Émile Zola: J’accuse!

by , under Uncategorized

 

J’ACCUSE!

TÔI TỐ CÁO!

ÉMILE ZOLA

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/7/70/Zola_signature.svg/160px-Zola_signature.svg.png

Tôi chỉ có một niềm đam mê, đó là đam mê khai sáng, nhân danh nhân loại vốn đã chịu đau khổ rất nhiều trong khi họ phải có quyền hạnh phúc. Sự phản kháng cháy bỏng của tôi đơn giản là tiếng kêu gào của linh hồn tôi.

(Je n’ai qu’une passion, celle de la lumière, au nom de l’humanité qui a tant souffert et qui a droit au bonheur. Ma protestation enflammée n’est que le cri de mon âme.)

― Émile Zola, J’accuse!

Bản dịch tiếng Anh còn có sự diễn giải thêm:

Tôi chỉ có một niềm đam mê: đó là khai sáng những ai còn bị kềm giữ trong bóng tối, nhân danh nhân loại vốn đã chịu đau khổ rất nhiều trong khi họ phải quyền hạnh phúc. Sự phản kháng cháy bỏng của tôi đơn giản là tiếng kêu gào của linh hồn tôi.

(“I have but one passion: to enlighten those who have been kept in the dark, in the name of humanity which has suffered so much and is entitled to happiness. My fiery protest is simply the cry of my very soul.”)

Đó là bản cáo trạng được xem là nổi tiếng nhất của đại văn hào Pháp Émile Zola (1840-1902) từng dấy lên, được đăng trong tờ báo cánh tả L’Aurore (Hừng đông) ngày 13 tháng giêng năm 1898, tức hơn 120 năm trước, phản kháng bản án được dàn cảnh chống lại một sĩ quan trong quân đội Pháp tên Alfred Dreyfus, xử ông chung thân năm 1894 tại tòa án quân sự ở Rennes, và đày ông đến Đảo Quỷ thuộc Guyane Pháp, nổi tiếng là đảo chết chóc như Côn Đảo Việt Nam. Chỉ vài giờ sau khi xuất bản, hơn hai trăm nghìn số báo L’Aurore đã bán hết. J’accuse một tuyệt tác của văn chương chính trị gửi cho Tổng thống Pháp Félix Faure.

Zola ngay những dòng đầu của J’accuse cảnh báo: Tên tuổi của Tổng thống và nước Pháp sẽ bị làm nhơ bẩn bởi vụ án Dreyfus, sự tha bổng tội phạm chính xác Esterházy, bởi lệnh chỉ đạo từ trên xuống cho việc phán xử, bởi bản án và sự tra tấn một người không hề có tội cho hành động mà ông không hề làm. Ông tố cáo “Tòa án quân sự đã vi phạm luật pháp khi phán xử một bị can trên cơ sở một tài liệu bị giữ kín; và tòa án thứ hai từ lệnh trên đã che chở hành động bất hợp pháp bằng cách cố ý tha bổng một kẻ có tội.” Tài liệu “mật” này là một lá thư tay (có tên Bordereau) gửi tiết lộ bí mật quân sự cho Đại sứ Đức Schwartzkoppen mà người ta cố gán ghép cho Dreyfus, nhưng thực chất là của Esterházy!

Cuối bản tố cáo, Zola viết một cách quả cảm:

Người ta hãy bình thản đưa tôi ra tòa án đi và thực hiện cuộc điều tra dưới ánh sáng ban ngày của công luận!

Tôi chờ đợi!

Zola in 1902

Émile Zola (1902)

“Tôi tố cáo” đã đã làm “nổ tung bản án đê tiện trước lương tâm thế giới”, và làm cho vụ án Dreyfus trở thành cause célèbre thế giới. Zola đã thách thức cả quân đội và ngành tư pháp, kêu gọi họ trả lại công lý cho người bị hại. Vụ Alfred Dreyfus, chính thức được Zola gọi là L’affaire, đã chia rẽ nước Pháp trầm trọng giữa hai bên, quân đội, tư pháp, giới chính trị, giới báo chí hữu, nhà nước, cùng với Nhà thờ, các lực lượng bài Do Thái, và bên kia là các lực lượng xã hội tiến bộ, phe tả, và một số tờ báo của họ. Những người ủng hộ Dreyfus được gọi là Dreyfusard, trong đó có những khuôn mặt như Sarah Bernhardt, Anatole France, Henri Poincaré và Georges Clemenceau. Danh từ người trí thức (intellectual) lần đầu tiên được sử dụng bởi Clemenceau. Ông là chủ sở hữu và chủ bút của tờ L’Aurore, người đã có công đăng tải J’accuse và đưa vụ Dreyfus ra trước công luận thế giới. Clemenceau sau này làm Thủ tướng Pháp từ 1906-09.

