Sáng sớm ngày 19/8 lịch sử, Xuân Oanh đã nhập vào đoàn người đi từ Văn Điển lên Nhà hát Lớn Hà Nội. Mọi người hối hả, khẩn trương và vô cùng phấn khích. Người ta hô vang những khẩu hiệu “Việt Minh muôn năm!”. Tâm trạng ông lúc đó rất khó tả, bèn nảy ý nghĩ sáng tác một ca khúc đánh dấu sự kiện lịch sử trọng đại này của toàn dân tộc.

Thế là ông cứ vừa đi, vừa lẩm nhẩm những câu hát đầu tiên: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/ Thề đem xương máu lên đường chiến đấu cho tương lai…”. Ông lấy mẩu giấy từ vỏ bao thuốc lá để ghi lại những ca từ đầu tiên. Hễ viết được câu nào thì ông lại bắt nhịp cho đồng bào trong đoàn cùng hát theo câu ấy.

Họ thuộc và hát trôi chảy, ông lại nghĩ tiếp câu sau cho đến hết bài. Không hiểu sao, ông cho ra đời bài hát khá dễ dàng, có thể nói là không mất công nghĩ ngợi nhiều. Để rồi, từ đường Hàng Bài, sau khi đoàn biểu tình chiếm được trại lính khố xanh, đến khi tập hợp lại trước cửa Nhà hát Lớn thì ca khúc cũng được sáng tác xong.

Lúc sinh thời, ông từng khẳng định rằng, chính cái không khí lịch sử, tình cảm của đồng bào đã giúp ông sáng tác nhanh như vậy. Sau đó bài hát đã đi vào lòng người trong niềm hân hoan và tự hào.

Anh Đỗ Lê Chi tiết lộ: “Điều đặc biệt là khi cha tôi sáng tác, ông chẳng nghĩ gì đến tên ca khúc, chỉ cố làm sao cho số đông người dễ hát, dễ thuộc. Sau khi hướng dẫn xong cả bài, khi mọi người đã hát trôi chảy, bỗng có người hỏi: “Này nhạc sĩ ơi, thế ca khúc này tên gì?”, khi ấy, ông mới sực nhớ là chưa nghĩ tên. Ông nghĩ mãi, cuối cùng bèn nói: “Hôm nay là ngày 19/8. Lịch sử sẽ ghi nhớ mãi ngày này. Thôi, lấy luôn tên bài là “Mười chín tháng Tám”. Sau đó ông hỏi mọi người thấy thế có được không? Tất cả thống nhất: “Được đấy”. Phải nói rằng, chính không khí lịch sử, chính sự đồng lòng của mọi người đã đặt tên cho ca khúc. Cái tên vừa cụ thể, giản dị vừa ý nghĩa, gắn liền với dấu mốc lịch sử”.

“Mười chín tháng Tám” đã trở thành một ca khúc đi cùng năm tháng và nhạc sĩ Xuân Oanh không phải sửa chữa gì thêm: “Người Việt Nam ta giữ vững trong tim lời thề. Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam. Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai. Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung”.

Nguồn: https://dantri.com.vn/van-hoa/tiet-lo-bat-ngo-ve-ten-tac-pham-bat-hu-muoi-chin-thang-tam-20190819101357727.htm

Tiết lộ bất ngờ về tên tác phẩm bất hủ “Mười chín tháng Tám” | Báo Dân trí
Tagged on:     
%d bloggers like this: