Immanuel Kant một thoáng

by , under Uncategorized

IMMANUEL KANT MỘT THOÁNG

Kỷ niệm 200 năm ông qua đời (1804-2004)

 Nguyễn Xuân Xanh (2004)

 

Hai điều chiếm ngự tâm tư với sự khâm phục và kính trọng sâu sắc ngày càng nhiều hơn, khi càng suy nghĩ nhiều hơn lâu hơn về chúng: bầu trời đầy sao trên tôi và luật đạo đức trong tôi.                

(Zwei Dinge erfüllen das Gemüt mit immer neuer und zunehmender Bewunderung und Ehrfurcht, je öfter und anhaltender sich das Nachdenken damit beschāftigt: der bestirnte Himmel über mir und das moralische Gesetz in mir.)

Cái (thế giới) thực không phải để cho ta, mà được đặt ra cho ta (để giải nó).

(Das Wirkliche ist uns nicht gegeben, sondern aufgegeben.)

Immanuel Kant

Immanuel Kant (1724-1804)

 

Summary. Dieser Aufsatz ist ein Versuch, Immanuel Kant anläßlich seines 200. Todestages einem vietnamesischsprachigen Publikum vorzustellen. Kant war ein glühender Verfechter der Aufklärung. Er verstand sie als Befreiung des Menschen aus der selbstverschuldeten Abhängigkeit, wobei dem Wissen und dem kritischen Denken die zentrale Rolle zukommt. Er unternahm eine radikal kritische Analyse des menschlichen Denkvorgangs. Veraltete Vorstellungen darüber unterzog er einer grundlegenden Kritik. Nach Kant ist der menschliche Geist durch innere komplexe Strukturen und Vermögen befähigt, a priori Erkenntnisse über die Erfahrung hinaus zu erlangen. Die Beziehung zwischen sinnlicher Erfahrung und reiner Erkenntnis ist nicht deduktiv sondern von komplizierter Natur, nicht eine solche wie die zwischen “Suppe und Rindfleisch”, sondern eher eine wie die zwischen “Garderobenummer und Mantel”, wie Einstein es bildlich ausdrückte. Kant war auch der erste, der für eine gemeinschaftliche Form der Koexistenz freier Staaten eintrat und dafür Grundlinien entwarf, um die Völkergemeinschaft endlich aus dem wilden gesetzlosen Zustand herauszuführen. Sein grosser Traum war der vom ewigen Frieden auf Erden. Ethische Grundsätze sollten das Handeln des Menschen im Zusammenleben leiten, der Mensch sollte die Verantwortung gegenüber sich selbst und der Natur übernehmen. Auf eine höhere Macht braucht er sich dabei nicht berufen. Kants “kategorischem Imperativ” zufolge sollte der Mensch so handeln, daß die Maxime seines Handelns die Maxime des Handelns aller und zum allgemeinen Naturgesetz werden könnte.

 

Lời nói đầu

Hai mươi năm trước, 2004, vì tình yêu và lòng ngưỡng mộ đối với Immanuel Kant như một nhà triết học và khoa học mà tôi đã viết bài tiểu luận dưới đây về ông nhân thế giới kỷ niệm 200 năm ngày mất của ông, ngay cả trước khi tôi viết Einstein. Rời nước Đức, tôi vẫn giữ “Sapere aude”, và “bầu trời đầy sao trên tôi, và định luật đạo đức trong tôi” mà ông đã truyền cảm hứng cho tôi, cũng là biểu tượng của hai tính chất nổi bật của thế kỷ ánh sáng: sự vươn lên của khoa học hiện đại, và cũng là thế kỷ của đạo đức, nhân từ, điều mà người ta dễ quên.

Nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông, tôi xin đăng lại để các anh chị quan tâm tham khảo. Đặc biệt tôi muốn gửi đến hơn 300 vị khách tham gia buổi Hội thảo về Kant tại Đại học Văn Lang ngày 19/7 vừa qua. Tôi chỉ tu chỉnh đôi chỗ nhỏ.

Nguyễn Xuân Xanh

 

Immanuel Kant là một triết gia khai sáng lớn (Aufklärer) của thế kỷ 18, in rất đậm dấu ấn lên thời đại của ông. 2004 kỷ niệm đúng 200 năm mất của ông. Đây là dịp để thế giới tổ chức nhiều hội nghị về ông.

Immanuel Kant sinh năm 1724 tại Königsberg (nay là Kaliningrad của Nga), phần lớn cuộc đời không bao giờ rời khỏi thành phố, và mất tại đó ngày 12 tháng 2 năm 1804. Königsberg cũng là nơi sinh trưởng của nhiều tên tuổi lớn khác của Đức: David Hilbert, Gustav Kirchhoff và Arnold Sommerfeld.

Ông là người con thứ tư trong 9 người con trong một gia đình nghèo của một người thợ thủ công nghề đóng móng ngựa. Ông mất mẹ năm 13 tuổi và mất bố năm 22. Mẹ ông là người đã ảnh hưởng sâu đậm đến sự phát triển con người ông. “Mẹ tôi đã gieo trồng và nuôi dưỡng hạt giống đầu tiên của cái thiện trong tôi, mở trái tim tôi trước những ấn tượng ban đầu của thiên nhiên, đánh thức và mở rộng các khái niệm của tôi, và những bài dạy của Bà đã có một tác dụng như những liều thuốc tinh thần lâu dài lên đời tôi.” (Ich werde meine Mutter nie vergessen; denn sie pflanzte und nährte den ersten Keim des Guten in mir, sie öffnete mein Herz den ersten Eindrücken der Natur; sie weckte und erweiterte meine Begriffe, und ihre Lehren haben einen immerwährenden, heilsamen Einfluß gehabt.)

Năm 22 tuổi ông đã khẳng định: “Tôi đã vạch con đường cho tôi mà tôi sẽ giữ lấy. Tôi sẽ đi con đường đó và không có gì có thể ngăn tôi tiếp tục đi trên đó.” (Ich habe mir die Bahn schon vorgezeichnet, die ich halten will. Ich werde meinen Lauf antreten, und nichts soll mich hindern, ihn fortzusetzen.”

Trên căn nhà Kant 1780 (1945 bị phá huỷ). Dưới: Königsberg với nhà của Kant bên tay trái và Dom ở phía sau

Nửa cuộc đời đầu ông nghiên cứu về thiên văn vũ trụ. Năm 31 tuổi (1755) ông xuất bản tác phẩm quan trọng của ông Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels (Lịch sử tự nhiên phổ quát và Lý thuyết bầu trời), trong đó – dựa vào Newton – ông tìm cách giải thích về sự hình thành và phát triển của cả vũ trụ một cách hệ thống. Ông đặt giả thuyết hệ thống mặt trời đã hình thành và tiến hoá từ một khối sương mù quay ban đầu, và tiên đoán ngoài dải ngân hà còn có nhiều thiên hà khác. Điều đó sau này được khoa học chứng minh là đúng. Đó là phần tình yêu của ông đối với thiên nhiên, phần “Bầu trời đầy sao trên tôi” (Der bestirnte Himmel über mir).

Nửa phần cuộc đời sau (từ năm 40 tuổi trở đi) ông chuyển hướng nghiên cứu sang đối tượng con người. “Tôi học tôn vinh con người” (Ich lerne die Menschen ehren). Các tác phẩm chính của giai đoạn quan trọng này là:

  1. Kritik der reinen Vernunft (Phê phán lý tính thuần tuý, 1871)
  2. Prolegomena zu einer jeden künftigen Metaphysik, die als Wissenschaft wird auftreten können (Lời nói đầu về bất cứ một siêu hình học tương lai có thể xuất hiện như khoa học, 1783, Giải thích và tóm tắt của 1)
  3. Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung? (Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?, 1784)
  4. Kritik der praktischen Vernunft (Phê phán lý tính thực hành, 1788; 1789 Cách mạng Pháp)
  5. Kritik der Urteilskraft (Phê phán khả năng phán đoán, 1790)
  6. Religion innerhalb der Grenzen der blossen Vernunft (Tôn giáo trong những giới hạn của lý tính đơn thuần, 1793)
  7. Zum ewigen Frieden (Về Hoà bình vĩnh cửu, 1795)

Trên: tác phẩm Phê phán lý tính thuần túy năm 1871. Dưới: Thành phố Königsberg thế kỷ 18

Tác phẩm “Phê phán lý tính thuần tuý” là một cuộc cách mạng về phương pháp tư duy, là cơ sở mới của triết học xứ sở buổi chiều. Toàn bộ vấn đề tư duy của con người được mổ xẻ tận gốc rễ. Ông chỉ ra khả năng và giới hạn của lý trí nhận thức (erkennende Vernunft) và của các nguyên lý của lý trí hành động (handelnde Vernunft). “Phê phán” không có nghĩa là chỉ trích (kritisieren), mà là kiểm tra (prüfen), là phân tích có phê phán (kritische Analyse) những khả năng của lý trí thuần tuý (reine Vernunft). “Lý trí thuần tuý” là nhận thức (Erkenntnis) không phải đến thông qua giác quan (Sinne) mà độc lập với kinh nghiệm của giác quan, là tiền nghiệm (a priori). Đó là kiến thức con người có được nhờ vào bản chất và cấu trúc nội tại của tinh thần (Geist). Kant cho rằng không phải tất cả nhận thức của chúng ta đến từ các giác quan. Kinh nghiệm “lại càng không phải vùng duy nhất mà ở đó hiểu biết của chúng ta bị giới hạn”. Tuy nó nói cho chúng ta biết cái gì ở đó, nhưng không nói phải tất yếu như thế, hoặc không thể khác hơn được. Chính vì thế nó không thể cho ta tính phổ quát thật sự (ảnh hưởng từ David Hume); và lý trí, cái luôn luôn thèm khát loại nhận thức này, sẽ bị kích thích hơn là được thoả mãn bởi chúng. Những nhận thức có tính chất phổ cập, nếu muốn cùng lúc có tính chất của một sự tất yếu nội tại, phải độc lập với kinh nghiệm, tự nó rõ ràng và chắc chắn…” (Die Erfahrung ist bei weitem nicht das einzige Feld, darin sich unser Verstand einschränken läßt. Sie sagt uns zwar, was da sei, aber nicht, daß es notwendigerweise so und nicht anders sein müsse. Eben darum gibt sie uns auch keine wahre Allgemeinheit; und die Vernunft, welche nach dieser Art von Erkenntnissen so begierig ist, wird durch sie mehr gereizt, als befriedigt. Solche allgemeine Erkenntnisse nun, die zugleich den Charakter der inneren Notwendigkeit haben, müssen von der Erfahrung unabhängig, für sich selbst klar und gewiß sein…)

Albert Einstein (1879-1955)

Về chủ nghĩa kinh nghiệm Einstein nói từ bản thân của ông: “Tôi còn học được điều khác nữa sau đây từ lý thuyết trường hấp dẫn: Một sự thu thập các dữ kiện thực nghiệm dù quy mô đến đâu cũng không có khả năng dẫn tới việc thiết lập được các phương trình phức tạp như thế. Một lý thuyết có thể được kiểm chứng bởi kinh nghiệm thực tế, nhưng không có con đường nào dẫn từ kinh nghiệm đến việc thiết lập một lý thuyết. Các phương trình có độ phức tạp như các phương trình của trường hấp dẫn chỉ có thể tìm bằng cách tìm một điều kiện logic toán học đơn giản để nó có thể xác định các phương trình một cách đầy đủ hay gần như thế. Khi đã có những điều kiện đủ mạnh rồi người ta chỉ cần một ít kiến thức sự vật để thiết lập nên lý thuyết; ở các phương trình lực hấp dẫn tính bốn chiều (của continuum không gian-thời gian) và tenxơ đối xứng là biểu hiện của cấu trúc không gian” (Noch etwas anderes habe ich aus der Gravitationstheorie gelernt: Eine noch so umfangreiche Sammlung empirischer Fakten kann nicht zur Aufstellung so verwickelter Gleichungen führen. Eine Theorie kann an der Erfahrung geprüft werden, aber es gibt keinen Weg von der Erfahrung zur Aufstellung einer Theorie. Gleichungen von solcher Kompliziertheit wie die Gleichungen des Gravitationsfeldes können nur dadurch gefunden werden, daß eine logisch einfache mathematische Bedingung gefunden wird, welche die Gleichungen völlig oder nahezu determiniert. Hat man aber jene hinreichend starken formalen Bedingungen, so braucht man nur wenig Tatsachenwissen für die Aufstellung der Theorie; bei den Gravitationsgleichungen ist es die Vierdimensionalität und der symmetrische Tensor als Ausdruck für die Raumstruktur.)

Nhà vật lý Max Born ôn lại quan niệm triết lý của ông trong nghiên cứu khoa học: “Niềm tin ngày xưa của tôi vào tính ưu việt của cách tư duy khoa học tự nhiên trước những con đường khác để hiểu và hành động dường như là một sự tự ảo tưởng, nó dựa trên nhiệt tình tuổi trẻ về sự rõ ràng của các lý thuyết vật lý so sánh với sự không rõ ràng của các sự suy đoán siêu hình”  (Mein einstiger Glaube an die Überlegenheit der naturwissenschaftlichen Denkweise über andere Wege zum Verstehen und Handeln scheint mir jetzt eine Selbsttäuschung, die auf der jugendlichen Begeisterung über die Klarheit der physikalischen Lehren im Vergleich mit der Verschwommenheit metaphysischer Spekulationen beruhte.) Các nhà khoa học cũng phải cần đến “siêu hình học” để hướng dẫn tư tưởng của mình trong việc khám phá thế giới. Siêu hình học, như Bertrand Russell nói, chính là “nỗ lực bằng tư duy để hiểu thế giới như một tổng thể” (Metaphysik oder der Versuch, die Welt als ein Ganzes durch Denken zu erfassen).

Einstein nói thêm về giới hạn của nhận thức từ cảm nhận của giác quan: “Niềm tin vào một thế giới bên ngoài độc lập với chủ thể cảm nhận là cơ sở của mọi khoa học. Tuy nhiên vì những sự cảm nhận bằng giác quan chỉ có thể thông tin một cách gián tiếp về thế giới bên ngoài hay về cái thực của vật lý, cho nên cái này chỉ có thể nghĩ ra bằng con đường suy đoán của chúng ta. Do đó những cách hiểu của chúng ta về cái thật của vật lý thì không bao giờ đi đến chung cuộc. Chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng thay đổi những cách hiểu biết này, nghĩa là thay đổi cái nền tảng tiền đề của vật lý, để thoả mãn các sự thật của cảm nhận một cách ngày càng hoàn hảo về mặt logic.” (Der Glaube an seine vom wahrnehmenden Subjekt unabhängige Aussenwelt liegt aller Naturwissenschaft zugrunde. Da die Sinneswahrnehmungen jedoch nur indirect Kunde von dieser Außenwelt bzw. vom ‘Physikalisch-Realen’ geben, so kann dieses nur auf spekulativem Weg von uns erfasst werden. Daraus geht hervor, daß unsere Auffassungen vom Physikalisch-Realen niemals endgültig sein können. Wir müssen stets bereit sein, diese Auffassungen, d.h. das axiomatische Fundament der Physik, zu verändern, um den Tatsachen der Wahrnehmung auf eine logisch möglichst vollkommene Weise gerecht zu werden.)

Về vai trò của tính tiên nghiệm trong nhận thức con người trong khoa học, Einstein nói: “Theo quan điểm của khoa học ngày nay thì hình học, xét tự nó và một cách chặt chẽ, không hề phù hợp với kinh nghiệm, nó phải được áp dụng cùng với cơ học, quang học vv. để cắt nghĩa khoa học. Hơn thế nữa hình học phải đi trước vật lý, bởi vì những định luật vật lý không thể diễn đạt được mà không có hình học. Cho nên hình học có thể được xem như một khoa học tất yếu phải đi trước mọi kinh nghiệm và mọi khoa học kinh nghiệm.”  (Nach der Auffassung der heutigen Wissenschaft entspricht die Geometrie, für sich und streng genommen, überhaupt keiner Erfahrung, sie muß zu ihrer Erklärung gemeinsam mit der Mechanik, Optik usw. angewandt werden. Darüber hinaus muß die Geometrie der Physik voraufgehen, weil die physikalischen Gesetze ohne Geometrie nicht ausgedrückt werden können. Deshalb kann die Geometrie sich auch als eine Wissenschaft erweisen, die logisch jeder Erfahrung und jeder Erfahrungswissenschaft voraufgeht…). Có những khái niệm mang tính “tiên nghiệm” nhưng phải có trước để hỗ trợ phát triển các khoa học khác, cho đến khi mâu thuẫn xuất hiện, con người sẽ tìm cách thay áo cũ bằng một cái áo mới rộng rãi và thích hợp hơn. Hình học Euklid, vốn được Kant xem là tiên nghiệm, đã được Einstein thay thế bằng hình học phi-Euclid đầu thế kỷ 20, nhưng đã tỏ ra có thể thỏa mãn được sự diễn tả thế giới qua lý thuyết tương đối của Einstein một cách chính xác hơn so với cơ học cổ điển của Newton. Và khái niệm này không còn là tiên nghiệm, mà trở thành hậu nghiệm. Cũng thế, không gian và thời gian, vốn có ý nghĩa tuyệt đối từ lúc hình thành và được cố định như thế trong cơ học Newton, được Kant xem là những phạm trù tiên nghiệm, sản phầm của cấu trúc của ý thức, bước vào thế kỷ 20, thông qua lý thuyết tương đối, đã mất đi ý nghĩa bất biến tuyệt đối của chúng, cũng như không còn tồn tại riêng lẻ, mà, như Minkowski nói,  “Từ thời điểm này trở đi không gian xét riêng và thời gian xét riêng sẽ biến thành cái bóng, và chỉ còn một dạng liên kết của chúng mới giữ được sự tồn tại độc lập” (Von Stund an sollen Raum für sich und Zeit für sich völlig zu Schatten herabsinken, und nur noch eine Art Union der beiden soll Selbständigkeit bewahren.)

Einstein đi tiếp: “Nếu không hề phạm tội với lý trí, người ta sẽ không làm được cái gì hết, hay là cũng như thể, người ta sẽ không thể xây được căn nhà hay cây cầu mà không sử dụng dàn giáo, cái thật ra không thuộc về mục tiêu xây dựng.” (Wenn man gar nicht gegen die Vernunft sündigt, kommt man überhaupt zu nichts, oder auch, man kann kein Haus und keine Brücke bauen ohne Benutzung eines eigentlich nicht dazu gehörigen Gerüstes.) Einstein tin vào khả năng tư duy thuần tuý của con người: “Tôi vì thế cho rằng, trong nghĩa nhất định, tư duy thuần tuý làm cho ta có khả năng hiểu được sự thật, như điều những người đi trước mơ ước” (Ich halte es daher in gewissem Sinne für richtig, daß das reine Denken uns befähigt, die Wirklichkeit so zu erfassen, wie die Alten es sich erträumt haben.) Nhưng tư duy thuần túy ở đây khác với tư duy trên mây, hay hay suy tưởng thuần túy vào thời đầu của triết học. Phạm tội với lý trí chính là lúc người ta bước qua ranh giới của kinh nghiệm để vào vùng siêu hình, tiên nghiệm. Kant muốn xây dựng siêu hình học thành khoa học, khắc phục chủ nghĩa kinh nghiệm của Hume (theo Kant không thấy hết khả năng của lý trí) và siêu hình học giáo điều của Leibniz (đánh giá quá cao khả năng của lý trí). Ông là người tuy say mê siêu hình học, nhưng đồng thời cũng phê phán siêu hình học gay gắt, cho rằng siêu hình học là một “vực thẳm không đáy” (bodenloser Abgrund), hay ví nó như một “đại dương tăm tối không bến bờ, không hải đăng” (ein finsterer Ozean ohne Ufer und Leuchttürme), đầy những xác chết của những kẻ đắm thuyền. Ông công kích những người siêu hình học, cho rằng họ là những người “sống trên các tháp cao của suy đoán xung quanh đó thường có nhiều gió”. Nhưng ông không thấy trước được rằng chính ông là người gây ra cơn bão siêu hình học lớn nhất.

Tác phẩm “Phê phán” đồ sộ hơn tám trăm trang này, được Kant viết trong 15 năm liền, xuất bản vào lúc ông đã 57 tuổi, là sinh vật học của tư duy, nghiên cứu nguồn gốc và sự phát triển của khái niệm, phân tích triệt để cơ cấu được truyền lại đến nay của tinh thần. “Phê phán” bắt nguồn từ khi ông suy nghĩ về vấn đề về nguồn gốc vũ trụ (kosmologisches Problem): thế giới hữu hạn hay vô hạn, về không gian và thời gian. (Vấn đề hữu hạn hay vô hạn của không gian đã được Einstein đề nghị giải đáp: thế giới là hữu hạn nhưng không có biên giới.)

Một trong những hệ luận là mỗi sự cố gắng của khoa học hay tôn giáo nhằm xác định sự thật cao nhất đều trở thành giả thuyết và sự hiểu biết (Verstand) không bao giờ vượt qua được những hàng rào của giác quan. Das Ding (sự vật), cái hiện ra trước mắt ta, và Das Ding an sich – sự vật tự nó – khác nhau cơ bản. Ranh giới của kinh nghiệm của giác quan và ranh giới của lý thuyết thuần tuý có thể là một. Ông cảnh báo con người trước những ảo tưởng, thất vọng, giống như một người lái thuyền muốn đi tìm “hòn đảo chân lý bị bao quanh bởi một đại dương đầy sóng gió”, nơi cư ngụ của ảo ảnh (Schein), càng đi có thể càng bị những cảnh sương mù hay băng tan làm anh ta không ngừng nuôi hy vọng sắp đến đích là hòn đảo chân lý, rồi anh ta tiếp tục đi không ngừng nghỉ. Giống như hình ảnh của Newton khi ông khiêm tốn nói về những khám phá của mình: “Tôi không biết tôi hiện ra như thế nào trước thế giới. Còn tôi, tôi có cảm tưởng mình như một đứa trẻ đang chơi trên bãi biển. Tôi hài lòng với việc nhặt được đó đây một hòn sỏi nhẵn hơn các hòn sỏi khác, hay là một vỏ sò đẹp– trong khi đại dương lớn của chân lý đang nằm trước mặt tôi vẫn chưa được nghiên cứu” (Ich weiss nicht, wie ich der Welt erscheine. Mir selber erscheine ich wie ein Knabe, der am Meeresstrand spielt. Ich vergnüge mich damit, hier und da einen Kiesel aufzulesen, der glatter war als die anderen, oder eine hübsche Muschel – während der große Ozean der Wahrheit unerforscht von mir lag.)

Kant đã đặt những câu hỏi cốt lõi cho “Phê phán”: “Vì sao toán học thuần tuý lại có thể?”.  “Vì sao khoa học tự nhiên thuần tuý lại có thể?”. Tức “Vì sao có được những khả năng phán đoán tổng hợp tiên nghiệm?” (trong khoa học) (Wie sind synthetische Urteile a priopri möglich?)[1] Ộng xem vật lý của Newton là một khoa học thuần tuý. Mặc dù nó được kiểm nghiệm bằng quan sát, nhưng không phải là kết quả của quan sát, mà là của những phương pháp tư duy của con người. Nó là “sản phẩm thuần tuý” của tư duy của con người. Ông trả lời câu hỏi đó như thế này: “Lý trí sáng tạo những định luật …của nó không phải từ thiên nhiên, mà đặt ra những định luật ấy cho thiên nhiên” (Der Verstand schöpft seine Gesetze…nicht aus der Natur, sondern schreibt sie dieser vor.) Lý tính … là khả năng mang lại những nguyên tắc của nhận thức một cách tiên nghiệm (Vernunft …ist ein Vermögen, welches die Prinzipien der Erkenntnis a priopri an die Hand gibt.) Nhưng đồng thời lý luận về thế giới một cách thuần túy và suy đoán, không dựa vào quan sát ắt sẽ chứa đựng mâu thuẩn trong nó (Antinomien). Vật lý Newton quả đã có mâu thuẫn trong nó và phải chờ hai trăm năm sau Einstein gỡ rối.

Trong tác phẩm “Kritik der praktischen Vernunft” (Phê phán lý tính thực hành) ông soi sáng phương diện đạo đức của hành động thực tiễn và ý muốn của con người. Như một chủ thể tự do con người phải tự nhận thức đạo đức trong chính mình và vun xới nó mà không cần những tín điều tôn giáo hoặc những qui định luật pháp hay quyền luật nhà nước. Đó là “Luật đạo đức trong tôi” (Das moralische Gesetz in mir). “Mệnh lệnh tuyệt đối” (Der kategorische Imperativ) của ông là: người ta nên kiểm tra xem hành động của mình theo tiêu chuẩn: hành động đó có thể biến thành một luật rộng rãi được không mà không cần phải cầu nguyện thượng đế nào hay vâng theo mệnh lệnh của một nhà lãnh đạo nào. Chỉ có những gì đạo đức có thể tổng quát hoá được mới có thể là nền tảng của một cuộc sống chung nhân bản của các cá nhân đặc thù. “Handle so, daß die Maxime deines Willens jederzeit zugleich als Prinzip einer allgemeinen Gesetzgebung gelten könne” hoặc “Handle so, als ob die Maxime deiner Handlung durch deinen Willen zum allgemeinen Naturgesetz werden sollte.”  Cuộc chiến đấu cho sự tồn tại (Kampf für das Dasein) không hẳn là xấu, vì nếu xã hội hoà hợp hoàn toàn thì cũng sẽ không có tiến bộ, nhưng con người sẽ sớm sẽ nhận thấy cuộc chiến đấu đó phải được điều tiết bằng quy tắc, đạo đức và luật pháp (“ungesellige Geselligkeit”). Con người sống hợp quần, nhưng đồng thời cần phải có “khoảng cách” được luật pháp bảo vệ. Một cách diễn đạt khác: Hãy hành động để bạn không bao giờ sử dụng nhân loại, trong hình ảnh của bạn hay của mỗi người khác (luôn luôn cùng là cứu cánh), như chỉ là một phương tiện.” (Handle so, daß du die Menschheit, sowohl in deiner Person als in der Person eines jeden anderen, jederzeit zugleich als Zweck, niemals bloß als Mittel brauchest.”

 

Đại học và Nhà thờ ở Königsberg khoảng năm 1800

Kant là người cổ vũ mạnh mẽ sự trưởng thành của con người bằng sự khai sáng. Trong Was ist Aufklärung? (Khai sáng là gì?) ông viết “Khai sáng là con người ra khỏi sự lệ thuộc đã tự chuốc lấy (vì chưa trưởng thành). Lệ thuộc là sự thiếu năng lực sử dụng trí năng của mình mà không có sự hướng dẫn của người khác” (Aufklärung ist der Ausgang des Menschen aus seiner selbstverschuldeten Unmündigkeit. Unmündigkeit ist das Unvermögen, sich seines Verstandes ohne Leitung eines anderen zu bedienen). Cho nên “Hãy có can đảm sử dụng trí tuệ của chính mình.” (Habe Mut, dich deines eigenen Verstandes zu bedienen) là khẩu hiệu của Khai sáng.  Ông tin tưởng Con người tự lao động để đưa mình dần dần bước ra khỏi tình trạng thô thiển, nếu người ta không cố ý ngăn cản một cách giả tạo để giữ con người trong tình trạng thô thiển đó (Die Menschen arbeiten sich von selbst nach und nach aus der Rohigkeit heraus, wenn man nur nicht absichtlich künstelt, um sie darin zu halten.) Đó là sự Tự giải phóng bằng Tri thức (Selbstbefreiung durch das Wissen).

Marx gọi triết học Kant là “Lý thuyết Đức của Cách mạng Pháp” (Deutsche Philosophie der französischen Revolution). Đó là một cuộc cách mạng bằng triết học, sức mạnh tư duy, bằng sự phê phán toàn diện cái cũ, giống như cuộc cách mạng Pháp đã làm bằng sức mạnh của nhân dân. Heinrich Heine nói rõ hơn: “Với cuốn sách này (Phê phán lý tính thuần tuý)…bắt đầu một cuộc cách mạng tinh thần tại Đức với những nét tương tự đặc biệt nhất với cuộc cách mạng vật chất ở Pháp….Ở hai bên bờ sông Rhein chúng ta thấy cùng một cuộc đoạn tuyệt với quá khứ, người ta từ bỏ hết mọi sự kính trọng trước truyền thống; như ở đây tại Pháp mọi quyền lợi, ở đó tại Đức mọi ý tưởng phải tự biện minh mình, và như ở đây chế độ quân chủ, cái cột trụ của trật tự xã hội cũ, thì ở đó thần luận, cái cột trụ của chế độ tinh thần cũ, sụp đổ.” (Mit diesem Buch…beginnt eine geistige Revolution in Deutschland, die mit der materiellen Revolution in Frankreich die sonderbarsten Analogien bietet….Auf den beiden Seiten des Rheines sehen wir denselben Bruch mit der Vergangenheit, der Tradition wird alle Ehrfurcht aufgekündigt; wie hier in Frankreich jedes Recht, so muß dort in Deutschland jeder Gedanke sich justifizieren, und wie hier das Königtum, der Schlußstein der alten sozialen Ordnung, so stürzt dort der Deismus, der Schlußstein des geistigen alten Regimes.) Nếu ở Pháp người ta làm cuộc giải phóng bằng sức mạnh cách mạng của quần chúng thì ở Đức Kant làm cuộc tự giải phóng phóng của con người bằng hiểu biết, tư duy. Tiếng sấm cách mạng của Pháp đã rền vang trong triết học và văn hoá Đức, không phải chỉ trong chốc lát rồi im. Triết học và văn hoá Đức thế kỷ 18 đã trở thành nền tảng xây dựng cho sự phát triển xã hội Đức ở những thế kỷ sau. Triết học Kant đặc biệt trở thành người đồng hành trợ lực cho khoa học.

Trong ”Zum ewigen Frieden” (Về Hoà bình vĩnh cửu) ông phác hoạ một thế giới mới cho cuộc sống chung của các quốc gia và con người tự do, ra khỏi tình trạng hoang dại vô luật pháp, không còn sự áp đặt của những kẻ mạnh, không còn sự can thiệp của các nước mạnh vào các nước khác, trong đó tự do của người này tồn tại một cách hoà bình bên cạnh tự do của người khác. “Không quốc gia nào được phép can thiệp bằng bạo lực vào hiến pháp và chính quyền của một quốc gia khác” (Kein Staat soll sich in die Verfassung und Regierung eines anderen Staats gewalttätig einmischen). Theo Kant việc bành trướng của các cường quốc châu Âu sang Châu Mỹ, Phi và Á để tranh giành miếng mồi chính là nguồn gốc của chiến tranh. Ông phác hoạ nền tảng pháp lý của một cộng đồng thế giới của các dân tộc có chủ quyền sống hoà bình với nhau, một hình thức thể chế liên bang của các dân tộc độc lập. “Quyền dân tộc (tự quyết) nên được xây dựng trên một thể chế liên bang các quốc gia tự do” (Das Völkerrecht soll auf einen Förderalism freier Staaten gegründet sein)“Hiến pháp công dân trong mỗi quốc gia nên là cộng hoà” (Die bürgerliche Verfassung in jedem Staat soll republikanisch sein) để ngăn cản sự lạm quyền của các nguyên thủ vào những vần đề chiến tranh hay hoà bình. Chỉ như thế mới chấm dứt được chiến tranh, mới có hoà bình vĩnh cửu. Triết lý đó như một ánh lửa hy vọng từ xa, mà cộng đồng thế giới phải tốn biết bao xương máu ngày nay mới đến gần được, mặc dù chưa phải đã được thực hiện trọn vẹn theo di chúc của Kant trên trái đất. Có lẽ mượn ý tưởng này mà Einstein, trước sự huỷ diệt khủng khiếp của hai cuộc Thế chiến, đã đề nghị các dân tộc nên có chính quyền thế giới (Weltregierung). Chỉ có như thế mới tránh được hiểm hoạ chiến tranh vĩnh viễn.

Thời đại của Kant là thời đại phê phán, phê phán để khai sáng. “Thời đại của chúng ta là thời đại thực sự của phê phán mà tất cả phải được đặt dưới đó” (Unser Zeitalter ist das eigentliche Zeitalter der Kritik, der sich alles unterwerfen muß). Tất cả những gì tránh né nó, tôn giáo với tính thiêng liêng, hay lập pháp với tính uy nghiêm của quyền lực, chẳng bao lâu sẽ tạo ra dư luận đối kháng, và sẽ không có quyền có được sự kính trọng, tin tưởng, những cái chỉ những gì có được sau khi đã đứng vững trước sự kiểm nghiệm công khai và tự do.

Goethe nói rằng mỗi lần đọc Kant ông có cảm giác như mình đang bước vào một căn phòng đầy ánh sáng. Quả thực đó là sự khai sáng của tư tưởng triết học của Kant. Einstein nói chỉ có Kant là nhà triết học có thể nói với giới khoa học điều gì. Beethoven tâm đắc với ý tưởng cao quý của Kant “Bầu trời đầy sao trên tôi và luật đạo đức trong tôi”. Kant là một con người đạo đức, khoan dung, tình cảm và là một công dân thế giới, Weltbürger. Kể từ lúc có Kant triết học không bao giờ trở lại ngớ ngẩn như những thời gian đơn giản trước đó nữa. Tuy Einstein có thể không đồng ý với sự tồn tại của phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, tuy thời trẻ ông nghiêng về Hume và Mach nhiều hơn, nhưng càng có tuổi ông lại càng gần Kant, như các trích dẫn trên minh họa. Ngay lúc còn trẻ khi được hỏi tại Hội triết học Pháp ở Paris rằng lý thuyết của ông có mâu thuẫn với triết học của Kant hay không ông đã trả lời: “Điều đó khó nói. Mỗi triết gia đều có một Kant riêng của mình” (Das ist schwer zu sagen. Jeder Philosoph hat eben seinen eigenen Kant). Điều đó cũng đúng cho Einstein. Ông viết trong thư gửi cho Max Born: “Tôi đọc ở đây, trong số các tác phẩm khác, Prolegomena của Kant và bắt đầu hiểu tác dụng gợi ý cực kỳ lớn lao toát ra từ ông này và luôn luôn còn toát ra.” (Ich lese hier unter anderem Kants Prolegomena und fange an, die ungeheure suggestive Wirkung zu begreifen, die von diesem Kerl ausgegangen ist und immer noch ausgeht.)[2] Theo ông, một tư tưởng cao quý của Kant nằm trong câu nói “Cái (thế giới) thực không phải để cho ta, mà được đặt ra cho ta (để giải đáp nó như một điều bí ẩn)” (Das Wirkliche ist uns nicht gegeben, sondern aufgegeben) Đó là nhiệm vụ cao cả của con người.

Tuy không còn thành phố quê hương Königsberg để kỷ niệm 200 năm ngày mất của Kant, nhưng chúng ta nghĩ rằng có thể kỷ niệm ông khắp nơi, nhất là ở những nơi đã diễn ra những bi thảm chiến tranh nhất của nhân loại, như Hiroshima, hay Việt nam. Cái hố giữa “tất yếu” (Notwendigkeit) và “tự do” (Freiheit) trên thế giới còn quá lớn. Kỷ niệm ở những nơi công cuộc khai sáng vẫn còn cần thiết, cho những cái đã khai sáng, và những cái còn phải khai sáng tiếp trong mỗi thời kỳ phát triển của nhân loại.

 

Nguyễn Xuân Xanh

Tháng Ba năm 2004

Xem thêm:

Hội thảo Kỷ niệm Immanuel Kant 300 năm

 

[1] Kant có vai trò rất quan trọng trong công tác nghiên cứu não. Quan niệm của Kant về sự tổng hợp (Synthese) của cảm nhận của giác quan (Sinneswarhnehmnung) và các dạng tiên nghiệm của lý tính (apriorische Formen des Verstandes) ngày nay đã được ngành sinh học thần kinh (Neurobiologie) và nghiên cứu não (Hirnforschung) xác nhận. Các nguyên tắc hoạt động của não một phần do sự di truyền của tiến hoá giống loài, một phần kinh nghiệm từ lúc tế bào trứng hình thành đến những năm đầu của tuổi thơ. Bên cạnh đó có những quá trình xử lý kích thích từ giác quan (Sinnesreize) không lệ thuộc vào di truyền hoặc kinh nghiệm, mà do sự “tự tổ chức” của não (Selbstorganisation).

[2] Về Einstein xin xem thêm Những vấn đề triết học nhận thức luận trong nghiên cứu khoa học của Einstein trong một bài sắp tới của tác gỉa.