Albert Einstein thăm Singapore 100 năm trước

by , under Uncategorized

ALBERT EINSTEIN THĂM SINGAPORE

100 NĂM TRƯỚC

(2.11.1922 – 2.11. 2022)

Joan Bieder

Đỗ Thị Thu Trà dịch

Nguyễn Xuân Xanh xem lại và trình bày

Einstein trong buổi đón tiếp tại dinh thự Belle Vue của Ngài Meyer ở Oxley Rise.

Từ trái sang phải (hàng ngồi): Alfred Montor và vợ ông; Einstein; Sir Manasseh Meyer,

người được Einstein gọi là ‘Croesus’; Elsa (vợ Einstein), ông bà Weil và Rosa Frankel

(Ảnh của Lisa Gingsburg và gia đình Frankel/Clumeck)

Lời nói đầu. Ngày 2 tháng 11 đúng 100 năm trước, trên đường đi thăm Nhật Bản, Albert Einstein đã ghé thăm Singapore. Đối với Singapore, ngày này trở nên một sự kiện lịch sử. Non một năm sau, ngày 16. 9. 1923, nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu ra đời trên hòn đảo, lúc bấy giờ còn nằm dưới quyền quản lý của Anh. Giữa thế kỷ 19, năm Giáp Thìn (1844), nhà thơ Cao Bá Quát đã từng thăm nơi này, gọi là Tân Gia Ba. Vào thời đó, ông đã cảm thấy cả một chân trời mới:

Tân-Gia từ vượt con tàu,
Mới hay vũ trụ một bầu bao la.
Giật mình khi ở xó nhà,
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.
Không đi khắp bốn phương trời,
Vùi đầu ánh sách, uổng đời làm trai

Nhân cơ hội này, chúng tôi xin đăng lại một bài viết như tư liệu lịch sử dưới đây của tác giả Joan Bider về chuyến ghé thăm đó. Chuyến đi Viễn Đông 100 năm trước rất đặc biệt. Einstein tò mò muốn biết vùng đất này còn bí mật đối với nhiều người châu Âu, nhất là trong giới trí thức. Về chuyến đi thăm Nhật Bản của ông, tôi đã biết trong sách EINSTEIN. Năm nay, quyển sách kỷ niệm đúng 15 tuổi. Điều đó khiến tôi nỗ lực thêm một chương mới cho quyển sách, trong đó có chuyến thăm Viễn Đông và châu Mỹ La Tinh, hai trong nhiều đề tài khác. Xin giới thiệu đọc giả bản dịch dưới đây của Đỗ Thị Thu Trà.

⭐ ⭐ ⭐

Ngày 2 tháng 11 năm 1922, con tàu đưa thư chạy bằng hơi nước Kitano Maru của Nhật Bản cập cảng Singapore chở theo một hành khách nổi tiếng. Giáo sư Albert Einstein, khi đó 43 tuổi, xuống tàu vào sáng thứ Năm cùng với vợ mình, Elsa. Những thí nghiệm độc lập của các nhà khoa học Anh vào năm 1919 đã xác nhận một trong những dự đoán trung tâm của thuyết tương đối của Einstein, khiến ông trở nên vô cùng nổi tiếng. Einstein sẽ tận dụng chặng dừng chân ngắn ngủi này để thuyết phục cộng đồng Do Thái, đặc biệt là thành viên giàu có nhất của họ, quyên góp cho Đại học Hebrew ở Jerusalem.

Lý do chuyến thăm Singapore của Einstein liên quan nhiều đến sự nổi tiếng của ông, và liên quan trên hết với việc ông là người Do Thái.

Sứ mệnh ở Singapore không phải là nỗ lực gây quỹ đầu tiên của Einstein, nhưng đó là một trong số ít những chuyến đi do ông tự thực hiện. Lý do chuyến thăm Singapore của Einstein liên quan nhiều với sự nổi tiếng của ông, và liên quan trên hết với việc ông là người Do Thái. Einstein tham gia sự nghiệp Phục quốc vào năm 1919, tin tưởng mãnh liệt vào việc thành lập Đại học Hebrew ở Jerusalem. Ông hình dung ra một ngôi trường ưu tú về mặt học thuật, một đại học hoạt động tự chủ, chỉ thuần túy dựa trên nghiên cứu và giảng dạy, và chuyên đào tạo sinh viên Do Thái với các tiêu chuẩn khoa học và học thuật cao nhất.

