Đám tang nhiều bè bạn, ít vòng hoa đã diễn ra tại nhà tang lễ quận Cầu Giấy (Hà Nội) sáng nay.

Bố con nghệ sĩ Lộc Vàng hát tiễn đưa “niệm khúc cuối”, còn nhà thơ Phạm Xuân Nguyên sang sảng đọc thơ “Sinh một Phạm Toàn”; nhạc phim “Bố già” đã cất lên trong lễ truy điệu.

Nhà giáo Phạm Toàn qua đời lúc 6h42 ngày 26/6/2019 (24/5 Kỷ Hợi) tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi. Căn bệnh K phổi đã kéo ông đi khi chỉ còn năm ngày nữa (1/7) là dịp sinh nhật ông.

Lễ viếng diễn ra từ 8h đến 9h sáng nay, lễ truy điệu diễn ra ngay sau đó từ 9h-10h.

Hà Nội ngày tiễn đưa Phạm Toàn nhiệt độ nắng nóng cao điểm. Ngay từ sáng sớm, nhiều người đã đến từ rất sớm để đăng ký vào viếng, tiễn đưa nhà giáo của nhiều thế hệ học trò.

Tang lễ của nhà giáo Phạm Toàn không nhiều hoa lễ như nhiều tang lễ khác bởi gia đình ông xin phép không nhận vòng hoa và tiền phúng viếng

Dự lễ tang người bạn vong niên, nhà báo Kim Dung viết: “Chỉ có bạn bè thân thiết, cộng sự và các con yêu quý của ông chia sẻ về ông, nói với ông, nói với nhau về ông- một trí thức yêu nước đầy nhiệt huyết, một nhà giáo tận tụy, một người văn, một tâm hồn cực kỳ nghệ sĩ, một dịch giả với nhiều tác phẩm nói về khát vọng dân chủ và “làm người”.

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, một người bạn vong niên của ông đã viết rằng: “Phạm Toàn đã sống một cuộc đời không phải bằng tuổi tác mà bằng sự đam mê, nhiệt huyết, tin tưởng, đắm say, thất vọng, vỡ mộng, yêu ghét, cuồng nhiệt, say sưa với tất những việc mình làm, những người mình gặp, những ước mơ, dự định đã có và sắp sửa. Hào hiệp, phóng khoáng, bao dung là tiếng cười Phạm Toàn”.

Gọi ông là “chàng ngự lâm”, nhà văn hồi tưởng: “Chàng đi để lại tiếng cười. Ẩn đằng sau cái cười oang oang Phạm Toàn là những suy nghĩ cho tương lai“.

Nhà giáo Phạm Toàn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Đến năm 1946 ông đi bộ đội và cuối năm 1951, ông được đi học cao đẳng sư phạm.

Năm 1951, ông bắt đầu viết văn với bút danh Châu Diên, với một số giải thưởng về văn xuôi và truyện ngắn. Về sau ông còn dịch tiểu thuyết, từng dịch các tác phẩm của Victor Hugo, Carlo Goldoni, Jean-Paul Sartre, A.de Saint-Exupéry, Đới Tư Kiệt…

Ông từng viết 2 tập truyện ngắn: “Mái nhà ấm” (Nxb Văn học, 1959) “Con nhện vàng” (Nxb Thanh niên, 1962), tiểu thuyết Người Sông Mê (Nxb Hội Nhà Văn, H. 2003 – in 2 lần), tái bản 2005.

Ông được biết đến như một người tự học suốt đời không ngừng nghỉ. “Thế hệ học hành dở dang rồi cầm súng chống ngoại xâm, vậy mà nói và viết “tiếng của kẻ thù” cứ uyển chuyển, linh hoạt, rất văn chương, văn hoá”,Phạm Xuân Nguyên kể.

Tác phẩm dịch của ông phải kể tới: Chín mươi ba (V. Hugo), Bay đêm (St-Ex), Nhà tiên tri, Con trai của người, Vẻ đẹp đời (Kh. Gibral), Sư tử, Cô chủ quán (K. Goldoni),  Ruồi (J. P. Sartre), Văn học, 1985;v.v…Bộ sách Nền dân trị Mỹ là một đóng góp về dịch thuật của ông.

Một dịch giả, nhà hoạt động giáo dục tới đưa tiễn ông. 

Sáng tác văn chương, dịch nhiều tác phẩm kinh điển, nhưng sự nghiệp chính của ông là sư phạm.

Ông nghiên cứu Giáo dục Tiểu học từ 1967 cho đến bây giờ. Ông đã tham gia nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn sách cho học sinh dân tộc thiểu số, sách tâm lý giáo dục và bộ sách Công nghệ giáo dục cho học sinh trường Thực nghiệm. Ông nhận huy hiệu Lao động sáng tạo năm 1981, Giải nhì UNESCO khu vực châu Á và Thái Bình Dương năm 1984…

Bộ sách của nhóm Cánh Buồm do ông khởi xướng được một số trường học ở Hà Nội đưa vào chương trình giáo dục.

