Thư gửi Quý nhà giàu Việt Nam

by , under Giới thiệu sách

Thư gửi

QUÝ NHÀ GIÀU VIỆT NAM

(Xem thêm Đôi lời tâm sự của doanh nhân Phạm Văn Bên ở phần 2 của bài)

Nguyễn Xuân Xanh

 

Ai chết giầu có, chết hổ thẹn.

Andrew Carnegie

 

Cho ai con cá, nuôi người đó một ngày

Dạy ai câu cá, nuôi người đó cả đời.

Lão Tử

 

Vậy hãy giữ điều đó làm bổn phận của một con người phồn vinh: trước nhất, hãy tạo ra một tấm gương của một cuộc đời khiêm tốn, không khoe khoang, tránh xa sự phô trương và phung phí; thỏa mãn vừa phải những nhu cầu chính đáng của những người thân gia đình; và sau khi đã làm điều đó, hãy xem tất cả những lợi tức thặng dư đã đến với anh ta đơn giản chỉ là những quỹ ủy quyền mà anh ta đã được chọn để quản trị… để tạo ra những kết quả có lợi nhất cho cộng đồng.

Andrew Carnegie

Image result for andrew carnegie

Andrew Carnegie (1835-1919)

Lá thư là một thông điệp, và một tiếng gọi tha thiết gửi đến những nhà giàu Việt Nam cũng như toàn thể người Việt. Lá thư trình bày toàn cảnh lịch sử hoạt động nhân ái (philanthropy) trên thế giới. Khác với hoạt động từ thiện, charity, vốn chúng ta rất quen thuộc, là hoạt động “cho con cá” những người đang cần để tồn tại, hoạt động nhân ái nhằm thay đổi xã hội và thế giới cho tốt hơn. Các người giàu có, và kể cả người dân thường, hiến tặng của cải họ để đầu tư vào các lãnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, y tế, để chữa trị các căn bệnh của xã hội từ gốc rễ, tạo cơ hội nhiều hơn cho các thế hệ sắp tới để phát triển quốc gia, tạo ra phồn vinh cho xã hội, làm cho sự phát triển ngày càng bền vững. Giáo dục và khoa học là chìa khóa của sự phát triển các quốc gia giàu mạnh, cho nên đầu tư vào đó là đầu tư đúng chỗ để giúp cho quốc gia phát triển và bền vững.

 

Căn nhà nơi Carnegie sinh ra, tại 4 Moodie Street, Dunfermline, Fife, Scotland. Giờ trở thành nhà bảo tàng của ông. Địa điểm bảo tàng bao gồm ngôi nhà của những người thợ dệt nguyên bản từ thế kỷ 18, nơi Andrew Carnegie được sinh ra và một gian phòng tưởng niệm do James Shearer bổ sung vào năm 1928.

Một điều rất ngạc nhiên là Adam Smith, ông tổ của kinh tế học, và Andrew Carnegie, vua thép Mỹ và là ông tổ của hoạt động nhân ái (philanthropy), sinh ra cách nhau 112 năm nhưng tại cùng “bang” Fife của Scotland, ở hai thành phố khác nhau, Smith tại Kircaldy, Carnegie tại Dunfermline, cách nhau chỉ 25 phút (14.6 dặm) bằng ô tô theo bản đồ Google. Smith nổi tiếng với tác phẩm Theory of Moral Sentiments (Thuyết những tình cảm đạo đức) trong khi Carnegie nổi tiếng với tác phẩm The Gospel of Wealth (Kinh thánh của Sự giàu có) và vì những hoạt động nhân ái của ông. Smith khẳng định con người bẩm sinh có lòng trắc ẩn với nhau, trong khi Carnegie là người thể hiện lòng trắc ẩn đó trên mức độ chưa từng có trong lịch sử. Trong khi Smith chỉ cho các quốc gia con đường làm giàu (Wealth of Nations), thì Carnegie chỉ cho người giàu làm nhân ái từ tài sản của mình, điều mà Smith đã đưa lên thành định đề về bản chất con người một trăm năm trước đó. “Bang” Fife ngoài ra còn có đại học nổi tiếng St.Andrews tại thị trấn cùng tên, chỉ đứng sau Cambridge và Oxford về thứ hạng ở Anh. John Stuart Mill từng làm hiệu trưởng và có bài diễn văn nhậm chức nổi tiếng. 

(16/6/2023)

 

Hoạt động này là truyền thống phương Tây từ thời xa xưa, xuyên qua thời Phục Hưng, đến thời hiện đại. Khi các ‘đại gia’ công nghiệp càng giàu có và tăng lên đáng kể về số lượng, hoạt động nhân ái càng tăng theo đáng kể.

Riêng Mỹ có một truyền thống hoạt động nhân ái mạnh mẽ nhất, đất nước của chủ nghĩa tự do cao độ nhất, nhưng cũng lại là đất nước của sự hiến tặng mạnh mẽ nhất thế giới. Một người giàu có thể xây nguyên cả một đại học khổng lồ, như các đại học tư phi lợi nhuận Johns Hopkins, Cornell, Stanford, Chicago, Rockefeller. Hay xây một đại thư viện, một trung tâm nghiên cứu, một đài thiên văn, vân vân. Họ rất biết quý trọng tri thức, vì hiểu rằng chính tri thức mới làm ra đồng tiền và cải thiện xã hội.

 

Giáo dục đại học và doanh nghiệp căn bản có mối lệ thuộc lẫn nhau. Một bên cần tiền để tạo ra những người có giáo dục, và bên kia cần những người có giáo dục để làm ra tiền.

Milton S. Eisenhower, nguyên chủ tịch Đại học Johns Hopkins, Kansas State University và Pennsylvania State University

 

Các nhà giàu có Mỹ quan niệm họ trả ơn cho xã hội bằng cách đầu tư vào sáng tạo tri thức, phát triển giáo dục và nghiên cứu, nền tảng của nền kinh tế tương lai. Đồng tiền sẽ thúc đẩy giáo dục, nghiên cứu, khám phá, bảo vệ sức khỏe, nền tảng của đổi mới sáng tạo cho các thế hệ tương lai. Đầu tư của họ đòi hỏi sự nỗ lực của xã hội để xứng đáng. Các người “cha nhân ái” quan niệm kinh doanh và hiến tặng là hai mặt của một đồng tiền để thực hiện tiến bộ xã hội. Và hiến tặng trong khi vẫn còn sống, giving while living, như Andrew Carnegie kêu gọi.

Andrew Carnegie là nhà “triết học” của hoạt động nhân ái. Bản thân ông đã hiến tặng 90% tài sản của ông cho hoạt động nhân ái. Ông để lại tác phẩm “Phúc âm của thịnh vượng” như triết lý sống của những nhà giàu, có sức hút, thuyết phục, và truyền cảm cho những nhà giàu của Mỹ mãi đến hôm nay, như Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg v.v..

 

Có bao nhiêu biệt thự, ô tô, máy bay riêng, và những mặt hàng xa xỉ mà một người có thể mua sắm và sử dụng được?

HerbertMarion Sandler, tỷ phú và nguyên đồng CEO của Ngân hàng Golden West viết trong thư Cam kết Hiến tặng 

 

