Đảng phái ở phương Đông (Ozaki Yukio)

by , under Uncategorized

ĐẢNG PHÁI Ở PHƯƠNG ĐÔNG

Ozaki Yukio

 

 

Ở đây, tại phương Đông, chúng ta đã có quan niệm (conception) của phe phái (faction); nhưng không có khái niệm nào về một đảng phái chính trị. Một đảng phái chính trị là một đoàn thể (association) của những con người có mục đích duy nhất là thảo luận về việc nước (public affairs of state) và tìm cách gây ảnh hưởng để thực hiện các quan điểm của họ lên nhà nước. Nhưng khi các đảng chính trị được truyền vào phương Đông, chúng tức khắc mang tính chất của phe phái, theo đuổi các lợi ích cá nhân và riêng tư, thay vì lợi ích của quốc gia – như được mục kích qua những sự kiện móc tay nhau lần lược với các băng đảng (clan cliques), hoặc sử dụng việc xây dựng đường sắt, cảng, bến, vv. như phương tiện để mở rộng ảnh hưởng của đảng. Bên cạnh đó, các thói quen, tập quán của thời phong kiến đã ăn sâu vào đầu óc của con người ở đây đến nỗi ngay cả ý tưởng đảng chính trị, khi vào đầu của những người đồng hương chúng ta, nẩy nở và phát triển theo các khái niệm phong kiến. Đã là như thế, các đảng chính trị …thực sự còn là câu chuyện của các mối kết nối cá nhân, và tình cảm (sentiments), các quan hệ giữa người lãnh đạo và các thành viên của một đảng tương tự như các quan hệ vẫn còn tồn tại giữa một ông chúa phong kiến và những người hầu của ông ta, hay các quan hệ giữa một “ông trùm” của các tay chơi và đám tùy tùng của ông ta trong đất nước này. Một chính trị gia đủ cẩn trọng để tham gia hay rời bỏ một đảng phái vì những vấn đề có tính chất nguyên lý sẽ bị lên án là một kẻ phản bội chính trị.[1]

Ozaki Yukio

[1] Trong Ozaki Yukio, The Voice of Japanese Democracy. Yokohama, 1918, tr. 93; hay trong E. Herbert Norman, Japan’s Emergence as a Modern State. International Secretariat, Institute of Pacific Relations, 1948, tr.87.

 

Ozaki Yukio (1858-1954)

 

Lời nói đầu. Bài này tôi đã viết tám năm trước như dưới đây, nay được thêm vào môt số chi tiết. Nay có lẽ là lúc thích hợp để phổ biến nó. Ozaki có một Tự truyện, nói về Cuộc chiến đấu cho một Chính phủ lập hiến ở Nhật Bản, được Princeton University Press xuất bản bằng tiếng Anh (May 1, 2001), với lời nói đầu của học giả uy tín về Nhật Bản Marius B. Jansen.

✽✽✽

Ozaki Yukio là một chính trị gia tự do, phục vụ Hạ viện Nhật Bản 63 năm liền (1890–1953), là Bộ trưởng Bộ tư pháp đầu thế kỷ XX. Ông vẫn được tôn kính ở Nhật Bản với danh hiệu “Vị thần chính trị lập hiến”. Ông là một trong những chính trị gia phục vụ Quốc hội Nhật lâu dài nhất. Ông có những ý kiến thẳng thắng, và chống lại chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Ông được trao tặng Huân chương Mặt trời Mọc, là Thành viên danh dự của Quốc hội, và Công dân danh dự của Tokyo.

Chế độ phong kiến đã bị bãi bỏ, nhưng chỉ về mặt kỹ thuật, và chính quyền non trẻ vẫn mang dấu vết của các tàn dư lỗi thời. Cuộc đời của Ozaki gói gọn một thế kỷ cai trị ở Nhật Bản hiện đại. Sinh ra là con trai của một samurai nghiêm khắc, nhờ sự bảo trợ của một người trung thành với Phục hưng Minh Trị, Ozaki đã trở thành quan chức trong chính phủ Minh Trị mới, Ozaki theo học tại học viện Keio của Fukuzawa Yukichi, nhà giáo dục hàng đầu của thế hệ đó. Với sự giới thiệu của Fukuzawa, ông trở thành biên tập viên của một tờ báo ở Niigata trên bờ biển Nhật Bản, nhưng nhanh chóng quay trở lại thủ đô và giữ chức vụ trong chính phủ với sự tài trợ của Yano Fumio. Sự lật đổ khỏi chính phủ của cộng sự đầy quyền lực của Yano, Ōkuma Shigenobu, đã đẩy Ozaki vào các cuộc chiến chính trị chống lại những kẻ độc quyền của gia tộc Chōshū-Satsuma, và cuộc đấu tranh đó trở thành trung tâm của cuộc đời ông.

Vào thời điểm hiến pháp được ban hành năm 1889, Ozaki đã trở về sau chuyến đi phương Tây. Ông đã ứng cử vào Quốc hội đầu tiên với tư cách là ứng cử viên từ tỉnh Mie và giành được một ghế trong quốc hội đầu tiên được triệu tập ở châu Á. Ông sẽ giữ chiếc ghế đó trong Hạ viện trong 63 năm qua 25 cuộc bầu cử cho đến năm 1953, một kỷ lục khiến ông trở thành nghị sĩ tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản và có lẽ là cả thế giới. Ngoài tài năng ngòi bút của một nhà báo, ông còn bổ sung thêm tài hùng biện mạnh mẽ.

Trên thực tế, chế độ đầu sỏ thị tộc duy trì sự độc quyền trong quá trình quyền chỉ huy của triều đình được trao lại cho một thủ tướng tương lai. Trọng tâm cuộc đời của Ozaki là giải phóng chức vụ đó khỏi sự kiểm soát của Satsuma- Chōshū và thay vào đó dựa vào việc lựa chọn thủ tướng bởi Hạ viện được bầu cử phổ thông. Do đó, ông thường phản đối chính phủ, ngoại trừ một số ít trường hợp khi việc lựa chọn người cố vấn một thời của ông, Ōkuma, làm thủ tướng dường như cho thấy sự tiến tới các mục tiêu của ông.

Ozaki đã hai lần giữ chức bộ trưởng nội các dưới quyền Ōkuma, vào năm 1898 và một lần nữa vào năm 1914, và ông đã làm việc chặt chẽ với Itō Hirobumi trong một vài năm sau năm 1900, nhưng phần lớn ông đứng đối lập một mình hoặc với một nhóm nhỏ của những người theo đuổi có đầu óc tương tự.

Thái độ độc lập vững chắc của Ozaki không phải là không có nguy hiểm. Ông đã nhiều lần trở thành mục tiêu của những kẻ ám sát và mang theo những bài thơ chia tay khi nói chuyện chống lại những bậc thầy quân sự liều lĩnh của Nhật Bản.

Ozaki đã giữ chức thị trưởng Tokyo trong một thập kỷ từ 1902 đến 1912. Điều này góp phần hình thành chủ nghĩa quốc tế trong tương lai của ông. Nó giúp ông tiếp xúc cá nhân với các nhà lãnh đạo thế giới đến thăm Nhật Bản, và với tư cách là thị trưởng, ông đã đề xuất và thực hiện việc tặng 3.020 cây anh đào cho Washington, D.C. Nó cũng giúp ông biết những vấn đề xung quanh việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của đô thị trong thời kỳ thời kỳ tăng trưởng nhanh. (Thủ tướng Kishida Fumio trong chuyến thăm và làm việc tại Nhà Trắng tháng 4, 2024, đã tặng nước Mỹ thêm 700 gốc anh đào mới để thay thế những cây bị hư hỏng.)

 

 Đài tưởng niệm Jefferson có thể nhìn thấy qua hoa anh đào trên Tidal Basin

Ozaki, khi đã ở độ tuổi cuối thập niên 80, vẫn duy trì được tính độc lập của mình sau Thế chiến thứ hai. Ông tán thành các cải cách chiếm đóng và hiến pháp mới, nhưng thấy thật nhục nhã khi những tiến bộ hướng tới dân chủ như vậy lại phải đến từ bàn tay nước ngoài. Tệ hơn nữa, các đảng chính trị được tái lập dường như cũng chẳng khá hơn gì so với trước đây.

Năm 1950, Ozaki cùng với con gái Yukika đến Hoa Kỳ theo lời mời của Hội đồng Hoa Kỳ về Nhật Bản. Với sự giúp đỡ của những người Mỹ nổi tiếng quan tâm đến một chính sách tích cực giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, ông được phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện, xuất hiện trên các chương trình truyền hình và gặp gỡ người dân Mỹ nhằm giúp cải thiện tình cảm thù địch lúc bấy giờ của người Mỹ đối với Nhật Bản và đặt nền móng cho mối quan hệ thân thiện giữa hai nước. Ozaki đóng vai trò là cầu nối hiểu biết trong những ngày quan trọng sau chiến tranh.