GS Ngô Bảo Châu trong dịp về nước hoạt động khoa học, đã tới đưa tiễn ông. Năm 2013, các nhà khoa học khi mở trang Học Thế Nào đã mời ông tham gia với vai trò sáng lập.

Trang web được lập ra với kỳ vọng đóng góp vào việc tìm ra phương hướng giải quyết các vấn đề của giáo dục Việt Nam.

PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cũng đến đưa tiễn 

Nhà văn Phạm Xuân Nguyễn dìu nhà văn – dịch giả Dương Tường viếng bạn.

Con cháu, bạn bè từng ấp ủ dự định tổ chức sinh nhật chung cho 3 “chàng ngự lâm Nhâm Thân 1932” cho Phạm Toàn, Dương Tường và nhà văn Nguyên Ngọc

Cùng hợp tác với GS Hồ Ngọc Đại trong chương trình giáo dục thực nghiệm nổi tiếng, nhưng sau đó nhà giáo Phạm Toàn “tách riêng”. Từ năm 2009, ông dẫn dắt nhóm Cánh Buồm, tập hợp những người làm việc tình nguyện để cùng nhau biên soạn một bộ SGK với mục đích phát triển năng lực tự học và tự giáo dục của người học.

Từ năm 2010 đến nay, nhóm Cánh Buồm đã biên soạn các cuốn sách Văn và Tiếng Việt cho bậc tiểu học và THCS, Khoa học, Lối sống, và Tiếng Anh cho bậc tiểu học… Đã có khoảng 100.000 bản SGK Cánh Buồm, trong đó nhiều nhất là các cuốn Văn và Tiếng Việt bậc tiểu học, được xuất bản bằng các nguồn lực xã hội do nhóm quyên góp. Bộ SGK Cánh Buồm cùng phương pháp học “Learning by doing” hiện đang được sử dụng tại một số trường ở Hà Nội và TP.HCM. Câu nói “Mình không làm thì ai làm” của nhà giáo Phạm Toàn trở thành triết lý hành động của nhóm Cánh Buồm.

GS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội đã tới tiễn đưa ông.

Sau lễ viếng, mọi người đã cùng nhau dự lễ truy điệu nhà giáo Phạm Toàn.

Tại lễ truy điệu, ông Nguyễn Lân Bình (cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh) nhắc đến câu nói của ông nội mình khi bàn về việc thế nào được gọi là thọ:

“Thọ đối với kiếp người không phải là 70, 80 hay 90 mà thọ là sau khi chúng ta ra đi thì để lại gì cho đời”.

“Tôi thấy một bàn sách được đặt bên phía trái của bàn thờ

là những thứ nhà giáo Phạm Toàn để lại cho chúng ta, để lại cho muôn đời”.

“Thầy Toàn kính yêu, em chưa được học một chữ nào của thầy, học một buổi nào của thầy nhưng em chắc chắn thầy không phải chỉ là

thầy của những thế hệ học trò đã may mắn được là học sinh của thầy mà thầy là người thầy giáo của nhân dân”, ông Bình chia sẻ.

 Gia quyến trong nỗi đau vô bờ.

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên nói rằng, trên tất cả mọi danh xưng, Phạm Toàn là một nhà yêu nước. Tại lễ truy điệu, ông đọc lại bài thơ “Sinh một Phạm Toàn” (được viết từ năm 2010, gồm 10 khổ); và nay thêm một khổ mới để tiễn biệt người bạn của mình:

Cái chết sinh ra một Phạm Toàn

Tám mươi tám tuổi cõi trần gian

Ra đi còn tiếc chưa xong việc

Chắc sẽ mang theo xuống suối vàng.

Cha con nghệ sĩ Nguyễn Văn Lộc (Lộc Vàng) đệm đàn và hát bài hát ưa thích của Phạm Toàn để tiễn ông, “Niệm khúc cuối”. Lộc Vàng là giọng ca vàng của Hà Nội từ những năm 1960, đã trải qua nhiều truân chuyên trong đời với niềm say mê dòng nhạc “vàng”.

Trưởng nam gửi lời cảm ơn sự chia sẻ của mọi người tại lễ tang cha.

Con gái nhà giáo Phạm Toàn cũng có những lời tâm sự về người cha của mình tại lễ truy điệu.

Ông được hỏa táng cùng ngày tại Đài hoá thân Hoàn Vũ (Văn Điển)

và được an táng tại quê nhà – thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội.

Thanh Hùng – Hạ Anh

 

Nguồn: VietnamNet

Source: Trang web con cháu làm về cụ Nguyễn Văn Vĩnh (Tân Nam Tử)

Đám tang xúc động của nhà giáo Phạm Toàn
Tagged on:         
%d bloggers like this: