XÔN XAO MÙA NOBEL (I)
Luyện gà nòi hay nuôi chim đại bàng?[1]
Nguyễn Xuân Xanh
Lời nói đầu. Hai bài dưới đây tôi đã viết vào mùa Nobel năm 2007, 16 năm trước. Một phần trong đó đã được đăng trên nhật báo Tuổi Trẻ tháng 9 và 10. Mùa giải Nobel luôn là niềm cảm hứng của hàng triệu người trên thế giới, muốn biết giải được trao cho những đề tài khoa học và nhà khoa học nào. Nghiên cứu cơ bản là phần không thể thiếu của tiến trình phát triển văn minh nhân loại. Chính khoa học cơ bản đã ảnh hưởng hay tạo ra những cuộc cách mạng công nghệ quan trọng trong lịch sử, thế kỷ 17 cũng như 20. Chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản toàn diện của cố vấn khoa học của Tổng thống Roosevelt và Truman, Vannevar Bush cho giai đoạn phát triển hậu chiến là một thí dụ của tầm nhìn vĩ đại.
Xem cuộc hành trình của nhà vật lý Yukawa Hideki rất thú vị, người đoạt giải Nobel hoàn toàn từ home-made, sau khi Nhật Bản đã tạo được nền tảng văn hóa nghiên cứu khoa học trên đất nước họ:
Câu nói của nhà khoa học cha đẻ chương trình không gian của Trung Quốc Tiền Học Sâm (Hsue-Shen Tsien) trước khi mất (2009) là một sự tự phê bình nghiêm khắc đối với Trung Quốc và các quốc gia đi sau:
Tại sao, kể từ năm 1949, các đại học Trung Quốc đã không sản xuất được một nhà tư tưởng hay một khoa học gia có những phát minh tầm cỡ thế giới?
Mặt khác, nhà Trung Quốc học Joseph Needham từng kết luận sau khi nghiên cứu lịch sử khoa học của nước này:
Tuy nhiên, không ai có thể nói, sau khi nhìn thấy những gì người Trung Quốc đã làm trong công nghệ, cả cổ xưa lẫn hiện đại, rằng họ là một dân tộc không có khả năng kiểm soát Thiên nhiên một cách khoa học. Nếu khoa học hiện đại không phát triển ở đất nước họ, thì đó hẳn là do những yếu tố kinh tế, xã hội cụ thể gây cản trở, chứ chắc chắn không phải do sự bất lực của dân tộc. (Joseph Needham)
Người Trung Quốc đã học được rất nhiều khoa học của phương Tây từ thời Ngũ Tứ, rất quyết tâm, xem khoa học và dân chủ (mà họ gọi là Mr. Science và Mr. Democracy) là hai cột trụ để cứu rỗi đế chết rệu rã, và đặc biệt trong bốn thập kỷ qua. Có lẽ sẽ đến lúc các nhà khoa học của họ cũng sẽ bước lên bục vinh quang.
Câu hỏi cho Việt Nam: phải làm gì để thúc đẩy văn hóa khoa học và tri thức để sự phát triển đi đúng đường? Văn hóa hiện tại đối với giới trẻ tập trung khá nhiều vào tiêu thụ, kiếm tiền nhanh, sống vội, báo chí tôn vinh quá nhiều các “thần tượng” sắc đẹp, hoa hậu, người mẫu, những câu chuyện sống sang, diện đẹp của những người giàu có, kéo dài lê thê hết chương này đến chương khác trên mặt báo, làm cho tiếng nói khoa học vốn ít ỏi bị chìm đi. Xã hội nào cũng có ít nhiều những hiện tượng bèo bọt trên, nhưng họ còn có một số đông trí thức đủ mạnh đế thực hiện các chương trình phát triển khoa học cho quốc gia. Ở Việt Nam số này hãy còn quá ít, cùng với cơ sở khoa học và vật chất trang bị cho họ. Một xã hội muốn phát triển nhanh, cần tiết kiệm và đầu tư mạnh mẽ vào khoa học, công nghệ.
Xin nhắc lại lời nhận xét của Einstein tại sao người Do Thái được khen ngợi là giỏi:
Nét đặc trưng thứ hai của truyền thống Do Thái là sự đánh giá cao mọi loại khát vọng trí tuệ và lao động tinh thần … và sự trân quý thành tựu tinh thần. Chính do sự trân quý này mà theo tôi những người Do Thái đã đóng góp vào tất cả những tiến bộ của nhận thức trí thức theo nghĩa rộng nhất của từ trên một quy mô mà, nếu chú ý đến số lượng tương đối nhỏ và những trở ngại bên ngoài đáng kể họ phải đối mặt, những thứ không ngừng là lực cản trên con đường họ khắp mọi nơi, rất xứng đáng với sự công nhận của tất cả những người chân thật. Tôi tin rằng điều này không phải do một sự giàu có các tài năng thiên phú nào, mà do sự thật rằng sự trân quý thành tựu tinh thần ở những người Do Thái đã tạo ra một bầu không khí làm thuận lợi đặc biệt cho sự phát triển của các tài năng có thể có. […] Đồng thời, óc phê phán mạnh mẽ của họ giúp ngăn ngừa sự chạy theo bất cứ một quyền uy nào một cách mù quáng.
Cần phải thay đổi những bậc thang giá trị trong văn hóa hiện nay. Những giá trị khoa học không phải nhìn thấy bằng mắt thường mà thấy, mà bằng con mắt nghiên cứu ở chiều sâu của chân lý. Tư duy đời thường, tư duy logic không bao giờ dẫn đến những khám phá lớn. Mà cần đến trực giác của contemplation, như thiền định. Henri Poincaré diễn tả tầm quan trọng của vai trò trực giác như sau trong khám phá: “Chính qua logic, chúng ta chứng minh, chính qua trực quan chúng ta khám phá”, và “Logic do đó vẫn là mảnh đất cằn cỗi trừ khi nó được trực giác bón cho màu mỡ.”
Nếu có suy nghĩ utopia đôi chút, thì điều đó cũng lành mạnh và rất cần thiết cho những người hiện thực.
Nguyễn Xuân Xanh, 8/10/2023
⭐⭐⭐
Bài báo của TS Vũ Quang Việt trên Tuổi Trẻ ngày thứ Ba, 18/09/2007 về mô hình trường Bronx High School of Science[2] đã mở một “ý tưởng mới” cho Việt Nam: đào tạo khoa học gia giải Nobel là việc có thể làm được!. Ít ra ở nước người. Nhưng đồng thời nó cũng cho thấy, Việt Nam từ trước đến nay chỉ mới luyện gà nòi, trong khi tại Hoa Kỳ người ta luyện chim Đại bàng! Chỉ luyện hoài gà nòi thì có thể chẳng bao giờ có được đại bàng. Giống như Thomas Edison nói “Người ta chẳng bao giờ phát minh ra được đèn điện nếu chỉ luôn cải thiện cái đèn dầu”.
Ở Đức thế kỷ 19, và đầu 20, các trường Gymnasium là các trường, “nói cho cùng không phải là trường dành cho sự giáo dục bình thường, mà là cho sự thông thái” như nhà triết học Nietzsche nói. Chính những trường đó đã đào tạo nên vô số nhà khoa học được giải Nobel cho Đức. Giải Nobel được phát từ năm 1901. Đến năm 1933, năm Hitler phá tiêu nền khoa học vĩ đại của nước này, Đức đã có khoảng 30 nhà bác học được giải Nobel trong những ngành vật lý, hóa học và y khoa. Không có nước nào vào thời điểm đó có nhiều vinh quang như thế. Những thành tựu khoa học kỹ thuật to lớn của Đức là kết quả của cuộc cải cách giáo dục và đại học nổi tiếng của nhà cải cách Wilhelm von Humboldt mà chắc chúng ta đã có dịp nghe.
Câu hỏi quan trọng mà bài báo của TS Vũ Quang Việt nêu lên để mọi người suy nghĩ là: Việt Nam tự sức mình có khả năng nuôi dưỡng các khoa học gia để có được những công trình đáng được thế giới đề nghị giải Nobel hay không, và tại sao? Trong môi trường nào thì những hạt giống tài năng có thể nảy nở và phát triển thành những nhà khoa học tài năng của thế giới? Nhà đại văn hào Đức Goethe nói rằng “Tùy thuộc vào một quốc gia có nhiều chất liệu trí tuệ và giáo dục tốt mà một tài năng trẻ có phát triển được nhanh chóng và thuận lợi hay không”. Hay nói một cách khác, sự phát triển các tài năng trẻ có thuận lợi hay không là tùy thuộc vào nền văn hóa và giáo dục của quốc gia đó. Việt Nam chưa có hai điều kiện đó. Giáo dục chúng ta chưa tốt, ai cũng thấy. Tinh thần học thuật nghiêm chỉnh, khách quan trong giáo dục chưa có. Một nền văn hóa dồi dào chất liệu trí tuệ, bao gồm hạ tầng tri thức như hệ thống thư viện, tạp chí nước ngoài đầy đủ, sách vở khoa học nước ngoài hay được dịch thuật, các phòng thí nghiệm hiện đại, cũng chưa có. Thêm vào đó, điều này rất sinh tử, tài năng và sự đam mê khoa học chưa có được bệ phóng của xã hội. “Con người phải sống được mới làm nên lịch sử” như Các Mác nói. Nhưng con người say mê khoa học chưa sống được, chưa phát triển được. Hàng loạt phải bỏ ra đi, hay chuyển hướng. Các em được giải Olympic sau đó không có điều kiện để sống và lao động khoa học như ở các nước ở phương Tây. Nghiên cứu khoa học bị teo lại so với các nước láng giềng. Có lẽ các nhà hoạch định phát triển Việt Nam (bao gồm giáo dục, khoa học & công nghệ, và cơ chế) nên có một kế hoạch lớn: làm sao để đất nước có thể tự nuôi dưỡng và phát triển được những nhà khoa học có thể vươn lên giành được giải Nobel. Hãy lấy giải Nobel làm tiền đề, để xem xét lại và cải tiến nền giáo dục cấp phổ thông và đào tạo trên đại học của nước ta.
Năm 2002 tôi có viết một bài được TBKTSG đăng, đề nghị TP hãy đi đầu xây dựng một Viện Bảo Tàng Khoa Học Kỹ Thuật để góp phần giáo dục tuổi trẻ khoa học kỹ thuật. Một viện bảo tàng như thế có thể phục vụ các vùng xa bằng những chiếc xe cơ động. Tương tự một đại thư viện cũng thế. Phải đưa thí nghiệm vào ngay các lớp học sớm như có thể. Phải “đại chúng hóa” khoa học kỹ thuật, bằng nhiều cách, bằng sách vở, nguyệt san, phim ảnh v.v.. Phải xây dựng các đại thư viện như phương Tây. Chúng ta chưa có gì hết. Dân không thể giàu, nước không thể mạnh, và đất nước không thể văn minh, nếu không có khoa học kỹ thuật xuyên suốt ngự trị trong đời sống kinh tế và xã hội như một nền tảng tri thức vững chắc. Lại càng không thể nuôi dưỡng và đào tạo “chim đại bàng”, hay mơ ước đến giải Nobel.
Ngài Tổng lãnh sự Đức lúc bấy giờ đã vận động một số Cty Đức, và họ đã hứa trang bị cho một góc về sự phát triển của họ, như Siemens, Mercedes-Benz. Chắc chắn nếu phía VN nghiêm túc, sẽ có thể tranh thủ nhiều Cty nước ngoài như thế, hoặc tranh thủ các tổ chức quốc tế ủng hộ đề án này. Nhưng không thấy sự quan tâm từ phía UBND. Và đến nay vẫn chưa có một đề án như thế trong quy hoạch tổng thể của TP (cũng như chưa có một đề án một nhà đại giao hưởng). Tôi xin mượn câu nói của nhà vật lý học Niels Bohr nói về cơ học lượng tử để nói một cách tương tự rằng “Ai chưa thấy thất kinh trước sức mạnh của khoa học kỹ thuật, người đó chưa hiểu khoa học kỹ thuật là gì trong việc xây dựng và giữ nước”.
Và đất nước sẽ phải trả giá rất đắt cho sự không hiểu biết đó. Hãy nhìn các nước Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thailand, Trung Quốc. Rồi nhìn lại chính mình!
18.9.2007
Xôn xao mùa Nobel (II)
(Hay: Luyện gà nòi hay nuôi chim đại bàng)
Mỗi năm cứ đến mùa Ủy Ban Giải Nobel ở Stockholm, Thụy Điển phát giải Nobel, lòng tôi xao xuyến, chắc thế giới cũng thế, mừng cho những nhà khoa học đã may mắn được giải thưởng cao quý này cho những khám phá vượt bậc của họ trong khoa học, nhưng cũng nghĩ lại đất nước mình, biết đến bao giờ Việt Nam có được một nhà khoa học sống và làm việc trên đất nước mình, với những trang thiết bị của Việt Nam, lọt vào vòng danh sách của những người được đề cử giải Nobel.
Biết rằng Giải Nobel không phải là thước đo lường sự phồn vinh của một dân tộc. Người Nhật đến nay được giải Nobel không nhiều lắm, “không đáng sợ” lắm bằng kinh tế của họ, so với Đức đã một thời vàng son 1/3 đầu thế kỷ 20, và người Mỹ đã bức phá từ giữa thế kỷ 20 trở đi. Nhưng cũng phải công nhận nó đã giúp công nhận những thành tựu rực rỡ trong khoa học mà loài người đã đạt được phục vụ sự tiến bộ, phồn vinh và hạnh phúc cho nhân loại.
Giải Nobel cho thấy sức sống và phát triển khoa học và trí tuệ rực rỡ của một quốc gia.
Theo những số liệu thống kê, trung bình mỗi quốc gia phải bỏ ra ít nhất khỏang 30 năm mới hy vọng có được một giải Nobel về khoa học. Liên Xô được giải đầu tiên sau 39 năm thành lập nhà nước Xô Viết năm 1917. Czechoslovakia cần 41 năm, và Ba Lan 46 năm, Pakistan 29 năm và Ấn độ 30 năm, Nhật Bản 81 năm từ Minh Trị Duy Tân 1868 cho đến giải Nobel vật lý đầu tiên của Yukawa Hideki năm 1949. Trung Quốc (1949) đã thành lập đến nay được 58 năm; nếu tính từ cuộc cách mạng Tân Hợi của Tôn Dật Tiên (1912) thì 95 năm. Họ sau khi thành công giành quyền đăng cai tổ chức Olympic 2008 đang bị áp lực rất lớn để chiếm được một giải Nobel. Họ muốn chứng minh rằng “Vương quốc trung tâm” đã vào trung tâm khoa học của thế giới. Từ 1978, năm mở cửa, TQ đã gửi khỏang 600.000 sinh viên và học giả ra hải ngoại, trong số đó 150.000 người trở về. Từ 1986 đến 1998 theo thống kê có hơn 21.600 sinh viên TQ tốt nghiệp tiến sĩ trong khoa học và công nghệ từ các trường đại học Mỹ, và trong số này 17.300 dự định ở lại. Và đa số người giỏi có thể là ứng viên cho giải Nobel tương lai nằm trong số người ở lại. Nhưng nhiều người trở về có những vai trò quan trọng trong bộ máy thực thực hiện chính sách hiện đại hóa khoa học và giáo dục cho TQ, một chính sách ngày càng cung cấp cho TQ nhiều tài năng khoa học trẻ.
