NỀN GIÁO DỤC NHẬT BẢN ĐÃ ĐƯỢC ĐỊNH HÌNH NHƯ THẾ NÀO
Nguyễn Xuân Xanh
Giới thiệu sách
Benjamin C. Duke, Ten Great Educators of Modern Japan
Nhật Bản hôm nay đứng giữa hai nền văn hoá Đông và Tây. Lý tưởng lớn của chúng ta nằm ở chỗ tạo dựng sự hài hoà của hai nền văn hoá này, và ở sự nâng nền văn minh phương Đông lên ngang tầm của nền văn hoá phương Tây, để cho hai nền văn hoá cùng tồn tại trong sự hài hoà…
Ōkuma Shigenobu, người sáng lập Đại học Wasade
Sách bìa cứng, in trên giấy hoa vân đẹp, khổ 14×22 cm, 334 trang, do Viện nghiên cứu giáo dục IRED phát hành, giấy phép xuất bản của Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Lời nói đầu bổ sung. Giáo dục Nhật Bản là một chương đặc biệt, chương nền tảng, trong quyển sách của những thần kỳ của Nhật Bản. Họ mở cửa ra phương Tây với tự-ý thức rằng họ là một dân tộc bản lãnh, có nền văn hóa cao đượm màu khổng giáo, và trên nền tảng đó họ đã tiếp thu giáo dục tiến bộ của phương Tây, làm cho con người có năng lực phát triển toàn diện và có đầy đủ nhân phẩm. Chìa khóa cho sự vươn lên sự xuất chúng như một quốc gia được văn minh hóa hàng đầu ở châu Á, và như một trong những quốc gia phát triển nhất của thế giới, là năng lực nhân dân họ tiếp thu tri thức từ nhiều nguồn khác nhau và áp dụng nó một cách hệ thống và sáng tạo, mà vẫn gìn giữ được tính đạo đức quốc gia (kokumin dōtoku), và năng lực biết phân biệt giữa tốt và xấu. Một trong những mục đích của giáo dục Nhật Bản là biến thanh niên họ thành những “công dân toàn cầu” như yếu tố để hài hòa văn hóa Đông Tây. Người Nhật học từ rất nhiều nguồn, đúng theo Điều 5 trong Năm điều thề ước (Charter Oath) của Hoàng đế Minh Trị đưa ra năm 1868: Tri thức sẽ được tìm kiếm trên khắp thế giới để mở rộng và củng cố nền tảng cai trị của đế chế. Giới tinh hoa Nhật Bản, trễ lắm sau chuyến đi của Sứ đoàn Iwakura đi tìm khai sáng đã hiểu rằng việc tiếp thu văn minh phương Tây, bao gồm văn hóa, giáo dục, thể chế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vai trò tích cực của tôn giáo đối với xã hội, là mệnh lệnh sống còn không thể do dự hay né tránh, nếu muốn bảo vệ được mảnh đất thiêng liêng của họ không bị ngoại bang dày xéo. Không thể nào xây đê lên để ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây đang tràn về châu Á, như Fukuzawa Yukichi đã diễn tả trong Thoát Á luận: Đường giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió của văn minh phương Tây thổi vào phương Đông. Khắp mọi nơi, không có cỏ cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này. Kềm hãm sự du nhập văn minh phương Tây đồng nghĩa với sự kềm hãm phát triển quốc gia, và như nhà triết học Đức Fichte diễn tả, điều đó sẽ có ngày dẫn tới tai họa hủy diệt bằng cách này hay cách khác, các con đê dựng lên lỗi thời kia sẽ bị hủy diệt với những hệ lụy khủng khiếp.
Ngoài việc gửi hàng loạt sinh viên ra nước ngoài học, họ cũng mời một số lớn học giả phương Tây và chuyên gia đến hỗ trợ thực hiện công cuộc hiện đại hóa, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục: trong năm 1874, có 211 giáo sư phương Tây trong các trường trung học, năm 1874 có 27 trong số 39 giáo sư tại Đại học Tokyo là đến từ phương Tây. Ngay cả các nhà truyền giáo phương Tây cũng là nguồn tri thức cần thiết cho họ về ý nghĩa và những giá trị của tôn giáo. Họ dịch Kinh thánh sang tiếng Nhật, thành lập các trường sứ mệnh, và tổ chức từ thiện, và nhiều nhà lãnh đạo của Nhật Bản từng là sinh viên trong các trường đó. Trong số các nhà truyền giáo phương Tây có TS Guido Verbeck, người Mỹ gốc Hà Lan, có nhiều đóng góp quan trọng. Một trong những sinh viên siêng năng nhất của ông ở Nagasaki là Ōkuma Shigenobu, sau này làm thủ tưởng và người sáng lập của Đại học danh giá Waseda. Một học trò khác là Itō Hirobumi, sau này là thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản. Năm 1871, trong khi là giáo sư tại một college, có trên một ngàn sinh viên đến nghe ông thuyết trình về Hiến pháp Hoa Kỳ và Tân Ước (Kinh thánh). Chính ông cũng là người đã đề nghị chuyến đi Iwakura quan trọng. Ông giữ nhiều chức vụ, là giáo sư tại Trường Kaisei năm 1869 (sau này là Đại học Đế chế Tokyo), cố vấn cho Bộ Giáo dục lúc bộ này được thành lập năm 1871. Năm 1877 ông là giảng viên cho tại trường Gakushuin (Peers’ school, con cái của giới quý tộc) và được bổ nhiệm làm ủy viên thác tín đầu tiên của Đại học Meiji Gakuin, một trường Kitô tư thục tại Tokyo vào năm 1886.
Guido Verbeck với sinh viên samurai năm 1868 (Ảnh Wikipedia)
Cuộc chấn hưng đất nước và cải tổ giáo dục lịch sử của Nhật Bản đã diễn ra dước sức ép của thời kỳ toàn cầu hóa thực dân. Các quốc gia châu Á lần lượt rơi vào ách thống trị của các cường quốc phương Tây. Mệnh lệnh của thời đại, đối với giới tinh hoa các dân tộc chậm phát triển là: Cải cách hay là chết. Fukuzawa Yukichi đã viết trong Khái lược về văn minh luận của mình: “Không có cách nào khác để bảo vệ nền độc lập của chúng ta ngoại trừ việc tiếp nhận nền văn minh [phương Tây]. Chúng ta phải tiến tới nền văn minh chỉ nhằm mục đích duy trì nền độc lập dân tộc.” Lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu. Mọi sự cải cách phải là triệt để, chứ không thể nửa vời nếu muốn có sức mạnh đương đầu với các cường quốc. Mọi cuộc chiến đấu bằng vũ lực đều tỏ ra vô vọng. Giới tinh hoa Nhật Bản đã nhanh chóng nhận ra điều đó, và chuyển chống đối bằng vũ lực sang chiến đấu bằng cải cách triệt để và đổi mới quốc gia một cách toàn diện, làm cho “quốc phú, cường binh”.
