BONJOUR VIỆT NAM
PHẠM QUỲNH ANH trình bày
Xin mời anh chị và các bạn nghe lại Quỳnh Anh trình bày bản nhạc bất hủ Bonjour Việt Nam một cách tha thiết gây xúc động bao trái tim Việt Nam trên thế giới:
CẬP NHẬT 3/11/2024: Bài hát nhận được nhiều chia sẻ. Đặc biệt của một người bạn ở Ottawa, Canada. Anh ấy gửi tôi một bài viết năm 2006 là năm bài hát Bonjour Việt Nam ra đời, cũng là năm anh về thăm Việt Nam chuyến đầu tiên. Dưới đây tôi xin trích một đoạn liên quan:
Suốt mấy tuần lễ liền, bài hát Bonjour Vietnam [1] của ca sĩ người Pháp Marc Lavoine, hát bởi Quỳnh Anh được phổ biến trên một diễn đàn trên Internet một cách “khá” bất hợp pháp. Khá bất hợp pháp là vì nhà quản lý mạng Internet nói hy vọng Quỳnh Anh cùng tác giả bài hát sẽ cho phép phổ biến trên mạng; nhưng rồi, sau vài tuần, theo lời yêu cầu của Quỳnh Anh và tác giả, bài hát bị rút lại không phổ biến trên mạng nữa.
Ca sĩ Lavoine viết bài hát này cho Phạm Quỳnh Anh, một em học sinh 18 tuổi, sinh trưởng ở gần Bruxelles bên Bỉ. Cô là một ca sĩ đang lên. Giọng hát khỏe mạnh, trong sáng của cô đã khiến nhiều người Việt thuộc nhiều lớp tuổi đang sinh sống ở nước ngoài mủi lòng, chảy nước mắt. Có lẽ Quỳnh Anh không cảm thấy được sức mạnh bão táp của lời hát thực sự gây ấn tượng đối với một số người. Như lời Lavoine kể lại, cô chợt ngưng hát, bỏ ống nghe, hỏi anh muốn nói gì với tựa đề bài hát. Sau khi Lavoine giải thích, Quỳnh Anh đeo lại ống nghe, hát ba lần và, vẫn theo Lavoine, “une voix magique”.
Bài hát này nhiều hơn là một bài hát, nó khiến ta nhớ đến Trịnh Công Sơn. Đó là một bài thơ. Rõ ràng là Lavoine đã đi lại dọc ngang trên đất nước, bằng cách nào đó, sinh khí Việt đã thẩm thấu, chảy trong huyết quản của anh. Một ông bạn vong niên của tôi, giáo sư Đàm Quang Hưng, tuổi ngoài bảy mươi, đầu tóc bạc phơ, cũng háo hức nghe bài hát. Tôi không rõ ông đã nghe bao nhiêu lần, bỏ bao nhiêu thì giờ, thức bao nhiêu đêm để đẽo, gọt, cắt, xén, xoa, nắn, mài, rũa từng câu, từng chữ bởi vì cứ vài ngày ông lại gọi điện thoại hỏi ý kiến bạn bè về chữ này, chữ nọ. Cuối cùng, ông gửi cho bạn bè bài dịch Chào Mẹ Việt Nam như sau:
Kể con nghe cái tên vừa lạ, vừa làm con khó đọc nên lời,
Mà con mang từ thủa chào đời.
Kể con nghe vương quốc cổ thời, với giống dòng hùng anh mắt xếch,
Nói rõ hơn những điều con biết, mà ngại ngùng mẹ chẳng nói ra.
Con chỉ biết mẹ qua hình ảnh, cuộc chiến tranh tàn khốc bạo thô,
Một cuốn phim đạo diễn Cốp Pô [2], với những chiếc trực thăng thịnh nộ…
Một ngày kia, con về thăm mẹ, sẽ nói lời chào mẹ của con,
Một ngày kia, con về thăm mẹ, sẽ thốt lên hai tiếng Việt Nam.
Kể con nghe sắc da, màu tóc, với đôi chân thon nhỏ tuyệt vời,
Đã mang con từ thủa chào đời.
Kể con nghe căn nhà, đường phố, với những vùng đất lạ miền quê,
Kể con nghe phiên chợ bồng bềnh, với sự tích con thuyền tam bản.
Con chỉ biết hình dung Tổ Quốc, qua ảnh hình cuộc chiến bạo thô,
Một cuốn phim đạo diễn Cốp Pô, với những chiếc trực thăng thịnh nộ…
Một ngày kia, con về thăm mẹ, sẽ nói lời con chào mon âme[3],
Một ngày kia, con về thăm mẹ, sẽ thốt lên hai tiếng Việt Nam.
Con sẽ chào nhà chùa, tượng Phật, giùm lớp người hàng chú, bậc cha
Con sẽ chào các bà cấy lúa, giùm lớp người hàng cô, bậc mẹ
Trong nguyện cầu, thấy lòe ánh sáng, anh em con hiện rõ trong tâm,
Con về với hồn mình, nguồn cội, với quê cha thơm ngát hương trầm…
Một ngày kia, con về thăm mẹ, sẽ nói lời con chào mon âme,
Một ngày kia, con về thăm mẹ, sẽ thốt lên hai tiếng Việt Nam,
Sẽ thốt lên hai tiếng Việt Nam.
Từ “nói lời chào mẹ của con” (dire bonjour à ton âme) đến “lời chào mon âme”, người nghe tưởng đang nghe một bản nhạc chuyển âm từ cung trưởng sang cung thứ, lắng xuống trong hồn người, tạo nên một cảm giác vừa ngậm ngùi, xót xa vừa giải toả, sung sướng, một khám phá, một revelation. Nhìn qua phản ứng của con gái tôi trước bài hát, (mặc dù cô mới đi chơi Việt Nam về mấy tháng trước, rất thích và lần này đòi đi theo,) tôi chắc Quỳnh Anh cũng cần phải có một thời gian mới có thể cảm thấy được “dire bonjour à mon âme” với đầy đủ trọng lượng của chữ nghĩa. Ngày đó tất sẽ đến …
—Nguyễn Đức Tường, Từ bài Salut, Việt Nam
[1] Mon âme của tôi thêm vào thay cho “tự chào tôi” của tác giả, có thể khó hiểu.(NXX)
[2] Theo tôi, phiên bản đầu tiên Quỳnh Anh hát đầu năm 2006 khiến cô nổi tiếng, là phiên bản trong sáng tươi mát, và hay nhất, bây giờ tôi tìm không ra. (NDT)
[3] Cốp Pô: Francis Copplola, đạo diễn phim Apocalypse Now (NDT)
Cảm ơn anh Tường./.
Trời Sài gòn sáng nay nắng thu đẹp. Không thể không nói “Bonjour Việt Nam”. Xin chúc tất cả anh chị và các bạn một ngày thật vui.
Thân mến,
Nguyễn Xuân Xanh