông pha vào chốn nhất quỉ nhì ma, nên được “ăn theo”. Cô Muội chỉ tôi nơi ở của thầy. Mừng quá, tôi quơ hai chai mật ong làm quà, vội vàng lấy xe đến thăm thầy. Nhà thầy ở một gian giữa dãy phố trệt. Hồi ấy mới có kinh tế mở nên chỉ có vài quán cà phê hoặc tiệm sửa xe. Từng căn phố ngăn cách bằng rào gỗ. Khoảng trống trước nhà có chiếc xe xích lô đang kê nghiêng để vá bánh. Anh xích lô hao hao giống nên đoán biết là con thầy. Sát vách kê một cái phản nhỏ, một bà lão đang ngồi. Cô không nhận ra tôi, nhưng sơn đình còn lưu dấu thời thiếu nữ đã từng lọt vào mắt xanh ông giáo trường tỉnh.Tôi chào hỏi và trình bày ý định học trò thăm thầy. Anh con trai vào trong, trở ra mời vào. Nhìn vào trong, tôi thấy thầy thay áo, bộ pyjama của thầy đã ngả màu theo thời gian. Thầy đã già yếu, bước từ từ ra, vừa đi vừa cài nốt nút áo cuối cùng, dáng vẻ vẫn cao đạo, tự tin, có chút lạnh lùng. Tôi lễ phép cúi chào. – Thưa thầy! Con đến thăm thầy.
Thầy đưa tay cho tôi bắt, chưa hề bộc lộ thoáng buồn vui và không để cho tôi chờ đợi. Thầy bất ngờ giáng cho tôi một câu (có lẽ vì trước đây có trò nào đó đã đến thăm thầy trước tôi và nói cách mạng sơ giản với thầy):
– Tôi không thích nói chính trị à nghe!…
Tôi bị cú bất ngờ choáng váng, chưa lường trước được thái độ của ông già ra sao đây? Không thích nói chính trị phải chăng ám chỉ rằng thầy không mấy cảm tình với cách mạng, mà bản thân mình lại là kẻ theo kháng chiến trở về. Thời may ba mươi lăm thủ pháp ứng xử có thủ pháp “đánh gió”, nghĩa là có đến bao nhiêu đòn cũng không trúng quân mình. Chính quyển sách Quốc văn giáo khoa thư học từ thời để chỏm tái hiện đúng lúc để cứu tôi. Tôi tiếp lời thầy:
– Thưa thầy! Con là Camot đây. Con nhớ thầy và đến để thăm thầy…
Thầy lại ngẩng nhìn tôi, vẫn chưa mỉm cười, nhưng sắc diện không như lúc mới đến. Có lẽ đang tái hiện trước mắt thầy thằng học trò nghịch ngợm thường bị thầy cho đứng úp mặt vào vách, vì tôi hay nhìn chùm me dốt bên ngoài cửa sổ.
– Ngồi đi!
– Thưa thầy, năm 1975 về Mỹ Tho con đến nhà tìm thầy, nhưng thầy đã đổi chỗ, biết tìm đâu. Sáng nay, tình cờ gặp cô Muội cũng học lớp của thầy cho biết, con lập tức đến ngay. Mừng quá!
Thầy đưa tay cho tôi ngưng lời, nhìn ra ngõ, chỉ tay xuống bàn ra hiệu. Không lâu sau, anh con trai bưng vô cho một ly cà phê sữa.
Tôi nhẹ nhõm trong lòng, khoảng cách bốn mươi lăm năm như xích lại gần. Tôi nhắc kỷ niệm:
– Thầy cho uống cà phê, con chợt nhớ thầy rất thích ăn bánh sầu riêng.
– A, anh nhớ lâu thật…
– Hồi ấy, đến mùa sầu riêng, trước giờ ra chơi buổi chiều thầy thường gọi con: “Viens ici!” (lại đây). Con lên bục… để nhận tiền thầy đưa, đạp chiếc Alcyon của thầy ra phố, chạy một vòng ra cầu tàu lục tỉnh cho thích, sau đó mới vào Tiểu Hương Tửu Lầu mua về hai cái bánh sầu riêng gói giấy nhật trình còn nóng hổi. Thầy chia cho con một cái, ra chơi con rút dưới gầm cầu thang ăn khoái chí!… Và đến chiều, tan giờ học, thầy giao
cho mang sổ sách về nhà, thấy thầy ghi cho huit poins (tám điểm) mà không có phải trả bài gì sất.
Thầy mỉm cười:
– Thì chẳng phải anh redoublant (lưu ban), đã trả bài từ năm trước rồi sao? Mà này! Tôi quên hỏi anh Bảy mất trong trường hợp nào? Tôi ở thành văn được nghe phong thanh (chẳng cha tôi cũng là giáo viên đồng nghiệp).
– Cha con vào bưng dạy trường Văn Chính, không phải dạy học trò để chỏm, mà dạy cán
bộ người lớn. Thưa thầy, dân ta rất nhiều người không được học. Cha con mất năm 1970, huyết áp cao ngã trên mô đất đào, vì lúc ấy nghèo quá cha con phải đào mương lên liếp làm thuê cho người ta lấy tiền nuôi các em con.
– Tội nghiệp anh Bảy.
Sợ thầy mất vui, tôi nhắc đến học trò cũ của thầy:
– Thầy nhớ thằng Huệ không, cũng như con, nó vẫn muốn được gặp thầy. Thằng Huệ “rệp” ấy.
– Sao lại gọi là “rệp”?
Chuyện này có khi nhà sinh vật học không biết nhưng học trò biết. Bàn ghế nhà trường rất nhiều rệp. Rệp trăm nhà học trò mang đến, lại được hút máu con nít bổ béo nên sinh sôi rất nhanh. Qua hai tháng bãi trường, con nào con nấy đói meo – lạ là chúng không chết. Trước khi nhập học, thầy bắt cả lớp phải diệt rệp mới cho vào ngồi. Chúng tôi lấy que khều chúng ra từ trong kẽ gỗ, con nào con nấy khô rang, mỏng dính như bánh tráng, màu vàng vàng, dẹp lép, trong suốt như những mảnh xác khô, thổi nhẹ đã bay – tưởng đâu không còn tí tẹo sự sống. Ấy vậy mà đưa đầu ngón tay đến gần, nghe hơi người lập tức những đôi chân nhỏ xíu lại ngo ngoe thăm dò. Đưa gần nữa, lập tức bám lấy hút lấy hút để, no căng đỏ thẫm, sổng ra bò rất nhanh chui xuống kẹt. Sau lần tổng vệ sinh, bỗng dưng vài ngày sau, hai cô học sinh nữ gãi sồn sột, đem một cái lọ bên trong còn sót vài cái xác rệp lên mách với thầy. Trò nào đó đã cắc cớ gom xác rệp cho vào góc tủ của hai cô, cả đám giặc đói xông bu đốt hai cô gái bằng thích.
Thầy đưa ve chai lên hỏi ai là thủ phạm và rất giận vì cả lớp im như thóc Thầy bảo:
– Đáng lý tôi phạt cả lớp, nhưng tôi để chiếcve chai ở đây – Thầy đặt xuống trước bàn – Tôi để đây không ai được lấy đi, để đến khi nào có người nhận tội… tôi muốn em nào đó đừng để suốt đời bị ám ảnh rằng mình là kẻ hèn, dám làm không dám chịu… không đáng nhân cách làm học trò tôi!
Sau hơn một tuần, ngày nào cũng bị hình ảnh chiếc ve chai ám ảnh, chịu đựng không thấu thằng Huệ về nhà khóc rấm rứt, ba nó khăn đóng áo dài dắt con đến nhà thầy để cậu quý tử tạ tội. Nghe xong, thầy bảo:
– Trò Huệ? Con ông vựa cá bên bến tắm ngựa phải không?
– Dạ đúng! Cậu ấy bây giờ nên thân lắm, thuyền trưởng tàu biển! Giờ về hưu rồi. Nó vẫn nhắc thầy luôn.
– Năm nay anh bao nhiêu tuổi?
– Dạ thưa thầy con sáu mươi lăm. Tuổi con rắn nhưng mà rắn nước, hiền lắm!
– Sao lại là rắn nước?
– Dạ hồi trước thầy dạy con phải như vậy.
– Tôi dạy anh cái gì về rắn?
– Dạ! Con rắn cắn Jean Fréron…
– A? Tên này nhớ lâu thật. Bài đó không có trong chương trình sơ học, phải lên cấp cao mới học. Bữa ấy tôi giận thầy Mậu lớp D. Ông ấy độc miệng lắm, khích bác tôi trước các thầy, nên tôi về lớp cho các trò chép bài ấy…
Và thầy cất giọng đọc:
– L’autre jour, au fond d’un vallon
Un serpent piqua Jean Fréron
Que pensez-vous qu’il arriva?
Ce fut le serpent qui creva.
(Tạm dịch nghĩa: Ngày kia dưới thung lũng sâu một con rắn cắn Jean Fréron. Biết việc gì xảy đến không? Người không chết, mà chính con rắn lăn ra chết.)Vậy đó, trên đời miệng lưỡi con người độc hơn miệng rắn độc. Ông Voltaire làm thơ nhiều ngụ ý… Mà này, anh vẫn chưa nói cho tôi, thoát ly mấy mươi năm anh làm chức gì?
– Dạ con đi nuôi ong thôi! Không có chức. Dạ, tuổi con rắn nhưng sinh vào giờ mùi.
– Nghĩa là sao?
– Người ta định đề bạt con lên một cấp, con lại phạm vào giờ mùi, nên lại bị đánh tụt xuống một cấp.
– À! Trong cách mạng, người ta nghiêm khắc cái chuyện ấy. Vậy có buồn không?
– Dạ vui vẻ là liều thuốc sống.
– Không nản à?
– Dạ! Vấp ngã thì lồm cồm ngồi dậy đi nữa. Không lẽ nằm mọp luôn.
– Giỏi đấy! Nhưng đi nữa bằng cách nào?
– Biết chấp nhận thực tế – thích ứng và hội nhập.
– Làm sao để thích ứng? Nói nghe coi?
– Dạ! Cuộc đời nó gặm nhấm chúng ta, nó còn chép miệng khen ngon, tội gì mình phụ họa với nó để làm mình buồn thêm? Số phận, condition humaine – tôi ngứa miệng xùy tiếng Tây ra – mỗi người một khác, nếu cả nghìn tỉ người trên thế giới không biết tự thích nghi với hoàn cảnh, thế giới này loạn mất. Thứ hai, để thích ứng, phải có cái nghề để tự nuôi sống và trả nợ cơm áo cho xã hội (payer la dett e sociale), thầy đã dạy con như vậy.
Con bây giờ làm nghề nuôi ong, không dám nào, tiện đây con đem mật ong, cây nhà lá vườn, tay con làm ra đến biếu gia đình, xin thầy vui lòng.
– Cám ơn! Anh giỏi đấy. Có được cho mình một cái nghề, còn tôi đây sau khi về hưu, ngoài ba cái giáo điều trên bục giảng, moi, je n’ai rien entre mes deux cuisses (tôi chẳng có gì giữa hai bắp vế).
– Dạ thưa, con chưa hiểu ý thầy.
Thầy nói tiếp:
– Sách vở thánh hiền đọc hàng pho, đi đâu cũng tự hào rằng mình là bậc trí giả, ngoài ba
cái giáo điều cóc có thực tế, không năng động, cũng chẳng có sức bật, đá phòng ngự thôi chứ không dám tiến công đột phá, làm chủ gia đình thì con cái xác xơ, giao cho làm nhà nước thì quốc gia chỉ có mạt.
Tôi biết thầy ví von để ám chỉ thực tế đạm bạc của mình: vợ chồng già, con đạp xích lô, ngôi nhà cũ kỹ… Tôi vội đỡ lời:
– Dạ thưa thầy, không phải giáo điều đâu ạ! Học trò của thầy hàng ngàn đứa đi kháng chiến hoặc lập nghiệp ở năm châu bốn bể. Hiểu vậy mới là chân lý. Ấy chết, con lại nói chính trị rồi…
– Không sao, không nói là không nói thứ chính trị nhăng nhăng khó nghe kia. Chứ không có chính trị để mất nước à?
Bụng tôi mừng rơn, vì thầy trò tôi đã tìm được điểm tương đồng để tâm đắc:
– Thưa thầy, ba năm học, những gì thầy gieo vào đầu óc thời non trẻ con vẫn nhập tâm. Lúc nào con làm đúng là con thành, lúc nào con làm sai là thất bại. Tuổi đời càng chồng chất càng thấm thía bài học của thầy về nhân cách.
Nghe hai chữ nhân cách, bất giác thầy ngẩng lên nhìn thẳng. Bốn mươi năm rồi tôi mới được thầy tái hiện nguyên mẫu thầy Đức trên bục giảng thuở nào:
– Phải rồi! – câu tiếp theo thầy nói nguyên văn tiếng Pháp, rất chuẩn, bàn tay nắm lại chỉ thẳng một ngón về phía trước – Qui perd sa dignité, perd tout (mất nhân cách là mất tất cả).
Hai âm p của từ perd (mất) – thầy mím môi phát âm nghe xốc dậy cả cuộc đời.
o0o
Tôi từ giã thầy, chào cô và anh con trai xích lô ra về, sau khi hẹn gặp lại. Lên xe, đạp một đỗi tôi nhủ thầm:
– May quá! Hôm nay mình đi thăm thầy bằng xe đạp…(Trích THẦY TÔI – Nhiều tác giả – NXB Trẻ xuất bản năm 2010)
Con mắt thứ ba: https://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n3nnn1nmn31n343tq83a3q3m3237nvn&cochu= (ở VN Thư quán có một số tác phẩm, tuyển tập truyện ngắn của Trần Kim Trắc)
TieuBoiNgoan : Sưu tầm
Nguồn: Vnthuquan – thư viện online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 11 tháng 10 năm 2005
Địa phương gọi ông là ông Ba Văn Hóa; đó là bà con gọi theo chức danh.
Tính ông lại vui vẻ xởi lởi, sống thực bụng thực lòng, miệng nói bô bô ruột để ngoài da. Người dễ thương như vậy, theo tập quán dân vùng sông nước, rất đáng được tặng cho một biệt danh để xưng hô thường ngày, còn tên cúng cơm cha mẹ khai sinh chỉ để dùng đi đăng ký.
Lúc khai lý lịch để đăng ký kết hôn với cô Ba, trong tờ khai có ghi họ tên để điền tên thật, hàng dưới lại in thêm hai chữ bí danh. Chẳng lẽ để trống, ông nắn nót điền vào bí danh: Ba Văn Hóa.
Nhà ông ở cách cơ quan huyện năm cây số, còn vườn tược, phố thị nhà tầng chưa bò tới. Mảnh vườn cha mẹ để lại được hai công trồng cây ăn trái thời chiến tranh đã hứng một quả bom tạ để lại một hố bom đìa to tướng. Chẳng mất công san lấp, ông gọi người đến sửa lại thành cái ao và đặt cái sàn nước cho vợ rửa bát.
Vụ kiện cá ba sa xảy ra, các bè nuôi cá bị rớt giá thê thảm. Để nuôi thì tiêu tốn thức ăn lỗ vốn, đành bán đổ bán tháo rẻ chưa từng có. Cá còn nhỏ vài ba lạng cũng bán.
Ông Ba Văn Hóa làm kinh tế theo kiểu nghệ sĩ của ông. Ông ra nhà bè mua mấy cần xé loại cá năm con một ký thả vào ao nuôi cho ăn ba cọc ba đồng rồi chúng cũng lớn. Dễ gì kiếm loại cá vồ đém ba ký trở lên. Vậy mà ao nhà ông Ba có con cá vồ năm ký. Các nhà hàng rất thích loại cá ngoại cỡ này vì bày mâm rất bắt mắt.
Có bà con Việt kiều về thăm, bà Ba nấu canh chua cá vồ đém mời cơm.
Sau vài ly ông Ba Văn Hóa làm thơ:
Dù ai đi đến bên Tây
Cũng không quên được cái nây con cá vồ.
Khách cười thích chí rút bút ra bảo ông đọc lại cho ghi để đưa đi xuất khẩu, ông bảo thơ miệt vườn của chúng tôi cần hiểu nôm na mới vui.
Cái “nây (°) con cá vồ” này nên liên tưởng thêm ra là cái nây gì cũng được, béo ngậy như nhau mà…
Cơ sở báo cáo lên vườn tràm sinh thái có cò về làm tổ đông đúc lắm. Chiều chiều khi ánh tà dương sắp ngả về tây, cò trắng lũ lượt sải cánh bay về từng đàn. Trẻ con trải chiếu ra sân nằm ngửa mặt lên trời nhìn cò bay đến mãn nhãn. Ủy ban huyện chủ trương phải quản lý vườn cò, tổ chức thành một điểm tham quan sinh thái có thu, giao cho cơ quan văn hóa quản lý.
Ông Ba Văn Hóa lên kế hoạch xây bốn góc bốn lầu quan sát, du khách có thể từ trên cao hơn ngọn cây quan sát, chụp ảnh quay phim cảnh nhộn nhịp của họ hàng nhà cò. Dựng các lều giải khát nghỉ ngơi, kết hợp với bên giao thông tổ chức đoàn canô đưa du khách tham quan.Nhưng nội dung đề tài câu chuyện này không có mục đích bàn chuyện công tác mà có chủ đề hướng về chuyện tình yêu.