Không bằng chứng nào cho thấy Einstein có một cuốn nhật ký cá nhân, nhưng ông thường ghi lại những ấn tượng khi đi du lịch nước ngoài, và các bài liên quan đến chuyến thăm Singapore của ông tương đối dài và chi tiết. Chúng cho thấy sự cam kết với giáo dục, khả năng quan sát tinh tế, óc hài hước và sự khiêm nhường của ông.

Einstein mô tả ông đã đến và được đón tiếp ở Singapore như thế nào: “Qua những lạch nước hẹp giữa những hòn đảo nhỏ xanh tươi, tàu đã đến Singapore. Ở đó, chúng tôi đã được những người theo chủ nghĩa Phục quốc đón chào một cách thân thiện”. The Straits Times, tờ nhật báo tiếng Anh của Singapore, đưa tin rằng “nhà khoa học vĩ đại và vợ ông đã được các lãnh đạo của cộng đồng Do Thái địa phương chào đón”. Một ngày sau, một bài báo tiếp theo nói rằng, trên thực tế toàn thể cộng đồng Do Thái đã ra đón Einstein trên tàu. Điều tra dân số năm 1921 cho biết cộng đồng Do Thái ở Singapore là 623 người.

Ông bà Alfred Montor, những người mời vợ chồng Einstein lưu lại nhà mình, là thương gia buôn bán kim cương ở Singapore. Montor là người gốc Đức, do đó có thể dễ dàng trò chuyện với Einstein bằng tiếng mẹ đẻ của ông. Tại nhà mình, Montor đưa cho Einstein xem một chiếc hộp được chạm khắc bằng bạc trong đó có bài diễn văn chào mừng mà Montor sẽ đọc trong bữa tiệc chiều. Einstein ghi lại rằng bài phát biểu “thông minh, nhưng nặng nề về văn phong, được “xào nấu”, như chính tác giả của nó thừa nhận một cách đau khổ, với sự trợ giúp của Conversations-Lexicon [có lẽ là một cuốn sách về các câu từ để soạn diễn văn]”.

Vài ngày trước khi con tàu Kitano Maru cập cảng Singapore, tờ The Straits Times đã đăng một thông báo mời cộng đồng người Do Thái ở Singapore đến dự một buổi “tiệc tại gia” tại dinh thự của Ngài Menasseh Meyer để tỏ lòng trân trọng Albert Einstein. Meyer là một thương gia rất giàu có, một người Do Thái Chính thống gốc Baghdad. Ông ta làm giàu nhờ buôn bán thuốc phiện và những bất động sản đồ sộ, và sẽ trở thành mục tiêu chính trong các nỗ lực gây quỹ của Einstein. Sự giàu có của Meyer rõ ràng đã gây ấn tượng với Einstein. Trong suốt các ghi chép của mình, Einstein gọi Menasseh Meyer là ‘Croesus’, vị vua huyền thoại của xứ Lydia vào thế kỷ thứ 5, nổi tiếng với khối tài sản khổng lồ của mình. Ông mô tả ngôi nhà của Meyer “giống như một cung điện, với những sảnh đường quyến rũ kiểu Moorish. Tọa lạc trên đỉnh đồi với tầm nhìn ra thành phố và biển. Ngay bên dưới nó là một giáo đường Do Thái tráng lệ, thực sự được xây dựng để ‘Croesus’ có thể nói chuyện được với Đức Giê-hô-va”.

