LỜI TỰA CHO BỘ SỬ VỀ
ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG
CỦA HỌC GIẢ NGUYỄN QUỐC TRỊ
GS CAO HUY THUẦN
Lời nói đầu. Xin phép giới thiệu với anh chị và các bạn bộ sử đồ sộ có giá trị nghiên cứu và học thuật cao về nhiều vấn đề lịch sử từng nằm im trong bóng tối. Tác giả Nguyễn Quốc Trị đã lần đến “thượng nguồn” tại các kho tư liệu ở Mỹ, Pháp, cũng như phối hợp với các Trung tâm Lưu trữ tư liệu ở Việt Nam, để làm sáng tỏ vai trò của vị Đại thần nhà Nguyễn – Nguyễn Văn Tường (1824-1886) – mà ông là hậu duệ ba đời, giải tỏa hàm oan và trả lại công lý cho ông. Qua nghiên cứu này, tác giả cũng đã soi sáng được nhiều vấn đề khác của các nhân vật lịch sử thời kỳ đó, như Vua Tự Đức, Gia Long, Minh Mạng, giáo sĩ Bá Đa Lộc, vân vân, cũng như lật lại mặt trái của cách viết sử của người Pháp thời bấy giờ. Nói chung, tác phẩm vô cùng phong phú và uyên bác của ông đã soi sáng cả một giai đoạn lịch sử đen tối bao trùm lên Việt Nam tưởng chừng như chung cuộc. Đây là không phải là những tuyên bố “cảm tính”, mà là những kết luận chặt chẽ được tác giả chứng minh dựa trên các chứng cứ được ông tìm kiếm công phu và rất khoa học trong các kho tư liệu quốc tế. Với bộ đại sử của tác giả Nguyễn Quốc Trị, lịch sử của một giai đoạn đau thương như vừa bước ra ánh sáng, với tất cả sự thật của nó, và rủ sạch bao uẩn khúc của mình. Tác phẩm hy vọng đã trả lại được cho lịch sử những món nợ trăm năm, và sẵn sàng chấp nhận mọi sự kiểm tra nghiêm ngặt trong tinh thần học thuật cởi mở. Mọi sự kiểm tra, hay cả phản biện, nếu có, sẽ chỉ làm cho công trình phong phú và sâu sắc thêm hơn.
Tác giả Nguyễn Quốc Trị, theo lời ông, đã dành 12 năm liên tục, từ lúc ông 72 đến 84 tuổi, để làm cuộc khai quật lịch sử để sau cùng chắc lọc được 2.000 trang sách rất có giá trị. Một nỗ lực phi thường! Ngọn lửa yêu chân lý có lẽ đã nung nấu bao nhiêu năm để khi đạt đến cường độ tới hạn thì bùng phát lên biến thành hành động mạnh mẽ không gì cưỡng được, khiến cho tuổi tác cũng phải nhường bước. Chỉ có một sự quan tâm sâu sắc, tinh thần học thuật sâu xa, và sự lao động kiên trì không mệt mỏi mới làm hé lộ được toàn bức tranh đúng thật của nó. Đây là bộ sử hạt giống có tính đột phá, với kho tư liệu khổng lồ làm chứng cứ, có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các nhà nghiên cứu lịch sử nói riêng, và độc giả nói chung.
Dưới đây là những lời giới thiệu của các học giả Cao Huy Thuần, Tạ Văn Tài, và Bửu Viên, trong nhiều ý kiến khác đã dành cho quyển sách. Công ty sách KHAI TÂM sẽ có những buổi giới thiệu tác phẩm trong những ngày tháng tới tại Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh khi điều kiện sinh hoạt xã hội cho phép lại. NXX
❀❀
“… Cụ Nguyễn Văn Tường nghĩ đến cả ngàn năm sau, thiên thu hậu, có ai phân biệt được thị phi, đen trắng, hiểu được lòng ông không? Quận công Nguyễn Văn Tường không phải đợi đến ngàn năm mà chỉ mới hơn 120 năm, hậu duệ đời thứ ba của ông, Giáo sư Nguyễn Quốc Trị, đã tận tâm tận sức đem hết khả năng và sở học ra sưu tầm, nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, viết nên bộ sách gần 2.000 trang để minh oan cho ông. Tác giả thường tâm sự ông viết bộ sách này không vì danh, không vì lợi mà chỉ muốn trả lại sự thật cho lịch sử…”
BỬU VIÊN
❀❀
Lời tựa của GS Cao Huy Thuần:
Tác giả nói rõ: ông là hậu duệ đời thứ ba của đại thần Nguyễn Văn Tường và ông có trách nhiệm, như một người chắt và như một người Việt Nam, nghiên cứu lại sử dưới một luồng ánh sáng khác, đích thực hơn, để xét lại vai trò lịch sử của một nhân vật hàng đầu đã bị các nhà viết sử thời thuộc địa và các lực lượng đồng lõa với kẻ xâm lăng mạt sát thậm tệ, dựng lên một cái bia miệng độc hại về nhân vật đó cho các thế hệ học và viết sử đời sau tiếp diễn. Vô tình, chúng ta đồng lõa kết án một đại thần mà các lực lượng xâm lăng xem như kẻ thù số một phải trừ khử. Họ giết Nguyễn Văn Tường hai lần: một lần khi đày ông qua Tahiti, một lần khi đầu độc ông trong ký ức dân tộc. Làm công việc minh oan cho ông, tác giả Nguyễn Quốc Trị không phải chỉ minh oan cho một người mà còn cho cả một triều đại.
Vấn đề đặt ra cho giới sử học là: chủ đích như vậy có khiến công việc nghiên cứu mang màu sắc chủ quan hay không? Không người cầm bút nào trong lĩnh vực khoa học xã hội nói chung dám quả quyết rằng tôi đây trăm phần trăm khách quan. Nhưng tôi đây, như một người nghiên cứu đích thực, luôn luôn nhắm đến khách quan một cách tối đa, bởi vì lýtưởng của người cầm bút là hướng đến Sự Thật. Vậy thì quyển sách này hướng đến Sự Thật như thế nào?
Phán xét là tùy ở độc giả. Nhưng dù phán xét thế nào, không ai phủ nhận được ưu điểm đáng trân trọng của sách này: nhận xét nào của tác giả cũng dựa trên những sử liệu gốc, đầu tay, có kiểm chứng, có phân tích, mà tác giả đã dày công thu thập trong nhiều năm, miệt mài làm việc từ Thư viện của Quốc Hội Mỹ đến các văn khố lưu trữ tư liệu lịch sử ở Paris, ở Aix-en-Provence, Pháp.
Bộ sách gồm 2 tập. Cty sách KHAI TÂM và Nhà xuất bản Tổng hợp
TP Hồ Chí Minh, 2020. Ảnh của Cty sách
CẬP NHẬT: Bộ đại sử vừa được trao GIẢI SÁCH HAY tại lễ
trao giải ngày 27.9.2020 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chỉ mỗi một công trình này thôi, quyển sách đồ sộ này đã là một kho tàng quý giá, chứa đựng những sự thật lịch sử chưa hề khám phá, khai thác. Chỉ mỗi một công trình này thôi, đóng góp này đã là vô giá để lịch sử được nhìn lại với một cái nhìn khác, thoát khỏi ảnh hưởng của các “sử gia thuộc địa” và đồng minh. Chỉ mới gần đây thôi, nhân vật Nguyễn Văn Tường mới được giới sử học trong nước đánh giá lại đúng đắn hơn. Đánh giá đó được đúc kết trong kết luận sau đây của Hội nghị khoa học lịch sử về nhóm chủ chiến trong triều đình Huế do trường Đại Học Sư phạm TP HCM tổ chức ngày 12-11-1991:
“[Nguyễn Văn Tường] là một đại thần có tài kinh bang tế thế, có lòng trung quân ái quốc đến trọn đời. Hội nghị cũng khẳng định việc Nguyễn Văn Tường đứng về phe chủ chiến cùng Tôn Thất Thuyết phế bỏ các vua bán nước để lập Hàm Nghi là hành động đáng được tôn vinh. Riêng về hoạt động của ông sau sự biến 23-5 Ất Dậu (1885) còn có những ý kiến khác nhau. Việc ông trở về Huế trong khi Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết xuất bôn là một sự lựa chọn sai lầm hay là một phương lược cứu nước khác còn phải được tiếp tục làm sáng tỏ, nhưng dù sao cũng không phải là để đầu hàng Pháp. Việc thực dân Pháp bắt ông đưa đi đày ở Tahiti và cái chết của ông đã soi sáng vấn đề này”.
Soi sáng vấn đề này chính là chủ đích của sách. Nhưng để soi sáng vấn đề căn bản ấy trong cuộc đời chính trị của Nguyễn Văn Tường, tác giả Nguyễn Quốc Trị phải soi sáng cả một triều đại, cả một giai đoạn lịch sử đã u tối lại càng u tối hơn vì lạc trong mê lộ của sử sách thuộc địa. Một vài nhà viết sử nước ngoài gần đây, như Charles Fourniau, đã vạch ra cái mê lộ ấy, nhưng không ai làm công việc này một cách chi li, thấu đáo bằng ông Nguyễn Quốc Trị.
Chi li, thấu đáo, lịch sử mất nước kể trong sách này không phải chỉ là mất về binh bị, mất về chính trị, mà còn mất cả về văn hóa cho các thế hệ tiếp theo, nghĩa là mất cả cái phương hướng để ta nhìn cho rõ ta và hiểu ta đúng đắn. Trên lĩnh vực sử học, cho đến gần đây, ta chỉ bú mớm một nguồn sửa không phải là sửa mẹ, cũng không phải là sửa khoa học, mà cứ tưởng ta được nuôi trong chân lý. Quyển sách này đem lại một cái giật mình vô cùng cần thiết về sự trung thực. Đây là một tác phẩm sử học không thể thiếu cho bất cứ ai nghiên cứu và dạy học về giai đoạn lịch sử đau thương này.
Cao Huy Thuần
Nguyên giáo sư émérite
Đại Học Picardie (Pháp)
❀❀
Ý kiến của GS TẠ VĂN TÀI
Là hậu duệ 3 đời của Nguyễn Văn Tường , Đại thần Nhà Nguyễn , tác gỉa bộ sử đồ sộ gần 2.000 trang này, là giáo sư Nguyễn Quốc Trị, đã bỏ ra nhiều năm để thu thập tài liệu tại các thư viện khắp nơi, từ Việt Nam qua Pháp và Hoa Kỳ, để hòan thành sứ mạng của cuộc đời ông , một công trình vì tình kính yêu (labor of love, như người Mỹ nói) giành cho tổ tiên riêng của ông và tiền bối chung của dân tộc, là sứ mạng minh oan cho cụ cố Trường của ông và vua quan Nhà Nguyễn nói chung, trong giai đọan chống mưu toan xâm chiếm Việt nam làm thuộc địa của Pháp vào cuối thế kỷ 19, minh oan để thoát khỏi những trang sử nguỵ tạo hay tài liệu bôi lọ của thời thuộc địa. Khi gặp giáo sư Trị năm nọ tại nhà một người bạn chung ở vùng Hoa Thịnh Đốn-Virginia, tôi có thắc mắc trong đầu, và đặt câu hỏi với giáo sư trong buổi hội ngộ đó, là tại sao mà giáo sư, một chuyên gia về hành chánh học thời mới, tốt nghiệp tiến sĩ ngành này tại đại học Mỹ, lại đã nhiều năm nắm giữ chức vụ Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh của Việt Nam Cộng Hòa, thì lẽ ra phải để ý đến những vấn đề đương thời về hành chánh và phát triển trong thời đại mới, như đã tỏ rõ trong việc viết sách Third World Development: Aspects of Political Legitimacy and Viability, 1989, sau khi di cư sang Hoa kỳ, mà sao nay lại dành nhiều năm trong tuổi lão niên cho một công trình viết lại lịch sử khó khăn và có thể gây tranh cãi này? Sau khi nghe giáo sư gỉai thích cái mục đích đem công lao và tâm tình viết lại lịch sử để minh oan cho tiền bối và tiền nhân này, và nay được lần giở từng các trang trong cuốn sách công phu này, thì tôi thấy rõ là giáo sư đã đạt được mục tiêu đó, với lối tiếp cận lịch sử rất đúng tinh thần và phương pháp khoa học xã hội.
Tinh thần và phương pháp khoa học xã hội của giáo sư Trị trong tác phẩm lịch sử này được tỏ rõ trong cách đặt vấn đề dưới hình thức câu hỏi cho mỗi chương và hấu hết các tiết mục trong từng chương, chứ không xác quyết cái gì ngay lúc đầu chương và mục (thí dụ: “Nguyễn Văn Tường va vua quan Nhà Nguyễn tham lam?” “Gia Long chịu ơn Pháp?”, “Minh Mạng quên ơn Pháp?” “Ai gian trá? Người Pháp hay Nguyễn Văn Tường và vua quan Nhà Nguyễn?”), làm cho độc gỉa được giáo sư hướng dẫn vào từng vấn đề mà không có thiên kiến trước và sẽ cùng giáo sư đọc các dữ kiện lịch sử, chứa trong không những gì các sử gia viết mà còn trong các tài liệu nguyên thuỷ gốc về các biến cố (thí dụ: các tờ trình của các quan Việt nam và các viên chức pháp), rồi cùng giáo sư thẩm dịnh, phân tích, rồi mới đi đến kết luận. Tinh thần và sự kỹ lưỡng khoa học xã hội cũng lộ rõ trong số lượng tài liệu khổng lồ giáo sư Trị đã tốn công và của để thu thập, chụp hình trong nhiều chuyến du hành đến các thư viện Mỹ (Quốc Hội Hoa Kỳ), Pháp (Văn Khố bộ Ngọai Giao, Hội Truyền Giáo Hải Ngọai, Trung Tâm Văn Khố Hải ngoại v.v.) Việt Nam và qua sự giúp đõ của bạn bè thu thập tài liệu cả trong nước Việt Nam gần đây. Các tài liệu gốc được nghiên cứu công phu khiến giáo sư Trị tìm ra những chi tiết rất quan trọng, nêu cao rất sống động được tinh thần của nhân vật lịch sử, như sự cố gắng của cụ cố Nguyễn Văn Trường ghi chữ “bảo trợ” thay vì “bảo hộ”trong Hiệp Ước Patenotre Pháp ép đặt ký năm 1884, để Việt Nam vẫn giữ được tự trị nội bộ, mà chỉ mất quyền đối ngọai, nhưng rồi bị Pháp đe dọa với tối hậu thư 24 giờ phải ký bản tiếng Pháp là bản chủ văn.
Giáo sư Nguyễn Quốc Trị đã đạt được sự thành công trong sứ mạng minh oan cho vua quan Nhà Nguyễn, kể cả cụ cố Nguyễn Văn Tường, và nêu ra rõ ý chí chống thực dân xâm lược Pháp với lòng ái quốc nhiệt tình nhưng chiến lược mềm dẻo của họ. Cái niềm đau của vua quan Nhà Nguyễn trước sự xâm lăng lấn lướt của thực dân tả trong sách này khiến ta nghĩ đến những chi tiết mủi lòng như việc vua Tự Đức không còn cười nữa từ khi mất các tỉnh Nam Kỳ với hiệp ước năm 1862. Cuốn sách của giáo sư Trị cũng ở trong cái trào lưu của các sử gia ba chục năm gần đây, kể cả các sử gia trong nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam, muốn xét lại cho công bình mà nhận công lao mở mang bờ cõi và nỗ lực chống thực dân của Triều Nguyễn, kể cả tiền bối của Nhà Nguyễn tức là các Chúa Nguyễn, chứ không phải chỉ khen vua Quang Trung, rồi nói Gia Long là đem người Pháp vào Việt Nam, như các sử gia trước đây đã làm.
TẠ VĂN TÀI
Luật sư, Tiến sĩ Chính trị học và Thạc sĩ Luật học
Giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Việt Nam, trước 1975
Nguyên Giảng sư tại Harvard Law School
CẬP NHẬT: Dưới đây là buổi giới thiệu quyển sách nói trên do GS sử học Trần Viết Ngạc và TS sử học Bùi Trân Phượng, nguyên hiệu trưởng trường Hoa Sen phụ trách ngày 19.9 tại Cà Phê Thứ Bảy Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh: