Tư liệu nghiên cứu liên quan đến chiến tranh biên giới phía bắc Việt Nam năm 1979

  • MAI HOA

  • Chủ nhật, 06 Tháng 1 2019 17:59

Ngày 16-1-1979, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Cảnh Tiêu đã đọc một bản báo cáo nội bộ, phân tích tình hình Đông Dương. Đây là bản Báo cáo tuyệt mật và trước khi phát biểu, Cảnh Tiêu đã dặn dò kỹ cử tọa: “Bài nói chuyện hôm nay sẽ không được phân phát cho các cấp dưới như một văn kiện chính thức của Trung ương. Có những nội dung cần được giữ bí mật. Ngoài việc lưu hành bài nói chuyện này tại các Cục, Vụ và đơn vị thích hợp, các đồng chí có thể tóm tắt tinh thần chính và những điểm quan trọng. Còn về cách truyền đạt tin tức như thế nào và cần truyền đạt đến Cục, Vụ và đơn vị nào, các đồng chí sẽ được thông báo sau cuộc họp này” [1].
Bản Báo cáo của Cảnh Tiêu có nhiều nội dung liên quan đến những tính toán của Trung Quốc về chiến tranh biên giới tháng 2-1979. Dưới đây, xin tóm lược lý do Trung Quốc không đưa quân đội đến Campuchia khi Việt Nam giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ Polpot.

Ngày 4-11-1978, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc Uông Đông Hưng sang thăm Campuchia. Đón tiếp và hội đàm với Uông Đông Hưng, Chính phủ Campuchia đã đề nghị Trung Quốc đưa quân đội tới Campuchia giúp đỡ nước này chống lại Việt Nam. Trước đề nghị đó, Cảnh Tiêu cho biết Chính ủy Hải quân Tô Chấn Hoa (Su Zhenghua) gợi ý “nên phái một phân đội của hạm đội Đông Hải tới Campuchia để giúp họ bảo vệ vùng biển của họ hoặc phái một hạm đội đến đó chỉ để viếng thăm” [2], còn Tư lệnh Quân Khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou) đề nghị “đưa quân tới Quảng Tây để thử phát động một cuộc tấn công Việt Nam” [3]. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã bác bỏ cả hai gợi ý nói trên và không một người lính nào được đưa đến Campuchia. Cảnh Tiêu lý giải 4 lý do của quyết định đó như sau:
“1- Nước ta là một nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta chưa bao giờ đưa quân đội, máy bay, hay tàu chiến tới một nước nào khác và cũng chống lại việc những nước khác làm như thế. Tuy ngày nay chúng ta đồng ý để Mỹ duy trì một lực lượng quân sự nào đó trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, điều đó chỉ có nghĩa rằng chúng ta thông cảm với việc quân đội Mỹ ở lại Nhật Bản, Philippin cùng những nơi khác, nhưng không có nghĩa là chúng ta ủng hộ các nước đóng quân hay xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước khác. Chúng ta không bao giờ có thể quên bản chất của đế quốc Mỹ và chủ nghĩa bá quyền của Mỹ chỉ vì chúng ta đã bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Chúng ta khác Mỹ rất nhiều. Nếu chúng ta đưa quân sang Campuchia, chúng ta sẽ vi phạm nguyên tắc đó và hơn nữa sẽ tạo ra một ấn tượng không tốt trước các nước Đông Nam Á cũng như trước các nước khác trên thế giới. Chúng ta không chỉ không xây dựng được mặt trận thống nhất chống bá quyền bằng cách đoàn kết với các nước trong thế giới thứ ba, mà còn sẽ trở thành một nước bá quyền mới. Một sai lầm lớn như thế thật khó mà sửa chữa được.
2- Ngày nay phần lớn các nước trên thế giới, bất kể họ có thích chế độ Polpot hay không, vẫn công nhận Campuchia dân chủ và ủng hộ lập trường đúng đắn của Trung Quốc bằng cách lên án Việt Nam là xâm lược. Bởi vì họ nhìn thấy rõ ràng chỉ có quân Việt Nam ở Campuchia mà thôi. Nếu binh sĩ của chúng ta cũng có mặt ở đó, tình thế sẽ khác đi. Ít nhất đồng chí Trần Sở cũng sẽ không thể phát biểu một cách hoàn toàn tự tin ở Liên Hợp Quốc; đồng thời, có thể chúng ta sẽ phải ra trước toà án và bị chất vấn. Đánh mất uy tín trong một tổ chức quốc tế thì tất nhiên là không tốt, nhưng nghiêm trọng hơn cả là Việt Nam cùng bọn bù nhìn của họ có thể nắm lấy cơ hội phát động phản công, đảo ngược cuộc chiến tranh xâm lược ban đầu bằng cách tố cáo chúng ta can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Đến lúc đó Trung Quốc sẽ không dễ dàng ủng hộ Campuchia một cách mạnh mẽ. Nhưng nếu tình hình hiện nay không thay đổi, thì toàn bộ sự ủng hộ của chúng ta cho Campuchia là chi viện một cuộc đấu tranh chính nghĩa chống sự xâm lược của nước ngoài. Rõ ràng là chúng ta đúng.
3- Do điều kiện địa lý, bối cảnh chính trị, kinh tế và tư tưởng của Đông Dương và nhiều yếu tố phức tạp khác, nên nếu Trung Quốc đưa quân vào Campuchia sẽ không thể nào dùng chiến tranh chớp nhoáng theo kiểu Hít-le để giải quyết toàn bộ vấn đề trong vòng vài ba tháng được. Người Mỹ đã có kinh nghiệm cay đắng trong vấn đề này và có lẽ đã hiểu rõ điều đó. Chiến đấu ở Đông Dương quả thật là một nhiệm vụ không đơn giản. Quân Việt Nam đã tiến vào một bãi lầy như thế, nhất định họ sẽ sa lầy, nếu chúng ta đưa quân đội tới đó, chúng ta cũng sẽ sa lầy và khó nói trước kết cục. Hiện nay, chúng ta chưa đủ mạnh để tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao như thế, trừ khi từ bỏ bốn hiện đại hoá hay đã sẵn có những điều kiện kinh tế và sức sản xuất như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Không đem quân tới Campuchia có lợi cho chúng ta về mọi mặt; đồng thời, điều đó cũng là một dịp rèn luyện cho Đảng cộng sản Campuchia. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của chúng ta, với việc người Campuchia quyết tâm, tin tưởng, dám đấu tranh cũng như biết cách đấu tranh, Liên Xô và Việt Nam sẽ không gặp may.
4- Nếu các đồng chí nghĩ rằng Việt Nam dám xâm lược Campuchia vì họ biết rằng chúng ta sẽ không đem quân chi viện Campuchia thì các đồng chí không hoàn toàn đúng. Thật ra, Liên Xô mong muốn chúng ta đem quân tới Campuchia. Đối với Việt Nam, Việt Nam muốn sự tàn phá diễn ra ở Campuchia chứ không phải ở Việt Nam. Đối với Liên Xô, hễ Trung Quốc tham gia chiến tranh là họ sẽ nhanh chóng tạo ra những luồng dư luận thế giới tố cáo chúng ta; đồng thời, công khai chi viện Việt Nam chiến đấu đến cùng. Việt Nam cũng nghĩ rằng một khi chúng ta dính líu vào Campuchia, họ có thể tự do tiến hành chiến tranh ở cả hai phía, còn ở trong nước, họ có thêm cớ để động viên nhiều lực lượng hơn nữa cho cuộc chiến tranh này. Việt Nam và Liên xô đã lập ra một kế hoạch với mục tiêu trước mắt là gây trở ngại cho việc thực hiện chương trình hiện đại hoá của chúng ta. Họ cũng có một kế hoạch dài hạn là nếu quân đội Trung Quốc xung đột trực tiếp với Việt Nam và gây ra chiến tranh trên lãnh thổ Việt Nam, thì theo Hiệp ước đã ký giữa Liên Xô và Việt Nam, Liên Xô sẽ có lý do để đem quân tới biên giới phía Bắc nước ta, cùng với quân Việt Nam tấn công chúng ta cả hai phía. Lúc đó các nước Mỹ, các nước Tây Âu và Nhật Bản sẽ nói Việt Nam hay là chúng ta đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược Campuchia. Campuchia chỉ là một nước nhỏ, có diện tích bằng Bắc Kinh và số dân không bằng Bắc Kinh, song những gì diễn ra ở nước này có liên quan tới rất nhiều vấn đề quốc tế. Một chuyển biến nhỏ trong một bộ phận có thể ảnh hưởng tới tình hình toàn cục” [4].