Trong cơ quan của ông Ba Văn Hóa còn hai phần tử độc thân. Một ông 35 tuổi cứ than thân rằng lớn từng này rồi mà chưa hề biết “cái ấy” ra làm sao vì chưa có cô nào chịu ưng. Một cô góa chồng ở vậy nuôi con, tương lai chưa định. Ông Ba vốn là dân sông nước phù sa, thích vun bồi cho hạnh phúc mọi người, ai cũng có bạn có đôi. Ông có thể gọi họ lên văn phòng làm mối xe duyên cho họ. Nhưng làm vậy còn gì là văn hóa, tình yêu không được áp đặt dù là cha mẹ hay cấp trên. Mà sắp đặt như thế còn gì là tình yêu thời hiện đại. Nhưng ông có ý tốt vun vào, có ý tốt mà không thực hiện đâu phải là con người có văn hóa. Ông bèn âm thầm sử dụng chiêu thức “lửa gần rơm” mỗi mình ông biết. Ông ra quyết định bổ nhiệm ông Thới phụ trách giám đốc vườn cò, còn cô Thơm phụ trách kế toán thu chi. Cái cảnh hẻo lánh nơi vườn cò thơ mộng một nam một nữ sinh hoạt chung cho tình mộng lên hương. Chuyện gì xảy ra do tự thân đương sự định đoạt. Biết đâu tơ trời vương vấn xe duyên, ông sẽ xây dựng cho họ một mái ấm, ông sẽ vui vì mình đã âm thầm làm một việc thiện.
Thời gian qua mau, mới đó đã qua hai mùa lũ. Du khách đến tham quan vườn cò mỗi lúc thêm đông. Hằng năm tổng kết thu nhập đáng kể mà tín hiệu ái tình vẫn chưa thấy nhấp nháy.Một chiếc xuồng máy cập bến trước cơ quan.
Cô Thơm đeo túi bước vào văn phòng.
– Sao? Khỏe không? Cô uống nước đi! Nào có việc gì báo cáo nghe coi! – Thưa bác! Cháu về xin phép cơ quan xây dựng gia đình. Đi bước nữa ạ!
– Hay quá! Tôi biết mà! Cô với ổng công tác gần nhau, thế nào cũng thành mà!
– Dạ thưa… ông nào ạ?
– Thì ông Thới chứ ai trồng khoai đất này?
– Dạ thưa… không phải đâu ạ! Mà là người khác cơ.
– Sao vậy, ông ấy có đui què điếc lác gì đâu mà cô chê?
– Dạ cháu đâu có dám chê! Dạ, chỉ vì không có yêu nên dễ hiểu đàn ông hơn thôi bác ạ.
– Trời ơi, vậy mà tôi cứ tưởng sắp xếp cho hai người công tác chung một nơi với nhau, gà mái gà trống sống chung chuồng thể nào cũng đẻ ra gà con! Sao cô không ưng ổng mà đi lấy người khác? Lửa gần rơm không trèm thì trụa mà.
– Dạ lửa có trèm nhưng rơm ướt nên không cháy được thôi bác. Tính ông ấy không thể hạp với cháu.
– Tính ổng làm sao mà không hạp?- Ông ấy chỉ biết tỏ tình bằng tay, bạ đâu hốt đó, sờ mó cọ quẹt, mò mẫm chứ không biết tỏ tình bằng lời ăn tiếng nói. Người như vậy tình yêu không lâu bền. Trước kia ông đã quen bao nhiêu cô, chị em đều chạy làng hết nên già rồi mà vẫn ế cũng vì cái tính bốc hốt đó. Cách đây không lâu suýt nữa là cháu đã hất trọn nồi nước xông đang sôi vào người ổng rồi. Ổng kêu nhức đầu nhờ cháu nấu giúp nồi xông. Cháu tất tả đi hái lá sả, lá tràm và các thứ cây thuốc nấu một nồi. Ông trải chiếu giữa nhà ở trần ngồi chờ. Cháu bê nồi xông bốc khói lên đặt xuống rồi xổ cái mền phủ lên. Bất ngờ ổng thò ra nắm tay cháu lôi vào. Cháu nổi xung quát: “Có buông ra không, tôi hất nồi nước sôi vào mặt bây giờ”. Sau đó ổng mới chịu buông. Bây giờ công tác chung nhưng ra vô nhìn nhau muối mặt lắm rồi.
– Sao cô không báo cáo lên.
– Tố cáo làm chi cho thất đức, xấu anh xấu ả. Biết đâu chuyện mèo mả gà đồng thành án chính trị ghi lý lịch suốt đời không ngóc đầu lên được sinh hận sinh thù.
Ông Ba Văn Hóa chưng hửng:
– Có chuyện ấy nữa sao? Vậy là xôi hỏng bỏng không rồi. Tôi có ý tốt muốn vun vén cho hai người nên tạo môi trường cho tình yêu nảy nở, đâu ngờ đất không chịu giống…
Rồi ông chép miệng như tự phê:
– Cũng là cái tật của tôi từ lúc còn học cấp II là hay cặp đôi các bạn con trai con gái cùng lớp cùng trường. Đâu hay mình sắp đặt tình yêu của người khác bằng trái tim trời ơi của mình… Tôi xin lỗi nghe! Để rồi tôi sẽ ký quyết định rút cô về huyện công tác, đưa người khác xuống thay. Nhưng lần này phải là nam giới. Còn chuyện hôn nhân tôi tán thành vì đó là quyền lựa chọn của cô. Nhưng phải thư thư đã. Đợi sau khi cô đã rời vườn cò về trên này công tác một thời gian cho nguôi ngoai đã. Đàn ông mà, muốn quá mà không được họ hay nổi khùng, sợ khổ cho cô! Ai lường trước được… Rồi báo chí đăng tin “đấm bốc ở vườn cò” thì nguy. Còn anh chàng cô định làm đám cưới này là ai?
– Dạ, anh ấy là bếp trưởng ở công ty du lịch, chưa lập gia đình. Hai năm nay cháu ra vườn cò công tác, gửi cháu bé lại cho bà ngoại. Ngày nào anh cũng đem xe đến đưa rước cháu bé đi nhà trẻ.
– Vậy được lòng trẻ con là được lòng người lớn chứ gì! Chiêu này thâm thật. Anh chàng này trước có đi lính không mà rành công tác dân vận quá vậy?
– Dạ có đi nghĩa vụ quân sự hai năm.