Zola lúc đó đang đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp văn chương, sự nổi tiếng của ông lớn chưa từng có. Ông nhận được rất nhiều sự vinh danh, chỉ còn thiếu vinh dự được kết nạp vào Hàn lâm viện Pháp, và điều này, trước khi J’accuse xuất hiện, chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhưng sau J’accuse không ai trong Hàn lâm viện dám bầu ông nữa. Với J’accuse, ông lao vào một cuộc chiến đấu với đầy hiểm nguy cho chính bản thân ông. Ông có thể bị tù đày, tra tấn và cả bị giết hại.

Bộ máy quân đội đã cố tình dàn cảnh để vu khống và khép tội phản quốc cho Dreyfus bán thông tin bí mật quân sự cho Đức, hòng loại trừ ông, chỉ vì ông có nguồn gốc Do Thái. Bản án này là kinh hoàng nhất trong lịch sử Pháp. Cuộc đấu tranh của Zola và các lực lượng tiến bộ là nhằm lập lại công lý, trung thực, và cũng để cứu vãn tên tuổi nước Pháp và Đệ tam Cộng hòa khỏi bị nhơ nhuốc.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/4/49/J%E2%80%99accuse.jpg/800px-J%E2%80%99accuse.jpg

Bài báo J’accuse! của Émile Zola

Nhiều người trong bộ máy nghi ngờ tính trung thực của bản án Rennes năm 1894 của tòa án quân sự đối với Dreyfus, trong đó trung tá Georges Picquart, một khuôn mặt rất quan trọng trong cuộc chiến đấu. Tháng 3, 1896, Picquart bắt được một tài liệu mật (gọi là le petit bleu), một lá thư khẩn của Schwartzkoppen gửi cho Esterházy. Từ đó ông đem so sánh chữ viết tay của Esterházy với lá thư Bordereau, thấy hai chữ viết giống nhau như đúc! Ông nhận ra sự thật: chính thiếu tá Ferdinand Walsin Esterházy mới là tội phạm, chứ không phải Dreyfus. Nhưng tiếng nói ông và những người hoài nghi khác đều bị dập tắt bởi hệ thống chính trị với đủ mưu chước và sự tung hô của giới báo chí bài Do Thái, như La Libre Parole, Le Petit Journal, L’Éclair, La Patrie, L’Intransigeant, La Croix. Tờ sau cùng là của Nhà thờ Công giáo.

Ngày 15. 1. 1898, tờ Le Temps công bố một thỉnh nguyện thư yêu cầu xét xử lại vụ án. Trong các chữ ký người ta thấy có những tên tuổi như Émile Zola, Anatole France, giám đốc viện Pasteur Émile Duclaux, danh họa Claude Monet, nhà văn Marcel Proust, nhà xã hội học Émile Durkheim và sử gia Gabriel Monod. Nhưng những tiếng kêu đòi công lý ấy vẫn bị bộ máy quyền lực làm ngơ.

Picquart, lúc đó là chỉ huy Sở tình báo Pháp, mặc dù được cảnh báo trước không nên can thiệp, vẫn âm thầm điều tra khi thấy có chứng cứ là Dreyfus vô tội, mà viên sĩ quan quân đội Esterházy mới chính là tên phản quốc. Ông cố gắng thuyết phục xét lại bản án Dreyfus năm 1894, nhưng Bộ Tổng tham mưu làm ngơ, không những thế Bộ này còn cho rằng Picquart đứng về phe Dreyfus, ông bị nghi ngờ là công cụ của “công đoàn Do Thái”, nên bị điều tra và theo dõi, và cuối cùng ông bị loại ra khỏi Deuxième Bureau, và năm 1896 bị đẩy đi sang Tunisia thuộc Pháp.

Nhưng cuối cùng, trước chứng cứ ngày càng rõ rệt, công luận phản kháng ngày càng mạnh mẽ, thế giới hăm dọa tẩy chay cuộc triển lãm công nghiệp Paris 1900, năm 1899 bản án Dreyfus được tái thẩm, Dreyfus được phép về Paris để bảo vệ. Nhưng ông cũng vẫn chưa được trắng án, mà bị xử với một bản án mới “nhẹ hơn” là 10 năm tù. Ông được Tổng thống “ân xá” sau đó. Mãi cho đến năm 1906 tòa án tối cao mới chịu hủy bỏ tất cả các bản, tuyên bố Dreyfus hoàn toàn vô tội. Lúc đó ông mới thật sự được trắng án. Trong khi tên phản quốc Esterházy đã cao bay xa chạy, được dàn cảnh cho trắng án và hạ cánh an toàn tại Anh sống yên ổn cho đến chết. Dreyfus được thăng lên thiếu tá và trở về quân ngũ, và cùng lúc với ông, Picquart cũng lên chức đại tá. Dreyfus được đưa đến sân của École Militaire để được trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh. Đó cũng là nơi ông từng bị tước quân hàm và bị làm nhục.

Alfred Dreyfus (1859-1935).jpg

Alfred Dreyfus (1859-1935)

Nhưng ngày đó, Zola, một trong những Dreyfusard trí thức, không còn chứng kiến nữa. Ông đã bị kết án một năm tù, và do dự chấp nhận lời khuyên của bạn bè hãy lánh nạn sang Anh một thời gian để tiếp tục công việc đấu tranh. Sau đó ông được về lại Paris. Năm 1902 Zola mất một cách lãng xẹt, vì bị ngộp khói bởi ống khói nhà ông, hưởng thọ 62 tuổi. Ông được đề cử giải Nobel văn học hai năm liền 1901 và 1902, nhưng sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy sự vinh danh cao quý dành cho mình. Ông được mai táng tại nghĩa trang Montmartre. Anatole France, người bạn chiến đấu của ông trong vụ Dreyfus, đọc bài điếu văn chính. Dreyfus vẫn có mặt tại buổi lễ mặc dù bị hăm dọa khủng bố. Luật sư bảo vệ ông và Picquart đã từng bị bắn trọng thương.

Năm 1908, hài cốt của Zola được đưa vào điện Pantheon. Tại buổi lễ đó, một nhà báo cực hữu đã bắn và làm bị thương Dreyfus. Kẻ ám sát sau đó được tha bổng, với lý do anh ta hành động vì “đam mê” chứ không phải vì cố ý?!

Tuy danh dự của Dreyfus được phục hồi, nhưng bất công trong đối xử vẫn chưa hết. Luật ban hành thăng chức cho Picquart đã công nhận những thời gian ông bị ngồi tù và bị loại ra khỏi quân đội. Nhưng đối với Dreyfus, thời gian bị hại 12 năm thì không được công nhận!

Một ngày nọ, Dreyfus đến thăm Picquart, giờ đã được làm Bộ trưởng chiến tranh trong nội các mới của Clemenceau. Hai người hồ hởi nhớ lại thời cùng nhau tranh đấu. Nhưng đến khi Dreyfus nói lý do tại sao ông đến thăm Picquart, là muốn xin Picquart tính lại thời gian ông bị hại, thì Picquart làm mặt lạnh. Ông nói, đó phải là công việc của chính quyền trước! Dreyfus hiểu ngay, và thấy đến lúc phải giã từ. Ông chúc mừng Picquart ở cương vị Bộ trưởng mới. Picquart đáp lại rằng, ông được vào nội các là cũng nhờ Dreyfus. Nhưng Dreyfus lịch sự đáp lại: “Không phải thế đâu, Ngài chỉ làm nhiệm vụ thôi.”

Khi trở về quân ngũ, Dreyfus thấy mình lạc lõng, không thể sống trong môi trường xung quanh nữa, bạn cùng lứa nay cũng đã làm lớn cả. Năm sau ông xin nghỉ hưu. Nhưng trong Thế chiến thứ nhất Dreyfus trở lại phục vụ trong quân đội Pháp tại nhiều mặt trận, trong đó có mặt trận Verdun, và được tặng “Huân chương Bắc đẩu bội tinh” (Légion d’honneur) năm 1918, huân chương cao quý nhất được Napoleon Bonaparte lập ra năm 1802. Con ông Pierre cũng phục vụ trong toàn cuộc chiến và nhận được “Chiến công bội tinh” (Croix de guerre).

Dreyfus mất ngày 12 tháng 7 năm 1935, thọ 75 tuổi. Hai ngày sau, đoàn người đưa đám tang đi ngang qua các hàng quân đội tập họp tại Công trường Concorde để kỷ niệm Ngày Bastille. Ông được chôn cất tại Nghĩa trang Montparnasse.

Affair/Der Fall Dreyfus là một vụ án lịch sử cho thấy bộ máy nhà nước ngay cả của một thể chế Cộng hòa, tại một đất nước từng diễn ra cuộc Cách mạng để xóa bỏ các giai cấp thống trị áp bức của ancient regime, đã có năng lực “đổi trắng thay đen” và áp bức con người thế nào. Với bản án Rennes 1894 dành cho Dreyfus, họ tưởng rằng công lý đã bị chôn vùi, và số phận của Alfred Dreyfus đã bị kết liễu. Nhưng không, chân lý đã không cam chịu và đã trỗi dậy, lội ngược dòng để cuối cùng chiến thắng một cách hết sức ngoạn mục. Cám ơn làm sao những con người dấn thân đấu tranh đến cùng đê bảo vệ công lý. Cám ơn vợ hiền của Dreyfus, Lucie, cám ơn anh của ông, Mathieu, là những người chiến đấu ngoan cường đầu tiên nhất, quyết không chấp nhận để bản án oan ức chôn vùi số phận người thân mình. Họ hiểu rõ hơn ai hết, bản án là sự bất công và ngụy tạo. Họ quyết kêu đòi công lý đến cùng. Và cám ơn Émile Zola, Anatole France và biết bao nhiêu trí thức khác đã dũng cảm dấn thân cho sự nghiệp kêu đòi công lý, cứu vãn chế độ Cộng hòa trước sự thao túng của quyền lực. Dreyfus là một khái niệm không quên, một ngọn lửa không tắt, trong văn hóa châu Âu, và của phương Tây, có ý nghĩa cảnh báo các bộ máy cầm quyền trước sự lạm dụng quyền lực, cũng như là bài học cảnh tỉnh cho xã hội và kêu gọi lòng đoàn kết, sự dấn thân.

Vụ Dreyfus cũng cho thấy trước thế giới, nước Pháp cuối thế kỷ 19 bài Do Thái không thua kém Đức đầu thế kỷ 20, nếu không muốn nói là hơn. Chỉ thiếu một Adolf Hitler thôi. Nhà thờ công giáo, sau 100 năm kỷ niệm bài báo J’accuse, đã đăng tải lời xin lỗi trên báo của họ La Croix về những bài xã luận bài Do Thái trước đây.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/c/ca/Cathay_Circle_Theater.jpg/1280px-Cathay_Circle_Theater.jpg

Quang cảnh ra mắt phim Cuộc đời của Emile Zola

Trước ấn tượng mạnh mẽ của cuộc chiến đấu can trường của Émile Zola cho công lý, Hollywood đã làm phim Cuộc đời của Emile Zola, dựa trên quyển sách Zola and His Times, được trình chiếu đầu tiên năm 1937 tại The Carthay Circle Theatre, California, một trong những chỗ chiếu phim nổi tiếng nhất của Thời đại vàng của Hollywood. Năm 2000, phim được chọn đưa vào khu bảo toàn phim quốc gia trong Library Congress như là phim “quan trọng về mặt văn hóa, lịch sử và mỹ học”.

Một trăm năm năm sau, 2006, kỷ niệm việc hủy bản án Dreyfus, Tổng thống Pháp Jacques Chirac có bài phát biểu tại École Militaire, nơi từng diễn ra bất công, như muốn xua tan bóng ma của vụ án Dreyfus còn lảng vảng trong tâm thức người Pháp. Ông nhấn mạnh, Dreyfus không phải là kẻ phản bội tổ quốc. Ông vinh danh Dreyfus như một người yêu nước, yêu nước Pháp một cách nồng nàn và là

một người mà Công lý đã không thực hiện trọn vẹn với ông: Sự tái lập sự nghiệp mà ông có quyền đòi hỏi, bị từ chối, cho nên người sĩ quan này, với nỗi đau trong hồn, không có con đường nào khác là rời khỏi quân đội. Cho nên quốc gia mắc ông món nợ, và cần phải vinh danh ông hôm nay.

Thể chế nào cũng muốn chứng tỏ bộ mặt tốt đẹp và sạch sẽ của mình. May thay, nước Pháp có thể thế cộng hòa, bảo đảm rộng rãi quyền tự do tranh đấu cho mọi công dân chống lại bất công. May thay, nước Pháp có những người con can đảm và xứng đáng, vượt qua mọi nguy hiểm để giành lại công lý, dù là cho một cá nhân. Họ tranh đấu cho những nguyên lý công bằng, công lý và sự thật, của thế chế mà mọi công dân được hưởng.

⁕⁕⁕

Những biến động xung quanh vụ Dreyfus có ảnh hưởng lớn lên tư tưởng của một nhà lãnh đạo tinh thần của những người Do Thái. Ông tên Theodor Herzl (1860-1904), là con của một thương nhân gốc Do Thái. Sinh ra ở Budapest, lớn lên ở Vienna. Ông chỉ quan tâm đến văn chương và kết bạn với nhiều nhà văn như Hugo von Hofmannsthal, Arthur Schitzler, và Stefan Zweig, và không để ý đến những hoạt động bài Do Thái diễn ra xung quanh. Ông tin rằng người Do Thái nên hội nhập, như bản thân ông đang làm. Nhưng rồi khi đến Paris ông chứng kiến trận cuồng phong bài Do Thái trong vụ Dreyfus. Ông cho rằng chuyến thăm Paris đã thay đổi ông, và biến ông thành một người chủ trương phục quốc (Zionist). Ngay năm sau, 1895, tại Vienna, nơi ông sống, nhà chính trị mị dân bài Do Thái Karl Lueger lên nắm quyền lực trong hội đồng thành phố với số ghế áp đảo cho đảng của mình, thêm một nhân tố thúc giục ông thay đổi tư tưởng. Bây giờ Herzl cho rằng người Do Thái cần phải có quốc gia riêng của họ. Ông bắt đầu đi vận động, tổ chức vô số hội nghị, và có vô số những cuộc tiếp xúc với các chính khách thế giới.

Ông mất sớm, năm 1904, ở tuổi 44, tại Áo. Đám tang ông được 10.000 người Do Thái khắp châu Âu đến dự. Một quê hương mới chưa có, nhưng ý tưởng của ông sẽ trở thành hiện thực. Những sự kiện ở Đức đầu thế kỷ 20 lại càng làm cho những ý tưởng ông nảy nở và chín muồi trong lòng người Do Thái về một quê hương mới.

⁕⁕⁕

Từ Đảo Quỷ đến nhà giam Guantánamo. Tại Hoa Kỳ, trong diễn văn của lễ nhậm chức, Tổng thống Barack Obama có đoạn viết sau đây, trước sự hiện diện của cựu Tổng thống George W. Bush và Phó Tổng thống Richard B. Cheney, như muốn nhắn gửi đến hai ông:

Trong việc bảo vệ đất nước chúng ta, tôi cho rằng sự chọn lựa giữ an ninh và những lý tưởng chúng ta là điều sai lầm. Các vị cha lập quốc chúng ta đã chiến đấu với những nguy cơ mà chúng ta không hình dung hết nổi, và mặc dù thế, họ đã phác thảo một Hiến chương thành lập một Quốc gia nhà nước pháp quyền nhằm bảo đảm các quyền con người – một Hiến chương được viết bằng máu của nhiều thế hệ. Những lý tưởng này luôn luôn mang lại ánh sáng cho thế giới, và chúng ta sẽ không vì tính tiện lợi mà bỏ đi những lý tưởng đó.

Sau khi nhậm chức, việc đầu tiên của Tổng thống Obama làm là thực hiện lời hứa đóng cửa nhà tù Guantánamo giam giữ những kẻ bị tình nghi là khủng bố nhưng không có chứng cứ để buộc tội, để làm cho nước Mỹ trở lại nhà nước Pháp quyền. Họ phải được hưởng những điều kiện pháp lý được Hiến pháp và luật pháp bảo vệ. Obama muốn làm sống lại tinh thần công lý của các người cha lập quốc Mỹ, và truyền thống công lý, tính chất pháp quyền của Nhà nước Mỹ. Có lẽ ông đã rút ra bài học từ vụ Dreyfus và muốn tránh cho những người vô tội trong Guantánamo, và cho nước Mỹ, những cuộc xung đột cay đắng và bi đát như đã từng xảy ra cho nước Pháp.

Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu

Viết vội những ngày cuối tháng 11, 2018. Có dịp chúng tôi sẽ cập nhật thêm.

Sách tham khảo

[1] Louis Begley, Why the Dreyfus Affair Matters. Yale University Press, 2009. Bản tiếng Đức: Der Fall Dreyfus. Teufelinsel −Guatánamo − Alptraum der Geschichte. Nxb Suhrkamp, 2009. Một quyển sách nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Tác giả là một cây bút nổi tiếng Mỹ gốc Ba Lan, đoạt nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có giải Văn học của Quỹ Konrad Adenauer Đức, giải Văn học của American Academy of Letters Hoa Kỳ.

[2] Peter Watson, The Modern Mind. An Intellectual History of the 20th Century. Perennial, 2000.