VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC HUỲNH BỬU SƠN
Dân Việt đang hăng hái làm giàu, giới trung lưu khá giả ngày càng đông, giới tinh hoa trí thức Việt, bao gồm lực lượng doanh nhân trẻ, ham học, chịu khó, có tư tưởng tiến bộ, có lòng yêu nước, có điều kiện tiếp thu kiến thức ngang tầm thế giới, ngày càng có vai trò quan trọng đối với tương lai đất nước. Để thực hiện sự đoàn kết, nhà nước cần biết lắng nghe những tiếng nói xây dựng và phản biện của giới tinh hoa, chấp nhận và dung hòa những khác biệt về nhận thức, về quan điểm xây dựng và quản lý đất nước. Điều đó sẽ tạo ra cơ hội trọng dụng nhân tài, tìm ra những giải pháp tối ưu cho các vấn đề phức tạp trên tiến trình phát triển . Dung hòa các khác biệt về nhận thức chính là điều kiện cần thiết để duy trì đoàn kết trong cộng đồng dân tộc, thể hiện sự đồng cảm giữa Nhà nước chính danh và giới tinh hoa , cùng sát cánh bên nhau đưa đất nước tiến đến cường thịnh.
Nhưng cường thịnh không chỉ là những giá trị vật chất có thể đo lường được như tổng sản lượng, thu nhập bình quân đầu người, chiều dài đường cao tốc, số lượng trường học, bệnh viện, khu công nghiệp… hay thậm chí số lượng phi cơ, tàu chiến… Cường thịnh còn là giá trị tinh thần, phẩm chất đạo đức nhân văn của toàn xã hội, là sự thụ hưởng đầy đủ tự do và hạnh phúc của người dân. Đảm bảo giá trị tinh thần của cường thịnh là trách nhiệm của một nhà nước chính danh trong vai trò trị quốc an dân của mình. Tệ nạn tham nhũng, lợi ích nhóm sẽ lan tràn, gây chia rẽ và làm mất niềm tin của người dân nếu quyền lực chính trị không được giám sát một cách nghiêm minh. Môi trường sống, môi trường thiên nhiên sẽ bị xâm phạm, bị hủy hoại nếu bộ máy hành chánh và người dân không được giáo dục tốt để biết chăm sóc và bảo vệ chúng. Quyền con người, quyền tự do của công dân dễ bị xâm phạm nếu không được hệ thống chính trị dân chủ và hệ thống luật pháp công bằng bảo vệ. Tôn trọng các giá trị đạo đức, nhân phẩm, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ hòa bình… chính là nghĩa vụ của một Nhà nước chính danh, và cũng là trách nhiệm của mọi công dân trong một quốc gia cường thịnh.
Huỳnh Bửu Sơn 2021
Từ bài viết Đoàn kết để cường thịnh – Từ quá khứ nhìn về tương lai
Trong VIỆT NAM – HÔM NAY và NGÀY MAI
(Trần Văn Thọ & Nguyễn Xuân Xanh chủ biên, 2021)
Một nền đại học tốt cần phải thỏa mãn hai nguyên tắc chủ yếu. 1/ Học suốt đời. 2/ Phát triển tư duy sáng tạo. Đại học không phải là nơi truyền thụ tư duy sao chép mà là nơi truyền thụ phương tiện nhận thức. Nhờ đó, những kiến thức mới mẻ sẽ được sản sinh ra. Cộng đồng dân tộc và cả xã hội loài người có tiến bộ hay không chính là nhờ những kiến thức mới, được sản sinh từ những tư duy mang tính sáng tạo của con người. … Đại học luôn luôn cần một không gian mở cho sự tư do hàn lâm và tuy duy sáng tạo để thực sự là cái nôi đào tạo ưu tú cho nhiều thế hệ thanh niên, hiện tại và tương lai, cho cộng đồng dân tộc Việt Nam và cả xã hội loại người.
Cuối cùng, công nhận tự trị đại học hay không là một vấn đề niềm tin. Chúng ta đã có nhiều bài học về niềm tin. Trong thời kỳ bao cấp, tư nhân và tư thương không hề được tín nhiệm trong xây dựng kinh tế. Nhưng Đổi mới đã chứng minh họ là những động lực còn mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp nhà nước trong việc thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Có niềm tin sẽ có sự phân công trách nhiệm tốt hơn. Các trường đại học chúng ta, kể cả các đại học dân lập, nên được giao thẩm quyền rộng rãi trong việc giảng dạy, tổ chức thi và cấp bằng. Họ chắc chắn làm những việc này hiệu quả hơn là những cơ quan và viên chức của Bộ Giáo dục vì họ chuyên nghiệp hơn và có trách nhiệm trực tiếp hơn đối với sinh viên. Sẽ có sự cạnh tranh để thu hút sinh viên giữa các trường đại học bằng việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Các trường đại học trong nước sẽ phải xây dựng thương hiệu và uy tín cho mình để vươn ra khu vực và thế giới. Phải chăng đó cũng là một mục tiêu mà chúng ta phải nhắm tới, ngoài những mục tiêu kinh tế, tài chính và thương mại khác, trong thời kỳ hậu WTO?
⭐⭐⭐
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn – một ánh tà dương của nhóm Thứ Sáu – vụt tắt
“Anh Huỳnh Bửu Sơn là chuyên gia kinh tế lỗi lạc vào bậc nhất của nhóm, ai ai cũng biết đến. Đóng góp của anh trong các đề án ấy là rất lớn. Phần tôi, tham gia vào những đề tài ấy như vừa được học xong đại học kinh tế”, ông Phan Chánh Dưỡng khẳng định.
Huỳnh Bửu Sơn – thêm một tia nắng tắt
https://tuoitre.vn/huynh-buu-son-them-mot-tia-nang-tat-20220604075957144.htm
Những bước tích cực nhất, nhanh mạnh nhất của Huỳnh Bửu Sơn lúc ấy là tham gia vào nhóm Thứ Sáu, một nhóm thinktank (nhóm ý tưởng) không tên, không chủ quản, không trụ sở, không điều lệ, không chức vụ, không kinh phí, không lương, chỉ có những nhà trí thức nhiệt huyết và trong sáng muốn góp phần mình vực dậy đất nước ngổn ngang bao vấn nạn sau chiến tranh.
Hình ảnh mô tả hệ quả của nền kinh tế “ngăn sông cấm chợ” những năm sau chiến tranh.
https://vietnamnet.vn/huynh-buu-son-va-chuyen-survey-duyen-hai-cung-chiec-dep-nam-sau-duoi-bun-2026698.html
Tác phẩm gói ghém mơ ước hóa rồng Việt Nam của Huỳnh Bửu Sơn.
Trải qua một thời tuổi trẻ đầy biến động, thân phận gắn liền với một giai đoạn đặc biệt của lịch sử nhưng tác giả luôn giữ sự thanh liêm của người trí thức độc lập trong nhận thức, mạnh dạn nói đúng những điều mình nghĩ, viết đúng những điều còn băn khoan chỉ nhằm đóng góp hiểu biết khiêm tốn của mình cho sự phát triển của đất nước, cho một xã hội hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay.
Với ông, làm được phần nhỏ điều mình mong muốn cho cái chung đã là rất hạnh phúc rồi. Suy nghĩ đó chúng ta có thể nhìn thấy xuyên suốt qua các bài viết trong tập sách này.
Trần Trọng Thức
Đầu thập niên 1990, Huỳnh Bửu Sơn nằm mơ thấy Việt Nam hóa rồng … Nhiều người trong chúng ta chắc cũng đã mơ thấy đất nước hóa rồng. Nhưng rất tiếc là cho đến nay giấc mơ đó chưa thành hiện thực. Tác giả cuốn sách này chắc cũng chưa vui vì nhiều ý kiến về chiến lược, chính sách của các chuyên gia tâm huyết, trong đó có anh, đã không được thực hiện. Nhưng Huỳnh Bửu Sơn không bỏ cuộc, anh vẫn còn hy vọng, còn tin tưởng là con cá chép Việt Nam sẽ vượt vũ môn trong một tương lai không xa. Và anh kêu gọi chúng ta đừng nản chí, “Mọi thứ đều có thể bắt đầu lại từ sự bắt đầu. Và sự khởi đầu quan trọng nhất chính là sự khởi động ý chí thành rồng. Con cá chép không bao giờ trở thành rồng nếu không muốn hóa rồng.”