– Thảo nào…
– Khi anh ấy ngỏ lời, cháu bảo: “Tôi là gái đã một đời chồng, đã có con riêng. Anh là trai tơ, trai tơ nhưng không có nghĩa là anh không biết gì! Tôi giao điều kiện: nếu sau này sống chung ai mạnh về mặt nào người ấy phát huy, người kia không được can thiệp. Tôi mạnh về mặt giao thiệp chạy ngoài kiếm tiền, tôi đi suốt ngày anh không được ghen; còn anh nấu ăn ngon ở nhà đi đưa đón con và nấu cơm tôi về tôi ăn. Chịu không nói đi!…”. “Chịu!”.
– Cô nghĩ sao mà nói được câu: “Anh chưa có vợ không có nghĩa là anh chưa biết gì”?
– Trực giác thôi bác ạ. Trực giác là con mắt thứ ba của người phụ nữ. Phải biết nhìn giới mày râu trong suốt tận hồn cốt của họ mới khéo…
Chú thích
(°) nây: lớp mỡ ở bụng con heo.
Lương tâm cắn rứt: https://tuoitre.vn/luong-tam-can-rut-539289.htm
27/03/2013 11:30 GMT+7 TTCT – Vợ chồng sống chung, ăn ở với nhau trong cùng một nhà, vị đời mặn, ngọt, chua, cay, chát, đắng nếm đủ. Có gì đóng cửa bảo nhau, cớ sao lôi nhau ra trước công đường cho miệng đời dị nghị báo chí rêu rao?
Tranh: Nguyễn Ngọc Thuần Bà Kim – phu nhân chủ tịch ủy ban nhân dân quận G đến nơi bằng taxi. Từ trên xe bước xuống, bà đi thẳng vào giữa cơ quan đang giờ làm việc. Nước mắt tràn mi, bà tựa lưng vào cạnh bàn làm việc kêu cứu:
– Các bác, các anh chị ơi! Cứu em với, ông nhà em gần 50 tuổi rồi, con cái dựng vợ gả chồng cả rồi mà ổng còn sinh tâm lén lút lập phòng nhì, phòng ba làm cho gia đình tan nát. Cơ quan phải cứu em với, uốn nắn dạy dỗ ổng cho bỏ cái tính già đến rồi mà còn đứng núi này trông núi nọ.
Mọi người ngẩn ngơ vì trong mắt họ, lâu nay ông Thìn là người đứng đắn, mực thước, chưa hề mang tiếng sàm sỡ bao giờ.
– Thưa bà, ông Thìn quan hệ với ai bà có biết không? Có bắt được tại trận chưa?
– Nếu bắt được trai trên gái dưới thì đã xảy ra án mạng rồi. Tôi tra vấn thì ổng chối leo lẻo còn mắng tôi là già rồi mà còn ghen tuông mất nết, nhưng ngoài phố người ta ồn ào lên là họ tận mắt bắt gặp ổng đèo con đó trên xe hai bánh, hai tay ôm eo, ngực ịn sát lưng õng a õng ẹo, cứ hình dung ra cảnh ấy mà lửa giận bốc cháy trong đầu.
Từ phòng làm việc trên lầu, nghe ồn ào, ông Thìn bước vội xuống, đến giữa cầu thang ông dừng lại nghe rõ cả. Đến khi thấy ông đứng đối diện, bà quơ cả hai tay trỏ vào mặt ông xỉ vả:
– Đó, trước mặt tập thể ông còn dám chối nữa không? Hay đợi tôi xé xác ông ra.
Ông Thìn trừng mắt tỏ vẻ đau đớn kêu lên:
– Trời ơi! Thấy vợ người ta chết mà ham, sao vợ mình rủa mãi mà nó không chết phức giùm cho nè trời!
– Được! Ông trù cho tôi chết phải không. Tôi chết cho ông coi để ông tha hồ đú đởn.
Bà gạt mọi người ra, bước lên cầu thang chạy lên lầu, ý chừng bà định nhảy lầu cho rảnh nợ đời.
Các cán bộ trẻ nam có nữ có vội vàng kéo bà xuống, kéo ghế cho bà ngồi, lấy khăn lau mặt, rót nước mát cho bà uống.
Ông Thìn khoác túi lên vai cầm chìa khóa nói như ra lệnh:
– Đi về! Làm nhục tôi như thế đủ rồi. Lên xe rồi tôi cho bà tha hồ ôm.
Mọi người trố mắt như xem màn cuối vở kịch hạ màn khi thấy bà riu ríu bước theo chân ông ra bãi giữ xe. Hai chiếc mũ bảo hiểm úp lên hai mái đầu cài dây cẩn thận. Chiếc Blade êm ru lăn bánh giữa phố đông thanh bình, gió xuân êm ả vuốt ve đôi má. Bà ôm eo ông, tựa cằm lên bờ vai như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Ông mỉm cười nói ngược gió ra sau lưng cho bà nghe:
– Bà diễn xuất đạt lắm, không có kịch bản mà bà diễn y như trên sân khấu, nhất là chi tiết chạy lên cầu thang để nhảy lầu.
– Ai bảo ông trù ẻo rủa cho người ta chết?
– Thì tôi cũng sáng tạo để diễn cho tròn vai vậy mà!
Sáng hôm sau ông triệu tập cán bộ nhân viên cơ quan quận, mời tất cả lên hội trường họp. Rầu rầu nét mặt, ông trịnh trọng đứng trước micro tuyên bố:
– Kính thưa các bác, các anh chị em.
Tôi thật sự mất mặt, danh dự tôi hoàn toàn sụp đổ khi vợ tôi đến quậy giữa cơ quan ngày hôm qua. Trong tất cả ham muốn của con người, dục tình là sự ham muốn ích kỷ nhất, tôi còn nhân cách nào để đối diện trước đoàn thể và cơ quan đây, còn uy tín nào để đặt mình vào vị trí lãnh đạo cơ quan đây? Nhất là bị chính người bạn đời đầu gối tay ấp của mình trực tiếp đến đây vạch mặt tố giác.
Để bảo vệ sự trong sáng của cách mạng, như bảo vệ chính con ngươi của mắt mình, cần loại trừ ra những con sâu làm rầu nồi canh. Bởi vậy, hôm nay trước tập thể, tôi xin tuyên bố kể từ giờ phút này, tôi sẽ từ chức chủ tịch ủy ban quận, xin rút chân khỏi mọi vị trí ở cơ quan đoàn thể và đại biểu quốc hội để trở về là thường dân.
Kể từ đây, trong khi chờ đợi UBND thành phố chỉ định chủ tịch quận khác, đồng chí phó chủ tịch sẽ thay thế điều hành mọi mặt hoạt động của quận nhà.
Xin các bạn tán đồng để tôi ứng dụng văn hóa từ chức. Sau ngày hôm nay, tôi sẽ vắng mặt ở cơ quan. Kính chúc các bạn có nhiều sức khỏe và may mắn. Xin tạm biệt.
***
Điện thoại reo, tôi nhấc máy. Thìn có nhã ý mời tôi về quê anh ở Vĩnh Long chơi với lý do là đồng cảnh ngộ đi chơi với nhau để trao đổi sự đời thấm thía hơn. Đứa em út Thìn đang trông coi ngôi nhà tổ của dòng họ vì tất cả các ông anh lớn ăn học cao, đủ lông đủ cánh đều đã bay cao bay xa cả trong nước và nước ngoài. Giao lại cho cậu Út trông coi ngôi nhà xưa với vai trò trưởng tộc lo giỗ chạp, hương khói cho tổ tiên, các ông anh chỉ thỉnh thoảng gửi tiền về chu cấp để khỏi bứt rứt vì chưa tròn đạo hiếu với người xưa.
Sáng hôm sau Thìn thuê một cỗ taxi đến nhà đón tôi. Khi ra đến xa lộ, Thìn tréo hai bàn tay trước bụng ngoảnh sang tâm sự: “Ngẫm lại anh và tôi, ta cùng trắng tay về địa vị xã hội, kẻ trước người sau cũng trở về làm phó thường dân cả. Anh từ thời thất nghiệp bị mời đi chỗ khác chơi phải tự thân lên rừng tìm kế mưu sinh từ hồi tập kết ngoài Bắc, còn tôi tuy mới đây thôi vì cảnh ngộ phải tự né đòn vì xìcăngđan tình ái, trắng tay tất cả không còn chức vị, không còn sinh hoạt đoàn thể nào cả…”.
Tôi bèn chơi chữ với anh: “Nhưng vẫn còn trái tim của mẹ sinh ra nếu thay cái khác thì tắt tử lâu rồi, nhờ trái tim ấy mà vẫn mong nước nhà thống nhất, vẫn mong đổi mới thành công cho con cháu được nhờ, không có mơ ước ấy lấy gì làm lẽ sống đến quá cổ lai hi như thế này?”.
Mỗi người chúng tôi theo đuổi ý nghĩ riêng cho đến khi xe đến Ba Càng Cái Ngang. Cậu Út – anh chàng trung niên cao ráo trắng trẻo đẹp trai, dáng vẻ dân cậu có ăn học, mừng rỡ chào đón mời vào nhà.
Ngôi nhà cổ bề thế năm gian kiến trúc theo kiểu tân cổ giao duyên, mặt tiền hành lang lát gạch bông bao quanh, hàng cột sơn vôi trắng bên trên có hoa văn đắp nổi, hành lang xây thấp trên những bình gốm nung tráng men. Bên trong giữ nguyên ngôi nhà rường cổ, cột căm xe cả ôm bóng lộn đòn tay chủa năm cạnh chạm trổ hoa lá chim cò hoành phi câu đối chạm chữ vàng rực, bên trong bàn thờ giữa treo trên vách một khung kính bọc bảng gỗ sơn đỏ, kẻ bốn chữ tượng hình phết nhũ vàng “Cửu huyền thất tổ”.
Cậu Út năm nay ngót nghét bốn mươi rồi, sống độc thân chẳng vợ con, nhà nuôi hai vợ chồng già cùng làng không con nối dõi giúp việc nhà, vợ lo bếp núc cơm nước, chồng làm quản gia.
Khi ông anh cả giới thiệu tôi là nhà văn, cậu Út mừng rỡ rối rít.
– Vâng, em kính chào sư phụ, sách của sư phụ em đọc đã biến đổi thằng em, văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình đến nay mới hân hạnh được gặp mặt.
– Sao lại gọi tôi là sư phụ, nhà văn có truyền giáo cho ai đâu mà gọi là thầy. Nhà văn có dắt tay ai đâu. Nghề viết văn là nghề chọc ngứa tâm hồn bạn đọc để tâm trí họ hiểu hiện thực đời sống, khêu gợi tiềm lực bản thân để tự họ giải quyết những vấn đề riêng của bản thân mà thôi!
– Đúng phóc rồi! Có một câu anh viết: “Bóc lột con người là tội ác, bóc lột con vật, chim thú, ong bướm thì tha hồ”. Câu này anh viết khi lưu lạc kiếm sống và lên rừng làm nghề nuôi ong lấy mật. Nhờ đọc câu này của sư phụ mà khi chọn nghề kinh doanh tôi không cho vay lấy lãi cũng không mở tiệm cầm đồ, mà đi nuôi ếch. Uống nước xong, thằng em đưa ông anh ra xem nửa hecta ao nuôi ếch của thằng em.
Đất vườn nhà, trên em làm giàn bầu giàn bí cho mát, dưới đất nuôi giun nuôi trùng hổ đào lên làm mối cho ếch ăn, nuôi lãi cực kỳ anh ạ! Bác Tư ơi! Bác nhớ chiêu đãi nhà văn món đùi ếch lăn bột chiên chấm tương ớt nghe, để đền ơn ổng có công chọc ngứa tâm hồn cháu nhé!
Tôi quay lại bắt gặp đôi mắt của ông cựu chủ tịch quận, cảm thấy trong nụ cười của ông có ẩn chứa tâm trạng gì đó khi nghe hai chữ “chọc ngứa”!
Đêm xuống, sau khi cơm rượu no say, bác quản gia có sáng kiến bày khay trà phích nước trên nền gạch bông ngoài hành lang cho ba chúng tôi hóng gió mát ngắm trăng thanh tâm sự với nhau.
Tôi rỉ tai hỏi Thìn:
– Hỏi thật nghe! Hậu phương có yên ổn chưa mà ông bạn rủ tôi đi chơi xa nhà? Khi hay tin anh dính vào xìcăngđan tình ái bà xã đến tố khổ tận cơ quan, tôi có đến văn phòng ủy ban để hỏi, anh chị em cán bộ nhân viên đã kể lại rất chi tiết từng giọt nước mắt, đến cả câu nói “Trời ơi thấy vợ người ta chết mà ham…” mà anh trích trong một tiểu phẩm hài của tôi đem ra dùng họ cũng nhắc lại từng lời. Tôi cứ nghĩ chuyện vợ chồng lục đục, xích mích kiểu này chưa chắc đến già có thể giải tỏa hết thắc mắc, vậy mà chưa hơn một tuần lễ anh đã rủ tôi đi chơi xa coi như chẳng có việc gì xảy ra.
– Haha! Chuyện này, kinh nghiệm làm đàn ông, mánh khóe làm chồng nhà văn chuyên viết chuyện ân ái phòng the chắc hiểu đàn bà hơn thằng em nhiều: vợ nhà có ghen tuông thắc mắc đến bằng trời đi nữa cứ im re đừng có cãi cọ thanh minh thanh nga gì cả, để đôi ba ngày rình rình thơm một cái là xong tất, vòng tay ôm cổ mình ngay.
– Vậy còn chuyện phòng nhì phòng ba với ai đó là cô nào, anh không nói ra liệu bà chị có thông suốt không?
– Chuyện ấy làm gì có. Anh hiểu rõ tôi quá mà.
– Anh là người xem nhẹ chuyện ăn cơm tiệm ngoài luồng, nên tôi có lý do thắc mắc là tại sao anh từ chức đánh đổi cả chức tước sinh mệnh chính trị vì chuyện ghen tuông vớ vẩn?
– Tôi từ chức không phải vì chuyện ái tình, lý do chính là vì tôi phải tránh đạn.
Anh Thìn nói tiếp:
– Đầu óc tôi cơ hồ như vỡ tung ra khi nghe nghị quyết của trung ương và chủ trương của quốc hội là tất cả đại biểu phải công khai tài sản. Chạy trời không khỏi nắng, chẳng lẽ nói dối với trên và giấu giếm với nhân dân khi mình tự dưng biến thành anh nhà giàu sụ lúc nào không hay. Tôi đành bảo vợ tôi phải đóng kịch đánh ghen để tôi có lý do từ chức khỏi phải kê khai gì cả.
Lúc đầu bà ấy nhất định cự tuyệt, tôi phải cả vú lấp miệng em: “Cả ba cái nhà xây cao tầng nó lù lù ra đó, cái nào tôi cũng sắp xếp cho bà đứng tên, nhưng trong cái nào cũng là nhà của ông chủ tịch quận tha hồ cho thuê tính giá thuê bằng đôla quy đổi ra xài làm sao cho hết. Lại nữa còn cổ phần trong Công ty xây dựng Đại Hưng nữa, không rõ vì mục đích gì, cô em gái của em làm kế toán ở Công ty Đại Hưng về nói thanh tra và công an vừa đến công ty lấy danh sách các cổ đông của công ty này. Vụ này họ sờ đến anh là chết chắc.
Nghe tôi bảo như thế vợ tôi xanh mặt đành đồng ý giả vờ đóng vai nạn nhân đau khổ vì chồng ngoại tình thì ai chả tin, lại còn sáng tạo ra tình tiết không có trong kịch bản là đòi nhảy lầu tự tử nữa.
– Vậy vụ cổ phần ở công ty xây dựng là như thế nào?
– Đời người ai chẳng như đồng xu, có mặt ngửa có mặt sấp như là hai người, một người là vẻ bề ngoài mơ ước làm kẻ trung thực chính trực, sau khi được bổ nhiệm vào vị trí nhất định trên ghế quan chức đều tự đánh giá mình là người có nhân cách để tự trọng tự hào rằng mình thuộc tầng lớp đáng được nể trọng, miệng đời nể trọng, có huân, huy chương đeo trước ngực.
Một người thứ hai mặt sấp, giấu mặt không để mọi người nhận biết và tự mình cũng không nhận thấy mình nếu không tự soi gương hoặc bị camera, phim ảnh ghi vào ống kính. Quái ác là đời có luật lại còn có lệ nữa. Luật thì có văn bản có điều khoản 1-2-3-4-5 đến số trăm số ngàn, nhưng lệ làm gì có văn bản, hiểu ngầm theo thói quen thôi, ai hiểu sao thì hiểu, nghe và hành động theo thôi, có chi ràng buộc? Người ta sao mình vậy, không theo thì là khách sáo, lên mặt làm cao xa cách, không sành đời sành điệu.
Tôi á! Đầu tiên sau khi xuất ngũ được bố trí làm anh nhân viên thôi, vèo vèo một cái được cất nhắc lên làm phó phòng rồi trưởng phòng, vài năm sau vèo một cái lên làm phó chủ tịch rồi chủ tịch quận. Những ngày đầu tiên sau khi ký mấy thứ giấy tờ cho phép, duyệt y, thông qua từ các phòng, ban đệ trình lên, ngày hôm sau kéo ngăn kéo tôi thấy những chiếc phong bì dán kín đựng tiền mệnh giá lớn.
Tôi gọi thư ký riêng đến hỏi ở đâu ra, cô ấy thưa: dạ đó là cái lệ ở đây trước nay vẫn thế, các bộ phận giúp việc bên dưới tiếp nhận yêu cầu của người dân cần trình lên ủy ban đều đòi ngấm ngầm lót tay để sớm được việc. Các bộ phận nhận lấy không dám xài riêng mà cần chia cho thủ trưởng để bôi trơn sau này đề bạt ý kiến được đầu xuôi đuôi lọt. Thủ trưởng có trực tiếp mè nheo ra điều kiện gì đâu, thủ trưởng nhận lấy đi có phải ký nhận đồng nào, coi như là cái lệ thôi, chống lại cái lệ là mệt với nội bộ lắm đó…
Cái thằng người thứ hai của không ít các vị chức sắc từng tự hào mình là kẻ trung thực chính trực thanh liêm có nhân cách, như con chuột chù lẻn trong kho thóc đã chớp lấy cơ hội của các thứ lệ ấy để trục lợi, tự biến mình thành quan tham lúc nào không hay. Đến khi quốc hội chủ trương cán bộ phải kê khai tài sản, làm giàu từ đâu mà có qua đó bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bãi miễn đến lúc này mới giật mình như bị gí điện, tài sản cá nhân biệt thự đồ sộ cao tầng, tiền gửi ngân hàng lù lù ra đó có chôn giấu được đâu?
Trường hợp của tôi lại còn bị úm vào cái lệ đặc biệt xưa nay hiếm nữa. Tôi đã trực tiếp ký chỉ định thầu cho Công ty xây dựng Đại Hưng trúng thầu khai thác khu quy hoạch của quận và chính tôi đã thân hành xuống cơ sở giúp họ đền bù giải tỏa nữa. Lúc ấy tôi hoàn toàn vô tư vì lợi ích quy hoạch đô thị mà thôi. Thời gian sau chính giám đốc công ty này thân hành đến cơ quan đưa giấy mời tôi đến dự họp đại hội cổ đông của họ. Đến dự họp, qua công bố tôi mới hay qua danh sách, tôi là cổ đông chính thức có 10% góp vốn.
Tôi ngơ ngác như chuyện từ trên trời rơi xuống vì tôi có bỏ vốn vào đồng nào đâu. Để trấn an, tay giám đốc ghé tai tôi nói nhỏ: “Anh yên tâm, không có anh chỉ định làm sao công ty chúng tôi trúng thầu và được như ngày nay”. Thử hỏi tôi biết nói gì khi mâm cỗ đã sắp bày. Thế là từ bấy đến nay, đến kỳ tổng kết tôi đã yên chí nhận cổ tức được chia. Nuôi hai thằng con đi học trường quốc tế khỏe re.
Anh nghĩ coi! Vật cùng tất biến mà, hòn đất ném lên cao đến mức nào đó hết lực cũng rơi trở xuống vỡ vụn, quan tham vơ vét làm giàu đến đâu cũng đến lúc vỡ mộng. Thử làm sao tôi không từ chức cho được đây? Người nghèo có gánh nặng của người nghèo là cơm áo gạo tiền. Người giàu cũng có gánh nặng của người giàu là vì họ có nhiều tiền bất chính quá. Công chức nhà nước như tôi mà còn quen tính bốc lủm, đứt đuôi con nòng nọc là tư tưởng của mình đã bị ô nhiễm rồi, không tự kỷ luật bằng bản án từ chức còn cái lỗ nẻ nào để chui đây? Nhân cách rồi sẽ bị người ta bêu ra bỏ phiếu tín nhiệm bãi miễn để cách ly con virút tham nhũng miễn dịch cho đoàn thể.
Cậu Út nghe ông anh phản tỉnh, thích chí nói:
– Nghe anh kể chuyện thăng trầm của cuộc đời em cứ tưởng anh là một triết gia nghe xúc động lắm, không có từng trải làm sao nói như sách vậy được?
Ông anh cạn một chén trà thơm, vỗ lưng em vừa cười vừa rưng rưng:
– Đúng! Đúng! Anh là một triết gia nhưng là một triết gia tồi. Anh chỉ ân hận khi nghĩ đến chị dâu của em hơn nửa đời người chung sống với anh trung hậu đảm đang mà nay vì vở kịch né đạn của anh mà phải mang tiếng bị chồng bội bạc, đi với gái buộc phải từ chức. Lỗi lầm của tôi có sám hối đến tàn trăm bó nhang cũng không thoát khỏi hỏa ngục. Cây kim bọc giẻ có ngày cũng ra. Nhỡ có ai đoán biết họ lật kèo để trả nợ bả cái câu “Thấy vợ người ta chết mà ham…” phanh phui vở kịch từ chức này ra, có mà chui xuống lỗ.
Nên trước khi đi đây tôi đã bàn với bên Công ty Đại Hưng dùng tất cả số tiền cổ tức tôi được lĩnh hằng tháng xây dựng tặng cho bà con nghèo ở vùng sâu vùng xa một ngôi nhà tình nghĩa do vợ tôi đứng tên hiến tặng và lên tivi. Một năm 12 ngôi nhà như thế mỗi căn theo các anh ấy tính năm sáu chục triệu đồng, cứ tiếp tục mãi như vậy cho đến khi vua Ngô thác xuống âm phủ (vua Ngô ba mươi sáu cái táng vàng, thác xuống âm phủ chẳng mang theo cái nào).
Nghe đến đây tôi nâng ấm rót giáp vòng rồi hỏi anh:
– Vậy anh trút bầu tâm sự giãi bày tất tần tật cho tôi nghe, tính tôi vốn lí lắc anh không sợ tôi lúc nào đó ngứa miệng tiết lộ ra sao?
– Tôi hiểu quá mà. Tôi muốn anh tìm hiểu rõ thằng tôi cho cặn kẽ để đến lúc nào đó, qua ngòi bút, anh chép lại để chọc ngứa tâm hồn của kẻ nào đó có tính bốc lủm như tôi, khêu gợi ý thức của độc giả biết dùng nội lực tinh thần đấu tranh với chính mình để tránh vết xe đổ. Nghề viết văn như anh đã nói là nghề chọc ngứa tâm hồn độc giả mừ.
– A ha! Thì ra người ta bỏ vốn ra kinh doanh để lấy lãi bằng tiền, còn anh kinh doanh để sám hối bằng cách làm từ thiện để đỡ cắn rứt lương tâm. Bái phục!