Nhà tư vấn giáo dục thứ hai, người Mỹ từ Rutgers college, Hoa Kỳ, có ảnh hưởng lớn lên việc định hình triết lý giáo dục của Nhật Bản là TS. David Murray. Ông quen biết các sinh viên Nhật Bản đầu tiên tại Rutgers college và đâm ra có rất nhiều thiện cảm. Ông được cử làm Giám đốc Giáo dục Mỹ (American Superintendent of Education), trong Bộ Giáo dục từ 1873-1879. Một trong những đóng góp quan trọng của Murray là đã cải cách giáo trình giảng dạy khoa học tại Kaisei Gakkō college và chuyển college này chung với Tokyo Igakkō (Trường Y) thành Đại học Tokyo sau đó, và ông đã có bài diễn từ chúc mừng khóa tốt nghiệp đầu tiên năm 1877 trong sự có mặt của hoàng đế Minh Trị. Murray cũng được xem là người có công lớn trong việc thành lập trường đào tạo giáo viên đầu tiên cho phụ nữ (Tokyo Joshi Shihan Gakkō) tháng 11, 1874, được chính quyền Minh Trị chấp thuận nhanh chóng.
College đế chế Kaisei Gakkō năm 1874 trước khi trở thành Đại học Tokyo. Từ William Elliot Griffis, Verbeck of Japan (Fleming H. Revell, 1900, 272). In lại trong Benjamin Duke, Dr. David Murray, 179.
Lớp đầu tiên với 12 nữ sinh trường Tokyo Teaching School for Women, năm 1875. Trong Bộ Giáo dục, Gakusei Gojūnen Shi (Năm mươi năm lịch sử của Gakusei, 1922, vol. 1, preface) (Được in lại trong Benjamin Duke, Dr. David Murray, 204)
Một ảnh hưởng quan trọng khác của David Murray là đưa ra định hướng cho cả thế kỷ 20 cho nền giáo dục Nhật Bản, như tôi đã trình bày trong phần Dẫn nhập. Ý tưởng của Murray là khuyến cáo chính quyền Nhật Bản hãy gìn giữ những định chế giáo dục tồn tại khi chúng đã được tôn vinh. Trong Luận đề về Giáo dục cho Nhật Bản của David Murray, 1872, ông viết:
Mỗi quốc gia phải tạo ra một hệ thống giáo dục phù hợp với nhu cầu của mình. Có những đặc điểm tự nhiên cần phải sửa đổi một cách thích hợp với chương trình giáo dục được coi là phù hợp nhất. Văn hóa được đòi hỏi ở quốc gia này không nhất thiết cũng là những thứ được đòi hỏi ở quốc gia khác. Có những phong tục truyền thống mà nếu bị phá bỏ sẽ là điều thiếu khôn ngoan. Có những định chế đã được kiến tạo và được tôn kính bởi các đoàn thể địa phương và quốc gia, những tổ chức này có thể trở thành những yếu tố tốt nhất của một hệ thống mới mà không cần có sự thay đổi quan trọng. Mọi hệ thống trường học thành công đều phải là kết quả tự nhiên từ nhu cầu của quốc gia. Do đó, nếu có những thay đổi được thực hiện trong hệ thống giáo dục của một quốc gia nào, thì việc duy trì những định chế đã tồn tại ở mức độ có thể chấp nhận được sẽ là một sự khôn ngoan. Đây chỉ là một sự nhượng bộ đích thực đối với lòng tự trọng dân tộc và điều đó sẽ có nhiều đóng góp trong việc làm cho mọi đặc điểm mới có thể được chấp nhận. Về phương diện này, Nhật Bản không có lý do gì để mong muốn có những thay đổi triệt để và sâu rộng. (Benjamin Duke, Dr. David Murray, 340)
Ý kiến của ông rất phù hợp với ý kiến của Motoda Eifu, gia sư của Thiên Hoàng, người có ảnh hưởng lớn lên đường lối giáo dục, và được biết là người đã thảo ra “Ý chí Đế chế về Giáo dục”. Ý kiến của Murray cũng rát phù hợp với Egi Kazuyuki, người tổ chức bộ máy giáo dục thật tập trung và lấy thiên hoàng làm trung tâm, cũng như chịu ảnh hưởng của Murray, và trở thành Bộ trưởng Bộ giáo dục. Người ta có thể nói, sự tập trung vào thiên hoàng, cũng như tinh thần “tôn vương ái quốc” (sonnō aikoku) mà Egi đã đưa ra thành khẩu hiệu từ tinh thần giáo dục của Motoda đã tạo điều kiện cho những thành phần dân tộc chủ nghĩa cực đoan chiếm giữ ảnh hưởng lên chính quyền, dẫn đến sự hình thành của chủ nghĩa quân phiệt nhân danh hoàng đế, đưa Nhật Bản vào những cuộc phiêu lưu quân sự và cuối cùng dẫn đến sự thảm bại trong Thế chiến II, với sự lạc hậu của khoa học, công nghệ.
Motoda Nagasane hay Motoda Eifu (1818-1891) và Egi Kazuyuki (1853 –1932)
Dr. David Murray (1830-1905)
NHỮNG ĐIỀU TÂM NIỆM CỦA GIÁO VIÊN TIỂU HỌC
của Egi Kazuyuki, được treo trong lớp học
“Chất lượng giáo viên tiểu học liên quan đến việc nghiêm khắc hay buông lỏng trong giáo dục phổ thông. Việc nghiêm khắc hay buông lỏng trong giáo dục phổ thông ảnh hưởng đến vấn đề thịnh suy của đất nước. Phải nói rằng trách nhiệm trong việc này là trọng đại. Vậy nên, cần đào tạo tốt đội ngũ giáo viên tiểu học để đạt được mục đích của giáo dục phổ thông, giúp mọi người rèn luyện bản thân và có kiến thức về nghề nghiệp. Đại khái là, cần tìm cách để khơi dậy tinh thần tôn vương ái quốc, làm cho phong tục trở nên thuần phác và tốt đẹp, mang lại sự sung túc cho đời sống nhân dân, nhờ đó mà giúp cho quốc gia được tăng cường về an ninh và tăng trưởng về phúc lợi. Giáo viên tiểu học phải lấy những điều này làm cốt lõi, một cách đúng đắn và sâu sắc.” (Bản dịch của Lam Anh, giảng viên bộ môn Văn hóa Nhật Bản tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh)
Bộ Giáo dục đầu tiên, 1871. Từ The Ministry of Education,
Gakusei Hajijūnen Shi [Eighty years of the Code of Education] (1953), 2. Được đăng lại trong Dr. David Murray, 170
Trong khi đó, Fukuzawa Yukichi là người “đập phá thánh tượng”. Ông thấy những rào cản to lớn của quá khứ cho sự tiến lên của Nhật Bản nằm trong hệ gia đình và trói buộc của nó. Fukuzawa Yukichi, đại diện cho những nhà chủ trương theo “khai sáng văn minh” (bummei kaika) đã tóm tắt sự bác bỏ sâu rộng di sản của mình như sau:
Nếu chúng ta so sánh kiến thức của người Nhật và người phương Tây, về văn chương, kỹ thuật, về thương mại hay về công nghiệp, từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất . . . không có một điều gì mà chúng ta nổi trội. . . . Ngoài người ngu nhất thế giới ra thì không ai có thể nói rằng sự học, kinh doanh của chúng ta là ngang bằng với các nước phương Tây. Ai sẽ so sánh xe ngựa của chúng ta với đầu máy xe lửa của họ, hoặc kiếm của chúng ta với súng lục của họ? Chúng ta nói về âm dương và ngũ hành; họ đã phát hiện ra sáu mươi nguyên tố. . . . Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang sống trên một đồng bằng bất động; họ biết rằng trái đất tròn và chuyển động. Chúng ta cho rằng đất nước mình là mảnh đất thiêng liêng, thần thánh nhất; họ đi du lịch khắp thế giới, mở đất và thành lập các quốc gia. .. . Trong điều kiện hiện nay của Nhật Bản, không có điều gì khiến chúng ta có thể tự hào trước phương Tây. Tất cả những điều mà Nhật Bản tự hào được… là phong cảnh của nó. (The Cambridge History of Japan, Volume 5, ed. by Marius B. Jansen, 677)
Fukuzawa Yukichi (1835-1901)
Fukuzawa muốn giới tinh hoa Nhật Bản hãy quay mặt về phía trước, hướng về sự học phương Tây để hiện đại hóa đất nước như một nhu cầu và mệnh lệnh cấp thiết của quốc gia để nhanh chóng ra khỏi nguy cơ lệ thuộc đang rình rập. Ông cũng đã lập ngôn ngay từ đầu trong tác phẩm Gakumon no susume (Khuyến học): “Trời không tạo ra người trên người, cũng không đặt người dưới người,” bác bỏ thuyết “định mệnh” đầy thành kiến giữa con người với nhau, và giữa các dân tộc, nhằm củng cố lòng tin mới của nhân dân. Theo ông, trong một xã hội mới, vị trí của một thanh niên trong xã hội phải được quyết định bởi khả năng nắm bắt kiến thức hữu dụng của anh ta. Trong Bummeiron no gairyaku (Khái lược Văn minh luận), ông viết rằng khuyết điểm cơ bản của văn hóa Nhật Bản là thể chế cơ bản nhất của nó: hệ thống gia đình. Các nhà cải cách theo bummei kaika đổ lỗi cho gia đình đã phá hủy tinh thần chủ động và tính độc lập của cá nhân mà họ tin rằng nền văn minh khoa học hiện đại phụ thuộc vào. Họ nói rằng hệ thống gia đình một mặt đã khắc sâu các giá trị về quyền lực tuyệt đối, và mặt khác là sự tôn kính không được phép nghi ngờ, và do đó, nó cung cấp nền tảng cho chính quyền độc tài. Điều cần thiết là thúc đẩy một loạt các giá trị mới mà trên đó có thể thành lập một chính phủ dân chủ, lập hiến và khai sáng.
Họ cho rằng con đường phát triển của phương Tây là phổ quát (universal), khoa học của họ cũng là phổ quát, như nhà kinh tế tự do Taguchi Ukichi của nhóm bummei kaika diễn tả:
Chúng ta nghiên cứu vật lý, tâm lý học, kinh tế và các ngành khoa học khác, không phải vì phương Tây đã khám phá ra chúng mà vì chúng là chân lý phổ quát. Chúng ta tìm cách thiết lập một chính phủ lập hiến ở đất nước mình, không phải vì đó là hình thức chính phủ phương Tây, mà vì nó phù hợp với bản chất của con người. Chúng ta theo đuổi việc sử dụng đường sắt, tàu hơi nước và tất cả các phương tiện tiện nghi khác, không phải vì chúng được sử dụng ở phương Tây, mà vì chúng hữu ích cho tất cả mọi người. (Marius B. Jansen, tr. 677)
Một tính chất quan trọng của bummei kaika là sự cam kết hết lòng với khoa học, công nghệ và kiến thức thiết thực. Chương trình giảng dạy cổ điển trong trường học phải được thay thế bằng phương pháp học tập thực tế hữu ích cho cuộc sống hàng ngày. Sự lên án nổi tiếng của Fukuzawa đối với các học giả Tokugawa là “những cuốn từ điển ăn cơm” kết luận rằng “quản lý gia đình là học, kinh doanh là học, nhìn xu hướng thời đại là học”. Các nguyên lý chi phối vũ trụ vật chất không còn có thể được xem như đồng nhất với các nguyên tắc đạo đức của Nho giáo. “Trước có sự vật, sau mới có đạo đức”; Fukuzawa đã viết trong Văn minh luận. (Chương 11 trong Marius B. Jansen) Sau khi hạt nhân phát triển của giáo dục Nhật Bản đã được định hình với đạo đức là nhân tố quan trọng hàng đầu, thì Nhật Bản chuyển hướng từ ảnh hưởng Mỹ sang ảnh hưởng Đức (Phổ), trong đó triết ly của nhà giáo dục Johann Friedrich Herbart (1776-1841) là then chốt, với sự tập trung vào phát triển của nhân cách đạo đức (moral character) của sinh viên và ý chí được khai sáng (enlightened will) để có thể phân biệt giữa sai và đúng. Người thực hiện nhiệm vụ phổ biến tư tưởng và phương pháp sư phạm của Herbart là Emil Hausknecht (1853-1927) một thầy giáo gymnasium và nhà ngữ văn rất có năng lực. Ông được bổ nhiệm làm giáo sư của Đại học Hoàng đế Tokyo hơn ba năm. Không chỉ trên lãnh vực giáo dục, Nhật Bản cũng lấy Hiến pháp Phổ làm khuôn mẫu, bởi nó có tính chất lấy vua làm định hướng, điều mà các nhà cải cách Nhật mong muốn.
Với Huấn lệnh Đế chế về Giáo dục được công bố năm 1890 và Hiến pháp năm 1889, Nhật Bản đã có một bộ khung triết lý giáo dục và một thể chế lập hiến (constitutionalism) của một chính quyền hiện đại được khai sáng có thể xem như ngang bằng với phương Tây cho hành trình vào thế kỷ XX. Nền tảng là yếu tố Khổng giáo (jūkyō shugi) với các đức hạnh lòng nhân từ (benenolence), nhân ái (humanity), trung thành (loyalty) và hiếu thảo (filial piety, jingi chūkō), có tính chất đạo lý lấy gia đình làm trung tâm (kazoku shugi dōtoku), và nhấn mạnh sự kính trọng đối với người lớn tuổi. Nhân tố chứ hai là ý thức hệ trọng vua (kōdō shugi). Hoàng đế là hiện thân của đạo đức Khổng giáo, và “người cha” của gia đình, nghĩa là của quốc gia, điều gần gủi với truyền thống Shinto. Yếu tố thứ ba là nhân tố Đức trong hiến pháp và giáo dục. Chế độ phong kiến chính thức chấm dứt và được thay thể bằng thể chế lập hiến. Cả hai văn bản đều bắt đầu bằng câu “Hỡi các thần dân”, ở dạng hoàng đế trình bày trước quốc dân và gia đình. Tương lai ở phía trước của Nhật Bản là cái học hàn lâm khoa học phương Tây, kết hợp với những giá trị đạo đức phương Đông. Với hai văn bản đó, chính quyền Nhật Bản đang trên đường thực hiện mục thứ năm trong Năm điều Thề Ước: Tri thức sẽ được tìm kiếm trên khắp thế giới để mở rộng và củng cố nền tảng cai trị của đế chế.
Người Nhật rất tự hào về đạo đức phương Đông mà họ đã đồng hóa với bản sắc của họ. Và đạo đức đó được thể hiện sinh động trong xã hội, ngay trong tinh thần võ sĩ đạo. Đó có lẽ là nguồn sức mạnh của họ trong việc chấn hưng. Khi họ đứng trước thử thách, đạo đức của họ càng sống dậy mạnh mẽ để tạo niềm tin cho họ, rằng họ là một dân tộc ưu việt. Những dân tộc nào đánh mất đạo đức, sẽ không còn sức mạnh và niềm tự hào để vươn lên để chấn hưng đất nước. Ở đây chúng ta nhớ lại những nhận xét của cụ Phan Châu Trinh về dân tộc Việt Nam, chúng ta mất nước vì đã đánh mất đạo đức. Tuy nhiên đạo đức nào cũng có hai mặt, như đã nói ở trên. Giờ đây người ta vẫn còn tranh luận về ảnh hưởng của đạo đức Khổng giáo lên sự phát triển dài hạn của quốc gia.
Văn minh khai sáng, đặc biệt giáo dục theo triết lý của Pestalozzi mà các nhà giáo dục đầu tiên của Nhật Bản đã mang về từ Hoa Kỳ, đề cao phát triển cá nhân, đặt đứa trẻ làm trọng tâm, với phương pháp học tập dựa trên khám phá, tôn trọng đứa trẻ nhiều hơn như một cá thể độc đáo được ban tặng những khả năng thiên phú cần được nuôi dưỡng từ bên trong hơn là được rót vào từ bên ngoài, trong khi đạo đức Khổng giáo đề cao tập thể, nhà nước, quyền lực, tuổi tác. Phương pháp Pestalozzi cũng dành sự tôn trọng lớn hơn đối với cá nhân giáo viên với tư cách là một chuyên gia được đào tạo, có khả năng tổ chức trải nghiệm trong lớp để phù hợp nhất với nhu cầu của học sinh mà họ chăm sóc. (Mark Lincicome, Imperial subjects als global citizens, 11)
Mức độ tác động của hiện đại hóa của Nhật Bản vào cuối thời Minh Trị là một vấn đề gây tranh luận. Okakura Kakuzō, một học giả Nhật Bản và nổi tiếng với tác phẩm The Book of Tea (Trà Thư), đã nhận xét vào đầu thế kỷ hai mươi: “Đã quen với việc chấp nhận cái mới mà không hy sinh cái cũ, việc áp dụng các phương pháp phương Tây của chúng ta không ảnh hưởng nhiều đến đời sống quốc gia như người ta thường nghĩ. Ai nhìn sâu hơn dưới bề mặt của sự vật có thể thấy, bất chấp bộ trang phục hiện đại, trái tim của Nhật Bản Cũ vẫn đang đập mạnh mẽ.” Một nhà quan sát phương Tây sau này nhìn thấy dấu tích của Nhật Bản cũ trong “lý tưởng về lòng trung thành phong kiến, chế độ phụ hệ”, thái độ đối với phụ nữ, đề cao võ đức.” Dấu tích của truyền thống Nhật Bản vẫn còn in sâu vào tập quán xã hội và thái độ của người dân. Đặc biệt ở khu vực nông thôn, những giá trị và lối sống truyền thống vẫn chi phối mọi giai đoạn trong đời sống của người dân. Chủ nghĩa cá nhân phương Tây chắc chắn đã không thâm nhập vào xã hội, và có vẻ như thậm chí sau này, trong thời kỳ Đại Chính (Taishō), khi “dân chủ” đang lên ngôi, chủ nghĩa cá nhân vốn đặc trưng của các xã hội phương Tây chưa bao giờ thực sự chiến thắng. Lafcadio Hearn (1850–1904), nhà văn, dịch giả và giáo viên, người đã giới thiệu văn hóa và văn học Nhật Bản đến phương Tây, đã nhận xét vào đầu thế kỷ hai mươi, rằng người Nhật tiếp tục “suy nghĩ và hành động theo nhóm, thậm chí theo nhóm các công ty công nghiệp”. Hearn tiếp tục chỉ ra rằng “Về lý thuyết, cá nhân được tự do; trên thực tế, anh ta, chị ta hầu như không được tự do hơn tổ tiên của mình. Các hình phạt vi phạm tục lệ cũ đã được bãi bỏ; tuy nhiên ý kiến cộng đồng có thể bắt buộc sự tuân thủ theo kiểu xưa. . . . Giống như một nguyên tử bên trong một vật thể rắn, anh ta có thể rung động; nhưng quỹ đạo rung động của anh ta là cố định.” (Hane & Perez, Modern Japan, 194-195)
Câu chuyện giáo dục Nhật Bản còn nhiều điều để kể, những điều sẽ vượt khỏi khuôn khổ này. Chúng ta dành cho một cơ hội khác.
Chúng tôi rất vui mừng khi thấy quyển sách Mười nhà giáo dục lớn của Nhật Bản hiện đại cuối cùng đã ra mắt độc giả, đặc biệt đúng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024. Đây là niềm vui lớn của tôi, người đã theo đuổi quyển sách từ hơn bảy năm trước, những mong nó ra mắt vào dịp kỷ niệm Minh Trị Duy Tân 150 năm (1868-2018). Thật may mắn làm sao nó vẫn còn ở với tôi đến hôm nay. Có những quyển sách vẫn đi theo người, mặc cho nhiều khó khăn tưởng chừng không thể vượt nổi.Tôi phải cảm ơn Viện nghiên cứu giáo dục IRED cuối cùng đã đem về được tác quyền. Tôi cảm ơn hai đồng nghiệp Đỗ Thị Thu Trà và Bùi Mai Lý (Lê Tùng Quân) tiếp tục đồng hành với tôi, và cảm ơn IRED đã giúp có một bản dịch tốt cho độc giả. Tôi cảm ơn các nhân viên của IRED đã dành cho chúng tôi sự hợp tác rất hiểu biết, chân thành, nhanh chóng và hiệu quả, tôn trọng những ý kiến xác đáng của nhau.
Tôi tin rằng, ai cầm quyển sách lên và đọc một số thông tin trong đó, không thể để nó xuống lại. Nó có sức mời gọi mạnh mẽ, giúp chúng ta nhìn vào tư duy của các nhà giáo dục dấn thân của Nhật Bản, để hiểu hơn tại sao họ thành công nhanh chóng như người khai phá nền giáo dục hiện đại cho châu Á, những vấn đề của họ, và để nhìn lại nền giáo dục của mình.
Tôi tin rằng Mười nhà giáo dục lớn sẽ là món quà tinh thần rất có ý nghĩa, đặc biệt trong dịp Tết này.
Xin chân thành cảm ơn bạn đọc. Và chúc tất cả một mùa Xuân Giáp Thìn “bay bổng” trong cuộc sống và sự nghiệp.
Nguyễn Xuân Xanh
Những ngày giáp Tết Giáp Thìn 2024
Cuốn sách này mô tả cuộc sống và sự nghiệp của mười người đàn ông và phụ nữ đã đóng những vai trò quan trọng trong việc phát triển tư tưởng giáo dục và thiết lập một hệ thống giáo dục ở Nhật Bản hiện đại. Hầu hết được sinh ra vào một phần ba cuối của thế kỷ XIX, họ là một phần trong quá trình mở cửa vĩ đại của Nhật Bản với phương Tây sau cuộc Duy tân Minh Trị. Với tư cách là những người sáng lập trường học và hoạch định chính sách, họ tin tưởng vào sức mạnh của giáo dục trong việc mang lại sự thay đổi về xã hội và chính trị; và nhiều người đã hành động để mở rộng cánh cửa trường học cho phụ nữ và những người khác từng bị từ chối nền giáo dục chính quy. Một số trong nhóm này đã học tập và nghiên cứu ở phương Tây, và một số bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Cơ đốc giáo.
Trong số những tên tuổi này có Mori Arinori, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của Nhật Bản; Fukuzawa Yukichi “Người Phục Hưng” của Nhật Bản thời kỳ đầu hiện đại và là người sáng lập Đại học Keiro; Naruse Jinzo, người đã thành lập trường đại học đầu tiên dành cho phụ nữ của Nhật Bản; Shimonaka Yasaburo, người sáng lập Công đoàn Giáo chức Nhật Bản; Sawayanagi Masataro, người đã áp dụng phương pháp giảng dạy “tiến bộ” từ phương Tây: lấy học sinh làm trung tâm; và Nambara Shigeru, chủ nghĩa hòa bình của ông đã khiến ông được tôn trọng với tư cách là hiệu trưởng đầu tiên sau chiến tranh của Đại học Tokyo.
Những bản tiểu sử này, được viết bởi các học giả ngày nay, làm sáng tỏ lịch sử giáo dục ở Nhật Bản hiện đại thông qua cuộc đời của mười nhà tiên phong của nó.
(Từ bìa bản gốc tiếng Anh)
Một số trích dẫn từ sách:
Trước hết, điều cấp thiết là dân ta phải làm cho đất nước giàu mạnh lên. Nền tảng phải là người dân có học thức. Không ai sinh ra đã có số mệnh giàu hay nghèo; đúng hơn là, những người được giáo dục trở nên cao quý và giàu có, trong khi những người thất học trở nên nghèo khổ.
Fukuzawa Yukichi
Giáo dục là điều có thể được lĩnh hội mà không cần có các tòa nhà hoặc cơ sở vật chất hiện đại. Tôi tin rằng một nền giáo dục thực sự là một điều gì đó vượt xa giá trị của những đồ đạc vật chất. Người ta đạt được nó nhờ vào các giáo viên có năng lực, cũng như sự quyết tâm và lòng khát khao học hỏi của học sinh. […] Điều thiết yếu là phải đối xử với từng học sinh một cách riêng biệt, phù hợp với tính cách cá nhân của em học sinh ấy, vì tôi tin rằng trái tim và trí óc của con người cũng khác nhau như khuôn mặt của họ.
Tsuda Ume
Thách thức tột bậc mà chúng ta phải đối mặt ngày nay không gì khác hơn là nuôi dưỡng một thế hệ người Nhật mới. Để đạt được điều đó, chúng ta phải chủ tâm tạo ra một phong trào tinh thần đầy sức sống mới. Chúng ta chỉ có thể trông cậy vào điều này để phát triển một nền văn hóa mới cho Nhật Bản và thiết lập một quốc gia phẩm hạnh trên nền tảng công lý. Một phong trào tinh thần như vậy phải lan tỏa khắp đất nước. Thành công hay thất bại của công cuộc Chiêu Hòa Duy tân (Shōwa Restoration) phụ thuộc vào điều đó. Sinh viên các anh chị phải có bổn phận đi đầu. Đối với thế hệ này của những người trẻ tuổi đang tìm kiếm chân lý, không có thử thách nào lớn lao hơn đang chờ đón các anh chị.
Nambara Shigeru
Dẫn nhập
Nền giáo dục Nhật Bản đã được định hình như thế nào
Nền giáo dục hiện đại của Nhật Bản, được kiến tạo trong những thập kỷ Minh Trị Duy Tân, là một tòa lâu đài được xây dựng rất khoa học, công phu, có sức lôi cuốn con người chiêm ngưỡng. Để hiểu mười nhà giáo dục lớn trong tác phẩm quan trọng này của học giả Benjamin C. Duke, người đã dày công nghiên cứu toàn bộ lịch sử giáo dục Nhật Bản, từ thời Tokugawa đến Minh Trị Duy Tân và sau đó, chúng ta cần có cái nhìn sơ lược về quá trình nền giáo dục này đã được định hình như thế nào.
Bộ giáo dục Nhật Bản chính thức được thành lập năm 1871. Năm sau, hệ thống giáo dục nhà nước ra đời với sự ban hành Luật Giáo dục (Gakusei). Giáo dục Nhật Bản ra đời trong ý thức tổ quốc lâm nguy, bị lạc hậu trầm trọng so với phương Tây, cần cải tổ toàn diện. Với lòng tự hào dân tộc và ý chí vô bờ, họ quyết tâm đổi mới toàn bộ xã hội, để theo kịp văn minh và kinh tế phát triển của phương Tây, trong đó giáo dục là nền tảng của mọi tiến bộ. Vị Bộ trưởng giáo dục đầu tiên, Mori Arinori, đã diễn tả ý chí và tầm nhìn này như sau:
Chiến tranh (sensō) không phải chỉ là đánh nhau bằng súng đạn và giết nhau, mà tất cả mọi người Nhật phải được tham gia ngay bây giờ vào cuộc chiến tranh của kỹ năng, kỹ năng của cuộc sống, của công nghiệp, thương mại, tri thức. Và đào tạo nhà giáo phải dựa trên sự chuẩn bị cho cuộc chiến tranh này. Thua trong cuộc chiến này là sẽ thua cuộc chiến tranh bằng súng đạn.
Và ông nói thêm:
Đất nước chúng ta phải chuyển dịch từ vị trí hạng ba lên vị trí hạng hai, rồi hạng hai lên hạng nhất; và sau cùng lên đến vị trí hàng đầu trong cộng đồng các quốc gia thế giới. Con đường tốt nhất để thực hiện điều này là đặt nền móng cho giáo dục cơ bản.