Trần Văn Thọ
Cuốn sách là tập hợp các bài viết của tác giả trong 25 năm qua, với những trăn trở và ước mơ đổi mới đất nước Việt Nam. …. Tuy nhiên, đối với tác giả, thành quả đạt được trong hai mươi lăm năm qua tuy rất to lớn nhưng nếu so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn chưa thay đổi được vị thế tương quan, thậm chí còn có phần tụt hậu hơn! Ước mơ hóa rồng như xa dần nhưng tác giả không tuyệt vọng. Điều này nói lên ý chí bền bỉ của một trí thức Việt Nam, một Huỳnh Bửu Sơn như nhiều người biết đến trong hàng ngũ trí thức tham gia công cuộc đổi mới suốt 25 năm qua.
Phan Chánh Dưỡng
Xem đầy đủ bài giời thiệu sách ở đây của tác giả Trần Trọng Thức
GIẤC MƠ HÓA RỒNG (HUỲNH BỬU SƠN)
Kinh tế Việt Nam trong 25 năm mở cửa và đổi mới
Giấc mơ hóa Rồng là chặng đường 25 năm mà tác giả Huỳnh Bửu Sơn – Chuyên gia kinh tế – với tư cách người cầm bút đã trải qua và ghi lại, chứa đựng những trải nghiệm sống động và biết bao trăn trở của một trí thức từ ngày đất nước còn đổi mới.
Là một chuyên gia ngân hàng từ năm 1967, ông không chỉ được biết đến là người giữ chìa khóa của kho vàng 16 tấn do chính quyền cũ để lại, mà còn vì sau năm 1975 đến nay, ông đã liên tục hoạt động trong lĩnh vực này với nhiều vị trí khác nhau. Từ những hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông đã tham gia vào đời sống báo chí với hàng trăm bài bình luận và phân tích tình hình kinh tế sâu sắc.
Các bài viết của ông với ngôn từ duyên dáng nhưng lập luận chặt chẽ, văn phong bay bướm nhưng tính thuyết phục cao, trình bày những vấn đề gai góc bằng tất cả tâm tình, đã lôi cuốn một số lớn độc giả của các báo mà ông từng cộng tác như Tuổi trẻ, Lao động, Thời báo Kinh tế Sài Gòn…
Là một thành viên tích cực của Nhóm chuyên viên kinh tế “Thứ Sáu”, ông từng chủ trì nhiều công trình nghiên cứu có giá rtij thực tiễn như “Giá-Lương-Tiền” năm 1986, hay “Đổi mới Hệ thống Ngân hàng” năm 1989 làm tiền đề cho sự ra đời sau đó của Pháp lệnh Ngân hàng mà ông góp phần lớn trong quá trình soạn thảo. Cùng với ba chuyên viên khác trong Nhóm “Thứ Sáu”, ông cũng được mời tham gia vào Tổ tư vấn của chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mà như ông từng bộc bạch: “Tôi bị ông thu hút bởi đức độ, một trái tim bao dung nhân hậu, lòng yêu nước yêu dân sâu đậm và một sự minh triết đáng kinh ngạc.”
Cuốn sách này ra đời từ gợi ý của một số thân hữu, là một tập hợp những bài viết đề xuất các giải pháp cho nhiều sự kiện và vấn đề theo dòng thời sự kinh tế – xã hội gần một phần tư thế kỷ qua mà tác giả vừa là người trong cuộc vừa là chứng nhân.
Giất mơ hóa rồng là tập hợp những trăn trở và mong ước không chỉ của tác giả mà còn là của bất cứ ai trông chờ vào những giải pháp đúng đắn nhằm đưa đất nước ra khỏi vòng xoáy của nghèo nàn, lạc hậu, mà trong chừng mực cứ như đang nằm ngoài tầm với của chúng ta. Đó là những thách thức của chiến lược thời mở cửa, những giải pháp “khai thông huyệt đạo” để đi đến một tương lai thịnh vượng, cũng như đâu là những bước ngoặt trên con đường làm giàu, đưa nền kinh tế đất nước vượt vũ môn.
Trải qua một thời tuổi trẻ đầy biến động, thân phận gắn liền với một giai đoạn đặc biệt của lịch sử nhưng tác giả luôn giữ sự thanh liêm của người trí thức độc lập trong nhận thức, mạnh dạn nói đúng những điều mình nghĩ, viết đúng những điều còn băn khoan chỉ nhằm đóng góp hiểu biết khiêm tốn của mình cho sự phát triển của đất nước, cho một xã hội hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay.
Với ông, làm được phần nhỏ điều mình mong muốn cho cái chung đã là rất hạnh phúc rồi. Suy nghĩ đó chúng ta có thể nhìn thấy xuyên suốt qua các bài viết trong tập sách này.
Trần Trọng Thức
Nhà báo
MỤC LỤC
Chương 1: Chiến lược thời mở cửa
Chiến lược thời mở cửa
Kinh tế Việt Nam và chữ mở kỳ diệu
Chuẩn bị để thành rồng
Muốn phát triển phải có ý chí phát triển
Tiết kiệm cho một tương lai thịnh vượng
Khai thông huyệt đạo cho nền kinh tế
Thu hút ngoại lực, phát huy nội lực
Thực hiện giấc mơ dân giàu nước mạnh
Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức
Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng tốc cho đầu tàu kinh tế
Tạo đột phá trên con đường làm giàu
Tăng trưởng kinh tế: lượng và chất
Bay lên đi, con Rồng phương Nam
Định hướng rồng bay
Xây dựng tấm lưới an toàn cho phát triển
Vượt qua khủng hoảng
Nắm bắt cơ hội từ khủng hoảng
Từ năm 2012 nhìn về xa hơn
Đầu tư trong nước – nguồn nội lực đang suy yếu
Tương lai chúng ta là biển Đông
Biến thách thức thành cơ hội lịch sử
Hai mươi năm mơ chuyện hóa rồng
Chương 2: Xây dựng cơ chế thị trường
Cơ chế thị trường và quản lý nhà nước
Thành quả từ cơ chế thị trường
Cạnh tranh: Động lực phát triển kinh tế
Tăng giá do độc quyền – những điều đáng lo
Chấm dứt độc quyền để tăng cường năng lực cạnh tranh
Vai trò kinh tế của thị trường vốn tại Việt nam
Thị trường chứng khoán và vấn đề truyền thông
Kiểm soát dòng vốn vào thị trường chứng khoán
Ăn trứng hay phát triển đàn gà?
Thị trường vốn: Động lực của tăng trưởng
Thị trường chứng khoán: Hãy đề phòng nguy cơ bong bóng vỡ
Một giải pháp cho hai vấn đề
Trợ giá gạo: Một vấn đề chiến lược
Chính sách giá cho nông nghiệp
Nông dân Việt Nam: Những trở ngại trên con đường làm giàu
Phát triển nông thôn: Nỗ lực lâu dài của một dân tộc
Phát triển nông nghiệp – câu chuyện cũ mà mới
Các thành thị cần mở rộng cửa
Ly nông tất ly hương
Bài học từ bão Chan Chu
Nông dân Việt Nam thời hội nhập
Công nghiệp Việt Nam: Thách thức của thế kỷ XXI
Công nghiệp nội địa: cần phải hành động nhanh
Giải quyết bài toán nợ của xí nghiệp quốc doanh
Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước
Nợ công và hiệu quả đầu tư công
Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam – những vấn đề còn trăn trở
Khu vực tư doanh: Liệu có thể tự cứu
Doanh nghiệp tư doanh: Những bài học đắt giá
Chương 3: Hội nhập kinh tế
Chiến lược phát triển hướng về xuất khẩu
Sự chọn lựa dũng cảm và đúng đắn
Chuẩn bị tiếp thu ngoại lực
Nhìn về thị trường vốn châu Á
Trên con đường hội nhập
Việt Nam gia nhập ASEAN
Tăng cường khả năng tiếp thu ngoại lực
Doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh trên biển lớn
Thanh toán nội vùng ASEAN: Một bài toán khó
Chiến thắng trong toàn cầu hóa
Phát triển ngoại thương và vấn đề kiểm soát lạm phát
Doanh nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập
Nông nghiệp Việt Nam trên con đường hội nhập
Thị trường tài chính Việt Nam trước ngọn sóng WTO
Tham gia cuộc đua kinh tế toàn cầu
Kinh tế Việt Nam – một năm sau WTO
Cạnh tranh quốc gia trong toàn cầu hóa
Việt Nam tham gia TPP: một bước đi chiến lược
Chương 4: Vai trò của những yếu tố phi kinh tế
Con người: Lợi thế quyết định
Giáo dục và cơ chế thị trường
Cần chữa khỏi bệnh thành tích
Tự trị Đại học
Trí và Hành
Trọng dụng nhân tài
Văn hóa tiến cử
Nghĩ về sự kiện Ngô Bảo Châu
Những người đắp đê ngăn lũ
Khí phách doanh nhân
Chữ tín trong kinh doanh
Về một ngày doanh nhân
Buôn bán với người – nhìn lại mình
Đạo đức kinh doanh xây dựng một truyền thống mới
Tín dụng và vai trò của doanh nhân
Về tinh thần hợp tác làm ăn của người Việt
Cải cách nền hành chính quốc gia để phát triển kinh tế
Những nguyên tắc định hướng cho việc cải cách nền hành chính quốc gia
Mục tiêu cải cách nền hành chính quốc gia
Biến bộ máy hành chính thành lực đẩy
Hãy nhen lên chất lửa trong bộ máy hành chính
Bộ máy hành chính – chân ga của nền kinh tế
Xã hội hóa dịch vụ công
click để thu gọn phần tiểu sử ở trên
Vĩnh biệt chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn – ‘Người mở khóa’ đặc biệt của nền kinh tế
⭐⭐⭐
Tri thức và khoa học là không biên giới, nhưng ở đâu trí thức và khoa học được phổ biến, ở đó cái Thiện và Chân lý sẽ được tôn vinh. Trong ý nghĩa đó, đóng góp của anh Nguyễn Xuân Xanh rất đáng được trân trọng và biểu dương.
Huỳnh Bửu Sơn
Nguyễn Xuân Xanh
Họ giống như những rōnin, những samurai mất chủ. Nhưng họ không báo thù cá nhân cho chủ như các rōnin Nhật Bản từng làm, mà họ ra sức ngăn chặn một nền kinh tế đã tự managed tiến tới bờ vực thẳm, cùng lúc thay đổi mind-set tư duy giáo điều của hệ thống để cứu đất nước, dẫn tới cuộc Đổi mới. Đi tìm một con đường Kinh tế thị trường trong cánh rừng rậm gay góc và đầy hiểm nguy rình rập để thoát ra khỏi nó là điều khó khăn. Nhưng đó là nhiệm vụ hết sức trọng đại mà lịch sử đã giao cho các thành viên vào lúc nguy nan.
May mắn thay vẫn còn những con người tài năng và tâm huyết ở lại, chấp nhận “có ra sao thì ra” như anh Võ Văn Tới nói, để góp sức đưa con thuyền VN nặng nề ra khỏi vòng xoáy tự hủy diệt.
Vô cùng thương tiếc anh!
Nguyễn Xuân Xanh
⭐⭐⭐
NHỮNG CHIA SẺ VỚI HUỲNH BỬU SƠN
Dưới đây là những chia sẻ với anh Huỳnh Bửu Sơn, và gia đình anh, của những người phần lớn nằm trong trong Diễn đàn Humboldt (edu-sci) theo thứ tự thời gian mà tôi đã nhận được.
Ôi, em rất tâm đắc cuốn Giấc mơ hoá rồng của chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn.
Hải Đặng
Ôi! Tin buồn quá Thầy ạ!
Cảm ơn Thầy đã báo tin và cho em biết về con người tài hoa, yêu nước này ạ! Thật tiếc ạ!
Nguyễn Nguyên Hạnh
Trời ơi, sao mà nhanh thế! Xin chia buồn với tất cả.
Nguyễn Trung
Ôi đột ngột và đau sót quá! Tôi xin thành kính chia buồn cùng gia quyến và các ace trong Diễn đàn này. Mỗi lần gặp anh là một kỷ niệm sâu sắc không phai mờ trong tôi! Mong anh siêu thoát về nơi vĩnh hằng với khát vọng khôn nguôi cho sự hoá Rồng thật sự của Đất nước.
Chu Hảo
Thật đau và đột ngột quá! Tôi cũng có những kỷ niệm đẹp trong những dịp gặp và chuyện trò với anh Huỳnh Bửu Sơn, đặc biệt trong chuyến đi Mỹ tháng 4-1995 (trước khi bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ). Hồi đó mời và thu xếp được để anh đi là rất quý, và riêng sự tham gia của anh đã giúp cho chuyến đi thành công tốt đẹp hơn (và cho tôi -người tổ chức chuyến đi- nhận được nhiều lời cảm ơn từ các bạn Mỹ!).
Xin chia buồn với gia đình anh và bạn bè anh ở khắp nơi, đặc biệt trong Nhóm Thứ Sáu và Diễn đàn này.
Phạm Chi Lan
Tôi cũng rất bàng hoàng và sửng sốt khi biết tin anh Sơn đã ra đi. Nhà tôi có làm ở NHQGVN cùng lúc với anh Sơn (trước 75). Tôi về VN có dịp gặp gỡ, trò chuyện với anh một số lần…rất tương đắc!
Xin chia buồn với gia đình và bạn bè anh Sơn.
Mong anh thanh thản nơi cõi vĩnh hằng.
Thân mến,
Trần Quốc Hùng
Thời gian không chừa một ai, tôi cũng rất thích cuốn Giấc mơ Hóa Rồng của anh. Thiết nghĩ với một cuộc đời sống “có danh gì với núi sông”, “lúc đến mọi người cười, lúc đi mọi người khóc”, anh ra đi cũng không có gì nuối tiếc. Vận nước thì một cá nhân cũng không thể làm gì nhiều, nhất là khi dân trí chưa sẵn sàng.
Kính chúc anh an nghỉ!
Hoàng Ánh
Xin kính cẩn chia buồn với gia đình ông.
Hà Dương Tường
DẠ… NHI CÓ BIẾT VÀ GẦN VỚI TÌNH HÌNH ANH HB SƠN TRONG 10 NGÀY CUỐI…
CÁCH ĐÂY 3 NGÀY, ANH PHAN CHÁNH DƯỠNG, TRẦN TRỌNG THỨC VÀ LÊ TRỌNG NHI… RỦ NHAU LÊN NHÀ ANH SƠN… CÒN ĐÙA TÍ TI.. VÀ ANH SƠN ĐƯA TAY RA NẮM SIẾT TAY 3 ANH EM…
TỐI KHUYA HÔM QUA, ĐƯỢC CON ANH SƠN BÁO TIN.. EM CÓ LÊN NHÀ VÀ NGẮM NHÌN… CẦM CHÂN ANH SƠN LẦN CUỐI…
Những bàn tay của các anh Phan Chánh Dưỡng, Trần Trọng Thức và Lê Trọng Nhi
siết chặt bàn tay anh Huỳnh Bửu Sơn lần cuối vài ngày trước khi anh mất. Họ cũng không ngờ
anh Sơn ra đi đột ngột như thế. Cảm ơn anh L.T. Nhi tấm ảnh vô cùng xúc động này.
LÊ TRỌNG NHI
CHT
Nhân cái tin qua đời của Huỳnh B Sơn, một ngọn đuốc trong Nhóm Thứ Sáu là những chuyên viên cố vấn gốc Miền Nam có sự trọng dụng của ông VV Kiệt, thì xin nói thềm vài chi tiết: trong hình họ tụ họp gần đây trong bài báo Tuổi Trẻ thì có Nguyễn Ngọc Bích đeo kính ngồi mé cực tả là luật sư trong văn phòng của chúng tôi trước 1975 ở Công Trường Lam Sơn (cạnh Toà Nhà Quốc Hội) là văn phòng giúp Mobile Oil thầu được và tìm ra giếng dầu Bạch Hổ, anh Bích sau 1975 ngồi họp với ông Kiệt sau khi đã đi cải tạo 12 năm, có nói lời than “cố giúp nước như tôi mà cũng phải cải tạo 12 năm”, thì Ông Kiệt xoa lưng Bích nói ưu ái “Thôi, anh!” Ông Kiệt đã làm đúng lời Lý Quang Diệu khuyên TT Phạm Văn Đồng (ghi lại trong sách hồi ký “From Third World to First”) là muốn cải tổ kinh tế thì cứ hỏi các chuyên viên cũ Miền Nam VN. Sau này ông Phan Chánh Dưỡng cũng qua ngồi tại Harvard vài tháng trong Vietnam Program (tôi có dịp may gặp). Công cuộc Đổi Mới I thành công.
Tiếc là sau này sự trọng dụng sĩ phu Miền Nam đã giảm; ngay cả sĩ phu Bắc Hà cũng bị NTấn Dũng kiêu căng gạt sang một bên và hậu quả tai hại như Vina Lines v.v. xảy ra.
Tạ Văn Tài
Vẫn mong anh vượt qua được nhưng không ngờ.
Trong cuốn sách xuất bản tại Nhật năm 2010 về quá trình đổi mới và phát triển của VN tôi có in hình anh Sơn trong chương bàn về cải tổ hệ thống ngân hàng.
Hình ảnh anh Sơn sẽ mãi mãi trong tôi qua bao kỷ niệm khác nữa.
“Bác Sơn thôi đã thôi rồi!…”
Tôi rất bàng hoàng nghe tin anh Huỳnh Bửu Sơn qua đời. Tôi có quen anh Sơn và gặp anh ấy nhiều lần. Lần đầu là tháng 11 năm 1979 tại Nhà khách Thủ tướng đường Tú Xương, TPHCM.
Thương tiếc một người tận tình cho đất nước. Cũng xin chia buồn cùng gia đình và bạn bè thân thuộc của anh Sơn.
Ngô Vĩnh Long
Xin chia buồn cùng gia đình anh Sơn.
Xin chia buồn với gia đình và thân hữu bác Huỳnh Bửu Sơn.
Tôi có chút duyên với Nhóm thứ Sáu.
Khi tìm hiểu về sự thành công và không thành công của siêu ý tưởng/dự án phát triển nam Sài Gòn, tôi đã được anh Phan Chánh Dưỡng cho biết rất nhiều thông tin quý giá và dạy bảo rất nhiều điều. Đây có thể nói là một trong những thành công tiêu biểu nhất Việt Nam từ khi Đổi mới đến nay. Tuy nhiên, kết quả là rất khiêm tốn so với ý tưởng ban đầu cũng như so sánh với những Nam Giang (Gangnam) của Seoul hay Phố Đông của Thượng Hải. Điều này có thể giải thích lý do kết quả phát triển trong hơn 3 thập niên qua của Việt Nam là quá nhỏ bé so với những con hổ châu Á trước đây và hiện tại Trung Quốc đang làm được. Chúng ta chỉ có được một số kết quả như những tiểu hổ trong ASEAN mà thôi.
Tôi với anh Huỳnh Bửu Sơn có hai cái duyên: (1) cùng họ Huỳnh; và (2) cùng bắt đầu nhìn hệ thống ngân hàng từ thực tiễn công việc. Đương nhiên, tôi chỉ là bậc hậu bối và không được tham gia vào những biến cố lịch sử hết sức thú vị như anh Sơn. Tôi rất phục những gì mà anh Sơn đã làm được và tâm đắc về kiến thức và sự uyên bác của anh. Một nén nhang tiễn anh khi về với tổ tiên – người đàn ông râu kẽm có giọng nói trầm ấm, đầy nhiệt huyết với rất nhiều trăn trở. Hy vọng, những mong mỏi và kỳ vọng của anh về Đất nước trong “Giấc Mơ Hóa Rồng” sẽ sớm thành hiện thực. Giọng nói và tâm sự của anh giờ đây đang vang trong đầu em.
Nhân đây, tôi xin nêu ra suy nghĩ cá nhân của mình mà nếu có đụng chạm thì xin các tiền bối và cao nhân lượng thứ.
Tôi đã tìm hiểu về các phong trào và các nhóm tạo ra các nền tảng tư tưởng hay ảnh hưởng cho sự phát triển của các quốc gia hay rộng hơn là nhân loại trong một thời gian. Ví dụ nhóm của ba thầy trò Socrate, Plato và Aristotle; nhóm của cụ Lão, nhóm của cụ Khổng ở nước láng giềng; nhóm của các nhà khai quốc Mỹ…
Ở Việt Nam, suốt thời phong kiến, các nhóm không rõ ràng nhưng chúng ta đã học hỏi rất thành công từ mô hình phong kiến Trung Hoa để xây dựng một nhà nước mạnh mà theo đánh giá của một số người như (Buttinger trong Vietnam” A Political History) chẳng hạn thì là chế độ dựa vào tài năng. Tài năng thì mới có thể đương đầu với người láng giềng hùng mạnh hơn rất nhiều ở phương bắc và mở rộng bờ cõi ra phương nam như ngày hôm nay. Đây là một sự thật.
Tuy nhiên, Việt Nam đã không thể du nhập được các tư tưởng hay cách làm mới trong nhiều thập kỷ nên những Hội An hay Phố Hiến chỉ là nơi dừng chân của các thương khách bên ngoài mà thôi. Việt Nam đã không có được một phong trào Lan học như Nhật Bản từ thời Mạc Phủ mà sau đó Thiên Hoàng Minh Trị cùng liên minh cải cách của ông đã được hưởng lợi và thúc đẩy hơn nữa. Theo tôi hiểu, Fukuzawa Yukichi chỉ là phần đỉnh hay một trong những nhân vật nổi trội nhất của cái kim tự tháp Lan học khổng lồ ở Nhật Bản.
Có một số phong trào hay nhóm từ giữa thế kỷ 19 đến nay như Duy Tân, Đông Du hay sự trở về của các trí thức sau Thế chiến thứ 2 và gần đây là rất nhiều người du học hay ra bên ngoài với các tư tưởng mới. Tuy nhiên, trong hơn 150 năm qua, so với các con hổ châu Á, thậm chí chỉ trong ASEAN thì Việt Nam rất khiêm tốn.
Nhóm thứ Sáu là một số ít hiếm hoi (nếu không nói là duy nhất) được gọi tên cụ thể từ năm 1975 đến nay. Nói cách khác đây là nhóm có tên, theo tôi hiểu, được đánh giá là có vai trò rõ ràng nhất đối với sự phát triển (tích cực) của Việt Nam trong khoảng một nửa thế kỷ qua. Điều mà Nhóm thứ Sáu đã làm được là hết sức trân trọng. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu so với kỳ vọng (có lẽ của cả những người trong cuộc) và so với các nước đã thành công thì có lẽ hình ảnh Dự án Nam Sài Gòn nêu trên là ngụ ý tốt nhất. Nhất Việt Nam, nhưng quả là khiêm tốn so với bên ngoài và điều chúng ta muốn có.
Cách đây khoảng 15 năm, tôi biết Nhóm thứ Sáu đã có nỗ lực để thế hệ trẻ hơn, nhất là những người mới du học về (khi đó tôi chưa đi học ở nước ngoài) cùng tham gia với kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, sợi dây kết nối vẫn chưa được tiếp tục.
Tôi được biết, trong mấy thập niên qua, nhiều nỗ lực tạo ra những diễn đàn hay nhóm thảo luận và trăn trở cho sự phát triển của Việt Nam như: Hội thảo Mùa hè của các tiền bối Trần Hữu Dũng, Trần Văn Thọ, Cao Huy Thuần, Vũ Quang Việt…; nhóm về kinh tế của tiền bối Trần Nam Bình Lê Văn Cường…; nhóm IDS của các tiền bối Nguyễn Quang A, Lê Đăng Doanh, Chu Hảo, Phạm Chi Lan, Hoàng Tụy… và rất nhiều các nhóm khác; và gần đây có một số nhóm với cách tiếp cận là làm những việc cụ thể mang tính kỹ thuật hay viết chung một số quyển sách; và nhóm này cũng là một không gian.
Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thấy nơi nào có những thảo luận sâu sắc, sống động và liên tục về những vấn đề phát triển của Việt Nam. Một ví dụ điển hình là nhóm này. Các thảo luận hay trao đổi, tôi thấy, đa phần là những mảnh vụn ẩn chứa các tâm sự hay kỳ vọng.
Gần như tất cả những bậc tiền bối cũng như những thế hệ trẻ hơn rất trăn trở cho sự phát triển của Đất nước đã có mặt ở đây. Cho tôi xin hỏi: Tại sao lại như vậy?
Xin thắp một nén nhang kính cẩn chia tay anh Huỳnh Bửu Sơn và xin cảm ơn Nhóm thứ Sáu cũng như những người đã dấn thân cho sự phát triển của Đất nước.
Trân trọng!
Huỳnh Thế Du
Cám ơn Anh Xanh lời giới thiếu của anh về Huỳnh Bữu Sơn của anh em Nhóm Thứ Sáu. Mong rằng có một chút nào đến được giới trẻ của chúng ta hôm nay. Đó cũng là sự đóng góp cuối cùng của một tia nắng “Tà Dương” của nhóm Thứ Sáu, về một giai đoạn “Khúc Quanh” dòng chảy lịch sử của đất nước ta trong 50 năm trước đây.
Phan Chánh Dưỡng
Xin cảm ơn tất cả anh chị và các bạn đã có những dòng chia sẻ rất cảm động. Chúng ta mãi mãi nhớ anh Sơn. Xin cảm ơn anh Phan Chánh Dưỡng đã gửi những chia sẻ sau cùng. Tôi rất ngưỡng mộ các anh.
Nguyễn Xuân Xanh