Về cuối đời, ông là người nhiệt thành ủng hộ chủ nghĩa liên bang thế giới, giống như chủ trương của Immanuel Kant trong Zum Ewigen Frieden (Về Hòa bình vĩnh cửu) được công bố vào khoảng cuối đời ông (1795).

Ozaki Yukio qua đời vào ngày 6 tháng 10 năm 1954, sau khi được phong làm thành viên danh dự của Quốc hội (Diet) và là công dân danh dự của Tokyo vào năm trước.

Tượng của Ozaki Yukio tại Nhà tưởng niệm Ozaki, nay là Bảo tàng Quốc hội, Tokyo

Tàn dư của chế độ Tokugawa không thuận lợi tí nào cho việc hình thành các đảng phái chính trị lành mạnh. Một trong những thủ thuật để kiểm soát chính trị đối với người dân có tên gonin-gumi, nhóm năm hộ, chịu trách nhiệm tập thể, và hộ này có nhiệm vụ báo cáo các hộ kia, chỉ điểm lẫn nhau, ai không làm nếu xảy ra sự cố sẽ bị trừng phạt, còn ai làm tốt, sẽ được thưởng! Những kẻ thống trị thời Tokugawa cấm nghiêm ngặt cái họ gọi là “toto” (“phe phái”, hay “bè đảng”), tức các nhóm có thể hiểu là tổ chức chính trị. Các đảng phái chỉ chính thức được thành lập vào những năm đầu của Minh Trị.

Ý kiến nêu trên của Ozaki được nêu ra năm 1918, khá xưa, nhưng nó vẫn không phải sai đối với một số quốc gia hiện nay. Một số quốc gia khác đã có thay đổi cơ bản và đang trên đường tiến hóa tốt hơn tiến lên dân chủ, nhờ các phong trào dân chủ mạnh mẽ, và sự hiểu biết của các chính trị gia có học và cởi mở. “Phương Đông là cái nôi của chuyên chính” như Montesquieu từng nói, cho nên nhiều đảng phái còn bị nhiễm năng tính chuyên chính, phong kiến, phe đảng nhiều, và có những thủ thuật không lành mạnh.

Những năm 1990 có một cuộc thảo luận về những cái gọi là “giá trị châu Á”, thường được quảng bá bởi hai thủ tướng Lý Quang Diệu và Mahathir Mohamad. Ông Lý Quang Diệu cho rằng quan niệm dân chủ của phương Tây không thể phù hợp với các dân tộc châu Á, bởi họ đã lớn lên trong truyền thống Khổng giáo. Nhưng một trong những người phản bác ý tưởng đó không ai khác hơn là Kim Dae Jung, người quảng bá không mệt mỏi cho dân chủ hóa và cuối cùng, vượt qua bao nhiêu hiểm nguy, đã trở thành tổng thống đối lập của Hàn Quốc. Kim Dae Jung đã đáp lại rằng “Văn hóa không phải, mà chính Dân chủ mới là định mệnh của chúng ta.” Ngày nay người ta đánh giá Hàn Quốc là quốc gia châu Á đi trước về dân chủ, và giải thích điều đó bằng truyền thống lịch sử nổi loạn và chống đối, đặc biệt Sejong Đại đế thế kỷ 15 đã phát minh ra chữ viết Hangul riêng dễ học cho cả nước để nâng cao giáo dục, và dân trí, đi ngược lại ý muốn của giới nho giáo ảnh hưởng và chính quyền Trung Hoa. Đó là một sự dân chủ hóa bằng giáo dục. [Có một bộ phim Hàn về đề tài này, mấy mươi tập.] Hàn Quốc có thể tự hào mình đã thực hiện được hai cuộc cách mạng cùng một lúc: Cách mạng công nghệ, và Cách mạng dân chủ. Cuộc cách mạng sau được thực hiện trong bối cảnh đầy kịch tính bởi Kim Dae Jung. Ông Kim có một quyển sách mang tên “Prison Writings” (University of California Press 1925), những bài viết trong tù. Đọc quyển sách đó, người ta sẽ hiểu tại sao ông đấu tranh cho con đường dân chủ cho Hàn Quốc. Ông là con người có tầm nhìn văn hóa rộng, đọc nhiều văn hóa Đông Tây, tư duy như một học giả.

Nguyễn Xuân Xanh

Tháng 1, 2016, được bổ sung tháng 4, 2024