Mục đích giáo dục quan trọng nhất đối với Mori là bảo vệ nền độc lập của đất nước (kuni no dokuritsu), và để đáp ứng mục tiêu đó, hệ thống giáo dục hiện đại phải nhằm phát triển ý thức thống nhất dân tộc, để quốc gia trở thành nation-state, và bảo vệ đất nước hiệu quả. Cần phải giáo dục tốt tri thức (trí dục, chiiku), đạo đức (đức dục, tokuiku) và thân thể (thể dục, taiiku), ba loại tri thức mà ông đã học được từ người bạn triết gia của mình, Herbert Spencer, trong đó, trí dục chiếm vị trí quan trọng hàng đầu.
Fukuzawa Yukichi, nhà khai sáng hàng đầu của Nhật Bản, trong một chuyến đi công tác ở Pháp năm 1862, ít quan tâm đến những vẻ hào nhoáng vật thể bên ngoài bằng quan tâm đến trường học và các định chế khác hoạt động thế nào. Đó mới là phần chìm của xã hội tạo nên sức mạnh vật thể kia. Chưa hết, xa hơn, ông cho rằng tất cả những thứ nhìn thấy đó đều là sản phẩm của “một cái gì đó phi vật chất, không thể nhìn nghe, thấy, mua, bán hay cho vay mượn. Nó thâm nhập vào cả quốc gia, và ảnh hưởng của nó mạnh đến nỗi, nếu không có nó, không trường học hay định chế ngoại tại nào khác sẽ hữu ích. Điều cực kỳ quan trọng này chúng ta phải gọi là tinh thần của nền văn minh”. Đó là tinh thần độc lập trong thế giới tinh thần, và khoa học trong thế giới vật chất. Đó cũng là những cái thiếu trong giáo dục Nhật Bản, mà trách nhiệm là cái học Trung Hoa. Hãy từ bỏ cái học Trung Hoa và tập trung vào thực học (jitsugaku) để có khoa học hữu ích cho quốc gia, như ông kêu gọi trong tác phẩm Khuyến học.
Giáo dục cũng là một đề tài quan trọng hàng đầu trong chuyến đi của Sứ đoàn (Phái bộ) Iwakura (1871-1873) của các quan chức chính phủ Minh Trị. Tanaka Fujimaro, một thành viên của Sứ đoàn, sau này trở thành Thứ trưởng giáo dục, có ấn tượng vô cùng to lớn về giáo dục phương Tây nên sau đó đã viết một bộ sách mười lăm tập về những quan sát của ông về giáo dục đại chúng. Sau chuyến đi, tướng Yamada Kenji lý luận rằng giáo dục nhân dân là điều kiện tiên quyết căn bản của một quân đội hiện đại:
nền tảng của một quân đội hùng cường không đơn giản chỉ là trang bị súng đạn cho người lính, mà chính là cung cấp cho một nền giáo dục cho toàn dân chúng, không phân biệt giữa nông thôn và thành thị, và cung cấp cho nhân dân toàn quốc gia tri thức và sự học không có sự phân biệt đối xử về giai cấp hay thứ hạng.
Kido Takayoshi, phó sứ dưới quyền Iwakura Tomomi, ghi lại trong nhật ký: “Không có gì khẩn cấp đối với chúng ta hơn giáo dục”, và “trừ khi chúng ta thiết lập một nền tảng quốc gia không lay chuyển, chúng ta không thể nào nâng cao thanh thế quốc gia kể cả trong một ngàn năm nữa, … Dân chúng ta không khác gì dân chúng Mỹ hay châu Âu hôm nay; tất cả là vấn đề giáo dục hay không giáo dục.”
Các nhà cải cách Nhật Bản đã trải qua nhiều năm tranh luận, và những người ủng hộ “Tây phương hóa” (Westenizers) đã thắng thế trước những tư tưởng học những cái cũ của Trung Hoa và cả của Nhật Bản. Tuy nhiên, một yếu tố hết sức quan trọng khác xuất hiện là tiếng nói của Thiên hoàng, với sự trợ lực của gia sư Motoda Nagazane (Eifu), kêu gọi cần phải cân bằng cái học phương Tây và đạo đức Khổng giáo của phương Đông.
Motoda, được cử làm gia sư cho Thiên hoàng, được biết là người đã thảo ra “Ý chí Đế chế về Giáo dục” (Imperial Will on Education) năm 1879 với sự đề cao các lý tưởng đạo đức Khổng giáo, nguyên lý trung quân và tình yêu đối với đất nước (chūkun aikoku). Trong khi đó, Inoue Kowashi, một modernist, nhà cải cách hiện đại, và là người thân tín của thủ tướng Itō Hirobumi, đã thảo ra “Huấn lệnh Đế chế về Giáo dục” (Imperial Rescript on Education) năm 1890 như một sự thỏa hiệp với Motoda và Thiên hoàng.
Ông cũng là người phác thảo bản hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản năm 1889 bên cạnh Itō Hirobumi, đại diện cho phái đổi mới hiện đại. Trong cả hai văn bản, Huấn lệnh và Hiến pháp, ông sử dụng ý thức hệ đế chế (imperial ideology) như nền tảng của quy tắc đạo đức Nhật Bản với mục tiêu ổn định và duy trì nhà nước Minh Trị, giống như mô hình của Phổ. Nếu Cơ Đốc giáo là nền tảng đạo đức của các xã hội phương Tây, thì Inoue quay về truyền thống đế chế để lấy đó làm trung tâm của đạo đức cho dân chúng (kokumin dōtoku). Điều đó đã gặp gỡ quan điểm của Motoda kết thành những nguyên lý cho nền giáo dục Nhật Bản.
Huấn lệnh năm 1890 có đoạn viết:
Hỡi các thần dân,
Các Tổ tiên Đế chế của chúng ta đã sáng lập ra Đế chế chúng ta trên cơ sở rộng lớn và vững bền, và có đức hạnh bám rễ sâu xa và vững chắc. Các thần dân chúng ta, từ thế hệ này đến thế hệ khác đoàn kết lại trong lòng trung thành và hiếu thảo, đã minh họa cái đẹp của Đế chế. Đó là sự vẻ vang của tư chất căn bản của Đế chế chúng ta, và đó là nguồn cội của nền Giáo dục chúng ta.
Hỡi các thần dân, hãy hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương anh chị em, hãy hòa thuận giữa vợ chồng, và chân thành với bè bạn; hãy sống khiêm tốn và điều độ, và vị tha đối với mọi người; theo đuổi sự học và vun xới nghệ thuật và khoa học, và qua đó phát triển các năng lực trí thức, hoàn thiện năng lực đạo đức; hơn nữa, phát triển phúc lợi công, khuếch trương các quyền lợi chung; luôn luôn tôn trọng Hiến pháp và tuân thủ pháp luật; nếu tình hình khẩn cấp xuất hiện, hãy hiến thân một cách can trường cho Nhà nước; và do đó, gìn giữ và bảo vệ sự phồn vinh của Ngai vàng Đế chế chúng ta từ thuở tạo thiên lập địa. Và do đó, hãy không những là những thần dân tốt và trung thành của ta, mà còn làm cho những truyền thống tốt đẹp nhất của cha ông chúng ta trở nên rạng rỡ.
Minh triết cuối cùng của nhà nước Minh Trị là “Khoa học phương Tây, Đạo đức phương Đông”. Huấn lệnh và Hiến pháp đều bắt đầu bằng “Hỡi các thần dân” (Chin omou ni), nghĩa là của Thiên hoàng gửi cho các thần dân và gia đình họ. Đạo đức, sự hài hòa xã hội, và sự trung thành được nhấn mạnh, thay vì tự do cá nhân. Giáo dục trở thành một công cụ của nhà nước, và chính quyền tồn tại vì đất nước, thay vì cho cá nhân.
Điều cuối cùng của Năm điều thề ước, Charter Oath, được Thiên hoàng Minh Trị ban bố năm 1868, nói rằng “Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực đế chế” giờ đây với các văn kiện trên được thể hiện đầy đủ, kết thúc giai đoạn tìm đường cho giáo dục Nhật Bản, và đặt nền tảng cho thế kỷ 20. Một bản Hiến pháp hiện đại theo kiểu phương Tây, một Huấn lệnh về giáo dục truyền cảm hứng cho lòng yêu nước, trung quân, và một cuộc Công nghiệp hóa để tạo ra sức mạnh vật chất và năng lực quân sự làm cho “quốc phú, quân hùng” (fukoku kyōhei), đó là những điều mà các nhà cải cách Nhật Bản đã rút ra từ những bài học của phương Tây.
Tuy nhiên nhìn một góc độ khác, có thể nói, với Huấn lệnh ra đời như một ý thức hệ quốc gia, ánh hào quang của “Văn minh-Khai sáng” (bunmei kaika) của buổi ban đầu phai nhạt dần, và trễ lắm là sau chiến thắng của Nhật Bản trong cuộc chiến tranh với nhà Thanh 1894/95, nhường chỗ cho khẩu hiệu “quốc phú, quân hùng” giúp củng cố chủ nghĩa yêu nước (nationalism) vươn lên mạnh mẽ và tự tin. Khắp nơi diễn ra cuộc công nghiệp hóa, biến đất nước Phù Tang thành một “Nhật Bản thời Victoria” như ở Anh. Và, một cách rất cụ thể, an ninh quốc gia, sự sẵn sàng quân sự, và sự độc lập kinh tế lớn hơn, tất cả đều dựa trên công nghiệp sản xuất sắt. Năng lực chiến đấu và chiến thắng cũng là năng lực của người lính, và của trang bị vũ khí, cái cần đến sắt thép. Sắt thép trở thành biểu tượng của công nghiệp hóa, và những đồ vật công nghiệp, có ảnh hưởng lớn lên tấm thảm văn hóa-xã hội. Nhà máy gang thép Kamaishi tại thành phố cùng tên trở thành “nơi sản sinh ra ngành công nghiệp gang thép hiện đại của Nhật Bản”, và cuộc cách mạng công nghiệp của Nhật Bản có thể nói đã bắt đầu từ thị trấn nhỏ này. Vai trò của Kamaishi giống như vai trò của Krupp ở Essen, Đức. Và một trăm năm sau, Park Chung Hee cũng là người nhìn thấy công nghiệp này là then chốt cho sự phát triển kinh tế và quốc phòng, giữ gìn và bảo vệ độc lập quốc gia. POSCO có thể xem là phần tương ứng của Kamaishi.
Nhưng chiến thắng có cái giá của nó. Nếu trước cuộc chiến Pháp-Phổ 1870-1871, Friedrich Nietzsche đã tiên đoán, rằng chiến thắng quân sự của Phổ sẽ kéo theo sự suy thoái văn hóa của Đức như một hệ quả tất yếu, thì điều này cũng có thể áp dụng cho Nhật Bản trong những thập kỷ sau đó, khi chủ nghĩa quân phiệt chi phối toàn diện đời sống của người Nhật.
Trong giới trí thức Nhật Bản có một dòng chảy ngược lại với quan điểm chính thống, đó là giáo dục tính trách nhiệm cá nhân, tinh thần tư duy độc lập. Cần nói thêm, quan niệm đạo đức dựa trên một chủ thể quyền uy, hay tôn giáo, như được kết tinh trong hai văn bản Ý chí Đế chế và Huấn lệnh Đế chế không giống với quan niệm đạo đức của những nhà cải cách như Fukuzawa Yukichi và Mori Arinori. Huấn lệnh là một sự chuyển hướng, rời bỏ quan điểm ưa chuộng mô hình Anh-Mỹ nhấn mạnh vai trò cá nhân tính, tính phóng khoáng, và các quyền căn bản của con người trong một xã hội hiện đại được một số nhà khai sáng ủng hộ trong hai thập kỷ đầu, trong đó có Fukuzawa Yukichi, và Phong trào Nhân dân đòi Tự do. Bộ trưởng giáo dục đầu tiên Mori Arinori, người bị ám sát một năm trước khi Huấn lệnh ra đời – có lẽ cũng vì quan điểm phóng khoáng của ông trong giáo dục – lúc đầu có quan điểm giáo dục phóng khoáng như Anh-Mỹ theo những điều ông đã trải nghiệm trong thời gian làm đại sứ ở Mỹ, cuối cùng chủ trương nhấn mạnh giáo dục đạo đức, nhưng không phải từ ảnh hưởng của tôn giáo, kể cả của Khổng giáo và Cơ Đốc giáo, mặc dù ông là người chịu ảnh hưởng của Cơ Đốc giáo, mà phải làm sao dạy cho học sinh biết phân biệt cái thiện và cái ác. Ông không muốn nhấn mạnh đạo đức Khổng giáo, ngược với chủ trương của Motoda và Inoue. Mô hình Hiến pháp Nhật Bản thực chất đi theo mô hình hiến pháp Phổ nhấn mạnh vai trò rất lớn của Vua. Tác giả của sự du nhập mô hình này chính là Itō Hirobumi sau chuyến đi Iwakura, và người thân cận của ông, Inoue Kowashi.
Fukuzawa diễn tả sự khác biệt giữa hai quan điểm khi cho rằng “Nhật Bản của hôm nay đang trở thành không phải Nhật Bản của người Nhật Bản, mà một Nhật Bản của chính quyền Nhật Bản”. Người ta cho rằng, đây là cuộc “khai minh từ trên”, khác với cuộc “khai minh từ dưới”, như tình hình ở Đức trong thế kỷ 19 trước đó.
Quyển sách Mười nhà giáo dục lớn trình bày về việc những nhà giáo dục ưu tú của Nhật Bản nỗ lực đi tìm linh hồn cho Nhật Bản. Họ là những nhà giáo dục, nhà tư tưởng, quan chức trong bộ máy giáo dục nhà nước, các trường và đại học, đồng thời dấn thân vào giáo dục với tư cách cá nhân. Họ rất am tường các lý thuyết giáo dục thế giới, và tự mình xuất bản những tác phẩm về giáo dục cho Nhật Bản. Tinh thần giáo dục của họ không phải cục bộ hay đóng kín mà có sự hòa nhập vào cộng đồng giáo dục các quốc gia phát triển với những giá trị phổ quát. Họ quảng bá cho một thế giới hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia.
Sau Thế chiến II, một môi trường giáo dục mới phù hợp với những giá trị mà vì chúng các nhà giáo dục tiến bộ đã chiến đấu, có thể được tìm thấy trong Luật Cơ bản về Giáo dục năm 1947 với tinh thần được diễn tả trong Lời mở đầu:
Chúng ta, những công dân Nhật Bản, mong muốn phát triển hơn nữa nhà nước dân chủ và văn hóa mà chúng ta đã xây dựng bằng những nỗ lực không mệt mỏi của mình, đồng thời đóng góp cho hòa bình thế giới và cải thiện phúc lợi của nhân loại.
Để thực hiện những lý tưởng này, chúng ta sẽ coi trọng phẩm giá cá nhân, và nỗ lực giáo dục những con người biết khao khát sự thật và công lý, tôn vinh tinh thần đại chúng, giàu tính nhân văn và sáng tạo, đồng thời thúc đẩy một nền giáo dục truyền đạt truyền thống và hướng tới việc tạo ra một nền văn hóa mới.
Luật Cơ bản về Giáo dục tuyên bố trong mở đầu: “chúng ta sẽ tôn trọng phẩm giá cá nhân” (individual dignity) và Điều I, về “Mục tiêu của Giáo dục”, rằng “giáo dục sẽ hướng tới sự phát triển toàn diện của nhân cách (personality) … phấn đấu để nuôi dạy những con người… coi trọng giá trị cá nhân (individual value)”. Báo cáo của Hội đồng lâm thời về cải cách giáo dục tháng 6 năm 1985, cũng tuyên bố rằng “nguyên tắc nhấn mạnh vào cá nhân tính là nguyên tắc cơ bản được áp dụng tiềm tàng trong tất cả các khái niệm khác”
Nhà giáo dục Munakata Seiya hy vọng Luật Cơ bản về Giáo dục sẽ giúp phát triển ngành giáo dục lành mạnh hơn, nhưng cũng bày tỏ sự quan ngại rằng tinh thần của giáo dục mới có thể bị xói mòn trong những điều kiện đang tồn tại:
Khi nền giáo dục đánh mất sự độc lập của nó, giáo viên sẽ bị làm biến chất bởi chính quyền. Khi giáo viên hư hỏng, giáo dục sẽ xuống cấp. Sự xuống cấp của giáo dục sẽ hủy hoại nhân tính của trẻ em. Chúng ta không thể chờ đợi nhân phẩm của cá nhân được thừa nhận, theo Luật Cơ bản, dưới hệ thống hiện tại của giáo dục, càng không thể mong đợi sự tôn trọng tự do học thuật và tự do ngôn luận dưới hệ thống phê duyệt sách giáo khoa được thực hiện dưới sự kiểm soát của chính phủ. Trong những điều kiện đáng báo động này, nhắc đi nhắc lại bao nhiêu cũng không đủ rằng tinh thần của Luật Cơ bản về Giáo dục cần phải được khẳng định đi khẳng định lại.
Cuộc đời và sự nghiệp của mười nhà giáo dục lớn của Nhật Bản hiện đại truyền đạt được một phần quan trọng bức tranh giáo dục của Nhật Bản giai đoạn 1868-1945. Nhiều người trong đó từng lập ra các trường đại học nổi tiếng, như Fukuzawa, Naruse, Tsuda và Nitobe; đại học của ba người sau dành cho phụ nữ. Một điều đáng ngạc nhiên là trong số các nhà giáo dục có tới phân nửa trở thành tín đồ Cơ Đốc giáo (Naruse, Uchimura, Tsuda, Nitobe và Manbara), chưa kể Mori, người chịu ảnh hưởng của Tin Lành trong thời gian làm đại sứ ở Hoa Kỳ. Chúng ta nhớ lại, Cơ Đốc giáo từng bị truy bức và cấm đoán ở Nhật Bản trong suốt ba trăm năm, giống như từng xảy ra ở Việt Nam. Nhưng khi mở cửa, và chứng kiến tận mắt, giới trí thức Nhật tỏ ra cởi mở với Cơ Đốc giáo, cũng như với những ý tưởng khác, kể cả với học thuyết Karl Marx. Trong quyển sách, lần đầu tiên, bức tranh của những nhân cách tên tuổi như Fukuzawa Yukichi, Mori Arinori cũng được vẽ lên rất chi tiết, giúp chúng ta hiểu biết họ nhiều hơn. Fukuzawa Yukichi đã được biết nhiều ở Việt Nam trong phương diện khai sáng, ở đây sẽ được biết ở phương diện giáo dục, còn Mori Arinori thì hầu như còn rất hiếm.
Tôi quan tâm đến giáo dục Nhật Bản từ lâu. Năm 2012 tôi đã viết bài nghiên cứu Tại sao người Nhật mê đọc sách? Và đọc tham luận Từ đọc sách đến khai minh của người Nhật tại Hội thảo “Sách và Chấn hưng giáo dục”. Dân tộc này có một văn hóa đọc và học đáng kinh ngạc ngay từ thời Tokugawa còn đóng cửa 1600-1868. Họ là một dân tộc võ sĩ, nhưng sau khi hòa bình và thống nhất đất nước được lập lại, đã trở thành dân tộc có văn hóa đọc rất cao. Lý tưởng học của họ không hề để làm quan, mà để có văn hóa, biết tư duy, và lãnh đạo đất nước cho tốt hơn. Đất nước đóng cửa nhưng không phải để mục nát, mà để thăng hoa, làm lộ rõ bản chất văn hóa Nhật Bản hơn nữa. Chính trong giai đoạn tỏa quốc đó mà văn hóa Nhật đặc thù ngày nay đã phát triển rực rỡ và trở thành di sản vĩnh cửu của quốc gia. Văn hóa đọc phát triển chính là nền tảng thuận lợi để người Nhật nhanh chóng thành công trong cuộc Đổi mới Minh Trị.
Sau số kỷ yếu về Mô hình Đại học nghiên cứu Humboldt, tôi đã tìm cách xuất bản sách về lịch sử giáo dục Nhật Bản thời Minh Trị, bởi nó quá truyền cảm hứng, nhưng rất tiếc chưa có nhà xuất bản nào chịu nhận và tiến hành. Quyển sách Mười nhà giáo dục lớn mà độc giả cầm trên tay là một sự thành công đầu tiên trong chủng loại này, chỉ được thực hiện sau nhiều năm rất khó khăn trong việc mua tác quyền. Đáng lẽ nó đã ra đời để kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy Tân 2018. Tôi rất cảm ơn Viện IRED đã khai thông được khâu này.
Xin chân thành giới thiệu với độc giả, với các nhà giáo và nhà nghiên cứu một tác phẩm giáo dục Nhật Bản hết sức quan trọng.
Nguyễn Xuân Xanh
28/5/2023
Xem thêm một số bài viết về Nhật Bản trong cùng trang web rosetta của tác giả:
NHẬT BẢN – Bài viết của Nguyễn Xuân Xanh (rosetta.vn)