Tiếp đó, Cảnh Tiêu nhấn mạnh thêm: “Chúng ta phải hết sức thận trọng, nếu chúng ta tham gia chiến tranh và đánh một trận thắng lợi chống Liên Xô thì dĩ nhiên nhân dân ta sẽ rất hài lòng. Song như thế liệu có còn hy vọng nhận được những vốn đầu tư, cho vay và mọi loại viện trợ khác của Mỹ, các nước Châu Âu và Nhật Bản cho bốn hiện đại hoá của chúng ta hay không? Đây không chỉ là vấn đề chúng ta có sợ tham gia chiến tranh hay không, mà là vấn đề cân nhắc cái lợi cái hại” [5]. Cảnh Tiêu kết luận: “Về vấn đề này, quyết định của chúng ta gồm ba điều : l – Chúng ta sẽ không đem quân tới Campuchia ; 2 – Chúng ta sẽ không ngừng viện trợ cho Campuchia; 3 – Chúng ta sẽ chi viện Campuchia chiến đấu đến cùng” [6].
Cũng trong bản Báo cáo này, Cảnh Tiêu thừa nhận rằng, dù không đưa quân đội tới Campuchia, song tại thời điểm đó, Trung Quốc có khoảng hơn 1.500 chuyên gia quân, dân sự làm việc tại đó. Người Trung Quốc không chỉ làm công việc xây dựng mà còn “trực tiếp giúp nhân dân Campuchia chiến đấu trên các chiến trường” [7]. Cảnh Tiêu cho biết thêm một thông tin: Trước nguy cơ chiến tranh giữa Việt Nam và Campuchia, tháng 12-1978, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo cho Đại sứ Tôn Hạo tại Campuchia về việc sẽ không tham gia cuộc chiến tranh này; đồng thời, ra lệnh cho tất cả các nhân viên Trung Quốc rời đi từng nhóm một, song do tình hình thay đổi đột ngột, nên nhiều người trong số đó đã không kịp đi khỏi Campuchia. Số bị mắc kẹt này đã “tự nguyện từ bỏ quốc tịch Trung Quốc, lấy quốc tịch Campuchia” và “tình nguyện tham gia cuộc chiến tranh cứu nước chống Việt Nam” [8].
Cảnh Tiêu nhấn mạnh đi, nhấn mạnh lại “sự tự nguyện”, “tình nguyện” của chuyên gia Trung Quốc khi quyết định như vậy, giải thích rằng, Nhà nước Trung Quốc “không có cách nào cấm họ làm việc đó, vì thế, sự việc này không thể bị coi là xuất khẩu cách mạng” và “việc làm của họ là một lời giải thích sinh động về sự tố cáo sai trái của Việt Nam nói rằng nhân viên quân sự Trung Quốc đã tham gia cuộc chiến tranh này” [9].
Về thái độ của Trung Quốc đối với chế độ Polpot và việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia, cuối cùng Cảnh Tiêu đi đến ba kết luận:
“1- Chúng ta phải kiên quyết tiếp tục ủng hộ chính phủ Campuchia dân chủ. Đó không chỉ là nghĩa vụ quốc tế không thể thoái thác, nó còn cần thiết để bảo vệ hoà bình và an ninh trên thế giới. Nếu những sự khiêu khích của chủ nghĩa bá quyền không bị phản kích mạnh mẽ thì các thế lực phản động sẽ càng trở nên ngang ngược” [10].
“2- Đảng cộng sản Campuchia là đảng anh em của chúng ta và nhân dân Campuchia là những người bạn của nhân dân Trung Quốc. Cuộc đấu tranh của họ là cuộc đấu tranh của chúng ta, thắng lợi của họ là thắng lợi của chúng ta. Trong giờ phút khó khăn này, chúng ta sẽ kiên quyết làm hết sức mình để chi viện cuộc chiến đấu chống Việt cứu nước của họ. Chúng ta sẽ ủng hộ họ chiến đấu đến cùng, bất kể lâu dài đến bao nhiêu và phải trả giá cao đến bao nhiêu” [11].
“3- Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phải sẵn sàng đối phó với hai tình huống: Ngoài việc làm tốt công tác phát triển kinh tế, còn phải chuẩn bị chiến tranh. Các tổ chức Đảng ở mọi cấp phải đặc biệt chú ý nắm vữngcông tác quản lý kinh tế lẫn công tác quân sự (…). Chúng ta cũng hoàn toàn tin tưởng rằng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân sẽ đoàn kết, thực hiện sản xuất tốt và đánh đuổi hết tất cả những kẻ dám xâm lăng nước ta” [12].
Như vậy, quyết định không gửi quân tới Campuchia, Đảng cộng sản Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch “trừng phạt” Việt Nam. Việc Trung Quốc tấn công Việt Nam có thể coi như “tự vệ” thay vì đưa quân vào Campuchia sẽ tạo ra phản ứng quốc tế bất lợi; đồng thời, biện pháp trừng phạt thông qua một cuộc chiến tranh hạn chế sẽ không ảnh hưởng đến bốn hiện đại của Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình còn cho rằng, tiến đánh Việt Nam và nhanh rút chóng quân ra khi thậm chí chỉ đạt được 70 % mục tiêu quân sự thì cũng đã là thành công, đáp ứng hai mục tiêu quan trọng: Thứ nhất, tạo cơ hội cho việc cải cách quân đội; thứ hai, chứng minh cho Liên Xô và Việt Nam thấy khả năng Trung quốc có thể bẻ gãy vòng vây của họ và chiến lược toàn cầu của Liên Xô sẽ suy thoái ở châu Á [13].
———————-
Chú thích:
– Từ số [1] đến [12]: Keng Piao’s Report on the Situation of the Indochinese Peninsula, Issues and Studies, Taipei, January 1981.
– [13]. Nayan Chanda: Brother Enemy: The War After the War, Collier Books Macmillan Publishing Company, New York, 1986, p. 329

Nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/tu-lieu-nghien-cuu-lien-quan-den-chien-tranh-bien-gioi-phia-bac-viet-nam-nam-1979

Một nhận xét về tính toán của Việt Nam khi đưa quân vào Campuchia:

Có một báo đã tiếp cận tôi để viết một bài nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Phnom Penh, nhưng khi viết xong thì họ đánh giá là bài có quá nhiều ý kiến nhạy cảm nên không thể đăng được. Tôi buồn nhưng không quá ngạc nhiên. Thôi đã mất công viết thì đăng ở đây để gia đình bạn bè tham khảo vậy ?

Việt Nam và can thiệp nhân quyền 40 năm sau Chiến tranh biên giới Tây Nam

Làm nghiên cứu sinh lịch sử thời đại công nghiệp hóa 4.0, tôi luôn phải giải đáp cho bạn bè, gia đình và các bậc phụ huynh, học sinh về lợi ích của công việc mình làm. Có ba lợi ích chính: thứ nhất, để hiểu biết thêm về bản thân và xã hội; thứ hai, để đánh giá, xem xét lại những hành động của thế hệ trước và nhắc nhủ cho những lãnh đạo đương thời là một ngày, họ cũng sẽ phải chịu phán xét của thế hệ sau; và cuối cùng, để rút ra được những bài học cụ thể cho các nhà hoạch định chính sách ngày nay. So với hai mục đích đầu mà có vẻ ít có giá trị thực tế, thì dường như mục đích thứ ba thực dụng hơn và do đó dễ đạt hơn. Tuy nhiên, trường hợp của cuộc Chiến tranh biên giới Tây Nam là một điển hình tại sao nhiều lúc lại rất khó rút ra được những bài học đúng đắn từ quá khứ. Tại cuộc hội thảo “Bạo lực Quy mô lớn ở Đông Nam Á từ 1945 tới nay” (“Mass Violence in Southeast Asia since 1945”) tại Đại học Yale tháng 11/2018 vừa qua, tôi đã đưa ra kết luận rằng tất cả các nước có liên quan dường như đều đã học những bài học sai từ cuộc chiến tranh này. Bài viết sau được trích một phần từ bài trình bày của tôi tại hội thảo, tập trung vào những bài học mà Việt Nam đã rút ra, và nêu lên một số bài học khác chúng ta có thể nên cân nhắc.

Trong những tuần lễ dẫn tới ngày 7/1/2019 kỷ niệm 40 năm quân tình nguyện Việt Nam đã giúp các thế lực yêu nước Campuchia giải phóng Phnom Penh khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary, tôi đã đọc được nhiều bài hoài niệm của các nhà báo, các cựu chiến binh, các lớp chuyên gia, những người đã dành tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất chiến đấu kiên cường trên đất bạn. Họ hồi tưởng về những hy sinh trong suốt hơn một thập kỷ từ 1977 tới 1989 để bảo vệ chủ quyền biên giới và sau đó là giúp bạn Campuchia dẹp tan chế độ diệt chủng. Là người đi sau, tôi không đủ tư cách và cũng không muốn viết gì để pha loãng đi những lý tưởng của thế hệ anh hùng này. Nhưng Chiến tranh biên giới Tây Nam là một cuộc chiến vô cùng phức tạp, và nếu trong những hoạt động kỷ niệm chúng ta chỉ nhớ lại những hồi ức đẹp và né tránh những câu hỏi hóc búa, thì có lẽ chúng ta đã bỏ phí cơ hội để rút ra những bài học hữu ích mà thế hệ trước đã trả giá bằng xương máu để có được.

Câu hỏi hóc búa nhất nhưng cũng quan trọng nhất là, Việt Nam đã giúp giải phóng Campuchia chủ yếu vì lý do tự vệ hay là can thiệp để giải cứu dân tộc Campuchia khỏi nạn diệt chủng? Trong bối cảnh ở Campuchia vẫn tồn tại những thế lực trong phe đối lập miệt thị và gây khó dễ cho cộng đồng người gốc Việt sinh sống trên đất Campuchia, vu cáo việc Việt Nam thôn tính đất nước, xâm lấn biên giới, cả hai chính phủ Việt Nam và Campuchia đã tích cực dùng mốc kỷ niệm 40 năm giải phóng Phnom Penh để nhấn mạnh công lao của quân tình nguyện Việt Nam giải cứu Campuchia khỏi ách diệt chủng. Tại buổi lễ sáng ngày 4/1/2019 tại Hà Nội, có mặt các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, nhà nước Việt Nam và Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao “lịch sử quan hệ đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Campuchia lúc khó khăn hoạn nạn cũng như trong hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc”. Mục tiêu can thiệp bảo vệ quyền được sống của người dân, chống chế độ diệt chủng tàn bạo, trên cơ sở tình đoàn kết giữa hai dân tộc được đưa lên hàng đầu; mục tiêu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ khỏi những cuộc tập kích, tàn sát của quân Khmer Đỏ tại các tỉnh biên giới như An Giang, Tây Ninh từ tháng 4 năm 1977 cũng được nhắc đến nhưng là yếu tố phụ.

40 năm trước, Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền phát biểu về Chiến tranh biên giới Tây Nam trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào sáng ngày 28/9/1979 trong một bối cảnh rất khác. Diễn ra chỉ sáu tháng sau khi quân Trung Quốc rút khỏi các tỉnh miền Bắc, tại phiên họp này phế quân Khmer Đỏ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN đã cáo buộc Việt Nam tội xâm lược đất nước láng giềng, và ngăn chặn không cho đại diện nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia được công nhận tại LHQ. Trước Đại Hội đồng, Thứ trưởng Phan Hiền khẳng định là Việt Nam đã “thực hiện quyền tự vệ, nhân dân chúng tôi đã mạnh mẽ đáp trả [những cuộc công kích của Khmer Đỏ], đập tan quân Pol Pot xâm lược Tây Ninh cuối năm 1978, và bằng cách đó thoát khỏi gọng kìm bao vây của Bắc Kinh và tạo ra điều kiện thuận lợi để chống lại thành công cuộc xâm lược trắng trợn của thế lực bành trướng Bắc Kinh vào ngày 17/2/1979”. Việc giải cứu dân tộc Campuchia khỏi chế độ diệt chủng cũng được nhắc đến, nhưng chưa từng bao giờ chính thức được ngoại giao Việt Nam sử dụng như căn cứ pháp luật cho việc đưa quân tình nguyện vào Campuchia.

Vậy rốt cuộc Việt Nam đã hành động chủ yếu vì lý tưởng bảo vệ nhân quyền, chống tội ác diệt chủng hay vì lợi ích quốc gia? Rõ ràng, hai mục đích này gắn liền với nhau khi quân Việt Nam tiến vào Phnom Penh năm 1979. Nhưng giai đoạn từ tháng 4 năm 1975, khi quân Khmer Đỏ chiếm lĩnh Phnom Penh và ra lệnh dời toàn bộ dân ra nông thôn, khởi xướng chế độ diệt chủng, cho tới cuối năm 1977, Việt Nam vẫn giữ quan hệ với chính quyền Khmer Đỏ, Đại sứ quán Việt Nam tại thành phố ma Phnom Penh vẫn duy trì hoạt động. Những người tị nạn Campuchia đã đổ qua biên giới và cầu xin Việt Nam cứu giúp, và những cán bộ thân Việt Nam đã bị thanh trừng thẳng tay từ những tháng đầu tiên của chế độ Pol Pot nhiều năm trước khi Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Kampuchea được thành lập cuối năm 1978 và chính thức thỉnh cầu sự giúp đỡ của quân Việt Nam. Việt Nam có thể giải thích về thái độ và chính sách của mình trước năm 1975 là chưa hiểu rõ bản chất Khmer Đỏ khi ta giúp đỡ những kẻ giả dạng là những nhà Cộng sản chân chính này trước khi chúng nắm được quyền lực, nhưng không thể thanh minh như vậy cho quãng thời gian từ sau tháng 4 năm 1975 cho đến cuối năm 1978. Chúng ta phải thừa nhận rằng Việt Nam, như tất cả các nước khác trên thế giới, đã rơi vào thế bị động trong khi bè lũ Pol Pot – Ieng Sary tiêu diệt gần hai triệu công dân Campuchia bao gồm mọi sắc tộc, trong đó có cộng đồng người Việt, người Chàm, và thậm chí cả người Hoa, hành động mà Tòa án Đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ đã phán quyết là chính sách diệt chủng. Phải hơn một năm rưỡi sau khi lãnh thổ Việt Nam bị liên tiếp xâm phạm, và khi Việt Nam đã rơi vào nguy cơ chiến tranh hai mặt trận, chúng ta mới tiến quân vào giải phóng Phnom Penh.