Loại hình hoạt động nhân ái còn rất phôi thai ở VN. Đa số hoạt động là hiến tặng từ thiện, ‘cho con cá’ để xoa dịu nỗi khổ trước mắt, hay đầu tư vào tôn giáo như xây chùa, đúc tượng để xoa dịu nổi khổ tinh thần, và để hy vọng vào phúc đức cá nhân của người hiến tặng. Những nhà hoạt động nhân ái phương Tây không biết cầu xin cho mình điều gì, chỉ biết hiến tặng, và làm sao cho sự hiến tặng đó đạt hiệu quả cao cho xã hội, điều họ mong muốn. Việt Nam đang bị lạc hậu về khoa học, công nghệ, giáo dục, kéo theo lạc hậu kinh tế như một hệ quả. Cho nên xã hội cần có sự đầu tư nhiều hơn, mạnh mẽ hơn vào các lãnh vực then chốt này, và đó chính là vai trò của các hoạt động nhân ái, mà mục tiêu của Lá thư muốn truyền đạt. Các hoạt động này đang có dấu hiệu manh nha, loại hình cần được quảng bá mạnh mẽ hơn, để tạo ý thức nhiều hơn trong xã hội. Lá thư có ghi nhận ba nhà hoạt động nhân ái Việt Nam, là vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vângiáo sư Lê Kim Ngọc, và doanh nhân Phạm Văn Bên. Hy vọng đó là tiếng gọi đàn của những con chim đi trước, muốn đem lại mùa xuân nhân ái cho Việt nam.

 

Sự giàu có không thay đổi con người, nó chỉ làm lộ ra con người thật thôi.

Chuck Feeney

 

Những nhà hoạt động nhân ái hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Một điều hết sức ngạc nhiên nếu chúng ta biết rằng quỹ nhân ái The Atlantic Philanthropies của nhà tỷ phú Mỹ Chuck Feeney đã tài trợ 50% cho việc xây dựng trường Đại học RMIT ở Việt Nam để mong rằng đó là đại học hiện đại và gương mẫu cho Việt Nam, như cựu Thủ tướng Phan Văn Khải mong mỏi. Tổng cộng quỹ này trong khoảng thời gian 1998-2006 đã tài trợ tất cả $220 triệu cho các đề án bệnh viện, trường học, thư viện tại Việt Nam. Trong lá thư gửi cho Bill Gates và Warren Buffett, Chuck Feeney đã viết:

 

Tôi không tưởng tượng nổi có một sự sử dụng tài sản cá nhân nào mà đáng làm và thích hợp hơn là việc hiến tặng trong khi chúng ta còn sống – để mình dấn thân cho những nỗ lực cải thiện điều kiện sống của nhân loại.

Chuck Feeney 

[Xem nhiều hơn: Chuck Feeney: “Chuyện bây giờ mới kể”]

 

Tác giả cũng kêu gọi các nhà làm luật và các mạnh thường quân Việt Nam sớm bắt tay nhau tạo ra khung pháp luật để kích hoạt một phong trào hoạt động nhân ái phụng sự quá trình tiến lên công nghiệp hóa của đất nước.

Hoạt động nhân ái còn có hiệu ứng xã hội quan trọng, là củng cố, làm chắc thêm tấm thảm xã hội của sự gắn kết quốc gia, dân tộc.

 

Hạnh phúc thay cho đất nước mà ở đó các nhà triệu phú là những người lý tưởng.

Và những người lý tưởng là những nhà triệu phú.

Ludwig Boltzmann (1844-1906)

 

C:\Users\HP\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCacheContent.Word\Bia truoc.jpg

C:\Users\HP\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCacheContent.Word\Bia sau Thu gui quy nha giau_0001.jpg

 

MỤC LỤC

TS Lê Đăng Doanh … i

Doanh nhân Phạm Văn Bên … ix

Mở đầu … 1

Sợi chỉ truyển thống châu Âu … 16

Tinh thần nhân ái Mỹ  … 22

“Cam kết Hiến tặng … 53

Tại sao hiến tặng … 58

Đông và Tây … 93 

Việt Nam … 103

 

⭐ ⭐ ⭐

 

ĐÔI LỜI TÂM SỰ KHI ĐỌC

“THƯ GỬI QUÝ NHÀ GIÀU VIỆT NAM”

PHẠM VĂN BÊN

Ông Phạm Văn Bên với bản thiết kế Ký túc xá Cỏ May, công trình nhân ái lớn của ông

 

     Từ lâu tôi vẫn hay làm những công việc có tính chất thiện nguyện. Tâm trạng tôi rất lấy làm hạnh phúc khi làm được những điều bác ái, những chia sẻ với những mãnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khốn khó.

      Nhưng, qua những năm tháng đó tôi mới ngộ ra một điều : Tôi làm từ thiện như vậy hiệu quả không cao. Mãi mãi vẫn còn đó những mảnh đời bất hạnh trong xã hội này!

      Tôi giúp cho một người bệnh hiểm nghèo qua cơn bạo bệnh, họ sống thêm mười, hai mươi năm nữa. Giúp cho người khó khổ qua cơn bĩ cực, gia đình họ có cuộc sống đỡ hơn. Giúp cho sinh viên nghèo tiếp bước đến trường, một ngày kia họ có cuộc sống tốt hơn. Điều đó chưa đủ.  Cuối cùng, cuộc đời này vẫn còn quá nhiều khổ đau, xã hội này vẫn còn quá nhiều những mảnh đời bất hạnh.

      Cho nên, tôi chuyển hướng qua hoạt động nhân ái bằng cách đầu tư lâu dài vào giáo dục, giúp các bạn trẻ phấn đấu vượt lên chính mình để thành đạt, để cùng tiếp tay với xã hội sau này. Đó là đầu tư để góp phần xóa bỏ “cái ác” của xã hội ở gốc rễ như trong Thư gửi của tác giả Nguyễn Xuân Xanh có nói. Gốc rễ của sự nghèo nàn lạc hậu quả chính là sự thiếu học, thiếu nền tảng khoa học, công nghệ, thiếu tri thức và đức hạnh, để phát triển như các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, là sự bất lực, thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm và đạo đức của con người đối với xã hội. Chỉ có giáo dục, khoa học, và sự dấn thân của con người mới tạo ra được sức bật cho xã hội, đẩy lùi cái ác trên diện rộng.

     Vì thế tôi mới đầu tư Ký túc xá ở trường Đại học Nông Lâm Súc TP Hồ Chí Minh có thể chứa đến 432 sinh viên, giúp sinh viên khỏi phải lo lắng về cuộc sống trong lúc học. Ngoài ra tôi còn sẽ thuê thầy để dạy thêm anh văn, vi tính, kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, kể cả âm nhạc, và năm cuối sẽ dạy cho các em khiêu vũ, xem như những kỷ năng tối thiểu để các em bước vào đời tự tin hơn, có nhiều năng lực đóng góp cho xã hội hơn. Tôi sẽ cố gắng góp phần xây dựng một thế hệ có tài, có tâm để ngày sau họ chung tay xây dựng xã hội này, đất nước này. Sắp tới, tôi muốn kêu gọi các nhà cao kiến vì tương lai đất nước mà rộng lòng giúp đỡ!

     Đọc Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam của tác giả Nguyễn Xuân Xanh tôi thấy những gì mình làm chính là những công việc của muôn vàn nhà hoạt động nhân ái trên thế giới, nhất là ở Mỹ, của các tỉ phú nổi tiếng như Andrew Carnegie, Warren Buffett, vợ chồng Bill & Melinda Gates, và những người trẻ nhất có lẽ vợ chồng Mark & Priscilla Chan Zuckerberg mà báo chí Việt Nam gần đây đăng tin lớn, đã và đang làm, đã và đang muốn tặng lại cho xã hội, bằng những hình thức rất khôn ngoan là đầu tư vào giáo dục, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, để tạo ra cơ hội nhiều hơn, và làm cho xã hội bình đẳng hơn, làm cho con người tốt đẹp, văn hóa hơn, và cho nền kinh tế tiếp tục đổi mới và phát triển hơn.  Họ muốn hiến tặng trong lúc họ còn sống, và muốn thấy sự hiến tặng được thực hiện một cách hiệu quả như ý mình. Tôi rất tâm đắc với những gì được trình bày sáng tỏ trong Thư gửi. Lá thư giúp tôi càng vững tin hơn ở việc làm của mình. Chúng ta, những người hoạt động nhân ái, không cảm thấy lẻ loi. Chúng ta có những người đồng hành với những lý tưởng giúp đời giống nhau, trên cả hành tinh. Việc làm của chúng ta chính là tiếp sức với nhà nước ở những việc chúng ta tự làm được, nhà nước không làm hết được. Nhiều người cùng làm như thế sẽ tạo ra sức mạnh to lớn có ích cho cả xã hội, và cho các thế hệ con em mai sau.

     Qua việc làm của mình, tôi cũng muốn kêu gọi nhiều người giàu có, có đủ điều kiện, các mạnh thường quân, hãy làm gương tiếp sức thêm vào những hoạt động nhân ái, để hướng về một cộng đồng đầy lòng nhân ái hoạt động có ích cho xã hội lâu dài, thể hiện trách nhiệm của mình, và hiến tặng lại cho xã hội những gì, hay ít nhất một phần quan trọng mình đã nhận được từ xã hội, làm cho xã hội phát triển và tốt đẹp hơn.

     Có như thế, đất nước Việt thân yêu của chúng ta mới phát triển mạnh mẽ, xã hội mới được vững bền, dân tôc mới thêm gắn bó, và đạo đức xã hội mới được nâng cao.

PHẠM VĂN BÊN

Người sáng lập và Giám đốc điều hành

Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May

Ngày 6/2/2016

Một số ý kiến:

Tuy cũ người nhưng mới ta, ý tưởng nhân ái mà anh Xanh chia sẻ qua thư ngỏ gửi các nhà giầu ở VN, có thể các quý vị đó cho đến nay chưa biết hay để tâm đến phong trào “Hiến tặng nhân ái” nên chưa hành động. Tôi lạc quan nghĩ rằng sẽ có nhiều Phạm Văn Bên tiếp nối khi quý vị nhà giầu VN đọc trang sau bìa cuốn sách hoặc có dịp đọc bản tóm tắt thông điệp mà anh Xanh gửi cho edu-sci.

Cảm ơn anh Xanh.

Phạm Xuân Yêm

 

Một cống hiến rất bổ ích, anh Xanh ơi! Cám ơn Anh rất nhiều.

Ngô Vĩnh Long

 

Chúc mừng anh Nguyễn Xuân Xanh cuối cùng cũng ra mắt được “đứa con tinh thần” mang nặng đẻ đau. Tôi rất hoan nghênh ý tưởng làm từ thiện cho giáo dục, khoa học-công nghệ thay cho việc xây tượng, xây chùa đồ sộ. Hãy học tập các nhà giàu Mỹ, họ giàu lên nhờ đóng góp vào tiến bộ kinh tế-xã hội, không phải băng buôn đất và nhờ quan hệ, họ xây dựng trường đại học, viện nghiên cứu, vân vân.

Hy vọng nhà giàu Việt Nam sẽ hưởng ứng và dẫn đến làn sóng đầu tư từ thiện vào giáo dục, y tế, khoa học.

Lê Đăng Doanh

 

Cám ơn anh Xanh. Cuốn sách nhỏ của Anh ra đời như một lời kêu gọi, cảnh tỉnh (đúng hơn là thức tỉnh) việc sử dụng đồng tiền của đại đa số trong giới giàu có VN hiện nay. Tuy sự chờ đợi tấm lòng nhân ái nơi họ sẽ thức tỉnh không lớn lắm nhưng công việc Anh làm rất cần thiết. Đó là một đóa hoa nhỏ nở trong bầu trời u ám của GDVN hiện nay.

Nguyễn Tiến Bình

 

Xem mục điểm sách của Thời báo Kinh tế Sài gòn:

“Thư gửi Quý nhà giàu Việt Nam” – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (thesaigontimes.vn)