Hiến tặng lịch sử cho Trường Y Albert Einstein ở NYC

by , under Uncategorized

HIẾN TẶNG LỊCH SỬ CHO TRƯỜNG Y ALBERT EINSTEIN Ở NEW YORK CITY

Nguyễn Xuân Xanh trình bày

Trường Albert Einstein School (College) of Medicine ở NYC vừa được một nữ tỷ phú hiến tặng 1 tỷ USD. Đó là bà Dr. Ruth L. Gottesman, Ed.D. (Tiến sĩ giáo dục), chủ tịch Hội đồng Quản trị Einstein và thành viên hội đồng Hệ thống Y tế Montefiore. Bà Gottesman năm nay 93 tuổi, là vợ góa của một nhà đầu tư hàng đầu trong công ty Berkshire Hathaway Inc. của tỷ phú Warren Buffett, vốn là một philanthropist hàng đầu của Mỹ hiện nay (Xem Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam). Bà Ruth và chồng bà, Sandy, người đã mất năm 2022 ở tuổi 96 và là bạn 6 thập niên của Warren Buffett, đã từng thành lập một Institute for Stem Cell Research and Regenerative Medicine. Hiến tặng lịch sử cho thấy sự khiêm tốn vô vàn của nhà giàu có hoạt động nhân ái (philanthropist). Sự kiện hiến tặng này cũng diễn ra khi sinh nhật thứ 145 của Einstein sắp tới, ngày 14 tháng 3.

Trường đại học Y khoa Albert Einstein là một trường y khoa tư nhân nghiên cứu chuyên sâu ở Thành phố New York. Được thành lập vào năm 1953, Einstein college hoạt động như một định chế giáo dục cấp bằng độc lập; nó là một phần của Hệ thống Y tế Montefiore chăm sóc sức khỏe tích hợp và được liên kết với Jacobi Medical. Hiến tặng lịch sử là một sự kiện “đổi đời” và sẽ có tác dụng biến đổi trường y khoa này. Nó cũng có thể tạo nền tảng và uy tín để trường tiếp nhận thêm những hiến tặng đáng kể về sau.

Nước Mỹ và có lẽ cả thế giới chúc mừng Trường Einstein nồng nhiệt, cũng như cảm ơn người phụ nữ có tấm lòng vàng Ruth Gottesman.

Cảnh tượng hồ hởi và xúc động của sinh viên Trường Einstein khi nghe tuyên bố trường nhận được hiến tặng một tỷ đô la từ bà Gottesman:

https://twitter.com/MontefioreNYC/status/1762146599336026386

“Chúng tôi vô cùng biết ơn TS Ruth Gottesman, Giáo sư danh dự về Nhi khoa tại Trường Y Einstein đã tặng một món quà mang tính biến đổi (transformational) cho Trường Einstein—món quà lớn nhất đối với bất kỳ trường y nào trong nước—để đảm bảo không sinh viên nào phải đóng học phí nữa.”

 

Trong một thông cáo báo chí của trường, rằng khoản hiến tặng này nhằm thu hút những sinh viên “tài năng và đa dạng”, những người có thể không có cơ hội theo đuổi ngành y. “Nó sẽ cho phép các thế hệ lãnh đạo chăm sóc sức khỏe có thể mở rộng ranh giới của nghiên cứu và chăm sóc, thoát khỏi gánh nặng nợ nần chồng chất.” Tiến sĩ Yaron Tomer, trưởng khoa tại Albert Einstein cho biết: “Khoản hiến tặng này hoàn toàn cách mạng hóa khả năng của chúng tôi trong việc tiếp tục thu hút những sinh viên cam kết thực hiện sứ mệnh của chúng tôi, chứ không chỉ những sinh viên có đủ khả năng chi trả”. “Chúng tôi sẽ được nhắc nhở về di sản mà món quà lịch sử này vào mỗi mùa xuân khi chúng tôi cử một nhóm bác sĩ đa dạng khác đi khắp Bronx và khắp thế giới để cung cấp dịch vụ chăm sóc nhân ái và biến đổi cộng đồng của họ.” (CNN)

 

Bà TS Ruth L. Gottesman, người có trái tim vàng, tầm nhìn xã hội và tỏ ra sự khiêm tốn vô cùng lớn. Ảnh của David Dee Delgado cho The New York Times

Đây là một trong những khoản quyên góp từ thiện lớn nhất cho một cơ sở giáo dục ở Hoa Kỳ và rất có thể là khoản quyên góp lớn nhất cho một trường y, báo The New York Times viết. Điều đáng chú ý là trước đây một số tỷ phú đã trao hàng trăm triệu đô la cho các trường y và bệnh viện nổi tiếng ở Manhattan, quận giàu có nhất thành phố, trong khi bây giờ số hiến tặng khổng lồ ấy được dành cho một cơ sở y tế ở Bronx là quận nghèo nhất của thành phố. Bronx có tỷ lệ tử vong sớm cao và được xếp hạng là quận không lành mạnh nhất ở New York. Theo thông tin của trường, một nửa số sinh viên gần đây nhất của trường Einstein là người New York – 59% là phụ nữ và phần lớn là người da màu.

Tiến sĩ Gottesman cho biết khoản hiến tặng của bà sẽ giúp các bác sĩ mới bắt đầu sự nghiệp của họ mà không phải gánh khoản nợ trường y, thường vượt quá 200.000 USD. Bà cũng hy vọng nó sẽ mở rộng số lượng sinh viên để bao gồm những người không đủ khả năng theo học trường y.

Một góc nhìn của Trường Y Albert Einstein (Michael M. Santiago/Getty Images)

Trường Y mẫu: Albert Einstein kiểm tra mô hình quy mô của trường y thuộc Đại học Yeshiva ở Bronx. Bên cạnh ông là chủ tịch Đại học Yeshiva (NYC), Samuel Belkin (trái) và tổng chưởng lý New York, Nathaniel Goldstein. Lúc đầu trường thuộc về Đại học Yeshiva của những người Do Thái tổ chức, nhưng về sau do không kham nổi chi phí nên cuối cùng đã chuyển qua Hệ thống Y tế Montefiore.

Trường Einstein được thành lập năm 1953, lúc Einstein hãy còn sống. Trong một lá thư gửi cho những sáng lập viên, Einstein đã nhận xét rằng nỗ lực như vậy sẽ là “độc nhất” ở chỗ trường sẽ “chào đón học sinh thuộc mọi tín ngưỡng và chủng tộc”. Hai năm sau, vào sinh nhật lần thứ 74 của ông, ngày 14 tháng 3 năm 1953, Albert Einstein đã đồng ý cho phép sử dụng tên ông vào trường y.

Với hiến tặng này, sinh viên trường Einstein khỏi phải đóng học phí nữa. Học phí Y khoa ở Mỹ là cao khủng khiếp. Ở đây, sự giàu có không còn quyết định ai sẽ là bác sĩ nữa, như một người bình luận. (Một tỷ phú khác cũng có đầu tư tương tự cho sinh viên y khoa ở UCLA). Sinh viên ra trường Einstein sẽ không còn chịu gánh nặng món nợ khổng lồ nên có thể sẵn lòng đi nơi đâu họ được cần đến. Điều đó giúp tăng cường lý tưởng sứ mệnh của trường Einstein.

Trường Einstein nằm chung trong quận Bronx với một trường khác rất nổi tiếng,Trường Trung học Khoa học (High School for Science), còn được gọi tắt là Bronx Science, tên tuổi đặc biệt vì đã từng có chín (9) sinh viên tốt nghiệp đã giành được Giải Nobel—nhiều hơn bất kỳ cơ sở giáo dục trung học nào khác trên thế giới—và chín người đã giành được Giải thưởng Pulitzer. Trong số chín giải Nobel mà sinh viên tốt nghiệp nhận được, bảy trong số đó là về vật lý, khiến cho Bronx Science được Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ chỉ định là “Địa điểm Vật lý Lịch sử” vào năm 2010. Xem thêm Xôn xao mùa Nobel.

Những câu chuyện nhân ái (philanthropy) cho ngành giáo dục thật là tuyệt vời. Có thể nào tưởng tượng một phần bé nhỏ của tài sản những người giàu có VN hiện nay được hiến tặng vào những mục tiêu “đầu tư cho các thế hệ tương lai” không? Bằng những đầu tư nhân ái to lớn như của bà Gottesman, và của vô số các nhà giàu khác của Mỹ, nguồn lực của quốc gia được tiếp tục nhân lên thêm, hữu ích hơn cho xã hội, trong khi ở những quốc gia như Việt Nam nguồn lực ấy còn phân tán và sử dụng rất lãng phí. Đây là đề tài được đề cập chi tiết trong quyển sách Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam.

Nguyễn Xuân Xanh

Ngày 1 tháng 3, năm 2024

 

Cập nhật 9/7/2024: Michael Rubens Bloomberg

Theo Tạp chí Forbes, nhà tỷ phú Michael Bloomberg, theo gương bà TS Ruth L. Gottesman, có kế hoạch hiến tặng 1 tỷ USD cho Đại học Johns Hopkins, để miễn học phí cho hầu hết sinh viên y khoa và tăng thêm hỗ trợ tài chính cho các chương trình sau đại học khác. Khoản hiến tặng này, một phần trong tổng số tiền đóng góp 4,55 tỷ USD của Bloomberg cho đại học JH, nhằm mục đích thu hút những tài năng hàng đầu và cho phép sinh viên theo đuổi đam mê của mình mà không phải chịu gánh nặng trả nợ.

undefined

Michael Rubens Bloomberg, ảnh năm 2015 (sinh ngày 14 tháng 2, 1942) (Wikipedia)

Michael Bloomberg từng học và lấy bằng cử nhân tại Đại học John Hopkins, và Thạc sĩ tại Harvard.