Thái độ này của Việt Nam hoàn toàn dễ hiểu. Cho dù tội diệt chủng thuộc dạng tội nghiêm trọng nhất trong luật quốc tế (violation of peremptory norms), cho đến nay luật quốc tế vẫn thiên về gìn giữ ổn định và hòa bình giữa các quốc gia hơn là bảo vệ nhân quyền. Các Hòa ước Westfalen năm 1648 mà đã kết thúc cuộc Chiến tranh 30 năm giữa các thế lực Công giáo và Tin lành ở Châu Âu đã biến nguyên tắc chủ quyền thành nền tảng của trật tự quốc tế. Nguyên tắc này không cho phép một quốc gia nào can thiệp vào nội bộ của quốc gia khác, bất kể quốc gia kia có những chính sách vô nhân đạo và tồi tệ thế nào trong nội bộ. Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 cho phép Hội đồng Bảo an phê chuẩn những biện pháp can thiệp quân sự, tuy nhiên chỉ với mục đích giữ gìn hòa bình. Năm 1979, Hội đồng Bảo an đã cân nhắc can thiệp vào Campuchia, nhưng lại với mục đích bắt Việt Nam phải rút quân, và phải nhờ phiếu phủ quyết của Liên Xô mới không đưa ra nghị quyết chống Việt Nam và CHND Campuchia. Phải đến 2005 thì Liên hợp quốc mới thông qua hai bài báo cáo về Trách nhiệm Bảo vệ (Responsibility to Protect hoặc R2P), khẳng định rằng bảo vệ nhân quyền là nhiệm vụ cơ bản của một nhà nước, và một nhà nước vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của nhân dân có thể đánh mất chủ quyền. Tuy nhiên, cả hai báo cáo này đều không đưa ra cơ sở pháp lý mới nào cho việc can thiệp bảo vệ nhân quyền ngoài tầm kiểm soát của Hội đồng Bảo an, và vấn đề can thiệp vào nội bộ với mục đích bảo vệ nhân quyền vẫn còn được tranh cãi nhiều sau khi quân NATO lấy cớ can thiệp nhân đạo để tiếp tay phiến quân ở Libya và Syria.

Để bảo vệ lợi ích quốc gia, Việt Nam trong những năm cuối thập kỷ 1970 đã cố gắng tìm mọi cách thương lượng với chế độ diệt chủng để tránh phải tái tham chiến khi đang cần cấp bách xây dựng lại đất nước sau 34 năm chiến tranh. Và quả nhiên, khi Việt Nam cuối cùng đã đưa quân vào giúp giải phóng Phnom Penh và ở lại 10 năm giúp bạn xây dựng lại đất nước từ tro tàn và ngăn chặn sự trở lại của chế độ Khmer Đỏ, chúng ta đã bị nhiều nước trên thế giới trừng phạt: Trung Quốc đã tấn công vào biên giới phía Bắc; các nước tư bản chủ nghĩa vừa thiết lập quan hệ với Việt Nam đã rút viện trợ và cắt quan hệ thương mại đầu tư; Mỹ và ASEAN đã chung tay với Trung Quốc giúp khôi phục lực lượng cho Khmer Đỏ và cho chúng thánh địa ở biên giới với Thái Lan để làm quân Việt Nam và CHND Campuchia phải chịu tổn hao kéo dài. Với cái giá rất cao đã một phần ước lượng trước này, việc Việt Nam tìm mọi cách tránh can thiệp vào Campuchia kể cả khi hiểu rõ rằng đây là một chế độ diệt chủng là hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng Việt Nam không thể cùng một lúc thừa nhận điều này mà lại vẫn kiên định rằng mục tiêu chính của quân đội Việt Nam khi giải phóng Phnom Penh là để giúp bạn kết thúc nạn giệt chủng.