Nhưng Einstein tập trung nhiều hơn vào những đặc điểm ngoại hình của Meyer, để tìm hiểu sâu tính cách ông ta:

“Ở tuổi tám mươi, ‘Croesus’ vẫn là một người đàn ông thanh mảnh, lưng thẳng [thực ra, khi đó Meyer 75 hoặc 76 tuổi] với một ý chí mạnh mẽ. Một bộ râu quai nón bạc, một khuôn mặt hơi đỏ, một chiếc mũi hẹp và khoằm kiểu Do Thái, đôi mắt thông minh, có phần sắc sảo, một chiếc mũ đen nhỏ trên một cái trán cong. Giống với Lorentz [nhà vật lý nổi tiếng Henrik A. Lorentz, người bạn và cố vấn của Einstein], nhưng đôi mắt nhân từ sáng ngời của Lorentz được thay bằng đôi mắt ranh mãnh cảnh giác và nét mặt thể hiện một trật tự giản lược và công việc hơn là tình yêu đối với nhân loại và tình đoàn kết như của Lorentz”.

Việc săm soi kỹ lưỡng đôi mắt Meyer thể hiện sự quan sát thận trọng là khuynh hướng tự nhiên của Einstein, và có lẽ ông đang tìm kiếm một dấu hiệu cho thấy lời thỉnh cầu tài trợ của ông có thành công hay không. Einstein viết rằng “đây là thành trì mà ở đó, theo kế hoạch của [Chaim] Weizmann, lẽ ra tôi phải thu được lợi ích cho Đại học Jerusalem”.

Ghi chú thêm về Ngài Menasseh Meyer: Lòng hào phóng của Ngài Meyer đã đóng góp nhiều cho cộng đồng Do Thái, như xây dựng Giáo đường Chesed-El. Ông cũng thành lập (Sir) Manasseh Meyer Trust, giúp đỡ các tổ chức giáo dục và từ thiện. Trong Thế chiến thứ nhất, Meyer đã quyên góp 20.000 đô la cho nỗ lực quân sự của Anh. Ông cũng đã tặng 150.000 đô la cho Raffles College trước đây (nay là Đại học Quốc gia Singapore, NUS), nơi sau đó có một tòa nhà được đặt theo tên ông. Tòa nhà Manasseh Meyer, được công nhận là di tích quốc gia, hiện là tòa nhà chính của campus Bukit Timah của NUS. (Cập nhật ngày 11, 9, 2024. Xin cảm ơn anh Nguyễn Chí Hiếu của Ban Giám hiệu Đại học Văn Lang đã lưu ý sự kiện thú vị này.)

 

Khoa học mang tính quốc tế nhưng thành công của nó dựa trên các trường đại học do các quốc gia làm chủ.

Vào tháng 10 năm 1922, Chaim Weizmann, người đứng đầu Tổ chức Chủ nghĩa Phục quốc Thế giới, đã gửi bức điện sau từ London tới Hiệp hội Chủ nghĩa Phục quốc tại Singapore: “Giáo sư Einstein và vợ, đến Singapore, ngày 1 tháng 11, Kitano Maru. Vui lòng sắp xếp đón tiếp họ long trọng. Hãy chào mừng sự kiện này bằng một khoản đóng góp lớn cho Đại học Jerusalem”.

Johnston's Pier in the 1920s. Source: National Archives

Cầu tàu Johnston tại bến Collyer ngày ấy, nơi tàu Kitano Maru đã cập cảng và Einstein & Elsa được chào đón.

Quảng trường Raffles tấp nập (ảnh năm 1900)

Tờ The Straits Times lưu ý rằng, tại buổi tiếp đón, “Tất cả các cộng đồng và tín ngưỡng đều có mặt”, trong khi Einstein ghi lại các chi tiết khác của sự kiện, bao gồm: “Tổng Giám mục là một quý tộc người Anh mũi to, mảnh khảnh, chỉ nói được tiếng Anh. Ngài để mắt đến tiền của ‘Croesus’, không phải không thành công, nhưng chí ít không quan tâm mấy đến linh hồn của ông ta”. Rõ ràng, ít người tại sự kiện này nói được tiếng Đức hoặc tiếng Pháp, hai ngôn ngữ mà Einstein thông thạo, và ông kể lại rằng buổi chiều hôm đó là một “thảm họa vô vọng về ngôn ngữ pha lẫn với hương vị ngọt ngào của bánh”.

Einstein và Meyer ngồi trên hai chiếc ghế cao đặt sau bàn dành cho diễn giả. Montor phát biểu bằng tiếng Anh: “Chúng tôi rất vinh dự được đón tiếp ngài, không chỉ như một người con của dân tộc cổ xưa của chúng ta, mà còn như một người mà trí tuệ đã vượt xa và đặt ngài ngang tầm những con người như Democritus, Galileo và Newton”.

Einstein phát biểu bằng tiếng Đức, Montor dịch sang tiếng Anh:

Nếu khoa học là ưu việt thông qua ưu thế phổ quát của nó, thì người ta có thể hỏi, tại sao chúng ta cần một trường Đại học Do Thái? Khoa học mang tính quốc tế nhưng thành công của nó dựa trên các trường đại học do các quốc gia làm chủ. Vì vậy, nếu muốn thúc đẩy văn hóa, chúng ta phải kết hợp và tổ chức các trường đại học bằng sức lực và của cải của chính mình.

Einstein nói tiếp: “Chúng ta cần phải làm việc này nhiều hơn nữa vì những diễn biến chính trị hiện nay và đặc biệt là trước thực tế rằng một tỷ lệ lớn con cái chúng ta bị từ chối vào học tại các trường Đại học của các quốc gia khác”. Cử tọa đáp lại bằng những tiếng kêu xấu hổ. Einstein đề cập đến thông lệ numerus clausus hoặc numerus nullus, áp đặt hạn ngạch cho số lượng sinh viên Do Thái tại một số trường đại học châu Âu hoặc loại trừ họ hoàn toàn khỏi một số lĩnh vực nghiên cứu nhất định.

Einstein ghi lại rằng ông đã thấy “tình cảm nồng ấm đích thực giữa những người Do Thái ở khắp mọi nơi”. Sau khoảng thời gian dừng chân ngắn ngủi tại nhà vợ chồng Montor, họ đã tham dự một “bữa ăn thịnh soạn trong một đại sảnh mở dành cho khoảng 80 người”. Ông cũng ghi chép lại rằng, “cuối cùng” ông đã trực tiếp đề nghị Meyer đóng góp tiền cho Đại học Hebrew, nhưng “mặc dù rất nỗ lực, tôi không biết liệu một trong những tên lửa của mình có thể xuyên thủng lớp da dày của ‘Croesus’ hay không”.

Một tuần sau chuyến thăm Singapore, Einstein được trao Giải Nobel Vật lý. Vài tháng sau, Einstein biết rằng những lời thỉnh cầu của ông với Menasseh Meyer đã không vô ích. Vào tháng 1 năm 1923, sau một chuyến thuyết trình thành công ở Nhật Bản, Einsteins trở lại thăm không chính thức Singapore trên đường đến Palestine. Cũng trong tuần đó, tờ Palestine weekly đưa tin: để giúp xây dựng Đại học Hebrew, Menasseh Meyer đã đóng góp 500 bảng Anh và cộng đồng người Do Thái ở Singapore – 250 bảng Anh, một khoản tiền hậu hĩnh vào năm 1922].

——–

Chú thích

Joan Bieder là giảng viên cao cấp của Trường Báo chí Sau đại học tại UC Berkeley. Từng là nhà sản xuất cho ABC-TV Network News, bà dạy báo chí tại Đại học Columbia trước khi đến Berkeley. Bà thường xuyên dành mùa hè ở Singapore, tham khảo ý kiến các bộ phận tin tức truyền hình ở đó và gần đây đã hoàn thành dự án nghiên cứu của mình, “Tầm quan trọng và sự biến mất của người Do Thái ở Singapore”.

Giáo sư Hanoch Gutfreund, người đã dịch các đoạn nhật ký của Einstein, là cựu Hiệu trưởng Đại học Hebrew của Jerusalem, nơi ông giữ ghế Giáo sư Andre Aisenstadt Chair ngành Vật lý lý thuyết.

Một phiên bản của bài tiểu luận này đã được đăng trên tạp chí Fables vào tháng 4 năm 2000. Hình ảnh: Alan Frankel.

Bài gốc có thể tìm thấy ở đây, được post lên năm 2000-2001:

https://www.onthepage.org/outsiders/einstein_in_singapore.htm