Những người gốc Trung Quốc đạt được giải Nobel đầu tiên như Chen Ning Yang (Viện nghiên cứu cao cấp Princeton) và Tsung-Dao Lee (Đại học Berkeley của California) năm 1957 đều là những người đã di dân đến Mỹ trước khi nước nước CH Trung Hoa được thành lập. Tiếp theo đó là 4 người gốc TQ khác lần lược cũng đã được giải Nobel: Samuel Chao Chung Ting của MIT và CERN (1976); Yuan Tseh Lee (Lý Viễn Triết)[3] của Đại học Berkeley, California (1986); Steven Chu của Đại học Stanford (1997) và Daniel C. Tsui của Đại học Princeton (1998). Tất cả đều làm việc trong lãnh vực vật lý; riêng lãnh vực của Y.T. Lee là hóa vật lý.
Từ năm năm trở lại đây tại TQ đã có một “hội chứng Nobel” trong dân chúng. Cộng đồng TQ ngày càng quan tâm mạnh mẽ đến triển vọng được giải Nobel. “Khoa học TQ: đã đến lúc phải có giải Nobel!”, hay “TQ lập chương trình để mang về giải Nobel trong (đầu) thế kỷ 21”, “với thế mạnh trong toán học, khoa học nano, thuyết lượng tử, và sinh học, TQ có khả năng giành được một giải Nobel trong thời gian 2010 – 2030” như những người lãnh đạo khoa học của TQ hiện nay tiên đoán. Chen Ning Yang cũng lạc quan cho rằng các nhà khoa học lục địa sẽ giành được một giải Nobel trong vòng 20 năm tới, và nhiều hơn nữa.
Lực cản cho giới khoa học TQ trong lịch sử cận đại là rất lớn. Giới khoa học ở đây đã từng bị giới chính trị đấu tố và triệt hạ qua các chiến dịch “chống hữu khuynh” năm1957, rồi “cách mạng văn hóa” năm 1966-1976, những cơn ác mộng khủng khiếp cho giới trí thức và khoa học TQ. Einstein không phải là người TQ mà còn bị đấu tố ở đó giữa những cuộc đấu đá chính trị. Người trí thức bị gán cho đủ thứ tội và bị bắt đi đày làm ruộng thay vì làm khoa học. Kết quả là cả một thế hệ khoa học với rất nhiều người tài giỏi bị tiêu vong, què quặt, mà đáng lẽ họ đã có thể đưa nền khoa học TQ hòa nhập vào quỹ đạo của thế giới. Nhiều người đã bỏ hẳn nghiên cứu để trở về với những công việc vặt vãnh để kiếm sống ở các xí nghiệp. Trừ một số làm việc cho các chương trình quân sự và không gian của nhà nước.
Lực cản khác có lẽ cũng nằm trong truyền thống văn hóa có những khuyết tật lâu đời của TQ. “Sự quan tâm thuần túy đến khoa học hoàn toàn không được khuyến khích”, như Hegel nói, và “việc nghiên cứu khoa học, đặc biệt vì phải tuân thủ chính trị, nên không thế có tính chất tự do mà nó đã có ở châu Âu. Cho nên tên tuổi vẻ vang của nền khoa học TQ tiêu vong”. Khoa học thiếu vắng “tính nội tâm” và tự do cho nó. Joseph Needham cho rằng đạo Khổng đóng góp rất tiêu cực vào sự phát triển khoa học, vì, theo ông, Khổng giáo chỉ nhắm vào những nghiên cứu ứng dụng thực tiễn mà chối từ tính quan trọng của việc nghiên cứu lý thuyết. Khoa học chưa bao giờ có vị trí xứng đáng trong giáo dục. Sau Khổng giáo nền tư tưởng của TQ hầu như không có gì mới cả. “Hơn 2000 năm dài “Đảng Khổng giáo” đã thống trị”, giống như TQ luôn luôn là “Nhà nước một đảng”. Kiến thức đã bị bộ máy nhà nước kiểm soát chặt chẽ, để bảo vệ nó: “Tất cả những điều đáng biết thì Khổng tử đã biết rồi. Nhiệm vụ của các thế hệ tiếp nối là chỉ tiếp thu kho tàng kiến thức này một cách thụ động và kính cẩn”. Truyền thống của những cuộc đối thoại lớn về tư tưởng, khoa học vắng bóng. Các bậc thầy bao giờ cũng là những người có lý. Tuổi tác nặng ký hơn tính đổi mới, sáng tạo. Giáo dục nho giáo nhằm buộc chặt học trò vào thầy, trò chỉ còn biết qui phục. Quy phục trước thầy, rồi cao nhất là trước vua – tượng trưng cho “ý trời”; dân chỉ là con trẻ không trưởng thành muôn thuở. Trong khi đó tính sáng tạo cao nhất của con người lại nằm trong độ tuổi từ 25 đến 45, với đỉnh cao khoảng 37, tức tuổi “học trò”. 85% người được giải Nobel thế giới có những khám phá lớn vào độ tuổi trong khoảng này. C.N. Yang ở tuổi 35. T.D. Lee 31, Ting 40, nhưng Lee 50, Chu 49 và Tsui 59 [so với Newton 24, Einstein 26, Heisenberg 24, Dirac 25, Planck 42, Schrödinger 39. Trong xã hội TQ những người trẻ không có tiếng nói. Và những học giả cũng chỉ làm quan, và chỉ có quan mới được quý trọng. Giới trí thức chỉ hoạt động cho nhà nước như cách tiến thân duy nhất, và đã bị “quan liêu hóa” bởi bộ máy. Bộ máy quan lại đã thu hút những cái đầu giỏi nhất hơn 2000 năm, nhưng nền khoa học TQ vẫn không phát triển như phương Tây đã phát triển mặc dù họ đã dẫn trước phương Tây rất lâu (đến thế kỷ 15)[4].
Yuan Tseh Lee có người đỡ đầu cũ ở Đài Loan, Wu Ta-you. Ông này nói: “Nếu Y. T. Lee ở lại Đài Loan, anh ta không thể có được giải Nobel”. Lee thêm vào: “Tôi đã ở Hoa Kỳ ba mươi năm, và điều quan trọng nhất tôi học được, đó là mọi người đều bình đẵng”. Tương tự, Chen Ning Yang công nhận rằng ông ta chắc cũng không thể có giải Nobel nếu ông trở về TQ những năm đầu 50, lý do ông sẽ không bao giờ được nghe cuộc tranh luận về định luật bảo toàn phép đối xứng gương trong vật chất mà ông và T.D. Lee chứng minh là nó bị vi phạm đối với tương tác yếu là một trong 4 loại tương tác trong trời đất, để sau đó cùng nhận giải Nobel.
TQ đã và đang nỗ lực đầu tư tài chánh, trang thiết bị hiện đại, thay đổi cơ chế thuận lợi hơn cho giới khoa học, khuyến khích tài năng khoa học trẻ, và phát triển mạnh mẽ quan hệ khoa học với các nước phát triển hàng đầu thế giới để nâng cao vị trí và chất lượng của giới khoa học nước này, và để mong sẽ sớm có một giải Nobel. Nhiều nhà khoa học được đào tạo ở Đông Âu trước đây bị “thất sủng”, phải chật vật sống nhờ vào nước ngoài, nay được nhận những chức vụ quan trọng trong các tổ chức khoa học đầu đàn, với mức lương tháng từ USD 1000 – USD 2000 tháng. Năm 1995 Đảng CS và chính quyền TQ khởi động chương trình “đem lại sức sống cho quốc gia bằng khoa học, công nghệ và giáo dục”, chi phí cho R&D sẽ tăng lên trên 1.5 phần trăm của GDP cho đến cuối thế kỷ 20. Năm 2006 chương trình 15 năm “Kế hoạch ngắn và dài hạn cho phát triển khoa học và công nghệ” đặt ra mục tiêu đạt “60% của tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học và công nghệ cho đến năm 2020”. Để đạt được mục tiêu ấy chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển sẽ tăng từ 1.3% hiện nay lên con số 2.5% GDP, tức tương đương với các đầu tư của các quốc gia tiên tiến khác [Nam Triều Tiên 2.65, Đài Loan 2.05, Singapore 1.88, so với Nhật Bản 3.12, Mỹ 2.69, Đức 2.46, Pháp 2.14 phần trăm của GDP năm 2000]. Cuộc tìm kiếm giải Nobel đã trở thành sự quan tâm chính trị, và động lực của giới lãnh đạo TQ.
Trong khoảng 10-20 năm nữa, nếu thành công đoạt giải Nobel thì tính ra TQ cũng đã phải cần đến 35-45 năm kể từ lúc được cởi trói cuối những năm 70, nhưng phải mất khoảng 75 năm tính từ cách mạng TQ 1949, một thời gian không ngắn đối với một dân tộc thông minh và đông nhất thế giới. Trong lúc đó đã có 6 nhà khoa học gốc TQ được công nhận giải Nobel bởi những công trình nghiên cứu ngoài TQ. Tất cả cho thấy “thời tiết chính trị” nước này là vô cùng tai hại nhiều thập niên liền cho việc phát triển khoa học. Cũng thật khó hiểu khi trong một đất nước đáng lẽ cần giới trí thức để xây dựng thì giới này lại trở thành mục tiêu để đánh phá và tiêu diệt.
Nói nhiều về người để nghĩ đến ta. Không biết bao giờ Việt Nam mới có một cuộc chấn hưng nền khoa học nước nhà. Một tiềm năng trí tuệ lớn lao của của đất nước không được phát triển và bị phung phí. Trong khi giáo dục và khoa học của các nước khác trong khu vực đã được định hướng và đặt trên hệ thống đường ray hiện đại để thẳng tiến về những mục tiêu thế kỷ thì VN đang phải vật lộn với những vấn nạn giáo dục, đại học, khoa học, tham nhũng, những vấn đề “ảo” đáng lẽ không có, đáng lẽ không làm tiêu hao biết bao thì giờ và tâm trí của dân tộc. Đáng lẽ một đất nước nhỏ hơn lại càng phải trông cậy nhiều hơn vào việc phát triển vốn quý chất xám của dân tộc xem đó là sức mạnh nội lực của mình. Dường như phần đông xã hội phương Đông chưa có lòng tin, hay biết tin vào khoa học, và vào sức mạnh của nó./.
(9.10.2007)
Xem thêm văn hóa khoa học:
Cần một văn hóa khoa học để phát triển
[1] Một phần bài này đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ tháng 9.2007
[2] Trường này được thành lập năm 1938, nay có tổng cộng 8 sinh viên tốt nghiệp đã giành được Giải thưởng Nobel—nhiều hơn bất kỳ cơ sở giáo dục trung học nào khác ở Hoa Kỳ—và 7 người đã giành được Giải thưởng Pulitzer. Bảy trong số các giải Nobel là về vật lý, giúp Bronx Science được Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ chỉ định là “Địa điểm Vật lý Lịch sử” vào năm 2010. Ở Anh có một trường trung học có hai nhà vật lý giải Nobel: Paul Dirac và Peter Higgs.
[3] Ông có đến diễn thuyết tại Đại học Khoa học TP Hồ Chí Minh ngày 1/7/ 2019. Xem https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/hsinchu-tan-truc-va-bai-hoc-cat-canh-cua-dai-loan/
[4] Nhật Bản từ cuộc canh tân Minh Trị 1868 đã bỏ cách học từ chương kinh điển kiểu TQ nhọc nhằn, buồn tẻ, gọi là “cái học rỗng”, thay vào đó cái học khoa học, “cái học thực tiễn”, của phương Tây.