Bài học quan trọng nhất mà Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đã rút ra từ chiến tranh biên giới Tây Nam là việc can thiệp vào nội bộ nước khác, bất kể chính phủ đó có tồi tàn tới đâu, là không có lợi về mặt đánh giá chi phí và lợi ích thu được, và xét tổng thể thì vượt ra ngoài khả năng của những nước nhỏ và trung bình. Sau khi giải quyết xong vấn đề Campuchia, Việt Nam đã ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác vào năm 1992 khi trở thành quan sát viên ASEAN. Theo đó, chúng ta đã chấp nhận một trật tự khu vực và thế giới trong đó chủ quyền quốc gia được đề cao hơn hẳn nhân quyền. Khi thảm họa diệt chủng xảy ra ở Rwanda và Bosnia năm 1994, hay khi ngay trong khu vực Đông Nam Á dân quân Indonesia tàn sát dân Đông Timor năm 1999 và quân đội Myanmar cho đến nay vẫn đang có chính sách diệt chủng với dân tộc thiểu số Rohingya theo đánh giá của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc và nhiều nhà quan sát quốc tế trung lập, Việt Nam chỉ dừng lại ở việc nêu quan ngại và không có động thái gì mạnh mẽ cả về lời nói lẫn hành động. Khi Tòa án Hình sự Quốc tế được thành lập năm 1999 để truy tố những tội phạm chiến tranh và vi phạm nhân quyền, Việt Nam đã không ký tham gia. Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, trong khi đang cần tranh thủ quan hệ với cộng đồng ASEAN láng giềng, và trong một thế giới mà các nước xã hội chủ nghĩa chiếm thiểu số trên trường quốc tế, Việt Nam đã chọn con đường đề cao trên hết bảo vệ lợi ích quốc gia và thể chế, kiên định trong khái niệm chủ quyền tuyệt đối bất khả can thiệp bên ngoài, thay vì theo đuổi những lý tưởng đẹp đẽ nhưng cao xa và khó có cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc như can thiệp vào nội bộ một nước khác để bảo vệ nhân quyền.

Tôi đã giải thích kỹ về bài học “tôn trọng chủ quyền tuyệt đối” mà Việt Nam và các nước khác trong khu vực đã rút ra từ cuộc Chiến tranh biên giới Tây Nam là để làm sáng tỏ vấn đề, chứ không phải vì cá nhân tôi nghĩ đây là bài học đúng đắn. Ngược lại, có ba bài học khác mà theo tôi Việt Nam và các nước khác đáng lẽ phải học từ cuộc Chiến tranh Biên giới Tây Nam:

1. Thế cô lập của Việt Nam trong thập kỷ giúp bạn Campuchia phần lớn là vì bối cảnh Chiến tranh lạnh. Trong thời buổi hiện nay, Việt Nam có thể mạnh dạn hơn trong hợp tác quân sự với các nước khác nhằm giữ gìn hòa bình và chống lại các thế lực diệt chủng trong và ngoài khu vực. Với tư cách là một trong số rất ít đất nước đã từng bằng can thiệp quân sự kết thúc nạn diệt chủng (dù trong đó có một phần vì lợi ích quốc gia) sau Chiến tranh thế giới thứ II, có uy tín trong Hiệp hội Không liên kết, là một mô hình thành công trong vấn đề chung sống hòa bình với các dân tộc thiểu số, và với kinh nghiệm đàm phán nhiều hòa ước song phương và đa phương, Việt Nam có thể tích cực đóng vai trò trung gian, tư vấn, và gìn giữ hòa bình cho những khu vực xung đột trong khu vực và trên thế giới. Có những dấu hiệu tích cực theo hướng này. Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ đầu tiên làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2014-2016, tập trung đẩy mạnh các vấn đề bảo vệ môi trường và quyền người lao động. Tháng 10/2018 vừa qua, Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã xuất quân đi làm nhiệm vụ quốc tế, lần này dưới lá cờ Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Mong là trong tương lai, Việt Nam sẽ còn tham gia nhiều hơn nữa vào các chiến dịch giữ gìn hòa bình của LHQ, đảm nhiệm cả những vai trò mang tính chất quân sự nếu cần thiết.

2. Trong buổi tiệc cuối năm học đầu tiên của Harry Potter tại trường Hogwarts, giáo sư Dumbledore đã (tôi tin chắc một phần vì thiên vị) thưởng cho nhà Gryffindor 170 điểm, cho phép nhà này vượt trội từ vị trí thứ tư lên vị trí thứ nhất. 10 điểm quyết định cuối cùng được thưởng vì hành động dũng cảm của Neville Longbottom khi cậu bé ngăn cản bè bạn mình vi phạm nội quy nhà trường. Theo Dumbledore, “Cần rất nhiều can đảm để đối mặt với kẻ thù, nhưng đối mặt với bạn còn cần nhiều can đảm hơn”. Trong những năm cuối thập kỷ 1970, Việt Nam đã tìm mọi cách để tránh phải đối mặt với những người anh em Cộng sản láng giềng là chế độ Khmer Đỏ, kể cả khi đã thừa biết về những tội ác của bè lũ Pol Pot – Ieng Sary. Ngày nay, chúng ta và các nước ASEAN khác đang lặp lại sai lầm này với Myanmar. Như những lá thư từ những người đồng đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình Malala Yousafzai, Mohammad Yunus, và Giám mục Desmond Tutu, và những phát biểu của lãnh đạo Malaysia nêu rõ, họ đang chỉ trích chính phủ của bà Aung San Suu Kyi chính vì họ là những người bạn tốt và không thể cho phép chính phủ của bà tiếp tục gắn kết với những lực lượng quân đội theo chính sách bạo lực chống các sắc tộc thiểu số. Nếu Việt Nam muốn làm láng giềng tốt, nếu chúng ta muốn noi gương thế hệ ông cha đã đấu tranh trường kỳ để xóa bỏ nạn diệt chủng khỏi khu vực Đông Nam Á, chúng ta phải cùng các nước ASEAN khác can đảm đối thoại thẳng thắn hơn với Myanmar để tạo áp lực chấm dứt nạn diệt chủng đang diễn ra ngay dưới mái nhà chung ASEAN.

3. “Lúc đầu chúng tiêu diệt những nhà chính kiến xã hội chủ nghĩa, nhưng tôi im lặng – vì tôi không theo xã hội chủ nghĩa.//Sau đó chúng tiêu diệt những hội viên nghiệp đoàn, nhưng tôi im lặng – vì tôi không phải là hội viên.//Sau đó chúng tiêu diệt người Do Thái, nhưng tôi im lặng – vì tôi không phải là người Do Thái.//Sau đó chúng tới tiêu diệt tôi – và không còn ai đứng lên bảo hộ cho tôi”. Những dòng thơ kinh điển này của mục sư Martin Niemöller nhắc nhở chúng ta rằng gần như tất cả các trường hợp trong cận đại, các chế độ diệt chủng đã liên tục tìm đến những kẻ thù mới. Do vậy, chúng ta không thể để mặc cho một chế độ diệt chủng hoành hành nội bộ, mà bắt buộc phải đối mặt với chúng sớm nhất có thể. Từ 1975 đến 1977, Việt Nam đã rất yêu hòa bình và tìm cách chung sống hòa bình với một chính quyền diệt chủng, nhưng sau khi tàn sát nhân dân Campuchia và khởi chiến với Thái Lan và Lào, cuối cùng thì Khmer Đỏ cũng đã quay sang tấn công Việt Nam. Hiện nay, khả năng nổ ra chiến tranh giữa Bangladesh và Myanmar là chưa cao. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu đáng lo ngại: tháng 3/2018, quan hệ hai nước đã trở nên căng thẳng khi Myanmar tăng cường đáng kể hiện diện quân sự trên biên giới. Tinh thần đoàn kết trong khối ASEAN mà chúng ta muốn gìn giữ bằng sự im lặng cũng đang bị đe dọa, khi những hành động của Myanmar gây phẫn nộ trong những nước đại đa số theo đạo Hồi trong khu vực là Malaysia, Indonesia, và Brunei. Vị thế của ASEAN, nơi mà chúng ta đặt nhiều kỳ vọng, cũng sẽ bị giảm sút trên trường quốc tế nếu tổ chức này không thích nghi được với tình hình mới, bị cầm tù bởi chính những quy tắc lỗi thời của mình, và do đó bất lực trước nạn diệt chủng đang diễn ra ngay trong khu vực. Lịch sử cho thấy, nếu chúng ta định đánh đổi đạo đức và lương tâm lấy hòa bình hữu nghị nhất thời với một chế độ diệt chủng, chúng ta không xứng đáng có được và sớm muộn cũng sẽ mất đi chính cái hòa bình và hữu nghị mà chúng ta muốn gìn giữ.

Tôi mong là trong dịp kỷ niệm 40 năm Việt Nam trở thành đất nước duy nhất gửi quân tình nguyện giải cứu nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, bất chấp cái giá khổng lồ phải trả, chúng ta có thể suy nghĩ và thảo luận thẳng thắn về vai trò bảo vệ nhân quyền của Việt Nam trong khu vực và thế giới, không chỉ những năm cuối thập kỷ 1970 mà cả hiện tại và trong tương lai. Mong là bài viết này đã đóng góp chút nào cho cuộc thảo luận này.

Vũ Minh Hoàng là nghiên cứu sinh Sử học tại Đại học Cornell, Hoa Kỳ. Những ý kiến trên là của cá nhân anh.

Toan tính của Trung Quốc khi không đưa quân vào Campuchia
Tagged on:                     
%d bloggers like this: